V
Văn hoá văn nghệ trong vòng tay chính trị
Nguyễn Văn Trung
“… tôi sống một đời sống ít nhiều khắc khổ, một cách ý thức tự nguyện, không nghiện rượu, thuốc lá, cà phê, chỉ nghiện hay say mê một thứ: cầm bút viết …”
Trên lãnh vực văn học, tôi cũng bị phê bình, đả kích, mạt sát, chửi rủa thậm tệ. Nhìn lại những hoạt động cầm bút của tôi và phản ứng của những người từ phê bình đến chửi rủa thậm tệ, tôi lưu ý những «hoàn cảnh viết” tùy thời điểm, thời kỳ dựa trên phân biệt quốc gia hay cộng sản, và những cái mốc trong nội bộ miền Nam Việt Nam thời đệ nhất cộng hòa (chế độ ông Ngô Đình Diệm) và thời đệ nhị cộng hòa (sau khi đảo chính ông Diệm). Trong hai thời kỳ đó, một mặt tôi Trình Bầy đường lối khả năng chính trị của các chính quyền miền Nam, mặt khác tôi cũng nói đến khả năng chống phá của người Cộng sản “trong lòng địch”.
Về thời đệ nhất cộng hòa, chế độ ông Diệm là một thứ “chuyên chính tư sản” so sánh với “chuyên chính vô sản” của miền Bắc. Trong chế độ chuyên chính kiểu tư sản này, người cầm bút được tự do nói bất cứ cái gì, miễn là phi chính trị, không đụng đến chính chế độ và một số lãnh tụ thuộc gia đình ông Diệm. Từ ngữ “mật vụ” được dùng trong thời kỳ này biểu lộ một tâm lý dè dặt sợ sệt của người dân, người cầm bút. Chỉ sau 1963, người cầm bút mới được tự do “múa bút” nhiều hơn, như Chu Tử, Từ Chung đã nhìn nhận trong “Hiệu triệu gửi nhà văn nhà báo” chào mừng cách mạng thành công, quân đội đã đứng lên quật ngã chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. “Mang danh là những người cầm bút chiến đấu cho tự do dân chủ, và giải phóng con người, vậy mà trong thời gian vừa qua, vì cơm áo, vì khiếp nhược đốn hèn, chúng ta đã nhắm mắt ăn dơ, đánh đĩ tâm hồn, phản bội sự thật, phản bội dân tộc, cam tâm làm gia nô cho bè lũ họ Ngô. Quân đội đã đứng lên làm nhiệm vụ, giành cơ hội duy nhất để thoát khỏi cảnh bồi bút, phi cầm thú”…
Những người hoạt động chống phá “trong lòng địch” cũng thú nhận những hạn chế của mình. Để đánh dấu 10 năm “Giải phóng miền Nam”, Thành đoàn thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh xuất bản một tập ký sự truyền thống thành đoàn: Trui rèn trong lửa đỏ (Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành Phố, 1985). Tập ký dày gần 400 trang, ghi lại những thành tích của thành đoàn. Chương 1và chương 2 nói về giai đoạn đấu tranh “trong lòng địch”, từ 1950 đến 1963, chỉ vỏn vẹn có 42 trang và phần còn lại kể những hoạt động của thành đoàn chủ yếu trong giới trẻ trí thức sinh viên học sinh đô thị thành lập công khai những phong trào gọi là những “phong trào tranh đấu trên mặt trận văn hóa trong lòng địch”. Thời ông Diệm, những hoạt động vận động quần chúng bị hạn chế và chỉ phát huy những âm mưu khủng bố, ám sát các nhân vật chính trị Mỹ Việt, như ám sát hụt đại sứ Mỹ Nolting. “Không như thời Pháp, Diệm nắm chặt và nắm kỹ tay sai, những tờ báo phản động hồi ấy thường đăng hình ảnh chiến sĩ ta có vẻ nanh ác bị bắn với tấm bảng treo cổ: “Việt Cộng”. Phụ trang báo ảnh cho thanh thiếu niên đầy tranh vẽ Việt Cộng mắt sâu, cằm bạnh tìm giết trẻ em. Cái gì xinh tươi, đẹp đẻ thuộc về “bảo an”, “quân đội cộng hòa”, “công dân vụ”. Sân khấu, phim ảnh tiểu thuyết cũng vậy. “Quốc gia” đối diện “Cộng sản” và quốc gia bao giờ củng thắng, đẹp”. Thời ấy sự chỉ đạo của nội tuyến thường bị gián đoạn chưa chặt chẽ, chúng ta hoạt động theo hiểu biết hạn hẹp, theo cảm tình nhiều hơn”. (Sđd, trang 291).
“Ở quê tôi, bọn ác ôn đem đầu những người kháng chiến treo tòn ten lên những hàng cây gòn trên con đường cái làng. Bọn chúng treo như vậy rất lâu, để thối rữa ra, nói là biểu dương chiến thắng của quân đội cộng hòa”, (trang 30). Đối diện với chính sách “khủng bố cách mạng”, chế độ ông Diệm, cụ thể là ông Ngô Đình Cẩn, sử dụng chính sách khủng bố chống cách mạng (xem chương 6), nên thật dễ hiểu, tình hình an ninh được đảm bảo rõ hơn thời ông Diệm vì mấy ai dám hoạt động, tuyên truyền có lợi cho Cộng sản.
Thời đệ nhất cộng hòa, tôi chỉ viết báo liên quan đến tôn giáo, triết học, văn học, không đụng đến thời cuộc chính trị. Nói cách khác, thời kì này tôi chủ trương một thứ triết học, văn học trong thư phòng. Chỉ sau 1963, tôi mới viết về chính trị thời cuộc, đưa triết học văn học xuống đường gọi là “dấn thân”. Trong 9 năm thời ông Diệm, tôi là đối tượng của nhiều phê phán trong giới cầm bút, nhưng không có đả kích, mạt sát, chụp mũ; cùng lắm chỉ nhận định những gì tôi viết một cách khách quan biện hộ hay có lợi cho Cộng sản. Chẳng hạn nhật báo Tự Do, để cả tháng trời liên tiếp phê phán bài diễn thuyết của tôi về Phạm Quỳnh; rồi nhiều tạp chí văn học hưởng ứng phê phán tôi, chỉ nói: phê phán Phạm Quỳnh là gián tiếp đồng loã với Việt Minh khi họ giết Phạm Quỳnh; hoặc trong cuộc trao đổi tranh luận giữa tôi và nhóm Văn Đàn về “văn học và luân lý”. Nhân một bữa nói chuyện khác của tôi về đề tài này, nhóm Văn Đàn phê phán đả kích nhóm Sáng Tạo, và coi tôi là nhà “lý luận văn học” của nhóm này (hồi 1960). Sau cuộc đảo chính hụt 11/11/1960, người ta cũng chỉ tố cáo thứ văn chương phi chính trị, phi luân, gây tác hại cho người thanh niên, làm cho họ xa rời cuộc chiến đấu chống Cộng sản. Văn Đàn không thể chụp mũ nhóm Sáng Tạo về chính trị, vì “Sáng Tạo và mấy tờ khác tương tự như Hiện Đại do Nguyên Sa phụ trách và Thế kỷ 20 do Nguyễn Khắc Hoạch chủ trương, đều cùng một nguồn gốc xuất xứ về chính trị.
Dưới thời mà tôi gọi là “chuyên chính tư sản”, ông Ngô Đình Nhu không trực tiếp điều khiển những sinh hoạt văn hóa giáo dục thông tin, mà là hai người cán bộ đảng Cần Lao phụ trách: Bác sĩ Trần Kim Tuyến và ông Huỳnh Văn Lang. Đường lối của họ là làm sao quy tụ được giới nhân sĩ cả Nho học lẫn Tây học, văn nghệ sĩ là giới có thói quen kỵ chính trị, ngại liên hệ với bất cứ vụ gì dính líu đến nhà nước, lại đầy tự trọng, tự cao, tự đại, không muốn chịu áp lực nào về kinh tế. Như vậy chỉ có cách là tỏ ra trân trọng chuyên môn, tài năng và cá tính của họ, để cho họ tự do làm báo, ra nhà xuất bản tư nhân, nếu cần thì giúp họ về vật chất, thủ tục hành chánh, chỉ có điều kiện duy nhất về chính trị: không được bày tỏ công khai hoặc gián tiếp lập trường theo hay thân Cộng. Đối với đa số kể trên, điều kiện đó thực ra không phải là điều kiện vì họ đã lựa chọn lập trường chống Cộng, và chỉ muốn được tự do biểu lộ lập trường đó theo cách thế của họ. Như vậy, các sinh hoạt văn hóa, văn học nghệ thuật tuy có định hướng chủ trương nhưng không có chỉ đạo. Liên lạc với chính quyền thường chỉ qua người quản lý, thư ký tòa soạn, chủ yếu là lãnh tiền tài trợ, còn chính những người đứng đầu, có người chẳng bao giờ gặp ông Nhu, ông Tuyến, ông Lang. Ngoài ra những người đứng đầu các tạp chí, cơ quan văn hóa đều là những người không Công giáo. Qua những tài liệu tôi còn giữ được, có thể kể được một số tạp chí tiêu biểu do bác sĩ Tuyến phụ trách, quy tụ đa số người Bắc hay di cư:
Tạp chí Quê Hương, nguyệt san nghiên cứu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chủ nhiệm là giáo sư Nguyễn Cao Hách ở trường Luật;
Tạp chí Luận Đàm, cơ quan của Tổng hội Giáo giới Việt Nam, chủ nhiệm là cụ Thẩm Quỳnh, chủ bút là cụ Nghiêm Toản;
Tạp chí Văn hóa Á châu, cơ quan của hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, chủ nhiệm là giáo sư Nguyễn Đăng Thục, thư ký toà soạn là Lê Xuân Khoa;
Tạp chí Những Vấn Đề Của Chúng Ta, chuyên bàn về lý luận chính trị, do Thái Lăng Nghiêm, gốc Duy Dân phụ trách;
Tạp chí Tin Sách, nguyệt san của Trung Tâm Văn Bút quy tụ các nhà văn thời tiền chiến nổi tiếng như Nhất Linh, Vi Huyền Đắc, Đỗ Đức Thu, Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Trương và các nhà văn các thế hệ sau;
Tâp chí Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương;
Tạp chí Hiện Đại do Nguyên Sa chủ trương;
Tập san Thế Kỷ 20 do Nguyễn Cao Hách đứng chủ nhiệm và Nguyễn Khắc Hoạch đứng chủ bút.
Ông Huỳnh Văn Lang phụ trách tạp chí Bách Khoa chủ ý quy tụ những người gốc miền Nam hoặc kháng chiến cũ, kể cả cựu đảng viên. Bài “Thay lời phi lộ” đăng trên số 1 xác định tinh thần mục đích của tạp chí “quy tụ mọi người không cần cùng một tôn giáo, một quan điểm chính trị, một tổ chức chính trị chặt chẽ mới có thể trở thành bạn đường trong lúc tìm kiếm bất chấp đến dĩ vãng nếu hiện thời đi cùng một con đường”.
Cũng có những tạp chí không do nguồn tài trợ của bác sĩ Tuyến hay ông Huỳnh Văn Lang, như tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, nhà xuất bản Quan Điểm của nhóm ông Nghiêm Xuân Hồng (đứng đằng sau là Duy Dân), hay tạp chí Nhân Loại rất gần gũi thành phần kháng chiến cũ nhưng đứng ở ngoài quỹ đạo báo Bách Khoa.
Ở nước ngoài, đặc biệt ở Hoa Kỳ và rõ hơn ở vùng Cali, hai người đã viết trước 1975 ở miền Nam được nhiều bài báo, nhiều số tạp chí đặc biệt, thậm chí cả sách đề cao xưng tụng, là Võ Phiến và Mai Thảo. Về Võ Phiến, tôi đã đề cập những sai sót lệch lạc trong tập Văn học Miền Nam trong chương trước; nay vẫn phải lại sự kiện này nhưng dưới một góc nhìn khác:
Trong “ngày Võ Phiến” tổ chức ở California, 14/9/1985, Nguyên Sa đưa ra nhận định văn chương miền Nam trước 75 gồm 4 khối lớn: nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo, nhóm Đất Nước của Nguyễn Văn Trung, nhóm Bách Khoa của Võ Phiến, nhóm thứ tư gồm những nhà văn độc lập. Võ Phiến, trong cuốn Văn học miền Nam – tổng quan, có nhắc lại nhận định của Nguyên Sa nhưng không thắc mắc gì, khiến người đọc có thể hiểu là Võ Phiến tán thành lối nhìn của Nguyên Sa, vốn chỉ là phát biểu ngẫu hứng một cách tự phát trong một buổi họp mặt đề cao Võ Phiến, không phải từ một nghiên cứu lịch sử văn học nghiêm chỉnh. Sau khi sách ra đời, nhiều nhà báo khác cũng nhắc lại luận điệu kể trên.
Cuốn Văn học Miền Nam – tổng quan do anh Võ Phiến “thân kính gửi tặng” tôi hồi 1994 cùng với nhiều cuốn khác của anh. Tôi cũng đã ghé thăm anh tại nhà trong một chuyến đi Mỹ. Tôi vẫn thắc mắc về lối nhìn kể trên mặc dầu tôi viết cho Bách Khoa ngay từ những số đầu tiên, ký bút hiệu Phan Mai, Hoàng Thái Linh; và số bài tôi viết cho Bách Khoa từ đầu cho đến 1975 có lẽ không thua gì số bài của Võ Phiến. Sau 1975, khi Võ Phiến đi rồi, còn ít anh em ở lại, tôi vẫn đến Bách Khoa hoặc nói chuyện với đôi ba người cộng tác viên cũ hoặc riêng với anh Lê Ngộ Châu. Gần đây tôi liên lạc được với anh Huỳnh Văn Lang, nêu thắc mắc. Anh trả lời tôi bằng cách gửi cho tập hồi ký Nhân chứng một chế độ mà anh vừa xuất bản. Anh bảo: Cứ đọc tập 1 trong ba cuốn hồi ký của anh, trong đó có nói về tạp chí Bách Khoa (từ trang 418). Một cách công khai, Bách Khoa là của anh Huỳnh Văn Lang, Sau 1963, vì anh bị rắc rối, tù đày, nên trao cho anh Lê Ngộ Châu điều hành cho đến 1975. Nhưng thực ra ngay từ đầu Lê Ngộ Châu đã là “linh hồn” của tờ báo. Anh không viết gì, nhưng lại mời được người viết thuộc nhiều giới có lập trường khác nhau viết bài. Điều khó khăn hơn cả mà anh làm được là yêu cầu người viết thêm bớt, và được mọi người vui vẻ chấp nhận. Do đó, có thể nói Bách Khoa là Lê Ngộ Châu, và chắc anh Huỳnh Văn Lang củng đồng ý như vậy. Nhưng Lê Ngộ Châu là ai? Ít ai trong giới bạn bè cộng tác với Bách Khoa thắc mắc về anh, đặc biệt về quá khứ trước 1955 ở miền Bắc của anh, có lẽ vì ai cũng quý mến anh. Sau 1975 anh không gặp rắc rối gì, kể cả thời kỳ đầu gay go, căng thẳng, và bạn bè cũ như tôi vẫn lui tới Bách Khoa cũng không gặp rắc rối gì. Có lần anh nói thoáng qua rằng anh là một cựu bí thư. Tôi không xét đoán con người thực của anh vì vô ích. Hoặc anh là người cựu Cộng sản nhưng cách sống, giao tiếp không cho thấy chút gì là Cộng sản, kể cả trong ngôn ngữ. Bài tôi viết đôi khi dùng một số từ ngữ, kiểu nói của miền Bắc trước 1975, anh chỉnh ngay, đề nghị sửa lại. Hoặc anh là người quốc gia thực sự vì lối sống hoàn toàn của một người không Cộng sản. Kết luận của cả hai giả thuyết giống nhau, chỉ có một: anh sống như một người quốc gia, và nếu anh có là người Cộng sản thì lối sống của anh lại như một người quốc gia, thì người Cộng sản đó là người quốc gia mà thôi.
Trường hợp Phạm Ngọc Thảo, một người đã cộng tác với Bách Khoa từ những số đầu, cũng đáng chú ý. Trong nội bộ đảng hình như có ý kiến nghi ngờ, nhưng rút cục, một cách chính thức, đảng nhìn nhận Phạm Ngọc Thảo là người của mình. Tuy nhiên về phía quốc gia, đặc biệt những người Công giáo, kể cả những linh mục quen thân, lại coi Phạm Ngọc Thảo là người quốc gia, người Công giáo. Nếu Phạm Ngọc Thảo là Cộng sản, lúc hấp hối không cần đóng kịch; Phạm Ngọc Thảo vẫn yêu cầu được gặp một linh mục để lo giúp phần hồn cho anh như mọi người Công giáo khác. Rút cục, chỉ có Phạm Ngọc Thảo biết rõ về mình, và bây giờ đã vĩnh viễn ra đi.
Về Mai Thảo, những người ca tụng nhà văn này ở hải ngoại đều coi Mai Thảo là người đứng đầu, chủ trương tạp chí Sáng Tạo. Cách xuất hiện của Sáng Tạo được xem là “điểm đổi hướng” trong sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam (Trương Vũ, “Sáng Tạo với văn học miền Nam”, Hợp Lưu, số đặc biệt về Mai Thảo, số 16, 1994, tr. 8). Ảnh hưởng của nhóm này ra sao, cỡ nào… vẫn có thể là một đề tài để tranh luận, nhưng có điều chắc chắn là từ 1954 cho tới nay, chưa có nhà văn hay nhóm văn học nào gây được sự khích động như nhóm Sáng Tạo (Nguyễn Tả Cúc trong bài “Tô Thùy Yên, nhà thơ”, Khởi Hành, số “Suy niệm Mai Thảo”, 1997 tr.19). Trương Vũ cho biết “Theo lời kể của họa sĩ Ngọc Dũng, sự ra đời của Sáng Tạo có tính cách hết sức ngẫu nhiên, khởi đầu từ một gặp gỡ tại phòng tranh của Duy Thanh” (trang 8).
Đối với những thế hệ sau, hạ bệ hay xưng tụng một nhà văn về phương diện sáng tác là điều bình thường trong lịch sử văn học thế giới, đúng hay sai, đều phải được tôn trọng, vì đó là quyền của thế hệ đi sau. Nhưng xác định nguồn gốc, xuất xứ của một công trình cầm bút tập thể như ra một tạp chí, một nhà xuất bản và xác định ảnh hưởng của nó đối với người đương thời, thì đó là thuộc lãnh vực nghiên cứu của lịch sử văn học. Làm việc này ở Việt Nam trước hết không thể không lưu ý đến hoàn cảnh chính trị của một đất nước trong thời kỳ lịch sử cận hiện đại, trong đó người cầm bút chưa hề có đầy đủ tự do chính trị. Và khi không có tự do chính trị, thì mọi địa hạt khác như văn học, nghệ thuật, giáo dục, tôn giáo, v.v. đều bị chính trị hóa. Thứ đến, cũng cần lưu ý tới hoàn cảnh xã hội của người cầm bút, nhất là lối sáng tác thơ văn. Đã có bao nhà văn nhà thơ Việt Nam sống được chỉ nhờ vào việc cầm bút sáng tác? Hay là văn học nghệ thuật vẫn chỉ là một nghề tay trái, nghề phụ?
Trong bối cảnh đó, việc xuất hiện tạp chí Sáng Tạo không phải là điều ngẫu nhiên, như thể Sáng Tạo ở trên trời rơi xuống, mà nằm trong một chính sách chính trị về văn hóa thời kỳ đầu đệ nhất cộng hòa. Tôi là người gần gũi với Mai Thảo, không phải vì viết bài trong những số đầu tiên của Sáng Tạo với bút hiệu Phan Mai, Hoàng Thái Linh, mà vì trực tiếp dính líu tới xuất xứ và việc điều hành Sáng Tạo. Tôi thường được Mai Thảo rủ đi nhà hàng Văn Cảnh, gần chợ Bến Thành. Mai Thảo đem xe đến đón tôi và vợ chồng một người Mỹ thuộc cơ quan USIS. Chúng tôi ăn cơm tối với nhau, sau đó khiêu vũ. Tôi không biết nhảy, nên thường ngồi nói chuyện với một trong ba người ở lại với tôi. Ông giám đốc người My này học ở Paris lấy vợ người Pháp, nói thạo tiếng Pháp vì những người Mỹ sang Việt Nam thời bấy giờ thường phải biết nói tiếng Pháp để giao dịch với trí thức Việt Nam. Quãng từ 10 giờ tới 11 giờ, Mai Thảo đưa chúng tôi về, nhưng chỉ bà vợ ông giám đốc và tôi về, còn Mai Thảo và ông giám đốc được bà vợ cho phép đi khiêu vũ tiếp với Mai Thảo. Lúc đó tôi không thắc mắc gì, nhưng bây giờ nghĩ lại, tại sao Mai Thảo không mời bạn thân của anh như Nguyễn Sĩ Tế thông thạo Pháp văn, hoặc ngoài tôi ra, Mai Thảo có rủ các bạn của anh đi Văn Cảnh với vợ chồng ông Giám đốc USIS người Mỹ này không?
Do những lần đi Văn Cảnh này mà tôi hiểu được đường lối và văn hóa của USIS và biết được Mai Thảo dính líu với USIS về tài chánh. Sau 1963, tôi đọc được trong hồ sơ hành chánh của Bộ Thông tin và Thanh niên một nghị định do ông Trần Chánh Thành ký cấp giấy phép cho tờ Sáng Tạo do ông Robert P. Speer giám đốc thông tin Hoa Kỳ tại Việt Nam làm đơn gửi Bộ Thông tin và Thanh niên. Trong văn thư này có nói về một dự định xuất bản một nguyệt san văn nghệ dành cho giới công chức, trí thức Việt Nam, gồm các sáng tác, truyện ngắn, phóng sự, không có tính cách chính trị, nhằm mục đích đề cao Sài Gòn là thủ đô văn hóa và trí thức của Việt Nam, vạch rõ tại Miền Nam tự do, các học giả, trí thức, văn sĩ đứng đắn được hoạt động tự do trong phạm vi văn nghệ. Tạp chí này sẽ giao cho một người Việt Nam làm chủ nhiệm, và như vậy, đối với độc giả, tập san không lộ ra là tài liệu tuyên truyền công khai. Trong bài “Sài Gòn thủ đô văn hóa Việt Nam” mở đầu Sáng Tạo số 1, Mai Thảo viết: “Sài Gòn thay thế cho Hà Nội, từ một đô thị miền Nam trở thành thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước. Sài Gòn sáng tạo và suy tưởng”.
Làm sao Mai Thảo có thể chi tiêu nhiều thứ: thuê nhà, đi xe hơi, ăn cơm tiệm, dĩ nhiên với bạn bè, đi khiêu vũ, bao đào, vũ nữ, nếu không có tài trợ dồi dào? Viên Linh trong bài “Mai Thảo riêng tây” (Khởi Hành số tháng 8, 1997) có kể lại việc anh đến tòa báo Sáng Tạo để đòi tiền nhuận bút mà không được, chứng kiến tận mắt cảnh Mai Thảo vét giấy 500 từng xấp chưa có nếp gấp, bỏ trước khi ra đường, đi với một hoa khôi vũ nữ Sài Gòn, trong khi lương giáo sư tư thục chỉ lãnh 2 đến 3 ngàn đồng mỗi tuần. Cảnh đó làm Viên Linh giận Mai Thảo. Tôi không bao giờ nghĩ đến đòi Mai Thảo trả tiền nhuận bút, và không phiền trách gì lối sống của Mai Thảo, vì nghĩ rằng anh có tiền thì tiêu cho mình, cho bạn bè, bao vũ nữ. Mai Thảo không dùng tiền tài trợ mua nhà hay mua vàng để dành, nên không bám víu vào đồng tiền ham mê của cải vật chất. Do đó anh vẫn giữ được tinh thần khó nghèo theo Phúc âm. Lấy tiền của Mỹ bao đào, gái nhảy, một giới bị bóc lột về thân xác, theo tôi chẳng phải là điều đáng trách. Về nguồn gốc xuất xứ của Sáng Tạo, trong chỗ riêng tư, Mai Thảo cũng không giấu giếm bạn bè mà nói thẳng là có từng nhận tiền của Mỹ để làm báo.
Bây giờ viết lịch sử văn học, báo chí văn học thời đệ nhất cộng hòa, thiết tưởng về xuất xứ, không thể không nhắc đến vai trò của USIS đối với Sáng Tạo; còn có thể đi xa hơn để xem USIS như cơ quan chủ trương Sáng Tạo, vì Mai Thảo chỉ là người được uỷ nhiệm thực hiện chủ trương mà USIS đã đề ra, ít ra cũng là trong giai đoạn đầu của tạp chí. Cũng tương tự như thế, phải trả lại tạp chí Quê Hương cho sở Nghiên cứu chính trị phủ Tổng Thống.
Tuy nhiên xác định về nguồn gốc xuất xứ chính trị không có nghĩa là gạt bỏ việc nghiên cứu, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của một tác phẩm, một tạp chí. Ngay từ đầu thời đệ nhất cộng hòa và cả thời đệ nhị cộng hòa, USIS ấn hành nhiều tạp chí khổ to, giấy láng, mang nhãn hiệu USIS. Những tạp chí này thường chỉ đặc biệt chuyên về văn hóa, văn học, tuyển dịch giới thiệu những tác phẩm của những tác giả nổi tiếng nhất của văn hóa, văn học Mỹ thật có giá trị và có ích cho người đọc, nhất là người đọc chỉ quen thuộc với văn học Pháp. USIS cũng tìm được những người như Pierre Đỗ Đình, một học giả chuyên giới thiệu sách về Đông phương học trong tờ Le Monde thời ông còn ở Pháp phụ trách coi tạp chí. Nhưng mang cái nhãn hiệu Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, tạp chí được gửi tặng không cho trí thức (tôi thường nhận được hai bản gửi về nhà, một bản về trường). Những loại tạp chí này thường ít được đọc, vì người đọc vẫn thường kỵ tất cả những gì dính líu tới nhà nước.
Rút kinh nghiệm kể trên, khi gửi đơn xin phép Bộ Thông Tin và Thanh niên, USIS đã nói rõ là phải trao cho một người Việt Nam, và họ đã trao cho Mai Thảo. Ba tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ 20 đều ra trong một thời điểm và đều có nguồn tài trợ của Hoa Kỳ hay của chính phủ. Ngoài ra Nguyên Sa từ trước 1975 và sau 1975, cũng nói toẹt ra là báo Hiện Đại là báo ăn tiền nhà nước. Tôi có viết cho Thế Kỷ 20, nhưng không viết bài nào cho Hiện Đại. Nguyên Sa và tôi đều cộngtác bài vở với Sáng Tạo, ủng hộ Sáng Tạo khi Sáng Tạo bị báo Văn Đàn công kích. Tôi tranh luận dằng dai với Văn Đàn, còn Nguyên Sa đã làm cho Văn Đàn im lặng khi Nguyên Sa lên tiếng theo cung cách cố hữu của anh. Nguyên Sa viết trên trang 4 Hiện Đại “ Khuôn mặt thời gian” một bài như sau:
Vào một buổi tối thứ Bảy trời mưa, Nguyễn Văn Trung đã nói chuyện tại một câu lạc bộ, tôi không làm việc tường thuật buổi nói chuyện ấy trên trang bìa này, cũng không phê bình. Tôi chỉ muốn nói đến một ý nghĩ: cuộc nói chuyện đã ném vào tôi một xúc động lớn. Nguyễn Văn Trung thuộc về một số ít ỏi của thế giới ngày nay dám nói lên những ý nghĩ chân thành của lương tâm, nói lên điều cần nói, điều phải nói. Nói lên dù biết chắc rằng sẽ bị áp lực, trở ngại, dù sẽ bị xuyên tạc phỉ báng, lăng mạ đấm vào lưng bởi những loài bò sát quen luồn tránh sự thật. Ông thuộc về số người ít ỏi của thế giới này dám nói lên những lời mang ý nghĩa của một giòng suối trong rửa sạch những ngụy trang, mang hình ảnh của tấm gương soi chiếu thời đại, mang giá trị của lương tâm tập thể. Vì thế tôi gọi Nguyễn Văn Trung là nhà triết học với tất cả những ý nghĩa trọn vẹn nhất của tiếng này”. (Hiện Đại số 6, tháng 4, 1960).
Vụ tranh luận với Văn Đàn vừa xong, tôi viết một thư ngỏ gửi nhóm Sáng Tạo, đăng trên Bách Khoa số 94, ngày 1 12 1960, để bày tỏ thái độ không đồng tình với Sáng Tạo trong việc phủ nhận, khinh miệt văn học tiền chiến bằng lý luận, đả kích, trong khi về sáng tác, báo Sáng Tạo chưa hề cho thấy có những tác phẩm được nhín nhận có ý nghĩa, hướng đi thật sự đổi mới. Tôi viết thư ngỏ này sau khi đọc số Sáng Tạo “Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam”, xin trích một vài đoạn: “..Người ta nói nhiều về sự nhộn nhịp phong phú trong sinh hoạt văn nghệ ngày nay. Nhưng riêng tôi, tôi cảm thấy sự nghèo nàn của văn nghệ ngày nay hơn thời văn nghệ tiền chiến. Nếu căn cứ vào tác phẩm mà đánh giá thì phải nhận rằng sinh hoạt văn nghệ nghèo nàn. Tuần báo, tạp chí đúng ra không phải là sinh hoạt văn nghệ, nhưng chỉ phản ảnh sinh hoạt đó thôi. Vậy mà ngày nay, chúng ta chỉ có tạp chí, tuần báo văn nghệ, nghiã là chỉ có những người viết báo, hay sáng tác của tạp chí. Đâu là những vở kịch, tiểu thuyết hay tập thơ được nói đến hàng tháng? Chúng ta liên tưởng tới nỗi khổ tâm của những người phải làm cái việc bất đắc dĩ là tính sổ văn nghệ cuối năm trong những số báo Xuân”.
“Nhìn vào tình trạng văn nghệ ngày nay, chính các anh cũng nhận là ‘chưa có những thực hiện đáng kể’ (Mai Thảo). Nhiều người theo dõi sinh hoạt của Sáng Tạo dù mang nhiều thiện cảm đến đâu đi nữa với tạp chí này không khỏi phàn nàn về một ý chí tụ thành nhóm mà lập trường chỉ là một chống đối tiêu cực cao kỳ và hằn học. Ý chí đó còn dè dặt trong số đầu và đến số ‘Văn nghệ tiền chiến’ đã thành một sự đả kích, gây hấn. Những lời nói đầy tự cao và bạo động đó đem lại lợi ích gì? Hoàn toàn vô ích, nếu không phải là tai hại, vì chỉ tạo nên và gia tăng bầu không khí ‘chiến tranh lạnh’ trong văn nghệ. Các anh chẳng tiêu diệt được gì những người mà anh muốn đả kích và cũng chẳng vì thế mà các anh được chấp nhận”.
“Khi các anh tự hỏi tại sao bây giờ còn có người đọc Tự Lực Văn Đoàn, các anh cho rằng vì có những người vẫn luyến tiếc và âm mưu duy trì cái thứ văn ‘đàn bà, ấu trĩ, khóc sướt mướt’ đó như các anh đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong buổi thảo luận. Nhưng các anh không hỏi lại tại sao người ta vẫn tìm đọc Tự Lực Văn Đoàn, dù không có những cố gắng gợi lại và duy trì đi nữa? Tại sao người ta không tìm đến các anh, những chứng nhân của thời đại? Phải chăng vì Tự Lực Văn Đoàn còn nói lên được cái gì, hay vì người ta không tìm thấy cái gì đáng đọc của người hôm nay, nên đành phải trở về cái cũ vậy? Nêu lên câu hỏi trên, chúng ta không thể không nghĩ tới tình cảnh văn nghệ nghèo nàn ngày nay, sự thiếu sót những tác phẩm thực sự trưởng thành nói lên được muôn vàn khía cạnh của cuộc đời mới”.
“…Tôi cho rằng, nếu các anh tự nhận là tiêu biểu cho văn nghệ hôm nay và coi sự hiện diện của nó xây trên sự phủ nhận văn nghệ hôm qua, các anh chỉ có một cách chính đáng nhất để phủ nhận là sáng tác và dành công việc chấp nhận sự phủ nhận đó cho người đọc, người phê bình”. Muốn tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh ảnh hưởng của Mai Thảo và những tác giả khác cùng thời, thiết tưởng cần dựa vào những lề lối tiếp cận thường được sử dụng: các phát biểu trên báo chí, những thăm dò dư luận, phỏng vấn… Hồi 1964, nhóm Hành Trình ra một số đặc biệt về 10 năm văn học miền Nam (1954 1964), đã thực hiện được một “trưng cầu ý kiến bạn đọc” về những tác phẩm văn học được nhiều người ưa thích nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây (1954 1964).
“Đối tượng của nhà văn bao giờ cũng là người đọc. Để có thể biết một cách tương đối chính xác về những xu hướng thưởng ngoạn tác phẩm của quý bạn, tạp chí Hành Trình rất mong mỏi được quý bạn cho biết với một nhận xét hoàn toàn chủ quan, một tác phẩm nào (gồm đủ mọi loại) xuất bản khoảng 10 năm trở lại đây, được bạn đọc và ưa thích hơn cả. Về tiểu thuyết (gồm cả tân truyện, tiểu thuyết kịch), về biên khảo (gồm cả tiểu luận, phê bình văn học), về thơ, tên tác phẩm, tác giả. Chúng tôi tin ở sự quan tâm đặc biệt của quý bạn đối với văn học nước nhà hiện nay, sẽ hưởng ứng và phổ biến trong các thân hửu để cuộc trưng cầu này được mọi người tham gia rộng rải, kết quả chúng tôi sẽ thông báo trong Hành Trình số 3, số đặc biệt “Nhìn lại 10 năm văn học miền Nam (1954 1964)”.
Đó là nội dung phiếu gửi đi. Những phiếu gửi về cho biết những tác phẩm của tác giả nào được kể đến, và lập bảng thống kê đối chiếu cho biết những tác phẩm của tác giả nào được đọc nhiều hơn cả. Hành Trình chưa nhận được nhìều phiếu gửi về, nhưng những phiếu gửi về đã cho biết những tác phẩm nào được đọc so với các tác giả khác. Kết quả cuộc trưng cầu này có trong “Hồ sơ Hành Trình”, Tủ sách Sử-liệu Việt Nam thời cận đại hiện đại.
Nói về những con số thì kết quả cuộc trưng cầu tuy chưa được nhiều, nhưng cũng phản ảnh tương đối trung thực dư luận đương thời. Và dư luận đương thời không giống dư luận ở Hoa Kỳ 30, 40 năm sau. Tuy nhiên phản ảnh tương đối trung thực chưa hẳn là phản ảnh đúng vì có trường hợp tác phẩm không được, hay ít được đọc vì khó đọc, khó hiểu, nhưng lại có giá trị. Chẳng hạn, về Thanh Tâm Tuyền, chỉ có phiếu đọc thơ, mà không có phiếu nào đọc tiểu thuyết. Thời đó chúng tôi chú ý tới tập truyện Khuôn mặt của Thanh Tâm Tuyền và đã đề nghị anh Đỗ Long Vân điểm sách. Anh Vân viết rất khó, rất lâu, và đã viết về cuốn này một bài điểm sách dài 11 trang, “Khuôn Mặt, hay là tâm sự tiểu tư sản trong Thanh Tâm Tuyền”, đăng trong Hành Trình số 5, (tháng 2 1965). Bài viết thật công phu, sâu sắc của một nhà phê bình tuy viết ít nhưng đã để lại một số công trình độc đáo. Anh đã qua đời hồi 1997 ở Sài Gòn. Xin trích lại mấy đoạn sau đây trong bài viết công phu này:
“…Suốt tập Khuôn Mặt, Thanh Tâm Tuyền đã lên án tính cách vô dụng của sự làm văn. Anh không phải là người đầu tiên. Nhưng có lẽ anh là người đầu tiên thấy rằng cái phần chân thật nhất của sự làm văn là ở sự vô dụng ấy. Xưa những người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật cũng nghĩ rằng cái cao quý của văn, cũng như của tất cả những nghệ thuật khác, là nó không có một ích lợi nào. Nhưng họ còn có ảo tưởng rằng họ phụng sự một cái đẹp muôn đời. Và thế thừa đủ để minh chứng cho việc làm của họ…
Sự chân thực của người nữ văn sĩ xấu trong Thanh Tâm Tuyền. Trái lại, là ý thức được rằng làm văn không có gì minh chứng được cả, là từ chối tất cả những minh chứng, và đảm nhiệm hoàn toàn sự phản bội của mình… Ở một thế giới ai cũng thấy mình có lý hơn kẻ khác thì cám dỗ của Lưu trong truyện Isabelle, là trở nên một người tuyệt đối không có lý. Nhưng sự tuyệt đối không có lý ở đâu nếu không ở trong sự yên lặng của những đồ vật? Và trước sự yên lặng ấy thì tất cả những lý của người ta thật là nhẹ như chẳng ra gì. Hoá ra ở chỗ tuyệt đối không có lý Lưu lại khám phá ra cái chân không của tất cả những lý, và cái chân không tuyệt đối mà sự phản bội dẫn anh tới trả anh cho sự yên lặng rất đầy của thế giới cụ thể. Anh bỏ cách mạng, bỏ sự làm ăn, bỏ những ảo ảnh của sân khấu tất cả những cách ý nghĩ hoá cuộc đời để trở về với “Cô Ba hiền khô”, với con chó già nằm phục bên cối đá, với khoảng đất sũng nước, con kinh đầy… Khi quay về cuộc sống cụ thể ở bên con kinh đầy, Lưu lên án tham vọng của Yến và của mình như những cố gắng để tiểu thuyết hoá cuộc đời. Người thì làm văn, người thì làm cách mạng, mỗi người một cách, họ đã muốn cho đời mình một ý nghĩa. Nhưng tại sao lại sống theo một ý nghĩa? Ý nghĩa là tiểu thuyết, là ảo tưởng, là chân không, là sự phản bội cuộc đời. Chẳng hạn, trên một chuyến xe bus đông người, một người đàn bà thò tay lấy cái bút máy của người bên cạnh. Cử chỉ ấy trước mắt mọi người đều có một ý nghĩa hiển nhiên: ấy là một cử chỉ ăn cắp. Nhưng nếu mọi người đều tin ở sự ăn cắp ấy như một sự kiện khoa học thì Nghệ có cảm tưởng là chỉ “thấy những bóng ma”? Ăn cắp đâu có phải là cái nghĩa tự nhiên của cử chỉ ấy? Nó chỉ có cái nghĩa ấy trong một thế giới của tư hữu. Tự nó thì nó cũng chẳng có gì lạ hơn bất cứ một cử chỉ nào khác. Và người ta hiểu tại sao, tuy đã chứng kiến cử chỉ ấy, Nghệ vẫn không dám tin là đã thấy nó. Nhân vật của Thanh Tâm Tuyền cũng như chàng Meursault trong L’Étranger, tuyệt đối sống ngoài ngôn ngữ của giống người. Và không phải ngẫu nhiên mà Thanh Tâm Tuyền đã là người khai mạc sự khủng hoảng ngôn ngữ ở xứ này và người đầu tiên đã dùng thơ làm một công trình phá huỷ ngôn ngữ để đạt tới trong mọi vật, sự vô nghĩa nguyên uỷ của chúng.
“Tất cả tập Khuôn mặt cũng gọi người ta trở về sự vô nghĩa ấy. Xã hội lên án người này là ăn cắp, người kia là gái điếm, người kia nữa là phản quốc. Nhưng tất cả những danh từ ấy có gì là thực đâu? Thực là con người xương máu của mỗi người. Và trước cái thây cháy còng queo của Quang, một anh chàng làm công an cho Tây, thì cái chữ phản quốc có nghĩa gì ? Con người bày ra những ý nghĩa, những giá trị, những lý tưởng để sống theo. Nhưng tất cả những thứ ấy, trong sự trừu tượng của chúng, là những mãnh lực của cái chết.
… “Không cần phải nói nhiều thì ai cũng thấy rằng trong truyện ấy Thanh Tâm Tuyền đã tả tâm sự một thanh niên di cư. Và cái luân lý đã làm khổ người con trai trong truyện chính là ý thức hệ Cộng Sản. Một ý thức hệ mà những thanh niên tiểu tư sản như Thanh Tâm Tuyền đã từ chối, khi 10 năm trước, họ đã từ biệt xứ sở để chọn đường vào Nam. Nhưng tuy từ chối, con người họ đã bị ý thức hệ ấy xâm đoạt. Và họ coi nó là cái lý tuyệt đối. Mâu thuẫn của họ giống cái mâu thuẫn xâu xé, người con trai trong truyện Khuôn Mặt. Và để thoát khỏi mâu thuẫn ấy, họ chỉ có cách là xác định một thực tại ở ngoài tầm những lý, những ý thức hệ, những danh từ… Trước khi gặp ý thức hệ Cộng Sản, những người thanh niên ấy sống trong ảo tưởng rằng họ cũng là người như tất cả mọi người, cũng yêu, cũng ghét, cũng vui, cũng buồn, cũng đau khổ và cũng biết công phẩn trước những bất công như tất cả mọi người, nói tóm lại, là những người lương thiện. Nhưng người Cộng Sản đến bảo họ là những người tiểu tư sản. Họ rất ngạc nhiên. Nhưng họ đã bị gọi tên, họ mất sự vô tội và bây giờ tất cả con người họ từ dáng đi, điệu đứng, cách ngồi, những ý tưởng thầm kín nhất của họ cũng đều có vẻ tiểu tư sản, nghĩa là rất khả nghi. Một người tiểu tư sản, quả vậy, chưa hẳn là một người. Con người lương thiện củ trong họ đã chết. Nhưng không thể nhận cái danh từ tiểu tư sản đã đánh dấu họ như một sa đọa, họ chẳng thể làm gì hơn là tố giác sự giả tạo của tất cả những danh từ nhân danh một thực thể không thể nào gọi tên. Với Thanh Tâm Tuyền cả một phần của văn học xứ này đã trở về thực thể, trở về cái cụ thể của thế giới, trở về cái phần không biết nói của con người. Nhưng người ta không thể giải thích xu hướng ấy ngoài sự gặp gỡ ý thức hệ Cộng Sản của thế hệ 54.
Quanh tôi, người ta nhớn nhác hỏi nhau sao không ai tìm ra một ý thức hệ để chống Cộng và xây dựng xã hội mới. Câu hỏi thật là ngớ ngẩn. Một ý thức hệ không phải một ngày làm ra như một cách nấu ăn. Nhưng có lẽ giờ đã đến lúc người ta phải nhắc lại rằng cả một lớp người đã từ chối ý thức hệ Cộng Sản không phải để làm ra một ý thức hệ ngụy tạo nào khác thế chân, nhưng để trở về một sự vô nghĩa nguyên uỷ lên án tất cả những ý thức hệ. Nhưng thế giới không có gì thay đổi. Trật tự xã hội vẫn nguyên vẹn. Những giai cấp vẫn tiếp tục. Và họ vẫn là những người tiểu tư sản. Hoá ra từ chối ý thức hệ Cộng Sản để tìm lại con người thực của họ, người tiểu tư sản càng ngày càng giống cái ảnh tượng của họ mà người Cộng Sản đã vẽ ra. Thật là buồn cười! Thật là mỉa mai! Nhưng người ta hiểu rằng người ta không thể thoát khỏi một danh từ khi vẫn còn cái thực tại nó gọi tên. Rất có thể cái tên ấy không đẹp lắm. Một người tiểu tư sản chưa hẳn là một người. Và cũng không người nào có thể được tóm tắt hết trong danh từ tiểu tư sản. Nhưng con người Thanh Tâm Tuyền đề nghị, con người xương thịt, con người của trọng lực, cũng chỉ là một mẫu người của con người đã bị chặt đi một nửa, một trạng thái của sự vong thân con người. Và cái thế giới của con người ấy cũng thế…
Nhưng thảm kịch của thời đại này là người ta phải chọn giữa hai ảnh tượng cực đoan ấy của thế giới. Một, theo ý thức hệ, nghĩa là chỉ nhìn thấy ý nghĩa lịch sử của mọi vật, Hai, có thể gọi là tiền ngôn ngữ nhằm trả lại mọi vật cho cái yên lặng nguyên uỷ của chúng. Ấy là hai mặt của cùng một thực tại. Và trên một phương diện nào, người ta có thể coi cả hai như một cố gắng gảy đôi của lý trí để đạt tới một cái biết toàn diện. Thanh Tâm Tuyền đã sống sự gãy đổ ấy, anh không tìm cách giấu giếm nó sau cái giả tự nhiên, giả lương thiện, giả nhân loại mà số lớn chúng ta vẫn còn níu lấy để ẩn mình, và chính vì thế mà đối với chúng ta, tác phẩm của anh có ý nghĩa và giá trị.” (Đỗ Long Vân)
Sau 1975, nhiều người cầm bút trong giới văn học bị bắt giữ, tù đày hay bị buộc trốn ra nước ngoài vì một đánh giá quá cao vai trò của họ và quan trọng hóa quá mức ảnh hưởng của họ trong dân chúng miền Nam, đặc biệt vai trò ảnh hưởng của thứ văn chương phi chính trị để làm đẹp chế độ như người Mỹ mong muốn. Trước 1975 cũng đã có ít nhiều những điều tra, thống kê cho biết tình trạng sách báo về số lượng xuất bản, phát hành trong các giới xã hội ở đô thị, nông thôn… Giả sử những người cầm quyền sau 1975 biết được những thông tin đó do các tường trình khảo sát dư luận kể trên, có lẽ đã chọn những đường lối đối xử khác thông minh hơn, hiệu nghiệm hơn, khỏi phải làm khổ mệt những người bị bắt giữ, bỏ trốn và cả người bắt giữ đi lùng bắt giữ… Thực tế đã không xảy ra như vậy, và nhà cầm quyền đã đội mũ triều thiên hay quàng vào cổ những nạn nhân đã chết hay còn sống ở trong nước hay ngoài nước, những vòng hoa để tôn vinh những vị thánh tử đạo trên lãnh vực văn nghệ.
*
Sau đảo chánh 1.11.63, miền Nam bước vào thời gọi là đệ nhị cộng hòa, thường được xác định là một “thời Diệm không có Diệm”. Có thể hiểu kiểu xác định này về mặt tích cực và tiêu cực: chế độ chuyên chính tư sản, mật vụ giảm bớt hẳn, dân chúng được tự do hơn; giới cầm bút có thể múa bút mà không e dè, sợ hãi; càng vào những năm gần 1975, càng phát biểu phê phán mạnh mẽ, thậm chí có những bài báo tạp chí xuất hiện như báo, tạp chí của người anh em ở ngoài kia (trong khu hay ngoài Bắc). Nhưng tình trạng thiếu khuôn phép, hay khuôn phép lỏng lẻo cũng đưa đến tình trạng hỗn tạp, rối loạn, chụp mũ, đả kích, chửi bới nhau thậm tệ trên mặt báo.
Đối với tôi và bạn bè, chúng tôi có thể nói đến chính trị, ra những tạp chí Hành Trình (in ronéo), Đất Nước, Bản Tin Văn Học Nghệ Thuật (in ronéo, 6 số), vào những năm 1966, 1967 nội dung gồm các trao đổi về văn học, điểm sách. Sau đó là các tạp chí Trình Bầy, Đối Diệnvv. Chúng tôi đã có thể ra một tuyên ngôn về hòa bình trao cho phái đoàn giáo sư Đại học Mỹ ghé Sài Gòn. Tuyên ngôn này cũng được đăng trong Hành Trình số 10, về sau Tuyên ngôn này được đăng một phần trong tạp chí Esprit bên Pháp). Chúng tôi có thể quy tụ anh em cầm bút thuộc mọi giới khuynh hướng chính trị, văn học khác nhau, ký chung một kháng thư gửi Bộ Thông Tin Chiêu Hồi, đăng trong Đất Nước số 12 (tháng 6 7/1969), đòi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt và phản đối hành động đàn áp đối với Võ Phiến. Đó là những sự kiện không thể quan niệm được là có thể xảy ra thời đệ nhất cộng hòa. Về những người anh em thù địch phía bên kia, theo chỗ tìm hiểu của tôi trước 1963, do khả năng Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam, mở rộng chiến tranh, cả hai chính quyền Nam Bắc đều ái ngại khả năng kể trên, nên có thể đồng tình bàn tính một thương lượng nào đó. Cách Mạng miền Nam do miền Bắc chủ động gặp một trở ngại đáng kể: chế độ Ngô Đình Diệm, mà hai người anh em ông Nhu, ông Cẩn đã tỏ ra có thể ngăn chận một cách hiệu nghiệm với mức độ nào đó sự can thiệp xâm nhập của Cộng Sản. Nhưng nếu Mỹ lật đổ chế độ ông Diệm, người Cộng Sản bắt buộc phải chấp nhận chiến tranh mở rộng, nhưng chắc chắn sẽ thắng trong nội bộ người Việt Nam với nhau, vì sau ông Diệm không còn đối thủ đáng gờm nữa.
Trong tình hình thuận tiện sau 1963, người anh em thù địch phát động tranh đấu chính trị trên các mặt trận văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, càng ngày càng phát triển mạnh trong lòng địch. Những hoạt động tranh đấu của các đoàn thể hay phong trào ở đô thị hoặc chống Cộng nhưng chống chính quyền, đối lập với chính quyền, không chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa hoặc do Cộng Sản chủ trương không những chống chính quyền, mà còn nhằm lật đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả những đoàn thể, phong trào kể trên đều có cơ quan ngôn luận. Nói rõ hơn, những đoàn thể phong trào tranh đấu có thể phân biệt về giới: giới người lớn có nghề nghiệp và giới trẻ, thuộc các đại học ở Sài Gòn và các thành phố khác có đại học: Huế, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt, và một số trường trung học. Nổi bật hơn cả trong phong trào của giới trẻ trí thức là khu được gọi là khu “tam giác sắt”, gồm trường Văn Khoa, trường Luật, trường Khoa Học thuộc Đại học Sài Gòn, về sau có thêm Đại học Vạn Hạnh. Trong báo chí của các đoàn thể, phong trào tranh đấu, có những bài thuộc đủ các bộ môn; lý luận, nghiên cứu lịch sử, sáng tác thơ, truyện, kịch, âm nhạc… Ưu điểm nổi bật trong những biên khảo sáng tác của giới trẻ là sự trong sáng, lòng trung thực vì động cơ chính thúc đẩy sáng tác là nhiệt tình lý tưởng của tuổi trẻ. Tuổi trẻ thời kỳ này cũng có những anh hùng tiêu biểu cho hy sinh quả cảm như Nhất Chi Mai, Quách Thị Trang. Hai người con gái này thường là chủ đề của nhiều sáng tác thơ văn tập thể.
Số lượng của mảng văn học này khá lớn gồm những ấn phẩm in hoặc quay ronéo, thường xuất hiện trong thời gian ngắn và ít được phổ biến rộng rãi ngoài giới trẻ trí thức. Tôi tham dự những sinh hoạt của mảng văn học này có lẽ còn sâu đậm hơn mảng văn học tạm gọi là của người lớn. Sau 1975, giới nghiên cứu phê bình văn học ở trong nước và hải ngoại đều không nói gì đến mảng văn học này. Nó bị bỏ quên vì có thể người ta không biết, hoặc bị bỏ qua vì biết mà không muốn nói đến, tương tự như số phận mảng văn học miền Nam cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ thứ 20 (Xem Hồ sơ Lục Châu Học). Trong nước, chế độ hiện nay chưa muốn nhắc đến vì những hoạt động của giới trẻ này không hoàn toàn được Đảng lãnh đạo.Ngay cả những thành phần nằm trong tổ chức được lãnh đạo cũng chịu chung số phận là bị lờ đi như không có. Họ cũng đã thất vọng, chán ngán ngay khi được tiếp xúc với chế độ xã hội chủ nghĩa thực tế, như trường hợp những sinh viên trí thức ra Hà Nội sau vụ Mậu Thân 1968. Chắc là khi nào có điều kiện thuận lợi, những Lữ Phương, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Long Ẩn… cũng nên thổ lộ cho công chúng nghe những tâm trạng sâu kín của một thành phần trí thức trong Nam đi ra thực tế tại “hậu phương lớn”. Những thành phần này thật ra không phải là con đẻ của chế độ xã hội chủ nghĩa mà là của chế độ xã hội chính trị miền Nam. Hải ngoại không muốn nói tới mảng văn học này vì coi những thành phần làm ra nó hoặc là chống đối chế độ Cộng Hoà, hoặc thân Cộng, theo Cộng Sản. Nhưng Việt Nam Cộng Hòa không phải chỉ của những ngườichống Cộng theo chính quyền hay đối lập với chính quyền mà của cả những người thân Cộng theo Cộng Sản ở miền Nam, vì chính chế độ xã hội miền Nam với thể chế Việt Nam Cộng Hòa đã cho phép tất cả những thành phần xu hướng kể trên tồn tại và hoạt động. Tóm lại đặc điểm của Việt Nam Cộng Hòa là đã ít nhiều tôn trọng một thể chế cởi mở, tự do mà miền Bắc sống trong chế độ chuyên chính toàn trị đã phủ nhận.
Việc bỏ qua mảng văn học của giới trí thức trẻ thành phố hay các phong trào tranh đấu của họ thời 1964-1975 là một bất công với các tác giả của mảng văn học đó, đồng thời là một thiệt thòi cho lịch sử văn học thời kỳ này. Trước họ, những thế hệ đàn anh thời tiền chiến, một nhóm gồm hai ba chục người, trình độ tú tài là cùng, nhiều người lứa tuổi 20 30 đã nổi tiếng đôi khi chỉ nhờ một bài thơ, một truyện ngắn. Tại sao thế hệ trẻ ba mươi năm sau trình độ đại học, sau đại học, đông đảo hàng trăm người lại đầy nhiệt huyết, tình tự yêu nước, tha thiết với một lý tưởng xã hộì nào đó, đã tạo ra biết bao nhiêu sáng tác, biên khảo có chiều sâu về tư tưởng, xuất sắc về giá trị văn học nghệ thuật lại không được đếm xỉa tới? Tôi tin chắc một ngày gần đây, sự bất công này sẽ được xoá bỏ, và sẽ có những người kiểm điểm đánh giá đúng mức mảng văn học này. Hiện ở nước ngoài, cũng có những tác giả thi văn thuộc phong trào tranh đấu giới trẻ thời 1964-1975 như chị Hồng Khắc Kim Mai với tập thơ Mắt màu nâu, đã được phổ biến trong giới sinh viên liên khoa thời đó. Tôi đã tặng lại chị tập thơ của chị sau khi chị định cư ở Hoa Kỳ. Tôi ước mong chị và các bạn cùng thế hệ cũng nên có tiếng nói về vấn đề tôi nêu lên ở trên.
Chị Hồng Khắc Kim Mai và các bạn mà chị quen biết tham gia phong trào sinh viên thời đó có biết phong trào do Thành Đoàn (một tổ chức của Đảng Cộng Sản) chỉ đạo, triển khai điều khiển không? Những người lớn thời đó là nhân sĩ, trí thức được mời vào các cố vấn đoàn, chủ tịch đoàn của phong trào sinh viên học sinh và những phong trào khác có biết mình tham gia vào các hoạt động gọi là tranh đấu chính trị trên mặt trận văn hóa, xã hội, giáo dục, vv. trong lòng địch do đảng chủ trương không? Tôi là người được mời tham gia vào nhiều cố vấn đoàn, chủ tịch đoàn của Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình, Lực Lượng Bảo Vệ Văn Hóa Dân Tộc, Phong Trào Tự Trị Đại Học…, và là chủ tịch của Chủ Tịch Đoàn của Ủy Ban Vận Động Cải Thiện Chế Độ Lao Tù Miền Nam. Tôi còn nguyên bản “Tuyên ngôn” của uỷ ban này có danh sách đầy đủ các vị tham gia vào các cố vấn đoàn, chủ tịch đoàn cho thấy những sinh viên trong thư ký đoàn đã chủ động thế nào trong việc vận động và điều hành uỷ ban. Tôi có thể phân biệt phong trào nào của Cộng Sản, phong trào nào của người quốc gia đối lập, chống chính quyền nhưng chống Cộng, căn cứ vào cách vận động tổ chức phong trào khác nhau, và tôi có thể phân biệt được trong giới sinh viên mà tôi làm việc chung với họ, ai là người có ra khu hay chịu một huấn luyện nào đó, ai là sinh viên quốc gia chỉ vì nhiệt tình tuổi trẻ dựa vào phong cách khác nhau của họ. Tại sao tôi biết những phong trào tôi tham gia do đảng chỉ đạo, mà vẫn tham gia? Hơn nữa, tôi cũng có những hiểu biết do đọc sách báo nghiên cứu, tuy chưa phải do thực tiễn sống trong chế độ như sau 1975, và đã viết những bài phê phán chủ nghĩa Cộng Sản, bị Hà Nội phản ứng dữ dội, mà vẫn tự nguyện tiếp tay cho Cộng Sản? Đây là vấn đề không phải riêng của tôi hay của trí thức Việt Nam, mà là chung cho trí thức trên thế giới, gồm cả những nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng trong suốt nhiều thập niên, và vẫn còn, ngay cả sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu! Tôi hy vọng sẽ Trình Bầy một vài suy nghĩ trong phần cuối tập “Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua” này.
Ở đây tôi chỉ xin ghi lại hiểu biết của tôi thời đó cho đến bây giờ, tại sao đảng vận động được cả những người không thể nghi ngờ gì được về lập trường chính trị, như luật sư Trần Văn Tuyên, bác sĩ Trần Ngọc Ninh, vào danh sách quý vị tham gia cố vấn đoàn? Tại vì sách lược vận động quần chúng là “nghề của chàng” và “chàng” đã thành công ngay từ hồi 1945. Ông Nguyễn Tường Bách bày tỏ sự cảm phục Việt Minh khi chứng kiến cuộc biểu tình ngày 18/8/1945. “Đâu cũng là Việt Minh cả… Khái Hưng vừa đi vừa nói. Tại sao? Đó là câu tôi tự hỏi. Họ tài thật. Chúng tôi không khỏi thầm phục.” (Việt Nam, Những Ngày Lịch Sử, trang 69) .Theo chỗ tôi hiểu, sách lược vận động hiệu nghiệm trước hết do biết đề ra những khẩu hiệu đáp ứng đúng với nguyện vọng của quần chúng ở một thời điểm nhất định. Hồi 1945, khẩu hiệu là độc lập; thời đệ nhị cộng hòa, khẩu hiệu là “hòa bình”, “chống văn hóa đồi trụy, bảo vệ văn hóa dân tộc”, “cải thiện chế độ lao tù”, “phụ nữ đòi quyền sống”… Những người đi vận động thuộc thành phần trẻ, trong sạch, chưa có quá khứ để bị nghi ngờ, lại có thành tích ở tù, như những sinh viên ở Côn Đảo về vận động thành lập Ủy Ban Cải Thiện Chế Độ Lao Tù Miền Nam. Sau cùng, những người được mời tham gia ít nhiều đều có uy tín trong giới của mình. Mục đích ngầm nhằm làm suy yếu, lật đổ chế độ, nhưng mục đích công khai nhằm thể hiện những nguyện vọng thật chính đáng, làm sao bắt bẻ được!
Tất cả các phong trào đều có báo chí, Ủy Ban Cải Thiện Chế Độ Lao Tù Miền Nam Việt Nam cũng có tạp chí ra hàng tháng do giáo sư Lê Hữu Mục phụ trách. Chẳng hạn số 5, tôi viết bài “Dân chủ trong tầm súng Mỹ” giáo sư Lê Hữu Mục sử dụng vốn Hán văn tán chữ, “Luận về chữ Lao”. Phong trào sinh viên có hẳn một trụ sở ở số 4 Duy Tân, có thể tổ chức những buổi nói chuyện đông người dự. Tôi cũng được mời nói về đề tài: “Quyền tự trị trong một quan niệm đại học tiến bộ”. Sau đó phong trào Tự Trị Đại Học đem in bài này, nhưng có kèm những chú thích cho thấy Phong Trào không đồng tình với tác giả… Trong nội bộ ban chấp hành chủ tịch đoàn Ủy Ban Cải Thiện Chế Độ Lao Tù, những sinh viên trong thư ký đoàn, chủ nhân thực sự điều hành uỷ ban, đôi khi đưa cho tôi ký những văn bản họ đã viết sẵn, tôi không chịu và họ cũng đành chịu. Để tránh gây khó khăn, tôi nhường cho linh mục Chân Tín ký thay mặt chủ tịch đoàn, và tiếp các người ngoại quốc, tôi chỉ giữ việc thăm hỏi tù nhân và thân nhân tù. Sau 1975, ngôn ngữ trên báo chí và của lãnh đạo Đảng khi nhắc đến Uỷ Ban đều giới thiệu Chân Tín là chủ tịch, và chính linh mục cũng nhìn nhận thế. Ông còn đi xa hơn nữa khi ông trở thành nhân vật đối lập: “Uỷ Ban Cải Thiện Chế Độ Lao Tù Miền Nam Việt Nam mà tôi đã lãnh đạo cũng chỉ là một phong trào nhân dân tự động đấu tranh cho một chế độ lao tù nhân đạo hơn, chớ không phải một đoàn thể chính trị được nhà nước hay Đảng dựng lên”.
Những người theo Đảng, hoạt dộng nội thành, nếu lộ, bị bắt và có thể bị tra tấn. Những vị nhân sĩ, trí thức tham gia các phong trào, nếu có tên trong những tổ chức đường giây của Mặt Trận Giải Phóng cũng bị bắt và có thể bị tra tấn, nói chung công an không bắt lầm đâu. Còn những ai không có tên trong các tổ chức nằm vùng, công an để yên sinh hoạt phong trào ở ngoài đường thì bị ngăn chận, giải tán, nhưng ở trong nhà, thường cũng được để yên trừ những trường hợp đặc biệt như vụ Ủy Ban Lao Tù tiếp nghị sĩ Mc Govern, ứng cử viên Tổng Thống. Tôi được báo cho biết ý muốn của phái đoàn nghị sĩ gặp gỡ uỷ ban và tù chính trị khi ghé Sài Gòn. Chúng tôi đồng ý và đề nghị nơi gặp gỡ: trụ sở báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đường Kỳ Đồng, mà Chân Tín làm việc. Buổi gặp gỡ đang diễn ra, đột nhiên có nhiều tiếng súng, hò hét từng đợt của nhân dân tự vệ địa phương chung quanh khu vực nhà dòng Chúa Cứu Thế. Sự kiện bất ngờ này đã làm cho phái đoàn Mỹ, đặc biệt ông nghị sĩ hốt hoảng, nỗi lo sợ hiện ra trên nét mặt. Ông chạy đi chạy lại đứng lên ngồi xuống không yên, như con thú bị giam trong chuồng chạy quanh quẩn tìm lối thoát mà không được vì tất cả các cửa ra vào đều được đóng lại. Sau đó chúng tôi liên lạc được với tòa đại sứ Mỹ yêu cầu họ cho xe đến đón ông Thượng Nghị sĩ. Trong khi chờ đợi, nếu ông có bản lãnh một chút, vẫn có thể tiếp tục bình tĩnh ngồi nói chuyện với chúng tôi, nhưng buổi trao đổi đã bị gián đoạn. Chứng kiến phản ứng của ông Thượng Nghị Sĩ, tôi hiểu những người làm chính trị Tây Phương kể cả các lãnh tụ, thường sinh hoạt chính trị trong một khung cảnh ổn định, nên tỏ ra ít khả năng đương đầu, thích nghi với tình huống chính trị ở các nước ngoài Tây Phương, dưới bất cứ chế độ nào, đều không có đảm bảo ổn định như ở Tây phương. Sau khi tòa đại sứ cho xe đón ông Thượng Nghị Sĩ về, chúng tôi bị giữ lại ghi tên, rồi cũng được cho về, không ai gặp khó khăn gì. Ngày hôm sau, báo chí tường thuật rộng rãi tin xảy ra ban tối hôm trước.
Báo hàng ngày thời đệ nhị cộng hòa có trên dưới 40 tờ, Tuần báo chính trị cũng trên dưới 10 tờ, nói chung chỉ những tờ gốc Bắc di cư không chỉ phê bình, đả kích mà là mạt sát chửi rủa những người tham gia các phong trào tranh đấu ở đô thị. Xin giới thiệu một vài đoạn của thứ chữ nghĩa chửi rủa này:
“…Bộ phận chìm của Cộng Sản đứng trong bóng tối để điều khiển bộ phận nổi gồm có bọn biểu tình thuê Huỳnh Tấn Mẫm và các đồ phụ tùng lủng lẳng như phún bấn sinh lý Ngô Bá Thành, như Ủy Ban Cải Thiện Chế Độ Lao Tù do một anh khùng đội lốt giáo sư cầm đầu…” (Đầu Gối, “In memoriam Lê Khắc Sinh Nhật”, báo Hòa Bình, ngày 4/7/1971).
“Cách đây không lâu, sân khấu chính trị miền Nam được chứng kiến thêm một màn kịch khá đặc biệt, đó là màn đòi cải thiện chế độ lao tù. Các diễn viên của màn kịch này là những bộ mặt quen thuộc của làng phù thuỷ chính trị miền Nam: công ty phún Ngô Bá Thành, linh mục cùi từ chân đến đầu Nguyễn Ngọc Lan, nhà thầu lý thuyết Mát xít lỗi thời Nguyễn Văn Trung … Theo các diễn viên kể trên thì miền Nam cần phải cải thiện chế độ lao tù (Tiêu Lang, “Viết Cho Lao Tù”, báo Hòa Bình, ngày 2/2/1971).
“Đồng thời các sinh viên Công giáo cũng vạch mặt chỉ tên nhà buôn lý thuyết Mác Lê Nguyễn Văn Trung và các mật vụ của Cộng Sản là ông Nguyễn Ngọc Lan và nữ quái thai phún Ngô Bá Thành. Đúng thật là những tin mừng cho giới sinh viên Việt Nam (báo Hòa Bình, 15/1/1971).
Tôi cũng tham gia “Lực Lượng Bảo Vệ Văn Hóa Dân Tộc”, viết một vài bài cho Tin Văn, tuần báo của tổ chức này do một người nằm vùng di cư từ Bắc vào, được Đảng chỉ định đứng ra đứng tên tờ Tin Văn. Tờ Tin Văn đã chọn Chu Tử như là một nhà văn tiêu biểu của văn chương đồi trụy để đả kích. Nhưng vì Vũ Hạnh, một đảng viên nằm vùng trong nhóm bị lộ, nên đã xảy ra vụ tố cáo Vũ Hạnh là Cộng Sản, và những phản ứng bênh vực Vũ Hạnh chỉ là nhà giáo, nhà văn gương mẩu bị chụp mũ oan uổng. Trớ trêu là những người lên tiếng bênh vực Vũ Hạnh là học sinh và một số đọc giả gốc lính thuộc các đơn vị xung kích đe dọa Chu Tử có thể bị ăn đòn nếu tiếp tục tố cáo Vũ Hạnh. Tờ Tin Văn không những đã lấp liếm trong vụ Vũ Hạnh bị nghi ngờ là cán bộ Cộng Sản mà còn vận động được cả trăm nhà giáo, người cầm bút hội thảo ra tuyên ngôn kết án văn hóa đồi trụy, có mời Chu Tử đến dự nhưng Chu Tử không đến. Sau đó Chu Tử bị ám sát hụt, và trong cuốn Không Hận Thù, Chu Tử tin chắc kẻ bắn hụt mình không phải Cộng Sản, vì tin rằng những kẻ ám sát theo Cộng Sản phải là những tay súng chuyên nghiệp. Rất tiếc Chu Tử đã chết hồi 1975. Nếu ông còn sống, được đọc sách kể thành tích của Thành Đoàn, ông mới thấy sự thật khác hẳn. Chính vì những toán “quyết tử” của Thành Đoàn chỉ là học sinh, sinh viên nên mới bắn hụt. Sau 1975, Vũ Hạnh thuật lại nguồn gốc thành lập Lực Lượng Bảo Vệ Văn Hóa Dân Tộc. Tôi có ghi lại được một số trang của số Tin Văn và bài tự thuật của Vũ Hạnh.
Dưới đây là phản ứng của Ao Thả Vịt (bút hiệu của Chu Tử) trên báo Sống:
Minh định lập trường
“…Cách đây mấy bữa, ATV trích đăng một bài của Sài Gòn Báo, đề cập tới một đoạn văn ‘sờ mó, cấu, véo’ trong Ca tụng thân xác của nhà văn Nguyễn Văn Trung, lãnh tụ của ‘cái’ gọi là ‘Lực Lượng Bảo vệ Văn Hóa Dân Tộc’. ATV cần minh định lập trường rằng ATV không có ý kết án đoạn văn đó là khiêu dâm, đồi trụy, v.v. ATV thành thật thẳng thắn cho rằng nhà văn Nguyễn Văn Trung có quyền viết như vậy và viết như vậy có gì là đáng chỉ trích.
Nhưng sở dĩ ATV trích đăng đoạn văn trên, là vì thấy “Lực Lượng Bảo vệ Văn Hóa Dân Tộc” một mặt lên tiếng kết án những nhà văn “tả chân” dám phơi bày sự thật, trong khi chính những lãnh tụ của Lực lượng lại ‘tả chân’ hơn ai hết, tưởng chừng Lực Lượng muốn giành độc quyền ‘sờ mó, cấu, véo’ cho riêng các lãnh tụ của mình. Cái đó hơi khó ngửi, không thể tha thứ được.” (Ao Thả Vịt, trích báo Sống ngày 10/1/1967)
Và hai bài của Thương Sinh (bút hiệu của Duyên Anh), sau cùng một thú nhận hối tiếc của Thương Sinh:
Dzơ suy dzơn, in le vờ re…
Tôi đang định viết một cuốn tiểu thuyết xây dựng nhan đề Thằng Giả Hình.
Nhân vật của tôi sẽ là một dân tu xuất. Hắn đi Tây học, chẳng có cái bằng đại học nào của nhà nước Tây cấp cả. Sống đói rách bên Tây, chán quá, hắn về Giao Chỉ, mang theo mấy cuốn sách tư tưởng mới vừa ra lò ở Paris. Hắn bèn đọc nhanh và viết vội, đăng báo Việt Nam. Nghiễm nhiên, hắn trở thành một ‘ê-cờ-ri-vanh’ cộng mí lỵ ‘ê-cờ-ri-văng’ ở Giao Chỉ. Hắn được mời đi dạy học lớp. Hắn trổ tài lơn vợ đồng nghiệp, cắm sừng lên đầu ông giáo sư sử địa nọ. Và hắn bị đuổi khỏi trường lớn, bay vào Sài Gòn. Về sau này khi những cuốn sách bên Tây qua Giao Chỉ, người ta bèn khám phá rằng những tư tưởng mới của hắn chỉ là bịp. Hắn nhất định làm anh hùng. Hắn đem cái mác Cộng Sản trường lớn của hắn ra chiêu mộ những người trẻ tuổi bất bình thời thế để bàn về một chính sách tương lai. Hắn huênh hoang nói dóc và đảng viên đảng kiểm tục văn nghệ.
Tôi mà nói dối, cả nhà tôi chết, trong bộ trường thiên tiểu thuyết Giữa Dòng Nước Lũ của tôi sắp viết, tôi sẽ đề ra một cuốn để viết về bọn tân giả hình. Trong kinh thánh, Chúa đã sỉ vả bọn giả hình thế nào thì tôi sẽ sỉ vả bọn giả hình, bọn phù thuỷ lừa gạt tuổi trẻ như thế. Nếu cuốn Thằng Giả Hình trong bộ Giữa Dòng Nước Lũ của tôi thành công, tôi sẽ mang ơn giáo sư Nguyễn Văn Trung suốt đời đời. ‘Đời đời nhớ ơn ông’. Và, giả dụ giáo sư Trung chết trước tôi, tôi sẽ nhại thơ của thi sĩ Tố Hữu mà khóc rằng:
“Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Trung ơi!
Làm sao ông tỏi, đất trời biết không?
Thương sen, thương bếp, thương bòng,
Thương bồi thương một, thương ông thương mười”.
Tiện đây xin lưu ý “Lực Lượng Bảo vệ Văn Hóa Dân Tộc” tạp chí in lậu Hành Trình của giáo sư đại học Nguyễn Văn Trung. In lậu đã đáng bị cảnh sát phạt vi cảnh rồi. Thế mờ, thưa quý cụ, trong Hành Trình những chữ chửi thề tục tĩu, giáo sư Trung chê không viết tắt. Giáo sư Trung viết rõ ràng. Đáng lẽ ‘đ.m.’ giáo sư Trung viết ‘đ-i-t nặng em-mờ-e-me nặng’. Thành ra, kẻ hậu sinh là Thương Sinh đây, bậc môn đệ không bằng tú tài của giáo sư Trung, có ăn tục nói phét, viết bậy, viết bẩn, viết phản dân tộc, có nham nhở, mất dạy, ba que xỏ lá, ấy là vì ảnh hưởng nặng ngôn ngữ chửi thề không viết tắt trong Hành Trình của giáo sư Nguyễn Văn Trung, hội viên trung kiên và tiên phong của “Lực Lượng Bảo Vệ Văn Hóa Dân Tộc”.
Đàn anh Nguyễn Văn Trung viết văn ‘sờ mó phần dưới’ và ‘ngửi, mút, nắn, bóp’ và chửi bậy không viết tắt thì đàn em Thương Sinh chỉ viết… sống sượng đã là vinh dự thay cho dân tộc! Đáng lẽ đàn em, đàn… trò Thương Sinh phải làm theo lời dạy của sư phụ, sư tổ Nguyễn Văn Trung, viết văn ‘sờ mó phần dưới’ và ‘ngửi, mút, nắn, bóp’ mới thật là ‘Ten-mét, ten-va-lê’.
Ôi! Xã hội Giao Chỉ ta, những thằng tổ sư bẩn thì lập hội để đả kích những người không bẩn như chúng. Những thằng tài ba một tấc thì ngồi miệt thị việc làm của những người đang cầm quyền. Cho nên, Khổng Phu Tử ‘viết’ (hai chấm xuống giòng)
– Ta chỉ nên vào… Hội Đười Ươi của chủ tịch Minh Vồ. Thà làm đười ươi bẩn thỉu, dơ dáy còn hơn làm người mà khốn lịn đạo đức giả. Huống hồ Hội Đười Ươi lại sạch sẽ, thơm tho. Này các con, chủ nghĩa của ta hết thiêng rồi. Các con nên làm đờ-măng xin vào Hội Đười Ươi nghe chí sĩ Minh Vồ tán phét và Thăng Long Xích Thố, dọa đánh nát… đời lại bổ ích và giải trí lành mạnh…
Thương Sinh
(trong mục ‘Sống Sượng’ ‘Liên Tử Giao Chỉ’ trong nhật báo Sống, thứ bảy ngày 7/11/1967)
D. Đê của ông ‘ Ê-cờ-ri-văng’ kiêm ‘ Ê-cờ-ri-vanh’ Nguyễn
Nhưng đầu năm ta đi đâu? ‘Ta biết về nơi nao. Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu…’ Ta cứ đi đi. Con dê của ta nó ghé vào chỗ nào, chỗ đó có chuyện lạ. Con dê cái của Thương Sinh vừa rời nhật báo Sống đã ghé liền vào trường đại học. Gặp ngay giáo sư Nguyễn. Bèn chúc:
– Năm mới, chúc giáo sư nhiều cảm hứng.
Giáo sư Nguyễn, một tương lai lãnh tụ văn hóa cả dân tộc Giao Chỉ, cười hề hề:
– Lúc này cảm hứng không nhiều.
Bèn gãi tai:
– Thưa giáo sư, năm ngoái giáo sư đã viết “Ca rụng thân thể” bị bọn khốn lịn nó trích một đoạn và nó miệt thị giáo sư là người chủ trương văn nghệ ‘sờ mó phần dưới’. Mẹ cha chúng nó, giáo sư cần đánh bỏ bố chúng nó không? Giáo sư viết khảo luận về xác thịt, chửi cả thầy chùa lẩn cố đạo đi tu bin, hách xì xằng và thằng ngọng thế mà chúng nó còn giở trò… ngọng!
Giáo sư Nguyễn nhún vai:
-Đời nó đểu cáng vậy đấy!
Bèn gãi rốn:
-Năm nay, giáo sư viết tiểu thuyết đi. Giáo sư khen chê ra rít lại là hội viên của “Lực Lượng Bảo Vệ Văn Hóa Dân Tộc”, chắc chắn tiểu thuyết của giáo sư có giá trị hơn tiểu thuyết của Dương Hà. Gì chứ giáo sư tả tình mà cứ ‘cấu, véo, sờ, mó, ngửi’ là tiểu thuyết của giáo sư có đường trúng cả giải văn chương toàn quốc lẫn Nobel.
Giáo sư Nguyễn nhăn nhó:
-Tôi là giáo sư lý tưởng …
Con dê cái bỗng kêu be be ầm ĩ. Vâng giáo sư Nguyễn, giáo sư lý tưởng. Chỉ tiếc, cái lý tưởng to tổ bố của giáo sư lại gửi ở “Lực Lượng Bảo Vệ Văn Hóa Dân Tộc”. Đành chia tay nhà đạo đức. (Trích báo Sống)
Thương Sinh ngộ nhận
…Một dạo, vì nghe một linh mục chủ nhiệm, tôi đã hết lời mạt sát thái độ xa rời cuộc chiến đấu chống Cộng của giáo sư Nguyễn Văn Trung. Anh Trung không có phản ứng. Anh ấy hiểu tôi còn trẻ nông nổỉ, dễ ưa lời khích bác ngộ nhận. Tôi vẫn biết ơn sự khoan hồng với tuổi trẻ của anh Nguyễn Văn Trung. (Trích Con Ong, số 70 ngày 23/7/1969)
Sau cùng tôi cũng muốn nhắc lại ở đây bài viết của Cung Tích Biền với lời giới thiệu của Viên Linh, phụ trách tờ Khởi Hành trước 1975. Cả hai tác giả còn sống, và tờ Khởi Hành còn được tiếp tục xuất bản ở hải ngoại. Bài của Cung Tích Biền cũng đả kích mạt sát tôi thậm tệ như các bài của Tiêu Lang, Duyên Anh…
Trong tinh thần tha thứ và xin tha thứ, tôi đã gửi bài do tôi viết và bài của Cung Tích Biền cho Viên Linh và Viên Linh đã đáp lại. Ở đây, bây giờ, tôi không nhắc lại nội dung các bài viết mà chỉ xin lưu ý những bài viết kể trên, thay vì phê phán lý luận của tôi đúng hay sai một cách nghiêm chỉnh, các tác giả đã mang đời tư tôi ra để bôi đen thóa mạ. Đó là một lối phản bác bằng cách cho thấy nếu tư cách con người của tôi là như thế, như thế…thì tư tưởng lý luận của tôi còn đáng gì phê bình!
Tôi thường thận trọng trong việc trình bày lý luận phê bình của mình, không bao giờ liên hệ đến cá nhân cụ thể, và đem đời tư của người khác ra mà chỉ trích. Nhưng trong 20 năm, từ 1955 đến 1975, tôi rất ít được trao đổi, tranh luận một cách nghiêm chỉnh về những gì tôi đã viết.
*
Nhìn lại sự kiện bị đả kích mạt sát về đời sống cá nhân, tôi cũng nhận ra phần trách nhiệm của tôi đã gây ra sự kiện đó. Dự định viết của tôi thường dựa trên chủ trương “đặt lại vấn đề”, nên không tránh khỏi đụng đến những “cấm kỵ”, nhất là trong những vấn đề liên quan đến thời cuộc, địa hạt của giới viết báo hàng ngày, hay tuần báo. Phần lớn những người trong giới viết báo thường không biết hay không lưu tâm những đòi hỏi nghiêm nhặt của lý luận biên khảo, được nhắc nhở giảng dạy ở đại học, đặc biệt trong khoa báo chí. Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, chỉ có hai nơi dạy về báo chí: Đại học Đà Lạt và Đại học Vạn Hạnh, hai đại học tư, và đó là những khoa sinh sau đẻ muộn so với các khoa khác. Tuy nhiên, chính trong giới cầm bút, viết báo liên quan đến thời sự, không chuyên về biên khảo, lý luận lại dễ tạo được thông cảm, hòa hợp hơn so với giới biên khảo, vì những mối quan hệ giữa người với người trong giới này chủ yếu dựa vào tình cảm hơn là lý luận; tình cảm do quen biết và càng quen biết thâm tình, tình cảm đối với nhau càng nặng tình…
Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra lỗi, hay đúng hơn là thiếu sót của tôi ở chỗ tôi đã viết báo hàng ngày hay tuần báo liên quan đến thời sự, nghĩa là tôi đã “nhập cuộc” mà chưa hoặc ít chịu “nhập bọn”, vì ít đi lại “chơi” – hiểu theo nghĩa tốt đẹp của từ ngữ – với các đồng nghiệp trong giới đó. Tôi chỉ biết họ và họ cũng chỉ biết tôi, mà không quen biết. Cái biết do chỉ nghe danh, biết tên, biết tiếng, khác xa cái biết do quen mà biết, và càng quen thân gần gũi càng dễ hiểu đúng; hiểu theo nghĩa không cần tìm hiểu mà đã hiểu, như nguyên nghĩa La tinh của từ tương tự trong tiếng Pháp: comprendre. Cùng nắm bắt, hiểu người mình quen biết, quen thân như chính họ hiểu họ mà không cần nghe bạn giải thích những thông tin thường chỉ là tin đồn xuyên tạc, thổi phồng mà bạn là nạn nhân.
Trầm trọng hơn nữa, tôi là người thời đó thường được những người cầm bút biên khảo, sáng tác thi văn gửi sách tặng, có những lời lẽ rất trân trọng. Dĩ nhiên những người cầm bút này, nhất là những người viết tác phẩm đầu tay, chưa được dư luận biết đến, mong ước được tôi viết bài giới thiệu điểm sách, phê bình, mà họ tưởng tôi là người có thẩm quyền, uy tín và nghiêm túc. Nhưng tôi không những đã không viết gì mà còn không viết thư, nhắn tin đã nhận được sách và cám ơn họ. Không phải vì khinh bỉ, coi thường, nhưng chỉ vì tôi có những ưu tiên phải làm, nên rút cục cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ, cất kỹ toàn bộ những sách báo gửi tặng. Ngay cả có lần gặp Vũ Hoàng Chương, tôi ngỏ ý muốn viết về nhà thơ, ông đã hoan hỉ gửi cho tôi toàn bộ những gì ông viết, kể cả bản dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Cho đến nay, vẫn còn gói nguyên vẹn để trong kho sách của tôi. Tôi nghĩ những người tặng sách không thể không oán giận và hiểu lầm, cho tôi là khinh người.
Tôi không bao giờ gặp Duyên Anh hay có gặp đâu đó, ở tòa báo nào đó thì cũng chào hỏi cho có lệ, thế thôi. Sau khi Duyên Anh viết đôi dòng tỏ ra ân hận đối với tôi, đáng lẽ tôi phải liên lạc với Duyên Anh, mời Duyên Anh ăn một bữa thịt cầy chẳng hạn. Trong bữa gặp gỡ đó, tôi sẽ nói cho Duyên Anh biết tôi không hề bực bội, giận ghét anh vì hiểu cuộc đời của anh ít nhiều đã là nạn nhân của thời cuộc hỗn loạn chiến tranh, nên Duyên Anh không có nhiều may mắn để tiến thân như những người trẻ khác cùng lứa tuổi. Trái lại, tôi quý mến và trân trọng tài ba của Duyên Anh không những là tác giả của những truyện về thiếu nhi có giá trị mà ngay cả lối viết nham nhở, sống sượng trong Con Ong hay Người của anh và của các bạn anh. Các anh đã có tài tạo ra một ngôn ngữ châm chích, phá huỷ, tiêu diệt ngôn ngữ bằng cách bất chấp những quy luật của ngôn ngữ nói, viết hay dịch thuật. Dưới mắt nhà xã hội học, ngôn ngữ của Duyên Anh tiêu biểu cho một xã hội phân hóa, tan rã.
Tôi cũng có thể nói đôi điều về tôi cho Duyên Anh thấy con người, đời tư của tôi. Chẳng hạn, tôi chẳng có gì bất mãn với đời, hay với bất cứ chế độ chính trị nào, vì tôi không mong chờ gì ở các chế độ đó, mặc dầu tôi có điều kiện và được đề cử giữ chức vụ địa vị này nọ. Ngoài ra tôi sống một đời sống ít nhiều khắc khổ, một cách ý thức tự nguyện, không nghiện rượu, thuốc lá, cà phê, chỉ nghiện hay say mê một thứ: cầm bút viết, không hẳn vì người đọc, mà trước hết vì chủ yếu tôi sống thì phải viết, như phải ăn phải thở, thế thôi. Sau biến cố 1975, tôi vẫn viết, viết nhiều, rồi để đấy, mặc dầu không thể in ấn được! Không kể những lần đi với Mai Thảo đến nhà hàng khiêu vũ, không bao giờ tôi bén mảng đến những chỗ đó, phòng trà ca nhạc cũng chỉ đi một lần do Trịnh Viết Đức rủ đi để viết bài “Ảo Ảnh Thanh Thuý”. Đi chơi gái có một lần, nhưng lại chỉ ngồi ở ngoài, do Lê Hữu Mục rủ đi cùng với sinh viên cũ hiện đang ở Texas. Không phải vì đạo đức nhưng chỉ vì ôm một người con gái ở chỗ công cộng nó thế nào ấy; nên ngay từ thời du học, sau mỗi hội nghị họp mặt, đều có khiêu vũ, tôi đi tìm mấy ông cha hay mục sư ngồi nói chuyện. Từ chối chơi gái không phải vì không thích thoả mãn ước muốn tình dục, nhưng lúc đó tôi nghĩ đến thân phận người đàn bà làm đĩ bị coi như cái xác, không phải thân xác tôi như tôi đã Trình Bầy trong Ca Tụng Thân Xác, nghĩa là chỉ như một dụng cụ thỏa mãn sinh lý như cái chổi để quét nhà… Nhận thức như vậy đã bóp chết ước muốn về dục tình. Thế thôi. Tương tự như trường hợp này nhưng ở bình diện khác, là vào thời ông Diệm, để mua chuộc giới trí thức đại học, mỗi người được cấp một lô đất, được vay tiền ngân hàng, trả góp lãi suất nhẹ để xây biệt thự ở Thủ Đức gọi là Làng Đại Học. Tôi cũng được cấp một lô, nhưng tôi là người duy nhất từ chối, vì lúc đó nhóm trí thức Công giáo chúng tôi đang làm một hội thảo về “Lương Tâm Công Giáo và Công Bằng Xã hội”. Tôi không thể nói về vấn đề đó mà trong thực tế, lại vui vẻ nhận một ưu đãi, là một bất công xã hội. Nhà nước tước hữu của người nghèo, không phải để thực hiện một công trình công cộng, mà lại để chia cho những tư nhân thuộc giới xã hội ưu đãi…
Sau cùng trước khi chia tay, tôi có thể tặng Duyên Anh cuốn Ca Tụng Thân Xác, đề nghị anh đọc, không nên chỉ tin vào những nghe nói này nọ… Tôi tin chắc Duyên Anh sẽ bị thuyết phục và sau đó viết lại những điều anh đã viết về tôi. Nhưng thật đáng trách, đáng tiếc, tôi đã không làm gì cả. Chỉ sau 1975, tôi mới tình cờ gặp Mai Thảo, Duyên Anh đang ngồi uống cà phê bên lề đường, mời tôi cùng uống. Nói chuyện bâng quơ vì mỗi người một tâm sự; hồi ở sở công an, một hôm công an đề nghị tôi gặp Duyên Anh; tôi không rõ đó là ý muốn của Duyên Anh hay của công an, tôi thấy gặp có thể thêm rắc rối nên từ chối.
Đáng lẽ tôi cũng nên gặp Cung Tích Biền và Viên Linh, vì Viên Linh có mời tôi viết bài, trả lời phỏng vấn trên Khởi Hành, và những người khác đã phê phán tôi như Chu Tử, Tiêu Lang… Và như vậy có thể có điều kiện giải toả những hiểu lầm, ngộ nhận. Tôi nghĩ rằng trong số những người cầm bút viết báo hàng ngày hàng tuần, có nhiều người ăn nói dao to búa lớn, múa bút, phóng bút chửi người khác, chửi nhau thậm tệ, nhưng nếu gặp nhau, mặt giáp mặt, nhất là được gặp nhau do người thứ ba đứng ra tổ chức, các bạn có thể quên ngay quá khứ như thể đã không có chuyện gì xảy ra. Bằng cớ là báo Hòa Bình chửi tôi như thế, rồi chủ bút lại đích thân năn nỉ mời tôi viết bài, cũng mục bút ký hàng tuần, và tôi vui vẻ nhận. Điều này làm cho tôi nghĩ đến một đặc điểm của giới văn nghệ sĩ, thường không cố chấp bám víu vào lập trường tư tưởng, ý thức hệ này nọ, và giống nhau ở tính chất “tếu”, coi mọi sự như thể trò đùa. Có lẽ chính cách tếu này có mặt dễ thương, đồng thời có mặt cũng dễ ghét. Đó là một trong những nguyên nhân đưa những người viết, nói, tranh đấu chính trị ở Miền Nam đến chỗ thua người anh em thù địch, coi chuyện chính trị là cái gì rất nghiêm chỉnh, quyết tâm làm như những người chuyên nghiệp. Tuy nhiên sau khi thắng, những người anh em thù địch cũng thua, và thua chính mình, vì nhận ra một điều là chính cái tếu mới biểu lộ tính chất người, cái nhân đạo làm cho cuộc đời đáng sống vì có ý nghĩa để sống.
Nguyễn Văn Trung
Văn bản do nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh đánh máy theo bản viết tay của tác giả và gửi cho Văn Việt. Bài cũng đã đăng ngày 04/09/2007, trang web Thông Luận.