Thuật ngữ chính trị (42)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

122. Directed Democracy – Dân chủ có lãnh đạo. Dân chủ có lãnh đạo hay còn được gọi là dân chủ có định hướng, là thuật ngữ mà đôi khi được sử dụng nhằm biện minh những chế độ tự nhận là dân chủ ở các nước đang phát triển, nhưng hầu như chẳng có gì chung với chế độ dân chù đại diện ở phương Tây. Khái niệm này được nhà lãnh đạo Pakistan, Ayub Khan – chính quyền của ông này được quân đội ủng hộ – đưa ra trong thập niên 60 của thế kỉ trước. Nó cũng gần giống khái niệm của những người Marxist về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, được gọi là chuyên chính vô sản. Nó dựa trên luận cứ nói rằng người dân trong đất nước mới giành được độc lập trong Thế giới Thứ ba chưa thể tham gia một cách đầy đủ vào nền chính trị dân chủ vì dân trí thấp. Mà lí do thực tế là thiếu học vấn (nếu không nói là phần lớn cò mù chữ) và thong tin liên lạc yếu kém, và cũng tàn dư từ thời thuộc địa, làm cho người ta sợ rằng dân có thể dễ dàng bị các phần tử phản động mua chuộc. Ngoài ra, dân chúng có thể đòi quyền lợio kinh tế vượt quá khả năng của quốc gia, đặc biệt khi hy sinh để xây dựng ngành công nghiệp nặng và tích lũy vốn cho ngành công nghiệp tiêu dùng trong những giai đoạn sau. Chế độ dân chủ có lãnh đạo cho phép người dân tham gia vào một số hoạt động: Mọi người đều có thể tham gia một đảng duy nhất được phép hoạt động hoặc thậm chí có thể tham gia một trong những đảng được phép hoạt động và thể hiện quan điểm về chính sách, với điều kiện là họ không được thách thức quyết định đã được “những người biết rõ nhất” đưa ra vì lợi ích của xã hội. Ví dụ, một số quốc gia cộng sản châu Âu, đáng chú ý nhất là Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức), không phải là những nước độc đảng, ví dụ, nhưng được cai trị bởi liên minh do Đảng cộng sản lãnh đạo. Tư tưởng chủ yếu ở đây là, cuối cùng, khi dân trí gia và nền kinh tế được cải thiện, người dân sẽ được “đưa” vào chế độ dân chủ thực sự. Mặc dù hiện nay người ta ít khi sử dụng thuật ngữ này, nhưng hầu như tất cả các chế độ quân sự đều đưa ra những tuyên bố như thế nhằm biện minh cho sự việc cầm quyền của mình.

123. Dirigisme – Kinh tế chỉ huy. Thuật ngữ này có xuất xứ từ tiếng Pháp (diriger – chỉ đạo), để nói về việc chính phủ kiểm soát các hoạt động kinh tế. Việc can thiệp có thể diễn ra dưới hình thức như bằng pháp luật, khuyến khích hay trừng phạt về mặt tài chính, quốc hữu hóa hay kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế, mặc dù vẫn nói rằng ủng hộ sở hữu tư nhân. Đây là chính sách đi ngược lại thị trường tự do và được thi hành ở Pháp trong những năm sau Thế chiến II và cũng được các nước họi là Những con Hổ châu Á sử dụng. Nền kinh tế tư bản nhà nước của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng có những tính chất tương tự.
Hầu hết các nền kinh tế hiện đại, ở một mức độ nào, đều có thể được coi là kinh tế chỉ huy, vì nhà nước có thể chỉ huy bằng cách tiến hành nghiên cứu hoặc tài trợ cấp cho các nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, bằng các khoản mua sắm của chính (đặc biệt là quân đội) hoặc thông qua các viện nghiên cứu của nhà nước.
124. Dirty public goods – Hàng hóa công không được ưa chuộng. Thuật ngữ này dùng để nói về những dự án có lợi cho toàn cã hội, nhưng lại không có lợi cho những người sống gần các dự án đó. Nhà máy nhiệt điện và sân bay là những ví dụ điển hình. Đương nhiên là những người sống gần những dự án này ủng hộ việc xây dựng, với điều kiện là những công trình đó không được xây dựng gần nhà họ. Người ta đã tranh luận khá nhiều về quy trình ban hành quyết định, sao cho có thể phản ánh được quyền lợi của cả người được lẫn người mất. Nhiều người cho rằng quy trình ban hành quyết định hiện nay có nhiều khiếm khuyết.
125. Disarmament – Giải trừ vũ khí. Giải trừ vũ khí là chính sách loại bỏ vũ khí tấn công của quốc gia; có thể giải trừ tất cả các loại vũ khí hoặc chỉ giải trừ một số loại vũ khí được chỉ định; logic của chính sách này là càng ít vũ khí thì càng an toàn.
Kiểm soát vũ khí và các kế hoạch giải trừ vũ khí hoàn toàn là hi vọng của nhiều người theo phái tự do trong những năm sau khi Công ước Hague đầu tiên được kí vào năm 1899. Trong lịch sử đầy các sự kiện về kiểm soát và giải trừ vũ khí từ thế kỉ XIX – trong đó có hàng trăm hiệp ước hạn chế quân sự hóa các vùng cực và vũ trụ, các loại vũ khí có thể được sử dụng một cách hợp pháp (như mìn sát thương, các biện pháp chống tên lửa đạn đạo và bom chùm), hoặc thậm chí hạn chế thử nghiệm và phát triển một số vũ khí (vũ khí hạt nhân) – hầu hết các bên kí kết các hiệp ước này thực sự tuân thủ nghĩa vụ được nêu ra trong hiệp ước. Dù lí do giảm có là gì đối với từng nước, logic của cách tiếp cận như thế với vấn đề an ninh vừa mạnh mẽ lại vừa đơn giản: Ít vũ khí hơn nghĩa là an ninh hơn. Quản lí việc phổ biến vũ khí (kiểm soát vũ khí) và giảm số lượng vũ khí và chủng loại vũ khí được sử dụng (giải giáp) sẽ làm giảm một cách hợp lí giá phải trả của tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh.
Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, nhiều thỏa thuận về kiểm soát vũ khí đã được đàm phán nhằm giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Ví dụ, trong Hiệp ước về giới hạn các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (Treaty on the Limitation of Anti- ballistic Missile Systems – ABM), năm 1972, cả Mỹ lẫn Liên Xô đều thỏa thuận không sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo làm lá chắn nhằm chống lại cuộc tấn công đầu tiên của phía bên kia. Các cuộc thảo luận về giới hạn vũ khí chiến lược, năm 1972 và 1979 (Strategic Arms Limitations Talks – SALT I và SALT II) đã đặt giới hạn trần cho việc phát triển vũ khí chiến lược của cả Liên Xô lẫn Mỹ. Tuy nhiên, do năm 1979, Liên Xô xâm lược Afghanistan, Thượng viện Mỹ đã không phê chuẩn hiệp ước SALT II. Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Nonproliferation Treaty – NPT) được đàm phán vào năm 1968 tại Liên Hợp Quốc nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cho thấy tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của những hiệp ước đó. NPT có hiệu lực từ năm 1970, nêu ra các quy tắc cho việc phổ biến hạt nhân. Các quốc gia không có vũ khí hạt nhân kí kết hiệp ước này thỏa thuận rằng sẽ không mua hoặc phát triển vũ khí hạt nhân; các quốc gia có vũ khí hạt nhân hứa sẽ không chuyển giao công nghệ cho các quốc gia phi hạt nhân và cuối cùng, sẽ tự hủy bỏ vũ khí của chính mình. Trong những năm 1990, ba quốc gia từng có các chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân – Nam Phi, Brazil và Argentina – đã hủy bỏ chương trình và trở thành các nước tham gia hiệp ước, cùng với ba quốc gia khác – Belarus, Kazakhstan và Ukraine – đã từ bỏ số vũ khí còn lại trên lãnh thổ của mình sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, cũng như nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí khác, một số quốc gia có vũ khí hạt nhân chính yếu và một số quốc gia chưa có vũ khí hạt nhân, nhưng có thể sản xuất được vẫn không tham gia hiệp ước, trong đó có Cuba, Ấn Độ, Israel và Pakistan.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency – IAEA), có trụ sở ở Liên Hợp Quốc, được thành lập năm 1957, nhằm truyền bá kiến thức về năng lượng hạt nhân và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, là cơ quan được ủy quyền theo dõi việc tuân thủ hiệp ước này. IAEA đã lập ra hệ thống các biện pháp bảo vệ, trong đó có các đoàn kiểm tra thường xuyên đến thăm các cơ sở hạt nhân và báo cáo về mọi di chuyển vật liệu hạt nhân; nhằm giữ, không cho chuyển vật liệu hạt nhân sang các mục đích phi hòa bình và để đảm bảo rằng các quốc gia đã kí NPT đang tuân thủ hiệp ước này. Sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, các thanh sát viên của IAEA đã đến thăm các địa điểm ở Iraq và giữa những năm 1990, họ đã tới thăm các địa điểm ở Bắc Triều Tiên. Mục đích của chuyến thăm Iraq là xác nhận các vật liệu bất hợp pháp ở Iraq đã bị phá hủy và mục đích của chuyến thăm Bắc Triều Tiên là xác nhận rằng vật liệu hạt nhân ở Bắc Triều Tiên chỉ được sử dụng cho mục đích phi quân sự. Nhưng công việc của IAEA thường xuyên gặp trở ngại. Năm 2009, Iran, với tư cách là nước kí NPT, có nghĩa vụ phải báo cáo về những cơ sở tích cực tham gia làm giàu vật liệu hạt nhân, đã bị phát hiện là đã không báo cáo về một cơ sở, tức là không thực hiện trách nhiệm được ghi trong hiệp ước. Vụ Iran gian lận, năm 2009, đặt ra câu hỏi liệu họ có tuân thủ các ràng buộc của Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran (Joint Comprehensive Plan of Action), kí năm 2015 hay không. Thỏa thuận này kêu gọi Iran ngừng làm giàu nhiên liệu ở cấp độ có thể sản xuất vũ khí hạt nhân để được gỡ bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế mà quốc tế đã áp đặt lên nước này. Ngoài ra, người ta hi vọng rằng các nước có vũ khí hạt nhân đã kí NPT sẽ giảm kho vũ khí của mình, nhưng họ đã tỏ ra lưỡng lự, không muốn làm việc này theo cách quá nhanh.
Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ dẫn tới các thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí. Nhiều thỏa thuận về kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ có thể được kí kết vì Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ bị nhu cầu kinh tế thúc ép, buộc phải giảm chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, logic của các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí là không hoàn hảo. Kiểm soát vũ khí không loại bỏ được tình thế tiến thoái lưỡng nan trong lĩnh vực an ninh. Bạn vẫn có thể cảm thấy không an toàn nếu kẻ thù của bạn có hòn đá lớn hơn hoặc tốt hơn hòn đá của bạn. Và, như những người theo phái hiện thực khẳng định, không có gì bảo đảm rằng nhà nước sẽ tuân theo các thỏa thuận như thế. Việc xác minh tại chỗ hiếm khi xảy ra và khó thực hiện. Ví dụ, năm 1994, Mỹ và Bắc Triều Tiên đã ký Thảo thuận Khung (Agreed Framework): Bắc Triều Tiên đồng ý ngừng chương trình vũ khí hạt nhân, đổi lại Mỹ đồng ý cung cấp năng lượng, mấy lò phản ứng nước nhẹ và bảo đảm an ninh. Thỏa thuận sụp đổ vào năm 2002, khi Bắc Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân nhằm phản ứng trước các quyết định của Mỹ trong việc ngăn chặn việc vận chuyển dầu cung cấp cho mạng lưới điện của nước này. Đáp lại việc Bắc Triều Tiên tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon – được dùng để xử lý vật liệu hạt nhân có thể sử dụng để sản xuất vũ khí – Mỹ và Nhật Bản đã tạm ngưng các chuyến hàng viện trợ.
Với những rủi ro của một kế hoạch (giải trừ vũ khí) như thế, có thể rút ra kết luận giải trừ vũ khí hoàn toàn theo cách nghĩ của những nhà tư tưởng theo phái tự do là không thể xảy ra được. Việc giải giáp đơn phương sẽ đưa các quốc gia đã giải giáp vào vị thế mất an ninh ở mức đáng báo động, và những kẻ gian lận có thể được lợi. Nhưng giải giáp vũ khí từng bước một – như được nêu ra trong Công ước về vũ khí hóa học (Chemical Weapons Convention – CWC), cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học – là có thể xảy ra. Tuy nhiên, vũ khí hóa học và sinh học ngày càng tinh vi và gọn nhẹ, và khó phát hiện, vì vậy rất khó đảm bảo được rằng các nước sẽ tuân thủ. Những người theo phái tự do tin vào sự kết hợp giữa tư lợi của các quốc gia (các chương trình sản xuất vũ khí rất tốn kém) và các tổ chức quốc tế như IAEA trong việc giám sát việc tuân thủ những chương trình giải giáp có giới hạn này.

Comments are closed.