Bao dung, thù hận và hòa bình

Lê Học Lãnh Vân

Hamas tấn công và giết ngàn người Do Thái. Những nhóm người, ở một số quốc gia, loan tin “hai bên xung đột nên tự kiềm chế”. Giọng điệu có khi nghe ra bênh vực kẻ xua lực lượng vũ trang xông vào lãnh thổ quốc gia khác, dội hỏa tiễn, đạn pháo giết dân chúng…

Do Thái, sau một thời gian ngắn thu xếp nội bộ, chuẩn bị lực lượng kỹ lưỡng, tiến hành thủ tục “tiên lễ hậu binh”, đang tập trung sức lực nhằm nghiền nát Hamas, quyết tâm tạo “một Gaza khác trước”, đương nhiên phải khác theo kiểu Do Thái muốn! Hùng binh đang chực chờ chỉ còn đợi lệnh xông qua biên giới…

Bài viết có một số thắc mắc và nhận xét.

1) Cuộc tấn công của Hamas vào Isreal tháng 10 năm nay và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine tháng 2 năm ngoái, thoáng nhìn từ ngoài có vẻ giống nhau, cũng cho lực lượng vũ trang vượt biên giới và dùng các loại vũ khí giết người, đa số nạn nhân là dân thường.

Điểm khác nhau là Nga rất mạnh so với quốc gia bị tấn công, mạnh tới mức các ước lượng chung ban đầu cho rằng chỉ sau một tuần Nga sẽ đè bẹp Ukraine. Trong khi đó Hamas rất yếu so với quốc gia bị tấn công, yếu tới mức nhiều dự đoán cho rằng sau cuộc tấn công, Hamas sẽ dễ dàng bị Isreal xóa sổ!

2) Thành quả của cố gắng từ nhiều phía, nhiều cá nhân xuất chúng nhằm xây dựng nền hòa bình lâu dài, lòng bao dung và thấu hiểu nhau giữa các bên… đã gần như bị xóa sổ sau cuộc tấn công tàn bạo của Hamas! Tại Trung Đông và tại chính trong lòng Do Thái, những thế lực thực sự mong muốn hòa bình lâu dài cho Isreal và Palestin bỗng nhiên lâm vào thế quá yếu! Trên thế giới, các quốc gia chống chiến tranh và chống sự đàn áp người Palestin cũng cũng có có những động thái bất lợi cho người Palestin!

3) Bài viết cho rằng hành động dã man của Hamas là không thể chấp nhận được, cần làm tất cả những gì làm được để các hành động như vậy không thể được lặp lại, kể cả tiêu diệt mầm mống có thể xuất phát hành động đó hay hành động tương tự. Câu hỏi là tiêu diệt mầm mống đó có đồng nghĩa hoàn toàn với tiêu diệt con người liên quan không? Có cách nào tiêu diệt mầm mống đó mà không tiêu diệt con người, hay chỉ tiêu diệt con số tối thiểu con người không? Có cách nào thay đổi cấu trúc xã hội, sự tương quan và/hay tương tác giữa các nhóm người, các dân tộc để tiêu diệt mấm mống đó một cách lâu dài không?

4) Thực ra, khi viết “tiêu diệt con số tối thiểu con người”, người viết đã tự thấy bất nhẫn! Thời đại bây giờ, người ta ngày càng văn minh, nền khoa học kỹ thuật ngày càng khiến thế giới phẳng hơn, các nhóm người gần gũi nhau hơn, tại sao con người còn phải “tiêu diệt con số tối thiểu con người” lẫn nhau?

Trong khi lo sợ với nhận xét “thế giới đã từ Bình bước vào Loạn và hiện nay có nhiều dấu hiệu cho thấy hình như đang tiến tới Đại Loạn”, câu hỏi thứ tư này vượt lên trên tầm vóc của xung đột Hamas và Do Thái.

Khi dùng biện pháp bạo lực trong mong muốn thiết lập an ninh trên một lãnh thổ giới hạn, cho một thời gian trước mắt, có khi nào điều ấy gây mất an ninh trên khu vực rộng lớn hơn và lâu dài về sau?

Có phải nền văn minh con người bất lực trước cái ác của chính con người? Tính dã man của hành động Hamas ngày 7/10/2023 vừa qua là quá rõ, có phải cái dã man lớn được tích tụ từ những cái dã man nhỏ hơn? Và những dã man nhỏ hơn được kích động, cổ xúy bởi những hành xử không bạo lực nhưng thiếu bao dung. Và những hành xử không bạo lực nhưng thiếu bao dung có thể đến từ những cá nhân hận thù, tuyệt vọng nhưng cũng có thể đến những chính sách quốc gia ích kỷ và hãnh tiến…

5) Các nhận xét và thắc mắc nêu trên được trả lời như thế nào tùy cá nhân. Với người viết thì trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, câu hỏi nào rồi cũng trở về với Việt Nam.

Một cậu bé gốc Palestin bị giết tại Mỹ như hệ quả của kỳ thị sắc tộc được đẩy bùng lên sau cuộc tấn công của Hamas. Từ đó tới nay trong vòng ba tuần đã hơn mười ngàn sinh mạng cả hai bên bị tước đoạt bằng cách thức dã man. Nếu nhìn rộng hơn, chúng ta thấy xung đột quốc gia, xung đột xã hội trong lòng quốc gia luôn là hậu quả của kỳ thị, không chỉ là kỳ thị chủng tộc. Các kỳ thị được tích lũy lâu dài gây hậu quả rất nặng nề, có khi thảm khốc!

Mong rằng trong khi tranh đấu giữ chủ quyền, người Việt không có bất kỳ kỳ thị sắc tộc nào tại Việt Nam, nhất là kỳ thị Việt – Hoa, mà hậu quả sẽ rất tai hại cho tương lai phát triển quốc gia.

Mong sao ở Việt Nam sẽ không còn bất kỳ hình thức kỳ thị nào nữa. Không còn bất kỳ sự bất bình đẳng nào nữa. Nếu điều đó chưa thể có được bây giờ thì cũng cần là mục tiêu chung của cộng đồng người Việt, của cả người dân lẫn chính quyền, trên con đường tới tương lai. Khi “thế giới bước vào Loạn và hình như đang tiến tới Đại Loạn”, Việt Nam càng cần giữ hòa bình, tích lũy nội lực phát triển mạnh khi có thời cơ!

Một thời Việt Nam đã rất bạo lực, coi bạo lực là biện pháp duy nhất đạt mục tiêu! Nay đã hòa bình gần nửa thế kỷ, Việt Nam đã áp dụng chưa cách tổ chức xã hội và ứng xử xã hội trong hòa bình, vượt lên trên quyền lợi phe phái, vùng miền, trên cả cuộc xung đột Quốc – Cộng một thời? Để xiển dương lòng bao dung, tinh thần hòa hợp đủ làm nền móng phát triển quốc gia lâu dài và tránh bất kỳ việc xung đột nào có thể xảy ra trong tương lai?

Ngày 26 tháng 10 năm 2023

Comments are closed.