Vì sao tôi tham gia Văn đoàn Độc lập?

Đào Tiến Thi

Harper’s Magazine là tạp chí lâu đời nhất và có uy tín hàng đầu của Mỹ (xem https://en.wikipedia.org/wiki/Harper%27s_Magazine).

Vừa qua, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam nhận được thư của Tạp chí đề nghị các thành viên Ban Vận động trả lời lý do gia nhập tổ chức này. Sau đây là thư trả lời của nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Đào Tiến Thi.

Văn Việt

 

Trong một lần làm việc với một nhóm cán bộ an ninh, họ chất vấn tôi vì sao tham gia Văn đoàn Độc lập (VĐĐL), tôi bảo: “Rất đơn giản, vì tôn chỉ của Văn đoàn đáp ứng được mong mỏi của tôi”. Tôn chỉ của VĐĐL là: 1. Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước; 2. Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ; 3. Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.

Tôi phải nói rõ thêm thế này: Về mặt câu chữ, tức là về mặt pháp lý của nó, thì tất cả điều lệ của các hội văn học nghệ thuật (VHNT) địa phương lẫn của Hội Nhà văn (HNV) đều có nội dung trên, câu chữ có khi còn hay hơn, sang hơn nhiều tôn chỉ của VĐĐL. Tiện đây xin nói luôn: cái điều ông Nguyễn Quang Thiều nói rằng “người ta không thể tham gia hai hội có cương lĩnh mục đích khác nhau” là không đúng. Xin nhắc lại, về mặt pháp lý, tôn chỉ của VĐĐL không hề trái ngược với tôn chỉ HNV và các hội VHNT địa phương hiện nay.

Nhưng vấn đề là trên thực tế có thực hiện tôn chỉ hay không. Hãy còn quá sớm để nói về VĐĐL, nhưng với HNV và các hội VHNT địa phương thì đã quá rõ. Thực tế tôn chỉ của các hội chỉ nằm trên giấy. Chẳng hạn ngay trong khi diễn ra các đại hội văn nghệ thường có khẩu hiệu “Đoàn kết – Dân chủ – Sáng tạo” nhưng khi bầu bán, chỉ vì giành giật một “góc chiếu giữa đình”, người ta chia bè phái, sẵn sàng sát phạt nhau, nói cạnh nói khoé nhau. Còn sáng tạo ư? Nhìn chung bất cứ sáng tạo nào cũng “động chạm” không nhiều thì ít đến hệ thống quyền lực, và sẽ bị xử lý tuỳ mức độ. Vì thế nhà văn chọn cách viết sao cho “an toàn”. Nhà văn càng có kinh nghiệm thì càng biết cách viết “an toàn”. Cũng đồng nghĩa với nhạt phèo hoặc dối trá.

Hay ví dụ như trách nhiệm bảo vệ hội viên của các hội. Trên thực tế, nếu nhà văn nào đã “có vấn đề” thì chả ai dám bảo vệ hết. Nếu đã nằm trong chủ trương “đánh” của cấp trên, thì người ta sẽ huy động tất cả “hệ thống chính trị” vào cuộc: Đoàn, Đảng, Hội Phụ nữ,… thậm chí là tổ dân phố. Và cái hội nghề nghiệp của anh sẽ đánh anh nặng nhất. Anh em đồng nghiệp có thể rất hiểu, rất thông cảm nhưng không đánh không được, vì đó là chỉ thị của cấp trên. Dính đòn đôi lần thì anh sẽ “khôn” ra, thậm chí còn tự ru ngủ mình là “viết thế cho nó lành”. Thực tế thì đa số chả cần bị đánh mới “khôn”, vì cứ nhìn vào vài đàn anh đi trước đã gặp nạn là đủ biết. Rút cục anh không còn là nhà văn theo đúng nghĩa nữa. Và đến một ngày ngày anh trở thành “văn nô” chính hiệu. Để tránh thành “văn nô” lúc nào không biết, tôi tham gia VĐĐL.

Hà Nội ngày 7-8-2015

Comments are closed.