Viện Khổng tử ở Angers, Pháp
Trong khi các Viện Khổng tử đang nở rộ tại nhiều nước trên thế giới, nhiều nhà giáo lên tiếng báo động về sự can thiệp trong lãnh vực ý thức hệ của các Viện này.
Bài báo trên The Wall Street Journal cho biết, một báo cáo được Hiệp hội châu Âu nghiên cứu Trung Quốc (EACS) công bố vào tháng 8/2014 tiết lộ là những người lãnh đạo các Viện Khổng tử đã đánh cắp và kiểm duyệt các tài liệu nghiên cứu trong dịp đại hội thường niên của hiệp hội này vào tháng 7/2014 ở Bồ Đào Nha.
Theo báo cáo, các rắc rối bắt đầu khi Hứa Lâm (Xu Lin), Tổng giám đốc mạng lưới các Viện Khổng tử toàn cầu, mang hàm Thứ trưởng, đến dự đại hội hôm 22/7. Cơ quan của bà có tham gia tài trợ cho sự kiện, và bà ta tuyên bố các tóm lược những văn bản được một số giáo sư giới thiệu « đi ngược lại với các nguyên tắc của Trung Quốc ».
Một điểm nữa theo bà không thể chấp nhận được, là sự hiện diện trong chương trình hội nghị một nhà bảo trợ khác : Quỹ Quốc tế Học thuật Giao lưu Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching Kuo), một quỹ của Đài Loan, từ thập niên 80 rất tích cực trong việc tài trợ các công trình nghiên cứu về Trung Hoa của các trường đại học trên thế giới.
Hứa Lâm « ngay lập tức đã ra lệnh cho ê-kíp của mình tịch thu tất cả các tài liệu của đại hội ». Hai ngày sau đó bà trả lại, nhưng những trang không vừa ý đều đã bị xóa.
Đây là cả một xì-căng-đan, theo Roger Greatrex, giáo sư trường đại học Lund ở Thụy Điển đồng thời là chủ tịch EACS. Ông đã phải cho in lại tất cả những trang bị kiểm duyệt. Tuy nhiên đây là chuyện thường ngày ở hàng trăm Viện Khổng tử nằm rải rác ở 120 nước trên thế giới.
Khi những Viện này không tổ chức các hội nghị để các nhà ngoại giao Trung Quốc giải thích cho sinh viên tất cả những điều xấu xa về Đạt Lai Lạt Ma – như trường hợp ở đại học Maryland năm 2009 – thì họ khuyến khích việc tự kiểm duyệt nơi các giáo sư.
Nhà trường hiểu rõ là nếu không muốn bị mất hàng trăm ngàn đô la tài trợ hàng năm, thì tốt nhất nên tránh đề cập đến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, sự độc lập của Đài Loan, hay tài sản khổng lồ của của các lãnh đạo Trung Quốc. Các Viện Khổng tử « cũng tham gia vào việc tuyên truyền của Trung Quốc ở nước ngoài » – năm 2009 ông Li Changchun, người phụ trách việc tuyên truyền của Bộ Chính trị, đã hoan nghênh điều này.
Những phản ứng chống đối rẩt yếu ớt, nhưng có lẽ mọi việc bắt đầu thay đổi. Hồi tháng Sáu, Hiệp hội các giáo sư đại học Mỹ đã yêu cầu đóng cửa các Viện Khổng tử trong các trường đại học, nếu các trường này không chứng minh được rằng hợp đồng ký với Bắc Kinh để cho nhà trường toàn quyền quyết định về nội dung chương trình, tuyển mộ giảng viên hay những lãnh vực khác. Nhưng muốn kiểm tra thì phải công khai tất cả các hợp đồng này, mà Bắc Kinh thì thích giữ bí mật.
Tại Canada năm 2013, Hiệp hội các giáo sư đại học đã đi xa hơn khi khẳng định các Viện Khổng tử không thể cải tổ được vì « thuộc quyền sở hữu và quản lý của một chính quyền toàn trị, phải thần phục chính sách của Bắc Kinh ». Cũng trong năm 2013, trường đại học McMaster ở Ontario đã đóng cửa Viện Khổng tử trong trường, sau khi một giáo sư tiết lộ rằng hợp đồng đòi hỏi phải giấu đi việc bà gia nhập Pháp Luân Công – một phong trào khí công bị chính quyền cộng sản coi là mối đe dọa, bị Bắc Kinh đàn áp từ năm 1999.
Tuy vậy các Viện Khổng tử lại đang phát triển mạnh tại các trường tiểu học và trung học Mỹ, vì có 20 trường mở thêm các Viện này trong năm nay, khi liên kết với College Board (cơ quan phụ trách các kỳ thi tuyển sinh đại học). Và cũng như ở các trường đại học, hợp đồng với chính quyền Trung Quốc được đặt trong vòng bí mật. EACS đã hành xử có trách nhiệm khi gióng lên tiếng chuông cảnh báo, và tiết lộ cách thức của Bắc Kinh vi phạm tự do giáo dục đại học.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20150523-bao-dong-ve-cac-vien-khong-tu-tren-the-gioi/