Cào bằng và Công bằng (*)

Nguyễn Phương Mai

Bài viết dưới đây công bố ngày 3/11/2016, nghĩa là trước khi có kết quả bầu cử Mỹ. Cho dẫu bây giờ D. Trump đã là kẻ chiến thắng, thì bài viết của Nguyễn Phương Mai không phải không cần đọc. Trái lại thế.

Tác giả giải thích ngắn gọn và dễ hiểu một vấn đề phổ quát, mà Mỹ hay Việt Nam hay bất cứ nơi đâu, chỉ là một trường hợp: Cào bằng và Công bằng. Đấy không chỉ là vấn đề quản trị xã hội, mà còn hiện diện tiềm ẩn hay công khai trong từng gia đình, từng cá nhân.

Tác giả là Tiến sĩ ngành Giao tiếp văn hóa và hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Amsterdam – Hà Lan.

Văn Việt

 

No automatic alt text available.

[Trong hình thứ nhất, mọi người được cho là đều hưởng lợi từ cùng một sự hỗ trợ. Họ được đối xử cào bằng. Trong hình thứ hai, mỗi người được hỗ trợ theo cách riêng, giúp họ đều có thể xem trận đấu. Họ được đối xử công bằng. Trong hình thứ ba, cả ba người đều có thể xem trận đấu mà không có hỗ trợ hay dàn xếp gì vì nguyên nhân gây ra sự bất công đã được giải quyết – Văn Việt].

Hai hình ảnh đầu khá nổi tiếng, nói về sự khác biệt giữa Cào Bằng và Công Bằng. Trong một xã hội hoặc một tổ chức đa dạng về giới, tuổi, sắc tộc, v.v. đối xử với mọi người ai cũng như ai thực ra không hẳn là công bằng. Cũng như những kẻ phải chạy trên đường đua, có kẻ chạy nhanh đến đích hơn vì chân không bị gắn gông xiềng (con nhà giàu, con ông cháu cha, là nam giới không bị cản trở bởi định kiến xã hội, v.v.), nhưng cũng có nhiều kẻ dù cố gắng đến mấy cũng đến đích chậm hơn (không được học hành ở trường tốt, sống trong môi trường nghiệt ngã hoặc bạo lực, không có nhiều mối quan hệ, bị định kiến giới kìm hãm, v.v.). Nếu ở vạch đích chúng ta đối xử với họ một cách Cào Bằng, muộn dù một giây cũng bị gắn mác kém cỏi, ai cũng được hỗ trợ y như nhau với một cái bánh và một chai nước, thì kẻ yếu đuối sẽ muôn đời yếu đuối, kẻ giàu có và quyền lực sẽ muôn đời giàu có và quyền lực. Thế nên nước nào cũng có Afirmative Actions, nghĩa là các chính sách ưu tiên cho một số bộ phận dân chúng cần hỗ trợ để nhanh chóng đuổi kịp các tiêu chí chung của xã hội.
Đại loại là thế.

Nhưng cũng không hẳn là thế. Vì afirmative actions có nhiều mặt yếu, trong đó có việc những kẻ mạnh cảm thấy nguồn lực của chính mình bị rút ruột và san sẻ cho bọn khác một cách không công bằng. Đó là khi chiếc hộp mà gã cao cao trong ảnh đứng bị kéo tuột sang cho gã thấp bé bên cạnh. Chính sách ưu tiên nếu không có sự hiểu biết và đồng thuận từ xã hội sẽ tạo ra cảm giác bất công, như một đứa con cưng bỗng dưng bị cho ra rìa.
Bàn sang chuyện Trump. Một lý do khiến ông ta thu hút được khá nhiều phiếu từ một bộ phận nam giới da trắng Mỹ vốn có một cuộc sống khá hơn mức bình thường, nhưng giờ cảm thấy những cơ hội của họ đang dần dần bị “đánh cắp” bởi những kẻ mà trước đây vốn chỉ là cái bóng của chính họ: người da màu, người nhập cư, phụ nữ, người trẻ tuổi, và người có học. Họ không bị thuyết phục bởi những lợi ích mà đa văn hoá và toàn cầu hoá đem lại, và khi chưa bị thuyết phục, chưa hiểu biết thấu đáo thì họ sẽ cho rằng những cơ hội mà họ (có nguy cơ) bị mất không phải là sự dịch chuyển tất yếu của một nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hoá, mà họ sẽ cho rằng nguyên nhân là do bọn kia cướp/ nẫng tay trên của mình. Đó chính là lý do tại sao Trump được ủng hộ khá nhiều từ một bộ phận dân lao động, trung lưu cấp thấp và cấp trung – chứ không phải là dân lao động nghèo. Nghèo thì chả có gì để mất. Nhưng trung lưu mà sợ biến thành nghèo thì sẽ dễ bỏ phiếu cho Trump hơn.
Bối cảnh xã hội Mỹ bây giờ không có gì khác mấy so với bối cảnh các công ty đa quốc gia nơi những chiếc hộp được phân chia lại mà không mấy ai để ý đến sự hậm hực của những gã đàn ông da trắng vốn quen thấy mình luôn ở vị trí cao chót vót, những kẻ bằng mặt nhưng không bằng lòng, những kẻ thấy dân da màu và phụ nữ thay mình lên nắm quyền, dù giỏi, nhưng vẫn bị cho là ngoi lên đỉnh nhờ sự bất công (cái hộp – cái hộp) mà chính họ cũng không thể đàng hoàng gọi tên vì sợ gắn mác phân biệt. Kề cả khi không còn có cái hộp thì sự hậm hưc̣ vẫn còn, vì họ cho răǹg cái hộp giờ được cung cấp một cách giấm dúi.
Để giải quyết tận gốc mọi vấn đề, chúng ta có lẽ không nên nhìn vào những cái hộp mà phải soi vào tận ngọn nguồn. Tại sao lại cần những cái hộp? Tại sao lại cần sự cơ cấu có bao nhiêu phụ nữ hay người dân tộc trong ban lãnh đạo? Sẽ đến một lúc chúng ta phải hiểu rằng việc tồn tại những cái hộp là do có cái HÀNG RÀO. Nếu cái hàng rào còn thì những cái hộp sẽ còn, và bao nhiêu cũng không đủ, chia sẻ thế nào cũng khó mà công bằng tuyệt đối. Kề cả khi không còn hộp thì sự hậm hưc̣ không tự nhiên mà biến mất.
Phải phá bỏ cái hàng rào, phá bỏ những định kiến. Có thể kể ra đây những định kiến về sắc tộc (bọn Rệp bẩn, bọn đen lười, bọn châu Á bảo thủ ngây thơ, v.v.), những định kiến về giới (đàn bà không thể làm cái nọ cái kia, đàn ông không thể lam̀ cái nọ cái kia, dân gay là đồ bệnh hoạn), những định kiến về tuổi tác (người già lẩm cẩm trì trệ, người trẻ háu đá ngu dốt), những định kiến về sức khoẻ (điếc mù thi học hành nhiều làm gì, đằng nào chả là người tàn phế), những định kiến về xuất thân (cha mẹ nó bỏ nhau thì nó cũng chả ra gì, rau nào sâu nấy, đồ nhà quê ngoi lên làm người, dân lao động mà cũng đòi), v.v. Nhiều, kể cả ngày không hết.
Cuộc bầu cử ở Mỹ tuy xa xôi nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam (ví dụ như Trump tất nhiên chẳng quan tâm đến Biển Đông nên sự ủng hộ của Mỹ coi như quên đi). Tuy nhiên, loại bỏ những tác động đó ra thì đó là hiện thân của một thời quá độ̣ chuyển dịch sang các giá trị đa văn hoá. Và nếu Trump thắng, thì điều đó trả lời cho sự thờ ơ của chúng ta trước sự giận dữ ngấm ngầm của những đứa con cưng một thời giờ phải đối mặt với viễn cảnh bị cho ra rìa vì một đứa em sắp chào đời, đã thế bố mẹ nó còn không chịu giải thích cho nó hiểu, mà còn hùa vào trêu chọc mà như đe dọa: “Con giờ thành anh chị lớn, phải biết NHƯỜNG em nghe chưa?”
Không tức mới là lạ.

Nguồn: FB Nguyễn Phương Mai

(*) Nhan đề của Văn Việt.

Comments are closed.