Đã đến lúc lên ngôi của Văn hóa và Tri thức

Hà Thủy Nguyên

“Văn hóa là hoạt động của tư tưởng, và sự thụ nhận cái đẹp và tình cảm con người. Nó không liên quan gì đến việc nắm bắt những mảnh thông tin rời rạc. Một người chỉ đơn thuần có nhiều thông tin là kẻ lắm chuyện vô dụng nhất trên đất của Thượng Đế. Điều mà chúng ta nên hướng đến là tạo ra những người vừa có văn hóa, vừa có tri thức chuyên môn trong chiều hướng đặc biệt nào đó. Tri thức chuyên môn của họ sẽ mang lại cho họ nền tảng để xuất phát, và văn hóa của họ sẽ dẫn dắt họ vào sâu thẳm như triết học và thăng hoa như nghệ thuật”

Trích sách “Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác” – Alfred North Whitehead (Hoàng Phú Phương, Tiết Hùng Thái, Hà Dương Tường dịch)

Đã từ lâu ở Việt Nam, hệ thống giáo dục và truyền thông xã hội không hề hướng tới việc tạo ra những người có văn hóa và cũng không hề tạo được những người có tri thức chuyên môn. Lối nói “thừa thầy thiếu thợ” là một biện minh xảo trá, bởi thực trạng ở Việt Nam đó là vừa thiếu thầy vừa thiếu thợ.

Thống trị mọi lĩnh vực ở Việt Nam hiện nay chỉ có những kẻ gặp thời. Chợt nhớ tới lời than của Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút”: “Kẻ gặp thời thì không có chí, mà kẻ có chí thì chẳng gặp thời”. Cái chí ở đây không nên hiểu hạn hẹp là cái chí của kẻ theo đuổi thành đạt. Chí ở đây là chí muốn tạo một cuộc thay đổi để đưa cộng đồng hướng tới lối sống đẹp hơn, sâu sắc hơn. Đó là cái chí của sự hướng thượng mà chỉ những người có tri thức và có văn hóa mới hiểu được và mới dám dấn thân.

Nhiều cuộc cải cách giáo dục đã diễn ra, nhiều cuộc thanh trừng chống tham nhũng được phát động, nhiều cuộc biểu tình được tổ chức, nhiều xu hướng kinh tế mới được đề xướng… Tất cả chỉ là phần ngọn của vấn đề. Chừng nào người ta chưa biết trân trọng văn hóa và tri thức, chừng ấy nước Việt Nam còn lụn bại. Nhìn trong lịch sử Việt Nam, không ít thời những thế lực thiếu văn hóa và tri thức giữ được địa vị cao và hậu quả là một sự tàn phá, suy đồi kéo dài. Không chỉ ở dưới thời Xã hội chủ nghĩa, mà còn cả cuối thời Lê – Trịnh, cái nạn đám đông tàn phá, sĩ phu dùng lời lẽ thao túng các thế lực, kẻ làm quan cậy quyền cậy thế tham nhũng và cướp bóc… đã rất phổ biến. Những người có tri thức, có văn hóa lui về ở ẩn, để giữ sự trong sạch của mình và cũng thể hiện cho sự bất lực trước thời cuộc.

Hiện trạng ngày nay là sự giao tranh giữa xu hướng trọng văn hóa, tri thức với xu hướng trọng tiền bạc, xu hướng trọng quyền lực đám đông. Đây cũng là tình trạng đã gặp phải ở thời 30-45 của thế kỷ 20. Hậu quả là xu hướng quyền lực đám đông đã thắng, sau đó là xu hướng trọng tiền bạc chiếm ưu thế sau những năm 90. Xu hướng trọng văn hóa, tri thức trượt dài trong thất bại. Cứ mỗi lần cơ hội đến, các trí thức có tâm và có tài nhen nhóm làm điều gì đó thay đổi cho đất nước thì lại bị hai xu hướng kia đè nén, thậm chí giả mạo. Giờ đây, xu hướng trọng tiền bạc và xu hướng trọng quyền lực đám đông cũng tạo ra đội ngũ học giả của riêng họ để làm dư luận dẫn dắt quần chúng. Những học giả này dẫm đạp lên văn hóa và tri thức đích thực, thay thế bằng các sản phẩm kém chất lượng hơn.

Bây giờ, những người có tri thức và văn hóa sẽ phải làm sao? Có nên quay mặt để giữ sự trong sạch cho riêng mình? Tôi vẫn luôn tin cơ hội không tự nhiên đến, cơ hội là do mình nỗ lực nhặt nhạnh, chắt chiu từng ngày. Ở thời Trung Cổ, khi đa phần dân chúng mù chữ, nhiều tri thức bị coi là quỷ dữ, vẫn có những người bất chấp nguy hiểm, liều mạng để gìn giữ, sao lưu, thậm chí thuyết giảng với các quý tộc để mong mỏi có một ngày thay đổi. Nhờ vậy, phương Tây có một kỷ nguyên Phục Hưng rực rỡ mà chúng ta đến nay vẫn được thừa hưởng một phần thành quả

Vậy đấy, tôi không tin xu hướng đám đông và xu hướng trọng tiền bạc có thể tồn tại được lâu. Bởi chúng chỉ tàn phá, và khi chúng tàn phá đến cực điểm, sẽ là lúc cần xây dựng những nền tảng mới. Lúc ấy, tri thức và văn hóa sẽ trở thành vị Chúa cứu rỗi con người.

Image may contain: one or more people

*Ảnh minh họa trong TV series “Những con quỷ của Da Vinci”

Nguồn: https://www.facebook.com/ha.thu1904939929534938 ynguyen.5/posts/

Comments are closed.