Lê Công Tư
Sợ hãi vốn là một cảm giác, một cảm trạng bất an về một sự de dọa nào đó đang ở phía trước. Nó vốn là hệ quả tất nhiên của những hành động mà những người vướng vào những nỗi sợ hãi này có cảm tưởng như mình là người bất chính, sai trái. Nó còn là hệ quả gián tiếp được gây ra từ những guồng máy cai trị chỉ lấy đe dọa để hù họa con người. Và ai cũng biết cái gì cũng có giới hạn của nó. Có thể nói tất cả mọi chế độ bất kể chế độ nào đều kết thúc khi con người không còn biết sợ hãi là gì nữa.
Đã không biết bao nhiêu lần, mỗi lúc nhìn lại tấm ảnh cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức với một khuôn mặt tĩnh tại ngồi im trong lửa đỏ như là cái cách bày tỏ thái độ của mình với một chế độ phân biệt tôn giáo. Với riêng tôi, đây là một trong những hình ảnh tuyệt đẹp về một cái chết. Cho mãi đến hôm nay tôi nhận ra rằng cái ngọn lửa đó đã thiêu rụi một chế độ chứ chưa bao giời thiêu rụi được quả tim con người này. Thuật ngữ của đạo Phật gọi cái hình ảnh điềm nhiên này là Vô úy. không còn biết sợ là gì.
Không ai không biết cái cách duy nhất để vượt qua sự sợ hãi là cứ đi thẳng vào lòng nó, cái cách duy nhất để không sợ chết là cứ lững thững đi vào cõi chết. Không còn cách nào khác.
Nói đến Henry David Thoreau người ta hay nhắc đến cuốn Civil Disobidience (Bất phục tùng dân sự). Đây là một cuốn sách chỉ mỏng có mấy chục trang, ban đầu có tên Chống lại chính quyền (Resistance to Civil Government) sau này nghĩ sao ông đổi tên là Bất phục tùng dân sự. Có thể nói cuốn sách mấy chục trang này đã tạo được những ảnh hưởng không nhỏ với những cái đầu ưu việt của nhân loại như Thánh Gandhi, Mục sư Martin Luther King, văn hào Leon Tolstoi của Nga. Nói tắt một lời, nó tựa một cái kim chỉ nam, gợi ý một phương hướng hoạt động cho bất cứ một ai cảm thấy sự tự do của con người, của công dân, của chính mình bị chà đạp bởi một đường lối thống trị hà khắc nào đó.
Trước khi đi sâu vào những ý tưởng của Thoreau tưởng cũng nên nhắc lại một ý tưởng của Thomas Paine trong trang đầu tiên củ tác phẩm Common Sense xuất bản năm 1776 của ông: “Nhà cầm quyền, dù ở tình trạng tốt nhất, cũng chỉ là cái ác cần thiết; và trong tình trạng xấu nhất, cái ác không thể chịu nổi.” (Government, even in its best state, is but a necessary evil; in its worst state, an intolerable one.)
Còn đây là ý tưởng của Thoreau: “Chính quyền nào chi phối ít nhất là chính quyền đó tốt nhất”. Tôi mong được thấy châm ngôn đó được đem ra thực hành mau hơn, một cách triệt để. Rốt cuộc sẽ đưa tới điều này mà tôi tin nó cũng đúng nữa: “Chính quyền nào không chi phối chút gì là chính quyền đó tốt nhất “ (Henry David Thoreau, Một lương tâm nổi loạn, bản dịch Nguyễn Hiến Lê. Sài Gòn: Cảo thơm, 1970).
Có lẽ thánh Gandhi là người chịu ảnh hưởng Thoreau một cách sâu sắc nhất trong suốt thời gian chống lại thực dân Anh. Ông sử dụng chính sách bất hợp tác, không tuân lệnh chính phủ và bất bạo động. Thấy thuế muối đánh lên đầu người dân là vô lý, ông vận động dân Ấn không nạp thuế muối. Ông tổ chức một cuộc tuần hành với khoản gần 200 ngàn người dân, đi bộ 200 dặm ra tới bờ biển lội xuống biển lấy nước lên làm muối. Thực dân Anh đàn áp dã man. Những người biểu tình thản nhiên, không chút sợ hãi trước sự đàn áp này. Cuối cùng thì kẻ sợ chính là thực dân Anh. Còn đây là lời của Thánh Ganhdi: “Ngay cả một chính quyền độc tài bậc nhất cũng không thể đứng vững được nếu không có sự tán đồng của dân, của kẻ bị trị … Khi người dân không còn biết sợ sức mạnh của kẻ độc tài nữa thì uy quyền của chúng tiêu tan rồi” (sđd).
Còn khi bước vào tù, ông nói như vầy: “Chúng ta yêu cầu mở rộng khám đường để chúng ta bước vào, hân hoan như chú rể vém rèm bước vào buồng cưới. Khám đường chỉ là nơi rèn luyện ý chí đấu tranh” (sđd).
Mục sư Martin Luther King lãnh đạo cuộc đấu tranh của người da đen chống kỳ thị chủng tộc, nói như vầy: “Chúng tôi chỉ nói với người da trắng rằng chúng tôi sẽ không hợp tác với họ nữa vì chính sách của họ xấu xa… Khi một dân tộc bị đàn áp mà sẵn lòng chấp nhận sự đàn áp thì chẳng khác gì khuyến khích kẻ kia đàn áp thêm nữa không?” (sđd).
Khi nhìn lại những sự kiện vừa mới xảy ra như vụ cá chết ở Formosa, thu thuế BOT ngớ ngẩn ở cầu Bến Thủy, đất đai Đồng Tâm và gần đây nhất là ở Bắc Ninh, không khó để có thể nhận ra người dân đã bước qua được sự sợ hãi, họ đã chứng minh cho cả nước này thấy rằng lẽ phải phải thắng, nó làm cho cả một cơ cấu quyền lực phải chùn chân, phải bước xuống mà nói chuyện phải trái với dân, phải công nhận sự phản đối của họ là chính đáng, phải nhìn lại cái đường lối cai trị của mình, một đường lối cai trị nhuốm màu bất chính. Trong cuốn video mà ai đó quay được ở Bắc Ninh, giữa những tiếng chửi thề, la ó, phản đối, tôi nghe được một câu như vầy của một người dân nói với một anh Công an: “Tụi mày có ngon thì đi đánh nhau với tụi Tàu cộng kia kìa”.
Đúng thôi. Họ chỉ đòi lại những gì vốn là của họ. Đó là những cái quyền cơ bản nhất của người dân, sự tự do cơ bản nhất của một con người.
Đà Lạt, 23-4 -2017