Nghĩ về một từ ngữ: khoái trá

Hà Nhật

Trong tiếng Việt, có từ ngữ: khoái trá, vốn gốc là khoái chá.

Khoái 膾 là nem, chá 炙 là chả.

Khoái chá là sướng như được mời ăn nem ăn chả.

Thế mới biết rằng thú vui của người xưa thật là đơn giản.

Truyền thuyết nói rằng ngày đám cưới Mỵ Châu, cả làng không ăn cơm, mà ăn bún.

Hình như đến ngày nay, cả làng ấy vẫn còn ăn bún trong cái ngày kỉ niệm ấy.

Thế là bún đã khác cơm, sang hơn cơm.

Xem ra niềm vui của dân mình xưa trong ẩm thực chỉ là thế. Cho nên, được ăn nem ăn chả đã là sướng lắm rồi.

Bây giờ thì khác hẳn. Mấy ai thèm ăn nem ăn chả! Phải là sơn hào hải vị.

Có lẽ chính vì thế mà người xưa ít tác động đến thế giới xung quanh, tàn sát vạn vật quanh mình. Con người hoà hợp với thiên nhiên, coi vạn vật cỏ cây cũng là mình, giống như mình.

Vạn vật cỏ cây sống gần người, hiểu được buồn vui của người, nói được tiếng người, chia sẻ, cứu giúp người.

Con cá bống nghe và hiểu câu hát:

Bống bống bang bang

Lên ăn cơm vàng nhà ta

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người

Con chim vàng anh thì hiểu lời hoàng tử:

Vàng ảnh vàng anh

Có phải vợ anh chui vào tay áo

Đến như quả thị cũng hiểu:

Thị ơi thị rơi bị bà

Bà để bà ngửi chứ bà không ăn

Bây giờ thì cái gì cũng ăn. Mọi thứ đều có thể trở thành món ngon. Trên rừng thì có hổ báo, hươu nai, hoẵng, trăn, rắn… Quanh nhà thì có vịt gà ngan ngỗng, rồi ăn cả bạn là chó, mèo…

Con người ngày càng đối lập với tự nhiên, bóc lột tự nhiên, trở thành kẻ thù của tự nhiên.

Người ta phá nát những khu rừng hàng nghìn năm tuổi.

Con người gây hận thù với thiên nhiên.

Tất nhiên, có vay thì có trả.

Và con người chúng ta đang phải trả!

Và con người chúng ta đang phải trả!

Nhớ có lần ở nước nọ, vua ra lệnh tiêu diệt chim sẻ vì chúng ăn mất nhiều lúa. Hậu quả nhãn tiền!

Thiên tai, chỉ có thể tránh, không thể chống. Nói chống thiên tai là nói khoác.

Comments are closed.