Văn học miền Nam 54-75 (313): Nhã Ca (4)

Chuyện Đôi Ta

I

vietmessenger

Năm mười bảy tuổi, Nguyễn mới có chuyện tình. Đối với những cô bạn gái đồng trang lứa với Nguyễn, đứa nào cũng dấu thư tình trong tập vở từ năm mười lăm, mười sáu. Tại sao Nguyễn muộn như thế nhỉ? Có nhỏ xấu miệng, xì xầm to nhỏ rằng: Con đó gà tồ. Con đó nhan sắc không hấp dẫn. Ừ, chỉ có nhan sắc kém, thiếu duyên dáng, mới ít kẻ tán tỉnh. Nguyễn nghe hết. Thì bọn nó, nói là cốt để cho Nguyễn nghe đó thôi. Nguyễn mỉm cười. Nguyễn biết Nguyễn chứ. Đẹp rực rỡ, duyên dáng? Có lẽ Nguyễn không dám chủ quan. Nhưng tươi sáng, thông minh, nhanh nhẹn đó là đặc điểm của Nguyễn. Chuyện tình tới muộn. Nguyễn phải rõ hơn hết mọi người. Tới chậm, vì người ta chưa muốn cho nó tới sớm.

Khi nói ra, mọi người có thể nghĩ là con Nguyễn này dóc. Nguyễn đã lố bịch hoá câu chuyện. Vì vậy, những gì về trước năm mười bảy tuổi xóa, quên nó đi. Chỉ có một chuyện đáng nhớ là trước mười bảy tuổi, Nguyễn là Lê Nguyễn, và từ năm mười bảy tuổi trở đi, Nguyễn vẫn là Lê Nguyễn. Mang hoài cái tên con trai, trong tâm hồn một người con gái. Lâu quá rồi, nếu trách ông già bà già đặt tên kỳ cục thì phải trách từ lúc nhỏ. Bây giờ, đã muộn.

– Người yêu kiếp trước của Lưu Nguyễn chăng?

– Nó đâu phải là con gái. Chắc là sự kết hợp của hai anh chàng gàn dở Lưu Nguyễn đó.

Bọn bạn gái, hay gán ghép này nọ để trêu Nguyễn. Còn bọn con trai, khi mới tán tỉnh làm quen, nghe tên Lê Nguyễn, tưởng là Nguyễn nói đùa hay chanh chua. Con gái chanh chua, hay kê tủ đứng, hộc bàn thì ai mà chẳng sợ. Các anh rút lui từ từ. Còn bọn con trai đã quen rồi, thì đem Nguyễn ra mà giễu.

– Ơ, Vậy Nguyễn đâu phải con gái há. Nguyễn là trai giả gái há.

Nguyễn ghét. Chỉ có một người, năm Nguyễn mười bảy tuỗi, đã reo lên, sửng sốt:

– Ô, Lê Nguyễn. Tên đẹp quá.

Nguyễn khoái. Nhưng còn làm bộ:

– Đẹp gì đâu. Tên Hoa, tên Huệ, này nọ mới đẹp. Chớ tên Nguyễn, mà Lê nữa, thì đẹp ở chỗ nào?

Anh chàng lắc đầu:

– Không phải. Tên của Nguyễn là một sự bền bỉ của hạnh phúc.

Nói văn hoa chăng? Nói văn hoa quá thì Nguyễn không hiểu. Anh chàng giải thích:

– Lê họ cha. Nguyễn là họ mẹ. Như vậy, tên của Nguyễn là tên của thương yêu, của hạnh phúc.

Cám ơn. Gia đình Nguyễn thì hạnh phúc lắm. Bố và Mẹ, bây giờ đã già, nhưng Nguyễn bảo đảm là thương yêu nhau kinh khủng. Gia đình ít người nên tình thương đâu có chia xẻ bao nhiêu. Anh của Nguyễn Lê Thương. Bởi mẹ muốn thương Bố hoài, rồi tới Nguyễn. Và anh chàng đã nói đúng gần như thầy bói. Nguyễn phải cười. Nụ cười của Nguyễn làm mắt anh chàng chớp hoài. Chắc cảm động. Nguyễn thú thật, lần đầu tiên trong đời, Nguyễn biết chú ý tới một chàng con trai. Chú ý ngay từ lúc chàng mới nhào dô tán tỉnh.

Anh Chàng. Nguyễn xin dài dòng giới thiệu một chút. Nếu là loại thanh niên thời đại thì chắc không có phút làm quen nữa. Không hiểu bọn bạn gái của Nguyễn thích loại con trai như thế nào? Nguyễn chỉ nói phần Nguyễn thôi. Mặc kệ ý thích của Nguyễn, vì có thể mẫu người Nguyễn thích đối với kẻ khác xấu ỉn. Những loại quê mùa, đi giầy đơ cu-lơ là không có Nguyễn. Loại mặc quần ống loa thì kinh khủng rồi. Đi giày cao một tấc. Tóc để dài có thể kẹp bím được. Cho Nguyễn hai chữ bình an. Còn nữa, áo hoa sặc sỡ, hay loại mút-sơ-lin mỏng dính triển lãm đủ ba mươi sáu cái xương sườn! Nguyễn khó tính? Nguyễn nhà quê? Và loại Nguyễn thích chắc là một anh chàng đi đứng lớ ngớ, tóc húi cua, mặc quần ống túm. Nghĩ như vậy thì khinh Nguyễn quá. Chàng của Nguyễn (dám xác nhận mà) là người lịch sự, gì cũng vừa đủ thôi. Vừa đủ nghĩa là không lố lăng, không làm cái gì quá đáng. Nguyễn khoái nhừng màu áo chàng mặc. Nhạt, quí phái, sang trọng, thường đi với những màu quần hoà hợp. Và không phải lúc nào chàng cũng chỉ có những màu đó. Đôi khi, chàng có nhừng mầu áo dữ dội, thật đậm, để đi với những màu quần hay màu áo thật mơ. Xám nhạt. Nâu nhạt. Giày chàng đi không màu mè, không kiểu cọ. Còn đầu tóc không dài ngang vai mà cũng không ngắn như mới ở quân trường về. Chắc có bạn bịt mũi cười. Có bạn phê bình: Vậy chàng của Nguyễn chắc làm quảng cáo cho một hiệu may. Tệ hơn, là một ông phó may chính cống. Nguyễn vui vẻ cười góp liền. Cũng không cần giải thích. Lối ăn mặc, tư cách phong thái của chàng, tố cáo chàng là con nhà giàu. Nhưng chàng khiêm nhượng, lúc nào cũng đi chiếc Honda nặng ký, 120 mã lực. Nhưng chàng không phải tay đua gì. Đua ở trong cái thành phố bé tí tẹo này để đi nằm nhà thương dài dài à. Chắc tại chàng khoái tốc độ, phải nên đi xe như thế, để đi thật từ tốn trong thành phố, kiềm chế sự thống khoái tốc độ đó bớt đi. Như vậy chuyện gì, Nguyễn cũng bênh Chàng hết.

Nguyễn gặp chàng rất tình cờ. Trong thư viện Quốc gia. Thật ra, Nguyễn chẳng khoái thư viện. Nguyễn đâu có cặp kiếng dày cộm và muốn trở thành một nữ giáo sư dạy triết lúc nào cũng ôm sách vở đầy trên tay! Nói thiệt ba mớ hiện sinh buồn nôn, sao nhức đầu quá. Vô phúc, Nguyễn cầm một tập truyện mà có chữ gì đại để là nôn mửa, là Nguyễn muốn nôn mửa liền. Bộ nôn mửa là triệu chứng gì độc quyền của mấy ông nhà văn. Mấy ông muốn dành nghề một cách bất chính hả. Nhưng con bạn của Nguyễn lại có bốn mắt và một đầu óc loại bác học thông thái. Hôm đó, kẹt quá, không biết đi chơi với ai Nguyễn mới dại chui vô thư viện. Đụng đầu chàng cái cốp. Và gặp rắc rối ngay.

– Cô kiếm cuốn gì. Tôi giúp cho.

– A… Thôi, cám ơn ông. Tôi tìm tầm bậy tầm bạ mà.

Chàng ngó Nguyễn, nụ cười giễu cợt:

– Bây nhiêu lớn mà đã tìm sách tầm bậy tầm bạ?

Khí giới của con gái là cái nguýt, cái háy. Bĩu môi. Lặng yên bỏ đi chỗ khác tỏ vẻ khinh bỉ. Nhưng chết chưa. Nguyễn vẫn cứ đứng, không cất bước đi được mà cũng không bĩu môi. Sao thế nhỉ?

Con bạn bốn mắt. Kẻ triết gia đi tìm mãi không bao giờ thấy ý nghĩa cuộc đời. Bỗng lù lù xuất hiện. Nó hích Nguyễn:

– Bạn ha?

– Không. Ơ…

– Mày mượn gì đọc đi. Thiếu gì sách. Đứng đó cho người ta…

Nó nhíu mày, chém mạnh:

-… Cho người ta hỏi vớ vẩn.

Nó kéo tay Nguyễn. Nguyễn biết nó cáu anh chàng. Anh chàng lặng lẽ ngó Nguyễn, còn cô bạn của Nguyễn thì anh làm như không thấy, không biết, không có ở trên đời. Nguyễn theo con bạn ngồi vào một góc, nụ cười của anh chàng dán theo hoài. Và bỗng Nguyễn cảm thấy vui tươi, rộn rã chi lạ. Đâu biết tại sao? Cần gì biết. Con bạn, liếc Nguyễn một cái, ném cho Nguyễn một cuốn sách:

– Coi đi. Mày chỉ ưa lộn xộn.

Chắc vậy. Nguyễn đang ưa lộn xộn đây. Nguyễn đâu có đọc được gì. Anh chàng đứng ngoài hàng lang, ngó xuống sân cỏ. Làm bộ chờ hai con mắt anh chàng đang ở đằng sau ót hả. Nguyễn mỉm cười. Chữ nghĩa gì đâu, cứ như những sinh vật nhỏ, bay vù vù trước mắt.

Con bạn, sau khi đã nghiền ngẫm kỹ, đã cóp trong sách vở một mớ triết lý, vội bảo Nguyễn đứng dậy, lấy cái lưng che che, Để làm gì thế? Dể hiểu quá. Để xé cái roẹt, hai ba trang sách rời ra, đút vào cái bóp nhỏ. Nguyễn cũng tài tình giúp bạn. Cả hai, thu xếp bút nghiên, trả sách cho thư viện, ra về.

Anh chàng còn đi theo một đoạn, và mở lời nữa chớ:

– Còn sớm mà.

– Nham nhở. Sớm cái gì?

Nhỏ bạn trả lời cay nghiệt. Chớ Nguyễn thì không. Nhưng anh chàng, đã nói là coi như không có cô bạn đi bên Nguyễn trong đời này, chỉ cười với Nguyễn:

– Coi vạt áo.

Chết cha. Nguyễn quay lại. Một phần vạt áo bị giắt lại. Chắc tại lúc ngồi vô ý. Nguyễn sượng trân.

Đó là phút gặp gỡ. Còn phút làm quen mới ly kỳ.

II

Nguyễn biết anh chàng học văn khoa. Không phải Nguyễn nhờ thám tử tư điều tra đâu. Cần gì điều tra. Ngay buổi chiều gặp gỡ ở thư viện, con bạn đèo Nguyễn về. Nguyễn quay lại thấy anh chàng cho xe theo xa xa. Phắc. Anh chàng biết rõ nhà Nguyễn. Nguyễn hơi kiêu hãnh. Tại nhà Nguyễn ở ngay mặt lộ, dễ kiếm. Nhưng coi chừng. Nhà có chó dữ, có tường cao. Cổng sắt kiên cố. Anh chàng còn lâu mới vô nhà được. Nguyễn kiêu hãnh làm chi đã chứ. Anh chàng đâu cần vô nhà. Ít khi người ta chạy vô nhà, ngồi ở phòng khách để tán tỉnh nhau lắm. Anh Thương của Nguyễn đào huê một cây, đã thường nói về khinh nghiệm những vụ tán tỉnh:

– Vô nhà hả. Ngu. Đứng ngoài cổng đôi khi còn bị bắt cóc đem vô nhốt lại rồi. Tán tỉnh chán gì chỗ, xa xa, để dọt cho lẹ chứ.

Nguyễn cười anh quá. Anh làm bộ, lúc nào cũng coi thường con gái. Phải làm bộ như thế vì không thể coi thường được. Con gái, đã trở thành một thứ mê hoạc, một thứ thần tượng trong tâm hồn những chàng trai mới lớn. Mất công đeo đuổi, mất công tán tỉnh. Đau đớn, nói để tự rửa hận, để cho khoái mồm đó mà. Tội nghiệp.

Anh chàng, từ hôm biết nhà, liền thay đổi lộ trình. Chỉ còn một đường duy nhất là đi qua con đường nhà Nguyễn ở. Mà lúc nào, cũng đúng lúc Nguyễn về tới ngõ. Vừa mới xuống xe, lúi húi bấm chuông là đã nghe còi xe của anh chàng inh ỏi. Anh chàng vụt qua, như chớp, biến mất. Nhưng Nguyễn biết, trước đó anh chàng đã ngắm Nguyễn mãn nhãn. Làm quen kiểu đó còn lâu. Nhưng anh chàng, nhất định làm quen rồi, không cần làm quen nữa. Và một bận, Nguyễn vừa ra trường, đi một đoạn, đang vọt ngon lành thì choáng váng, suýt té vì một cái xe ngược chiều đang phóng lù lù, nhanh như mũi tên.

– Ui da.

– Ủa.

Cả hai xe đều thắng két két. Ê cả răng. Khi ngừng, hai xe sát nhau, suýt chút thì đụng độ. Tay chân Nguyễn run lẩy bẩy. Anh chàng, không chút lính quýnh, còn làm ra bộ ngạc nhiên:

– May quá, gặp người quen.

– Quen hồi nào. Sợ chết được.

Nguyễn dắt xe vô lề. Bây giờ, đố Nguyễn lên xe đi được đó. Đang run, đang mất bình tĩnh. Giờ buổi chiều, con đường lớn, xe hàng chạy vèo vèo. Phải nghĩ một chút cho bình tĩnh lại đã. Anh chàng cũng dựng xe. Trả lời Nguyễn tỉnh bơ.

– Ủa làm mặt hả. Ngó coi.

– Xì. Tui…

Chẵng nghĩa lý gì hết. Tự nhiên nói xì, rồi nói tui. Tui làm sao? Nguyễn nín thinh. Anh chàng tỏ vẻ lo lắng:

– Xe có sao không?

– Biết đâu.

Nguyễn đứng tránh qua một bên để anh chàng coi cái xe. Muốn coi thì coi chớ hư hao gì. Đã đụng nhau đâu. Còn muốn đụng nữa hay sao đây? Anh chàng xoa hai tay:

– Không sao hết. Ngon lành.

Và anh chàng cười:

– Nhớ tui hông? Tui, bữa gặp ở thư viện đó… Thấy không, cô nhỏ quên mà chiếc xe nó nhớ. Nó nhớ nên nó định nhào tới rua cái xe của cô.

– Đi đâu mà như mù. Mù thì có. Đi gì lạ vậy?

– Đi về nhà.

Nguyễn bật cười. Đã nói Nguyễn chết vì cái tính vui vẻ, mau quên. Vậy là chỉ mười phút sau, anh chàng đã song song xe với Nguyễn. Nguyễn bạo quá chăng? Tự nhiên quá chăng? Nhiều người nói tính Nguyễn giống tính con trai. Dạn dĩ, tươi vui, bộc trực. Nguyễn cũng biết điều đó. Nhưng làm bộ e lệ, nhõng nhẽo thì Nguyễn chịu.

– Hỏi tên được không?

Giấu làm gì. Và Nguyễn nói để thấy anh chàng sửng sốt và Nguyễn vui thích. Lần đầu tiên, một người tin Nguyễn ngay, không cho là Nguyễn đùa. Và cũng tự nhiên, Nguyễn muốn biết tên anh chàng:

– Anh có tên không?

– Có chớ. Ai mà không có tên cha mẹ đặt.

– Cho biết đi.

– Tên há. Được ngay. Tui là Nguyễn Ngọc Diệp.

– Trời đất.

Nguyễn che miệng kêu lên. Bộ trời đất đã xếp đặt chăng? Cô Lê Nguyễn, có bạn trai là cậu Nguyễn Ngọc Diệp.

– Đâu phải ông trời đặt. Ông già tui đặt đó.

– Đừng có đùa nghe.

– Ơ, tui tin cô Lê Nguyễn ngay. Tai sao cô Lê Nguyễn không tin anh Nguyễn Ngọc Diệp nhỉ?

– Anh?

– Vậy làm em chăng? Cô Nguyễn đã lớn, nhưng tui lớn hơn. Phải kính trọng người trên chớ.

Phát mệt với anh chàng. Phát mệt khi nghe anh chàng dài dòng kê khai lý lịch. Chưa hết đâu. Nguyễn xì nẹc anh chàng ghê lắm. Xì nẹc nhưng chịu anh chàng. Coi, anh chàng nói chuyện ngang như cua.

– Nguyễn thì dễ thương. Nhưng ông anh của Nguyễn chuế quá.

Chết cha. Có ai tán đào kiểu đó không? Thường thường, theo kinh nghiệm các đấng đàn ông, và kinh nghiệm sách vở, thì muốn được lòng nàng, chàng phải được lòng từ ngoài sân tới trong bếp. Ngoài sân là con chó, trong bếp là chị ở. Huống chi ông anh của nàng. Ông anh, to lắm, quyền huynh thế phụ chứ bộ. Dù vậy, Nguyễn cũng ngấm ngầm công nhận anh chàng nói đúng. Ông anh của Nguyễn là loại con trai thời trang hạng nặng. Hơi lố bịch. Lố bịch vì cái mã khá bô của mình. Anh hơi huyênh hoang và ham biết nhiều thứ quá. Cái gì anh cũng biết một chút xíu. Các cụ nói nhiều nghề cá trê chui ống là vậy.

– Nguyễn giận há? Xin lỗi, sự thực mất lòng.

– Kể ra phê bình một người vắng mặt, không được lịch sự lắm.

Nguyễn đâu có thua, dù trái tim đã đập loạn xạ vì anh chàng, nhưng lý trí của Nguyễn vẫn sáng suốt như thường. Phản ứng của anh chàng khi nghe Nguyễn nặng nhẹ ra sao à? Như người khác thì xấu hổ, thì tìm cách chuồn. Nhưng anh chàng trái lại, gật gù:

– Bởi không ai ở đời dám nhận là mình hoàn tất cả. Hôm nay, cám ơn Nguyễn đã giúp tôi một bài học.

Và anh chàng, làm như chuyện đó đã qua, đã quên rồi. Cho xe đi sát vào Nguyễn hơn cười:

– Đi dạo một vòng được không?

– Đường về nhà cũng còn khá khá cho anh theo. Đừng tham, bạn ạ.

Anh chàng, nghe Nguyễn công nhận là bạn, hân hoan:

– Tình bạn, muôn năm.

Chưa bao giờ Nguyễn thấy những hàng me hai bên đường đẹp thế. Không còn một giọt nắng, và lá me không còn được lọc màu xanh trong nên thẫm lại, đặc và bâng khuâng. Trong mắt Nguyễn, bóng chiều thật êm đềm. Hình như có lúc, cả hai đều không nói gì, và họ nghĩ gì, chỉ riêng mỗi người biết lấy.

III

Anh chàng Nguyễn Ngọc Diệp đã hoan hô tình bạn muôn năm. Nhưng sau đó, anh chàng suy tính lại. Chắc thấy tình bạn thiệt quá. Mỗi lần hai đứa gặp nhau, chỉ bạn bạn tui tui, đi chơi suông rồi ai về nhà nấy, thắp đèn mà tương tư. Anh chàng hủy bỏ tình bạn muôn năm, tiến tới một thứ tình khác là tình yêu. Hai tuần lễ sau, Nguyễn nhận được thư tỏ tình của anh chàng. Thư với thẩn làm Nguyễn muốn điên lên. Dù chưa có tình yêu, nhưng đâu phải Nguyễn không nhận thư tình bao giờ. Lá thư của anh chàng làm Nguyễn chưng hửng…

… Thì cũng phải như mọi người cái gì cũng có phần thủ tục. Tại bị trước đây tui viết nhiều thư tình quá, nên thư tình của tui bị thiên hạ đem bán kí lô, gói mắm gói muối ở chợ hết. Tui không muốn tiếp tục công việc làm ân nhân cho các ônq bà mua bán ve chai. Tui làm đơn gửi tới Lê Nguyễn, để xin được Lê Nguyễn nhận làm người yêu. Nếu được, xin gửi thư báo về địa chỉ… Còn nếu đơn bị bác, xin Lê Nguyễn xếp vào hồ sơ lưu, tôi sẽ tới xin lại. Dù chưa biết có được nhận đơn hay không, tôi cũng chân thành cảm tạ.

Xin đính kèm: Bản sao giấy khai sinh. Giấy hoãn dịch vì lý do học vấn. Giấy chủng đậu, giấy chứng nhận đã chích đủ ngừa bịnh tê liệt, phong đòn gánh, yết hầu, dịch hạch và dịch tả lúc nhỏ.

Nguyễn đã cười tới bể bụng khi nhìn ba tấm hình chụp theo lối căn cước anh chàng kèm theo. Ảnh chụp đầu từ hồi nào. Thộn. Nhà quê. Ngu. Con nít. Hề. Ðủ thứ. Bộ không còn gì để nghịch chăng, đem chuyện tình yêu ra mà giễu. Phải cho anh chàng một trận mới được. Lúc đầu, Nguyễn cáu, nhưng càng lúc càng thấm, Nguyễn cười ghê quá. Một tuần lễ, anh chàng mất mặt. Nguyễn đã hơi thương hại rồi. Nghĩ rằng, chắc anh chàng xét lại, thấy đùa cợt khiêm nhã quá, và hối hận. Một tuần lễ, mất biệt để hối hận thì cũng đủ cho Nguyễn tha thứ. Nhưng đầu tuần ngày thứ hai, anh chàng xuất hiện. Cũng ở khoảng đường như mọi lần. Anh chàng đã giải thích tại sao không đón trước cổng trường như những anh chàng trồng cây si khác. Trồng cây si chỉ chờ vờ chàng vàng, cản trở lưu thông công lộ. Mốt đó cũng thời thượng rồi. Con người phải tiến bộ, luôn luôn phát minh ra những sáng kiến mới. A, thì ra cách tán gái của anh chàng là do sự tiến bộ chớ không phải khiếm nhã. Cứ nhìn mặt anh chàng, nhìn nụ cười, cái dáng bình tĩnh, thong dong đó, thì anh chàng còn lâu mới hối hận hay xét lại.

– Mấy ngày không gặp Nguyễn, thấy Nguyễn hơi gầy đi đấy nhé.

– Xí. Biết gì mà nói?

– Có biết, nhưng sợ không đúng thôi. Chắc có chuyện gì vui nên cười nhiều phải không? ông giáo sư Henri gì đó có viết một cuốn sách, nói cách chữa bệnh mập hay nhất là cười nhiều. Cười nhiều cũng mất ca-lo-ri.

Cái ông Henri nào đó chực ở trên nguyệt cầu và chữ nghĩa của mộc tinh, lung tung tinh gì đó, chớ không có ở trái đất. Vậy mà cứ tỉnh bơ. Ghét. Nguyễn cố rán đừng cười. Thua anh chàng thì ức ghê lắm.

– Có lẽ tui sắp bận rộn lắm Nguyễn ạ.

Chết. Như vậy, không gặp nhau, không đưa đón nữa sao? Buồn quá. Nguyễn mở lớn mắt:

– Sao vậy?

– Tui đã di xin việc làm.

Nguyễn chợt hiểu. Lần này thi làm sao mà nín cười được. Nguyễn bưng miệng.

– Có gì đâu mà Nguyễn cười. Lớn rồi, phải lo công ăn việc làm. Lâu nay tui thất nghiệp dài dài. Vừa mới tìm được một nơi, gửi đơn rồi. Không biết có được nhận đơn hay không. Nhưng có nhiều hy vọng lắm.

Anh chàng tự tin ghê chưa. Phải chặt bớt của anh chàng một khúc đuôi mới được. Ðuôi dài quá, khó coi.

– Có sở nào toàn người không biết gì mới nhận đơn của anh. Nếu là Nguyễn, còn lâu.

– Sao vậy?

Nguyễn đâu biết tại sao. Nhưng cứ nói đại:

– Người ta thì mặc kệ, nhưng Nguyễn, Nguyễn không chịu. Có thế thôi.

Anh chàng gật gù:

– Dù sao tui cũng cứ hy vọng như thường. Lo gì. Còn tới để cho người ta phỏng vấn nữa, còn thời gian lập sự. Mình cũng phải lượng sức, biết người biết ta trước khi gửi đơn chứ.

Đáng lẽ ra, với một anh chàng nào khác, giở giọng nói thế, Nguyễn đã lẳng lặng rút lui rồi. Mà chắc rút lui từ đầu kia. Nhưng tại sao với cậu Nguyễn Ngọc Diệp này thì không hỉ. Vô lý Nguyễn chịu thua anh chàng? Thua, Nguyễn cũng không thấy mình thua gì hết. Anh chàng, tuy gàn bướng, như vẫn phải hạ mình làm đơn kia mà. Có lẽ Nguyễn phải bao dung, độ lượng hơn. Người trên kia mà. Nguyễn mỉm cười:

– Cứ đợi xem. Khi không chấp nhận, anh cũng có thư báo để tới rút hồ sơ lại.

– Tui hứa khi nào được chấp nhận làm việc tui sẽ mời Nguyễn đi ăn để mừng. Mừng rằng, đã sang một đời mới.

Anh chàng, thật như ma quỷ. Anh chàng đâu cần đợi đơn được chấp nhận gì. Ngay buồi chiều hôm đó, hai đứa đã ra ngồi ở Ngân đình. Không ăn uống gì linh đình đâu. Anh chàng uống bia, còn Nguyễn, Nguyễn gọi một ly hồng xà. Anh chàng, thở khói thuốc rất điệu, một vòng thuốc bay vào ly hồng xà của Nguyễn, và quấn quít rất lâu làm Nguyễn chớp mắt hoài. Và như thế, có phải khi uống, Nguyễn đã nuốt một ít khỏi thuốc, một ít hơi thở của anh chàng không?

Nói chuyện gì lang bang đâu mà cũng lâu ghê. Chiều lặn mất lúc nào không hay. Ðiện sáng trong quán, che mất giòng sông sẫm tối. Nguyễn không thể ngồi lâu hơn. Cũng chẳng phải sợ về nhà bị mắng đâu, Nguyễn đâu phải mười bốn mười lăm. Thường đi với bạn bè, Nguyễn vẫn về muộn. Miễn là đừng muộn quá để cả nhà lo lắng, phải đi tìm.

– Có lẽ Nguyễn phải về.

– Chưa về được.

– Quyền quá nhỉ. Chưa ai ra lịnh cho Nguyễn hết.

Anh chàng cười, thổi tới mặt Nguyễn một vòng khói nữa. Nhưng anh chàng làm hỏng, vòng khỏi loãng ngay, tan rất nhanh. Nguyễn chợt cười khúc khích. Anh chàng chăm chăm ngó Nguyễn:

– Sao cười?

– Tại anh hỏng rồi.

– Chưa.

Bàn tay của Nguyễn đặt trên bàn, bị anh chàng nắm chặt từ bao giờ. Sao hai mặt gần nhau quá, gần tới như hơi thở của nhau đã thành một khối, bay lên. Anh chàng, chẳng làm mặt buồn rầu, chẳng đóng vai si tình, lạc giọng gì hết, mà rất bình tĩnh.

– Đừng thèm chơi trò tình bạn nữa Nguyễn ạ. Yêu nhau nhé.

Không phải anh chàng giễu đâu. Mắt anh chàng thành thật lám. Chỉ có tay Nguyễn run rẩy trong tay anh chàng thôi. Còn anh chàng, tay cứng như sắt, bóp tay Nguyễn thật chặt.

– Ðừng trả lời. Như vậy là đủ.

Anh chàng thả tay Nguyễn ra. Và Nguyễn cúi mặt xuống, Người con gái nào khi nghe tỏ tình cũng phải cúi mặt xuống, phải không? Anh chàng lại tiếp tục phun những vòng khói. Anh chàng cố làm tĩnh, làm gan đấy thôi. Không có vòng khói nào tròn trịa cả. Tấm lòng anh chàng đang rối loạn mà. Tim anh chàng đập tới nhịp mấy. Nguyễn bỗng liếc nhìn anh chàng. Thấy anh chàng cố gắng quá bắt tội nghiệp. Nguyễn cười nhỏ. Anh chàng liếng thoắng:

– Cười gì.

Nguyễn lắc đầu. Gục xuống tay mà cười tiếp. Cười tới chảy nước mắt luôn.

Không thấy giòng sông đâu nữa. Đêm đã nuốt mất. Nhưng trong mắt Nguyễn, cả trong mắt anh chàng nữa, đang chia nhau một giòng sông trong vắt. Trên đường về, tối hôm đó, đâu có gì để nói na. Chỉ có bầu trời thật đầy sao. Chỉ có những hàng cây chụm đầu, thì thầm và dòng đèn đường, ngượng ngùng, trơ trẽn vì thấy mình quá sáng.

IV

Yêu nhau, rồi để đó. Có lẽ tình yêu học trò chỉ nhẹ nhàng, dễ thương có vậy thôi. Nhưng cũng mất thì giờ lắm. Dạo này mỗi chiều hai đứa đều gặp nhau, và trên một khoảng đường. Có nhiều chuyện để nói lắm. Chuyện học hành, sách vở, bè bạn, ít khi có chuyện nhung nhớ. Có ngày nào không gặp nhau đâu mà nhớ. Chút nôn nao, đợi chờ khi gặp thì có. Thỉnh thoảng, hai đứa cũng rủ nhau vô thư viện, để nhớ kỷ niệm đầu. Rồi vô lẽ ngồi ngó nhau. Hai đứa cũng có hai cuốn sách, chăm chú đọc, dù chữ nghĩa có nhảy múa lung tung cũng chăm chú đọc hoài. Lâu lâu, ngó nhau một cái, cười. Nói thật nhiều trong nụ cười đó. Trong quán nước, hay trước phút chia tay trong ngày, đôi lúc anh chàng cũng cầm nhẹ bàn tay Nguyễn, ngó vào mắt Nguyễn, để đêm đó Nguyễn mơ thấy một bầu trời sao. Nếu cứ như thế mãi, thì dễ thương quá. Nguyễn sẵn sàng làm người tình bé nhỏ, dù Nguyễn cũng không còn nhỏ bé gì, của anh chàng mãi mãi. Nhưng…

Ðó là chữ đầu của những câu chuyện rắc rối.

Ông anh của Nguyễn, Nguyễn đã giới thiệu từ đầu đó, là Thương. Ông bắt đầu chú ý kiểm soát sự đi về của em gái. Chẳng phải vì bổn phận hay vì bố mẹ nhờ vả, bảo săn sóc, bảo coi chừng em đâu. Mà trước đây, ông thường cứ quấn lấy Nguyễn vì Nguyễn có nhiều bạn gái đẹp. Nguyễn cũng không có kép để đi chơi, nên cũng vui với anh. Từ ngày có anh chàng, Nguyễn tránh anh Thương ghê lắm. Nguyễn cũng chẳng thiết gì bạn gái. Nói cho ngay, lũ bạn gái của Nguyễn, tới tuổi lâu rồi, đứa nào cũng có cặp. Khổ là trong số bạn của Nguyễn, anh Thương chịu nhất con Kim, có cặp kính dày tám độ rưỡi. Anh Thương ưa tác điệu, cho Kim có dáng dấp trí thức. Con gái đẹp thiếu gì nhưng kiếm một cô trí thức khó lắm chứ. Mà con Kim, nó mát ơi là mát. Nó biết nó xấu nên khinh trước mọi người. Nó đâu có ngờ anh Thương có tấm lòng trung với nó, cho là chuyện đùa, nên càng ghét anh ra mặt. Chuyện có thế, tội lỗi đổ lên đầu Nguyễn. Anh Thương không có lòng dạ đàn ông mà mang lòng dạ đàn bà. Trời đổi cho Nguyễn mà. Anh tìm cách hại Nguyễn ghê quá. Tìm cách hại Nguyễn thì dễ ợt vì Nguyễn đâu thèm giấu giếm ai chuyện gì. Anh Thương biết tỏng ngay chuyện.

– Mày đi với thằng nào vậy?

– Bạn em.

– Bạn gì mà chiều nào cũng dung dăng dung dẻ.

– Em cũng đã tới tuổi được quyền dung dăng dung dẻ.

– Tao có cấm đâu, nhưng cũng tùy người mà chơi chớ.

– Bộ phải để anh chọn?

– Nhưng thằng đó, tao coi thấy cô hồn quá.

Nói quá đáng. Không cô hồn. Chỉ hơi tự kiêu. Hơi lập dị. Nhưng có hại tới ai đâu.

Không làm quen chiều chuộng anh Thương; như vậy là người đứng đắn. Nhưng anh Thương, đã nói có bụng dạ đàn bà. Bố Mẹ biết liền sau đó. Kể ra, tới tuổi của Nguyễn, Bố Mẹ không biết, Nguyễn cũng chẳng làm gì để Bố Mẹ buồn hết. Nhưng Mẹ, lúc nào con trai cũng nặng ký hơn, anh Thương thắng. Mẹ quyết định nhanh chóng lắm.

– Ba chúng nó. Tôi thấy con Nguyễn nó cũng lớn rồi. Không thể cấm nó có bạn trai được. Chuyện hồi trước mình đã định với anh chị bác sĩ Ngọc đó. Cũng nên cho nhà người ta tiến tới là vừa…

Nguyễn còn lạ gì chuyện này. Hai bà chơi với nhau, thân lắm. Và bà nọ, ngấp nghé con bà kia để đem về làm dâu. Cái điệu ngày xưa thật là xưa. Lối xỏ mũi trâu đem đi ấy à. Với Nguyễn hoàn toàn vô hiệu lực. Mẹ bắt đầu chất vấn:

– Con à. Con đã lớn. Con cũng phải tính toán chớ. Hay con thương yêu ai rồi? Thương yêu ai thì cho Bố Mẹ biết. Đừng lén lút người ta cười chê.

Kể ra. Mẹ cũng có lý. Nhưng Nguyễn. Nguyễn khó tính quá. Thương yêu, Nguyễn có thương yêu. Còn chuyện đi lại, chuyện hôn nhân thì đâu phải là chuyện nói bây giờ. Nguyễn trả lời mẹ:

– Con chưa có gì, chưa quyết định gì đâu mẹ.

– Mẹ nghe nói con có bạn trai?

Nguyễn cười:

– Mẹ cũng hiểu cho bọn con, thời buồi này, đi học, gặp gỡ, con cũng phải có bạn trai chứ. Bạn trai có gì xấu đâu mà mẹ sợ mang tiếng?

Người lớn cho những tư tưởng đó là thiển cận, lố bịch. Mẹ cương quyết:

– Không. Mẹ không bằng lòng con cứ đi chơi, hò hẹn ở đường. Có người nào thì họ phải tới nhà cho Mẹ coi mặt, Mẹ xét đoán tính tình.

Nguyễn còn biết sao hơn. Tới nói với Diệp. Anh chàng cười quá. Ðâu có gì khó mà em lo, tới thì tới chứ. Nguyễn đã năn nỉ anh chàng chịu khó ăn mặc chỉnh tề một chút. Và Nguyễn chờ đợi cái ngày trọng đại đó ghê quá.

Về phía gia dình Nguyễn, anh chàng hoàn toàn thất bại. Ba phiếu chống, một phiếu thuận là Nguyễn. Nhưng còn điều kiện khác khó khăn hơn. Mẹ nghiêm khắc:

– Như vậy mà con chưa sáng mắt hả Nguyễn?

– Dạ thưa chi?

– Thằng nhỏ làm như không cần biết ai hết, chỉ biết có con. Mà với con, hình như hắn cũng chưa tính toán gì hết.

Trời đất. Mẹ định bắt anh chàng tính toán gì? Đi hỏi? Cưới liền tay? Làm rể. Anh chàng còn đi học và còn tùy thuộc gia đình mà. Hai đứa mới chỉ có tình yêu. Người cẩn thận, đâu chỉ trông vào tình yêu mà vào đời với nhau được. Nguyễn phải học. Anh chàng cũng phải học.

– Nhưng chúng con đang trong giai đoạn tìm hiểu nhau mà, mẹ.

– Tìm hiểu ở ngoài đường ấy à? Không. mẹ sẽ có biện pháp nếu con còn cãi lời mẹ.

Lỗi không phải ở Nguyễn. Lỗi không phải ở Nguyễn Ngọc Diệp. Cũng không phải ở Bố, Mẹ hay anh Thương, hay ai hết.

Nhưng lỗi lầm, dù lúc đầu rất nhỏ, cũng ăn lan xoài. Chỉ có anh Thương là cười đắc thắng:

– Nếu nó chịu khó biết điều với tao một chút. Đằng này, nó coi tao như nơ-pa há. Con người có học, phải biết chào hỏi, ăn nói lịch sự chớ. Ðằng này nó lầm lầm lì lì, nó làm như nó là cái rốn của vũ trụ. Loại con trai đó chẳng bao giờ nên người.

Lầm lầm lì lì. Cho mình là cái rốn của vũ trụ đâu phải là tính nết của anh chàng. Anh Thương suy ai ra đấy chứ. Nguyễn phải nhắc lại cho anh rõ, đó là cô bạn bốn mắt của Nguyễn. Nguyễn cứ bênh anh chàng chằm chặp, anh Thương ghét anh chàng là đúng. Còn phần anh chàng. Hôm ở nhà Nguyễn ra về, nói với Nguyễn, nói thẳng ruột ngựa:

– Nguyễn ạ. Nếu vì em mà anh nhận một ông anh như anh Thương, anh không ân hận. Nhưng ở ngoài đời, anh có một người bạn như anh Thương, chắc anh sẽ chán anh vô cùng.

– Rồi anh tính sao?

Anh chàng, rất lạc quan. Cầm tay Nguyễn bóp chặt.

– Chúng mình nên biết chờ đợi.

Nguyễn giận anh chàng quá. Sao anh chàng không tìm một giải pháp nào để tình yêu hai đứa còn có thể chắp cánh bay hoài trong bầu trời tuổi mộng. Nguyễn sẽ đau đớn ghê lắm khi mất anh chàng. Nhưng chẳng thà như thế. Khi chưa có gì tha thiết lắm (điều này, Nguyễn dối lòng rồi), còn hơn là để tới khi chín muồi. Nguyễn nghĩ là sẽ chịu đau đớn được. Mười bảy tuổi, với một tình đầu tan vỡ. Nguyễn còn đủ sức để đi tiếp đoạn đường đời. Chắc còn nhiều chông gai, cũng như còn nhiều điều mới mẻ chờ đợi.

Nguyễn khép mắt. Khép cánh cửa lòng. Cũng phải tiểu thuyết hoá một chút.

V

Tụi bạn bỗng nhiên nhốn nháo, xầm xì về Nguyễn suốt ngày. Nó làm sao ấy. Nó thay đổi quá chừng. Sa sút nặng. Chắc con nhỏ thất tình. Mà thất tình ai? Đứa thân nhất của Nguyễn cũng chưa hề biết sự giao du giữa Nguyễn và anh chàng. Chúng chỉ đoán mò, dựng những chuyện như chuyện thần thoại. Chắc mê ông giáo rồi. Chuyện này không có Nguyễn. Không bao giờ có Nguyễn hết, vì giáo sư là giáo sư. Học ông một vài năm, đã ớn, đem yêu ông giáo sư đã dạy dỗ mình một đời. Liều tận mạng. Kệ, cho chúng hiểu lầm. Nguyễn đang cần im lặng, đang cần được lãng quên.

Rồi thời gian sẽ giúp Nguyễn. Thời gian thân ái.

Có thể, Nguyễn sẽ quên được anh chàng có cái tên bổ túc cho Nguyễn, Nguyễn Ngọc Diệp. Nhưng nhiều khi, Nguyễn không tin bói toán, mà cũng phải nương tựa vào sự bói toán để đổ thừa cho những trường hợp đặc biệt xảy ra trong đời. Anh chàng không tha Nguyễn. Tránh mặt anh chàng được một tuần lễ. Nguyễn bị anh chàng tóm ở một đầu đường khác. Hai xe song song, và anh chàng thở dài, giọng bâng quơ:

– Trời hôm nay đẹp lạ.

Nguyễn đã tính rú ga, phóng xe đi trước rồi. Nhưng Nguyễn biết tánh anh chàng , chắc chắn sẽ đuổi theo. Rượt đuổi nhau trên đường để làm trò cho thiên hạ sao. Nguyễn uất ức chịu thua anh chàng. Nguyễn đưa mắt nhìn đi chổ khác, làm như không nghe.

– Trời đẹp, chắc phải ra bờ sông chớ, Nguyễn?

Ơ… Nguyễn đang giận lòng mình ghê gớm. Lòng Nguyễn đang mềm dần, mềm dần. Anh chàng sành tâm lý, đợi lúc Nguyễn trố mắt ngó anh, anh chàng chớp mắt mỉm cười. Trong mắt đẩy ra một làn thương nhớ, mê hoặc. Thế là Nguyễn thua nữa.

– Đừng trẻ con thế Nguyễn. Anh rất nhớ em.

Bàn tay Nguyễn run run. Bàn tay cũa Nguyễn cũng rất nhớ. Rồi trái tim đập loạn xạ. Rất nhớ. Đó, bàn tay, trái tim đều phản đối trí óc của Nguyễn. Lại thua. Thua nên mới ứa nước mắt:

– Nguyễn ơi. Anh tiếc giọt nước mắt của em quá. Đừng để rơi ngoài đường như vậy. Anh rất yêu em.

Nguyễn bủn rủn. Cầm ghi đông xe không nổi nữa. Nhưng ở một nơi nào khác kia. Bây giờ, đang đi ở đường, Nguyễn không thể té. Và vì câu nói của anh chàng, nước mắt Nguyễn rơi ghê lắm.

Nước mắt không bao giờ đem tới sự hên cả. Đúng lúc đó, không biết tình cờ hay đã theo dõi từ trước. Anh Thương xuất hiện. Anh thấy những giọt nước mắt của Nguyễn. Chỉ thoáng ngạc nhiên thôi. Anh chận đầu xe của hai người lại. Anh đã vì em gái mà tưởng tượng đủ chuyện. Thằng lưu manh ức hiếp gì em tao? Thằng sở khanh tính lợi dụng gì? Thằng khốn nạn chọc ghẹo em người ta đến phải khóc giữa đường. Và anh Thương, không cần hỏi đầu đuôi gì hết, sấn sổ:

– Khốn nạn. Mầy giở thói gì vậy, heo chó hả?

Diệp hơi sửng sốt. Có lẽ anh chàng định nói gì mà đưa tay lên. Để phân trần? Nhưng anh Thương nghiến răng giận dữ:

– Này chọc gái…

Bốp. Một cái tát hằn lên má Diệp. Nguyễn đưa tay lên che miệng. Nhưng không bịt kín tiếng kêu thảnh thốt: “Anh Thương, đừng…” Hình như anh chàng đang âm mưu một chuyện gì. Diệp mím môi, nắm tay lại. Nguyễn chụp tay anh:

– Đừng anh Diệp.

Anh Thương hơi sửng sốt. Anh ngó Nguyễn.

– Mày có về không? Mày chết nghe chưa.

Anh Thương lại đưa đưa tay lên nữa. Nhưng giọng Diệp lạnh như băng:

– Vì anh là anh của Nguyễn, tôi cho anh nợ cái tát. Nhưng anh đụng vào Nguyễn, tôi làm thịt anh tại đây.

– Về.

Anh Thương thả tay, nói như hét. Nhưng Nguyễn đã chán ghét anh Thương quá. Diệp đã vì Nguyễn mà chịu nhục. Thì đó, bao nhiêu người đã dừng xe lại vây quanh, chờ xem một màn đấu võ miễn phí. Hai con gà trống kình nhau vì mái xùy. Nguyễn nghe rõ. Và giọng cười của đám người đứng coi, soi lủng tim Nguyễn.

– Em đi với anh.

Nguyễn gật đầu. Bất cần thiên hạ. Bất cần anh Thương. Nguyễn lau nước mắt, mỉm cười leo lên xe. Diệp theo sau. Để lại anh Thương. Anh cũng phải chuồn gấp, chớ đứng để làm bia cho thiên hạ. Chỉ có mấy phút. Không đến nỗi dài thế đâu. Chừng chục cái tíc tắc. Vậy mà lâu ơi là lâu. Thời gian dừng lại, chết giấc ở đó. Chuyện vừa xảy ra, còn như in, mà sao với Nguyễn, không tưởng tượng nổi. Như là trong mộng vậy.

Lòng Nguyễn rối như tơ. Cái tát của anh Thương phàm phu quá. Câu mắng chửi của anh cũng tục tĩu, thiếu nhân cách. Tại sao anh làm thế nhỉ? Anh Thương hằng ngày, đâu đến nổi nào. Nguyễn chết từng khúc ruột vì cử chỉ của Diệp. Nếu lúc đó, Diệp đánh lại, chửi lại, có phải Nguyễn giải quyết dễ dàng không? Nguyễn sẽ chán ghét cả hai người. Ừ, ở đó mà đánh nhau. Đánh nhau chết đi. Nguyễn chán ghét tất cả. Hoặc anh Thương điềm đạm, nghiêm khắc, Nguyễn cũng khó xử chớ. Giữa anh và người yêu. Chắc Nguyễn sẽ ríu ríu theo anh Thương về nhà. Nhưng anh Thương đã làm hỏng chuyện. Đã làm hỏng chuyện anh trước mắt Nguyễn. Cũng không quan trọng bằng trước mắt Diệp. Nguyễn không thể bỏ Diệp một mình với đám đông, với một cái tát in trên má. Nếu Diệp đánh lại, nếu không hơn anh Thương thì cũng chẳng thua. Diệp không làm thế, không phải vì sợ anh Thương mà vì mình. Vì Nguyễn. Ôi Diệp. Diệp đã làm Nguyễn chín thêm một chút nữa. Không chín mùi mới đúng.

Không ai nói gì mà cả hai xe đều song song ra bờ sông. Cả hai ngồi ở quán cũ. Nơi Nguyễn uống chút khói, chút hơi thở của Diệp lần đầu.

– Bỏ cái mặt rầu rỉ đó đi. Nguyễn.

Anh chàng đưa tay ra. Nguyễn để cho anh chàng cầm tay mình. Choáng váng ngây ngất. Bàn tay, nhớ nhau lâu rồi, bây giờ không cuống quít sao được.

– Nguyễn à, Anh nhớ nụ cười của em.

Nguyễn guợng cười. Nụ cười chẳng đẹp đẽ gì đâu. Lòng không vui, làm sao cười vui được. Nguyễn lắc đầu:

– Em buồn quá?

– Tại sao buồn?

Còn tại sao nữa. Nguyễn mím môi:

– Chắc từ nay, em chẳng gặp anh nữa. Chúng mình nên xa nhau thôi anh ạ. Gia đình em khó quá. Anh Thương có thành kiến với anh.

Nguyễn rơm rớm nước mắt, tiếp:

– Hơn nữa, anh Thương đã làm chuyện kỳ cục quá. Nguyễn rất xấu hổ. Và anh, chắc anh cũng đã khinh…

– Nguyễn ạ. Đó là những chuyện nhỏ. Anh sẽ không có ý kiến gì với anh Thương hết. Anh nghĩ rằng, Nguyễn sẽ giúp anh tránh những chuyện khó xử.

Nguyễn gật đầu:

– Em sẽ ráng. Và như thế, chuyện chúng ta nên tạm kết hôm nay.

Diệp cười. Nụ cười không chút lo âu nào, cũng không quá tự tin. Chỉ vừa đủ giúp anh chàng sự bình tĩnh.

– Quên mọi chuyện đi. Nguyễn à.

Chàng ngó sâu vào mắt Nguyễn:

– Chỉ biết chiều hôm này. Anh vẫn còn thấy buổi chiều quá đẹp.

Phải. Buổi chiều quá đẹp. Sau này, còn nhau hay mất nhau. Buổi chiều nay cũng đã có trong đời. Cái tên cậu Nguyễn Ngọc Diệp vẫn có trong đời với cô Lê Nguyễn. Nguyễn cho mắt mình nhìn chìm vào mắt Diệp. Phải, chỉ nên biết có chiều hôm nay.

Hai ly nước cam trong vắt gần nhau, hai khuôn mặt cúi gần nhau. Câu chuyện không vui trên đường phố, đã kéo về dĩ vãng. Giọng Diệp, như chạm vào thành ly thủy tinh, vỡ vụn:

– Sao tự nhiên đổi lộ trình không báo trước gì hết vậy?

Làm như là người ta lái xe buýt, phải có lộ trình nhất định vậy. Chuyện đang rối như tơ, sao bình tĩnh tự nhiên thế? Còn đùa được nữa thì Nguyễn phục quá. Nói chuyện một hồi, Nguyễn cười được ngay. Anh chàng dám đem chuyện hai đứa ra mà cười nữa. Anh chàng còn lý sự. Tại sao mấy hôm trốn tránh, rồi rầu rĩ, rồi đóng vai thất tình. Liệu tình yêu bi đát tới độ uống thuốc chuột chăng? Như các đôi thanh niên nam nữ vẫn làm mà nhựt trình đăng tải. Làm rơi bao nhiêu giọt lệ rồi. Nguyễn tức ghê đi. Ừ, người ta đau buồn. Còn mình thì sao?

Ừ, đóng vai thất tình đó. Trong khi đó người ta khơi khơi… Còn cười…

Anh chàng chối biến. Đâu có khơi khơi. Ừ, thì có cười. Nhưng cười trong lúc say. Tại nhớ. Đi lang thang. Uống cà phê đặc mà say quá trời. Say rượu ai mà không cười. Anh chàng nói dóc. Nhưng dù sao, mọi buồn phiền đè nặng trong lòng Nguyễn cũng tan dần hết.

Vậy mà lúc chia tay. Anh chàng đặt vấn đề:

– Thôi giờ nói chuyện nghiêm trang. Nguyễn có nghĩ gì tới tương lai không?

– Tương lai ai?

– Cả hai.

Nguyễn lắc đầu. Anh chàng, thở thật dài một hơi khói thuốc lá thơm, cho rối mùi trong tóc Nguyễn:

– Tương lai. Nghĩa là biết chờ. Nhớ nhé.

VI

Với Diệp, tương lai là biết chờ.

Không có lời hứa hẹn nào hết.

Nhưng với Nguyễn, những khó khăn dồn dập. Phiên họp gia đình ghê gớm quá. Họp để bàn về kỷ luật đối với Nguyễn.

Nhìn vẻ mặt của Bố, của Mẹ, Nguyễn biết là mình không thể biện bạch gì rồi. Nguyễn vốn bướng bỉnh. Nhưng bướng bỉnh trong trường hợp nào kìa. Hoàn cảnh của Nguyễn, tốt hơn là im lặng.

– Con kể cho Bố Mẹ nghe, chuyện như thế nào?

– Dạ, chúng con rất mến nhau.

Mẹ:

– Mến nhau được đi. Nhưng mến rồi để đi đến đâu?

– Con không nghĩ gì cả. Chuyện còn xa vời. Chúng con chỉ đi quá tình bạn một chút.

Mẹ lắc đầu:

– Không thể như thế được. Yêu để không làm gì hết. Không mục đích. Gia đình cậu ta chẳng biết con, cậu ta cũng chẳng cần biết gia đình mình. Nguyễn, con ngu quá.

Tại sao phải biết tới nhiều thế trong lúc hai đứa chưa biết hết nhau? Nhưng Nguyễn không cãi. Bố mẹ buộc cho Nguyễn những điều kiện khắt khe. Nguyễn biết, nếu không thay đổi. Bố Mẹ sẽ có những biện pháp mạnh. Mạnh như thế nào? Nguyễn không đoán ra. Nhưng những lời nói của mẹ, hẳn có lý, đối với bà và nhiều người, đối với Nguyễn lại xúc phạm nặng nề. Muốn như thế nào? Qua đường. Cặp kè. Đợt sóng mới. Thiếu đạo đức, lố lăng, tưởng là mới. Nào Nguyễn làm gì để chịu đựng những lời đay nghiến đó. Bố, luôn luôn đứng về phe Mẹ rồi. Ông muốn yên ổn, và trong gia đình, chỉ nên để một người nói nhiều thôi.

Nguyễn khóc hơi nhiều. Dù vậy, ngoài mặt vẫn cố tự nhiên: “Vâng, con sẽ dứt khóat với anh ấy. Đâu có gì trầm trọng Mẹ.” Nguyễn nuốt vội những giọt nước mắt. Tình yêu không là bầu trời xanh ngắt, nắng vàng, gió thơm. Tình yêu cũng có những cơn mưa bão, nước mắt. Nguyễn thấy tiếc những ngày hồn nhiên cũ. Tại anh chàng đó thôi. Nguyễn đã cóc cần, để cho tụi bạn phê bình rồi mà. Con Nguyễn chừng đó tuổi mà chưa có kép nào tán. Giản dị quá, kém nhan sắc và thiếu duyên dáng. Bây giờ, Nguyễn cũng chẳng cần nhan sắc nữa. Cũng chẳng cần duyên dáng. Những thứ đó chỉ đem lại rắc rối, khổ đau. Nguyễn nghĩ ra lối thoát. Quên và học. Nguyễn nghe Bố Mẹ bàn về vụ bác Ngọc, tính chuyện đi tới. Cũng chẳng ăn nhằm gì đâu. Cứ để cho người lớn tính toán. Nguyễn đã có chủ định, đã có con đường để đi. Học cho xong cái đã, rồi xin xuất ngoại. Thời gian còn bao nhiêu đổi thay, lo gì. Như Nguyễn và anh chàng. Mới đó, tưởng như keo sơn gắn bó. Rồi tan như bèo bọt.

Nguyễn đi tìm quên lãng ở bè bạn.

Trong lúc đó, có lẽ anh chàng cũng đang tìm quên lãng ở cà phê, khói thuốc. Cần gì thương hại anh chàng. Với anh chàng, anh chàng có thừa tài để kiếm một cô gái khác. Một người yêu bé nhỏ, ngoan, dễ thương, không bướng như Nguyễn thì thiếu gì. Nghĩ vậy mà lòng Nguyễn vẫn sầu héo.

Đôi lúc, ngồi im lặng cả giờ, và khóc. Tình yêu tới với Nguyễn sao ngắn ngủi quá. Thì ra hạnh phúc chỉ là những phút mong manh, thoáng qua như để lại niềm đau dai dẳng. Mẹ, sau khi giận dữ, la lối, có vẻ thương xót Nguyễn:

– Nguyễn, không phải mẹ khắt khe với con. Nếu cậu ta dễ thương, biết điều một tí…

Không. Nguyễn không thích lối dễ thương biết điều đó. Diệp đã làm hết mình, những chuyện gì Diệp có thể làm được. Cái gì ngoài sức, bắt Diệp làm, là ép uổng thôi.

– Con có thể giữ tình bạn với cậu ta. Cậu ấy phải tới nhà thăm, gặp đàng hoàng.

Tuổi trẻ không như thế. Tuổi trẻ bây giờ khác ngày xưa của Bố Mẹ. Nhưng Nguyễn không giải thích. Cũng không nên bắt mẹ phải hiểu những điều đó.

– Mẹ đừng bận tâm về con.

Bố nói riêng với Nguyễn:

– Bố tin con sẽ thuyết phục được hắn. Hắn có thể tới và sẽ quen dần tính nết của Mẹ. Bố thấy Mẹ cũng có lý. Lý do chính đáng nhất là vì Mẹ thương con.

– Con biết.

– Con không buồn sao?

– Không Bố.

Bố đã biết điều đi ra, để cho Nguyễn nuốt nước mắt. Thấy không nên để lâu, Nguyễn quyết định ngay bằng cách gửi trả cho Diệp là đơn, thay lá thư tình. Như vậy có nghĩa là đơn của Diệp bị bác.

Thư gửi đi khoảng bảy hôm thì Nguyễn nhận được hồi âm. Tất cả hồ sơ gửi đi đã bị trả về với một lá thư ngắn của Diệp.

Cô Nguyễn,

Tôi phản đối hành động bóc lột nhân viên của cô. Cô đã nhận đơn, và bây giờ, cô sa thải không có nguyên cớ.

Tôi bắt cô phải bồi thường thiệt hại cho tôi bằng một nụ hôn, mà tôi tin chắc chắn là nụ hôn đầu của cô.

Cô thanh toán với tôi trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Nếu không, tôi sẽ kiện cô ra tòa vì tội bội ước.

Chiều ngày… tôi sẽ đợi cô ở quán nước cũ, bên bờ sông, đúng 6 giờ. Mong cô y hẹn.

Nguyễn còn biết sao hơn là thành thật với lòng mình.

Tới ngày hẹn, đúng sáu giờ, Nguyễn đã có mặt ở bờ sông. Dĩ nhiên anh chàng tới trước ngồi chờ rồi. Vậy mà anh chàng làm ra vẻ như không có gì sốt ruột chờ đợi hết. Anh chàng thả mắt ra mặt sông, thả hồn trên mặt nước. Nguyễn đứng trước mặt anh chàng, anh chàng mới làm bộ giật mình:

– Trời ơi. Rồi em vẫn tới?

Anh chàng xoa hai tay vào nhau:

– Thế ra, anh được bồi thường.

Môi anh chàng bỗng thật mềm, chín mùi chờ đợi.

Tự nhiên Nguyễn cúi xuống. Nước mắt muốn ứa ra. Chào thua.

Anh chàng chớp mắt! Không có môi hôn gì hết, mà hai bàn tay đưa ra, nắm chặt. Giọng Diệp xúc động:

– Nguyễn, Đừng nản. Phải biết chờ.

Tương lai là biết chờ? Thì hẳn thế.

Nhưng chờ ai? Người nào?

Sẽ tới với cô Lê Nguyễn là cậu Nguyễn Ngọc Diệp hay ai khác? Không biết. Mắt Nguyễn long lanh lệ.

Nguồn: http://vietmessenger.com/books/?title=chuyen%20doi%20ta&page=1

Comments are closed.