Văn học miền Nam 54-75 (471): Phan Nhật Nam (kỳ 11)

Dựa lưng nỗi chết

Chương 3

Đại đức Trí Không đưa tay vẫy giã từ, người người lính trên xe vẫy tay lại. “Đi nghe thầy, hết hành quân chúng tôi về đây lại…” “A Di Đà Phật”. Đại đức Trí Không chấp tay trước ngực, mồm lẩm bẩm tụng câu kinh ngắn. Người cửa Phật rưng rưng trong lòng, niềm xúc động thâm trầm. “A Di Đà Phật, cứu khổ cứu nạn đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát”. Đại đức thầm kêu gọi sự độ trì của Bồ Tát cho đoàn người gươm đao bắt đầu khuất sau lưng đồi, bụi đỏ tung mù trong rừng dương xanh ngắt, tiếng động của đoàn xe mất hút, cõi phàm trần còn lại trên rác rưởi ngổn ngang góc sân chùa, chút bụi đỏ bám trên phiến lá. Đám lính đi, trả lại sự yên tĩnh cho nhà chùa. Đại đức nghe được tiếng gió luồn qua khe lá dương liễu, và bóng núi lung linh sau ánh nắng hanh vàng của ngày đông chí. Trời rét hanh nồng nồng như dư âm ồn ào của đoàn người để lại. Đại đức Trí Không cầm cái chổi, nhìn qua khu sân rộng mênh mông một lần, hơi cúi mặt xuống đất, chiếc lưng vẫn giữ nguyên chiều thẳng cây chổi tre xiết mạnh trên nền đất nghe êm ả nhẹ nhàng. Bụi mỏng bay lên, bóng người tu hành bềnh bồng như pha sương.

Chùa Từ Tôn nằm dựa lưng sườn núi, khoảng sân rộng mênh mông viền một vòng đai xanh ngắt bởi thông và dương liễu, chìm khuất trong tịch mịch của vòm cây, bực đá tam cấp màu trắng vạch một đường ngăn đôi giữa khoảng sân màu vàng đất núi cùng với khối kiến trúc u trầm nâu sẫm. Đại đức Trí Không ngồi trên bực tam cấp nhìn ra khoảng sân phủ lớp bụi mỏng mờ nhạt, dấu chổi vạch lên mặt đất từng đường xoắn ốc đều đều. Mấy người lính chắc giờ này đã tới phi trường. Mai người ta đi bằng trực thăng vào nơi đánh nhau, tội nghiệp trong đám người tươi trẻ ồn ào kia, thế nào ngày mai cũng có người chết. Thượng toạ trụ trì đã bao nhiêu lần nhắc nhở: “Người tu hành tốt nhất luôn phải giữ cái tâm cho tĩnh, cái tâm cũng giống như cái trục bánh xe, bánh xe là đời ảo giác hư không bên ngoài, tâm người tu chứng phải bỏ vọng ý, trước sau như nhất, phải tĩnh mịch tuyệt đối như cái trục…” Thấy đã nhắc nhở hằng bao lần như thế để giúp Đại đức gạt bỏ những giờ phút khó khăn như bây giờ. Lòng của người đi tu trẻ nổi lên những phong ba âm thầm, không phải đau xót, êm ả để từ đó hướng lòng vào nơi giải thoát, nhưng là những đớn đau có so sánh, đối nghịch đầy tiếng động của nỗi phản kháng bị nén lại. Tội nghiệp, thế nào ngày mai cũng có người chết. Những người lính Nhảy dù dễ thương nói tiếng Bắc, tiếng Nam, một số ít nói tiếng Huế. Có người lính già thật tội từ nước da đen nắng, đen vì nắng đã luồn qua da đốt cháy phần thịt, nhiễm sâu vào máu, chắc hẳn lượng máu trong người cũng bốc khói, cũng pha sương, lấm bùn. Ông thầy ơi, tôi đi 20 năm lính rồi đó. Hai mươi năm lính! Người tu hành thấy nhói lên trong lòng cơn xúc động. Đâu cần phải có cái nhìn của người đi tu mới biết được nỗi khổ của đời sống. Hai mươi năm đeo hoài một gánh nặng cồng kềnh trên lưng, gánh nặng có mùi thức ăn của nước mắm, củ cải héo úa, áo quần thấm bùn ẩm ướt, hai mươi năm ngả mình bất kỳ nơi nào có đủ chỗ cho một chiếc lưng, cành cây, bờ cỏ, gộp đá. Tội biết mấy hở trời. Chiếc lưng gầy gò, nhô lên hai xương vai, lớp da mỏng mốc đen u ám… “Tôi ngủ đâu cũng được, thầy cho tôi mượn ít rơm lót nằm, hôm nào đi tôi trả lại thầy…” A Di Đà Phật, chùa không nhiều nhưng ai nỡ từ chối cho người lính chút rơm để ngả xuống cái lưng lầm than mang từ một tỉnh ở ngoài Bắc xa xôi, tấm lưng đã dựng đứng theo chiều dài của đất nước này trong hai mươi năm. Ở chánh điện có tấm hình chiếc cầu địa ngục dưới chân cầu lúc nhúc một đám nhân loại đang kêu van, đất nước này giống như chiếc cầu đó, có điểm khác là chân cầu gồm những chiếc lưng trần không lời rên rỉ… Hai mươi năm, thời gian hút hình khối, mò mẫm được trên tay nỗi khổ triền miên mà, Phật đã một lần suy nghiệm qua những cửa thành lầm than.
Các ngươi là Phật sẽ thành. Nghiệm được về sự khổ là thành Phật! Người lính hai mươi năm đau đớn kia đã xoá tan sự chứng nghiệm, họ đồng hoá sự khổ cùng đời sống một cách tích cực, chấp nhận không phản đối, họ mang nỗi khổ trên lưng không than van, như kẻ gù bẩm sinh giữa một thế giới đồng loại gù… Họ là gì ở trong thái độ can đảm cao ngất đó?
Có tiếng chuông bắt đầu buổi tụng kinh chiều, giọng hai chú tiểu buồn nản khê nồng từ chánh điện theo khe hở vang vọng ra khoảng sân. Đi tu là diệt hết thất tình, ra ngoài sự buồn vui… Nhưng ngồi trong buổi chiều ráng nắng đỏ, trước cổng chùa thung lũng im lặng bốc sương lam, rừng cây xanh vật vờ sương trắng như linh hồn xa xứ nương theo giờ phút giao thừa của âm dương phân khắc cố kết thành hình khối đi về trần thế, sau lưng vang tiếng chuông thê thiết, tiếng trống ngậm ngùi xen lẫn với độ cao đau đớn của chiếc khánh, nghe khánh reo trong buổi chiều sẫm bóng núi mới biết được lòng không bao giờ có được bình yên. Khánh báo hiệu niềm hoan lạc. Khánh là vui sướng hân hoan… Nhưng trong bóng chiều thẫm, âm thanh từ chiếc khánh đá vang động như lời than của núi ngàn năm kết tụ. Lời than lạnh buốt níu kéo lăn lóc trong hư không như lưỡi dao gõ xuống một đỉnh đầu ngơ ngác… Nhịp nhàng trong thế giới âm thanh nhức buốt, giọng hai đứa trẻ ngúc ngắc giẫy giụa theo câu kinh tiếng Phạn thăm thẳm bí ẩn và thống thiết. Trong tiếng tụng kinh của thầy trụ trì, người ta nghe được âm thanh lắng đọng của tâm hồn tĩnh mịch, hồn hết băn khoăn, xoá tan phiền muộn, âm thanh của người đã đi hết quãng đời xao xuyến, tiếng tụng kinh êm đềm như hơi thở nhẹ của người chết hân hoan đón đợi chuyến đi dài. Nhưng giọng của Đại đức thì khác, đây là những âm thanh chưa tròn, những tiếng nói còn mang nỗi ao ước, niềm xúc động, đây là những âm thanh của những người trên con đường vừa khởi cuộc với rất nhiều ham mê nhưng đồng thời thấy trước mặt một chuỗi buồn phiền. Tiếng Đại đức đau đớn như lòng yêu đời bị chặt đứt trong giây phút ngất cao thiết tha. Đại đức Trí Không muốn dứt ra khỏi điều phiền muộn, nhưng tiếng chuông mang nỗi buồn người tu hành tản mát đi xa. Cái buồn đã có đời sống riêng của nó, y lực của Đạo giáo không kìm nỗi cánh tay phóng lãng. Tiếng chuông chấm dứt, đến giờ ăn cơm chiều, nhà sư đi về phía bếp, bóng lênh khênh đổ dài giống như hình ông tiên qua biển. Đại đức cũng đi qua một bể buồn phiền.
Mâm cơm dọn trên bộ ngựa gỗ, thớ gỗ đen sỉn có mùi mốc. Hơn sáu mươi năm rồi đó, từ lúc có chùa này, từ lúc tui bằng thằng tiểu Tâm. Thầy trụ trì đã nói như vậy. Bây giờ thầy đã già, bảy mươi chín tuổi, da nhăn lốm đốm chấm đồi mồi, thầy ăn mỗi ngày một lần, hai mươi năm không tắm. Hình như cơ thể đó đã hết hoạt động, chỉ còn một chút trí não thoi thóp sau vầng trán cao lừng lững đè xuống đôi mắt nhắm kín triền miên… Thầy trụ trì không còn biết đến đời sống, nhưng tấm ván của bộ ngựa gỗ vẫn phải chứng kiến đời sống, phải mang hai mâm cơm trong ngày, phải đỡ chỗ ngồi của hai chú tiểu Tâm, Tú, Đại đức Trí Không phải nghe những câu chuyện: “Thầy ơi, lính Nhảy dù họ cho tiểu Tú hộp thịt”.
“Không phải, hộp kẹo nha, không phải hộp thịt, họ có cho tui hộp thịt nữa nhưng tui không lấy”.
“Ừ, đừng lấy của người ta, họ cũng cực lắm”. Đại đức Trí Không nói hững hờ.
Hai chú tiểu cãi nhau vang căn phòng: “Cái xe to là xe GMC, cái xe nhỏ là xe “rép”, mi không biết chi hết, hôm tui đi xuống Nam Giao họ có cho đi nhờ, xe hắn chạy mau chi lạ… chạy mau như bay rứa đó”.
“Thầy ơi, tiểu Tâm hay tới chỗ ông Trung sĩ người Bắc để nghe ra-đi-ô, hắn hay nghe mấy bài hát có yêu yêu chi đó”.
“Bậy hí. Đi tu ai lại nghe hát có yêu”. Đại đức Trí Không bật cười nhỏ. “Ê, răng thầy cười”.
“Thầy cười vì tụi mi bá láp… nhỏ mà rắc rối”.
Thầy cũng có nghe những bài hát đó, những bài hát trong đêm, lúc nửa đêm về sáng. Những bài hát nói về nỗi điêu linh của đất nước, một cái chết tình cờ phi lý, chết như mơ, chết không có lời, dù đã chấp thuận một chút thoả hiệp tạm bợ. Nhưng Đại đức nhớ rõ nhất là những bài ca do một giọng hát cao vút xao xuyến nói về tình yêu và nỗi yên nghỉ cho con người … “Suối mơ bên rừng thu vắng… Đàn ai đùa trong tiếng lá vàng tươi…” Trong yên tĩnh trầm mặc, phảng phất không khí lãng đãng của tình yêu. Nỗi yên ổn căn bản để người trở về yên nghỉ cuối đời chông chênh. Người tu đang ở trong vùng không khí yên tĩnh, nhưng trong lòng vẫn linh cảm nỗi ngắn hạn của phút giây trầm mặc này, thấy rõ những hạt nổ bứt rứt âm thầm đang chồng chất lên cao. Chỉ là bình yên trước cơn địa chấn… Có tiếng động nổi lên dưới tấm ngựa…
“Hư, nằm im không bị đánh…” Tiếng động giảm đi.
“Con Hư bị mấy người lính cho ăn đồ mặn, nên lúc này nó xấu lắm”.
“Thật không?”
“Dạ thưa thầy, con la hắn không chịu nghe, hắn cứ theo mấy người lính nấu ăn cho ông Thiếu tá, nơi chỗ đó có nhiều đồ ăn nhất…”
“Hư, Hư”. Đại đức Trí Không búng hai tay vào nhau. Con lợn từ dưới hầm chui ra, phe phẩy hai tai tiến gần bàn chân Đại đức.
“Mi hư nghe không, tao cho tiểu Tâm kéo ra sau vườn ngủ bây giờ, không cho mi ngủ trong nhà nữa…” Con vật hình như hiểu được tiếng người, nằm phục xuống xếp hai tai vào đầu… Con vật cũng có lòng ham muốn dù đã gần mười năm nghe tiếng chuông và không ngửi hơi mặn, nhưng trong lòng, qua lớp tế bào tinh vi, nơi bắt đầu những hạt nhân phân tử vẫn có xôn xao những thèm thuồng. Con vật mà, làm sao thoát nổi tánh di truyền siêu vi, di truyền cột trụ để tồn tại… Người tu hành chợt thấy lòng chùng xuống. Trong đêm khuya, giữa miền đồi núi, nước sông Hương trăn trở chuyển động nơi xa…
“Tôi có thể lên ở trên chùa trong mấy ngày Tết được không thầy?”
“Anh lên lúc nào cũng được, nhưng chùa bây giờ đang có lính đóng sợ anh không vừa ý”.
“Lính đóng trong chùa?”
“Lính Nhảy dù ở Sài Gòn ra, trước đóng dưới Nam Giao, vừa dời lên chùa từ tháng trước, họ ở mấy ngọn đồi chung quanh, trong chùa chỉ có bộ phận chỉ huy khoảng mấy trăm người”.
“Chắc chùa ồn lắm?”
“Không đâu, mấy người lính truyền tin với ông Thiếu tá chỉ huy nằm trước mái hiên nhà trai, còn tất cả ở chung quanh, với lại họ rất kỷ luật”.
“Nhưng dù sao lính tráng cũng ồn ào. Tôi không thích đám đông, đoàn thể, sống gần người lạ tôi thấy khó chịu thế nào. Thầy thấy đó, chỉ đến đây ghi cour, chứng chỉ Văn minh đâu có bao nhiêu người, thế mà vừa bước vào phòng tôi đã khó chịu”.
“Anh có vẻ khó tánh”. Nhà sư nhìn Bằng qua ý phê bình kín đáo.
Bằng không nói, rút thuốc lá xòe diêm hít hơi khói dài. „À, mời thầy, tôi quên”. Bằng chìa bao thuốc đến Đại đức Trí Không.
“Dạ, cám ơn, trời lạnh quá, tôi cũng nên hút một điếu cho ấm”.
Cả hai người im lặng đứng tì vào cửa sổ nhìn xuống đường. Mưa phùn loang ướt mặt nhựa sông Hương mờ hơi sương, người trên cầu Tràng Tiền co ro bước vội vã…
“Trời mưa này thầy đi từ trên chùa xuống đây chắc cực lắm”.
“Không bao nhiêu, chỉ phiền ống quần bị ướt, tội nghiệp mấy người lính, thấy họ đi hành quân về ướt như dội nước, lại phải ngủ ngoài núi gió thổi lạnh như dao cắt…”
“Thầy có vẻ chú ý đến mấy người lính?”
“Không phải, thì họ ở chung với tôi cả tháng nay đâm ra quen biết nên nói đến”. Người tu hành nói bằng giọng lơ đãng vì thấy trong câu hỏi và ánh mắt Bằng có điều không vừa ý. Đại đức Trí Không đoán biết. Nhưng vì tối hôm qua khi đám lính vừa đi hành quân về, gió thổi kéo qua đồi, rừng thông nghe rờn rờn thê thiết, gió thổi mạnh đễn nỗi Đại đức không nghe được tiếng máy xe nổ trước cổng chùa, mãi đến khi có bước chân người và tiếng gõ cửa. Ông Trung sĩ thường vụ Tiểu đoàn chức tước nghe thật rườm rà hiện ra trong vùng ánh sáng vàng đỏ.
“Thầy”.
“Dạ, bác Trung sĩ…”
“Toán lính Nhảy dù có ông Chuẩn uý vừa chết mới ra trường được hai mươi ngày”.
Bằng im lặng hút thêm hơi thuốc. “Lạnh quá, vào phòng thôi”.
“Dạ”. Đại đức cúi đầu đi theo sau Bằng. Hai người trẻ tuổi cách nhau không đầy mười tuổi nhưng sao họ xa lạ với nhau thế? Đại đức Trí Không nhớ đến khuôn mặt tròn, đầu tóc hơi ngắn của Chuẩn uý Ánh và chiếc gáy phủ đầy tóc của Bằng, trước mặt Sài Gòn – Huế, chỉ ngàn cây số. Hai người đó không chút lãng quên; họ chỉ có chung một tên gọi người Việt Nam. Mẹ Việt Nam, các sinh viên ở đây thường nhắc nhở cái danh từ hàm xúc nhiều ngây ngất đó trong các buổi sinh hoạt. Chuẩn uý Ánh, Trung sĩ Tròn có biết đến Mẹ Việt Nam không? Đứa con nào chính gốc để hưởng phần gia tài tang thương, nếu có?
Khi ngồi nghe bài giảng, Đại đức Trí Không đột nhiên nghĩ đến hình ảnh: chiếc thúng bao la hỗn độn một vài cái trống đồng Đông Sơn, cục đá mài hình lưỡi dao, bộ kinh Thuỷ xám, chiếc khánh, đầu tóc bù xù của Bằng trên có chặn lại bởi một thây người chết – Chuẩn uý Ánh. Bà mẹ Việt Nam đặt chiếc thúng đó đi lang thang trên quãng đường vắng ngắt, gió thổi cát bụi bay mù.
Bằng đi ra cửa trước khi bài giảng chấm dứt muốn tránh cảnh phải bắt tay, hỏi han những người cùng lớp, và rõ hơn là Đại đức Trí Không. Suốt giờ vừa qua Bằng thấy lảng vảng trong đầu câu chuyện của viên Chuẩn uý trẻ tuổi mới chết, trong giọng nói bình thản từ tốn của người tu hành, Bằng thấy nỗi bi phẫn nén xuống. Bằng không thích được giãi bày với mối tình cảm ác liệt đó. Bằng muốn ở ngoài… Vì chàng có một thế giới tối tăm níu kéo đang đợi ở bên kia hai chiếc cầu.
Bằng đi qua cầu Trường Tiền, trời mưa, nước sông đục gợn sóng nhỏ xôn xao, vẻ xôn xao của con lươn giẫy giụa trước khi chết. Bằng đã đi qua chiếc cầu này bao nhiêu lần? Bằng chín tuổi, chín tuổi mù mịt câm nín của thành phố Huế sau thời chiến tranh, đèn đường không có, nhịp cầu gãy, đường Trần Hưng Đạo vắng hoe, bà già còng lưng mang túi bột mì bán giò chả đi từ phía Thượng tứ xuống. “Giò chả… không…” Tiếng rao kéo dài lê thê dật dờ những âm thanh ngúc ngắc nghẹt cứng. Bằng đã đi qua cầu trong những năm mười ba, mười bốn tuổi, đầu đội nón cối trắng, chân mang dép ba ta cao su, cúi khuôn mặt hồng hào trẻ thơ trên lan can của cây cầu nhìn đàn cá đuối lội trong rêu, những thân rêu xanh ngắt chuyển động nhịp nhàng ve vẩy. Bằng tưởng như ngửi được mùi rêu bí ẩn bốc lên từ mỗi hạt nước, nước trong vắt chảy từ nguồn về. Nguồn, một nhánh nhỏ khuất xa chảy từ trong “rú”, từ phía lăng Gia Long, qua Bảng Lảng, Giả Viên đổ về đây… Bằng thấy trong dòng nướcc vẻ êm đềm man dại của một nơi sơn lâm thẫm bóng. Chốn xa tít, mà tuổi mười ba đã mong ước sẽ được một lần ngược con sông đi đến. Bằng sẽ đi bằng chiếc thuyền con chỉ vừa một người ngồi, bơi hai tay chèo nhỏ, chuyển động phe phẩy nhịp nhàng như hai vi cá. Bằng sẽ đến nguồn, đến “rú”, úp mặt xuống một khe nước trong, nghe được trong đó chuyển động ầm ì của rừng cây hay tiếng hú của loài voi dưới bóng trăng dẫy dụa xanh ngắt. Nhưng Bằng chẳng bao giờ đi được chuyến đi mong ước đó, rặng núi xanh đầu con sông xa khuất như một nơi không cùng. Bằng chẳng đến được đầu con sông, để hằng ngày, hằng ngày của một năm ba mươi tuổi đi trên dòng nướcc cuối con sông, nước đã nóng, đục và dơ vì chảy qua thành phố, chảy qua căn cứ Mỹ ở Bạch Hổ, Kim Long, Văn Thánh. Văn Thánh mất vẻ trong vắt mát mẻ của ghè đã thẫm rêu u tịch như tiếng chuông Linh Mụ lúc thu không bay là đà trên sóng nhỏ. Chỉ còn lại bây giờ, Bằng ba mươi tuổi và dòng sôngg đục ngầu đất đỏ của núi vùng Bảng Lảng bị phá vỡ cuốn trôi theo, Bằng đi trên phần nước phủ mưa bay lạnh kín.
Bằng đi qua cầu Gia Hội, cầu ngắn, chỉ cần bước một trăm bước, xuống chiếc dốc, đi vào con đường hẻm ngang hai mươi thước và đến nhà. Đường đi về một địa ngục lặng lẽ. Mở cửa buồng, bước vào đặt chồng sách lên bàn, ngồi xuống, đôi vớ ẩm ướt có lỗ thủng, nước theo kẽ hở của đế giày thấm vào. Đôi giày cũ, vớ cũ màu đen có chạy một đường chỉ đỏ, màu đỏ máu? Đỏ của chiến thắng và bạo lực? Bằng nhìn chiếc giường nhỏ có gọng đồng, giường của ông nội hồi xưa làm lý trưởng, dấu hiệu sung túc còn lại. Ông nội hồi xưa chiều chiều mặc áo lụa, đầu cắm cánh hoa bưởi, tóc bạc trắng, da hồng, ông nội quyền thế nhất làng Phú Cát, nhà được tính không phải từng gian nhưng tính theo từng dãy. Dãy 12 gian, dãy 10 gian… Ông nội có một khoảng sông riêng, “bến ông Giáp” để phơi lụa, trồng đậu phộng, bắp, đến mùa, bắp và đậu phụng chất đầy mấy gian nhà lớn. Bây giờ những gian nhà xưa không còn, chỉ còn mỗi căn nhà nhỏ này, căn buồng riêng và chiếc giường gọng đồng vàng xỉn. Bằng nhìn xuống chiếc nệm bọc một lớp vải hoa đỏ rẻ tiền, màu đỏ lâu năm trở nên nhợt nhạt lốm đốm. Trên chiếc giường này, quá khứ vinh quang có mùi ẩm mốc, vẽ với lớp đồng đỏ úa, đỏ chua chát cơ cực. Trên di tích tổ tiên ngang một thước hai, dài hai thước, trên tấm nệm cũ gần hai mươi năm, lớp rơm bên trong đã mất hết bềnh bồng, ép sát lại co rút thành một độ dầy chỉ bằng ba chiếc chiếu, tấm nệm không êm, nằm lên có cảm giác cứng ngắc, chiếc nệm ông nội đã nằm, ông lý trưởng quyền thế đã nằm, bố đã nằm, cậu Ấm con ông Lý hàm lục bộ, nghiện ngập nhăn nhó, cay độc với chính mỗi sợi tóc bạc bị rụng xuống. Chiếc nệm được mẹ sửa lại bằng mười ngón tay già nua chịu đựng bọc thêm lớp vải đỏ – Thêm một chút dũng mãnh, thêm niềm mới lạ để Bằng nằm lên với tình yêu, người con gái tên Quỳnh Như, đậu tú tài một, học sư phạm cấp tốc. Quỳnh Như nghiêng vành nón, Quỳnh Như, lá thư dài gần mười trang giấy pelure được xếp theo chiều dọc với mở đầu: “Thư gởi về anh, mối tình đầu của Như”. Thư hứa hẹn, thư hờn dỗi, trách móc nũng nịu, thư ghen tuông với một phản bội vô hình… “Như đâu phải người đầu tiên của anh, Như là kẻ đến sau”. Như, kẻ tình phụ tưởng tượng, Như đau đớn nhẹ nhàng, Như bi đát ngay khi tình mới nở, nỗi đau không bờ, quả tim trống vắng… “Như biết nói gì đây? Hỡi mối tình khốn khổ và bi đát của tôi!”. Như đau đớn qua một chút của Mai Thảo. Như mượn một ít chán chường của Nhã Ca. Đúng là của Nhã Ca, vì Nhã Ca người Huế, Nhã Ca học trường Đồng Khánh. Nhã Ca, biểu tượng của con gái Huế sâu sắc chút bùng nổ phũ phàng trên câu văn, một hơi chán chường ở dấu phết… Như lăn lóc, vật vã, chảy máu mắt, bậm chặt môi nén tiếng đau đớn suốt mười trang giấy mông mênh. Giấy có hạn và đau đớn của Như không bờ. Nhưng nỗi đau đớn bi thảm không bờ đó, tình yêu nặng bốn mươi lăm ký, tình yêu tóc dài Đồng Khánh, tình yêu của Tôn Nữ Quỳnh Như thê thiết đã được đặt lên chiếc giường này, đã bị đè xuống, cuống quít, mê đắm và sôi nổi. Trên chiếc giường này đã có Quỳnh Như, không phải đang che nửa mặt hoa, không phải đang cắn răng vào tóc, không giọt nước mắt đớn đau cho nỗi bi thảm của cuộc tình, nhưng một Quỳnh Như vội vã, hai chiếc chân dài vùng vẫy giẫy giụa xong rồi khép thật sít sao, có những ngón tay lùa cứng vào tóc, có những hổn hển vồ vập ngất ngư trong tiếng thở… “Anh! Anh! Đừng bỏ em…” Và sau đó Quỳnh Như mặt úp gối, người co rút thì thào nức nở … “Chết cha rồi anh ơi, lỡ có mang thì làm răng? Lỡ có mang thì làm răng?” Trong khi Bằng quơ chân tìm cái quần, lột ngược lại để bề mặt ra ngoài… “Cái quần lót của em đâu?” Mò mẫm, lúng túng, nó xoắn tít, co quắp ở sàn nhà… “Anh xoay mặt đi nơi khác, trời ơi mắc cỡ quá, lỡ có mang thì làm răng!” Bằng đứng dậy tìm điếu thuốc lẻ ở hộc bàn. Sagan nổi tiếng có lý thật, Sagan đã tạo được những động tác thời thượng nhỏ nhặt cần thiết và đúng lúc. Bằng đốt điếu thuốc Ruby, lắng tai nghe tiếng động của nhà ngoài… Bà già về thì vỡ nợ. Và bây giờ sau khi Quỳnh Như nhiều lần nằm xuống trên di tích của ông Lý trưởng họ Thân, không còn tiếng khóc tức tưởi cùng lời thì thầm “lỡ có mang thì làm răng…” Bây giờ chỉ có hối thúc cấp bách, đay nghiến nóng nảy nhão nhoẹt… “Anh phải cưới Như mới được, phải cưới gấp, Quỳnh Như bị “rứa” là một tháng rồi. Quỳnh Như bị rứa là một tháng rồi, nhưng cũng không thiếu dồn dập nồng nhiệt như trong lần gặp nhau cuối cách đây hai tuần… Anh nhớ lo gấp vụ đó nghe”. Quỳnh Như ngậm chiếc áo dài ở miệng che xuống phần hạ thể sau khi nói, chiếc quần được rũ mấy cái trước khi mặt vào.
Bằng nhìn lên bức ảnh trước mặt, hình người đàn bà khoả thân cắt từ một tạp chí. Người đàn bà cằm nhọn, mắt xanh, cổ dài, khuôn mặt bình thản tội nghiệp, cất giấu niềm đau đớn qua dáng ngồi im lìm, người đàn bà ám ảnh của thứ tài hoa mệnh bạc. Bằng có tài hoa không? Chỉ biết Bằng có một khuôn mặt xương và cái nhìn u uẩn kiểu Moggiliani, u uẩn, hay một chút mù mờ vì ba mươi năm trải dài trên chiếu chăn của vinh quang tàn tạ. Bằng cũng một đôi lần cầm cây cọ, nhưng sơn dầu quá đắt, ừ thôi thì vẽ than chì, với một đường nét cố tình bạc nhược đơn sơ, dựng nên phiền não ở những chân dung u ám, Bằng tìm cách xích dần một chút đến thiên tài… “Bằng ơi, em thấy bị ám ảnh bởi bức tranh đàn bà buồn thảm của anh!” Quỳnh Như đã có một lần kêu lên tiếng kêu lo sợ đó. Mắt Quỳnh Như mở lớn, tóc rẽ hai bên kêu đưa một vừng trán cố cau lại những nét tang thương! “Thế sao em?” Bằng thấy mình đột nhiên gần Modi hơn chút nữa. Bằng xòe hai tay nâng lấy khuôn mặt của người tình, động tác kiểu cách tổng quát ở đâu đó đã có… Nhưng thôi, hãy thổi cơn giông bão thu nhỏ đã có… Nhưng thôi, hãy thổi cơn giông bão thu nhỏ đầy ầm ầm trong linh hồn để nhìn vào đôi mắt Quỳnh Như. Nàng khép mắt lại, những rèm mi cánh bướm chập chờn… Bằng muốn thở hắt ra để xoá tan vở kịch. Nhưng không thể được, Bằng không có can đảm. Ngoài cuộc khiêu vũ hoá trang ngượng cứng kia. Bằng còn được gì? Thêm một khối nhỏ phiền muộn nào đè xuống đỉnh đầu Bằng cúi xuống khuôn mặt Quỳnh Như đang nặng nề chờ đợi nụ hôn. Thôi, vở kịch đời gắng đóng cho hết, Bằng nhé, nhớ lo vụ đám cưới, em về…
“Bằng ơi, ra ăn cơm”. Tiếng bà mẹ gọi từ căn phòng gần bếp. Bằng xỏ chân vào đôi guốc gỗ bước ra. Tiếng guốc gỗ gõ xuống nền gạch nghe bực dọc. Người Huế vẫn còn duy trì thói quen ngồi ăn trên phản, ngồi xếp bằng chung quanh mâm bằng đồng, sau bao năm đánh bóng hoá nên vàng xanh mỏng dính, chữ thọ nổi ở giữa đã bị mòn nhẵn. Lối ăn cơm như níu kéo muốn giữ không khí của thứ dĩ vãng đã phai màu. “Gần Tết rồi con có dạy thêm giờ nào ở trường không?” “Dạ không”. Bằng trả lời từ tốn với bà mẹ. Huế là nơi của học thức, người ta chú trọng đến bằng cấp nhiều hơn số tiền, chiếc xe có được. Nhưng gần đến Tết người ta cũng quên chuyện học hành, để bày một vườn bông nhỏ trước cửa chợ Đông Ba, gần Tết để những gã học sinh có cơ hội mang bộ veston đầu đời. Huế sắp Tết với loại mưa bắt đầu nhẹ hạt để các cô con gái có thể mặc chiếc manteau mua từ Sài Gòn trong dịp hè… Người Huế chờ đợi cái Tết để thay đổi không khí đã sũng ướt qua một mùa mưa ủ dột nên chẳng có loại hy sinh nào tha thiết với chương sử ký nhà Tiền Lê, nhà Tiền Lê thật quá xa với mái tóc bắt đầu để dài xuống gáy, đôi giày mũi vuông lấy kiểu từ tạp chí Sears, Playboy, tạp chí có hình tổng thống Whashington qua sông Delawrue trong y phục hippie. Cả hai lịch sử đều được đồng lòng bỏ qua… Thầy giáo Thân Trọng Bằng cũng được quên đi trong tiết trời lạnh cóng, màn mưa nhẹ hạt, Tết gần đến.
“Không mẹ, trường đã cho học trò đến trường chỉ bàn chuyện liên hoan”.
“Rứa khi mô lãnh lương Tết?”
“Con lãnh trước một nửa rồi, chẳng còn lại được bao nhiêu, đâu chỉ khoảng bốn ngàn…”
“Răng lại ít rứa, dạy đến ho lao mà tháng Tết chỉ được chừng nớ thì làm răng chi dụng cho đủ… Công lao ăn học”. Bằng cúi xuống chén cơm bỏ đôi đũa, chỉ hai chén cơm nhỏ nhưng Bằng thấy quá đủ. Công lao ăn học mở đầu bài luận thuyết về giá trị bù lại sau hai mươi năm cúi đầu trên sách. Từ những ngày ngây thơ, lớp học thơm mùi mực và phấn bảng, mực tím ngấm qua thớ gỗ áp khuôn mặt trẻ thơ trên mặt bàn hít được vị cay nồng của mùi mực bốc lên qua thớ gỗ, tưởng đến chất nước lỏng sóng sánh thẫm dần theo độ tan của viên mực. Những ngày chờ đợi vào vấn đáp sau lần thi viết được xướng lên, sân trường chen chúc đầu xanh, áo trắng, tên được xướng lên bay vang xa loang trên mặt sông, bên kia bờ sông Hương bức trường thành dội lại. Hai mươi năm ăn học để lại âm thanh mờ mịt của tiền nhân vọng qua núi đồi Hồng Lĩnh. Và những ngày hôm nay, Thân Trọng Bằng ba mươi tuổi, mỗi tuần hai mươi giờ đứng trước bảng đen làm sống lại nét hào hùng của nhà Trần, cho Hưng Đạo Vương đánh giặc trên tấm bảng đen cao thước rưỡi dài bốn thước. Hưng Đạo Vương sống lại ốm yếu khó khăn, trận Vạn Kiếp của tiền nhân dưới viên phấn trắng được vẽ bằng hai mũi tên cong ngược, trong đám học trò có tiếng động thì thào … “ĐM sử địa ăn thua mẹ gì”. Thầy giáo Thân Trọng Bằng thương thân và tổ tiên đến nhức nhối.
Bằng qua cây cầu, lên đường Trần Hưng Đạo, nhưng khi bước chân vào quán cà phê, Bằng đổi ý. Quán đông người, ẩm ướt, mùi cà phê thơm, nhưng cảnh ngồi ở chiếc ghế cao lênh khênh, nhìn mặt cô bán hàng mặt lấm tấm rỗ hoa Bằng thấy nản. Chàng bước thẳng về hướng cửa Thượng Tứ, phía nhà của Quỳnh Như. Qua cổng thành, Bằng khum tay lên mồm hú một tiếng nhỏ. Tiếng hú chạm vào vòm đá vang lại yếu ớt lạnh lùng. Ngày xưa mình hú thật lớn chẳng sợ ai. Bằng thấy thấp thoáng trong màn mưa một chú nhỏ mười tuổi há mồm hét thật lớn để nghe vòm đá vọng lại âm thanh chính mình. Tường đá hôm nay vẫn giữ nguyên độ cứng, chỉ có mình trở nên già, hét to không được. Qua khỏi cổng thành Bằng thấy dễ chịu. Quỳnh Như cùng mẹ và chú em đang bàn cãi sôi nổi:
“Như rứa là vô lý, người ta hoãn quân dịch cả trăm cả ngàn, tại răng con không được, ngày mai mẹ lên thấu trên tỉnh cho mà xem…”
“Nhưng mẹ phải để con đi trình diện, đi lính cứ phải chết liền đâu”.
“Sao lại không chết, mẹ đọc báo thấy ngày nào người ta cũng có phân ưu. Toàn là thứ chết trẻ cả, mẹ nuôi con hai mươi mấy năm đâu phải để thành ông Chuẩn uý rồi chết bờ chết bụi đâu trong Nam ngoài Bắc”. Tiếng nói của bà mẹ sũng ướt nước mắt. Qua lớp nước mắt đầm đìa, bà tưởng thấy người con trai của bà nằm chết ngơ ngác ở một góc rừng sâu.
Bằng bước vào, bà mẹ quay sang vội vã:
“Đấy anh Bằng thấy đó, nhà chỉ có một mẹ một con, rứa mà người ta đòi gọi thằng Tuấn. Tôi không giàu sang nứt ngói đổ vách chi nhưng cũng dư nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn, người ta con đàn con đống lỡ mất một đứa không sao, tui chỉ có mình nó… Rồi hắn còn cản tui, hắn định đi trình diện. Nói thật cho biết, tui làm thẳng tay, pháp luật chi chi cũng kệ”.
“Nhưng mẹ để con đi trình diện xem họ quyết định sao”.
“Quyết định chi nữa, người ta sẽ túm đầu con nhét vô Thủ Đức, khi đó chỉ còn kêu ông trời, tao đi, tao lên tỉnh tao kêu”.
“Mẹ đi đâu, trời mưa, sắp hết giờ làm việc, mẹ kêu với ai… Nhưng trình diện hay không cũng phải sau Tết mới đi, mẹ làm như con sắp chết đến nơi, cả ngàn người nhập ngũ một lần chớ đâu phải một mình con”.
“Mày khác người ta, con người ta đông người ta không kể, tao đứt ruột đẻ ra mày, trầy vi tróc vảy nuôi mày, cả đời mày chưa xa tao một ngày, tao không cho mi đi mô hết, không trình diện không nhập ngũ, mi ở nhà có chi tao chịu…”
Người con trai ra đứng ở ngưỡng cửa, móc túi lấy bao thuốc, bao thuốc Winston nhưng điếu thuốc khác hiệu Capstan hay Cotab. Gã con trai làm ra vẻ bình tĩnh, chán nản, mệt mỏi, hít từng hơi thuốc miễn cưỡng.
“Đó, mi lại bày đặt hút thuốc, hút vào cho ho lao”.
Gã con trai không nói, bước vào nhà trong.
“Anh Bằng thấy đó, thằng Tuấn nó đâu có nghe tôi, con với cái cứ cãi lời, cứ đi nhập ngũ rồi chết nhăn răng ra… Cậu có bị gọi không?”
“Dạ, không, cháu được hoãn vì lý do nghề nghiệp”.
“Phải đấy, cái thứ lính tráng đi làm chi cho cực thân”.
Bằng chợt nhớ lại câu chuyện của Đại đức Trí Không: Anh Chuẩn uý chết sau ngày mãn khoá hai mươi ngày.
“Dạ, bác nói thật phải, con thấy cái chết thật phi lý, chẳng giúp được một ai”.
“Chứ răng nữa, bỗng nhiên đi mang cây súng bắn người ta, bị người ta bắn lại chết, thiệt vô lý”.
“Dạ, vô lý kỳ cục lắm, hơn nữa chiến tranh cũng sắp hết, thêm một em Tuấn vào tình hình cũng vậy thôi”.
“Đó anh nói thế mới phải, nó chỉ quý đối với cha mẹ thôi, còn như chính phủ thì biết thương ai. Nó không hiểu ý tôi cứ nhất định trả lời, trứng mà đòi khôn hơn chi sao được…”
“Dạ”. Bằng dạ khó khăn từng tiếng một. Bằng cũng là kẻ khôn ngoan, khôn ngoan chạy một giấy hoãn dịch để ngày ngày đứng trước lớp học, kể lại đoạn sử đầy chấn động của tiếng sóng Bạch Đằng trên phiến não phẳng phiu trơn trợt của năm mươi khuôn mặt trai gái. Sau cái nhìn không cảm giác của năm mươi khuôn mặt học trò này, bằng cảm được cái phán xét cay nghiệt… “Thầy mới lãnh lương hôm nay”. Câu hỏi nham nhở đầy âm thanh khô cứng làm Bằng choáng váng. Người học trò đã hỏi Bằng trong cái nhìn lạnh tanh.
Quỳnh Như mặc áo dài màu tím ngoài khoác áo len trắng trông thật dịu hiền. Con gái Huế có hai màu tổng quát, màu trắng khi trời nắng và màu tím lúc trời ủ dột. Hình như người học trò phái nữ nào cũng một lần yêu thích hai màu đó, vì chẳng có người con gái nào mà không muốn mang những dấu hiệu ước lệ về con gái xứ Huế. Nữ sinh Đồng Khánh tóc thề, thích ăn vặt, bánh bèo Tây Thượng, Ngự Bình, suối Trà Am, bánh xe đạp lăn tròn hướng về phía chùa Thuyền Tôn phủ bóng tre xanh. Sinh hoạt đó làm thành cá tính người con gái xứ Huế. Quỳnh Như, một người Huế từ tên tuổi đến dòng họ, nàng lại càng đóng góp tích cực hơn trong định nghĩa chân dung người con gái xứ Huế. Với chiếc áo tím, Quỳnh Như đẹp đẽ âm thầm như con đò buông chèo nằm dưới bóng dâm của rặng cây. Con đò có nỗi xôn xao cuốn hút của nó. Quỳnh Như cũng thế, nỗi cuốn hút riêng nàng biết được. Tay nắm tay, nàng đi với Bằng về phố chính, hướng phòng triển lãm của một hoạ sĩ vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, và sau đó chắc sẽ về nhà Bằng, nơi có chiếc giường xôn xao của một đại tộc đầy vinh quang. Nỗi mê đắm nàng đã biết qua, đang đợi nàng ở đấy. Nỗi mê đắm cùng lạc thú nàng đã nắm được khi hai hàm răng nghiến chặt trên tấm nệm hoa đỏ dài hai thước. Lạc thú ở sợi tóc rối, mái tóc thề xứ Huế rối rắm cuống quít mịt mờ và cái nhìn mất sắc. Quỳnh Như hai mươi ba tuổi, đã có lễ hỏi, cuối năm thi ra trường Sư phạm, nàng có đủ điều kiện để cho cuốn theo cơn lốc nóng hổi cảm giác trong mịt mù ẩm ướt của xứ Huế. Nhưng cảm giác nóng hổi đó phải được xếp lại, nàng đang đi vào phòng triển lãm phải giữ đúng cung cách của người học trò mang áo tím, để tóc thề, nữ sinh Đồng Khánh phải làm thế trước khi nẩy chiếc mông đầy sức nặng êm đềm của gã thanh niên.
Người hoạ sĩ dù mới ra trường nhưng anh cũng chứng tỏ sự trưởng thành qua các giai đoạn do anh phân định. Giai đoạn của nét vẽ chân phương với màu sắc bềnh bồng trên các tĩnh vật, cảnh núi đồi hay các người mẫu bình thường nhưng thể hiện được tính chất vũ bão của đời sống, người ta dễ nhận thấy vóc dáng đôi guốc của Vangogh, những trái cây của Cézane, mặc dù những bức hoạ ở đây đã được hoạ sĩ chú thích bằng những đề tài Việt Nam cổ kính, cổ kính hơn những tranh mộc bản hái dừa. Người ta cũng nhận thấy có một cố gắng muốn hiểu đủ, muốn tổng hợp vượt ra khỏi kích thước của trường vẽ, trong cố gắng này rất dễ nhận được đôi cánh thiên thần của bức tranh Đêm Giao Thừa đậm đà phảng phất chiếc cánh của Chagall. Tuy vậy anh hoạ sĩ cũng thành công, không phải ở nét dao phóng đãng mang niềm kiêu hãnh của người làm nghệ thuật, nhưng ở bộ áo quần lệch lạc một cách cố ý, chiếc áo len cao cổ màu đỏ sậm có đường đen vạch ngang, lấm chấm những vết sơn, dấu tích của thời khắc mê mải theo kiếm tìm nghệ thuật. Nhưng quan trọng và đầy đủ đọng trên bộ râu quai nón màu vàng và chiếc píp chạm trổ hình đầu người. Người ta thấy vóc dáng của những đại hoạ sĩ cỡ Vangogh, Buffet ở đâu đây.
“Anh quen với Ngu Cương (biệt hiệu lạ lùng của người hoạ sĩ)”. Bằng nói nhỏ vào tai Quỳnh Như.
“Thế hả?” Giọng nói khép nép thảng thốt như vừa khám phá được điều quý giá bí ẩn. Quỳnh Như nép vào sau Bằng, bàn tay khép tà áo lại. Người con gái Huế phải e thẹn, nhất là trước những kẻ phóng đãng nghệ sĩ. Bằng bắt tay Ngu Cương. “A, Lý (tên thật của người hoạ sĩ) tranh mày khá lắm, các “matière” thật vững và linh động”.
Đúng là ngôn ngữ sành sỏi của người am hiểu nghệ thuật. Quỳnh Như nép vào lưng Bằng chặt chẽ và kính phục hơn. Đứng sau lưng của một người chồng tương lai thấu triệt hội hoạ là một hành động chứa nhiều tính chất nghệ thuật…
“Thế hả? Cám ơn toa. Toa thích cái nào nhất?” Người nghệ sĩ nói thật nhỏ, ống píp vẫn ngậm chặt giữa hai kẻ răng. Tay người nghệ sĩ đưa lên vuốt hàm râu, cử chỉ khoan thai phảng phất chút đam mê cô đơn!
“Moa thích bức khoả thân số 2, nó mang vẻ bất hạnh âm thầm của thân phận đàn bà, các “gam” xám của toa làm moa nhớ đến Modi!”
Người nghệ sĩ gật đầu, xòe diêm châm ống píp đã tắt lửa. “Xin lỗi moa phải tiếp ông Giám đốc”. Người nghệ sĩ dùng cây quẹt chỉ về cửa, một người đàn ông mặc đồ lớn vừa đi vào. Hoạ sĩ đưa tay úp lên che miệng píp bập bập hơi khói, gật đầu chào Quỳnh Như trước khi bước đi. Tôn Nữ Quỳnh Như ríu rít đáp lại, tiếc thầm sao người hoạ sĩ không ngỏ lời mời nàng làm người mẫu. Quỳnh Như là khuôn mặt đàn bà ám ảnh suốt linh hồn anh. Bằng đã nói thế, người hôn phu có cảm quan nghệ thuật sắc bén đã nói thế, tại sao người nghệ sĩ không chú ý đến nàng? Đôi mắt người nghệ sĩ có vẻ lạ riêng? Quỳnh Như nghĩ đôi mắt đục mà đồng thau của người nghệ sĩ, hình như có một vẻ ngơ ngác hụt hơi!
Hai người rời phòng triển lãm, họ bước đi im lặng. Bằng nghĩ đến câu chuyện nhà sư Trí Không, nửa tháng lương Tết sắp lãnh, tiền đám cưới Quỳnh Như, bức tranh người đàn bà cởi truồng nằm sấp trên nệm. Quỳnh Như nghĩ đến chiếc giường trong căn phòng đầy bóng tối và nỗi mê đắm làm nóng vành tai, chảy giọt mồ hôi ở sợi tóc mai… Bằng ơi. Quỳnh Như liếc qua người hôn phu, sau khuôn mặt bình yên này có ngọn lửa sẽ đốt nàng đi chốc nữa trên giường có tấm nệm đỏ. Trời cuối năm ẩm ướt như cơn mê đắm của Tôn Nữ Quỳnh Như…

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10828&rb=08

Comments are closed.