Trư cuồng (kỳ 3)

Nguyễn Xuân Khánh

Ngày… tháng…

Sức mạnh của con lợn Bò – vét – đĩa là ăn. Nó ăn sáng, ăn trưa, ăn ngày, ăn đêm, ăn bất cứ lúc nào, miễn là trong máng có thức ăn. Nó lại có thể ăn rất tạp: ngon cũng ăn, dở cũng ăn, thậm chí thiu thối cũng ăn. Nó ăn bèo đã đành, đằng này nó lại dám ăn sống cả cỏ hôi, cả lá cúc tần hắc sì, lá ổi chát lẹt, lá rau sam chua lè … Nó ăn bã đậu, bã ma di, chén tươi cả loại bã rượu nhà máy là thứ bã hầu như đã kiệt chất. Nó ăn quá phàm, quá tích cực, quá hối hả, quá kỳ dị như một thứ quỉ đói… Có lúc vừa mới ăn xong được mươi phút, đã thấy nó chồm chân lên dóng tre, gào rú. Tôi thử lấy một chậu nước gạo, rồi thái một rổ bèo sống, đổ vào máng, thế mà con quái chỉ nhồm nhoàm và hút chùn chụt một loáng đã sạch bay. Tôi đâm ra ngẫm nghĩ và e sợ vì không hiểu đằng sau cái dáng ăn quái quỉ ấy có ẩn tàng một điều gì khác lạ không.

Nhưng rồi tôi lại yên tâm vì thấy con lợn vẫn bình thường, tức là nó vẫn lớn một cách tỷ lệ thuận với số lượng thức ăn nó đã ngốn.Sau cái yên tâm là sự phấn khởi bởi vì nó lớn rất nhanh, có thể nói tốc độ lớn phi thường. Khi mới về, nó còn bé hơn cả ba con ỉn, so với con ỉn út còn bị lút số; thế mà chỉ qua một tháng, nó đã vạm vỡ, to hơn hẳn cả con ỉn đầu đàn. Tuy to xác, nhưng nó vẫn ngờ nghệch. Mặc dù vậy, với cái thể xác mới của nó, bầy ỉn đã có phần vì nể lợn Bò. Mới về, nó nằm trong xó bẩn, nửa tháng sau, nó nằm dưới chân bầy ỉn, còn bây giờ nó đã dám chen rúc lẫn cùng bầy ỉn, tuy đôi lúc vẫn bị bầy ỉn xua đuổi, chèn ép, nhưng không dám chống lại.

Ngày… tháng…

Hôm nay cho lợn ăn, tay tôi quệt phải đinh, chảy máu. Tôi chợt nhớ tới một ý của Tám trong “Bách Khoa Lợn”. Tôi tinh nghịch, bèn vắt cho máu tay chảy vào máng thức ăn. Kỳ dị chưa! Bầy lợn ăn sốc hẳn lên; chúng tranh nhau ăn như điên rồ. mõm lợn vỗ vào máng tồm tộp với một nhịp điệu quá hối hả. Phải chăng câu nói: “Lợn thích ăn thịt người” là đúng?

Ngày… tháng…

Hết cám. Dầu hoả lại đắt. Tôi đem bán một tháng phiếu dầu gia đình để mua cám lợn. bà vợ tôi kêu la ầm ĩ:

– Tôi van ông. Lợn với chả bò! Chẳng ăn thua gì đâu!

– Nào! Nào! Cô cứ yên chí.

– Tôi không thể yên chí được. Lợn của anh đã ăn hết cái quần si ba ta của con, bây giờ nó lại nhai đến phiếu dầu. Không khéo mai kia, nó sẽ ăn thịt nốt đàn con của tôi cũng không chừng.

Tôi chợt bặt lặng, không dám cãi lại vợ nữa. Ừ! Phải chăng lời tiên tri? Tại sao vợ tôi có thể nghĩ rằng lợn ăn thịt con tôi? Tại sao ý nghĩ của vợ tôi lại có thể trùng hợp với ý nghĩ của Tám?

Ngày… tháng…

Chủ lò Hợi kéo tôi đến nhà chơi. Anh đã mời tôi năm lần bẩy lượt nhưng tôi chưa đến bao giờ. Không đến bởi vì anh ta giầu có, còn tôi thì nghèo. Khi nghèo, dù ta là người trải đời thế nào, ta vẫn có mặc cảm, và lúc đó ta thường phản ứng lại kẻ giầu bằng cách chê bai họ, khinh bỉ cái giầu của họ, hoặc chí ít không chê bai, khinh bỉ thì cũng lảng tránh, tránh xa khỏi họ. Quan hệ giữa tôi và Hợi cũng nằm trong qui luật ấy

Nhưng, thằng Linh, cậu sinh viên của tôi đã bắc cầu giao tiếp giữa hai người lớn. Từ khi có Linh dạy thêm, con gái Hợi đã học khá hẳn lên. Học kỳ vừâ rồi, cô bé đã được xếp loại học sinh tiên tiến. Vì lý do ấy, nên ông Hợi đã mời tôi đến chơi bằng được.

Một gian buồng rộng rãi lát đá hoa nhìn ra một vườn hồng nhỏ. Khi vào nhà, phải theo một lối đi nằm dưới một giàn thiên lý thơm mát. Hai bên lối đi đặt những chậu địa lan, ở góc trong cùng của giàn thiên lý, treo lủng lẳng một dò phong lan tai trâu đơm nụ. Gian phòng toát lên sự sang trọng bởi nền đá hoa mầu cẩm thạch, loại đá lát đặc biệt mà nhà máy vật liệu xây dựng A đã làm riêng để tặng những khách quí. Cái nền ấy chắc được lau chùi thường xuyên nên bóng lộn. Một chiếc đàn Pianô Nhật mới mang từ Sài Gòn ra kê ở góc. Giữa phòng nhìn ra cửa là chiếc tủ chè lèo kép, khảm trai, trên nóc tủ chỉ để một lọ hoa đồng tiền loại nhỏ…

Hợi trang trọng mở tủ chè, lấy ra mmột bao thuốc lá tây chưa bóc và một gói trà rồi hỏi:

– Anh thích trà thanh tâm hay trà Thái mộc?

– Trà Thái anh ạ.

– Anh giống tính tôi. Không gì bằng trà Thái anh nhỉ. Để anh thưởng thức một loại trà Thái đặc biệt mà họ mới biếu.

Xong tiệc trà, đến tiệc rượu. Anh đốt cồn lên nướng mấy con mực rồi nói cười vui vẻ:

– Có lẽ anh cũng chỉ thích rượu quốc lủi? Đúng thế chứ? Tôi nghiệm thấy một điều: các đồ ăn uống của tây chỉ có thuốc lá là ngon, còn thì hỏng bét, rượu không bằng của ta, còn trà thì khỏi phải bàn, tây họ không biết uống trà anh ạ, ai đời trà lại pha đường…

Tôi không dám luận bàn về cái cách thưởng thức chủ quan, tự coi mình là nhất đời ấy – Tôi chăm chú nhìn người bạn rượu đương rót vào chén cho tôi một thứ nước trong vắt thơm phức. Rượu ngon đã xóa dần đi cái kênh kiệu, cái khoe khoang ngô nghê. Hương men nếp ngan ngát làm cho Hợi trở nên bình dị. Giọng nói của anh bỗng có mầu sắc, lúc lãng đãng, lúc sôi nổi, trở về với những niềm tâm sự mà hiếm khi anh cởi mở:

– Xưa kia tôi “làm nhau” ngoài lò lợn. Chắc anh chưa biết thế nào là “làm nhau” nhỉ? Làm nhau tức là xách cái xô tiết, cầm dụng cụ mổ lợn, chạy theo sau và chịu sự sai vặt của người đồ tể chính thức. Ông đồ tể già, ông thầy dạy nghề của tôi, là một người rất ngộ. Ông hay uống rượu, uống ít thôi, nhưng lai rai suốt ngày, mỗi lúc một hớp; ông uống chỉ đủ để bốc ra miệng những tiếng cười ha hả, và đủ để tuôn ra những chuyện tiếu lâm thú vị và tục tĩu. Đó là lượng rượu duy trì trong ngày; còn buổi sáng, trước khi vào lò lợn, thầy tôi uống nhiều hơn; ông thường ngửa cổ uống một hơi, tu suông ừng ực hết phăng một cút rượu, rồi mới sắn tay áo kiểm tra đồ nghề, và mài dao. Một cái bị toàn là dao, con dao lá lúa để đâm cho ngọt, con dao rựa để chẻ xương sống, con dao bầu để cạo lông pha thịt, ngoài ra còn thêm mấy con dao dự phòng. Buổi sớm ở lò lợn thật ồn ào kỳ dị: tiếng những con lợn ngửi thấy mùi thần chết gào lên hoang rợ, tiếng ằng ặc thảm thê, tiếng liếc dao soèn soẹt, tiếng mài dao đều đều, tiếng chặt xương công cốc, tiếng cạo lông sồn sột, tiếng những con dao va chạm vào nhau leng keng, tiếng người nói chuyện với nhau bằng giọng hò hét. Những ông đồ tể khác đã lao vào công việc, nhưng thầy tôi bao giờ cũng đủng đỉnh. Ông mài dao thật kỹ càng, cho đến lúc con dao cạo được râu mới thôi; bởi vì ông thích một lưỡi dao phóng vào tim bao giờ cũng phải ngọt, ông thích hoá kiếp cho những con lợn được chết nhanh hơn. Sáng nào thầy tôi cũng dạy tôi bằng một câu nói gần như thuộc lòng: “Hãy cắt tiết con lợn như cắt tiết cuộc đời cho đến cùng giọt máu. Chớ có run tay. Này, cắt ngang một đường, rồi chếch lưỡi dao đâm chéo vào tim. Ngoáy lưỡi dao một vòng cho đứt hết những mạch máu nhằng nhịt. Ân dao về một phía cho cửa ra mở rộng. Thế là tiết sẽ ồ ồ chảy ra như vòi nước. Đạp chân vào bụng cho tiết chảy nhanh hơn. Và dốc chân sau lên cho máu ra đến cùng. Hãy nhớ lấy – Hãy đâm cho trúng – Không được phép run tay. Hãy vắt máu cho kiệt. Có thế trông miếng thịt mới trắng mới đẹp, ăn miếng thịt mới ngọt mới thơm. Hãy cắt tiết cuộc đời như…” Thế rồi thầy tôi cười, một tiếng cười hư hư thực thực. Ông đồ tể già muốn nói với tôi cái gì sau câu nói đó tôi cũng chẳng hiểu nữa, nhưng câu nói đó đã như cái bóng theo tôi suốt cả cuộc đời.

– Cắt tiết cuộc đời? Tôi ngơ ngác hỏi.

Lúc này trông Hợi ngơ ngác chẳng kém gì tôi.

– Nhiều lúc tôi định nói chuyện với anh, định hỏi anh, định kể với anh câu chuyện ấy.

– Định kể với tôi?

– Vâng. Kể với anh. Nhưng có lẽ anh khinh tôi… à… người ta vẫn bỉ tôi…

– Tôi? Khinh anh? Tôi ngơ ngác thêm.

– Chả cứ anh… đến vợ tôi cũng mặc cảm với tôi. Cô ta không nói ra nhưng tôi biết…Này… Tôi hỏi thật anh có ghê sợ tôi không?

Tôi càng đi vào chỗ lúng túng, và tôi chợt hiểu con người ngồi trước mặt tôi. Con người hình như phú quí, hình như tàn ác, hình như kênh kiệu rởm ấy… Thực ra anh ta cũng yếu đuối, cũng khốn cùng… Tôi chưa kịp biểu lộ cái thương cảm ngớ ngẩn ấy của tôi ra với Hợi, thì Hợi bỗng cười to. Anh ta uống một tợp rượu rồi cười ngất. Cái vui có lúc như bông phèng lại trở về giọng nói của Hợi.

– … Tôi đi làm cách mạng. Tôi bỗng hiểu ra câu nói “Hãy cắt tiết …” của ông thầy, người công nhân lò mổ năm xưa. Tôi hiểu đó là sự kiên quyết, sự dứt khoát, sự mạnh mẽ. Cách mạng đã cắt tiết chế độ cũ. Máu tiết ở tim, gan, phổi óc của chế độ cũ phải kiệt đi, phải chảy đến giọt cuối cùng để cách mạng có thể thay thế vào đó một dòng máu mới.

– Anh đã tham gia vào việc đó ra sao?

– Năm 13 tuổi tôi là liên lạc trong Trung đoàn Thủ đô. Năm 17 tuổi tôi là tiểu đội trưởng vệ quốc đoàn. Năm 18 tuổi tôi giết tên giặc Pháp đầu tiên.

– Anh kể cho tôi nghe chuyện đó đi.

– Anh nghĩ thế này có tức không? Chúng tôi có một trung đội, vây hãm một bốt Tây đánh cho đến gần nhọm nhẹm sáng chúng mới chịu hàng. Trung đội trưởng chết. Trung đội phó chết. Chúng tôi bắt được một thằng Tây trắng và hai thằng Tây đen. Thằng Tây trắng chỉ huy đã bị thua còn ra vẻ, còn khệnh khạng. Tôi hỏi: “Anh tên gì? Cấp bậc gì?” Nó trả lời “Tôi là com măng đăng, là thiếu tá, tôi không nói chuyện với anh, hãy đưa tôi về gặp chỉ huy cao cấp của các anh”. Tôi hét lên: “Mày có nói không?” Nó trả lời: “Tôi chỉ nói với người cấp bậc ngang tôi”. Tôi giận giữ chửi vào mặt nó: “Thằng ngu”. Thằng Tây quắc mắt nhìn tôi. Tôi tát vào mặt nó. Nó dướn cổ nhìn tôi căm thù. Tôi bắt nó quì, nó không quì. Thế là tôi rút dao ra, đâm vào cổ nó, sọc vào tim nó…

Hợi trầm ngâm, tay run run vê một điếu thuốc lào, và anh hút bập bập, tiếng điếu cày kêu tanh tách cắt thành từng đợt. qua làn khói anh tư lự đặt câu hỏi:

– Chỉ có một điều tôi vẫn chưa hiểu. Lúc đó, tay tôi cầm khẩu súng lục tước được của chính thằng xếp bót đó, nhưng không biết tại sao tôi lại không bắn? Bắn như thế sẽ giản đơn hơn, thằng Tây sẽ chết nhanh hơn, quang cảnh sẽ bớt ghê rợn. Nhưng tôi lại đút súng vào túi quần và rút con dao lá lúa ra, tôi giơ con dao sáng loáng trước mặt nó. Lúc bấy giờ thằng Tây mới sợ. Nó tròn mắt và kêu to một tiếng ô ô gì đó. Và tôi đâm vào cổ nó… Ừ nhỉ! Tại sao tôi không dùng súng nhỉ?

Tôi lặng yên, không dám trả lời Hợi, cứ để cho anh ta tự độc thoại bằng những lời không thốt ra, những lời như những bọt nước sôi từ đáy lòng cuộn lên làm đôi mắt anh ta chớp chớp. Sự im lặng kéo dài đến vài phút. Sự im lặng hình như có độ co dãn. Lúc này nó lắng tịt xuống, chìm sâu hẳn xuống để cho tiếng một con thạch sùng tặc lưỡi bâng quơ cũng được chúng tôi chú ý nghe rõ mồm một. Tiếng con vật đánh thức Hợi dậy, đánh thức tôi dậy khỏi một dòng suy tư đang chực hình thành. Tôi hỏi một câu hỏi chẳng ra đầu ra cuối:

– Thế còn bây giờ?

– Sao?

– Bây giờ?

– A à … – Hợi chợt cười một cái cười hài hước nửa miệng – Bây giờ thì tôi chả cần “cắt tiết” nữa rồi. Cuộc đời đã tự cắt tiết mình để hiến dâng tôi…

Tôi lạ lùng, ánh mắt tỏ vẻ không hiểu.

– Dễ hiểu thôi, anh Hoàng ạ. Bây giờ thì tôi cần gì phải dùng con dao lá lúa. Tôi đã để nó vào trong cái tủ chè kia, dành làm kỉ niệm. Bây giờ, tôi có hàng loạt người quen bạn bè ở khắp các cơ quan. Tôi lại có lòng lợn thịt lợn trong tay – Anh cười to – Tôi chỉ cần sống lương thiện, chỉ cần các cơ quan bạn giúp đỡ tôi một cách trong sạch nhất, hợp lý nhất. Tôi chỉ cần sống như thế là cũng đủ có một đời sống sung túc.

Mắt tôi chợt dừng lại ở dò phong lan tai trâu lủng lẳng trên vườn hồng. Chúng tôi rủ nhau ra xem hoa. Tôi hỏi dò hoa hay tự hỏi lòng mình:

– Ôi cái lương thiện! Cái lương thiện thời nay mà cũng bi thảm đến thế sao?

Ngày… tháng…

Con lợn Bò – vét – đĩa của tôi hình như cũng biết được cái triết lý sống của ông chủ lò. Nó ăn rất điên. Nó ăn say sưa như một nghệ sĩ. Có nghĩa là từ lúc tôi đổ thức ăn vào máng con Bó đã xông ngay vào và say sưa “Cắt tiết cuộc đời”. Nó ăn không ngừng, không thở, ăn một mạch bất chấp có gì xảy ra xung quanh. Lũ ỉn tấn công, dúi, cắn, hất. Mặc, nó cứ ăn. Nó ăn liên tục gần nửa tiếng như vậy; và sau khi đã vét đĩa sạch sành sanh, nó lặng lẽ liếm mép, đủng đỉnh vào chỗ nằm. Và chỉ vài phút sau nó đã ngáy o o. Thậm chí, khi lũ ỉn cưỡi lên lưng nó, con Bò cũng vẫn ngủ. Con lợn Bò của tôi cũng ngủ theo kiểu “cắt tiết cuộc đời”?

Ngày… tháng…

Tôi sang nhà Lân, thấy anh ta mặt đen thui, bực bội đứng trước cái lều chế biến thức ăn. Từ căn lều bốc lên một con rắn khói đen sì ngoằn ngoèo múa lượn. Lân bứt rứt đi lại. Hình như anh đang bị khích nộ. Cái đầu to đen của anh lắc lư trên cái thân gày đét. Tôi im lặng chờ đợi Lân nói. Lân thỉnh thoảng lại mắc một trận khích nộ như vậy, một trận khích nộ khùng khùng dại dại. Kìa, Lân đã sáng mắt lên. Đôi mắt long lanh trên khuôn mặt đen sạm hình như có lửa nung:

– Tôi khinh bỉ con lợn Bò của anh. Đúng! Nó là đồ vét đĩa.

– Hôm nọ, anh khen nó lắm cơ mà? – Tôi điềm đạm.

– Hôm nọ tôi khen, còn hôm nay tôi khinh. Bởi vì… bởi vì nó không xứng đáng.

– Xứng đáng?

Lân giang tay ra giải thích:

– Tôi thích nó mạnh mẽ… Thích nó cứng rắn… Thích nó chiến đấu.

– A à…

Tôi lặng lẽ nhìn người bạn của tôi dang lên cơn “sặc mùi thuốc súng” . Mắt Lân sáng chừng kia. Tay Lân hoa lên như thế kia. Cái đầu anh lắc lư. Môi anh run lên bần bật. Lắp bắp… có lẽ bộ óc kích động của anh đang đi tìm chữ… có lẽ nó đang đi tìm những chữ nào mạnh mẽ cuồng nộ nhất, báng bổ nhất, nổ bùng nhất, để làm tan dần, hả dần những âm vang cay đắng còn dư đọng từ những ngày chiến trận. Lân cần một người nghe, một người biết chịu đựng những bầu tâm sự, biết để cho những kho thuốc súng trong tâm hồn anh được bung ra một cách tự nhiên không cản trở. Tôi nhẫn nại lắng nghe, với ước mong dần dần đầu óc bạn tôi trở về mát mẻ. Tôi hút thuốc lá, thở khói, im lặng, chăm chú nghe Lân nói.

– Con lợn Bò của anh là cái… thứ gì nhỉ? Đôi mắt lấm lét… A, cái giống hèn mạt… Quen cái thói nô lệ rồi… Cam chịu… Cam chịu… Thế mà còn tự ru ngủ mình… rồi tự đế mình lên… tự khen mình nữa… rồi lập lờ… lộn ngược giá trị… tôn vinh cho sự ti tiện…

Lân ơi! Tôi biết nói với anh sao đây? Một người điên, hay một kẻ thất vọng? Hay một kẻ mộng du đi trong một cõi người điên đảo? Hay một người cố chấp ương bướng? Anh phóng chiếu lòng anh vào đàn lợn. Những gì anh không thấy ở đời thì anh đi tìm nó ở đàn lợn, ở một sinh vật hạ đẳng hơn. Những con vật được anh nhân hoá; anh tạo cho chúng một hồn người… Lân ơi! Tao biết khóc hay cười cùng mày đây? Mày muốn tao trả lời những tra vấn của mày ư? Cặn kẽ ư? Tôi bối rối. Nhưng dù sao, tôi cũng kéo anh ngồi xuống bên tôi, rồi đưa thuốc lá cho anh hút. Lân chăm chú nhìn tôi và hít những hơi dài, nhả khói ra liên tục. Tôi khẽ khàng gật đầu:

– Anh nói đúng.

– Thế chứ!

Lân vội vã nắm lấy tay tôi bóp mạnh. Hỉ hả, vui sướng như một đứa trẻ thơ. Tôi thấy điếu thuốc lá trên tay anh run lên.

Rồi bỗng nhiên, anh đứng dậy, cầm tay tôi kéo ra chuồng lợn, dáng vẻ hân hoan:

– Anh phải ra đây. Ra đây mới hiểu hết lời tôi nói.

Anh dừng lại giải thích cố cho tôi hiểu mạch lạc:

– Tôi mới mua được con lợn Chiến Sĩ. Anh hiểu chưa?

– Sao?

– Chiến Sĩ! Tôi đặt tên cho nó là Chiến Sĩ bởi vì… Bởi vì nó có thái độ rất liêm sỉ. Anh hiểu chưa?

Thì nào tôi đã hiểu gì đâu, nhưng vì thấy Lân rất ân cần tôi hiểu nên tôi cứ gật đầu bừa. Lân vẫn nói:

– Liêm sỉ, nghĩa là nó biết sống.

Đến lúc này, Lân mới chỉ vào chiếc bao tải dứa nằm dưới gốc cây bưởi. Và anh bùi ngùi:

– Nó đấy! Con Chiến Sĩ của tôi đấy.

Tôi ngơ ngác vẫn chưa hiểu hết câu chuyện. Còn Lân, anh nghiêm trang mở chiếc tải đắp, để lộ ra một chú lợn con đã chết. Đó là một chú lợn Móng Cái, lưng choàng một vệt loang đen hình yên ngựa, trán đốm một vệt lang trắng hình ngôi sao.

Và Lân đã cảm động kể với tôi về tiểu sử ngắn ngủi của chú lợn con:

Lân mua con Chiến Sĩ về mới hơn một ngày. Anh mua nó hai trăm đồng, tiền trích ra từ số lãi của con Tên Lửa. Chú lợn Móng cái nhỏ con nhưng hay ăn và rất bướng. Lân không có thói quen nhốt riêng lợn khi mới mua về. Vừa từ trại giống về đến nhà, anh đã thả ngay con Chiến Sĩ vào chuồng.

Con Chiến Sĩ vừa mới chân ướt chân ráo từ lồng chui ra, đã xông ngay vào máng ăn, để tranh ăn với con Thần Sấm. Thần Sấm là một chú lợn tây khoảng 95% máu ngoại. Hầu như chả thấy dấu hiệu nào của máu ỉn trên người chú. Một con lợn trắng toát, tai to, chân cao, bụng ngựa … Trông nó giống như một con béc giê. Nó rất hiền nhưng khá ích kỉ. Nó chuyên ăn riêng, một mình một máng. Nếu không con nào động đến máng của nó thì Thần Sấm rất hiền lành, không gay gổ, ăn xong đủng đỉnh vào ngay chỗ ngủ. Nhưng nếu con lợn khác động đến máng ăn của Thần Sấm là không xong với nó. Nó khoẻ nhất, lớn nhất trong đàn lợn hiện nay. Thường dễ nó đã tới bốn chục cân.

Thế mà con Chiến Sĩ, chú lợn ranh con lại dám xông vào máng của nó. Thần Sấm nổi giận ra oai ngay. Nó chồm lại định cắn vào tai Chiến Sĩ. Chiến Sĩ rất nhanh; thoắt một cái nó đã lẩn được ra phía sau, và cắn vào đuôi con Thần Sấm. Nó vừa cắn vừa lôi đến nỗi con Thần Sấm phải kêu rống lên. Và Thần Sấm đành chịu để cho chiến sĩ ăn vào máng của mình. Đó là câu chuyện bữa ăn hôm qua.

Sáng nay, lúc đến giờ ăn, Chiến Sĩ lại quen mui xông thẳng vào máng Thần Sấm. Hôm nay, Thần Sấm mưu mẹo hơn; nó giả vờ cúi đầu xuống, cùng tranh ăn. Nhưng, bất thình lình, nó ngẩng lên và cắn vào tai Chiến Sĩ. Nó nhay, nó rứt đến lúc tai con lợn nhỏ bị rỉ máu ra mới thôi.

Trừng trị xong, Thần Sấm tưởng con Chiến Sĩ sợ hãi, sẽ bỏ đi ăn máng khác. Nào ngờ, Chiến Sĩ đã không sợ, mà trái lại còn hung hãn hơn trước. Nó không cần ăn nữa, và tuyên chiến ngay với Thần Sấm. Nó nhanh như chớp, định cắn đuôi Thần Sấm như hôm qua. Nhưng hôm nay, Thần Sấm đã biết chỗ yếu của mình; nó bám sát không để cho Chiến Sĩ lẻn ra sau đánh tập hậu.

Hai con lợn một bé một lớn loạn đả inh ỏi, đến nỗi cả đàn lợn của Lân phải dạt hết ra chung quanh, chúng không dám ăn và nhìn hai con lợn tham chiến. Lân không có thói quen can lợn đánh nhau. Kinh nghiệm của anh là cứ để mặc cho lợn đánh nhau, và như thế lợn sẽ nhanh chóng làm quen với nhau hơn.

Cuộc chiến diễn ra gần nửa tiếng. Chiến Sĩ tuy bé nhưng nhanh nhẹn. Thần Sấm tuy to khoẻ nhưng vụng về. Vì vậy cuộc chiến không phải là không cân sức, cả đôi bên đều bị thương sây sát đầy mình. Chiến Sĩ đã hoàn toàn thắng lợi. Cuối cùng, Thần Sấm không dám đánh nhau nữa, nó đủng đỉnh quay về chỗ nằm. Còn chiến sĩ cũng tộp tộp ăn vài miếng cho oai, nhưng có lẽ đau quá ăn không nổi, nên nó cũng đủng đỉnh quay về chỗ của mình.

Lân khoan khoái vào nhà hút thuốc vặt, anh yên chí rằng con lợn nhỏ của anh đã qua được cuộc chiến nhập môn và nó đã được chấp nhận vào đàn.

Nhưng thương thay! Vì chiến đấu quá sức Chiến Sĩ đã bị ngất sỉu đi. Lúc Lân biết thì chú lợn con chỉ còn thoi thóp. Lân mang con vật ra gốc cây tiêm cho nó, bơm cháo cho nó. Không kịp nữa rồi! Mặc dù Lân tận tình cứu chữa, nhưng Chiến Sĩ đã hy sinh. Lân vuốt mắt cho nó, đắp cho nó chiếc tải…

Lân bùi ngùi cầm tay tôi:

– Anh giúp tôi một tay nhé.

– Làm gì?

– Đào một cái huyệt để chôn con Chiến Sĩ.

– Chôn?

– Vâng. Đem chôn. Vợ tôi muốn giết thịt, nhưng tôi không bằng lòng.

Anh ngừng một lát rồi nói thêm:

– Tôi là người lính. Anh hiểu không?… Ăn thịt một con vật như thế, tôi nuốt sao trôi.

Tôi lặng lẽ cùng Lân đào một cái hố sâu. Lân đã chôn con vật như chôn một người đồng đội. Tôi nhìn anh đứng lặng bên nấm mồ lợn… Những câu hỏi chợt thì thầm trong óc tôi: ở thời buổi này, đem chôn xuống đất mười cân đạm, đó là hành động của một kẻ điên hay của một con người rất người?… Hay của một con người đóng kịch đại tài?… Cả khi điên, cả trong giấc mơ, con người vẫn đóng kịch hay sao? Trong đời thường ta sắm vai anh hùng và vai trò ấy đeo đuổi ta cả đến khi ta khùng khùng dại dại? Cảnh đám ma lợn ấy là bi hay là hài, hay là một cảnh bi hài mà ta chẳng nhận ra? Hay là tình cảnh riêng đã làm con mắt tôi trở nên độc ác? Đêm ngủ, vắt tay lên trán tôi cố nhớ lại cảnh đám ma lợn, cố nhớ lại những nét hài hước của nó để tự chế diễu thói đa cảm của mình và của bạn. Nhưng không hiểu sao lại chỉ thấy một tac động trở ngược; tôi chợt thấy thương mình và cả thương Lân nữa Thế hệ chúng tôi là thế hệ những người anh hùng và cả những người sắm vai anh hùng. Cái chất men Prométhée ấy thấm vào từng tế bào trong cơ thể, bừng bừng ở những khung cảnh vĩ mô, ngột ngạt sặc sụa ở những khung cảnh vi mô, đến nỗi chúng tôi không phân biệt nổi khi nào ta thực, khi nào ta giả. Chúng tôi lên đồng đến nỗi không nhìn ra được cái ngô nghê thảm hại khi mình rởm ấy. Chúng tôi đã đánh mất cái giản dị tinh tế của đời thường, nhưng có lúc chợt u ơ run rẩy khi đi trên con đường thánh của mình. U ơ bởi vì lắm lúc ngẩn ngơ thấy trong mình vắng thiếu một cái gì rất cơ bản mà mình không xác định nổi; run rẩy vì chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân…

Ngày… tháng…

Lại thiếu gạo. Lại hốt hoảng chạy vạy. Và vợ tôi lại láy lại một điệp khúc thường diễn:

– Anh đi vay vài chục. Em mua yến sắn cho con.

Lại eo óc, gắt gỏng cấu xé, càu nhàu. Lại bực bội vì tiền vì miếng cơm. Lại tính toán ti tiện. Cái tế nhị, âu yếm thời xưa, vợ chồng tôi đánh mất lúc nào chẳng hay. Thậm chí có lúc vì một sự vui hiếm nào đó, tôi muốn đùa vui âu yếm với vợ một chút, thì lại bị cô ấy chê ngay là giả dối. Chập tối, tôi cầm chiếc ghi ta của thằng con, và bắt chiếc nó, đánh rải một hợp âm và hát một câu tình ca của Pháp:

Xa em rồi, tim tôi sầu úa…

Vừa hát, tôi vừa mỉm cười bâng quơ. Lập tức, vợ tôi dội ngay một gáo nước lạnh:

– Thôi! Tôi xin. Ông đừng đóng kịch.

Tôi vứt cây đàn xuống giường, rồi bực bội:

– Toàn là gây sự!

– Ai gây sự?

– Thật là ô nhiễm!

“Ô nhiễm!!!”. Tôi muốn hét to lên hai chữ ấy, nhưng họng tôi khô khốc. Tôi nghẹn lại, tắc lại. Tiếng nói của tôi biến mất.

Ngày… tháng…

Tám cho tôi xem một mục trong Bách Khoa Lợn.

RAU

Rau rất cần cho sự phát triển cơ thể lợn. Trong rau có rất nhiều vitamin, chất khoáng, và một lượng nhỏ đạm, đường, chất béo.

Điều thú vị là một số nhà bác học phát hiện cho ta biết rằng: Muốn lợn tăng trưởng nhanh thì ta cần cho lợn ăn nhiều đạm; còn đối với lợn nái, muốn cho đẻ tốt thì cần phải cho ăn nhiều rau.

Vậy có thể nói: Đạm phát triển cá nhân con lợn, còn rau phát triển nòi giống lợn cho đông đàn dài lũ.

Điều phát hiện trên thấy đúng cả với loài người. Nền văn minh phương tây, nếu đứng về góc độ thức ăn mà nói, là nền văn minh đạm; nó chú trọng vào sự phát triển cá nhân Người phương tây chăm chỉ ăn đạm nên vóc dáng ngày càng to, và ngày càng thưa đẻ. Nền văn minh phương đông là nền văn minh rau. Người Ân Độ, Trung Hoa, người Việt Nam ăn rau nhiều nên vóc dáng nhỏ và ngày càng đẻ khoẻ. Trong văn minh rau, loài phát triển mạnh và cá nhân chỉ là những bóng mờ.

Chủ nghĩa thực dân là sự chiến thắng của Văn minh Đạm đối với Văn minh Rau.

Rau là biểu tượng của sự đói khổ đi đến cuồng dại. Rau là biểu tượng của sức sống bản năng, của phần tăm tối nhưng đẹp đẽ trong con người. Đạm là biểu tượng của sự giầu sang đi đến phè phỡn. Đạm là biểu tượng của sức sống lý trí kiêu căng, và khôn ngoan đến ngu ngốc.

Thiếu đạm thừa rau, và thừa đạm chê rau là hai đối cực dẫn loài người đến khủng hoảng huỷ diệt. Chao ôi! Rau thì điên cuồng nổi loạn, còn đạm thì kệch cỡm, cứ tuởng mình toàn năng. Sẽ có lúc rau và đạm sẽ làm rối bời trái đất và con người trong cuộc quyết chiến Rau – Đạm này đang gào thét, kéo nhau lăn vào hố thẳm.

Hỡi những kẻ ăn đạm, đừng khinh miệt sức mạnh của rau. Và hỡi những kẻ ăn rau, đừng tưởng rau chỉ mang phép thần kì. Rau cũng mang trong nó những ngòi độc mà ta không lường nổi.

Hơn nữa, những ai chiến thắng, chiếm được đạm thì lập tức họ cũng thuộc ngay về đạm, vì đạm sẽ tiêm truyền cho họ cái máu chuếnh choáng của sự kiêu sa ngu ngốc.

Tôi không muốn như con lợn Tây, suốt ngày gào rú chỉ đòi ăn đạm. Và tôi cũng chẳng hề muốn giống loài lợn ỉ, những con lợn mặt nhăn cổ đại, với chiếc bụng to đùng như trống nhưng mổ ra chỉ thấy rau bèo.

Đêm khuya. Tôi đọc xong trang giấy và nằm dài im lặng. Tôi, một con vật người nhai rau đang nghĩ suy về đạm. Ở bên kia vách, con lợn Bò của tôi cũng đang tóp tép nhai rau. Lợn ơi! Mày có nghĩ ngợi gì khi mày cắn một cọng rau, một lá bèo trong miệng? Không biết, vào giờ này, có một con người -đạm nào còn thức và trằn trọc như ta không?

Ngày… tháng…

Lân đánh giá con lợn Bò của tôi đã lớn gấp rưỡi con lợn ỉn. Về mặt kinh tế, Lân khen tôi đã thắng lợi. Nhưng về mặt tinh thần, anh cho là tôi đã thất bại, bởi vì tôi đã mang thân đi hầu hạ một con lợn vô liêm sỉ, một con lợn to thân xác nhưng lại sợ những con vật bé nhỏ hơn mình, thậm chí còn lấm lét, khúm núm với chúng.

Lân đứng bên chuồng lợn, và nói giọng điên điên khùng khùng, anh động viên con lợn Bò:

– Nào! Tiến lên! Đừng sợ hãi!… Hãy vứt bỏ cái thói vô liêm sỉ… Hãy chống lại thói quen hèn hạ… Nào! Hãy cắn… Hãy vồ… Hãy xé xác bọn ỉn thử xem sao…

Tôi mỉm cười, cố xoa dịu Lân. Tôi cũng đùa cợt:

– Ông bạn ơi! Ông định làm kẻ đầu sỏ, khấy động gây bất bình trong đàn lợn của tôi sao? Anh nên nhớ đây là chuồng lợn…

Tôi chợt ngừng lại giữa chừng câu nói vì nhìn thấy con mắt nghiêm trang của Lân. Thì ra người không biết đùa, hay là người đã quên mất thói quen đùa cợt, hay là người vẫn lạc trong những cơn mê chiến trận, ở đó bên cái chết con người chỉ mặc bộ đồng phục nghiêm trang. Anh nhìn sâu vào mắt tôi rồi giảng giải:

– Ý anh muốn nói chuồng lợn không phải là sân khấu chính trị?

– Sao? Tôi giật mình vì Lân đang kéo tôi vào một cuộc nói chuyện mà nhiều lần tôi đã cố tình lảng tránh. Còn Lân anh vẫn nói phăng phăng, rất hùng biện.

– Anh là kẻ đọc sách mà ý nghĩ vẫn thô sơ. Anh nên nhớ trái đất chúng ta đang nồng nặc ngột ngạt mùi chính trị. Đâu người ta cũng dạy dỗ, lôi kéo, hướng dẫn con người làm chính trị. Đó là thứ men nồng trên miếng đất ta ở… Phải! Men chính trị đã thấm vào ta từ thủa bào thai…

Lân chỉ vào mặt tôi:

– Anh định lẩn trốn chăng? Sợ hãi chăng? Định làm trò khoác cho mình một bộ áo cà sa chăng? Ha ha… Con lợn Bò… lợn Bò… Nhưng dù có chui vào hang, vào hầm, vào hố, vào xó, vào xỉnh… dù có trốn lên rừng, hay lặn xuống biển thì chính trị cũng đuổi theo anh… lôi anh nhập cuộc.

Tôi bàng hoàng nhìn người bạn rồ dại của tôi. Nhưng có thực anh ta điên không? Anh đang moi móc tim gan ra và phơi bầy dưới ánh mặt trời. Tôi lúng túng trả lời:

– Anh biết đấy… từ lâu rồi… tôi đâu còn quan tâm tới điều đó. Anh cũng thấy đấy… Tôi đang lo miếng cơm… Và nói thật, tôi cũng thích nghề nuôi lợn…

– Anh thích nghề nuôi lợn?

– Thích… Thậm chí… Ừ nhỉ ta có thể biến nghề nuôi lợn thành một nghệ thuật… Có thể được không?

– Ha ha… Vòng vo! Vòng vo!

Tôi giật bắn người. Còn Lân vẫn cười. Anh không biết là anh đã chạm vào một điểm rất nhậy cảm của đời tôi. Tiếng cười của Lân làm tôi bỗng chợt lùi về dĩ vãng. “Vòng vo!” tiếng nói đó vang lên trong óc.

(Còn tiếp)

N.X.K.

Comments are closed.