Nguyễn Xuân Khánh
*
* *
… Tôi nhớ lại cái phòng hỏi cung trần trụi mà năm ấy tôi vẫn thường ngày phải lui tới hai buổi chăm chỉ, đều đặn như một chú học trò. Chiếc phòng rộng, ở giữa kê một chiếc bàn và hai chiếc ghế, một chiếc dành cho người cán bộ an ninh, và một chiếc ghế dành cho tôi. Căn phòng trần trụi mầu trắng lạnh, không có một vật gì thừa. Chỉ một chiếc bàn và hai chiếc ghế, một mẩu giấy lộn cũng không, một cái đinh vô dụng cắm bâng quơ trên tường cũng không, một con gián, một con nhện cũng không. Không có một sinh vật nào, một đồ vật nào nằm ngoài mục đích lại được phép có mặt; có lẽ người ta sợ một sự phân tán, một sự liên tưởng nào đấy có hại cho sự tập trung của kẻ bị hỏi. Của đáng tội, cũng có hai vật thừa. Đằng trước mặt tôi, tức là dằng sau người cán bộ an ninh, phía trên cao tường có treo một bằng khen, ông bộ trưởng đã ngợi khen một tổ trinh sát số 3 nào đó đã phá tan một vụ án chính trị nào đó, một cách xuất sắc. Vụ nào nhỉ? Những ai bị bắt? Họ là những người ra sao? Những người phe phái, hay những kẻ lý tưởng điên cuồng, hay những con người vô tội chỉ thèm khát sự công bằng, những kẻ bị bắt vì còn chút lương tâm? Thế đấy! Có lẽ tờ giấy trên tường kia tồn tại cũng chỉ vì mang một công năng đàn áp, muốn đè bẹp ý chí của kẻ bị hỏi cung ngay từ phút đầu nhìn thấy nó. Nó như muốn cười mỉm một nụ cười bí mật và khoe rằng: đừng có ảo tưởng che giấu, chúng tôi biết hết, chúng tôi có nghìn mắt nghìn tay. Và sau lưng tôi cũng có một vật thừa thứ hai: cái ba lô bộ đội trong chỉ có chiếc bàn chải đánh răng, vài bộ đồ lót, một chiếc áo bông… Người cán bộ an ninh đã bảo tôi phải mang đến: Continue reading “Trư cuồng (kỳ 4)”