Những hoành tráng ngớ ngẩn

Đây là bản dịch bài La Folie des Grandeurs của George Burchett, con trai nhà báo Wilfred Burchett. Khi George chập chững biết đi trong sân nhà tại phố Hồ Xuân Hương, thì cha tôi hay sai tôi đến đó mượn báo, còn ông bố George thì hay vào ăn sáng với cụ Hồ trong Phủ Chủ tịch. Năm 2009, vợ chồng George gặp tôi ở Hà Nội, nhận tôi làm anh vì tình bạn giữa hai ông bố chúng tôi, và quyết định sẽ sống ở đây. 2011 thì gia đình George sang lại, ở với gia đình tôi một thời gian, rồi mới tìm chỗ thích hợp hơn. Bài viết này của George đã đăng trên Viet Nam News, tôi cũng đã post lên rồi. Giờ có bản dịch tiếng Việt, tôi nghĩ sẽ có nhiều bạn đọc hoan nghênh.

Trịnh Lữ


NHỮNG HOÀNH TRÁNG NGỚ NGẨN

George Burchett

Khi Đô đốc Hải quân Charles Rigault de Genouilly (1807-1873), thừa lệnh Hoàng đế Napoleon Đệ Tam, nổ những loạt đại bác đầu tiên của chiến dịch Cochinchina (1858-1862) để chiếm lĩnh vùng đất sẽ là thuộc địa Đông Dương của nước Pháp, thì cũng là lúc Paris khởi sự một dự án đổi mới hoành tráng, dưới sự chỉ đạo của Bá tước Georges-Eugène Haussmann, và cũng thừa lệnh của Hoàng đế. Dự án ấy nhằm hiện đại hóa Paris và xóa bỏ các khu phố ổ chuột – nơi phát sinh nhiều dịch bệnh cũng như tâm lý bất mãn của công chúng. Chắc chắn là những của cải quý giá vơ vét được từ các thuộc địa đã giúp tài trợ cho công trình rất thành công này của mẫu quốc quân chủ.

Paris ngày nay – với những dinh thự lịch lãm, những đại lộ rợp bóng cây, những cây cầu duyên dáng trên sông Seine – vẫn chủ yếu là một đô thành thế kỷ 19, được xây cất từ 1853 đến 1870. Chỉ có hai cấu trúc cao tầng chế ngự cảnh trí bị hạn chế chiều cao của Paris: tháp Eiffel và tháp Montparnasse. Những khu văn phòng mang phong cách viễn tưởng và các kiến trúc hậu hiện đại đều nằm trong khu doanh nghiệp La Défense thuộc vòng ngoài thành phố. Vì vậy mà Paris giữ được phần nào nét kiến trúc nhất quán và hài hòa, khiến nó vẫn được công nhận là thành phố đẹp và dễ chịu nhất thế giới.

Hà Nội được người Pháp đô hộ xây dựng như một trung tâm hành chính của xứ Đông Dương theo cùng những đường lối quy hoạch đô thành Paris của Haussmann. Kết quả là một thành phố mà chúng ta yêu đến thế, với những nhộn nhịp ấm cúng của khu Phố Cổ và kiến trúc Mỹ Thuật kiểu Pháp, với những đại lộ rợp bóng cây, những biệt thự và dinh thự lịch lãm. Một hòa trộn vui vẻ êm ấm của tư chất bản địa hồn nhiên với tư duy logic chính xác kiểu Pháp.

Bây giờ thì Hà Nội đang trải qua một cuộc đổi mới kiểu Haussmann riêng của mình, khi cái cũ nhường chỗ cho cái mới, cái nhỏ và đúng mực nhường chỗ cho cái to và huênh hoang.

Mà rất nhiều những cái “mới và to” ấy có vẻ lại có cảm hứng từ vẻ “hoành tráng” Pháp với những nét dáng nhắc nhở tới các vua chúa Pháp và những lâu đài tráng lệ của họ.

Có điều, những người Pháp xây dựng thuộc địa lại khiêm tốn hơn cả những Bá tước Haussmann của Hà Nội ngày nay. Họ đã tự xây nên một đô thành thuộc địa đáng yêu và dễ chịu, rợp bóng mát của những loài cây bản địa, nơi họ có thể làm việc và thư giãn một cách mát mẻ. Họ đã xây một nhà hát để có giải trí văn hóa, những trường học, bệnh viện, một Bảo tàng Lịch sử, một trường Mỹ thuật và những dinh thự hành chính, cho đến nay vẫn còn đang sử dụng. Tất nhiên, họ làm tất cả những thứ đó cho chính họ, và để phóng chiếu vẻ “hoành tráng” Pháp tới mọi ngóc ngách trong vương quốc thuộc địa của họ. Nhưng họ làm rất giỏi, thậm chí còn lồng ghép những yếu tố kiến trúc bản địa truyền thống vào kiến trúc Mỹ thuật của các dinh thự thuộc địa. Bảo tàng Lịch sử và tòa nhà của Sở Tài chính (sau là trụ sở Bộ Ngoại giao) là hai ví dụ điển hình của ý thức xây dựng ấy.

Nhưng các Bá tước Haussmann của Hà Nội ngày nay hình như chẳng mấy quan tâm đến những truyền thống địa phương. Những khu đô thị mới phát triển của họ có cảm hứng không những từ vẻ “hoành tráng” Pháp – thấy ở Versailles và nhiều loại lâu đài cung điện khác – mà còn từ đế quốc La Mã cổ đại, với những đấu trường bao quanh bởi các nam thần và nữ thần.

Nhưng giữa các đấu trường La Mã và sự tái sinh đương đại của chúng ở Hà Nội có một khác biệt cơ bản. Đấu trường La Mã chỉ dành cho các cuộc tử chiến của các đấu sỹ và những hình thức giải trí đẫm máu và kinh hoàng khác, như các cuộc đua chiến xa, những trận cắn xé lẫn nhau của nhiều loài dã thú, hoặc cảnh những người Công Giáo bị thả cho sư tử ăn thịt. Trong lúc công dân của thành La Mã và những đô thành khác trong vương quốc La Mã rộng lớn ngồi trong bóng mát thưởng thức các trò giải trí mà họ gọi là các màn xiếc ấy, thì các đấu sỹ phải đâm chém lẫn nhau trong cát bụi đẫm máu và mồ hôi, dưới nắng cháy da cháy thịt.

Còn các “đấu trường” tái sinh ở Hà Nội thì để làm gì, với những bãi trống không bóng rợp, những lối vào như qua Khải hoàn Môn, với hàng dài các bức tượng vô danh lừng lững phỏng theo các vị thần Hy-La giả ngụy? Không một bóng cây, không nơi trú mưa tránh nắng. Thậm chí cây cũng là những loài nhập khẩu từ ngoại quốc, phải chằng dây thép cho khỏi bị gió thổi đổ. Chúng có liên quan gì đến Hà Nội, hoặc mọi nơi khác tại Việt Nam? Phải chăng chúng được thiết kế nhằm phóng chiếu một dạng quyền lực đế quốc mới, với những ngụy thần Olympia mới?

Một trong những đóng góp đáng hoan nghênh nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp cho văn hóa Việt Nam là việc mở Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bây giờ thành Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nó đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sỹ Việt Nam tài năng. Sao chép các bản sao thạch cao của những bức tượng Hy Lạp-La Mã là một phần của giáo trình kinh điển trong hầu hết các học viện nghệ thuật truyền thống, thường là ngay trong năm thứ nhất của chương trình. Sau đó sinh viên chuyển sang mẫu người thật, và học ở thiên nhiên cho đến khi tạo được phong cách riêng và tìm thấy cách diễn đạt nghệ thuật độc đáo của mình. Những người thầy Pháp tại Trường Mỹ Thuật Đông Dương đã khích lệ sinh viên của họ tìm cảm hứng từ thiên nhiên, văn hóa và truyền thống của chính quê hương mình.

Vậy các nghệ sỹ trẻ Việt Nam – hoặc có thể không còn trẻ nữa – có thể học được gì từ những đấu trường La Mã mới và những bức tượng Hy-La giả ngụy của chúng? Hãy quên văn hóa và truyền thống của chính mình, hãy quên cả nghệ thuật lớn lao của những thế kỷ trước đi, chỉ việc diễn giải lại các mẫu tượng đế quốc cổ đại đang được các nhà tài phiệt, những kẻ hoang tưởng quyền lực và những đại gia chuyên xây dựng sòng bạc kiểu Las Vegas ưa chuộng?

Phải chăng đây là dáng vẻ phải có của một Hà Nội “mới”? Một kiểu La Mã mới của Đông Nam Á?

Một trong những hấp dẫn lớn lao của nền văn hóa Việt Nam là chất khiêm tốn và mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên; được diễn đạt rất đẹp đẽ trong các tượng ở đền, chùa, đình làng và các kiến trúc công cộng truyền thống khác.

Ngay cả những người Pháp thực dân cũng đã bày tỏ lòng kính trọng của họ đối với văn hóa và thiên nhiên bản địa.

Nhưng đám Bá tước mới thì không. Mẫu mực của họ có vẻ là đế quốc La Mã hoặc lâu đài Versailles của các Vua chúa Pháp. Cả hai thứ đều đã suy tàn, vinh quang của chúng đã phai nhạt từ lâu.

Chỉ hy vọng Hà Nội sẽ sống sót qua những “hoành tráng ngớ ngẩn” hiện nay. Và hy vọng rằng các nghệ sỹ, kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị của Hà Nội, và cả cộng đồng Hà Nội nói chung, sẽ cùng đòi hỏi rằng văn hóa, truyền thống và thiên nhiên Hà Nội – và Việt Nam, phải được tôn trọng khi hoạch định tương lai và xây dựng hiện tại.

_________________________________

George Burchett là một họa sỹ, văn sỹ, dịch giả và nhà làm phim, ra đời tại Hà Nội và hiện đang sống tại Hà Nội từ 2011.

Nguồn: FB Trịnh Lữ

Comments are closed.