Văn học miền Nam 54-75 (609): Nguyễn Đình Toàn (kỳ 3)

Áo mơ phai

chương ba

Lan vào nhà, lên phòng tắm rửa thay quần áo. Lúc nàng ở trong phòng tắm ra thì mẹ nàng đã vào phòng và ngồi ở giường nàng từ lúc nào.

Bà nói:

– Quang nó về rồi hả?

Lan cười bảo:

– Vâng.

– Sao con không bảo anh nó vào ăn cơm rồi hãy về.

– Dạ con có nói rồi, nhưng anh ấy sợ khuya quá.

– Hai anh em bị ướt không?

– Lúc mưa lớn nhất chúng con đứng ở rạp Majestic.

Bà Nam cầm tấm hình bán thân của Lan để trên mặt bàn ngủ để lại cho ngay ngắn. Mỗi lần nhìn thấy bức hình ấy bà lại không khỏi nhớ đến những ngày còn con gái của mình.

Bà vẫn thường nói với Lan, hai mẹ con giống nhau như hai giọt nước, nhưng thực ra bà hơi tiếc là bà muốn cho con gái đẹp hơn mình, song Lan lại không được đẹp bằng bà xưa kia, nhưng nàng cao hơn bà một chút và cũng có vẻ khỏe mạnh hơn bà một chút.

Bà nói:

– Chải đầu đi rồi đợi ba về, xuống ăn cơm.

Lan cười khoe với mẹ buổi đi chợ của mình. Nàng nói:

– Con chưa bao giờ đi hết cái chợ đó cả.

Bà Nam cũng cười bảo:

– Dễ thường cả mẹ cũng thế nữa. Mua cái gì thì vào dãy bán thức đó mua, xong rồi đi ra, chứ có bao giờ định đi xem chợ đâu mà đi hết dãy này sang dãy khác.

Lan ngồi xuống cạnh mẹ. Chiếc giường có lò so dưới sức nặng của nàng vừa ngồi xuống rung rinh mấy cái.

Lan bảo:

– Hôm nào con với mẹ thử đi xem các chợ một lần.

Bà Nam nói:

– Thì giờ đâu mà làm việc ấy.

Lan tiếp tục chải đầu. Nàng có mái tóc dài, mượt và đen nhánh.

Lan nghe tiếng gió thổi mạnh ngoài cửa sổ, nàng ngước nhìn ra vườn, với cơn giông dai dẳng này chưa chắc trận mưa có thể chấm dứt. Nàng lắng nghe xem lẫn trong tiếng gió có tiếng mưa chăng, nhưng tai nàng không thể phân biệt cái tiếng lộp bộp nghe thấy đó vẫn chỉ là tiếng của những hạt nước còn mắc trên lá cây sau trận mưa lúc nãy bị gió thổi rớt hay những cành cây nhỏ khô gầy, những hạt sạn bị cơn lốc cuốn hay chạm vào tường, Lan mường tượng lại những giọt nước rơi thấm loang trên vỉa hè giống như những giọt mực loãng đen nàng nhìn thấy khi nãy lúc đứng với Quang ở trước cửa, với những trận gió lớn thế này, có lẽ tất cả cái vỉa hè đường lát xi măng trắng đó, chắc đã khô ráo.

Lan nghĩ đến Quang, lúc này chắc còn đang đi trên đường, anh sẽ chẳng chịu đi xe đâu, và hẳn đang lủi thủi dưới một mái hiên nào đó.

”Sẽ chẳng có chuyện gì xẩy ra cho anh ấy cả”, Lan nhủ thầm, mặc dầu, có ai thực sự yên tâm khi nghĩ đến người thân của mình đang đi ngoài đêm tối.

Lan nói với mẹ:

– Con có đi lễ với anh Quang.

Bà Nam cười hỏi:

– Lễ ở đâu?

Lan nói:

– Cả ở Đền Ngọc Sơn lẫn Đền Quan Thánh.

– Sao mà phải lễ ở hai nơi?

– Con xin thẻ mà.

– Bộ mày muốn xem thẻ có giống nhau không à?

Lan cười:

– Con xóc được hai số khác nhau.

Bà Nam khoanh tay trước bụng nhìn con. Bà có vẻ một nửa muốn nghe rõ chuyện của con, một nửa lơ đãng không để ý đến xem thực sự từ nãy con nhỏ đã nói mình những gì.

Bà nói:

– Thế hả?

Lan thao thao kể lại chuyện đi lễ, nàng mua hoa hồng ở nơi nào, thắp hương khẩn nói ra sao, Lan cũng khoe đã thử lấy khăn tay thoa vào chân bức tượng đồng đen trong Đền Quan Thánh và ấp trên mặt theo lời đồn của khách thập phương đến lễ ở đền, mùa Hè người ta lấy khăn tay thoa vào chân bức tượng rồi ắp trên mặt sẽ được hưởng một sự mát lạnh vô cùng sảng khoái. Bà Nam cười không nói gì.

Ngoài phố lúc đó bỗng nghe mấy tiếng nổ chát chúa khiến cả hai mẹ con đều giật mình lo sợ. Vào những ngày cuối tháng sáu, Thành Phố Hà Nội đã có nhiều sự bất an, những vụ cướp bóc, ám sát, săn đuổi của các lực lượng an ninh thành phố và những cán bộ ”ở ngoài” xâm nhập hoạt động trong các tổ chức nội tuyến.

Bà Nam hỏi con gái:

– Con có đói không?

Lan nói:

– Con không đói lắm. Nhưng đi bộ từ chiều bây giờ mỏi chân quá.

Bà Nam nhìn con tư lự. Cứ như những điều bà biết, bà nghe nói lại, bà nhìn thấy, thì gần như chắc chắn thành phố này, chẳng còn bao lâu nữa, sẽ có một thay đổi.

Bà sợ.

Sự thay đổi, theo sự hiểu biết của bà, thế nào, thì hết sức mơ hồ. Nhưng linh cảm của một người đàn bà khiến bà thấy rằng, cuộc đổi thay nếu nó, sẽ chẳng có bao nhiêu hy vọng là nó sẽ tốt đẹp.

Bà có cảm tưởng nó sẽ giống như một cơn nước lũ tràn vào, và sẽ kéo theo những gì người ta không thể biết trước được, hay ít ra riêng bà, bà không thể biết được, chuyện gì có thể xẩy ra.

Bà không muốn nhìn thấy con cái, gia đình bị cuốn theo vào cuộc phiêu lưu đầy đe dọa như thế.

Nhưng làm thế nào để tránh được chuyện đó đây? Những tin tức hàng ngày, những điều người ta dự đoán, tưởng tượng, thêm bớt, càng ngày càng làm tăng thêm sức nặng lên các viễn ảnh tương lai đã không lấy gì làm sáng sủa, và đời sống giống như một cơn giông nặng nề đôi khi đã làm cho ngộp hơi.

Lan tiếp tục chải mớ tóc của mình, mớ tóc mặc dầu lúc đi đường nàng đã cuốn gọn đội kín trong mũ, nhưng bây giờ vẫn có vẻ như còn ẩm hơi nước.

Lan nói:

– Con cứ ngỡ mưa không về nổi. Cây gẫy đầy đường.

Bà Nam yên lặng ngó con. Tự nhiên bà thấy tim mình nhói đau.

Những hình bóng lờ mờ của chính bà một ngày xa xôi lởn vởn chung quanh hình ảnh con gái, khiến bà Nam ghê gai cả người.

Bà nói:

– Mầy bữa nay ở trường ra sao?

Lan nói:

– Vẫn như thường mẹ.

– Thế hả. Con không nghe các bạn nói chuyện đình chiến, di cư à?

– Chuyện ấy thì có. Nhưng con chắc chúng cũng nói vớ vẩn thôi.

– Thì chắc người lớn ở nhà có nói chúng mới biết chứ.

– Toàn những chuyện nghe lóm cả.

– Độ này chợ búa, phố xá, việc làm ăn buôn bán xem chừng cũng có vẻ uể oải. Ai cũng nơm nớp lo sợ.

– Thì từ bao lâu nay có lúc nào con thấy mọi người thật sự yên tâm đâu.

Bà Nam lại yên lặng nhìn con. Có lẽ đúng như thế. Loạn lạc chết chóc đã kéo dài trong mấy chục năm nay, người ta đã sống thường trực trong những lo âu, sợ hãi, có lúc nào yên thân đâu?

Bà nói:

– Nhưng lần này nếu có xẩy ra chuyện gì sẽ không như ngày xưa đâu.

Lan cũng nhìn mẹ hỏi:

– Thì người ta cũng nói này nói khác, chứ sự thật ra sao có ai hay biến gì.

– Mình cũng lo lắng vậy thôi. Nhưng mẹ nghe ba nói thì có thể việc chia cắt đất nước sẽ có thật chứ chẳng chơi đâu.

– Vào Nam sống càng hay chứ sao.

– Hay là hay thế nào được. Đi biệt mông chi xứ thế biết ngày nào trở về.

Lan cười. Thực ra nàng chỉ nói câu ấy với tính cách đùa bỡn. Nàng biết gì về sự ra đi kia, nếu có, sẽ ra làm sao. Nhưng cứ nghĩ đến lúc được đi xa là nàng thích rồi. Sài Gòn, cái thành phố xa lạ đó ở chỗ nào nhỉ? Thật chẳng còn gì mơ hồ hơn là một thành phố nhìn thấy trên bản đồ. Nó chẳng ra hình thù gì cả. Lan cứ nghĩ đến cuộc đi đó như một chuyến du hành. Trong thâm tâm có khi nàng lại còn ước cho cuộc chia cắt mà hàng ngày người ta đã nói đến một cách đầy hãi hùng đó xẩy ra thật nữa. Để nàng có thể ra đi, chắc chắn được ra đi, đặt chân tới các thành phố xa lạ, nhưng cũng là một phần của đất nước, nhìn thấy nhà cửa, đường xá, phong cảnh, một thành phố thật chứ không phải chỉ là những đường chỉ xanh đỏ trên bản đồ với một dấu chấm đen và một chữ Sài Gòn vô tri.

Đêm mưa trời khuya một cách mau chóng. Trong lúc nói chuyện với mẹ, thỉnh thoảng ngưng lại, Lan nghe phố xá không còn một tiếng động nào, cái im lặng mênh mông tẩm đẫm trong cơn mưa làm cho không khí bỗng trở nên nặng nề, mặc dầu bên ngoài cửa sổ trời không ngọn gió, và tiếng gió cuốn reo không ngớt gió, làm cho hai cái cánh cửa sổ đập nhẹ trên mấy bức tường và chính cái tiếng khuya động khô khan đó làm tăng thêm sự im vắng của đêm.

Lan nhớ lại lúc vào lễ trong Đền Ngọc Sơn. Ngay khi bước qua chiếc cầu sơn đỏ Lan đã tưởng như trong đầu có tiếng sóng sánh của những lớp sóng nhỏ lăn tăn gợn trên mặt hồ.

Cái màu nước xanh thẫm đó bám chặt ngay vào trí óc đến nỗi khi bước vào trong Đền, nàng đâm ngờ vực cả cái vẻ dịu dàng của bầu không khí vây chung quanh ngôi đền, màu xanh của mặt hồ trải dài mãi ra phía bờ lẫn vào những đám cỏ, nối liền với những gốc cây.

Một mặt hồ không bao giờ đầy, bởi vì nước đã được khơi thông với sông Hồng Hà để giữ một mức nhất định. Khi nước ngập vì gặp mưa chẳng hạn tự nó sẽ rút ra sông, và khi gặp nắng làm cho khô cạn nước từ ngoài sông sẽ chảy vào nâng mực nước của hồ lên đứng mực cũ, thành thử hồ luôn luôn có một mực nước nhất định.

Buổi sáng đi học sớm gặp bạn, Lan thường rủ bạn đạp xe đi quanh hồ một vòng, xem những người phu lục lộ thay phiên nhau quét đường xá và lội xuống ven hồ vớt nhặt các rác rưởi bị gió cuốn hay trẻ con nghịch ngợm ném xuống hồ.

Mặt hồ sớm mai vào những lúc mặt trời vừa mọc, được chăm sóc như thế, ánh sáng chiếu rọi trên những lớp sóng hắt trả lên những tia chói gắt giống như một nỗi hân hoan, vui sướng, gió mát, sương sớm và những tà áo nữ sinh bay lẫn tạo nên vẻ thơ mộng và thanh bình của thành phố.

Vào những trưa hè trời nóng như thiêu đốt, trong khu phố những trận gió người ta mong đợi có thể làm cho người ta kinh hồn hơn nữa vì nó chẳng những không làm dịu cơn nóng nực mà còn làm cho người ta có cảm tưởng bỏng rộp cả lằn da, vì thực ra dường như đó không phải là những cơn gió nữa mà chỉ là sự vận chuyển của những đám hơi nóng, nhưng lúc nào quanh hồ không khí vẫn giữ được vẻ dịu mát bởi vì hơi nước bốc tỏa quanh hồ và bởi vì cái màu xanh như cẩm thạch của nước hồ, của cỏ non và của rừng cây giăng liền lá với nhau, có nhiều chỗ không để lọt một chút nắng xuống mặt đất, hay nếu có cũng chỉ là những đốm, những mảnh nắng giống như những đóa hoa vàng nhỏ hay những chiếc khăn tay rơi rớt trên mấy đám cỏ, những mỏm đá.

Đó cũng là những lúc người dân trong thành có thể được thưởng thức tất cả cái khát khao của mùa hè trong một ly nước thơm ngát mùi chanh cốm.

Cái hơi mát ủ quanh hồ đó, theo với độ xế của mặt trời sẽ tỏa lan trong các khu phố lân cận, có nhiều khi, chỉ cần đi gần đến bờ hồ, người ta đã có thể cảm thấy.

Về mùa Hè, hoa phượng rụng đỏ ối trên mặt nước, sóng xô táp vào bờ, khiến những đứa trẻ, muốn ngồi câu phải dùng đầu cần câu, gạt những xác hoa sang một bên lấy chỗ thả dây xuống.

Lối câu cá của trẻ con ở đây rất lạ. Chúng dùng một cần câu nhỏ dài không hơn ba chiếc đũa, lưỡi câu thường được làm bằng một mẫu dây ”phanh” xe đạp hay một cái kim khâu loại nhỏ, uốn cong, khi câu, nếu là câu cá thầu dầu, (cá lòng tong) chúng dùng ngọn cần đập lõm bõm xuống nước hai bên chiếc phao, cá sẽ đến ăn mồi, nếu câu tôm, chúng thả dây chìm xuống đáy nước, mỗi đứa hai ba cần, khi tôm ăn mồi, kéo căng dây, chúng từ từ kéo lên.

Người lớn cũng tới hồ ngồi câu cá nữa. Nhưng hồ không có cá lớn, chỉ có những cá chép loại trung bình bằng độ bàn tay, và đôi khi cần câu bị ba ba và rùa đều cắn làm đứt dây câu. Cũng có khi người ngồi câu bị cảnh binh ngăn cấm.

Ngồi ở bờ hồ nghỉ chân sau một lúc đi bộ, là một thích thú. Tất cả cái ủ ê bức sốt của mùa Hè, không còn làm cho người ta cảm thấy thiu da thiu thịt, những giọt mồ hôi trong suốt mấy tháng Hè, ngày đêm lúc nào cũng có thể chảy tuôn trên người đến đây ngồi sẽ khô trong chốc lát. Cái mát ở đây khác với cái mát trên Hồ Tây. Hồ Tây lớn, nên gió lộng, và nhìn quanh là rừng cây bát ngát, ngồi ở bờ hồ Hoàn Kiếm, người ta vẫn nhìn thấy phố xá nhà cửa ở chung quanh nhưng không phải chịu cái nóng nung người như lúc ngồi ở trong nhà, thành thử chiều chiều, nhất là giờ sau bữa cơm tối, dân thành phố thường rủ nhau làm một cuộc hóng mát quanh hồ trước khi về ngủ. Hồ không có những trận gió lớn bởi vì nó lọt vào giữa thành phố, nhà cửa che khuất, nhưng từ mặt hồ, từ những hàng cây mọc đầy trên lối đi cũng là những bãi cỏ bao quanh hồ luôn luôn có gió mát thổi.

Mùa hè. Đó là lúc những gia đình khá giả hàng ngày đợi những người đàn bà từ các cửa ô đổ vào các khu phố gánh những gánh hoa sen đem đi bán. Người ta mua những hoa này để lấy nhụy ướp trà. Những cánh hoa được ngắt ra vứt đầy nhà, trẻ con vun lại làm thành những chiếc nệm tươi và thơm ngát rúc vào đùa nghịch, có đứa ngủ luôn trong đống cánh hoa đó một giấc ngủ trưa, lúc trở dậy, mùi thơm của hoa làm cho đầu óc lao đao khiến chúng khó chịu khóc om sòm, những đứa lớn hơn thì cho là mình bị ốm xin những viên thuốc nhức đầu để uống. Trà được ướp từ mùa Hè mùa Thu bắt đầu uống được, mùa Đông thì hương sen đã quyện hẳn vào những cánh trà, đến mùa Xuân thì lu trà cũng sắp cạn, người ta lại sửa soạn một kỳ ướp trà mới vì mùa Hè cũng sắp trở lại.

Lan cũng thích được uống những tách trà sen nhà ướp đó lắm. Mỗi lần nuốt một hớp nước với hương sen thơm ngát trong cổ họng nàng vẫn tưởng như mùa Hè còn phảng phất đâu đó, dù đây là một mùa Hè đã khô héo.

Mùa Hè, đôi khi Lan có cảm tưởng nàng đã thở ra hơi nồng nực, mồ hôi thấm ra ngực, mỗi đêm tỉnh giấc người ta không thở được đầy hơi bởi vì dường như không khí không còn là nguyên vẹn là không khí nữa, hơi nóng đã làm cho không khí nhẹ bớt, và người ta một vài khi trong cơn mơ ngủ, choàng thức dậy, đã tưởng rằng mình đang nằm ở đầu một ngọn gió, và ngọn gió ấy không là gì hơn một đám hơi nước sôi, người ta lật đật trở mình muốn đi tìm một chỗ khác để nằm, nhưng chung quanh chiếu giường chỗ nào hình như cũng đã bị xông hơi nồng cả, người ta lần mò tìm chiếc quạt quờ quạng quạt để mong tìm lại giấc ngủ, trong khi những giọt mồ hôi từ từ lăn trên cổ, trên mặt, giấc ngủ đầy mộng hoặc mệt thiếp, có đêm Lan thức giấc phải trở dậy vào phòng tắm mở máy cho nước chảy thấm khắp người rồi mới trở lại giường ngủ tiếp, nhưng cũng chính trong những đêm được hun nóng bằng cái oi ả của mùa Hè đó, những đêm mà hết thảy mọi người đều bị mùa Hè làm cho mệt nhoài, Lan lại thấy yêu cái không khí nóng nực ấy, cũng như nàng mê cái mờ ảo của mùa Thu sẽ đến tiếp theo khi mùa Hè chấm dứt, Hà Nội đẹp và quyến rũ nhờ ở cái khí hậu đặc biệt của nó, trong mỗi mùa người ta có thể thấy được cái giây phút đầu tiên của ngày giao mùa, mùa Hè sẽ dịu đi dần dần, cho đến một ngày người ta cảm thấy những trận gió chứ không còn là sự vận chuyển của những đám hơi nồng như ngày hôm trước, và như thế là mùa Thu đã lẩn khuất đâu đó. Nhưng khi mùa Thu thực sự trở lại thì người ta bao giờ cũng thấy như là mình đã nhận ra một cách quá muộn màng, bởi vì chỉ sau một trận heo may thổi vào giữa đêm khuya, trận gió nhiều người đã chờ đón để lắng nghe hoặc sự thay đổi đột ngột của thời tiết đã khua thức người ta trở dậy, bàng hoàng vì cái hơi lạnh đã ùa vào trong phòng, người ta có thể tự nhủ mùa Thu đã trở về, nhưng sáng hôm sau thức dậy nhìn ra ngoài cửa sổ, ra đường người ta đã thấy mùa Thu không phải chỉ mới khởi đầu mà đã tràn vào đầy Hà Nội. Đứng trên gác cao nhìn xuống những mái nhà chằng chịt, những khuôn cửa cắt xén ngang dọc, những ống khói đen mà cái nóng của mùa Hè đã làm tróc ra từng mảng bồ hóng, và bầu trời thấp xuống một cách không ngờ, trên tàn cây, các đọt lá cuối cùng xao xác trong những trận gió heo may, những cành lá mới chỉ qua một đêm đã nhả hết cái tàn lửa của mùa Hè, đang dần dần ửng vàng, người ta lấy làm ngạc nhiên, không ngờ cái lạnh lại đã làm cho lá chín mau hơn cái nóng, và chỉ trong một vài ngày có những chiếc cây trồng trong các chậu cảnh với những mảnh bát cổ gắn trên thành chậu phản chiếu cái ánh sáng xám của mùa Thu, cho nhìn thấy rõ những cái hình bị gãy vụn bằng men xanh biếc, những chiếc cây nhỏ đó cũng đã trút hết lá để trơ những cành khẳng khiu, và trên đường đi học, một sớm mai ngửng mặt trông dõi hàng cây, Lan có cảm tưởng như tất cả lá của chúng đã biến thành một mùa hoa mới.

Thêm vào những trận mưa như ngày hôm nay, chỉ cần một buổi chiều mùa Thu đã già, dù thực ra mùa Thu mới bắt đầu, nhìn những khu phố sớm mai, sương mù đã biến cả bầu trời thành một màu trắng sữa dù những hàng cây lá chưa kịp vàng là dấu hiệu mùa Thu chưa đến hẳn, Lan vẫn tự hỏi, không biết trong vòng một tháng nữa, mùa Thu sẽ ra sao, có lẽ năm nay mùa Đông sẽ bắt đầu sớm, chỉ còn cách đó, chứ mới tháng sáu trời đã lạnh giông bão đã ào ào thổi đến, đứng trên lầu cao nhìn xuống những khu phố vừa mới hôm nào còn đỏ hoa phượng, bữa nay đã trở những cành đen sạm khẳng khiu những vũng nước mưa đêm đêm còn đọng trên lối đi in bóng những trụ đèn xi măng, những bức tường ố hoen, vừa qua mùa nắng nay gặp mưa bong ra từng mảnh vôi, những mảnh vôi cong lại như những miếng da, dưới chân tường ở những chỗ có đất, những nhánh cỏ đầu tiên đâm những chiếc búp xanh non lên khỏi mặt đất, những vũng nước xe cộ từ ngoại ô chạy vào trên bánh xe có dính bùn đất, khi băng qua các vũng nước, làm bắn tung tóe lên các mặt tường những vết lem luốc, những con phố hơi dốc, mùa mưa đến trông sạch sẽ hơn, bởi vì nước chảy thoát đi mau chóng, thật ra còn có thể tại người ta khi đứng ở phía xa nhìn lại, thấy mặt đường ánh lên cái bóng nước và tưởng rằng con đường sạch sẽ hơn những con đường khác, những con đường vào năm đói kém buổi sáng những thây người nằm gối đầu vào nhau mà chết, bây giờ đi qua nhìn lại, Lan vẫn còn cảm tưởng ghê rợn, những người chết đó đã được chở đi chôn vùi trong những hố chung, không ai còn nhớ ở chỗ nào, có thể các oan hồn còn lảng vảng đâu đây, biến những khu phố thành di tích buồn thảm, mùa Thu trở về, những trận gió may có lẽ cũng chẳng khác những trận gió may trong các năm trước, những buổi tối có dịp đi qua các khu phố ấy, Lan vẫn nhìn thấy dưới các gốc cây, các hốc tường cái vẻ u ám chết chóc, nàng còn tin chắc rằng đời sống của thành phố này, cái linh hồn của thành phố này, đã có lúc ngưng lại ở những chỗ đó, trong những cơn gió lạnh buốt bất ngờ thổi tới, Lan còn nghe thấy tiếng lóc cóc của những chiếc xe bò chờ xác người trong những ngày thơ ấu nàng đã nghe thấy, đã trông thấy, những cái xác được hốt đi hàng ngày cùng với những đống rác của thành phố, khi nàng có thể hiểu nguyên do những cái chết thảm hại đó, hình ảnh của những chiếc xe xưa đã mờ nhạt trong óc, nhưng cái tiếng cóc cách cũ không hề phai nhạt, nó còn rít qua khe cửa trong những trận gió lạnh buốt mùa Đông, hay những cơn gió se lạnh của mùa Thu, những trận gió cứ thổi quẩn quanh mãi trong thành phố vừa qua cơn chết chóc vì đói khát lại tiếp đến trận tàn phá của chiến tranh, thành phố mà sau một cuộc chạy loạn, tản cư, trở về, đứa nhỏ là Lan lúc bấy giờ chỉ còn trông thấy những đống gạch đổ nát, trong những buổi chiều mùa Đông xám ngắt, được mẹ dắt đi qua các khu phố ấy, Lan đã nhìn thấy những bóng người gò lưng, bới móc trong những đống gạch vụn tìm kiếm những của cải với hy vọng đắng cay còn sót dưới đống tro than, gạch vữa, thêm những hồn ma nữa cho thành phố vừa chôn cất hàng vạn sinh linh, thành phố mà khi tản cư thoát được ra khỏi, ngoảnh lại, người ta thấy lửa cháy đỏ rực một góc trời, có những người nhất định ở lại, chống trả với quân thù giữ đô thành, chết trong đống lửa ngất trời đó, những người không chạy kịp bị đè bẹp dưới đống gạch ngói nổ tung, thành phố vừa sống sót sau trận đói khủng khiếp đã cống hiến cho lịch sử những anh hùng, những cái chết cao cả hơn.

Bởi vì trong những ngày bắt đầu cuộc kháng chiến, ở lại Hà Nội có nghĩa là bằng lòng chết với Hà Nội. Và người ta đã chết với Hà Nội, bao nhiêu thanh niên, sinh viên đã chết. Bao nhiêu Hoàng Diệu đã chết. Máu của họ đã pha vào lửa khói, tro than điêu tàn của thành phố.

Người ta trở về Hà Nội với cõi lòng tan nát, với nhà cửa chỉ còn là đống gạch vụn, người ta cố gắng tìm kiếm lại những kỷ niệm, những hình bóng lờ mờ của quá khứ, người ta tìm cách xây dựng lại nhà cửa, sự nghiệp.

Những người đói rách, lang thang tò mò xúm quanh những bảng yết thị, chúi mũi trên những mục rao vặt trong các tờ báo, những mục tìm việc làm.

Những người không phải là dân Hà Nội, bị chiến tranh xua đuổi cũng lếch thếch bồng bế, dẫn dắt nhau trở về Hà Nội.

Những chuyến xe hàng bắt đầu xuôi ngược trên những con đường đầy ổ gà, hầm hố đang được sửa chữa, mang theo những hàng hóa, bị giữ lại khám xét rất lâu.

Những chùa chiền, nhà thờ, đền miếu bị bỏ hoang từ lúc cuộc chiến tranh khởi đầu, đã bắt đầu được sửa chữa, mang theo những hàng hóa, bị giữ lại khám xét rất lâu.

Những chùa chiền, nhà thờ, đền miếu bị bỏ hoang từ lúc cuộc chiến tranh khởi đầu, đã bắt đầu được đèn lửa, khói hương, đồng bóng trở lại.

Trường học cũng mở cửa cho các học sinh đến học, những buổi sáng người ta đã có thể nhìn thấy những người đàn ông quần áo gấp nếp, lam lũ, ôm chiếc mũ trắng trước bụng đứng đợi ông hiệu trưởng tại cửa các trường tiểu học để xin cho con cái vào học, dù lúc đó đang ở giữa niên học.

Trong hóc kẹt của những căn nhà đổ, những mái nhà mới được cất dựa vào những mảnh tường còn sót mà ngọn lửa đêm tiêu thổ kháng chiến đã bén cháy làm lỡ từng mảng vôi vữa, đã tiếp tục lở rơi trong suốt mùa Hạ, mùa Đông với những trận mưa và những cơn giông, trong những mái nhà mà người ta giẫm trên những đống gạch vụn đổ đi vào đã thành lối đi, những sợi cỏ đã mọc lên, người ta đã nghe tiếng trẻ sơ sanh khóc trong những đêm khuya.

Những căn nhà, thực ra phải gọi đó là những túp lều được dựng lên tạm bợ đó, đã có dấu hiệu của sự sống lâu dài, đêm đêm một ánh lửa nhỏ được thắp lên trong chốc lát, sớm mai đi học qua Lan có thể nhìn thấy một khuôn mặt đàn bà ngó qua những lỗ hổng nhìn ra ngoài đường, hoặc đứng phơi quần áo trên những sợi dây kéo trên hai góc bức tường đã trơ những hòn gạch đỏ nhợt, những bức tường đứng trơ vơ, sừng sững giữa những bức khác đã đổ gục.

Thành phố mà mọi người ra vào tại các cửa ô, qua các cây cầu, đều phải có giấy thông hành tạm, trong khi chờ đợi được cấp giấy căn cước.

Thành phố mà mọi tiếng động nghe còn đầy vẻ rụt rè, có những căn nhà, những trại lính, những người lính cầm súng, hàng ngày người ta đi qua, nhưng không ai dám nhìn thẳng vào, chỉ dám liếc mắt và rảo cẳng cho mau qua khỏi, tiếng động không phải là không có, nhưng chỉ rộ lên trong chốc lát, rội lên một lần, rồi lại trở lại sự yên tĩnh, vẳng lặng những người mẹ ru con e ngại chính tiếng hát của mình, chỉ ậm ừ trong cổ họng.

Những tiếng êm ái đáng lẽ phải được thốt ra từ miệng người mẹ với đứa con nhỏ cũng được hạn chế, sự yên lặng trở thành một sự đè nén, đôi khi nghẹn ngào.

Trên những hè phố càng ngày càng đông đảo hơn những kẻ lang bạc, khốn khổ, trở về thành phố mưu sinh mà không có một nghề nghiệp trong tay mong tìm được bất cứ một việc gì nếu có thể được trả lương, đi rạc cẳng trên những khu phố dù biết chắc chẳng thể tìm được một việc gì, nhưng ngày nào cũng dậy từ sáng sớm để đi cho tới tối mịt mới về, đi như thế có lẽ chỉ để tự trấn an, để khỏi phải nhìn thấy cảnh vợ con sợ hãi, nheo nhóc, những người đàn bà dường như cũng biết chắc chồng đi tìm kiếm công việc trong nỗi tuyệt vọng, nhưng ngày nào cũng thấp thỏm trông chờ chồng sẽ đem về một tin vui. Niềm hy vọng tắt dần cùng với nỗi lo sợ thắt ruột trong cái cảnh nhá nhem thoi thóp của buổi chiều trên các khu phố chưa đủ đèn lửa, đêm chụp xuống mau lẹ cùng với những sự đe dọa không biết từ đâu, chỗ nào, hình như chỗ nào cũng có bóng của tai ương, bởi vì trong những lúc đi chợ, đi kiếm việc làm, đứng ở trong nhà ngó ra, không thiếu gì lúc người ta đã trông thấy những cảnh bắt bớ, một chiếc xe hơi đang chạy đột nhiên đỗ lại, trên xe một hai nhân viên công an nhẩy xuống rút súng dí vào lưng, vào sườn một người đang đi đường, đi bộ hay đi xe đạp, còng luôn tay đẩy lên xe, chiếc xe đạp bị vất bỏ luôn ở lề đường như một nỗi kinh hoàng còn sót không ai dám nhìn, người bị bắt mặt xanh như tàu lá hay mỉm cười chua chát, bị mang đi mất tích, chiếc xe đạp sau đó được mang đi lúc nào cũng không ai biết ai mang đi, những kẻ bị bắt đó có thể không ai gặp lại, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn trông thấy những người được thả ra từ các phòng nhì, ty, sở công an, liêm phóng, nằm ho ra máu trong các căn nhà tối ám, trong tình cảnh ấy những người đàn bà tối tối chờ chồng về, những người đàn ông mỗi ngày người thêm rạc ra vì đi lêu bệu ngoài đường trở về nhà phờ phạc như một cái xác, những người đàn ông không nghề nghiệp gì bỗng một ngày trở thành những người thợ giỏi, thợ giặt, thợ sửa xe, trở thành công an hay đã đăng vào lính.

Những người mà dù đã đôi lần gặp gỡ người ta cũng không thể nào nhớ mặt bởi sự thay đổi đột ngột của họ, trong cách phục sức cũng như công việc của họ, những người từ những phương trời xa lạ nào đó đổ về Hà Nội mỗi ngày một đông, thay thế cho những thị dân chính cống đã chết, hay vẫn còn lưu lạc đâu đó, và chính những người chịu nhận làm những công việc mới này đã mau chóng phục sinh cái thành phố gần như đã kiệt quệ vì chiến tranh, tới hồi những ga xe lửa hoạt động trở lại, những bến xe hàng cũng bắt đầu chật ních người buôn bán đáp xe hàng ngày đi về, những chuyến xe thỉnh thoảng nghe tin bị mìn trên các nẻo đường, người bị chết, bị thương, tàn tật, những người khác lại lăn mình vào kiếm ăn, tiếp tục đi trên những con đường đầy nguy hiểm đó, người ta buôn muối, buôn dầu hỏa, đá lửa, vải, sợi, thuốc tây, mang về các miền xa bán, đó là những hàng lậu bị khám xét rất kỹ, những cô gái ăn vận quê mùa hay làm đỏm kín đáo liếc mắt đưa tình với các người lính gác tại các trạm kiểm soát trên lộ trình, để mang lọt hàng, nhiều khi bị bắt giữ, đã tìm cách ở lại với các sĩ quan người Việt hay người Pháp, để được tự do, để vớt vát số hàng đã mất, cùng một lúc dò xét xem có thể tiếp tục đi buôn trên con đường đó hay phải tìm một lối khác, họ có thể trở thành những người đem tin tức cho cả hai bên đang tham dự cuộc chiến, những người con gái mà nhan sắc phai tàn rất mau, chỉ sau một hồi chẳng bao lâu bị bắt, bị Tây giữ lại trong các đồn, bót, hai gò má hồng hào của tuổi xuân đã bớt nhiều sắc đỏ, cái màu xanh nhợt của tuổi già đã hiện trên da, màu của những đêm mất ngủ, lo âu, cay đắng, mệt nhọc, đã làm cho họ trở nên biếng cười hay chỉ còn những nụ cười vô duyên nhạt nhẽo, khiến người ta khó chịu hoặc thương hại, và khi cái duyên dáng chẳng còn nữa, các người con gái đó cũng bỏ luôn việc buôn bán cũ, kiếm một cách làm ăn khác, họ đan thuê, làm công cho các tiệm may, lấy chồng, hay làm một công việc mới phát sinh trong thành phố đó là công việc nhặt trà cho các tiệm Tàu. Người ta đổ những bao trà khô ra từng đống trong nhà, những người đến làm công không cần phải xin việc trước, chỉ cần sáng sớm đến chờ ở trước cửa tiệm, khi tiệm mở cửa, cứ việc đi theo với những người làm cũ vào trong nhà, sẽ được các chú Tàu phát cho một cái mẹt, đem xúc trà trong cái núi trà đổ giữa nhà, vào ngồi một góc nào đấy trong nhà đã được dành để làm công việc đó, nhặt những cành trà xanh trong đống trà để ra một bên, những cánh trà đen còn lại đem đổ vào một gian nhà khác có một người Tầu ngồi kiểm soát, xong, trở lại chỗ cũ lấy một mẹt trà mới và tiếp tục công việc cho đến chiều, mang những cánh trà xanh nhặt được ra nhà cân và tùy theo số lượng trà nhặt được đó sẽ được trả tiền. Thành Phố Hà Nội trong những ngày hồi cư đầu tiên nhiều cô gái, đàn bà đã sống nhờ cái nghề mới này, một người bà con xa của Lan đã làm công việc đó sau này kể lại cho nàng nghe và nhờ vậy nàng đã biết. Những công việc nhỏ mọn như thế, những nhà bán kẹo bánh thuê người cắt giấy bóng, gói kẹo, các tiệm may thuê người đơm khuyết quần áo, là dấu hiệu của một thành phố đang hồi sinh mạnh mẽ. Cho đến những sáng trở dậy, mọi người đều lo đi làm, những chuyến xe lửa chạy ngang qua con đường cao ngất kế bên Phố Hàng Đậu với tiếng máy và tiếng những bánh sắt lăn ầm ầm, các người đàn bà từ Ô Cầu Rền gánh những gánh rượu ngang cất trong những chiếc bong bóng lợn phơi khô vào thành phố rao bán, là lúc thành phố có thể coi như đã thực sự hồi sinh, hàng ngày đi học, Lan đã gặp những kịch sĩ ăn mặc chỉnh tề hấp tấp bước lên những bậc cấp của Nhà Hát Lớn để vào phía trong tập dượt.

Quá khứ của Hà Nội, quá khứ gay gắt hay êm đềm hết thảy đều dần dà tan biến giống như những cơn sóng loạn cuồng trên mặt Hồ Gươm, cuối cùng rồi cũng trở lại thành một con nước duy nhất, một đời sống kết hợp cả đau thương lẫn hy vọng. Hà Nội qua những ngày tang tóc thê lương, đã hoàn toàn phục sinh, các trường học mở cửa, các công sở, các hãng buôn, bệnh xá, các gánh cải lương chiều chiều thuê những chiếc xe bò, xe hơi cũ buộc những tấm biểu quảng cáo vẽ bằng bột màu hai bên hông xe, đi rong qua các khu phố, trên xe mấy đứa trẻ khua trống, đập chiêng, vứt xuống đường những tờ chương trình in bằng giấy màu kể sơ lược các tuồng tích sẽ diễn, những giọng ca, tài tử nào mới hồi cư, mới từ trong Nam ra hát, đó cũng là những ngày đầu tiên người ta được xem những cuốn phim có phụ đề chữ Việt, những cuốn phim thuộc bộ ”một nghìn một đêm lẻ”, hình ảnh của Maria Montez, Yvonne de Carlo, được bày bán trên các hè phố, các cô cậu học sinh mê ciné mua cất trong cặp, lồng sau những miếng giấy bóng bọc bìa sách. Mùa Thu trở về cùng với những trái hồng đỏ mọng, với những trái hồng ngâm mà cái màu xanh của vỏ đã ửng vàng, màu vàng tươi tựa dưới lần vỏ căng đầy nắng hanh, những người đàn bà làng Vòng gánh theo những gánh cốm mới trên cái đòn gánh cố hữu một đầu cong vút như cái móng tay út của những thầy đồ xưa, cùng với mùa màng đổi thay, người ta có thể nhận ra bằng thời tiết, bằng những thức ăn được rao bán ngoài phố, những gánh nhãn Hưng Yên, gánh rươi, sứa, cá thu, và mùa Xuân tới, mùa Đông vừa giảm đi một chút lạnh đủ để cho những vườn đào đâm nụ, cái nắng ngất ngây đã vắng bóng bao ngày trong mùa Đông dài dặc, với những trận mưa giống hung dữ, những đêm lạnh buốt xương da, cái lạnh đã làm cho những từng mây dường đông lại như một biển nước chưa tan hết, nhưng sự ấm áp đã làm cho khối nước trong đi, và mặt trời rọi những tia nắng đầu tiên xuống rừng cây bát ngát vừa nảy lộc, những bãi cỏ giống như tơ nõn, những vườn hoa chờ cho đủ hơi ấm để đâm bông, những tia nắng của ngày báo hiệu mùa Xuân, bao giờ cũng có vẻ như đã chiếu qua cái mặt nước đã trong suốt xuống, rọi trên da người cái hơi mát dịu dàng đôi khi khiến người ta tưởng như mình đang kề sát một làn da của một kẻ dậy thì. Mùa Xuân đến vừa rộn ràng vừa rục rã trong những tiếng chim kêu, với đời sống co ro suốt mùa Đông, bây giờ người ta và cả vạn vật mới cử động, hô hấp được một cách thoải mái, nên dường như ngày được gia tăng thêm tốc độ, những tiếng cười trong trẻo nghe thấy trong các câu chuyện, nghe thấy giữa đường, giống như tiếng nắng rơi vỡ, tự reo vui, các nữ sinh đi học cậy vào sức khỏe đã cởi bỏ áo len vắt trên tay lái xe đạp, mặc phong phanh một chiếc áo dài, màu tím của chiếc áo đồng phục bay lồng lộng trong những trận gió thổi tạt tựa những cánh bướm làm rợp thành phố, cái bóng rợp của những tà áo đó còn che rợp một góc trời tươi mát nào đó trong trí tưởng của vài người ưa mơ mộng viễn vông, của những cậu trai mới lớn, không gì đẹp cho bằng đẹp trai, Xuân Diệu hình như đã viết như thế, con gái đẹp mềm. con trai đẹp cứng, nhưng có phải trong mùa Xuân lá và hoa đã kết hợp thành một?

Khi những đứa trẻ, những cụ già, những người đàn bà từ trại hàng hoa, từ các vùng, các tỉnh lân cận vác những cành đào vào thành phố bán thì phố xá cũng nhộn nhịp với cảnh tết gần kề, trong các chợ những sâu chuỗi bóng, mực, tôm khô, măng khô, cũng được đổ ra bầy bán.

Mỗi lần nhìn thấy những đóa đào nở đỏ tươi trên cành lá là mỗi lần Lan lại thấy lòng rộn rã như có một sự đổi thay trong người mà nàng không thể nào kìm giữ được.

Đó là lúc Lan nhận ra rõ ràng máu huyết luân lưu theo một nhịp rộn ràng, da thịt căng trong những đêm thao thức, những nỗi mong ước vu vơ làm cho giấc ngủ đêm đêm thêm những mộng mị, thêm một chút khó khăn, nhưng sáng thức dậy nàng có cảm tưởng như mạch sống đầy tràn dưới da, nàng muốn ca hát nhẩy chân sáo ra sân, đến trường, nàng có thể cất tiếng cười ròn rã vì những nguyên cớ không đâu, nhưng đôi lúc nàng nhận ra chính vì muốn nhẩy nhót nên nàng đã phải lấy điệu khoan thai, muốn cười ngặt nghẽo nàng đã làm bộ nghiêm nghị.

Tôi đã lớn chăng, đã hết trẻ con, đã thành thiếu nữ? Mỗi lúc soi gương trang điểm qua loa trước khi đến trường, hay làm dáng thực sự trong những buổi đi chơi, tự nhìn ngắm thân thể mình trong buồng tắm, nhìn sự thay đổi vừa sỗ sàng tuyệt diệu hiển hiện trên thân hình, Lan nghe ra một sự phấn khởi, sung sướng pha lẫn lo âu, nỗi lo âu và cả niềm sung sướng đều không có những nguyên cớ rõ rệt, sung sướng chi đây và lo sợ chi đây? Tôi không biết, tôi lớn lên như thế này đây và rồi mai này đời tôi sẽ ra sao?

Những ý nghĩ miên man, những tưởng tượng dắt díu từ chuyện này sang chuyện khác, cảnh tượng này sang cảnh tượng khác, khiến Lan không nghe thấy cả lời mẹ bảo xuống nhà ăn cơm, đến nỗi bà Nam phải nhắc lại câu nói một lần nữa. Lan mới giật mình ”dạ” một tiếng và tất cả cất chiếc lược vào ngăn kéo, đứng dậy, theo mẹ xuống nhà.

Vừa đi nàng vừa cười bảo:

– Năm nay chắc sẽ rét lắm.

Bà Nam bao giờ cũng giữ bước đi hết sức nhẹ nhàng, thư thái, bà còn tin rằng số phận của một người đàn bà an nhàn hay vất vả thường hiện ra trong dáng đi của người đó.

Lan không tin như thế, có lẽ nàng không tin như thế, bởi nếu cứ căn cứ vào dáng đi để đoán số mệnh của mọi người thì số nàng sẽ là một cái số vô cùng kỳ khôi, chắc thế. Nàng không làm sao có được một dáng đi nhất định, và Lan chỉ có thể đi theo kiểu tùy hứng. Tuy nhiên trong những lúc nàng không chú ý gì đến cách đi đứng của mình cả, nghĩa là những lúc nàng đi đứng tự nhiên nhất, bà Nam cho rằng con gái có dáng đi giống bà và đó là điều bà ưng ý.

Bà nói:

– Mùa Đông nào mà chẳng rét.

Lan bảo:

– Nhưng mẹ không thấy à, mùa Thu còn chưa hết trời đã lạnh thế này rồi.

Bà Nam cười:

– Mưa lại có bão không lạnh sao được.

Hai mẹ con xuống nhà ngồi vào bàn ăn bữa cơm tối muộn.

Ông Nam đã trở về thay quần áo mặc nhà xong xuôi, ngồi vào bàn ăn.

Ông hỏi:

– Hai mẹ con làm gì mà không ăn cơm trước ?

Bà Nam nói:

– Con nó cũng mới đi chơi về.

Ông Nam ngạc nhiên:

– Đi chơi? Mưa gió thế mà mày đi đâu tới giờ mới về?

Lan cười bảo:

– Con đi lễ ba.

Ông Nam càng tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Đi lễ?

Lan nhìn bố:

– Con xin thẻ thử xem liệu có số đi xa không?

Ông Nam bảo vợ:

– Tôi đã dặn bà nên tôi về quá giờ ăn thì cứ ăn trước đi đứng đợi tôi làm gì.

Bà Nam nói:

– Tôi không đói mà, nhà có mấy người ngồi ăn một mình buồn chết, con nó ở nhà thì tôi đã ăn với nó rồi.

Ông Nam hỏi con:

– Mày đi lễ ở đâu?

– Đền Ngọc Sơn. Đền Quan Thánh nữa.

– Cả ngày mưa gió thế làm sao đi.

– Con đi từng chặng một. Lúc nào mưa lớn thì tìm chỗ trú.

Ăn xong bữa cơm trời đã khá khuya. Ông Nam bảo hai mẹ con cứ đi ngủ trước, đêm nay ông có nhiều việc bận phải làm có lẽ khuya lắm mới xong được.

Bà Nam nghe chồng nói vậy lắng lặng đứng dậy đi xuống nhà dưới bảo người làm mang cho một ấm nước sôi, pha cho ông một tách cà phê để uống sau bữa ăn như thường lệ, và pha cho ông một ấm trà ủ kín để ông dùng trong lúc làm việc đêm.

Trong khi bà Nam loay hoay làm những công việc đó thì Lan đứng dậy đi kiếm hũ đường, đổ đường trong lọ ra cho đầy hũ mang trở lại cho cha.

Sau đó nàng ngồi nán trở lại một lát nơi bàn khách.

Ông Nam bảo con:

– Hôm nay sao con thức khuya thế?

Lan nói với bố:

– Ba cho con uống một miếng cà phê của ba nhé.

Ông Nam bảo:

– Ừ, uống đi…

Lan cầm tách cà phê của bố lên uống một hụm nhỏ. Nàng không thích cà phê, thứ nhất là uống vào buổi tối thế này còn có thể bị mất ngủ nhưng đó là thói quen mỗi lần có dịp ngồi trò chuyện với bố, Lan nhấp một miếng cà phê cho thơm miệng.

Lan nói:

– Sao ba uống đắng quá thế ba?

Ông Nam đốt điếu thuốc bảo:

– Thì ba uống cà phê chứ đâu có uống nước đường.

– Đắng nhưng mà thơm thật.

– Thôi mày đi ngủ đi chứ, mai còn đi học.

Ngập ngừng một lát Lan hỏi bố:

– Sài Gòn có xa không ba?

Ông Nam lại thêm một lần ngạc nhiên nữa, nhìn con. Ông đặt tách cà phê đang cầm trên tay xuống chiếc đĩa trên mặt bàn bảo:

– Con muốn biết nó bao xa việc gì phải hỏi ba.

Lan cười:

– Con muốn nói đến cái thành phố thật cơ. Chứ nhìn trên bản đồ rồi coi con số tỷ lệ xích, trông nó chẳng ra hình thù gì cả lại còn có vẻ kỳ quặc nữa.

Ông Nam nói:

– Xa. Để đến kỳ hè này có dịp ba sẽ cho con đi theo vào trong đó chơi một lần nếu con thích.

Lan vẫn cười nhìn bố bảo:

– Con cứ tưởng rồi mọi người sẽ vào trong đó nhưng không phải là đi chơi nữa.

Ông Nam hỏi con:

– Ai bảo với con thế?

Lan nói:

– Nếu đất nước bị chia đôi thì ai không muốn ở lại đây nữa chỉ còn cách đi vào trong ấy.

Ông Nam nói:

– Con cũng nghe nói đến chuyện đó sao?

Lan mở to mắt nhìn bố. Nàng không biết cha nói ra câu ấy là một cách đo lường những sự bàn tán ở ngoài đường về cái biến cố tang tóc có thể xẩy ra hay thực ra, chỉ tỏ vẻ khó chịu vì thấy con để ý đến những chuyện đó.

Nhưng Lan không thấy cha tỏ thái độ như thế nào.

Lan nói:

– Thì ngày nào con cũng nghe nói đến cả.

Nhưng một việc như thế có phải là một việc hai cha con nên nói với nhau sau bữa ăn chiều? Quả thật đó là một điều không ổn rồi. Vả lại bữa ăn chiều này cũng quá muộn, ăn xong đã gần nửa đêm. Đó có lẽ là điều ông nên rầy la con gái, ông nên trách bà đã chiều con quá. Nhưng đây cũng là trường hợp đặc biệt, lâu lắm mới có một ngày như thế.

Chắc chắn là con ông đã xin phép mẹ nó trước khi đi, mắng thì nó phải chịu, nhưng như thế là bất công với nó. Ông không muốn tỏ ra mình bất công dù là với vợ con, dù sự bất công ấy chỉ nhắm một mục đích duy nhất là ráng dậy con. Không được. Cái gì đáng nói mới nói chứ. Ông cầm tách cà phê lên uống thêm một hớp nữa và ý nghĩ của ông lại bị đứt đoạn.

Ông nghe tiếng quả lắc của chiếc đồng hồ kêu đều đặn trên tường. Rồi ông nghĩ đến cách ăn uống của các thị dân và thấy thật là một điều kỳ quặc. Họ có nửa ngày để ăn hai bữa còn nửa ngày nhịn đói. Ông không lạ gì có không biết bao nhiêu kẻ mắc phải chứng này, bệnh khác và nguyên do chính chỉ tại cách ăn uống hết sức luộm thuộm của họ. Người bệnh khi gặp y sĩ chỉ có mỗi một điều mong ước duy nhất là mong được chữa khỏi bệnh ngay tức khắc. Họ không hề để ý đến chuyện một y sĩ đâu có phải thần thánh. Khả năng của một y sĩ còn tùy thuộc vào nhiều cái khác nữa, thuốc men, thứ bệnh mà họ điều trị và nhất là bệnh nhân nữa.

Chính những điều ông không thể nói ra này đã khiến cho ông trong những giờ giảng dạy ở trường cho các sinh viên và những giờ khám bệnh ở phòng mạch đã mắc phải cái tật khịt mũi. Khi ông nói một điều lúc ngửng lên bắt gặp bộ mặt ngơ ngẩn của một sinh viên cho thấy rõ rằng anh ta chẳng hiểu gì cả, ông khịt mũi. Cho đến nỗi, đã có lần ông nghe đám sinh viên nói lén với nhau trong hành lang của giảng đường rằng, cứ nghe ”cha già” khịt mũi là bỏ mẹ, khịt, nếu những điều chúng học mà chúng nhớ được như những điều chúng dùng để trêu chọc người ta thì có lẽ chúng đã khá cả.

Tuy nhiên, đôi lúc say sưa với bài giảng, đối với ông thật chẳng có cái gì tuyệt diệu hơn sự cấu tạo, kết hợp ấy, ông càng bị nó khích thích và làm cho không ngớt ngạc nhiên, và ông khịt mũi, sự kết hợp chặt chẽ và kỳ diệu đến nỗi, có lúc ông đã nghĩ rằng, không có một thứ bệnh tật nào lại không thể chữa được, điều này chỉ tùy thuộc vào khả năng chẩn bệnh của y sĩ, có lúc ông lại có cảm tưởng hoàn toàn trái ngược, ông run sợ trước bộ máy tinh vi đó, và chính ông lại là người lạ lùng trước những trường hợp bệnh đã được chữa trị và bình phục. Vào những lúc ông nói dai dẳng, say mê, quên cả dò xét xem đám sinh viên ngồi dưới giảng đường hay đang đứng vây quanh ông tại bệnh viện, trong phòng giải phẫu, ông mải mê làm xong công việc, ông trở lại văn phòng của các giáo sư ngồi nghỉ, hay trên đường trở về nhà, ông không ngớt lo sợ, chẳng hiểu họ có nghe được điều gì chăng và ông khịt mũi đôi ba cái. Ông phải tìm cách kiểm chứng lại sự tiếp thu của họ, và ông lại thêm một lần ngạc nhiên nữa, là ngay cả cái người mà ông cho là ngu ngơ nhất trong bọn, cuối cùng cũng hiểu rõ cả những điều ông nói, làm được những việc ông cứ lo lắng họ không làm được.

Ông đâm ra tự trách mình đã lo lắng vô lý và sau cùng ông lại cho rằng có lẽ ông quá dễ dãi với họ.

Ông gườm gườm nhìn con gái. Đi, lúc nào chúng cũng chỉ nghĩ đến chuyện đi, những ranh con. Con có biết cái chuyến đi này, nếu nó xẩy ra thì sẽ ra sao không?

Lan nghe bố khịt mũi hai ba cái và ông nhìn mình gườm gườm là nàng biết rằng ông đang có chuyện bực mình rồi. Một nửa nàng muốn đứng lên đi về phòng, một nửa nàng muốn ngồi lại, kéo dài câu chuyện xem ông nói chi, nhất là về ý muốn của nàng vừa bày tỏ và thử xem có được đi xa chăng?

Lan nói:

– Con đi đường thấy nhiều người ở các vùng quê chạy về đây ba.

Ông Nam bảo:

– Thì đánh nhau người ta chạy đi đâu được thì chạy chứ!

Nói xong, ông cầm tập giấy để trên bàn bắt đầu giở ra xem. Lan biết là bố không muốn nói chuyện nữa. Ông sắp sửa soạn bài giảng cho ngày mai.

Nàng lẳng lặng đứng dậy đi về phòng.

Bà Nam cũng mang ấm trà đặt trên bàn cạnh ông cùng với một chiếc tách úp trên cái đĩa. Sau đó bà cũng xách chiếc đèn nhỏ để trên mặt tủ đựng chén tách, mang lại bàn làm việc cho chồng. Bà tắt đèn lớn rồi cũng lặng lẽ đi lên phòng trên gác.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=ao%20mo%20phai&page=3

Comments are closed.