1984 (kỳ 8)

George Orwell

III.

“Chúng ta có thể đến đây một lần nữa”, Julia nói. “Nói chung là sử dụng một chỗ hai lần không có vấn đề gì. Nhưng một hai tháng sau đó thì không an toàn đâu.”

Sau khi ngủ dậy thái độ của cô khác hẳn, tỉnh táo và năng động hơn. Cô mặc quần áo, đeo thắt lưng đỏ và bắt đầu thu xếp cho chuyến trở về. Dĩ nhiên là chuyện đó được giao cho cô. Rõ ràng là cô tháo vát hơn Winston; ngoài ra, chính nhờ những chuyến đi dã ngoại mà cô hiểu biết tường tận khu vực ngoại ô London. Cô hướng dẫn cho anh đi theo con đường hoàn toàn khác và xuống ở một ga khác. “Không bao giờ được quay về bằng con đường vừa đi qua”, cô nói cứ như thể đang phát biểu một nguyên tắc chung vậy. Cô ra về trước, Winston phải đợi thêm nửa tiếng nữa rồi mới được đi.

Cô nói địa điểm cho lần gặp tới, bốn hôm nữa, vào buổi tối. Đấy là con phố trong khu vực nghèo nhất, chỗ ấy có một cái chợ, lúc nào cũng đông đúc và rất ồn ào. Cô sẽ đi loanh quanh cạnh các quầy hàng, giả vờ tìm mua dây giày hay chỉ khâu. Nếu cảm thấy an toàn thì khi anh đến gần cô sẽ hỉ mũi, nếu không thì anh phải đi ngang, làm bộ như không nhận ra cô. Nếu gặp may thì có thể len vào giữa đám đông để nói chuyện và hẹn chỗ gặp cho lần tiếp theo.

“Em đi đây”, cô nói sau khi anh đã nhớ qui ước. “Em phải có mặt trước mười chín giờ rưỡi. Em có hai tiếng sinh hoạt ở Hội Thanh Niên Chống Tình Dục, phát các tờ rơi hoặc những việc tương tự như thế. Không tởm à? Rũ tóc cho em với. Trên đầu có cọng cỏ nào bám không? Chắc chắn chứ? Thôi, tạm biệt nhé, anh yêu!”

Cô lao vào vòng tay anh, hôn anh một cách cuồng nhiệt rồi rẽ đám cây con và biến vào rừng, không một tiếng động. Hóa ra đến giờ anh vẫn chưa biết họ và địa chỉ của cô. Nhưng không sao, không thể có chuyện trao đổi thư từ hay gặp nhau trong nhà được.

Họ không bao giờ quay lại khu đất trống này nữa. Cả tháng năm họ chỉ ở bên nhau được có một lần. Julia chọn một chỗ khác, đấy là một nhà thờ đổ do bị bỏ bom nguyên tử cách nay ba mươi năm, trong một khu gần như không người. Chỗ đó rất an toàn nhưng đường đi thì lại nguy hiểm. Những lần khác họ chỉ gặp nhau trên phố, mỗi lần một chỗ khác nhau, không lần nào kéo dài quá nửa tiếng. Trên phố thì chỉ có thể nói chuyện được thôi. Vừa đi cùng đám đông, không được bước sát nhau, cũng không được nhìn nhau, họ vừa trao đổi những câu chuyện ngắt quãng như tia sáng ngọn hải đăng: cứ thấy bóng đồng phục hay đến gần màn vô tuyến thì phải tạm dừng, rồi sau vài phút lại tiếp tục có khi ở giữa câu, đến chỗ hẹn chia tay thì ngắt hẳn để đến hôm sau lại tiếp tục. Julia có vẻ đã quen với cách nói chuyện như vậy, cô gọi đấy là “chuyện nhiều kì”. Ngoài ra, cô còn nói mà không mấp máy môi một cách rất tài tình. Suốt một tháng trời, tối nào họ cũng gặp nhau, thế mà chỉ hôn nhau được có một lần. Hôm đó họ đang yên lặng bước đi trong một ngõ hẻm (Julia không bao giờ nói khi đi vào hẻm) thì bất ngờ có tiếng nổ lớn, mặt đất rung lên, trời tối sầm lại, Winston ngã lăn ra đất, hồn vía lên mây, mình mẩy thâm tím. Quả bom chắc rơi rất gần. Bất thình lình anh thấy Julia, chỉ cách anh chừng dăm tấc, mặt cô trắng bệch, không khác gì phấn. Ngay cả môi cũng trắng. Chết rồi! Anh ôm chặt cô vào lòng rồi bất thình lình hôn lên gò má nóng ấm của cô, thế là bụi bám ngay vào môi anh, lau mãi vẫn không hết. Mặt hai người phủ đầy bụi vữa.

Cũng có những hôm, hai người đến chỗ hẹn nhưng đành đi lướt qua nhau, không nói đựơc lời nào vì hoặc là gặp đội tuần tra hoặc là máy bay trực thăng quần đảo trên đầu. Chưa nói đến nguy hiểm, thì giờ cũng kẹt lắm. Winston phải làm sáu mươi giờ một tuần, Julia còn làm nhiều hơn, ngày nghỉ phụ thuộc vào khối lượng công việc, mà lại ít khi trùng nhau. Julia thường ít khi được nghỉ trọn vẹn cả buổi tối. Cô tốn rất nhiều thời gian vào việc đi nghe nói chuyện, tham gia biểu tình, phân phát tài liệu của Hội Thanh Niên Chống Tình Dục, chuẩn bị biểu ngữ cho Tuần Lễ Hận Thù, thu tiền đóng góp cho các phong trào tiết kiệm và những việc tương tự khác. Ngụy trang ấy mà, cô nói. Chịu khó tuân thủ một số qui định nhỏ để có thể vi phạm những qui định lớn. Cô còn thuyết phục Winston hi sinh thêm một buổi tối để tham gia vào việc sản xuất đạn dược do các đảng viên trung kiên tổ chức làm ngoài giờ hành chính. Thế là từ nay mỗi tuần Winston phải hi sinh thêm bốn tiếng đồng hồ, anh chuyên vặn ốc để gắn những mẩu kim loại nhỏ với nhau, chắc là bộ phận khai hoả của bom, trong một xưởng sản xuất tối tăm, gió lộng tứ bề, tiếng búa và tiếng nhạc của màn vô tuyến lúc nào cũng ầm ầm như muốn chọc thủng màng nhĩ.

Khi họ gặp nhau trên tháp chuông nhà thờ thì mới được nói chuyện liên tục. Trời hôm ấy rất oi. Căn phòng hình vuông nhỏ tí nóng và ngột ngạt, sặc mùi cứt chim bồ câu. Họ ngồi nói chuyện mấy tiếng đồng hồ liền trên nền nhà bẩn thỉu, đầy rác, thỉnh thoảng một người phải đứng dậy để nhìn qua cửa sổ xem có ai đi bên dưới không.

Năm nay Julia vừa tròn hai mươi sáu. Cô sống trong nhà tập thể với ba mươi cô khác (“Chỗ nào cũng sặc mùi đàn bà! Sao em ghét đàn bà thế!” – cô bảo), cô làm việc, đúng như anh đoán, trong Ban Sáng Tác, chuyên bảo dưỡng máy viết tiểu thuyết. Cô thích công việc đó, thực ra cô chỉ phải chạy và bảo dưỡng một cái động cơ điện công suất lớn, nhưng hay giở chứng. Cô “không thông minh” nhưng thích công việc chân tay và có hiểu biết về máy móc. Cô có thể kể cho anh nghe toàn bộ quá trình viết một cuốn tiểu thuyết, từ lúc nhận chỉ thị của Phòng Kế Hoạch cho đến những sửa chữa cuối cùng của Phòng Biên Tập. Nhưng cô không quan tâm đến sản phẩm cuối cùng. “Em không ham đọc” – cô bảo thế. Sách cũng là một loại sản phẩm tiêu dùng cần được sản xuất, giống như giăm bông hoặc dây giầy vậy thôi.

Cô không nhớ gì về những sự kiện xảy ra trước những năm 60, trong những người cô biết thì chỉ có ông cô là hay nói về những ngày trước Cách Mạng, nhưng cụ đã biến mất khi cô lên tám tuổi. Khi còn đi học, cô từng là đội trưởng đội khúc côn cầu và đã đoạt giải thể dục dụng cụ hai năm liền. Cô đã là trung đội trưởng Tình Báo, trước khi tham gia Hội Thanh Niên Chống Tình Dục, cô từng là bí thư chi đoàn Liên Hiệp Thanh Niên. Ở đâu cô cũng xuất sắc. Cô đã được giới thiệu vào Phimheo (chứng tỏ có uy tín), một tổ của Ban Sáng Tác chuyên về phim ảnh khiêu dâm rẻ tiền dành cho cu li. Những người ở đấy gọi ban này là Kho Cứt, cô bảo thế. Cô đã làm ở đấy một năm, tham gia viết những cuốn sách đại loại như “Những câu chuyện tếu” hay “Một đêm trong trường nữ sinh“, những cuốn sách được gửi đi trong hòm kín, thanh niên vô sản thậm thụt mua vì nghĩ rằng đang mua đồ quốc cấm.

“Sách đó viết cái gì?”, Winston tò mò hỏi.

“Nhảm nhí lắm. Đọc chán ngắt. Chỉ có mỗi sáu nội dung, tráo qua tráo lại. Em chỉ chạy kính vạn hoa thôi. Không bao giờ làm trong Phòng Biên Tập. Anh yêu ơi, em dốt văn lắm.”

Anh lấy làm ngạc nhiên khi nghe nói rằng ngoài ban lãnh đạo ra, Phimheo gồm toàn con gái. Lí do là bản năng tính dục của nam giới khó kiểm soát hơn so với nữ giới, vì vậy nếu làm việc này thì nam giới sẽ dễ bị tiêm nhiễm hơn.

“Phụ nữ có chồng không được làm ở đấy”, Julia bảo. “Con gái được coi là trong trắng. Nhưng em khác bọn họ.”

Năm mười sáu tuổi cô đã yêu, đấy là một đảng viên sáu mươi tuổi, ông ta đã tự sát để tránh bị bắt. “May quá”, Julia nói. “Nếu không ông ta khai ra tên em thì nguy”. Sau này còn nhiều người nữa. Theo cô, cuộc đời thật là đơn giản. Anh muốn sống vui, nhưng “chúng”, nghĩa là Đảng, không cho; anh càng vi phạm nhiều qui định bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Việc “chúng” muốn cướp thú vui của anh, theo cô, cũng tự nhiên như là việc anh không muốn bị tóm vậy thôi. Cô căm thù Đảng, cô nói điều đó bằng những từ lỗ mãng nhất, nhưng nói chung cô không phê phán Đảng. Cô không quan tâm đến lí thuyết của Đảng, trừ những điều liên quan trực tiếp đến đời tư của cô. Anh để ý thấy cô không sử dụng Ngômo, nếu có thì đấy là những từ đã trở thành thông dụng. Cô chưa từng nghe nói đến Huynh Đệ và không tin là nó đang tồn tại. Cô coi mọi cuộc nổi dậy có tổ chức đều là ngớ ngẩn vì nhất định sẽ thất bại. Người khôn là người có thể vi phạm các qui định mà vẫn không sao. Anh lơ đãng tự hỏi có bao nhiêu người thuộc thế hệ trẻ như cô, thế hệ lớn lên sau Cách Mạng, không biết gì khác ngoài việc coi Đảng là một cái gì đó bất di bất dịch, như thể bầu trời, không bao giờ nổi loạn chống lại quyền lực của nó, mà chỉ tìm cách trốn tránh như thỏ trốn chó săn thôi.

Họ không nói đến chuyện cưới xin. Chuyện đó có vẻ xa vời quá, chẳng nên nghĩ đến làm gì. Không một uỷ ban nào chấp thuận, ngay cả khi Winston đã li dị được với cô vợ cũ là Katherine. Đấy là chuyện vô vọng.

“Chị ấy là người thế nào, là em nói chị vợ cũ của anh ấy?”, Julia hỏi.

“Cô ấy là người, em có biết từ chánhtudu trong Ngômo không? Nghĩa là người hoàn toàn chính thống, không thể có ý nghĩ xấu.”

“Không, em không biết từ đó, nhưng kiểu người thì hiểu, thậm chí hiểu rõ nữa.”

Anh bắt đầu kể cho cô nghe đời sống gia đình của mình, nhưng hoá ra cô đã biết những nét chính từ trước rồi. Cô còn mô tả, một cách cụ thể, như chính cô trông thấy hay cảm thấy cơ thể cứng đờ của Katherine khi anh vừa chạm phải, cũng như việc cô dường như dùng hết sức để đẩy anh ngay trong lúc đang ôm anh. Anh cảm thấy dễ dàng tâm sự chuyện này với Julia: từ lâu Katherine đã không còn là nỗi dằn vặt của anh nữa, chỉ hơi khó chịu một chút thôi.

“Anh có thể chấp nhận, nếu không có việc thế này”, anh nói. Sau đó anh kể cho cô nghe về cái thủ tục lạnh lùng mà Katherine bắt anh phải làm mỗi tuần một lần, vào đúng tối qui định. “Cô ấy ghét chuyện đó lắm, nhưng bảo thôi thì nhất quyết không chịu. Cô ấy thường bảo… em không thể nào đoán được đâu.”

“Trách nhiệm đảng viên của chúng ta”, Julia đáp liền.

“Làm sao em biết?”

“Anh yêu ơi, em cũng đi học rồi chứ bộ. Mỗi tháng có một buổi nói chuyện về quan hệ nam nữ cho học sinh trên mười sáu tuổi. Phong trào Thanh niên cũng thế. Họ nhồi sọ bao nhiêu năm ấy chứ. Em có thể nói nhiều ca bị lắm. Nhưng dĩ nhiên là anh không thể biết được đâu, con người ta giả dối lắm.”

Cô bắt đầu mở rộng lĩnh vực. Đối với Julia thì tất cả mọi câu chuyện cuối cùng đều quay về đề tài tính dục. Ý kiến của cô về vấn đề này phải nói là rất sâu sắc. Khác với Winston, cô hiểu rõ ẩn ý của chủ nghĩa khắc kỉ trong quan hệ nam nữ mà Đảng cổ vũ. Vấn đề không phải chỉ là bản năng tính dục sẽ tạo cho nó một thế giới riêng, nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng, cho nên phải tiêu diệt bằng mọi cách. Quan trọng hơn là việc kìm chế tính dục sẽ làm cho người ta bị thần kinh, cái này rất tốt, vì có thể lái thành thái độ hiếu chiến hay sùng bái lãnh tụ. Cô giải thích như sau:

“Khi làm tình là anh tiêu tốn năng lượng, sau đó anh sẽ cảm thấy hạnh phúc và anh mặc xác mọi chuyện. Nhưng chúng không chịu. Chúng muốn anh lúc nào cũng sôi lên kia. Tất cả những trò diễu hành, rồi hô khẩu hiệu, vẫy cờ quạt, chỉ có mỗi một mục đích là đè nén dục tính. Nếu anh đã tự cảm thấy hạnh phúc rồi thì việc gì anh phải cuống lên với Anh Cả, với Kế Hoạch Ba Năm, với Hai Phút Hận Thù và mọi trò nhảm nhí khác?”

Đúng quá, anh nghĩ. Đấy chính là mối liên hệ trực tiếp giữa chủ nghĩa khắc kỉ và đường lối chính thống. Làm sao giữ được nỗi sợ hãi, lòng hận thù và niềm tin mù quáng ở mức Đảng cần, nếu không đè nén một bản năng mạnh mẽ nào đó rồi biến nó thành động lực? Đảng coi ham mê nhục dục là một mối đe dọa và Đảng đã sử dụng nó cho mục đích của mình. Tình cảm gia đình cũng rơi vào một cái bẫy tượng tự. Không thể nào bãi bỏ được gia đình, cho nên người ta khuyến khích cha mẹ thương yêu con cái, hệt như ngày xưa vậy. Ngược lại, người ta luôn luôn xúi bẩy trẻ con chống đối cha mẹ; người ta dạy chúng theo dõi cha mẹ và báo cáo, nếu phát hiện được bất kì biểu hiện lệch lạc nào. Gia đình thực chất đã trở thành chi nhánh của Cảnh Sát Tư Tưởng. Ai cũng bị những tên chỉ điểm, những người gần gũi nhất với mình, rình rập suốt ngày đêm.

Anh chợt nghĩ đến Katherine. Nếu cô ta không ngu dốt như vậy, nếu có thể phát hiện được sự lệch lạc của anh thì chắc chắn cô ta đã báo cáo với Cảnh Sát Tư Tưởng rồi. Nhưng lúc đó anh nhớ tới cô là vì cơn nóng bức làm mồ hôi vã ra trên trán. Anh bắt đầu kể cho Julia nghe câu chuyện đã xảy ra, đúng hơn là đã không xảy ra trong một buổi chiều mùa hè oi bức cách đây mười một năm.

Lúc đó họ đã cưới nhau được ba bốn tháng. Họ bị lạc khi đi dã ngoại ở Kent. Họ chỉ đi sau mọi người chừng hai phút, nhưng rẽ sai đường và chẳng mấy chốc đã đi đến một khu mỏ phấn cũ. Một khe sâu từ mười đến hai mươi mét, bên dưới toàn đá cuội, chắn ngang đường đi. Không biết hỏi ai. Katherine rất lo. Đối với cô, bỏ xa đám đông ồn ào chỉ một vài phút đã là vi phạm rồi. Cô muốn quay lại chỗ rẽ và đi theo hướng khác. Nhưng đúng lúc đó Winston nhìn thấy một khóm hoa lạ, mọc giữa những phiến đá ngay bên dưới. Mỗi khóm có vẻ như từ cùng một gốc, nhưng lại có hai màu, màu gạch và màu đỏ tía. Anh chưa từng thấy loại hoa như thế bao giờ nên anh gọi Katherine lại xem.

“Này Katherine! Nhìn kìa, hoa lạ không. Cái khóm bên dưới kìa. Em thấy không, hai màu trên cùng một gốc đấy?”

Cô quay lại, thái độ rất bực tức. Cô còn cúi xuống nhìn theo hướng tay anh chỉ. Anh đứng ở đằng sau, lấy tay giữ cạnh sườn cô cho chắc. Anh chợt nhận ra nơi này cực kì vắng vẻ. Xung quanh không một bóng người, không một tiếng chim, lá cây cũng không xào xạc. Những chỗ như thế này thì khả năng có dấu micro là rất thấp, mà có đi nữa thì nó cũng chỉ ghi được tiếng động mà thôi. Đấy là lúc nắng nóng nhất trong ngày. Mặt trời như thiêu như đốt, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. Anh chợt nghĩ…

“Sao anh không đẩy cô ta xuống đấy cho xong?”, Julia nói. “Em thì em đẩy rồi”

“Ừ, em thì em đẩy rồi. Nếu là anh bây giờ thì anh cũng đẩy. Mà… cũng chưa chắc”

“Anh có tiếc là không đẩy không?”

“Ừ. Nói chung anh lấy làm tiếc.”

Họ ngồi bên nhau trên nền nhà đầy rác. Anh kéo cô sát vào mình. Đầu cô ngả trên vai anh, mùi tóc cô át được cả mùi phân chim. Cô còn trẻ quá, anh nghĩ, cô còn hi vọng ở cuộc đời này, cô chưa hiểu rằng đẩy một người mình không ưa xuống khe núi cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.

“Thực ra làm thế cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì”, anh bảo.

“Thế tại sao bây giờ anh lại tiếc là không đẩy?”

“Vì anh cho rằng hành động dù sao cũng hơn bất động. Chúng ta không thể nào thắng trong ván bài này. Đằng nào thì ta cũng thua, chỉ là ta thích kiểu thất bại này hơn kiểu thất bại kia, thế thôi.”

Anh cảm thấy cô lắc vai tỏ vẻ không đồng tình. Cô luôn phản đối mỗi lần anh nói như thế. Cô không chịu nhận rằng đời là khổ. Một đằng, cô biết rằng đã bị tuyên án, rằng sớm muộn gì thì Cảnh Sát Tư Tưởng cũng đến bắt và giết cô; nhưng mặt khác, cô lại tin rằng có thể tạo dựng được một thế giới bí mật để sống theo ý của mình. Chỉ cần khéo léo, may mắn và liều lĩnh là được. Cô không hiểu rằng hạnh phúc là không thể có, rằng chiến thắng nằm ở tương lai rất xa, sau khi ta đã chết lâu rồi, rằng hãy coi ta là một cái xác không hồn ngay từ khi tuyên chiến với Đảng.

“Chúng ta đã là những thây ma”, anh nói.

“Chúng ta đã chết đâu”, cô sửa lại.

“Không phải theo nghĩa đen. Nửa năm nữa, một năm nữa hay cứ cho là năm năm nữa. Anh sợ chết lắm. Em còn trẻ, chắc là còn sợ hơn anh. Chúng ta phải cố gắng kéo dài càng lâu càng tốt. Nhưng cũng không khác nhau nhiều lắm. Khi con người còn là con người thì sống hay chết cũng thế mà thôi.”

“Nhảm nhí! Anh muốn ngủ với em hay với một bộ xương? Anh không thấy sống là vui hay sao? Anh không thích cảm giác: đây là tôi, đây là tay tôi, đây là chân tôi, tôi hiện hữu, tôi khoẻ mạnh, tôi đang sống sao? Anh không thích à?”

Cô ngoái lại và ép sát ngực vào người anh. Qua hai lần áo anh vẫn cảm thấy rõ bầu vú cô, mọng và cứng. Tuổi trẻ và nhựa sống của cô như đang ào ạt rót sang người anh.

“Có, anh thích chứ”, anh nói.

“Thế thì đừng nói đến chuyện chết chóc nữa. Bây giờ thì anh yêu ơi, nghe đây, chúng ta quyết chỗ gặp lần tới nhé. Chúng ta có thể quay lại khu rừng lần trước. Khoảng cách cũng khá lâu rồi. Nhưng chúng ta phải đi đường khác. Em đã nghĩ kĩ rồi. Anh sẽ đi bằng tầu hoả, này nhìn đây, em vẽ cho anh.”

Rồi cô nhanh chóng vun bụi đất thành một ô vuông và lấy cành cây nhỏ rơi từ tổ chim câu xuống để vẽ sơ đồ đường đi.

IV.

Winston đảo mắt nhìn căn phòng tồi tàn phía bên trên cửa hàng của ông Charrington. Bên cạnh cửa sổ là chiếc giường quá khổ, phủ chăn rách với cái gối ôm không vỏ. Chiếc đồng hồ cũ trên mặt lò sưởi vẫn đều đều điểm nhịp. Trong góc, trên cái bàn cánh lật, cái chặn giấy bằng thuỷ tinh mà anh mang lại lần trước lấp lánh sáng.

Trong lò sưởi, ông Charrington để sẵn một cái bếp dầu cũ méo mó, một cái xoong đầy nước và hai cái li. Anh đã mua một gói cà phê Chiến Thắng và mấy viên đường hoá học. Kim đồng hồ chỉ bảy giờ hai mươi, nghĩa là mười chín giờ hai mươi. Cô sẽ tới vào lúc mười chín giờ rưỡi.

Liều mạng, liều mạng quá – anh thầm nhắc đi nhắc lại như vậy – chẳng khác gì tự sát. Trong tất cả tội lỗi một đảng viên có thể phạm thì đây là tội lỗi khó che giấu nhất. Thực ra, ban đầu ý tưởng này chỉ như một cái bóng, giống như bóng của cái chặn giấy trên mặt bàn kia thôi. Đúng như anh dự đoán, ông Charrington đồng ý cho thuê căn phòng ngay lập tức. Ông ta tỏ ra mừng rỡ vì có thêm mấy dollar. Ông ta cũng không tỏ ra ngạc nhiên hay tức tối khi nghe Winston nói sẽ dùng căn phòng cho việc hẹn hò trai gái. Mắt nhìn xa xăm, ông toàn nói những chuyện đâu đâu một cách tế nhị, tạo cho ta ấn tượng rằng ông không hề hiện diện ở đó. Riêng tư, ông nói, giá trị lắm. Thỉnh thoảng ai cũng thích có một chỗ riêng tư. Khi một người tìm được một chỗ riêng tư như thế thì bất kì ai biết được chuyện đó đều phải giữ kín, đấy là phép lịch sự tối thiểu. Ông nói thêm rằng ngôi nhà có hai cổng, cổng thứ hai mở ra sân sau, từ sân sau có đường ra hẻm, khi đó dường như ông đã hoàn toàn không còn hiện diện nữa.

Bên dưới cửa sổ có người đang hát. Winston nấp sau tấm màn sáo bằng vải muslin để quan sát cái sân sau. Nắng tháng sáu còn gắt lắm, trên khoảng sân đầy nắng ở bên dưới, một người đàn bà to lớn, rắn rỏi, hai cánh tay lực lưỡng đỏ au đang đi đi lại lại giữa bể giặt và giây phơi để phơi những tấm vải trắng hình vuông mà Winston cho là tã trẻ em. Mỗi khi không ngậm kẹp là bà lại hát bằng một giọng nữ trầm:

“Chỉ là những giấc mơ thôi,

Vút qua như ngày xuân mới

Người xưa giờ ở nơi đâu

Lòng em thổn thức khôn nguôi

Bao giờ gặp lại người ơi”

Mấy tuần gần đây khắp London, đi đâu cũng nghe thấy bài này. Đấy là một trong rất nhiều bài hát dành cho cu li do Ban Âm Nhạc sáng tác. Lời những bài hát loại này được một cái máy có tên là “Thi sĩ” viết, không cần bàn tay con người can thiệp. Nhưng giọng người đàn bà du dương đến nỗi dù bài hát nhảm nhí nghe vẫn êm tai. Anh nghe thấy tiếng hát, nghe thấy tiếng giày loẹt xoẹt trên mặt đá, tiếng trẻ con hò hét trên đường phố, tiếng động cơ ô tô từ xa vẳng lại, nhưng căn phòng thì vẫn yên tĩnh lạ lùng, ấy là do không có màn vô tuyến.

Liều mạng, liều mạng quá! anh lại nghĩ. Không thể có chuyện đến đây mấy tuần liền mà không bị bắt. Nhưng một chỗ riêng tư, kín đáo, lại gần, quả là điều hấp dẫn. Sau buổi nói chuyện trên gác chuông nhà thờ đổ họ không có dịp gặp nhau lần nào nữa. Gần đến Tuần Lễ Hận Thù phải làm thêm giờ. Còn hơn một tháng nữa cơ, nhưng công việc chuẩn bị phức tạp và nhiều, nên ai cũng phải làm thêm mới kịp. Cuối cùng cả hai cũng tìm cách xin nghỉ buổi chiều vào cùng một ngày. Trước đó họ đã hẹn sẽ gặp nhau trong rừng. Ngay tối hôm trước họ có gặp nhau một lúc ngoài phố. Bình thường trong khi rẽ đám đông để đến với nhau Winston ít khi nhìn Julia, nhưng hôm ấy chỉ nhìn qua là anh đã thấy cô xanh hơn mọi ngày.

“Hỏng rồi”, cô thì thầm khi đã cảm thấy an toàn. “Đấy là em nói ngày mai ấy.”

“Vì sao?”

“Chiều mai. Em không tới được.”

“Tại sao không?”

“Cũng như mọi khi thôi. Nhưng mai bắt đầu sớm hơn.”

Winston tức lắm. Trong một tháng qua, từ ngày quen cô, tình cảm của anh với cô đã thay đổi về chất. Lần đầu có thể nói là chưa có cảm giác gì. Cuộc hò hẹn đầu tiên chỉ là một hành động lí tính. Nhưng sau lần gặp thứ hai thì vấn đề đã khác. Mùi tóc cô, hương vị môi cô, làn da cô dường như đã xâm nhập vào anh, thấm đẫm không gian xung quanh anh. Cô đã trở thành một nhu cầu vật chất không thể thiếu, anh không chỉ muốn mà cảm thấy có quyền sở hữu cô. Khi nghe cô nói rằng không đến được thì anh thấy như bị cô lừa vậy. Nhưng đúng lúc đó hai người bỗng bị đám đông ép sát và tay họ vô tình chạm vào nhau. Cô bóp mạnh mấy đầu ngón tay anh như có ý cầu xin tình yêu chứ không phải là nhục cảm. Anh chợt nhận ra rằng khi sống với một người đàn bà thì những trục trặc kiểu này phải được coi là bình thường, sẽ còn lặp đi lặp lại nhiều lần nữa; trong lòng anh bỗng bừng dậy một tình cảm yêu thương tha thiết, chưa từng có đối với cô. Anh ước ao họ là vợ chồng và đã ở bên nhau cả chục năm rồi. Anh ước họ được đi bên nhau, trên phố, y như lúc này, nhưng là công khai, không sợ hãi, vừa đi vừa nói đủ thứ chuyện và mua những thứ lặt vặt dùng trong gia đình. Nhưng trên hết là ước muốn tìm được một chỗ riêng tư để có thể ngồi bên nhau mà không có cảm giác phải làm tình ngay mỗi khi gặp nhau. Nhưng lúc đó anh chưa nghĩ ra, phải đến ngày hôm sau anh mới nghĩ đến việc thuê căn phòng của ông Charrington. Khi anh nói chuyện đó với Julia thì không ngờ cô đồng ý ngay. Cả hai đều biết rằng đấy là một hành động điên rồ. Có vẻ như họ đang cố tình bước vào nghĩa địa. Vừa ngồi xuống thành giường đợi, anh vừa nghĩ tới những căn hầm trong tòa nhà Bộ Tình Yêu. Anh tò mò dõi theo nỗi kinh hoàng định mệnh thoắt ẩn thoắt hiện trong tâm trí. Nó đang chực chờ ở đâu đó trong tương lai, sau đó là chết, chắc chắn như sau số 99 là số 100 vậy. Không thể tránh được, trì hoãn, thì có thể được; nhưng thay vì thế người ta lại tự nguyện, người ta cố tình rút ngắn khoảng cách đó lại.

Có tiếng chân gấp gáp bước trên cầu thang. Julia lao vào phòng. Cô xách một cái túi vải bạt màu nâu, đây là túi đựng dụng cụ, anh vẫn thường thấy cô khoác trên vai khi đi trong hành lang Bộ. Anh chạy lại định ôm cô, nhưng cô vội vã tránh, có thể là vì cô đang xách cái túi nặng.

“Đợi chút”, cô nói. “Để em cho anh xem em có cái gì. Anh có mang theo cà phê Chiến Thắng kinh tởm ấy không? Em nghĩ là anh có. Anh có thể ném đi được rồi đấy. Xem này.”

Cô quì xuống, mở túi và lấy mấy cái cờ-lê, mỏ lết, tua vít nằm ở bên trên ra. Phía dưới là những bọc giấy nhỏ. Cô đưa cho anh bọc thứ nhất, không biết là cái gì, nhưng lấy tay sờ thì lại như quen. Nặng, giống như cát.

“Đường à?”, anh hỏi.

“Đường thật. Không phải đường hoá học đâu. Còn đây là bánh mì, bánh mì trắng hẳn hoi nhá, không phải loại tởm lợm ta vẫn ăn đâu… đây là lọ mứt, còn đây là lon sữa bò, nhìn này! Thấy em giỏi không! Em phải lấy giấy gói xi măng bọc bên ngoài vì…”

Nhưng cô không cần nói tại sao phải gói kĩ. Mùi thơm nồng ấm, nhắc nhớ một thời thơ ấu, đã toả ra khắp phòng; bây giờ, đôi khi anh cũng còn gặp trong một con hẻm nào đó, trước khi một cánh cửa đột ngột đóng hay thấy nó chợt lượn lờ một cách bí ẩn trên đầu đám đông ồn ào rồi đột ngột tan biến.

“Đây là cà phê”, anh nói. “Cà phê nguyên chất.”

“Đây là cà phê dành cho Đảng Nội Bộ. Hẳn một cân đấy.”

“Em kiếm ở đâu ra đủ thứ thế này?”

“Toàn đồ dành cho Đảng Nội Bộ thôi đấy. Bọn khốn đó chẳng thiếu thứ gì đâu. Dĩ nhiên là bồi bàn và đầy tớ phải ăn cắp chứ… xem này, em kiếm được cả một gói trà nữa này.”

Winston ngồi xổm cạnh cô. Anh xé một góc bọc trà.

“Trà chính hiệu. Không phải lá mâm xôi”, anh nói.

“Gần đây có nhiều trà rồi. Đã chiếm được Ấn Độ hay thế nào không biết”, cô nói phỏng chừng. “Nghe đây, anh yêu. Em muốn anh quay lưng lại, ba phút thôi. Lại ngồi lên giường kia. Đừng đến gần cửa sổ quá. Đợi em kêu mới quay lại đấy.”

Winston nhìn bâng quơ qua tấm màn cửa sổ. Người đàn bà vẫn đi qua đi lại. Bà ta rút hai cái kẹp khỏi miệng và say sưa hát:

“Người bảo rằng rồi sẽ qua đi

Người bảo rằng rồi sẽ quên thôi.

Nước mắt, nụ cười, ngày tháng cứ trôi

Mà lòng em chẳng thể nào nguôi”

Có vẻ như bà ta thuộc lòng bài hát rẻ tiền này. Giọng hát cứ thế bồng bềnh trôi giữa buổi chiều hè êm ả, du dương và man mác buồn. Có cảm tưởng rằng bà ta sẽ rất hài lòng nếu buổi chiều tháng sáu hôm nay cứ kéo dài mãi cho đến vô cùng, nếu cứ có quần áo mà phơi mãi, nếu cứ được móc tã và hát mọi thứ nhảm nhí như thế cả ngàn năm, cả vạn năm cũng được. Anh chợt lấy làm ngạc nhiên khi nghĩ rằng chưa bao giờ nghe thấy đảng viên nào tự hát một mình như vậy. Việc đó có thể bị coi là hơi bất thường, lập dị, giống như thói quen lẩm bẩm một mình. Có thể người ta chỉ có nhu cầu hát khi đứng trên bờ vực của đói nghèo, khốn khổ.

“Anh có thể quay lại được rồi”, Julia bảo.

Anh quay lại và phải một lúc sau mới nhận ra cô. Anh tưởng sẽ nhìn thấy cô khoả thân. Nhưng không phải. Sự chuyển hoá còn đáng ngạc nhiên hơn rất nhiều. Cô vừa trang điểm xong.

Chắc là cô đã rẽ vào một cửa hàng trong khu vô sản và mua một bộ đồ trang điểm. Môi cô đỏ rực, má hồng, mũi bôi phấn, ngay mắt cũng được bôi một cái gì đó, trông sáng hơn. Không được khéo lắm, nhưng Winston cũng có hiểu gì mấy đâu. Anh chưa bao giờ nhìn thấy hay tưởng tượng được một nữ đảng viên môi soi má phấn. Julia trông xinh hẳn lên. Chỉ cần một ít son phấn đúng chỗ là trông cô không chỉ đẹp lên, mà chủ yếu nhất là nữ tính hơn rất nhiều. Mái tóc ngắn và bộ đồng phục kiểu con trai càng tăng hiệu quả. Vừa đưa tay ôm cô, mùi hoa vi-ô-lét nhân tạo đã xộc ngay vào mũi. Anh bỗng nhớ tới căn bếp ngầm tăm tối và cái miệng không khác gì một cái hang của người đàn bà trước đây. Vẫn mùi nước hoa đó, nhưng không quan trọng.

“Nước hoa!”, anh nói.

“Đúng là nước hoa đấy, anh yêu. Anh có biết em sẽ làm gì bây giờ không? Em sẽ kiếm một bộ áo dài và mặc thay cho cái quần chết tiệt này. Em cũng sẽ đi tất lụa và giày cao gót! Thế là trong phòng này em sẽ là vợ chứ không còn là đồng chí nữa.”

Họ cởi vội quần áo và nhảy lên cái giường gỗ đỏ to đùng. Đây là lần đầu tiên anh đứng trần truồng trước mặt cô. Từ trước đến nay anh vẫn ngượng vì thấy mình vừa gầy, vừa xanh, mạch máu nổi khắp bắp chân và vết bầm ngay bên trên mắt cá. Không có vải trải giường, cái chăn bên dưới đã tướp hết, nhưng vẫn mềm, cả hai người đều ngạc nhiên khi thấy cái giường to và êm như thế.

“Lắm rận lắm đây, nhưng không sao”, Julia nói.

Giường đôi chỉ còn trong các nhà cu li thôi. Winston từng được nằm trên một cái giống như thế này, còn Julia thì chưa thấy bao giờ.

Họ thiếp đi một lúc. Khi Winston tỉnh dậy thì kim đồng hồ chỉ gần hai mốt giờ. Anh không động đậy vì Julia đang gối đầu lên tay anh. Son phấn trên mặt cô đã chuyển hết sang anh và cái gối ôm, nhưng một ít phấn hồng còn sót lại vẫn làm khuôn mặt cô trông xinh đẹp hơn. Ánh mặt trời sắp tàn chiếu thẳng vào chân giường, nhờ đó có thể nhìn rõ những thứ để bên trong lò sưởi, nước trong xoong đã sôi từ lâu. Không thấy tiếng người phụ nữ hát nữa, chỉ có tiếng hò hét của trẻ con vọng lại từ xa. Anh lờ mờ tự hỏi, chả lẽ trước đây, trong cái quá khứ đã bị xoá bỏ ấy, việc người ta, ấy là nói một người đàn ông và một người đàn bà, có thể nằm bên nhau, không một mảnh vải che thân, muốn làm tình lúc nào thì làm, muốn nói gì thì nói, không cảm thấy cần đi đâu, chỉ nằm và nghe tiếng vọng của đời thường từ ngoài phố đưa lại như thế này, là việc bình thường ư. Không, không thể nào có chuyện đó được. Julia đã tỉnh, cô dụi mắt và chống khuỷu tay để vươn người lên nhìn cái bếp dầu.

“Cạn một nửa nước rồi”, cô bảo. “Em dậy pha cà phê đây. Còn một tiếng nữa cơ. Nhà anh mấy giờ thì cúp điện?”

“Hai ba giờ rưỡi.”

“Khu tập thể của em thì hai ba giờ. Nhưng phải về nhà sớm hơn vì… A, cút ngay, đồ bẩn thỉu!”

Cô nhoài người ra và nhặt cái giày trên nền nhà rồi vung tay ném vào góc phòng, động tác giống hệt như ném cuốn từ điển vào mặt Goldstein ở buổi Hai Phút Hận Thù sáng hôm trước.

“Cái gì thế?”, anh ngạc nhiên hỏi.

“Chuột cống. Em thấy cu cậu thò mõm ra khỏi ván ốp chân tường kia kìa. Chắc ở đó có hang. Nhưng dù sao nó cũng sợ lắm rồi.”

“Chuột cống!”, Winston thì thầm. “Phòng này có chuột!”

“Đâu chả có”, Julia vừa nói vừa ngả người ra như cũ. “Ngay trong bếp nhà tập thể của em cũng có. Có những khu nhiều khủng khiếp nữa cơ. Chúng tấn công cả trẻ con đấy, anh không nghe nói à? Đúng thế đấy. Có những chỗ không dám để trẻ em nằm một mình nữa cơ. Những con lớn màu vàng là dữ nhất. Nhưng tởm nhất là giống này…”

“Thôi đi!”, Winston nói, mắt nhắm lại.

“Anh yêu ơi! Mặt anh trắng bệch ra rồi này. Sao thế? Anh sợ chuột à?”

“Trên đời này anh sợ nhất là chuột đấy!”

Cô quấn chặt lấy người anh, như muốn dùng hơi ấm của cơ thể để trấn an anh. Anh chưa mở mắt ra ngay. Anh như cảm thấy đang ở giữa cơn ác mộng mà thỉnh thoảng anh vẫn gặp trong giấc ngủ. Anh đứng trước một bức tường tối đen, phía sau là một cái gì đó kinh khủng, không thể chịu nổi, anh không dám nhìn. Nhưng cái chính là cảm giác tự dối mình vì anh biết rõ đằng sau bức tường đen đó là cái gì. Nếu dùng hết sức, nếu có thể giật được một ít óc ra khỏi não thì anh cũng có thể đưa được điều đó ra ngoài ánh sáng. Anh luôn thức dậy mà không biết đấy là cái gì: nhưng nó có liên quan thế nào đấy với câu chuyện mà Julia nói trước khi bị anh cắt ngang.

“Anh xin lỗi – Anh nói – Không có gì đâu. Anh rất ghét chuột, thế thôi”

“Đừng lo, anh yêu. Bọn chúng không ra được nữa đâu. Trước khi về em sẽ nút cái lỗ bằng vải bạt. Lần sau em sẽ mang theo ít vữa và trám hẳn lại.”

Tâm trạng hoảng hốt qua mau. Cảm thấy ngượng, Winston ngồi dịch ra gần đầu giường. Julia đứng lên lấy quần áo mặc và đi pha cà phê. Mùi thơm ngào ngạt và hấp dẫn đến nỗi họ phải đóng cửa sổ: nhỡ có kẻ nào tò mò, thêm rách việc. Không chỉ mùi vị, điều đặc biệt ở đây chính là cái cảm giác êm dịu trên đầu lưỡi của đường tự nhiên, thứ đường mà Winston đã quên từ lâu. Một tay đút túi, tay kia cầm mẩu bánh mì phết mứt, mắt lơ đãng nhìn vào cái tủ sách, Julia vừa đi vừa giảng giải cách chữa cái bàn cánh lật rồi quăng người xuống cái ghế bành để kiểm tra xem có êm không và bắt đầu ngắm cái đồng hồ có mười hai chữ số với vẻ thích thú. Cô cầm cái chặn giấy lại đầu giường, gần cửa sổ, để nhìn cho rõ. Winston bảo đưa cho mình và cũng như mọi khi, anh đưa lên ngắm, không hết ngạc nhiên vì vẻ mềm mại, giống như một giọt nước mưa của nó.

“Cái này để làm gì, anh?”, Julia hỏi.

“Anh nghĩ chẳng để làm gì… anh muốn nói nó chẳng có ích bổ gì. Anh thích chính vì thế đấy. Chỉ là một mảnh vỡ của lịch sử mà người ta quên cải biến mà thôi. Một thông điệp từ cách đây cả trăm năm, ước gì có thể đọc được.”

“Thế còn bức tranh kia”, vừa nói cô vừa hất cằm về phía bức tường đối diện. “Cũng cả trăm năm rồi à?”

“Hơn. Có lẽ đến hai trăm. Khó nói lắm. Bây giờ không thể biết cái gì có từ bao giờ.”

Julia đi lại gần bức tranh.

Chuột chui ở đây ra này”, vừa nói cô vừa lấy chân đá vào ván ốp chân tường ngay bên dưới bức tranh. “Chỗ nào thế này nhỉ? Em đã trông thấy ở đâu rồi?”

“Nhà thờ, trước đây đã là nhà thờ. Gọi là nhà thờ Saint Clement của người Đan Mạch”, anh chợt nhớ khúc đầu bài đồng giao ông Charrington mới dạy và nói thêm giọng buồn buồn: “Cam cam chanh chanh là chuông Clement“.

Anh rất ngạc nhiên khi nghe cô đế theo:

“Nợ mấy đồng xèng là chuông Martin

Bao giờ trả đây? là chuông Barley”

Em không nhớ đoạn sau. Nhưng em nhớ hai câu cuối: “Nghe thì thắp nến cho đi vào gường/ Không nghe rút búa thì mày tan xương”.

Nghe như một khẩu lệnh. Nhưng sau Barley phải còn một câu nữa. Nếu khéo gợi ý, ông Charrington có thể nhớ được cũng nên.

“Ai dạy em thế?”, anh hỏi.

“Ông em. Ông thường hát bài này khi em còn bé tí. Khi em lên tám thì ông bốc hơi, dù sao thì ông cũng biến mất. Em cứ thắc mắc không biết chanh là gì”, cô nói thêm một cách bâng quơ. “Cam thì em thấy rồi. Quả tròn, màu vàng, da dày.”

“Chanh thì anh còn nhớ”, Winston nói. “Hồi những năm năm mươi sẵn lắm. Chua, chỉ thấy mùi đã ứa nước dãi ra rồi.”

“Em ngờ rằng rận nằm sau bức tranh này này – Hôm nào rỗi em sẽ tháo xuống để rửa. Có lẽ đến giờ rồi đấy. Em phải rửa sạch phấn đi đã. Buồn quá! Sau đó em sẽ lau son cho anh.”

Winston còn nằm thêm mấy phút nữa. Trời tối dần. Anh quay sang phía cửa sổ và lại ngắm cái chặn giấy. Thú vị không phải là san hô mà chính là phần kính bên trong. Vừa sâu lại vừa trong suốt như là không khí vậy. Mặt cong bên ngoài giống như bầu trời trùm lên một thế giới nhỏ xíu, kể cả bầu khí quyển bao quanh. Winston bỗng cảm thấy như anh có thể chui vào bên trong, thực ra anh đã ở bên trong rồi, cả anh, cả cái giường, cái bàn, bức tranh và chính cái chặn giấy nữa. Cái chặn giấy là căn phòng này, còn mẩu san hô là cuộc đời anh và cuộc đời Julia, đã bị nhốt kín vĩnh viễn trong lòng nửa quả cầu pha lê.

Comments are closed.