Xã hội dân sự xây dựng Luật Biểu tình

Trà Mi-VOA

clip_image001

Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

Lần đầu tiên một tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước xây dựng dự thảo Luật Biểu tình và mở chiến dịch vận động kêu gọi Việt Nam sớm thông qua luật cho phép người dân bày tỏ chính kiến.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nói dự thảo luật do Ban Cải cách Thể chế của Hội đề xướng nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thật sự, những bức bối cấp bách trong xã hội hiện nay về quyền tự do tư tưởng và nhu cầu được thể hiện quan điểm của người dân.

Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho VOA Việt ngữ biết:

“Cứ mỗi năm có ít nhất 1 ngàn cuộc đình công. Từ năm 2008 tới nay có ít nhất hàng ngàn cuộc biểu tình của dân chúng liên quan tới đất đai. Dân oan tại Việt Nam, dù nhà nước không công bố con số chính thức nhưng theo khảo sát sơ bộ của giới hoạt động thì tầng lớp dân oan tại Việt Nam có thể lên tới hơn 1 triệu người. Điều đó cho thấy xã hội vô cùng bức xúc. Vấn nạn xã hội liên quan đến vấn nạn chính trị, liên quan tới tinh thần phản kháng chống Trung Quốc và sự xâm lăng kinh tế, đàn áp chính trị-tư tưởng của Trung Quốc suốt những năm vừa qua. Đặc biệt vụ giàn khoan HD 981 vừa rồi cho thấy sự bức xúc vô cùng lớn trước hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc, buộc dân chúng phải phản ứng. Phản ứng như thế nào? Phải xuống đường biểu thị một cách ôn hòa và chính đáng. Nhưng nhà nước đã ngăn cấm điều đó và còn đàn áp hết sức thô bạo. Tôi muốn nói đó là những nhu cầu hết sức bức thiết liên quan đến đời sống dân sinh, tự do về mặt tư tưởng và thể hiện chính kiến của người dân.”

Trong thư phát động gửi người Việt và các tổ chức trong và ngoài nước, những người khởi xướng dự luật Biểu tình nhấn mạnh biểu tình là quyền của công dân, nhà cầm quyền không được dùng các văn bản dưới luật để điều chỉnh quyền căn bản này, theo quy định của Hiến pháp Việt Nam.
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nói từ Hiến pháp 1992 tới nay không có bất kỳ văn bản luật nào được ban hành dành cho quyền biểu tình của người dân và nhà nước cũng ‘hoàn toàn thiếu thiện chí’ khi tìm mọi cách trì hoãn việc xây dựng và đưa luật biểu tình ra Quốc hội.

Hôm Thứ sáu, chính phủ vừa đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII vào tháng 5 năm nay sang kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV dự kiến tháng 10 năm sau.

Trả lời báo giới năm ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường từng nói ông muốn luật Biểu tình có thể được thực hiện năm nay.

Lãnh đạo ngành tư pháp của Việt Nam cũng thừa nhận rằng cần sớm thông qua luật, ‘không thể để treo mãi’ quyền con người cơ bản vốn được quy định bởi Hiến pháp.

Ông Cường nói quyền biểu tình ‘nếu có bị hạn chế thì phải hạn chế bằng Luật chứ không thể bằng nghị định của Chính phủ’ và rằng ‘không phải cái gì biểu tình cũng sai.’

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam nói không thể cải cách thể chế nếu không bắt đầu bằng việc tôn trọng quyền tự do biểu tình của công dân.

Vẫn theo tổ chức xã hội dân sự này, luật Biểu tình có lợi cho cả người dân và nhà cầm quyền, giúp bảo đảm quyền của công dân và nền tảng pháp lý cho cách hành xử của chính quyền.

clip_image002Luật sư Cao Minh Tâm

Dự thảo luật Biểu tình của Hội được soạn thảo bởi một nhóm các chuyên gia trong nước, tham khảo luật quốc tế và các đặc thù của luật trong nước.

Luật gia Cao Minh Tâm, một thành viên chủ chốt trong ban soạn thảo, nói về điểm nhấn của dự luật này:

Trong luật này tôi muốn làm rõ hơn ý mà Hiến pháp đã nêu lâu nay. Trước đó, Bộ Công an có hai văn bản, lợi dụng cái gọi là ‘trật tự trị an’ để hạn chế việc người dân tụ tập đông người. Luật Biểu tình này tôi muốn làm rõ các khái niệm ‘tụ tập đông người’, ‘biểu tình’, ‘đình công’. Cái mà hiện nay tôi muốn nhấn vô luật Biểu tình là mọi chuyện nên làm theo luật. Luật đã có rồi, không phải chưa có đâu, nhưng rất tiếc không hiểu tại sao mà chưa thực hiện được. Khi Hiến pháp 2013 có giá trị, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký rất nhiều văn bản đề nghị triển khai theo luật, mà tôi thấy vẫn không triển khai.”

Hiến pháp Việt Nam công nhận quyền biểu tình của công dân, tuy nhiên, trở ngại chính ở chỗ khi người dân muốn biểu tình phải xin phép và việc xin phép này thường không được đáp ứng mà lại kết cục bằng những vụ bắt bớ, đàn áp của chính quyền.

Luật gia Cao Minh Tâm nói dự luật ông tham gia soạn thảo tán đồng việc xin phép chính quyền trước khi biểu tình:

“Tôi đồng ý điều này để cho biết ý hướng dự định biểu tình như thế nào, có vi phạm luật ánh sáng hay không, giữ trật tự như thế nào để mọi người bảo vệ đoàn biểu tình, tránh kích động. Tham khảo luật của Đức và căn cứ theo hiện thực Việt Nam từ một số điều, tôi đề nghị chỉ xin phép biểu tình trước thời điểm diễn ra từ 12-24 tiếng là vừa đủ. Trong khi đó, Bộ Công an đề nghị phải xin phép trước 1 tuần lễ, lâu quá. Giống như quy trình để đình công là 15 ngày, điều đó không hợp lý.”

Giữa lúc luật Biểu tình do Quốc hội soạn thảo còn bị trì hoãn nhiều lần, dự luật do xã hội dân sự đề nghị  có kỳ vọng thế nào?

Nhà báo Phạm Chí Dũng bày tỏ:

“Tôi chỉ đặt một kỳ vọng nhỏ là xã hội dân sự góp một tiếng nói vào dự luật Biểu tình, đề nghị luật Biểu tình, và đề nghị thảo luận về luật này để góp tiếng nói của dân chúng thể hiện quyền chính đáng của mình. Chứ thật sự tôi không hy vọng vào việc nhà nước hay Quốc hội có thể thông qua luật Biểu tình sớm.”

Dự luật Biểu tình do Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội để lấy ý kiến người dân trong và ngoài nước trước khi trình lên Quốc hội và các ban ngành liên quan.

Các nhà hoạt động kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ vì ‘quyền biểu tình hiến định của người dân Việt Nam.’

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/xa-hoi-dan-su-xay-dung-luat-bieu-tinh/2661551.html

Comments are closed.