Nhà văn trên đường

Phạm Xuân Nguyên

Có lẽ trong giới nhà văn Việt Nam hiện đại, người có được môi trường làm việc như Hồ Anh Thái không nhiều, và người biết chuyển hóa những gì thu nhận được từ môi trường đó vào các sáng tác của mình để tạo nên một luồng chảy giao lưu, tiếp biến đậm chất văn xuôi cá tính như Hồ Anh Thái quả là ít.

Hồ Anh Thái là một nhà văn chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam hiện nay. Chuyên nghiệp từ quan niệm văn chương đến cách thực hành văn chương. Chuyên nghiệp từ việc viết đến việc đọc. Chuyên nghiệp trong ứng xử với thị trường và độc giả. Tóm lại, chuyên nghiệp như một người viết. Anh viết thường xuyên, liên tục, cứ hết sách này lại đến sách khác. Anh viết về nhiều đề tài, nhiều vấn đề, nhiều nhân vật. Anh thay đổi, biến hóa cách viết, biết tôn trọng độc giả và cũng biết giễu cợt độc giả. Văn anh được tìm đọc, tìm mua, được bàn luận khen chê, và anh có lượng độc giả trung thành khá đông đảo của mình ở cả trong và ngoài nước. Cuốn sách mới nhất của anh là tiểu thuyếtNhững đứa con rải rác trên đường (NXB Trẻ, 2014) đang gây dư luận. Tác phẩm được kết cấu là một truyện dài bằng ba truyện vừa, thực chất đó là ba phần của một chỉnh thể được liên kết bằng nhân vật anh lái xe trong chiến tranh với các quan hệ mở ra nhiều mối nhiều chiều với quyền lực, đàn bà, gia đình, con cái. Cuốn tiểu thuyết là một bức tranh xã hội Việt Nam mấy chục năm qua chiến tranh, hòa bình, thị trường. Cuối sách tác giả còn ghi lại cả gia hệ của mười mấy người con khiến người đọc tưởng đây là chuyện thật của một gia đình. Những đứa con rải rác trên đường vừa theo nghĩa đen là anh lái xe đi tới đâu đều có con rơi ở đó, vừa theo nghĩa bóng đàn con của anh ta rải rác tan tác khắp nơi khắp chốn tìm ngả sống, lại vừa có nghĩa biểu tượng đàn con Việt tung tóe khắp bốn phương tám hướng sau những xáo trộn lịch sử, thăng trầm thời cuộc. Đọc tác phẩm này người đọc được cười thích thú, lại được ngậm ngùi tê tái, và được đọng lại những cay đắng trầm tư. Tuy nhiên xét trong mấy cuốn sách của Hồ Anh Thái ra trong dăm năm lại đây, tiểu thuyết Dấu về gió xóa (2013) đáng được chú ý hơn cả về cách viết và nội dung.

clip_image001

Nhà văn Hồ Anh Thái

Bối cảnh của cuốn truyện là đảo Xanh, một đảo quốc ngoài khơi Ấn Độ Dương, nơi nghe đồn đoán có một nhà tù bí mật giam giữ nhiều nhân vật quan trọng nổi tiếng của thế giới mất tích lâu nay, do đó đây là chốn gặp gỡ va chạm của nhiều loại người đến từ khắp nơi trên hành tinh. Những câu chuyện hư thực đan xen giữa những con người bị rơi vào hoàn cảnh phải xóa sạch quá khứ: một ông chủ tiệm ăn người Mỹ đi tìm tung tích cựu tổng thống Mỹ Kennedy mà ông tin chưa chết, một giáo sĩ quả quyết mình đã gặp và cầu nguyện cho Saint Exupéry ngay cả khi thế giới tin chắc ông đã qua đời, một nhân viên ngoại giao kiêm giáo sư thỉnh giảng của một trường đại học địa phương, một nữ điệp viên của phong trào dân tộc cực đoan, một hoàng tử của vương triều đã phế nhưng lại đồng thời là bộ trưởng cách tân đơn độc của một quốc gia bé nhỏ nhiều kẻ thù chỉ vì quá giàu có dầu mỏ…

Tôi không rõ Hồ Anh Thái đã khởi thảo tác phẩm mới này của mình khi còn ở trong nước, hay khi anh đã là một viên chức ngoại giao tại sứ quán Việt Nam ở Iran. Nhưng quả là cái nghề ngoại giao anh làm đã cho anh cơ hội đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều người, nhìn và thấy và biết nhiều phong tục tập quán, địa dư văn hóa, chính trị lịch sử, kinh tế xã hội của nhiều vùng đất, nhiều sắc tộc. Trong cái bộ cánh của nhà ngoại giao, của một công chức làm công việc đối ngoại, là một tâm hồn nhà văn, là con mắt và trái tim của một con người tìm đến sự hòa điệu thấu hiểu cảm thông giữa những con người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo. Có lẽ trong giới nhà văn Việt Nam hiện đại, người có được môi trường làm việc như Hồ Anh Thái không nhiều, và người biết chuyển hóa những gì thu nhận được từ môi trường đó vào các sáng tác của mình để tạo nên một luồng chảy giao lưu, tiếp biến đậm chất văn xuôi cá tính như Hồ Anh Thái quả là ít.

Đời văn của Hồ Anh Thái đã trải gần ba mươi năm, trong đó có một chặng có thể gọi là “thời kỳ Ấn Độ” rất đậm nét và sâu sắc. Trước khi sang New Deli làm việc tại đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ, cái tên Hồ Anh Thái đã gây được sự chú ý qua một số truyện ngắn và vài cuốn truyện, nhưng chỉ mới là bước đi ban đầu, chưa thực sự nổi bật. Nhưng trong và sau khi ở Ấn Độ về, sáng tác của Hồ Anh Thái đã có một mảng truyện viết về xứ sở của Đức Phật mang đậm chất tôn giáo và lịch sử với một cách nhìn cuộc sống và con người đầy nhân văn, nhân ái. Có thể nói, Ấn Độ đã trở thành một miền cảm hứng của nhà văn, là niềm đam mê lớn của anh. Anh không chỉ viết văn mà còn nghiên cứu, không chỉ là nhà văn anh còn là nhà văn hóa, và những con người xứ lạ ấy “đã sống với tôi, đã trở thành nhân vật của tôi” như anh từng nói. Văn học viết về từng nơi chốn cụ thể, từng thân phận cụ thể, nhưng là để từ những cái cụ thể ấy nối kết mọi con người ở mọi nơi chốn lại với nhau, gần bên nhau, giúp họ tìm được một sự đồng cảm của cuộc sống và tình yêu thương, trân trọng. Mảng truyện Ấn Độ của Hồ Anh Thái gây kinh ngạc vì sự hiểu biết cặn kẽ, thấu đáo cuộc sống, tâm tình của người dân một đất nước có nhiều sắc tộc, nhiều tôn giáo, nhiều huyền thoại huyền tích, nhưng mạnh mẽ, sâu xa hơn là cái cách nhà văn biết nhìn ra những vấn đề chung của cõi người và con người trong những sự khác biệt, độc đáo. Vốn văn hóa từ cả tri thức sách vở và kinh nghiệm thực tế hoà quyện nhau trên từng trang viết đã đem lại cho các tác phẩm của Hồ Anh Thái giai đoạn Ấn Độ một sức cuốn hút lạ lùng. Đọc chúng, người đọc được nhập mình vào một không gian lịch sử văn hóa xa lạ nhưng tò mò và quyến rũ thôi thúc phải khám phá, tìm hiểu.

Hồ Anh Thái có duyên với nhiều nơi anh đặt chân đến trên đường công du và du lịch, dù là trong tư cách một nhà ngoại giao hay một khách du, dù là khi đi hội đoàn hay khi một mình cất bước. Cái viết của anh theo từng bước đi không chỉ có ở thể loại hư cấu (tiểu thuyết, truyện ngắn), mà có cả ở những bút ký, ghi chép kể lại những việc thực người thực anh gặp trên con đường mình đi. Ở đó, theo đúng tính chất của thể loại, non-fiction, cái trong văn học Việt Nam đang ít được quan tâm viết và đọc nhưng ở nước ngoài thì được đánh giá cao từ cả phía người viết và người đọc, Hồ Anh Thái đã lại bắc thêm một nhịp cầu cho người Việt ra thế giới, gặp gỡ làm quen tìm hiểu nhiều thành phần xã hội, nhiều mảnh đời khác nhau, nhiều cảnh ngộ đa dạng. Con mắt và tấm lòng của một nhà văn Việt Nam đi nhiều thấy nhiều, biết chăm chú nhìn và nghe, biết ghi lại và ngẫm ngợi mọi biểu hiện của cuộc sống con người trên mỗi mét địa dư và mỗi xung động văn hoá ở nơi khác, người khác, làm cho văn Hồ Anh Thái viết về nước ngoài luôn rung động cảm xúc chân thành và gợi nhiều liên tưởng sâu xa. Liên tưởng là một động thái tư duy luôn có ở mỗi cái viết nhìn ra ngoài và nhìn ngoài vào của bất kỳ nhà văn nào, dù có khi nổi lên bề mặt câu văn hoặc có khi ẩn chìm dưới các con chữ. Văn Hồ Anh Thái là loại văn trầm lắng, ở những cái viết về nước ngoài không phải bao giờ nhà văn cũng bộc lộ liên tưởng trong ngoài một cách rõ ràng, nhưng đọc anh luôn luôn ta phải nghĩ đến người đến ta. Nhà văn rốt cuộc vẫn là viết cho người đọc trong nước, có tìm mình ở nơi khác mình thì cũng là để mình hiểu rõ mình hơn, từ đó bước ra thế giới vững vàng hơn.
Trở lại tiểu thuyết Dấu về gió xóa, nhân vật chính xưng Anh, một nhà ngoại giao, như là một người Việt, đã tham dự vào tất cả đời sống chính trị văn hoá tôn giáo trên đảo quốc có cái nhà tù bí mật mà ai cũng muốn biết nên tìm mọi cách để biết. Kết cấu cuốn truyện đan xen nhiều lớp nhiều tầng tạo cho nhà văn có thể dựng lên cả một bức tranh sống động về mọi mặt của cuộc sống đương đại ở tầm thế giới. Bước vào tác phẩm này của Hồ Anh Thái là bước ra thế giới hiện nay, mỗi người đọc phải tự chuẩn bị tâm thế, tinh thần để cùng nhân vật và tác giả làm cuộc hành trình tìm về chính mình.
Và như thế, văn chương Việt hôm nay cần nhiều những nhà văn chuyên nghiệp như Hồ Anh Thái.

Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/xe-do-ra-pho/3573/nha-van-tren-duong.ndt

Comments are closed.