Trí thức là…

Vũ Thị Phương Anh

Trí thức trước hết là người được học hành tử tế và có một nghề chuyên môn sâu. Và vì là người được học hành tử tế nên họ có những hiểu biết đúng đắn về con người và xã hội.

Giới trí thức được nhiều người, nhiều xã hội mong đợi như một lực lượng để thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực hơn. Điều này có lẽ không ai phản đối, kể cả những người được cho là, hoặc tự nhận là, trí thức.

Nhưng thay đổi xã hội như thế nào, và bằng cách nào?

Nếu cả xã hội rơi vào cơn mê sảng, tụng ca một chế độ bạo quyền, mà người trí thức vì sự tự trọng, vì nhân cách, vì giá trị của mình, chọn thái độ im lặng chứ không hòa vào bản tụng ca ấy, dù bị ghét bỏ, thậm chí phải hy sinh rất nhiều quyền lợi của mình, thì họ có đang làm cho xã hội thay đổi không? Có đấy.

Nếu tất cả mọi người trong xã hội đều dựa vào sự dối trá để kiếm tiền bất chấp cái hại cho kẻ khác, nếu người dân thì dốt nát và lười biếng, còn quan lại thì chỉ lo vơ vét những gì có thể vơ vét và hoàn toàn trốn tránh trách nhiệm, mà trí thức thì cố gắng phát triển chuyên môn và làm việc dựa trên năng lực thật của mình, đồng thời cố gắng giúp cho những người đồng sự phát triển chuyên môn để họ có thể sống bằng năng lực thật, thì họ đã đóng góp vào sự thay đổi xã hội chưa? Rồi đấy.

Sẽ có những trí thức cảm thấy cần phải làm nhiều hơn thế, hoặc đúng ra là làm khác đi, để thay đổi xã hội nhanh hơn. Họ có thể lên tiếng chống lại bạo quyền, thậm chí họ có thể nghĩ đến việc tạo lực lượng để thay đổi thể chế chính trị vv. Nhưng lúc ấy, họ đang đi vào con đường chính trị. Và trong chính trị, để thắng cuộc thì phải dành được quyền lực bằng cách này hay cách khác.

Tôi nghĩ rằng đang có sự nhầm lẫn giữa vai trò của trí thức và của giới chính khách. Sẽ có những trí thức chọn làm chính khách, nhưng lúc ấy họ là một giới khác và họ lựa chọn thay đổi xã hội bằng một con đường khác. Chính trị nhắm vào sự thay đổi xã hội thông qua quyền lực. Trí thức nhắm vào sự thay đổi xã hội thông qua chân lý. Ai sống đúng với chân lý như mình đã được hiểu, và góp phần phổ biến chân lý đến xã hội, kẻ đó chính là trí thức, và họ đang đóng góp vào sự thay đổi của xã hội rồi.

Giới chính khách thay đổi xã hội bằng các cuộc cách mạng, sử dụng bạo lực hoặc các quyền lực phi bạo lực, để thay đổi thể chế chính trị. Trí thức thay đổi xã hội bằng công cuộc tiến hóa. Và đó là con đường của Phan Chu Trinh.

Riêng tôi, tôi cho rằng VN thật bất hạnh khi đã có quá nhiều cuộc cách mạng trong lịch sử của dân tộc. Ngược lại, công cuộc tiến hóa của chúng ta hình như rất chậm, và thành quả của chúng lại thường xuyên bị phá bỏ bởi các cuộc cách mạng long trời lở đất kia.

FB Vũ Thị Phương Anh

Comments are closed.