Nước Đức & châu Âu, đến và đi… – I

Đỗ Quyên

“Hỡi ôi! Những kẻ lên đường

Đang tâm để cả cô đơn lại nhà”

Nguyễn Bính (1918 – 1966)

*

Văn chương Dân tộc lúc này không nói lên nhiều lắm;

kỷ nguyên của văn chương Thế giới đang tới,

và mọi người cần nỗ lực thúc đẩy nó đi nhanh.”

J. W. Goethe (1749 – 1832)

T

HỜI GIAN THẾ THÁI

(Gửi T, L, D, và v.v.)

Ba mươi năm lỡ gặp nhau
Ba mươi năm nữa còn đâu cõi này

Cớ duyên nào vẫn tôi đây
Lỗi tại tôi lỗi tại đây mọi đàng[1]

Thân bằng đến thế là tan
Thế nhân tình thế là tàn thế nhân[2]

Ba mươi năm đã là nhanh
A di đà Phật cho thành sát na [3]


GIỌNG NÓI MỖI CHÚNG TÔI

(Tặng các bạn học cũ trong-ngoài nước)

30 ngày trước chúng tôi có 3 ngày
chuyện liên hồi kì trận
sau 30 năm

Chúng tôi nhận ra nhau
bằng 30 năm giọng nói

Bộ mặt và dáng đi thì bết bát
(nhìn gương
nhìn ánh mắt người khác
ai cũng muốn liệng mình vô sọt rác)

Tiếng nói – cái bảo toàn
duy nhất

Tôi đã trở về nhà
đứng ngồi nghe lại
từng lời
từng bạn
30 ngày trước
thấy phấn kích chuyện chúng mình đất nước
nói bằng giọng chúng tôi

Lạy Chúa tôi Tổ quốc ơi
Người đừng hiện ra
qua gương mặt hay dáng đi nơi mỗi chúng tôi

Thùng rác thế kỷ đã đầy
Người ạ…


BỨC TƯỜNG TỪ THỨC

(Tặng V & B, T & H, T & L)

“Bởi mi sống bằng thời gian khác
chưa yếu già
như ta
hiển nhiên!”

Bức tường Berlin
phần di tích hẳn cũng dài cả kilômét
nhìn ta
chân cẳng
cười cười
ý hỏi còn có thể leo qua
như hồi ba mươi năm trước

“Mi trẻ trung
ai cũng biết
ta đâu ở không mà thử sức
với chàng Từ Thức thời nay?”


CHUYỆN CHÚNG MÌNH

(Tặng các bạn tỵ nạn Baiersdorf-Hoechstadt và NLT, HH)

… Chúng mình từng tới Trại này
Trú mưa tránh nắng tháng ngày buồn xưa

Giờ đâu mưa nắng nắng mưa
Mái nhà sâu, cánh cửa thưa… Mãi còn…

Hàng rào cao, mảnh sân con…
Một không gian giữ vô vàn thời gian

Có đôi chim én lẻ đàn
Bay về tự chốn xa tràn cung mây

… Chúng mình từng sống Trại này!


TÌM LẠI CÁI KHÔNG CHẾT

(Tặng YP)

Là đây
cây phong vàng ba mươi thu trước
có tôi vận đồ đen

(Xin bạn đọc cho phép
mở chút ngoặc kép:

Không hiểu sao mùa thu ấy đồ đen
chịu tang ai
không hề
cả mẹ lẫn cha đi xa nhiều năm từ trước
chẳng lẽ sang xứ lạ còn rấm rứt
Nói cho ngay
đây cũng chửa bao giờ chở tang Tổ quốc – Đất nước
như mấy bác mấy chú cực đoan
Tổ quốc – Đất nước cặp đôi danh từ riêng
không có phụ từ nào dính đến chữ Chết
Đóng ngoặc ngay đây trở lại
tấm hình bạn chụp
đã mất
có tôi
trên dưới lá rực vàng trong một bộ tuyền đen)

Thì vẫn
bức ảnh nay mất tiêu
trước chuyến đi mới biết
ba mươi năm
chán vạn việc
đủ các hình thái sắc màu
hai chúng tôi
các bạn cũng thế thôi

Suốt tuần
bạn kéo đi dọc năm, sáu vùng miền Bắc Đức
cố chiều tay nghề của mình đã lên cao
ba mươi năm chứ bộ
bỡn nào

“Người tựa cây
nhìn giời
nắng
màu
mơ tưởng
thôi thì mất cho rồi!”

“Miễn nó không chết…”

“Mai sớm
trước khi ra tàu
ta đi tìm tiếp
cái hôm nay
cài dây an toàn lại
bố mày!”


PHẬN THÚY KIỀU SỐ TỐ NHƯ

(Tặng THQ và NTV)

Từ phòng ăn ra nhà vườn
Còn tính kéo tới hòa nhạc ngoài trời Bach [4]

chuyện tiếp
Ối
chuyện
chuyện
chuyện

Tạm biệt bạn và cả nhà
nhé
Rê qua mấy gương mặt gặp lần đầu đã thuộc
tôi ngoái lên ô cửa nhỏ lầu xinh
đang trách móc
nhìn

Xếp hàng thẳng băng
tuần tự (khiếp, kỷ luật Đức!)
sau rèm cửa xanh
những văn bản Truyện Kiều các kiểu

Ôi
bạn viết lách
cái chi chi
tôi chộp rải rác
chữ tộ chữ tác
tiện tính hỏi mà nhác

Thì vẫn
Phận Thúy Kiều số Tố Như

Nhiều ba trăm năm nữa
Cũng thế thôi
Thì vẫn


CHỢ VIỆT TRỜI ÂU

(Tặng PTH)

Chợ Đồng Xuân  giữa Berlin
Vẫn say như buổi hòa bình Tây – Đông

Em xinh rõ xỉnh xình xinh
Mời bún chả Hà Nội mình đây anh

Chợ Đồng Xuân giữa Berlin
Gắp một gắp trúng cái tình Việt Nam

[Trích bản thảo thơ “Nước Đức & châu Âu, đến và đi”; Phần I: Hình Tổ quốc]
Vancouver, tháng 7 & 8/2018

[1] Phỏng theo Kinh Thú Nhận.

[2] “Giấc mơ đến thế là tan/ Bài thơ đến thế là tàn bài thơ” (Thơ Nguyễn Bính)

[3] Thuật ngữ nhà Phật chỉ đơn vị ngắn nhất của thời gian, vừa một ý niệm.

[4] J. S. Bach (1685 – 1750) nhà soạn nhạc người Đức.

Comments are closed.