Albert Camus

André Maurois

Hôm nay, 7/11, đúng 110 năm sinh của nhà văn Pháp Albert Camus (1913 – 1960), Nobel Văn chương 1957. Tôi đưa lên bài viết về Camus của một nhà văn Pháp cũng nổi tiếng là André Maurois (1885 – 1967). Bản dịch bài này đã đăng trong sách chuyên đề "Viết & Đọc" số mùa Thu 2023 với nhan đề của ban biên tập: "Albert Camus – một xạ thủ tự do".

399949958_6992208704169138_1901314416726555954_n

 

*

Trong tất cả các nhà văn hiện đại, có lẽ, ông là người có số phận văn chương đáng kinh ngạc nhất. Khi hãy còn rất trẻ ông đã trở thành không phải là “người nắm giữ linh hồn” (cách nói này khiến ông bật cười) mà là tấm gương sống của cả một thế hệ. Độc giả nước ngoài ngưỡng mộ ông tới mức ông được giải Nobel ở lứa tuổi mà những người khác đang mơ tưởng hão về giải Goncourt. Tôi nhớ năm 1946 khi đi quanh hai nước Mỹ, tất cả các sinh viên đều hỏi tôi về Sartre và Camus. Danh tiếng thế giới này dựa trên hành trang nào? Cuốn tiểu thuyết dung lượng không lớn “Kẻ xa lạ”, vở kịch “Caligula”, mấy bài tiểu luận, trong đó có bài “Huyền thoại Sysiphe”.

Vậy nguyên nhân là ở đâu?

Ở chỗ Camus đã diễn tả được những linh cảm mơ hồ của thế hệ trẻ thời chiến tranh và hậu chiến.

Albert Camus sinh tại Algérie. Con người của mặt trời và niềm vui, lúc nhỏ ông đã va chạm với sự bần cùng, lớn lên gặp cảnh chiến tranh. Những suy tư hồi trẻ của ông đã sinh ra “Huyền thoại Sysiphe” – vị thần bị trừng phạt đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, lên tới nơi do sức nặng của nó hòn đá lại lăn xuống chân núi. Huyền thoại này tượng trưng cho đời người. Chúng ta làm gì trên trái đất, nếu không phải là một công việc vô vọng? Khi ta phải hết sức khó nhọc mới đẩy được hòn đá lên đỉnh núi, bệnh tật và chiến tranh lại khiến nó lăn xuống, và dù thế nào đi nữa, cuộc sống cũng kết thúc bằng cái chết, bằng sự sụp đổ. Ý thức được sự vô nghĩa của cuộc đời lăng xăng bận bịu này nghĩa là nhận ra được sự phi lý của thân phận con người. Trong cái thế giới không hy vọng, chẳng ảo tưởng đó, con người cảm thấy mình là “kẻ xa lạ”.

Thoát đâu bây giờ? Tự sát ư? Hy vọng bắt mình chịu đựng được nhờ công việc, sáng tạo của mình ư? Không. Chính khi tôi nói ra những lời này, cái bóng của Camus đã khiến tôi cảm nhận rõ rệt mình đang bị kẹp giữa các bức tường của sự phi lý. Phải, viết mà làm gì? Mọi nỗ lực tuyệt vọng này để làm gì, nếu như đằng nào ngày mai tôi cũng sẽ chết? Vì vinh quang ư? Nó thật đáng ngờ, vả lại nếu nó có ngẫu nhiên chạm đến tôi thì tôi cũng chẳng biết được. Cái kiểu xã hội mà những tác phẩm loại đó có thể làm thích thú đã qua rồi, nó biến mất, giống như đến một lúc nào đó chính Trái Đất cũng sẽ biến mất. Vậy làm thế để làm gì. Từ nhỏ chúng ta đã sống bằng tương lai. “Ngày mai… Sau này… Lớn lên sẽ biết”. Nhưng ngày mai là một nấm mồ. Tới một ngày con người nhận ra hắn bị đánh lừa, và cơn phẫn nộ của hắn khi đó chính là sự phi lý.

Camus đề nghị chúng ta điều gì? Là đứa con của mặt trời, ông không chấp nhận tuyệt vọng. Không có tương lai ư? Thì mặc, ta cứ vui cùng hiện tại. Trở thành một vận động viên hoặc một thi sĩ, hoặc là cả hai. Lý tưởng của con người phi lý là tận hưởng cái nhất thời. Sysiphe ý thức được thân phận nặng nề của mình, và ý thức rõ ràng đó là mở đầu cho chiến thắng của chàng. Ở đây Camus gần với Pascan. Cái lớn lao của con người là biết rằng nó phải chết. Cái lớn lao của Sysiphe là ở chỗ biết rằng hòn đá nhất định sẽ lăn xuống dưới. Chính ý thức đó biến số phận thành công việc của bàn tay con người, do mọi người thu xếp với nhau.

Cần phải hình dung ấn tượng mà cuốn sách xuất hiện năm 1942 đã gây nên cho thanh niên Pháp. Chưa bao giờ thế giới tỏ ra phi lý hơn thế. Chiến tranh, chiếm đóng – những cái phơi bày rõ ràng sự thắng thế của bạo lực và bất công – đã bác bỏ không thương tiếc tư tưởng về một thế giới được xây dựng hợp lý. Vào đầu thế kỷ Sysiphe, tức là con người, đã đưa được hòn đá của mình lên khá cao trên sườn dốc số phận. Trước chiến tranh 1914 tất nhiên không phải mọi việc đều đã tốt đẹp, còn lâu mới được thế, tuy nhiên có nhiều cái, ít ra là ở Pháp, đã được tốt hơn. Những từ “hy vọng”, “tiến bộ” có đầy ý nghĩa. Trong bốn năm Thế chiến I hòn đá đã lăn xa xuống dưới, nhưng Siyiphe vẫn dũng cảm gánh lấy công việc vĩnh hằng của mình. Cuộc Thế chiến II đã phá tan mọi hy vọng. Tất cả bị đè bẹp dưới tảng đá. Sysiphe bị vùi dưới đá, bất lực và tuyệt vọng. Chính khi đó một tiếng nói trẻ cất lên: “Vâng, đúng thế; vâng – thế giới là phi lý; vâng – không còn gì để chờ đợi ở các thánh thần nữa. Thế nhưng hãy nhìn thẳng vào số phận nghiệt ngã, nhìn để hiểu rõ nó, khinh miệt nó, và bằng khả năng của bàn tay con người, thay đổi nó”. Dễ hiểu là tiếng nói đó đã được lắng nghe. Chỉ có thế, hoặc là không có gì.

Vậy là nhà văn trẻ ngay từ bước đi ban đầu đã nhập được vào chính trái tim của thế giới hiện đại. Vai trò của ông, nói thô thiển, là làm cho thế giới này trở nên chấp nhận được đối với thế hệ trẻ đang tuyệt vọng, mà vẫn không phủ nhận là sự tuyệt vọng đó có cơ sở. “Kẻ xa lạ” là biến thể cuộc sống của “Huyền thoại Sysiphe”, một con người bị kết án tử hình vì một tội ác phi lý và được cứu thoát bởi cái đã giết chết hắn. “Dịch hạch” giữ vai trò đối với sự tồn tại tập thể giống như vai trò của “Kẻ xa lạ” đối với sự tồn tại cá nhân. Giống như Merchault phát hiện cho mình vẻ đẹp cuộc sống nhờ cú sốc khiến chàng phản kháng, cả thành phố Oran được thức tỉnh khi bị cách ly do dịch tả hoành hành.

Nhưng Camus còn có phần thứ hai; đó là “Kẻ nổi loạn”. “Tôi tin là tôi không tin gì cả, – Kẻ nổi loạn nói. – nhưng tôi không thể nghi ngờ việc tôi phản kháng”. Kẻ nổi loạn – đó là người nói “không”, nhưng hắn không thể nói “không” với cái đang tồn tại mà không nói “có” với một cái gì khác. Ông nói “có” với cái gì? Đoạn kết cuốn sách vang lên đầy dũng cảm. Camus không từ bỏ sự phản kháng, không xem thường hành động. Nhưng ông đặt lên cao nhất là cảm giác mức độ. “Châu Âu rách nát của chúng ta không cần sự nôn nóng, mà cần sự làm việc và thấu hiểu nhau”. “Điều khôn ngoan thật sự đối với tương lai là hãy dồn tất cả cho hiện tại”.

Ở đây, hôm nay, không chậm trễ – đấy chính là nơi phải ra tay làm việc. Đó sẽ là nặng nề. Không bao giờ chấm dứt được bất công, nhưng con người sẽ mãi mãi phản kháng chống lại bất công. Đây là điều Quỷ nói với chúng ta: Eritis sicut dei (Các ngươi sẽ như thần linh). Để thành người hôm nay cần phải thôi thành thần. Camus không lặp lại lời Voltaire: “Cần phải cày xới mảnh vườn của mình”. Ông, theo tôi, muốn đề nghị giúp những người tủi nhục cày xới mảnh vườn của họ. “Người nghệ sĩ thực sự dấn thân là người không từ bỏ chiến đấu, nhưng từ bỏ đứng trong đội quân thường trực; tôi muốn nói – một xạ thủ tự do”. Đấy là câu cuối của Camus, và không nên quên rằng trong tất cả những người tham gia cuộc đấu tranh, xạ thủ tự do là người dễ bị thương tổn nhất.

Camus không chịu nổi việc người ta coi ông là người truyền giảng đạo đức, dù là cá nhân hay xã hội. “Tôi không phải là người đức hạnh” – ông nói. Và tôi cho rằng ông thực sự có những sự “vượt rào”. Rất may. Nghệ sĩ lớn – đó trước hết là người yêu đời lớn. Camus đã ghi vào “Sổ ghi chép” của ông bốn điều kiện hạnh phúc theo cách hiểu của Edgar Poe: 1 – sống thật mình; 2 – được yêu mến; 3 – từ bỏ tham vọng hiếu danh; 4 – sáng tạo. Một cương lĩnh sống hay, và theo tôi cảm thấy, Camus đã theo đuổi được nó. Người ta tôn kính và phủ nhận ông. “Tôi bắt đầu tránh sự quá nhạy cảm đối với những nhận xét của người khác về mình” – ông viết trong “Sổ ghi chép”. Di sản sáng tạo của Camus thật đáng kinh ngạc về tính toàn vẹn và hình thức thuần chất. Ông là nhà cổ điển vĩ đại và đồng thời là nhà nghệ sĩ hiện đại, gắn bó chặt chẽ với thời đại mình. Và ông vẫn là tấm gương của một nhà văn không bao giờ đầu hàng.

Ngân Xuyên dịch từ bản tiếng Nga

Моруа А. От Монтеня до Арагона

(André Maurois. Từ Montaigne đến Aragon),

Nxb “Raduga”, M. 1983, tr. 583 – 586

Comments are closed.