Đồng vọng

Trần Mộng Tú

(Gửi về Phước Huệ Thiền Tự

Tacoma, Washington)

Tìm chuông chỉ thấy mái không

Đêm qua ai chở qua sông mất rồi (tmt)

 

image

 

Nhà sư trở về sau một chuyến đi xa. Ông trở về trời tối lắm rồi, mái chùa và những hàng cây đã nhòe trong bóng đêm, ông cũng nhòe trong bóng đêm, dò dẫm đi nhẹ nhàng không gây tiếng động tìm về phòng mình. Người trông chùa đã yên ngủ. Ông thay quần áo, rũ bỏ bụi bặm đường xa, rửa mặt, rủa tay sạch sẽ, lên chánh điện thắp nhang tạ Phật trước khi đi ngủ.

Gọi là chùa nhưng thực ra chỉ là một căn nhà cũ trong một khu đất rộng. Sư rước Phật vào, nhang đèn, hoa, quả, câu kinh tiếng kệ, rồi thiện nam tín nữ đến. Sư đặt cho ngôi nhà một cái tên. Có chuông thu không, có mõ nhịp tụng, có cơm chay, ngôi nhà dần dần thành ngôi chùa. Khu đất rộng mênh mông, nhà sư dự tính sẽ xây một ngôi chùa mới, lớn hơn, sẽ có nhiều gian thờ khác nhau, sẽ có dãy nhà ngang cho khách phương xa, sẽ có nhiều tượng, nhiều tranh hơn nữa. Sư dự tính một chương trình to tát trong đầu, có thể to tát hơn cả sức sư làm được. Nhưng lo gì, đã có thiện nam tín nữ bốn phương trời, mười phương phật góp sức vào.

Sư đặt mình nằm xuống giường, mùi nhang bên chánh điện còn bay phảng phất đưa vào tận căn buồng nhỏ của sư, sư chưa ngủ được, tâm trí sư còn để cả vào dự án xây chùa, sư nghĩ đến những bức tượng đúc bằng đá xay tận quê nhà đang được dần dần chở sang, chất ngang dọc một góc vườn, những chiếc thùng đóng khung gỗ trong để những tượng phật có chiều cao gấp rưỡi một người thường, Phật La Hán, Phật Di Lạc, Phật Quan Thế Âm, càng nhiều Phật càng tốt. Trong chùa đã có Phật gỗ sơn son thiếp vàng, Phật ngoài sân chùa phải bằng đá đúc mới đẹp, trong chùa có tranh Đức Bồ Đề Đạt Ma, có tượng tạc bằng gỗ, thì ngoài sân cũng phải có hình ngài bằng tượng đá. Một cặp lân thật to sẽ để ngay hai bên cổng vào chùa. Chiếc hồ nhân tạo đã được đào phía phải trong sân theo hình bản đồ nước Việt từ Nam Quan đến mũi Cà Mau. Một chiếc cầu nhỏ được bắc ngang hồ ngay vị trí chia hai đất nước.

Sư xoay nghiêng mình tìm giấc ngủ, bỗng hình như một tiếng chuông vừa rung lên trong đêm, tiếng chuông rất khẽ, kéo cái âm dài trong thính giác của sư, sư hơi nhỏm mình dậy, tiếng chuông này nghe xa xăm lắm, ở đâu vọng về chứ không phải tiếng của chiếc chuông trong khu vực chùa, mà quanh đây khoảng mười lăm dặm làm gì có ngôi chùa nào! Sư lại nằm xuống, xoay mặt vào tường tìm giấc ngủ, tiếng chuông lại u u vang vang vọng về, ở lại trong đầu, tiếng vang từ xa xa, tiếng vọng về gần gần. Nhà sư mơ mơ màng màng không biết mình còn thức hay đã ngủ.

Sáng mờ mờ chưa nhìn tỏ những cánh lá của chậu hoa lan trong góc buồng ngủ. Nhà sư thức dậy với tiếng chuông không rõ rệt trong đầu, ông bỏ chân xuống đất, nhưng chưa đứng lên hẳn, dụi mắt, nhìn kỹ cành lan, với những bông hoa mong manh, hình như nó vừa rụng xuống một bông trong đêm qua, ông ngắm nghía bông hoa nhợt màu, heo héo nằm bình thản, tĩnh lặng dưới gốc chậu trong không gian còn trong suốt của buổi sáng, khác nào một vị thiền sư vừa mới ra đi.

Người làm công quả trông chùa cho sư khi vắng mặt cũng dậy thật sớm, hình như anh ta vừa ở ngoài đi vào buồng sư, trên vai còn mang theo những giọt sương của cành tùng trước cửa.

– Thưa thầy quả chuông của chùa đã bị mất cắp.

Nhà sư nhìn anh hỏi lại:

– Quả chuông đó mà có người vác được lên vai ư?

– Thưa chắc tên trộm không vác lên vai. Anh ta đã mang xe cần trục đến trục đi trong khi thầy đi xa và con vắng mặt.

Nhà sư không nói gì thêm, ông ra sân tìm chỗ vẫn để chuông, chỉ còn lại khoảng trống, cả cái giá để treo chuông cũng bị mang theo cùng với quả chuông. Sư lẳng lặng đi vào chánh điện thắp nhang lễ phật.

Ngày hôm đó và rất nhiều ngày sau đó, rất nhiều tháng sau đó, mỗi tinh mơ sư vẫn nghe thấy tiếng chuông rung trong đầu, rung rất rõ rệt, tiếng kêu boong boong ròn rã, rồi cái âm kéo dài ra rung cả lồng ngực sư, sư uống từng ngụm chuông, nằm im nghe ngóng, cho tiếng chuông thấm khắp thân thể mình, tiếng chuông thấm cả vào vạt áo sư. Rồi sư trỗi dậy bắt đầu một ngày của mình. Nhưng có những buổi trưa vắng vẻ, nhìn mưa rơi trên những chùm lá trúc, hay khi hoàng hôn xuống, chập choạng bóng nắng trên mấy thân tùng, tiếng chuông ở đâu bỗng lại vọng về với sư thật mơ hồ: lúc có, lúc không, lúc dồn dập, lúc buông lơi. Có lúc nhà sư nghe thấy tiếng chuông như tiếng thở của một lữ hành đi bộ cả ngàn dặm, vừa bước tới của chùa, ngồi thở hắt ra rồi cứ yếu dần đi, làm sư buồn nguyên ngày. Nhưng khi khác sư lại nghe như tiếng cầu kinh thầm thì bên tai mình, rất khẽ nhưng rất rõ, thanh thản nhưng không ủ rũ, cho sư một niềm an nhiên thơ thới tâm hồn.

Lâu dần sư có thói quen, khi nào nhìn thấy giữa ngày, những bụi trúc bỗng xao động, lá trúc rối rít vẫy gọi nhau hay là nhìn thấy nắng chiều nhấp nhánh đổi chỗ trên những cành tùng là sư biết tiếng chuông sắp về, sư vào chánh điện thắp nhang ngồi thiền tịnh đợi nghe tiếng chuông rung. Trong bao nhiêu ngày, tiếng chuông đồng vọng đó bỗng trở thành thân thiết, như một người bạn giấu mặt cùng tu tập với sư, như tín hữu, đến thăm không hẹn trước, cứ gõ cửa chùa, bước vào, ngồi xuống.

Cho đến khi có người mang đến cúng chùa một quả chuông khác, sư vẫn không hề lẫn lộn tiếng chuông cũ và tiếng chuông mới vào nhau. Vì tiếng chuông mới, khi được đánh vang lên ở những buổi lễ, cái âm rung không kéo dài ra, không thấm vào sư, không đi theo sư nguyên ngày, làm rung cả vạt áo sư. Khi tiếng chuông đánh lên, tiếng của nó bay đi như một con chim vỗ cánh, bay vào rừng, không để lại dấu vết gì.

Một buổi sáng sư đi chung quanh khu đất, nhìn công trình xây cất bắt đầu, tìm chỗ thuận tiện để đặt vị trí cho những pho tượng, chỗ cao nhất chắc sẽ dùng để dựng một cái mái chuông, và làm thế nào để đừng ai có thể mang xe trục hay thậm chí đến ghé vai khênh chuông đi được. Đang loay hoay với những xếp đặt trong đầu, nhà sư bỗng nghe thấy những tiếng động nhỏ nhưng rất rõ rệt ngay dưới chân mình, nhìn xuống thì hóa ra một chú sóc nhỏ đang tha một trái thông, trái thông khá to so với vóc của chú sóc, chú tha trái thông đi băng băng qua máy hòn đá, qua mấy cái rễ cây trồi trên mặt đất rất nhanh nhẹn, nhưng khi kéo quả thông đi, mất hút vào một bụi cây rồi, chú vẫn để lại những tiếng động rất mơ hồ của quả thông trong không gian. Tiếng động nhỏ nhưng kéo dài âm hưởng. Sư tự hỏi, nếu chú sóc kéo quả thông khác thì có để lại tiếng động đó hay không? Có thể có, có thể không?

Nhà sư chợt bàng hoàng ngộ ra tiếng chuông mơ hồ trong không gian của quả chuông đã mất mà bấy lâu nay vẫn vang trong đầu mình. Kẻ trộm chỉ mang được quả chuông đó đi nhưng tiếng chuông thì phải để lại. Cái xe cần trục chở được quả chuông nặng nề kia nhưng không chở được tiếng chuông nhẹ hẫng. Nhà sư gật gù bằng lòng với bài học mình học được sáng nay từ chú sóc nhỏ.

Hai năm sau, do một cơ duyên nào đó, quả chuông đã mất được một người mang về chùa cũ, nhà sư hớn hở ra đón vào. Hơn ai hết, sư hiểu, quả chuông đi tìm lại tiếng chuông của chính nó, tiếng chuông không bao giờ kẻ trộm mang được ra khỏi sân chùa.

Từ lúc chuông cũ trở về, hình như nắng không còn đổi chỗ trên những cành tùng, và những bụi trúc không còn xao động nữa, thoảng có gió đến những chùm lá chỉ chao nhẹ đi một chút, không gây tiếng động nào và nhà sư bỗng nhớ quá tiếng chuông đồng vọng. Có hôm sư để nguyên ngày đi tìm con sóc.

tmt

Tháng 3/2008

* Quả chuông của Phước Huệ Thiền Tự – Tacoma, WA. bị đánh cắp, hai năm sau có người tìm được, mua lại đem về chùa.

Comments are closed.