(Thời biến đổi gien)
Kỳ 15
Bùi Ngọc Tấn
Điện từ Hà Nội cũng dồn dập.
Tiếng Bầu cười giòn:
– Tôi mất tên rồi ông ơi. Điện thoại suốt ngày. Mình bảo Lê Bầu đây thì chúng nó bảo không, tôi gặp ông Lê Bàn cơ. Ông Lê Bàn có nhà không ông. Ông Lê Bàn bạn với Hắn ấy mà…
Còn Mạc Lân hét to:
– Tết này là tết của chúng mình. Ông đã làm vẻ vang cho tất cả. Nhiều thằng đến đây hỏi mượn. Tôi bảo không được. Còn phải đọc đi đọc lại đã. Nhiều điện thoại hỏi tôi về ông. Có một cú điện thoại vào lúc sắp đi ngủ: Anh Lân đấy à. Tiếng phụ nữ nhẹ nhàng. Anh đã đọc Chuyện Kể Năm 2000 của anh Bùi Ngọc Tấn chưa ạ? Vâng, Đọc rồi chị ạ. Đang đọc lần thứ hai. Anh ấy viết về anh như thế đấy: Con một nhà văn nổi tiếng nhưng không bao giờ nói về bố mình, tức là anh ấy nói anh sợ liên lụy nên không dám nói về bố anh, ông Lê Văn Trương. Tôi nghĩ ngay bọn đểu đây, bọn tâm lý chiến đây. Không giữ được, tôi văng ra một câu chửi tục “Đ. mẹ mày!” rồi dập máy. Từ bấy không thấy nàng gọi lại nữa. Với bọn du côn phải đối xử du côn ông ạ.
Anh cười, giọng cười rất Mạc Lân như Lê Bầu cười rất Lê Bầu vậy.
Vũ Bão không gọi điện. Anh viết thư. Thư đánh máy trên những tờ giấy điện báo anh thó được của bưu điện. Để giống như bức điện báo, anh thay những dấu chấm câu bằng “stop.”
Dàn nhạc Mộng Du đã chơi bài ouverture ([1]) stop sắp tới sẽ chơi tiếp chương hai và chương ba stop anh em vẫn tiếp tục khen Mộng Du stop mình đã đọc qua điện thoại cho Kiều Duy Vĩnh nghe những trang Bùi Ngọc Tấn viết về Kiều Duy Vĩnh stop chúc mừng thành công của Bùi Ngọc Tấn stop dù sao bản nhạc đã đến với người nghe stop…
Rất nhiều điện dởm dài ngắn. Bức “thư điện” đề ngày 25-2-2000 “phát lúc 7 giờ 30”, một bức điện rất nghịch ngợm, rất Vũ Bão thì ngay ngoài phong bì cũng đã lạ: Họ và tên người gửi Vừ A Páo. Họ và tên người nhận Pui Ngoc Tếnh 10 Tien Pien Phu Hải Phòng. Thế mà bưu điện vẫn chuyển đến nơi:
Tếnh à stop thủ ngồ mẩu kéng là chà stop cổi trầu hẩu tắc kin mìn nhị xập xây tỉm tỉu háy cái lẩu phồ stop tiểu muội leng leng stop hảo lớ stop
Vừ A Páo
Tếnh à thì dù ngôn ngữ gì cũng là Tấn ơi rồi. Tiếp theo là nguyên văn một câu trong tiểu thuyết của tôi nên tôi biết nó có nghĩa là cải tạo tốt được gặp mặt hai bốn tiếng ngủ với vợ. Câu cuối Vũ Bão viết thêm vào, tôi tạm dịch: Em gái xinh xinh. Được lắm. Còn Vừ A Páo chắc phải dịch là Vũ Bão.
Châu Diên không gọi điện, cũng không viết thư. Khi sách đã bị cấm, anh đi nhờ một chuyến xe của ai đó về Hải Phòng đến nhà tôi giữa bữa ăn trưa. Thế là vừa ăn vừa nói:
– Cho chúng nó tha hồ ra quyết định. Tập truyện của mày là không thể cấm. Không thể tiêu diệt. Tất cả là tuyệt. Riêng hai chương Già Đô và sân kho hợp tác tao cho điểm 10. Mười cộng. Viết một cái gì nữa đi, Tấn ơi. Viết một cái gì khác hẳn cái này. Như Dostoievski viết Kỷ Niệm Nhà Mồ rồi viết Anh Em Karamazov. Để người ta thấy mình viết về cái gì cũng hay.
Tôi bảo Châu Diên:
– Ông Đốt viết Kỷ Niệm Nhà Mồ Nga Hoàng đọc rồi ân xá cho Đốt nên Đốt mới viết tiếp được Anh Em Karamazov. Mày thử tưởng tượng xem nếu Nga Hoàng ra lệnh thu hồi tiêu hủy Kỷ Niệm Nhà Mồ thì có Anh Em Karamazov, có Thằng Ngốc không?
Châu Diên rút ra bốn trăm nghìn:
– Còn không? Bán cho tao bốn bộ. Tao tặng các cụ hưu.
Cầm mấy bộ sách, đi ra đầu hẻm, nhẩy lên chiếc xe vẫn đậu chờ, anh còn nhắc lại: “Viết một cái gì nữa đi, khác hẳn cái này…” Thật hạnh phúc khi mình làm được một việc khiến bạn vui, tin tưởng và muốn làm thêm những gì tương tự.
Khi một trăm bộ sách đầu tiên Đình Kính chở về cho tôi đã vơi đi gần hết, tôi lên nhà Lam Luyến lấy thêm 100 bộ sách nữa. Tôi nhớ rõ là ngày 8 Tết. Có lẽ đó là chuyến đi Hà Nội vui nhất, đẹp nhất của tôi. Trời xuân không mưa không nắng, hửng lên rồi lại dịu đi ngay, ngập ngừng như sợ những tia nắng dù rất nhẹ cũng sẽ làm hỏng bầu không khí sữa tươi ẩm lạnh xoa lên hai gò má bừng nóng của mọi người sau chén rượu đầu năm. Lại một lần nữa thấy trời vui, đời vui, người vui. Đến đâu cũng là những cái nắm tay thật chặt, những lời chúc mừng. Nhất là các anh chị nhà xuất bản Thanh Niên. Buổi gặp gỡ hãy còn nồng nàn hương vị Tết, buổi gặp gỡ giữa người viết sách và người xuất bản sách với tín hiệu báo trước một thành công đặc biệt. Trên tay mỗi người một chén rượu, các anh quây lấy tôi, thông báo cho tôi những kết quả đầu tiên. Cao Giang luôn chín chắn cũng không giấu được phấn khởi:
– Dư luận bước đầu chúng tôi nắm được là rất tốt. Chưa có một ý kiến nào phản bác lại. Tất cả đều khen. Mới có một số người đọc thôi nhưng ai cũng khen. Phải nói chưa có tập sách nào được khen như vậy. Từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên, từ cơ quan trung ương đoàn đến cục xuất bản. Nhiều người vừa đọc vừa khóc, rồi gọi điện xin địa chỉ, số điện thoại của anh, nhưng chúng tôi không cho. Sách của anh là đề tài trong câu chuyện tết năm nay. Công ty Tiền Phong xin được độc quyền phát hành, bao tiêu toàn bộ, nhưng chúng tôi không đồng ý. Độc quyền sợ không hay, cái gì độc quyền cũng có mặt hạn chế của nó. Chắc chắn phải in nối bản trong một ngày gần đây.
Ngừng một lát, anh tiếp:
– Hiện dư luận đang xôn xao. Cứ để dư luận êm êm rồi chúng ta sẽ tổ chức một buổi gặp mặt giữa nhà xuất bản với tác giả và chị Ngọc, hoặc ở Hà Nội hoặc ở Hải Phòng. Rồi một buổi giao lưu giữa tác giả, nhà xuất bản với độc giả. Nhưng phải đợi ít ngày nữa cho dư luận lắng xuống, trở lại bình thường đã.
Thật là một ý định tuyệt vời. Một ý định ngoài mong đợi. Tôi tưởng tượng đến cuộc gặp mặt ấy. Mọi người nhìn cả vào vợ chồng tôi, những người từ trong tiểu thuyết bước ra, quá khứ khổ đầu của chúng tôi đã biến thành kỷ niệm chung của tất cả, tôi và vợ tôi ngồi bên nhau, rạng rỡ vì thành công và hạnh phúc. Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời… Từ bóng tối nhà tù, từ đêm đen cuộc sống, vợ chồng tôi sẽ lại được đứng dưới mặt trời, hơn thế, còn cả hào quang chiến thắng. Từ cuộc sống bị hằn thù, vu cáo, giam cầm, chúng tôi đến với những cánh tay bao bọc xót thương, từ cô đơn gậm nhấm nỗi đầu, chúng tôi đến với sự xẻ chia đồng cảm. Đó sẽ là một ngày tôi có thể đền bù lại chút ít cho vợ.
Tôi bay lên với những ý nghĩ như vậy khi ngồi sau xe Luyến lướt trên đường phố Hà Nội về nhà Luyến lấy thêm một trăm bộ sách nữa để tặng bạn bè.
Phải chở sách bằng taxi thôi. Những hai trăm quyển cơ mà. Chú lái xe tưởng tôi không biết đường Hà Nội, chạy vòng vèo. Từ Dốc Bưởi, nhà Lam Luyến, lẽ ra lên đê La Thành, qua đài Truyền Hình Trung Ương vào trung tâm thành phố, rồi về dốc Thọ Lão, nhà Vũ Tín, anh lại cho xe chạy dọc sông Tô Lịch về Ngã Tư Sở, qua Bạch Mai, Đại Cồ Việt… Biết anh ta xả quác, nhưng đang lâng lâng, tôi tận hưởng cái cảm giác gặp lại những người bạn cũ: Những đường phố Hà Nội. Trời thì vẫn một mầu trắng sữa, gió ẩm và mịn lọt qua cửa kính xe như thoa một lớp phấn dịu dàng lên da mặt. Thỉnh thoảng không kìm nén được niềm vui trong lòng, tôi nói một mình nhưng cũng để trêu anh lái xe một chút:
– Tuyệt! Lâu lắm mới được chạy lòng vòng ngắm phố phường Hà Nội.
– Công viên Thống Nhất. Chỗ này ngày trước anh đi đào lấp, gánh đất gẫy mấy cái đòn gánh đây.
– Rẽ chỗ này là Bà Triệu, cơ quan anh ngày trước
Chú lái xe biết mình đã xả nhầm quác, chỉ im lặng. Tới dốc Thọ Lão, biết lỗi, chú khuân vác hết số sách vào nhà Vũ Tín, không để tôi phải động tay. Gần một trăm nghìn tiền tắc xi tất cả. Tôi cười vui:
– Cám ơn em đã cho anh một chuyến du lịch thủ đô. Nhưng hơi đau hào.
Vợ chồng Vũ Tín reo lên khi thấy tôi. Chị Tùy bảo:
– Cứ để đấy. Tôi chuyển hết lên gác cho ông.
Vũ Tín với giọng ồm ồm quen thuộc thuật lại chuyện đi nhận sách từ Đỗ Quang Hạnh:
– Nhà nó giầu lắm. Ba tầng. Tìm gần chết. Số đánh lẫn lộn lung tung hết cả. Hỏi mãi. Tìm mãi. Tầng trệt để chật xe máy. Thằng bạn mày xuống. Tưởng già nhưng còn trẻ lắm. Đưa cho túi sách. Mình chưa kịp nói lời cám ơn nó đã quay vào mất rồi. Chẳng hiểu ra làm sao. Hay nó giận gì mình.
Tôi cũng đã đến căn nhà ba tầng số đánh lẫn lộn lung tung ấy. Không phải nhà của Đỗ Quang Hạnh mà là nhà anh Khánh, một người bạn vong niên của Hạnh. Anh Khánh chủ nhà cũng từng bị tù nhưng được giao một công việc tuyệt vời là đi chăn vịt. Vừa đọc xong tập tiểu thuyết của tôi với những xúc động còn nóng hổi, anh tổ chức một bữa ăn trưa tại nhà anh với món thịt gà hầm cam rất ngon mà đầu bếp là hoạ sĩ Trịnh Tú, có Đỗ Quang Hạnh, Nguyễn Thụy Kha, tôi và nhiều phóng viên báo Lao Động khác để chào mừng Chuyện Kể Năm 2000.
Vũ Tín lại cười khà khà:
– Tao đưa tập sách mày viết về tao cho mấy ông bạn xem. Lại đưa Chuyện Kể Năm 2000 của mày ra. Họ bảo ông có một người bạn tuyệt vời. Tao bảo: Ông dở hơi. Bạn của tôi toàn những người tuyệt vời. Chứ lại không à!
Tôi gọi điện cho Vũ Công Luận, người bạn cùng làm phóng viên báo Tiền Phong với tôi nhưng đã sớm nhận ra tính bạc bẽo, sự nguy hiểm của nghề cầm bút, anh đi học đại học bách khoa, ở lại trường dạy, rồi sang Algerie bán cháo phổi tại một trường trung cấp. Luận có mặt ngay. Đem cả xe máy tới làm xe ôm, chở tôi cùng mấy dây sách tới nhà Dương Tường.
Tôi ước tính số sách tôi tặng ở Hà Nội chỉ vài chục bộ, nên để sách ở nhà Vũ Tín mặt đường, phòng khi có ai lên Hà Nội, nhờ chuyển về Hải Phòng cho tiện. Nhưng hoá ra mấy dây sách đem đến nhà Dương Tường hết rất nhanh. Bên cái bàn nhỏ, nơi đặt máy điện thoại của Mai Gallery tôi liên miên ký tặng. Dương Tường bảo:
– Đây. Tôi mở hàng cho ông mười bộ.
Rồi bắt tôi đề tặng trên những tập sách anh mua. Tặng những người bạn của anh. Mà bạn của Tường thì khá đông. Rồi Phương Mai, con gái anh, chủ của Mai Gallery cũng lấy năm bộ. Trinh cũng mấy bộ. Đều với giá cao hơn giá bìa, cái giá của Châu Diên: Một trăm nghìn một bộ.
Ngồi ký tặng và khi thấy số sách đã gần cạn, tôi gọi điện cho Vũ Tín đem thêm sách tới. Chỉ ít phút sau với một chân gỗ, trên chiếc xe Chaly, anh chở những dây sách đóng gói vuông vắn ghé sát cửa nhà Dương Tường.
Cuối cùng tôi xếp các tập sách đã ký tặng vào một “cái túi ba gang” và gọi điện cho Đình Kính đến để ngồi sau xe anh đi rải sách các nơi. Kính cũng đang ở Hà Nội. Anh đi đưa thiếp mời đám cưới con gái lớn. Đưa thiếp mời đám cưới giống như tặng sách. Không thể mời tất cả người quen dự đám cưới. Cũng như không thể tặng sách cho tất cả. Thành ra hai chúng tôi đi với nhau rất hợp.
Đến đâu tôi cũng nhận được những lời chúc mừng. Ngô Văn Phú nguyên giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn — sau khi Nguyễn Kiên nghỉ hưu — cầm hai tập sách còn trinh tiết tôi tặng, nói với Lê Minh Khuê:
– Dạo ấy mình không in được quyển này, mình hèn.
Anh ngắm nghía hai cái bìa sách, lật mặt sau xem bìa bốn rồi xếp chồng hai quyển lên nhau, nhìn độ dầy của nó:
– Viết phải có cái gì thúc bách bên trong. Phải bứt rứt cần giãi bầy. Chứ chưa lên lương đợt này đã chuẩn bị lên lương đợt sau, mới từ phó phòng lên trưởng phòng đã có người lo cho chức phó giám đốc, đang ở tập thể đã được cấp buồng riêng, rồi lại chuẩn bị phân nhà riêng thì viết làm sao được.
Vừa đưa Dạ Ngân sách hôm trước, hôm sau Nguyễn Quang Thân đã gọi điện thoại tới, vẫn với giọng hài hước cay độc cố hữu của anh:
– Tao với Dạ Ngân đọc mà bảo với nhau là chính công an thuê mày viết. Đặt hàng mày mấy chục triệu rồi bỏ tiền ra in cho mày, để mọi người đọc mà sợ đi tù. Đọc quyển này ai cũng sợ tù. Không ai dám phạm pháp nữa.
Anh cười rất sảng khoái:
– Nói chuyện với Dạ Ngân nhé.
Tiếng Dạ Ngân:
– Em đang đọc. Hay quá. Mà sao không thấy bán ở đâu cả nhỉ. Đến cơ quan — Dạ Ngân là biên tập viên báo Văn Nghệ — em toàn nói về Chuyện Kể Năm 2000 thôi. Em mang sách đến cơ quan quảng cáo. Mọi người bổ đi các hiệu sách, chẳng hiệu nào có cả.
Đúng là sách của tôi chưa hề nằm ở một cửa hàng sách nào. Giá Lam Luyến cẩn thận hơn, tình thế có thể đã khác rồi.
*
Chiều 26 Tết, sau khi gửi sách cho tôi, Đoàn Thị Lam Luyến đã mang ngay 20 bộ sách đến phòng hành chính nhà xuất bản Thanh Niên để phòng nộp lưu chiểu, thực hiện đúng như tôi và Phạm Đức đã nói cùng nhau: Khi người ta đang nâng cốc chúc mừng năm mới, chúng ta bán sách. Nhưng kế hoạch tuyệt vời của chúng tôi bị phá sản. Sách đã bị đình chỉ phát hành ngay sau Tết. Tôi biết tin ấy vào một buổi tối, khi tôi đi uống bia với Lê Xuân Thủy, phó chủ tịch công đoàn xí nghiệp, bữa bia đầu năm giữa hai chúng tôi, mừng Chuyện Kể Năm 2000 được xuất bản. Tôi đã tặng vợ chồng anh một bộ, tập sách mà gần mười năm trước, thỉnh thoảng anh thấy tôi ngồi cắm mặt trên xếp bản thảo ở phòng làm việc của anh, bộ sách mà “hai vợ chồng em khi đọc đều khóc” như Thủy nói.
Vừa thấy tôi bước vào cửa, vợ tôi kêu lên:
– Anh đi đâu bây giờ mới về? Sách của mình bị cấm rồi!
Một tiếng sét ngay bên tai, phải lệch đầu tránh theo bản năng. Dù chưa hiểu ngay điều vợ nói. Câu tiếp theo của vợ tôi như một lời trách móc:
– Mỗi khi xẩy ra chuyện gì thì bao giờ ở nhà cũng chỉ mỗi mình em.
Đã hiểu. Giờ thì đã hiểu. Đã có cảm giác. Cảm giác bị đòn đánh ngang đầu như buổi sáng mùng 8 tháng 11 năm 1968. Tiếp theo là cảm giác bị xúc phạm, bị lăng nhục! Dù đã lường trước chuyện có thể xảy ra. Như trong phòng hỏi cung nghe những lời mạt sát, vu cáo, sỉ nhục, những lời đạo đức giả, phải lấy hết sức bịt miệng một ngọn núi lửa nghẹn ngào. Nhìn dáng người nhỏ bé, nét mặt lo lắng, thất vọng của vợ, thương quá. Họ đã tiêu diệt vợ chồng tôi và bây giờ họ tiêu diệt tập sách của tôi viết về sự tiêu diệt đó.
– Anh Cao Giang trên nhà xuất bản gọi điện về nói: Buổi sáng giám đốc vừa quyết định in nối bản 1500 bộ nữa thì buổi chiều có lệnh đình chỉ phát hành.
Tôi không nói được một lời nào. Điều tôi nghĩ lúc đó là nghĩ tới các anh ở nhà xuất bản. Anh Bùi Văn Ngợi, các anh Phạm Đức, Cao Giang và Đoàn Thị Lam Luyến có thể bị lôi thôi. Còn đối với vợ chồng tôi là một sự thất vọng và ghê tởm. Điều thực hiện với sách tôi viết hôm nay giống điều họ đã thực hiện với tôi trước đó: Vu cáo. Đàn áp. Tiêu diệt. Bao nhiêu năm rồi, vẫn một miếng võ gia truyền ấy.
– Chú Hoàng Hưng ở Sài Gòn cũng vừa gọi điện báo tin ngày mai sẽ có một phóng viên bay ra phỏng vấn, một nữ phóng viên, anh chuẩn bị tiếp khách. Em bảo sách bị đình chỉ phát hành rồi. Vừa có lệnh xong. Chú ấy cứ thế à thế à, chẳng nói được câu nào. Mãi sau mới nói thôi anh chị cứ yên tâm, bây giờ không như ngày trước nữa.
Tôi hiểu ý Hưng muốn nói tôi không bị bắt. Tôi gọi điện ngay cho Bùi Văn Ngợi. Con trai anh trả lời:
– Bố cháu đi vắng. Chín giờ bố cháu về, bác gọi lại.
Một giây dài như một ngày, không thể đợi được đến chín giờ, tám rưỡi tôi đã gọi. May, anh đã có nhà. Tôi nói như người có lỗi:
– Tôi rất áy náy vì tôi mà các anh bị lôi thôi.
Tiếng Ngợi vang lên ngay bên tai tôi:
– Sao anh lại nói như vậy? Anh Tấn ạ. Chúng ta làm một việc mà chúng ta tin rằng có lợi cho dân cho nước. Anh nghĩ thế là không được. Có nhiều việc không tiện nói qua điện thoại. Anh hiểu ý tôi chứ. Chúng ta sẽ gặp nhau ở Hà Nội. Nếu có điều kiện mời anh lên tôi.
Giọng nói, cách nói rắn rỏi, tự tin, không một chút hoang mang của anh khiến tôi vững tâm hẳn lên. Tôi chỉ lo các anh oán tôi, vì tôi, các anh mang vạ.
– Tôi rất suy nghĩ về những chuyện xẩy ra với tập tiểu thuyết của tôi. Nhưng tôi nghĩ về tôi thì ít. Nghĩ về các anh thì nhiều.
– Không anh Tấn ơi. Sao anh lại nghĩ như thế. Chúng ta không được phép có một ý nghĩ bi quan nào. Chúng ta cùng chịu trách nhiệm.
Giọng Ngợi lanh lảnh bên kia đầu dây nói. Nghe anh, tôi hình dung ra nét mặt anh. Giọng nói của anh giống hệt những lúc anh trao đổi với tôi trước khi in tập sách. Tôi hiểu rằng Ngợi là người rất khó, nếu không muốn nói rằng không thể đánh gục — thời gian đã chứng tỏ tôi đúng. Từ phẫn nộ tôi lây cái tự tin bình tĩnh của anh. Chúng ta cùng chịu trách nhiệm. Còn câu nào tiếp thêm sức mạnh cho tôi hơn thế nữa.
– Tôi nói với anh em trong cơ quan rằng mọi việc cứ tiếp tục bình thường. Người việc nào cứ việc ấy. Nhà xuất bản không chỉ in một Chuyện Kể Năm 2000…
Câu nói ấy của anh lại làm tôi lo. Như vậy nghĩa là công việc trong nhà xuất bản không bình thường. Nhà xuất bản Thanh Niên từ khi Bùi Văn Ngợi về làm giám đốc đang “ăn nên làm ra”, in được nhiều tập sách giá trị, được bạn đọc đón nhận, cán bộ nhân viên từ mức lương tối thiểu đã nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống… Và bây giờ có một cuốn sách bị đình chỉ phát hành. Đình chỉ phát hành vì một vấn đề cấm kỵ nhất của người lãnh đạo: Mất lập trường quan điểm trong nhìn nhận xã hội do đảng lãnh đạo. Đó là cái gốc của người cán bộ. Là điều cốt lõi đánh giá một đảng viên. Tính kiên định của giai cấp công nhân, đối lập với thói tiểu tư sản dao động bấp bênh. Là không được lấy hiện tượng thay cho bản chất. Là thước đo lòng trung thành của người cộng sản. Là hòn đá thử vàng. Nhiều tội lắm. Toàn tội nặng. Không ai có thể cứu anh. Chưa kể cơ quan nào chẳng có mâu thuẫn nội bộ. Cả bè phái nữa. Anh Ngợi được nhiều người yêu, nghĩa là cũng có những kẻ ghét. Trong cơ quan. Ngoài cơ quan. Những lãnh đạo nhà xuất bản khác…
Tôi hứa với Ngợi sẽ lên gặp anh trong một ngày gần nhất. Rồi gọi điện cho Luyến. Trách Luyến:
– Anh đã bảo mồng 9 tốt ngày phát hành đi thì Luyến lại bảo 12 tốt ngày hơn, thế là bây giờ bị đình chỉ.
– 12 cũng chưa phát hành được. Vì chưa hết thời gian lưu chiểu.
– Mình nộp lưu chiểu từ ngày 27 tết. Ba ngày sau là phát hành được rồi còn gì.
– Không phải ba ngày mà bẩy ngày.
Đến lúc ấy tôi mới biết thời gian lưu chiểu là bẩy ngày chứ không phải ba ngày như tôi vẫn nghĩ.
– Thì đến mồng 9 vẫn quá thừa thời gian.
– Mãi đến mồng 6 mới nộp lưu chiểu cơ anh ơi. 27 Tết em mang sách đến phòng hành chính cơ quan để phòng nộp lưu chiểu theo đúng chức năng, nhưng mãi đến mồng 6 Tết, hỏi ra mới biết, số sách lưu chiểu vẫn còn nằm đấy, lúc bấy giờ họ mới mang đi nộp.
– Sao lại như vậy?
– Có thể họ quên. Nhưng cũng có thể là quên có chủ ý. Việc đời phức tạp lắm anh ơi. Em ngu quá. Chủ quan quá. Giá cứ đem thẳng sách đi nộp lưu chiểu thì bây giờ xong rồi.
Tôi lặng người. Không chỉ bốn ngày nghỉ Tết chúng tôi định tận dụng, còn thêm mấy ngày nữa bị bỏ phí. Mà thời gian là thắng lợi. Luyến động viên tôi:
– Anh yên tâm. Đây mới chỉ là lệnh qua điện thoại thôi. Chưa có công văn chính thức. Anh em mình cứ chuẩn bị, tới 13 tháng Giêng —âm lịch— không có lệnh gì mới thì tổng phát hành.
Tôi chẳng tin vào những may mắn sẽ đến nhưng vẫn cứ hy vọng. Hy vọng vào một phép màu nào đấy dù là hy vọng hão huyền. Bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống của vợ chồng tôi. Một hội chứng mới xuất hiện: Hội chứng sợ điện thoại. Toàn những tin dữ. Toàn những điều phải lo lắng suy nghĩ. Lại càng lo lắng suy nghĩ khi chính giám đốc Bùi Văn Ngợi nói qua điện thoại rằng có những điều không tiện nói qua điện thoại, nghĩa là điện thoại của Ngợi cũng bị nghe lén. Anh cũng là một phần tử nguy hiểm, một đối tượng phải theo dõi sát sao. Tình hình có vẻ mỗi lúc một thêm nghiêm trọng. Tất cả chúng ta đều bị theo dõi, tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi như thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Chuông điện thoại reo là tôi và vợ tôi lại nhìn nhau. Chờ hết hồi chuông thứ ba, vợ tôi từ từ đưa tay khẽ nhấc máy. Để biết người gọi tới là ai. Chuyện lành hay chuyện dữ. Dữ nhiều hay dữ ít. Và sẵn sàng nói tôi đi vắng nếu đầu dây bên kia là một giọng nói lạ, một người lạ. Bởi vì đã có một cú điện thoại từ Hà Nội về dặn vợ chồng tôi không được có mặt ở Hải Phòng cũng không có mặt ở Hà Nội. Luyến cũng điện nói tôi đi thành phố Hồ Chí Minh là tốt nhất. Luyến không điện thẳng cho tôi mà ra một máy công cộng nào đó điện cho Đình Kính. Để Đình Kính nói lại với tôi. Luyến sợ điện thoại của tôi và cả điện thoại của Luyến bị nghe lén. Nếu tôi không đi thành phố Hồ Chí Minh được thì tạm lánh về Thuỷ Nguyên. Ở đâu thì ở nhưng không được ở Hải Phòng, Hà Nội. Lại càng không được đến nhà xuất bản. “Bây giờ người ta đang muốn thu hồi số sách về chờ xử lý. Mà anh là người in sách, anh Kính thay mặt anh ký hợp đồng với nhà in. Anh là người nhận sách từ nhà in và quản lý, phát hành số sách đó. Người ta đang tìm anh.”
Lúc bấy giờ tôi mới biết ngóc ngách về cái vị trí của tôi quan trọng như vậy, không chỉ là người viết ra tập sách mà còn là người in sách. Người ta tìm tôi, bắt tôi nộp lại số sách, toàn bộ 1500 bộ — chắc chắn dưới con số thực in rất nhiều — mà tôi chỉ nhận 200 bộ và đã vừa tặng vừa bán-tặng gần hết, còn lại là ở nơi Luyến nên tôi nhất nhất nghe lời Luyến. Hơn nữa tôi rất không muốn gặp các nhà đương cục, không muốn gặp chính quyền. Tôi dị ứng với các công sở và các viên chức trong bộ máy trực tiếp với quyền lực. Tôi đã quá hiểu họ.
Luyến dặn tôi: Ba mươi sáu chước, chước tránh mặt là thượng sách. Tôi thấy có lý. Ở đây cũng nói thêm là tôi rất cám ơn Đoàn Thị Lam Luyến, người trong dịp gặp gỡ ngẫu nhiên, đã làm một cái cầu nối giữa tôi và nhà xuất bản để tập sách này tới đúng địa chỉ, được in ra, đến với mọi người. Luyến tượng trưng cho sự may mắn của bộ sách và cũng là sự may mắn của tôi. Cũng giống Luyến, việc nộp lại sách tôi hoàn toàn không muốn, dù hai người xuất phát từ hai góc độ khác nhau. Mặc người ta có thể ghép tôi vào việc tán phát tài liệu cấm. Lại còn vi phạm luật lưu chiểu nữa. Đúng là tôi đã tặng sách trước thời hạn lưu chiểu, nhưng tập Nhà Văn Hải Phòng Thế Kỷ 20 vừa lấy từ nhà in về cùng với bộ sách của tôi cũng đã được tặng ngay thì sao. Với lại tôi đã nộp lưu chiểu từ trước Tết, chậm là do nhà xuất bản. Lỗi không phải ở tôi. Nhưng như vậy khuyết điểm của Ngợi càng to. Quan liêu. Thiếu kiểm tra đôn đốc. Càng gay cho Ngợi. Tôi cứ nghĩ một mình, tranh luận một mình như vậy.
Chuông điện thoại reo là thần kinh chúng tôi lại rung lên theo nhịp chuông vang. Vợ chồng tôi nhìn nhau rồi cùng nhìn cái ống nghe vỏ nhựa úp chụp trên máy. Nhấc nó lên thì chuông sẽ hết reo. Nó sẽ nói gì với tôi. Hẳn là một điều làm nhức đầu, một điều tệ hại, nhưng tệ hại nhất là tôi cứ luôn nhìn thấy một người thứ ba đang áp ống nghe vào tai hay bật máy ghi âm chăm chú theo dõi cuộc nói chuyện của chúng tôi và nhếch mép cười. Điên nhất là cái nhếch mép cười ấy. Thích thú? Nhạo báng? Khinh bỉ? Hay cười nhạt?
Cho nên từ bấy về sau, tôi và Lam Luyến muốn nói gì với nhau đều qua Đình Kính, dù cả tôi và Kính, Luyến đều chẳng mảy may tin vào sự an toàn của “hòm thư lưu Đình Kính.” Chẳng biết làm thế nào dưới lưới trời lồng lộng, tôi ra bưu điện gọi cho Luyến và rất hoang mang khi phải viết giấy khai rõ họ tên địa chỉ người gọi và số máy gọi tới — Thật là đến đâu cũng phải để lại dấu vết, không cho chúng nó thoát, chúng bay vào sẽ không có đường ra. — Lại càng hoang mang hơn khi tôi nghe tiếng Luyến đầu dây bên kia:
– Anh gọi ở bưu điện đấy à? Ra bưu điện mà vẫn gọi số máy của em thế này thì cũng vậy thôi.
Tôi cũng nghĩ như Luyến.
Nhưng có còn cách nào khác nữa đâu?
Ngày 14 tháng Giêng là ngày giỗ mẹ tôi. Đã 9 giỗ mẹ, tôi không một lần vắng mặt. Nhưng ngày 14 tháng Giêng năm Canh Thìn ấy tôi phải đi Hà Nội. Tôi thắp hương trên bàn thờ bố mẹ, xin với Người được vắng mặt và cầu Người phù hộ cho tôi được mọi sự may mắn, cho tôi thêm sức khoẻ để chịu đựng và vượt qua được cuộc vật lộn này.
Không giống chuyến đi mùng 8 Tết lòng tràn đầy niềm vui, tay bắt mặt mừng trong gió Đông ẩm mịn, hôm nay rét đậm như cắt cứa vào da thịt. Tôi nai nịt gọn gàng. Áo “Phổ Nghi” lưng lửng đùi. Áo len bên trong. Cravate. Lại thêm phu-la kín cổ. Chưa hết. Mũ Nin-da, thứ mũ có lưỡi chai, trùm kín đầu kín tai kín mặt, xuống tận cổ, chỉ để hở hai con mắt. Rất lợi hại, giá chỉ mười nghìn, vợ tôi mua cho tôi ở trước cửa nhà máy len. Trùm vào ấm đã hẳn, người ta lại còn không biết mình là ai. Chưa kể nó bảo vệ mặt tránh được những ca át xít. Có thể tôi đã có đuôi. Cái cảm giác có đuôi ngày nào trước khi bị bắt năm 1968 lại phả hơi lạnh, hơi bẩn sau gáy.
Ra đến cửa vợ tôi còn thì thào:
– Anh đi tầu xe để ý nhé. Trên ấy gọi điện về dặn phải hết sức cẩn thận. Đừng đi đâu một mình. Anh đi đâu cũng phải có em đi cùng. Nhưng hôm nay em không đi được. Hôm nay em phải về nhà giỗ mẹ.
Tôi cũng biết phải cẩn thận. Giờ đây tôi có nhiều kẻ thù. Từ cấp vĩ mô đến cấp vi mô. Chẳng hạn như có những người bỗng nhiên nhận ra mình trong tập sách của tôi. Và pháp luật vĩ mô khó trừng trị thì họ xử theo luật vi mô: Luật rừng. Bởi vì họ không thể chịu đựng được một điều: Đang đường đường là những đấng từ bi chăn dắt yêu quý dân lành, bỗng bị tôi lột trần truồng và hiện nguyên hình là những kẻ đê tiện, những tên miệng nam mô bụng một bồ dao găm, những kẻ ngậm máu phun người, những kẻ đang hành nghề đao phủ.
Đã điện trước cho Luyến, tôi đến thẳng quán cà phê phố Trương Hán Siêu, cái quán cà phê mà những lần ăn cơm với các anh chị ở nhà xuất bản Thanh Niên xong, chúng tôi đều sang đấy uống nước. Một quán cà phê quen của cả nhà xuất bản.
Không chỉ tôi và Luyến mà còn có cả Hằng Thanh.
Luyến cười: Em chào anh. Còn Hằng Thanh nhìn tôi với ánh mắt tinh nghịch, một kiểu nói: Em chào ông anh đang đùa với chính quyền. Bên tách cà phê nóng, tôi ngồi im lặng nghe hai cô bạn gái kể. Đó là những người mới cách đây mấy tháng còn chưa hề quen biết nhưng giờ đây thân thiết, cùng chia vui xẻ buồn không chỉ trong việc in tập tiểu thuyết của tôi.
Vẫn chưa biết chuyện ngừng việc phát hành này là do đâu. Cú điện thoại tạm ngừng phát hành là từ Cục Xuất Bản. Trung ương đoàn chưa có ý kiến gì. Bí thư thứ nhất, trưởng ban tư tưởng văn hoá trung ương đoàn còn đang đọc. Nhưng chiều hướng rất gay. A25 thì bực lắm. Rất cáu. Họ bảo bạn bè vẫn chơi với nhau mà phản thùng. Hằng Thanh còn nói rõ hơn: Có một ông trung tá — hay thượng tá gì đấy — ở A25 điên lên. Ông ấy vẫn chơi với bọn em. Thì cũng là lợi dụng lẫn nhau thôi. Ông ấy nắm tình hình bên này. Bên này nắm tình hình bên ấy. Ông ấy nói với em: “Anh theo dõi lão này hai mươi năm nay, tháng nào cũng về Hải Phòng nắm tình hình, nghe báo cáo. Thế mà để sểnh một cái lão ta in ra quyển này có điên không cơ chứ. Anh kỳ này mất lon vì lão ấy.”
Luyến lại bảo:
– Chính cái ông Hằng Thanh nói ấy bảo với em rằng hôm qua cả 50 hãng thông tấn trên thế giới đều đồng loạt đưa tin về tập sách của anh.
Cả ba chúng tôi đều phấn khởi vì điều ấy, nếu đúng thế. Nhưng tôi nghĩ các vị ấy nói vậy để tăng thêm tính nghiêm trọng của vấn đề lên thôi. Một quyển tiểu thuyết chứ có phải một vụ nổ bom nguyên tử đâu. Dù thế nào thì câu nói ấy cũng làm tôi phấn khởi, cảm thấy mình là người quan trọng. Luyến đưa tách cà phê lên môi rồi lại đặt xuống bàn thừ thượi:
– Năm 2000 Liên Hợp Quốc lấy là năm Nhân Quyền. Còn trong nước lấy là năm Thanh Niên. Họ bảo nhà xuất bản Thanh Niên in tập sách này không thể tha thứ được.
Tôi giật mình. Đến lúc ấy tôi mới biết ý nghĩa chính trị của những năm tháng tôi đang sống. Như vậy tập sách của tôi là một mũi tên trúng hai mục tiêu. Người ta không thể dung tha một sự chống đối tinh vi quyết liệt như thế được. Bùi Văn Ngợi nữa, hẳn cũng rất khó an toàn.
B.N.T.
([1]) Mở đầu
(Xem tiếp kỳ sau)