Kỷ niệm 35 năm ngày mất của Dương Bích Liên (17/7/1924-12/12/1988): Rời thành phố vào sáng sớm

(Ghi chép về họa sĩ Dương Bích Liên)

Ý Nhi

DBL (1)1.

Một căn phòng khoảng 20 mét vuông, liền kề những căn phòng khác trong một ngôi nhà cũ ở phố Bà Triệu, Hà Nội, không bàn ghế, không giường tủ, không tranh ảnh là nơi Dương Bích Liên đã sống gần như trọn vẹn cuộc đời mình, cho đến lúc ra đi.

2.

Người ta thường thấy ông đi dọc theo các con phố, rà sát vào các bờ tường, dáng liêu xiêu, lặng lẽ. Không nhìn ai.

Có lần, tôi gặp ông ngoài phố. Đó là một chiều đông giá lạnh, gió thổi ào ào qua các rặng cây xà cừ, cây sấu nơi góc đường Bà Triệu – Hàm Long. Ông mặc một chiếc áo nhung màu vàng nhạt, đã cũ và khá mỏng, để đầu trần, tay cầm chiếc can nhựa lớn. Ông bảo với tôi ông đi mua rượu. Thấy tôi nhìn chiếc can, ông mỉm cười bảo, mua để uống trong nhiều ngày. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn rõ Dương Bích Liên, nhìn rõ ánh mắt buồn bã mà đầy uy lực trên gương mặt xanh xao của ông. Mỗi lần nhớ đến Dương Bích Liên, tôi lại nhớ đến buổi chiều đó – buổi chiều chỉ có một mình ông giữa phố phường Hà Nội giá buốt. Cô độc. Thách thức.

clip_image002[13]

image

3.

Một chiều đông khác, anh Dương Tường rủ chúng tôi đến chơi nhà họa sĩ Bùi Xuân Phái ở phố Thuốc Bắc. Chúng tôi gặp Dương Bích Liên ở đó. Mặc dù anh Dương Tường đã giới thiệu Phương Quỳnh, Kim Thư và tôi nhưng Dương Bích Liên một mực gọi chúng tôi là cô Tý, cô Dần, cô Mão. Ông ra phố Hàng Buồm mua một chai rượu ngoại. (Thời bấy giờ rượu ngoại hiếm và đắt. Có điều không có rượu giả). Ông mở rượu và tuyên bố, chỉ có các người đẹp mới được uống. Ông dứt khoát không mời anh Tường.

Rồi chúng tôi kéo nhau đến “Hòn đảo trụi” của ông ở 55 phố Bà Triệu. Bữa đó ông rất vui. Ông nói về gió và biển trong thơ Saint John Perse, nói đến sự bi thảm trong số phận của Maiakovski, nói đến con đường riêng biệt của mỗi người làm nghệ thuật. Ông nhận lời đến ăn bún riêu ở nhà Phương Quỳnh, một phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, duyên dáng. Ông cùng Bùi Xuân Phái ăn bún, trò chuyện, trêu đùa bà chủ.

Có người kể, thỉnh thoảng ông ghé lại xóm Hạ Hồi, nơi có nhà của một người bạn, chơi đùa với lũ trẻ. Ông chơi trò đánh trận giả, bắn súng phun nước, làm xiếc… hồn nhiên, nhẹ nhõm. Có người lại kể, trong căn phòng trống trải của ông, nơi góc tường có treo một bức tranh độc đáo. Đó là những vệt màu nguệch ngoạc của một đứa trẻ trên tấm phông lịch bloc cũ. Họ bảo, chính đứa trẻ ấy đã từng là niềm an ủi của ông. Có người nói rằng, cũng trong căn phòng đó, một chiều đông nọ, ông đã ném bộ bàn ghế vào lò sưởi để sưởi ấm cho một người mẫu (chắc chắn là rất xinh đẹp).

Nhưng đó chỉ là những hé lộ hiếm hoi. Nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc có sự tham dự của người khác vào cuộc đời ông.DBL2

4.

Giọng nói của Dương Bích Liên vướng víu, ngượng nghịu vì rượu, vì tuổi tác và có thể, vì ông ít trò chuyện, ít giao tiếp.

Có lần, ông đưa tay chỉ vào bức sơn dầu vẽ cảnh anh bộ đội gặp cụ Hồ, dựng ở góc phòng, rồi lặp đi lặp lại một câu nói mà thoạt đầu không ai hiểu: “Họ bảo sao anh bộ đội lại nhắm mắt”. Giọng ông ngắc ngứ, trên gương mặt thoáng một ánh cười giễu cợt. Hóa ra, đó là bức tranh ông gửi đến cho một cuộc triển lãm lớn và bị trả lại, bị loại. Họ, chắc ông muốn nói đến một Hội đồng duyệt tranh, một ban tổ chức nào đó. Trước đấy ít lâu, bức Hào hoành tráng, tuyệt vời của ông cũng đã bị loại ở một cuộc triển lãm khác.

Trong một ghi chép của mình, Bùi Xuân Phái đã viết: “Người ta muốn nói đến chữ thoát trong nghệ thuật. Phải cao tay thế nào để thoát ra khỏi cái chất đi thi sợ trượt. Thoát ra khỏi cái chất dự triển lãm sợ bị loại, thoát ra khỏi cái chất muốn bán sợ không bán được[1]

Dương Bích Liên đã Thoát.

Ở một chỗ khác, Bùi Xuân Phái viết: “Có những tay quả thực là tài năng không có gì. Thế mà ăn to nói lớn khiếp lên được” và: “Đối với những kẻ phê bình láo, kể cả những kẻ nịnh hót để kiếm chác, chỉ nên giữ một sự lặng lẽ khinh bỉ”.[2]

Dương Bích Liên đã Lặng lẽ.

Ông lặng lẽ tạo nên thế giới của mình với Chiều vàng, Chiều biên giới, Chiều quê, vãng, Làng ven sông, Lều hoang, Ngày mùa, Hào, Ngõ cụt… Đó là một thế giới giản dị mà sang trọng, êm ả mà hừng sáng, dịu nhẹ mà huy hoàng. Ông đã lưu lại vẻ đẹp trong ngần từ một đời sống đầy cơ cực, dằn hắt, đau đớn.

image

image

Người ta thường gọi Dương Bích Liên là họa sĩ của Hà Nội. Tôi nghĩ, ông Hà Nội hơn cả ở những bức tranh thiếu nữ. Cô Mai, cô Yến, cô Tuyết, cô Xuân… rồi Mùa xuân và thiếu nữ, Mùa thu và thiếu nữ, Thiếu nữ áo trắng, Thiếu nữ và hoa cúc trắng, Cô gái và biển, gái bên hồ… Trên gương mặt, trong dáng vẻ của họ mang chứa một vẻ đẹp nhuần nhị, ưu sầu, trang nhã. Họ là Hà Nội của Dương Bích Liên. Của riêng ông.

image

clip_image002[9]

image

clip_image002[11]

5.

Có một bức ảnh chụp Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái vào năm 1984. Trong ảnh, Bùi Xuân Phái mặc sơ-mi dài tay, áo bỏ trong quần, chân mang giày da, ngồi đĩnh đạc trên ghế. Dương Bích Liên mặc sơ-mi ngắn tay, bỏ áo ngoài quần, đi chân đất, tay chống nạnh, đứng bên cạnh. Cả hai đều rất gầy, rất buồn. Cả hai cùng nhìn về một nơi nào đó, rất xa, vượt qua chúng ta.

clip_image002[5]

Nếu như Bùi Xuân Phái có một gia đình đông vui thì Dương Bích Liên chỉ có một mình. Nếu như Bùi Xuân Phái hiền hòa, quảng giao, dễ hòa nhập với xung quanh thì Dương Bích Liên lại kỹ càng, khe khắt, thậm chí khó chịu.

Nếu như Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều chân dung văn nghệ sĩ thì Dương Bích Liên chỉ vẽ vài bức. Nếu như Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều bức tự họa qua nhiều năm tháng, nhiều cảnh huống, nhiều trải nghiệm thì Dương Bích Liên dường như chỉ vẽ một bức duy nhất vào cuối đời. Trong tranh, một người đứng trơ trọi như chiếc bóng dưới một tán cây mùa đông.

Mặc dù rất khác nhau, họ là hai người bạn.

clip_image002[7]

Hai bức chân dung Dương Bích Liên của Bùi Xuân Phái đã hiển hiện khuôn mặt cô quạnh, buồn đau của bạn. Và, bức chân dung Bùi Xuân Phái của Dương Bích Liên cũng hiển hiện vẻ giằng xé, thảng thốt của người họa sĩ. Họ đã bên nhau qua những thăng trầm của một giai đoạn sống nhiều khắc nghiệt.

 dblien3

6.

Việc Bùi Xuân Phái ra đi vào tháng 6/1988 chắc chắn có phần ảnh hưởng đến tâm trạng của Dương Bích Liên khi ông phát bệnh vào tháng 12 năm đó. Ông từ chối ăn uống, từ chối chữa trị. Ông hủy bỏ những tài liệu, những ghi chép của mình. May mắn cho chúng ta là tất cả tranh của ông đã nằm ở nhà bạn hữu và các nhà sưu tập. Dương Bích Liên bình tĩnh nhìn cuộc ra đi của mình – cuộc ra đi của một “Thiên nhiên cô độc”, theo cách nói của nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân. Trước lúc mất 10 ngày, Thái Bá Vân đã viết về Dương Bích Liên: “Nghệ thuật của anh là một thế giới sang trọng, miên man tri thứcChúng ta nhận ra một nhân cách thẩm mỹ có uy quyền, tự trọngỞ đấy, tranh chấp và thù hận được từ bỏ. Ở đấy, có sự chinh phục của cuộc sám hối bình an, có cái im lặng cao thượng.[3]

Vào ngày 9-12-1988, Dương Bích Liên nói với người bạn vong niên, nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải, về việc đưa tang ông: “Đưa tang, có lẽ chỉ cần đặt quan tài lên một cỗ xe ngựa đơn sơ, và rời thành phố vào sáng sớm, theo tiễn, chỉ cần một đứa trẻ ăn mặc chỉnh tề[4]. Dương Bích Liên trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9 giờ sáng ngày 12-12-1988 tại căn nhà 55 phố Bà Triệu, Hà Nội.

Dương Bích Liên đã không ngừng chuẩn bị cho cuộc ra đi này. Cuộc ra đi nhẹ nhàng như chưa hề sống nặng nhọc, đau khổ. Nó giống như hội họa của ông, nơi ”tranh chấp và thù hận được từ bỏ”.


[1][2] Bùi Thanh Phương – Trần Hậu Tuấn, Bùi Xuân Phái, cuộc đời và tác phẩm, NXB Mỹ thuật, 1998.

[3][4] Nguyễn Hào Hải – Trần Hậu Tuấn, Dương Bích Liên, NXB Mỹ thuật, 2003.

PHỤ LỤC

Thái Bá Vân và Dương Tường viết về Dương Bích Liên

Trích từ: Nguyễn Hào Hải – Trần Hậu Tuấn, Dương Bích Liên, Nxb Mỹ thuật, 2003

Dương Bích Liên (1924-1988) sống, và chết, như một thiên nhiên cô độc.

Nhưng, nghệ thuật của Anh là một thế giới sang trọng, miên man trí thức, và như vậy nó là một tồn tại trang nghiêm. Ở đấy, chúng ta nhận ra một nhân cách thẩm mỹ có uy quyền, tự trọng, mà sự yêu thương con người là cuồng nhiệt. Ở đấy, tranh chấp và thù hận được từ bỏ. Ở đấy, có sự chinh phục của cuộc sám hối bình an, có cái im lặng cao thượng.

Chúng ta cần có kế hoạch lập chương trình triển lãm Dương Bích Liên với tất cả ăn năn và hy vọng về Anh, vì Anh. Chúng ta thành thực cảm ơn nhà triết học Nguyễn Hào Hải, người bạn thân thiết của những năm cuối cùng của Dương Bích Liên, đã giữ lại cho ta kỷ niệm của một cuộc đời đặc biệt.

Xem tranh Dương Bích Liên là được cảm thông với một thân phận nghệ sĩ, đã tự nguyện chọn tiếng nói im lặng của hội họa làm bản thân.

Hội họa Dương Bích Liên không là mới, không là cũ, mà là hiện tại.

Hiện tại với cái nghĩa là sự có mặt đời đời của mặc cảm cô đơn, và cô đơn đó là hiện diện.

Thái Bá Vân

clip_image002

… Trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật, Dương Bích Liên là người quyết liệt cô đơn, chí ít cũng là theo mắt nhìn của tôi. Nhớ về anh, bao giờ tôi cũng hình dung một cái dáng xiêu xiêu đi rất lủi thủi giữa phố đêm, rà tường chẳng nhìn ai. Liên vẽ không nhiều, họa hoằn mới bày đôi ba bức trong những dịp triển lãm Toàn quốc, nhưng với mỗi sáng tác, anh đã ân ái hằng đêm. Hình như anh không có nhu cầu ra mắt công chúng đông đảo. Đầu năm 1985, sau những triển lãm cá nhân của Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm, ba đồng nghiệp và bạn cố tri của anh, Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đề xuất tiếp việc tổ chức phòng tranh riêng của anh, nhưng anh từ chối. Với Dương Bích Liên, đề tài chỉ là cái cớ để anh khơi dòng tự sự. Khi nghe tin Picasso mất, anh vẽ một loạt “Lời chào Jacqueline” và sau đó cũng là một sự ngẫm lại mỗi mình trong cô đơn tuyệt vọng của sáng tạo. Bất kể vẽ gì, dù là cảnh “Chiều vàng” hay một “Con hào”, ta vẫn nghe ở mạch ngầm của hình, sắc một độc thoại với bản thân. Hình như tâm thái hội họa của Dương Bích Liên là cái say mê tự ngắm mình mà người ta gọi là Narcissisme, mặc dù anh hầu như không bao giờ tự họa chân dung…

Dương Tường

 

 THƠ VỀ HỌA SĨ DƯƠNG BÍCH LIÊN

 

Mùa đông này rồi sẽ quạnh vắng hơn

Những phố dài Hà Nội

Rồi sẽ chẳng có gì bù đắp nổi

Một phần Hà Nội đã ra đi

 (Khóc bác Bùi Xuân Phái/ Ý Nhi)

 

HỌA SĨ

 

                  Kính tặng Họa sĩ DBL

 

Dưới những bờ tường

dưới những bóng cây

ông đi

thu mình lại

tránh hết mọi chào mời đưa đón

 

Không cần đến những tiện nghi thời thượng

không ghế bàn

không cả tranh treo

trên bức tường vôi cũ

chỉ có những vệt màu của cháu bé lên năm

(bức tranh được vẽ ra không chút gì vụ lợi)

 

Xa lạ với những khen chê báo chí

những tranh luận dài dòng

xa lạ với chức tước

tiếng tăm

Ông gần gũi Chiến hào

gần gũi Bầu trời

gần gũi Thiếu nữ

đôi mắt mở to, rực sáng

 

Ông yêu gió và biển

 

Saint-John Perse

Yêu ánh nhìn vừa u trầm vừa ngạo ngược

Mai-a

họ đã nâng đỡ ông

nhiều khi

thơ thành nơi nương tựa

nhưng dẫu sao

họ không phải là bạn đồng hành

 

Dưới những bờ tường

dưới những bóng cây

ông đi

sao cho không ai nhìn thấy

đến gần cái đẹp

đến gần các nguyên mẫu

không ràng buộc

không tô vẽ.

 

5.1985.

 

 

DƯƠNG BÍCH LIÊN, MÙA ĐÔNG 1988

 

                            

Họa sĩ Dương Bích Liên đã sống và làm việc một cách lặng lẽ giữa Hà Nội trong nhiều năm. Mùa đông 1988 ông lâm bệnh và mất đi một cách hoàn toàn bình tĩnh tại nhà riêng.

 

*

Gió

vẫn chỉ có gió

lưu lại cùng ta

trong căn phòng nhỏ hẹp này

 

đã bao mùa đông rồi

qua ô cửa kia

gió đến

và lưu lại

ôi ngọn gió từng rì rầm trong tán cây

 

**

Chiếc lò sưởi trống không

ta chỉ một lần nhóm lửa

chỉ một lần thấy cái lạnh thấu xương

chỉ một lần

gương mặt tái xanh của người thiếu nữ

bừng sáng giữa chiều đông

 

Ngày đã muộn rồi

hãy thứ lỗi cho ta

chẳng thể có một lần nào nữa

chẳng thể có một chiều đông

ta lại nhóm giữa lòng ngươi

ngọn lửa

 

***

Họ đã nói bao điều họ không hề nghĩ

ta đã nghĩ bao điều mà không nói

kiêu ngạo chăng

bất nhẫn chăng

nhưng mà ta biết nói cùng ai

 

Họ cứ ra đi ra đi ra đi

và ta không níu giữ

nghĩ cho cùng

nào ta có gì để đem cho họ

nghĩ cho cùng

trên đường kia họ bước dễ dàng hơn

 

****

Có lẽ

em chẳng biết rằng ta sắp sửa ra đi

em còn mải mê với niềm vui

còn mải mê với nỗi buồn

cầu ước cho em được bình yên

 

Cầu ước cho em

hiện ra giữa cuộc đời

như đã hiện ra

trên mặt vải

trắng trong

lo âu

chờ đợi

 

Cầu ước một lần nào

giữa hạnh phúc lòng em chợt nhớ

một chiều đông

 

*****

 

Có lẽ

đây là giọt cuối cùng chăng

rượu mới ngọt làm sao

đắng làm sao

chua chát làm sao

đời ta cũng đã cạn rồi

 

Có lẽ đây là giọt cuối cùng chăng

 

12.1989

 

 

ĐẮC ĐẠO

 

Dương Bích Liên

uống rượu

lặng im

và vẽ

 

Đã vượt qua mối vướng bận đời thường

đã vượt qua mối vướng bận vinh quang

đã vượt qua nỗi lo sợ âm thầm

khi phải đứng

riêng về một phía

 

Dương Bích Liên uống rượu

lặng im

và vẽ

 

Những đối cực

đã tuyệt vời hài hòa trên mặt vải

những tiếng kêu bi thương cuồng nộ

đã tan

trong lặng thinh kỳ bí

rượu đã thay cho mọi loài ngũ cốc [*]

 

Rồi ra đi

như một vì sao

chợt tắt

giữa bao la.

 

3.1990

 

[*] Những năm cuối đời, dường như họa sĩ chỉ uống rượu. Ông nói với bạn bè: rượu là phần tinh túy nhất của ngũ cốc.

GHI CHÚ CỦA VĂN VIỆT:

Bài này đã đăng trên Văn Việt cách đây tám năm. Nay xin đăng lại, có sửa chữa và bổ sung, để nhớ họa sĩ Dương Bích Liên.

 

Comments are closed.