Phút hoà bình đầu tiên

 Hà Nhật

 

Quảng Bình từ giữa năm 1972 căng như dây đàn.

Bắt đầu từ tháng 8 là bắt đầu cái gọi là K8. Một cuộc di dân chưa từng có: từng đoàn trẻ em, mỗi đoàn khoảng ba mươi đứa trẻ theo sự dẫn dắt của một cô gái, mỏi mệt đi bộ từ Vĩnh Linh, Lệ Thủy, rồi Quảng Ninh, Đồng Hới, mỏi mệt lê chân về các huyện phía bắc, rồi từ đó mà đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, cho đến khi ra tận tỉnh Thanh Hoá, cách xa đến gần bốn trăm cây số.

K8 vừa đi qua thì tiếp đến cái gọi là K10, bởi bắt đầu từ tháng 10! Lại từng đoàn người ra đi, nhưng lúc này không phải là trẻ con, mà là những bà mẹ với trên lưng là những đứa con thơ.

Chao ôi, cuộc sống chắc không bao giờ còn tái diễn những cuộc đi như thế!

Trong những ngày ấy, vùng đất thị xã Đồng Hới chỉ là một quãng trống không, nhìn từ tây sang đông, từ nam xuống bắc chỉ là gạch nát tường đổ, đúng như ý đồ của một tay tổng thống: làm cho vùng đất này trở lại thời đồ đá!

Một bà dì tôi một lần nói một câu đau xót:

– Mấy ông tỉnh nói là chuyến này “thí” dân Quảng Bình rồi!

Có lẽ đây là cách hiểu dân dã câu nói của ông bí thư lúc đó:

– Hơn ba mươi vạn dân Quảng Bình sẵn sàng hi sinh vì cả nước!

Đúng là căng như dây đàn! Rất nhiều ngày tôi đếm đúng bốn trận máy bay B52 thả bom xuống vùng đất này, đúng bốn trận từ sáng sớm đến chiều tà, và mỗi trận đúng ba chiếc, mỗi chiếc đúng 7 giây, chiếc này nối chiếc kia theo đúng cách ném bom gọi là “rải thảm”!

Đúng là những cỗ máy chiến tranh, vô tri lạnh lùng và tàn bạo. 

Hầu như ngày nào tôi cũng luôn luôn sẵn sàng chờ trận bom. Cứ sau mỗi loạt bom, tôi đưa tay sờ lên người mình: vẫn sống, không có thương tích máu me gì cả. Thế là tốt! Nhưng chưa chắc sẽ qua được. Nghĩ thế nhưng lòng vẫn thấy bình yên. Chẳng thấy lo sợ gì.

Cả thế giới hầu như đang bị hút vào cái hội nghị có tên là Hội nghị hoà đàm bốn bên tại thành phố Paris của nước Pháp.

Cho đến lúc cả thế giới hầu như chỉ hướng về hai nhân vật: cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn Kissinger! Hai người này đều không phải quan chức gì của chính phủ, không thuộc phái đoàn nào trong những bên tham gia đàm phán lúc này tại Paris. Tuy nhiên, ai cũng biết họ là những người cực kỳ quan trọng. Ông Thọ là một ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Lao động Việt Nam, nhưng không nắm chức vụ gì trong chính quyền. Còn ông Kissinger cũng chỉ được gọi là cố vấn của tổng thống Mỹ Nixon thuộc Đảng Cộng Hòa. Đây là một người Mỹ gốc Do Thái, có bằng tiến sĩ, nổi tiếng thông minh và đặc biệt khôn ngoan. Đến độ ngày ấy nhiều tờ báo trên thế giới cho rằng: nước Mỹ không cần phải có thêm ai nữa, chỉ cần một Kissinger là đủ rồi! Có lẽ lúc ấy cũng không ít người lo cho Việt Nam.

Từ giữa năm 1972, những cuộc họp ở Paris, mỗi tuần một lần, mà chẳng đi đến đâu cả.

Vậy rồi đến giữa tháng 12 thì bỗng xuất hiện thông tin: hai bên đã đi đến một Hiệp định đình chiến. Hy vọng tràn trề!

Nhưng, như một thùng nước lạnh: Kissinger từ nước Pháp vội vã lên máy bay trở về Mỹ. Toang thật rồi!

Ông Lê Đức Thọ cũng vội vã lên máy bay trở về Hà Nội! Bản Hiệp định Đình chiến được báo chí Việt Nam đăng lên không thiếu một chữ. Các báo khắp nơi trên thế giới cũng đăng lên, với nỗi xót xa cho một nền Hoà bình vừa hé lộ!

Mười hai ngày đêm! Cả miền Bắc như sống trong ác mộng. Đến tận hôm nay, chắc những người từng có mặt trong thời điểm ấy không thể quên: 12 ngày đêm Hà Nội, đặc biệt tấn thảm kịch nơi phố Khâm Thiên! 

Những người theo Thiên Chúa giáo ở Việt Nam chắc chắn chưa bao giờ trải qua một lần đón lễ mừng Thiên Chúa giáng sinh như vậy!

Chiến tranh tàn khốc. Chiến tranh như một thứ định mệnh không thể thoát được!

Đùng một phát: Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris được chính thức ký kết sau khi hai ông cố vấn đã làm xong cái việc được gọi là: ký tắt!

Cả thế giới thở phào!

Tin mừng nhanh chóng được lan truyền khắp nơi. 

Tôi còn nhớ: khi tin này được truyền đi trên những làn sóng thông tin thì tôi đang ngồi trong hầm nơi một gia đình nông dân. Xung quanh là mấy người bạn dạy cùng trường. May mắn là có một người bạn có một cái máy thu thanh “ô ri ông tống”, âm thanh tuy khò khè nhưng cũng nghe được, ai cũng hồi hộp lắng nghe. Tin đình chiến đến như tiếng sét ngang trời, mừng đến độ không thể tin.

Cả bọn tôi chui ngay ra khỏi hầm, reo lên như điên:

– Hoà bình rồi! Sống rồi!

Sướng quá. Phải làm cái gì chứ? Phải đốt lên một ngọn lửa chứ! Bao nhiêu ngày qua, tối đến là phải tắt đèn tắt lửa, đến một điếu thuốc cũng phải chui xuống hầm mà bật lửa, rồi hút cũng phải giơ hai bàn tay bụm lấy mà che lại! 

Tôi tìm bà chủ nhà, sốt sắng hỏi:

– Nhà có gì để nấu không?

– Có ít khoai lang rèo thôi.

– Thế chị để ngay cho một ký. Rèo cũng được. Cho tôi mượn cái nồi. Để cho một nắm củi luôn.

Hiểu được niềm vui lớn, chị chủ nhà thực hiện ngay điều mong ước của chúng tôi.

Thế là bếp lửa được nhóm lên, cháy bừng bừng trước sân nhà.

Hoá ra Hoà bình chỉ là thế thôi. Định nghĩa làm gì cho mệt.

Sau này tôi biết đến tên nhiều người Mỹ nhưng nhớ nhiều nhất vẫn là một cái tên: Henry Kissinger, một người Mỹ gốc Do Thái thông minh và khôn ngoan. 

Chính cái người Mỹ này, sau đó, đã có một lần đến thăm Hà Nội. Ông ta được giới thiệu đến thăm mấy nơi như Văn miếu, Quốc tử giám, Bảo tàng lịch sử Việt Nam… Buồn cười, ở viện bảo tàng, khi được giới thiệu bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, ông ta cười rồi nói ngay:

– Tôi biết rồi. Đây chính là Điều 1 khoản 1 ngay từ đầu bản Hiệp định Paris chứ gì! (… recognize the independence, the sovereignty and the territorial integrity of Vietnam…).

Đúng là một người Do Thái, thông minh và khôn ngoan.

Thật lạ: sáng nay, vừa viết xong những dòng đầu của bài viết này thì đọc được thông tin trên báo và nhiều trang mạng: ông Henry Kissinger đã từ trần tại Mỹ, thọ 100 tuổi. RIP!

Thế là đã gần tròn 51 năm kể từ cái ngày hoà bình đầu tiên ấy. 

Chắc thế hệ hôm nay khó mà biết hết thế nào là giá trị của một ngày hoà bình!

Comments are closed.