Hoài Khanh – Mây của trời rồi gió sẽ mang đi

 Phạm Hiền Mây

image

Trước khi tôi được sinh ra, thì người thơ hôm nay mà tôi đề cập, thơ của ông đã lung linh và sáng chói cả một vùng trời.

Người thơ ấy rất thân thiết với thầy Tuệ Sỹ, thầy Mạnh Thát, thầy Phước An, và từng được các thầy cùng triết gia Phạm Công Thiện, nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Viên Linh, tiểu luận gia Đặng Tiến cùng nhiều người khác nữa, danh tiếng lừng lẫy trong giới văn chương, ít nhất một lần, viết về ông.

Đó là nhà thơ Hoài Khanh.

Thơ Hoài Khanh đẹp. Đẹp tứ, đẹp ý, đẹp chữ. Đẹp nội dung lẫn cả hình thức.

Thơ ông là lời ru của mẹ, là bóng trăng mờ, là cây đa bến cũ, là con đò năm xưa. Thơ ông nhắc Nguyễn Du để rồi mượn đó mà nói về thân phận bé mọn của con người trong cõi đời vừa ô trọc vừa rất đỗi phù hư này:

ngược xuôi bao kẻ đi về

tấm thân bé mọn bên lề tồn vong

chuyện đời có có không không

phù vân một áng bụi hồng xa xa

cớ sao thiên hạ người ta

vẫn chưa tròn một quê-nhà-bao-dung?

vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng?

trong cơn-trường-mộng-vô-cùng-thời-gian

(Nhớ Nguyễn Du)

Thơ ông luôn buồn vì những bạc bẽo tình đời:

chắc chi thiên hạ người ta

cũng thương cho một cành hoa héo tàn

(Theo Nguyễn Trãi)

Hoài Khanh viết về tình yêu và hận thù, về sự sống và cái chết, về cái mỏng manh, dễ vỡ của cuộc nhân sinh, cuộc trường thiên mộng sầu vạn cổ:

và tôi hột cát xa mờ

một đêm nào bỗng tình cờ sương tan

(Trong Giọt Sương Tan)

******

Nhắc tới Hoài Khanh, đồng loạt những người biết ông, sẽ cùng lúc nhắc tới tập thơ Thân Phận, vì chính tập thơ này đã làm nên tên tuổi của ông vào những năm một ngàn chín trăm sáu mươi, bên cạnh những Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn…

Đã sáu mươi mốt năm, kể từ khi Thân Phận ra đời, bao nhiêu là dâu bể đổi dời, vậy mà người yêu thơ, từ thế hệ này qua thế hệ khác, không làm sao mà quên được, không làm sao mà tránh được ngậm ngùi, mỗi khi lòng nhớ:

con sông nào đã xa nguồn

thì con sông đó sẽ buồn với tôi.

(Dòng Sông Của Tôi)

Hoài Khanh là người tình thủy chung của lục bát. Cùng với người tình lớn là lục bát, ông còn có vô số những người tình nhỏ khác, đó là nỗi buồn thiên niên vạn đại, là dòng sông đìu hiu, hoang vu, quạnh quẽ, là cái lặng ngắt thê thiết của thương hải tang điền:

hỡi ơi dâu bể không làm mệnh

mà kiếp trầm luân cũng bạc đầu

(Trở Gối)

Người tình nhỏ của Hoài Khanh còn là tiếng còi tàu, là lau lách, là khói sương, là hơi gió. Ông còn nữa, nhiều lắm, những người tình nhỏ tiếp theo, là cành hoa cải, là hương hoa cau, là dư âm, là phím tơ chùng:

em đi lạnh một dòng mưa

nguồn thanh xuân đó già nua nhánh cành

bãi tràn phơi nắng chiều hanh

gió thương cây lá long lanh giọt đàn

(Nhận Phận)

Tôi ngắm Hoài Khanh trong những bức ảnh còn lưu lại sau này, tôi đọc những bài thơ vang bóng một thời của ông, và, cảm ra. Cảm ra ông có vẻ gì đó như là niềm u uẩn, đào sâu chôn chặt tận đáy lòng. Cảm ra bao vây ông là những khói sương mù mịt, lờ lững, không bao giờ có bóng dáng mặt trời nên chúng cũng chẳng chịu tan. Nhìn ra sau lưng thì tối tăm mù mịt, nhìn về phía trước thì thăm thẳm cô liêu, trái phải hai bên thì hoang vu, vô định:

nước xuôi lặng một dòng sầu

biết về đâu hỡi mấy màu thời gian

ta nghe lòng vỡ cung đàn

hồn âm thanh rợn chiều hoang lá cành

(Dòng Sông Của Tôi)

Có cái gì đó như là sự sầu hận, như là thân phận, đúng rồi.

Thì là Thân Phận chớ còn gì nữa. Nãy giờ, tôi cùng các bạn, vẫn đang lật giở từng trang, từng trang Thân Phận. Hoài Khanh, không sao dứt ra được khỏi những ám ảnh về thân phận lưu đày trong kiếp con người, và ám ảnh ấy cứ trở đi trở lại trong thơ ông:

ta sẽ chết và rồi em cũng sẽ

đành bỏ đi những luyến nhớ một thời

những buồn giận cùng tấm lòng ước vọng

sẽ là gì trong một kiếp xa xôi?

(Sẽ Là Gì Trong Một Kiếp Xa Xôi)

******

Xem chừng, Hoài Khanh, lúc sinh thời, rất thân với Phạm Công Thiện – cho nên, Phạm Công Thiện mới viết lời nói đầu cho tập thơ Thân Phận – cho nên, Hoài Khanh mới dành hẳn ra một bài thơ để tặng người có ngày sanh của rắn:

ôi đồi thông những chiều nghiêng nhớ nắng

lòng ta trôi chiều cũ dưới chân đèo

gió heo hút dường nghe niềm u hận

em đi rồi ta vẫn đứng nhìn theo

(Xin Chào Đà Lạt)

Tự nhiên tôi nhớ quá một người bạn thơ vong niên, thân thiết, đã mất cũng đâu được sáu, bảy năm nay. Phạm Ngọc Lư cũng hao hao Hoài Khanh. Hao hao về nỗi cô đơn, mỏi mòn trước cuộc đời dâu bể. Hao hao vì những lặng lẽ, khép kín, thu mình. Hao hao nét thâm u, hiu hiu hắt hắt:

ta đi lòng có trong mồ

bước vô tư vẫn lạnh bờ ly tan

sông xanh rời trắng mây vàng

chút hồn sơ cổ rợn ngàn sương phong

(Quên)

Thú thật, không chỉ hao hao như Phạm Ngọc Lư, mà, xem chừng, Hoài Khanh cũng na ná một người, một người thơ bạc mệnh mà tôi vừa nghĩ tới, đó là, Hàn Mặc Tử.

Còn khi Đặng Tiến đọc tới hai câu này, thì tự dưng ông nhớ tới Vũ Hoàng Chương và Trần Tử Ngang:

ai nghìn xưa, ai nghìn sau

tháng năm vàng xuống bờ lau tội tình

(Trong Ý Mùa Thu)

Rồi đọc tiếp tới hai câu dưới đây, thì Đặng Tiến lại quay ngang, nhớ nhà thơ Quang Dũng:

trong mắt những người tâm sự ấy

mây ngàn năm cũ bay lênh đênh

(Nước Mắt)

Đặng Tiến nói tiếp, nếu Vũ Ngọc Phan xếp Lưu Trọng Lư và Vũ Hoàng Chương vào hàng thi sĩ nửa cũ nửa mới, thì tôi cũng nhận định, thơ của Hoài Khanh là loại thơ lời cũ mà ý mới.

Tới Bùi Giáng, ông viết như thế này về Hoài Khanh, anh chưa quá hai mươi tuổi, anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu, tái sinh, nghe được, phải lạnh mình trước cái vĩ đại, hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu. Cái vẻ ngây thơ thăm thẳm của lời thơ, chỉ những thiên tài xuất chúng mới có được.

Phạm Công Thiện thì dữ dội hơn, ông sổ thẳng, cái thẳng của một tình bạn chí thân, Hoài Khanh, là hình ảnh bi đát của đời, của người, của một kẻ bị đày giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian.

Phạm Công Thiện không ngại ngần, ụp xuống, nhìn nét mặt Khanh tôi thấy sự chết, tôi thấy bệnh hoạn, đau khổ, quằn quại, khắc khoải, ray rứt, xao xuyến, hãi hùng, hoang liêu, cô đơn, tôi thấy sự chiến bại, sự thất vọng của con người.

Vẫn là Phạm Công Thiện, nghe sự im lặng của Khanh, tôi cảm thấy thượng đế, tôi cảm thấy quỷ ma, tôi cảm thấy tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hiu trong nhân thế. Tôi không muốn nghe, cũng như bao nhiêu người khác không muốn nghe, bởi vì đó là tiếng nói của sự thật. Tiếng nói của dòng sông vạn ngàn năm chảy trôi về biển. Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù.

******

Tôi thuộc hàng hậu bối của Hoài Khanh, lứa sinh sau đẻ muộn. Cái tôi biết, thì ông đã biết trước tôi nửa thế kỷ. Cái tôi rành, thì ông cũng rành trước đó nửa trăm năm.

Tôi biết đến Hoài Khanh là nhờ bài thơ Ngồi Lại Bên Cầu. Và một câu thơ ở trong bài, đã luôn luôn hiện diện, đi theo trong suốt cuộc đời tôi, mỗi khi tôi buồn hoặc cảm ra cái vô thường, cái thực thực hư hư, vừa có đó đã mất ngay đó, là câu “mây của trời rồi gió sẽ mang đi”:

người em gái trở về đây một bận

con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ

tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể

mây của trời rồi gió sẽ mang đi

em – thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc

mầu cô đơn trên suối tóc la đà

còn gì nữa với mây trời đang trắng

đã vô tình trôi mãi bến sông xa

thôi nước mắt đã ghi đời trên đá

và cô đơn đã ghi dấu trên tay

chân đã bước trên lối về hoang vắng

còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy

quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ

giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ

ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão

con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ

rồi em lại ra đi như đã đến

dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù

ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng

nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu

Vẫn là một giọng thơ rất Hoài Khanh, nghĩa là rất buồn, buồn vì nỗi mất mát; rất một mình, một mình vì người bỏ ta đi. Cuối cùng, chỉ là những hoang vu, những kỷ niệm đã trở thành dĩ vãng. Đến và đi, tựa dòng sông, trôi hoài về một phía.

Xa bờ.

Nhưng tôi, người đọc bài thơ, vẫn cứ muốn trách ông, sao lại “tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể”. Chưa vào cuộc mà ông đã buông xuôi, chưa thử đánh ván bài vận mệnh với phận số mà ông đã cứ chắc rằng, “mây của trời rồi gió sẽ mang đi”.

Biết đâu, nào ai biết đâu, mây chưa đi, mây vẫn còn ở lại, với nắng, với hoa, với lá, với cỏ biếc xanh và dòng suối nguyên sơ thanh khiết, để cùng người vui vầy và mang lại cho nhau chút hạnh phúc hiếm hoi.

Làm sao mà biết được. Những phút giây ấy, những khoảnh khắc ấy, với thần tiên, là chớp mắt, nhưng với cõi mình, là suốt một trăm năm.

Tôi tiếc cho ông quá.

Tiếc, bởi vì, em của ông “vẫn nụ cười xanh mắt biếc”, vẫn “suối tóc la đà”. Thế mà, chưa gì, ông đã vội vàng quả quyết “mầu cô đơn”, “trôi mãi bến sông xa”.

Mây vẫn còn ở đó. Là người đọc, là người đứng ở ngoài, tôi biết chắc, mây vẫn còn ở đó, nếu không tìm thấy, chỉ là, mây đang giấu mình sau ngọn núi, ngọn đồi, để thử lòng thôi. Vậy mà chưa gì ông đã:

thôi nước mắt đã ghi lời trên đá

và cô đơn đã ghi dấu trên tay

chân đã bước trên lối về hoang vắng

còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy

Rồi ông “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, ông phủ định hiện tại và hứa hẹn với tương lai:

quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ

giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ

ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão

con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ

Tôi thiệt là buồn cho ông đó, ông Hoài Khanh à.

Thực ra, điều rõ rệt nhất với tôi, thơ Hoài Khanh, khi đọc lên, là sự yếm thế. Chưa chắc ông đã tin vào định mệnh, nhưng như có một điều gì đó, bàng bạc, bảng lảng, đeo theo ông, vây quanh ông, bủa ráp. Không phải những thi sĩ nổi tiếng cũng từng mang máng như thế hay sao? Thì Bùi Giáng đó. Thì Hàn Mặc Tử đó. Cứ lững lững lờ lờ, mây trắng rồi trăng lu, đêm tàn rồi đêm lệ.

Thơ là nghiệp. Thơ càng hay, thơ càng xuất thần, thì tôi đồ rằng, sự vay mượn điều ấy từ đâu đó không thấy được, quanh ta, đến một thời hạn nhất định, buộc phải trả lại, cả vốn lẫn lãi.

Có khi cũng chẳng là vay. Con người ta, vừa mới sinh ra, biết gì luật trời đất mà vay với mượn. Thượng đế, ngài giúi vào. Thượng đế, ngài nhét vào. Không nhận không được ấy chớ.

******

Nhưng tôi vẫn cảm ơn câu thơ mà ông đã để lại cho đời. Câu thơ đẹp quá chừng đẹp. Nó là sự lãng mạn cần có lắm cho hết thảy chúng ta. Bi lụy một chút cũng được. Yếu đuối một chút cũng được. Như tâm hồn mình vậy, cần nắng sớm bình minh khỏe khoắn, cần xanh hoa đỏ lá tươi vui, nhưng đôi khi cũng cần thêm cả một chút se sẽ buồn của mùa sang, một chút bâng khuâng của gió về mơn trớn, để mềm hơn, để khẽ khàng, để nhẹ nhõm với nhau hơn.

Tử tế, với nhau. Thương yêu, cùng nhau.

Lợi ích lắm. Chớ cứ như học đường hiện nay, thực tế quá, sòng phẳng quá, không biết thơ không biết mộng là gì, nên cô rượt trò, trò đánh lại cô, chí chóe.

Thơ không còn trong học đường, thì, bạo lực sẽ thế chỗ.

Cảm ơn ông, Hoài Khanh, không chỉ với tập thơ Thân Phận, mà còn cảm ơn ông, vì, như nhà thơ Võ Chân Cửu đánh giá, cùng với Bùi Giáng, thì Hoài Khanh chính là người giữ cho tâm hồn lục bát sống mãi với nhịp thời gian.

Sài Gòn 09.12.23

Comments are closed.