Truyện ngắn
Thu Phong
-Chào cô.
Người đàn ông nhấn phím “enter”.
-Chào ông. Tôi có quen ông không?
Người đàn bà nhấn phím “enter”.
Cứ mỗi lần gõ xong một câu đối thoại, hai người nhấn “enter” để gởi đi. Câu ấy vượt không gian đến với người nhận gần như tức thì dù họ ở cách xa nhau. Đôi khi nhấn phím “enter” rồi họ mới biết mình lỡ lời nhưng đã muộn. Tương tự đối thoại mặt giáp mặt: một lời nói ra như tên đã bắn đi, không thể rút lại được.
-Là tôi, người gởi cho cô tập truyện.
-Sao ông biết địa chỉ của tôi?
-Ngày xưa Hoàng thị…
-Tôi làm như “anh” trong bài hát ấy.
Mất nhiều giây màn hình mới hiện ra lời Người đàn bà
-Sao ông biết địa chỉ email của tôi?
-Cô yên tâm, tôi không phải công an mạng, cũng không phải hacker.
-Sao ông gởi sách cho tôi?
-Tôi là tác giả.
-Tôi muốn giới thiệu với cô rõ hơn về việc tôi đang làm.
-Ông làm như chúng ta đã quen với nhau vậy. Sao ông không gởi đến công ty, ông biết địa chỉ công ty phải không?
-Vì hai lý do: Để ngừa trường hợp nhân viên công ty- nhất là các cô gái ở văn phòng, bàn tán, suy diễn, thêu dệt mối quan hệ của cô. Dù sao cô có thể giữ kín quyển sách và mối quan hệ hoặc tiết lộ một phần hay tất cả.
-Có thêm một người đọc, ông cũng không nổi tiếng hơn, phải không?
-Thật khó tin, nhưng tôi không thích nổi tiếng.
-Ông viết để làm gì? Ông không muốn nhiều người đọc mình?
-Viết là một cách sống ở đời như ăn, ngủ, đi lại. Người nổi tiếng thường bị săm soi. Tôi muốn yên ổn, thích nơi quạnh quẽ, thích ở một mình. Tôi không chờ đợi được nhiều người đọc. Tôi chỉ muốn có được một vài người thích mình. Vấn đề ở chỗ người đó là ai. Vì thế tôi không có thói quen tặng sách rộng rãi, thường chỉ tặng cho người tôi biết là thích đọc truyện ngắn. Hơn nữa, sách in không nhiều, và tôi không muốn người nhận vất vào sọt rác.
-!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
-Cô là người hấp dẫn.
Người đàn ông nhấn phím “backspace” xóa chữ “hấp dẫn” thay bằng “đặc biệt” trước khi nhấn phím “enter”.
-Đặc biệt là thế nào?
-Phải nhìn nhận ở tuổi bốn mươi mà cô vẫn còn rất đẹp và quyến rũ; tuy vậy điều khiến tôi muốn tiếp xúc là sự bí ẩn nơi cô. Tôi thích mọi thứ bí ẩn, nhất là con người.
-Còn hơn chín tháng nữa tôi mới bốn mươi.
-Thì cũng thế thôi. (Người đàn ông nhấn phím “backspace” xóa câu “Thì cũng thế thôi”) Ừ, tôi xin lỗi, cô ba chín. Tôi muốn gởi cô một tặng phẩm nho nhỏ, và sách là thứ quý nhất mà tôi có.
-Sao lại “thân mến tặng”?
-Sao lại không?
-Tôi thấy những chữ ấy không thích hợp với người xa lạ.
-Chỉ là để lịch sự và có chút tình cảm thôi mà.
-Tình cảm bừa bãi?
-Tôi xin lỗi, ý tôi là dễ giải.
-Dễ giải?
Mất nhiều giây màn hình mới hiện ra lời Người đàn bà.
-Tôi xin lỗi, tôi không biết dùng từ thế nào.
-Có phải cô muốn nói “rộng rãi”?
-Ông nói rõ được không?
-Thôi được. Tôi không muốn đóng dấu “Kính biếu” vì như thế không rõ, không đúng với cô; tôi không muốn ghi “tác giả tặng” hoặc “tặng cô” nghe cộc lốc; tôi không thể ghi “kính mến tặng” vì tôi lớn tuổi hơn cô; cũng không thể ghi “quý mến tặng” vì tôi chưa biết rõ cô sao lại quý được. Nếu ghi “thân tặng”, thì quả thật chúng ta đâu có thân, còn “mến tặng” thì trẻ con quá và cũng không thực đúng. Tôi nghĩ hai từ “thân” và “mến”ghép lại là thích hợp nhất.
-Vừa thân lại vừa mến phải không?
-Không! Chẳng thân cũng chẳng mến.
Mất nhiều giây màn hình mới hiện ra lời Người đàn bà
-Rắc rối thế thì đừng ghi gì cả…
-Để trống còn rắc rối hơn, cô không thấy sao?
-Ông nói rõ xem.
-Người ta không rõ tập truyện ấy cô mua, mượn bạn hay lấy cắp. (Người đàn ông nhấn phím backspace để xóa từ “lấy cắp” thay vào ba dấu…) Hơn nữa nếu có ai đó biết tôi tặng cô mà không ghi tặng có thể nghĩ tôi ngớ ngẩn hoặc bất lịch sự.
-Ông thật mờ ám.
-Cô nghĩ thế cũng phải.
-Tôi chưa nói hết ý mình; Tôi muốn nói cô nghĩ thế cũng phải vì cô là doanh nhân. Chắc cô ít đọc thơ văn nên không biết nhà văn nhà thơ luôn “mờ ám”. Nếu không “mờ ám” họ không phải là nhà văn nhà thơ.
-Mục đích thực sự của ông là gì?
-Cô quá quắt thật. (Người đàn ông nhấn phím backspace để xóa câu “Cô quá quắt thật”, thay bằng biểu hiệu ). Tôi vừa nói rồi đấy. Để làm quen tôi giới thiệu tên, nói công việc của mình. Tập truyện giới thiệu rõ hơn một chút về công việc ấy, thế thôi.
-Sao không để cho sự tình cờ sắp đặt? Người ta nói câu gì đấy, rằng có duyên thì dù xa xôi cũng sẽ gặp nhau? Cần chi tìm kiếm mất thì giờ, có khi lại thất vọng.( Đấy là tôi nói duyên là duyên theo Phật, chứ không phải duyên số nam-nữ ).
-Đó là câu “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; vô duyên đối diện bất tương phùng”. Câu ấy không khuyên người ta đừng tìm đến nhau.Tôi nghĩ mình không nên buông xuôi phó mặc cho số mệnh (nếu có số mệnh). Nếu sung không rụng thì mình cần trèo lên cây để hái. (Cô sợ chuyện tình cảm nam- nữ đến thế sao?).
-Nhưng tại sao lại là tôi mà không là người khác?
-Cô nghĩ rằng tôi chỉ gởi sách tặng cô?
Nhiều giây trôi qua màn hình vẫn chưa hiện ra lời Người đàn bà.
-Thôi được, cô đúng. Nhưng tại sao không phải là cô? Tôi không tin cô không cần bạn, không cần gia đình. Tôi không tin sự nghiệp là tất cả, nhất là với phụ nữ. Tôi tuy thuộc thế hệ cũ, nhưng không đến nỗi không nhận ra xã hội đã thay đổi. Tuy nhiên phụ nữ không thể rời bỏ thiên chức của mình.
-Ông muốn nói đàn bà con gái phải trau giồi công ngôn dung hạnh, và ở nhà chăm sóc chồng con?
-Tôi thú nhận mình còn nghĩ như thế; nhưng đó không phải là tất cả. Tôi chấp nhận phụ nữ làm việc ngoài xã hội, miễn họ không bỏ bê việc nhà cửa chồng con. Tôi có làm việc nhà và thỉnh thoảng có dẫn vợ con đi ăn tiệm. Nhưng tôi vẫn thích vợ tôi nấu món ngon cho tôi.
-Tôi chưa nói hết ý. Tôi muốn nói rằng nếu vợ tôi chăm sóc tôi, tôi sẽ chăm sóc lại; nếu cô ấy gắp bỏ vào chén tôi miếng ngon, tôi sẽ không ăn mà nhường nó cho cô ấy.
-Anh ủng hộ phong trào giải phóng phụ nữ?
-!!!
-Tôi nghĩ giải phóng phụ nữ là để họ tự do muốn làm gì thì làm, bản thân tôi muốn kinh doanh.
-Cô đúng. Nhưng tôi muốn phụ nữ không quên thiên chức của họ.
-Đầu bếp nhà hàng đàn ông nhiều hơn phụ nữ; thợ uốn tóc, thợ may cũng thế. Đàn ông các ông thường nói thế để chứng tỏ khả năng của nam giới mà!
-Ý cô là không có cái gọi là thiên chức của phụ nữ?
-Có lẽ các cụ bày ra để kiềm hãm phụ nữ?
-Ý đấy khá thú vị ! Nhưng chẳng lẽ cô không thấy bé gái thích chơi búp bê và trò bán hàng trong khi bé trai thích xe cộ, súng đạn, máy móc?
-Tôi không nhớ mình chơi thứ gì ngày còn bé.
-Dù sao, tôi nghĩ điều quan trọng nhất với phụ nữ là có một gia đình, phụ nữ cần sinh con mới hoàn thành bản thân.
-Nếu lấy chồng tôi dứt khoát không lấy chồng của người khác.
Người đàn ông suy nghĩ trước khi gõ tiếp trên bàn phím:”Cô ấy chưa có chồng!”.
Trong khi chờ đợi, Người đàn bà nghĩ “Mình không nên nói thế”.
-Nên thế. Việc ấy phạm pháp, và phi đạo đức. Nhưng đôi khi người ta không chống lại được sức mạnh của tình yêu.
-Cô có thể không lấy chồng của người khác nhưng cô có thể yêu ông ta.
-Ông sai rồi, người yêu của tôi chưa có gia đình.
Người đàn ông suy nghĩ trước khi gõ tiếp trên bàn phím:”Cô ấy đã có bồ”.
Trong khi chờ đợi, Người đàn bà nghĩ “Lại nữa! Sao mình lại nói ra như thế nhỉ”.
-Cô lựa chọn người để yêu?
-Nếu cô lựa chọn, ngay cả tìm hiểu đối tượng đã có gia đình hay chưa, thì cô nên hỏi lại con tim mình.
-Con người không phải là một sản phẩm.
-Sao ông lại nói tất cả những điều trên với tôi?
-Tôi đã nói rồi đấy, tôi muốn làm quen.
Mất nhiều giây màn hình mới hiện ra lời Người đàn bà.
-Ông đừng bóng gió. Tôi quá biết đàn ông, nhất là các nhà văn nhà thơ.
Ngay sau khi nhấn phím “enter”, Người đàn bà nghĩ: “Mình cần phải đọc lại trước khi gởi đi”.
-Cô khó chịu thật.( Người đàn ông nhấn phím backspace đế xóa câu “Cô khó chịu thật”). Thôi được, nếu tôi tán tỉnh cô thì có sao nào? Cô cho rằng tôi đã làm chuyện xấu? Có người nói “dê” ( Người đàn ông nhấn phím backspace để xóa từ “dê”, thay bằng “tán tỉnh”) là ưu điểm của đàn ông đấy! Theo tôi khi “tán tỉnh”, người đàn ông bày tỏ lòng tôn trọng và yêu mến phụ nữ.
-!@#$%^&*()_+<>?
-!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
Nhiều giây trôi qua màn hình vẫn không hiện ra lời Người đàn bà.
-Dù cô nghĩ thế nào, tôi vẫn cho rằng tán tỉnh nhau là tốt, có thể bằng lời nói, bằng tay, bằng một hành vi nào đấy, miễn thật lòng và không quá giới hạn.
-Ông nói rõ hơn đi.
-Giới hạn ở chỗ đối tượng chấp nhận được, ngay cả lời nói tục, cử chỉ sờ mó.
Người đàn ông nhấn phím backspace để xóa dòng chữ “ngay cả lời nói tục, cử chỉ sờ mó”.
-Ông không biết có tội danh quấy rối tình dục sao?
-Dĩ nhiên tôi biết. Và chính thái độ của “nạn nhân” qui định giới hạn tôi vừa nêu. Hành vi tán tỉnh quá hay không quá giới hạn tùy mỗi “nạn nhân”, nó hoàn toàn chủ quan. Qua hành động kiện, “nạn nhân” biểu lộ thái độ không chấp nhận. Tôi không nghĩ hành vi vỗ mông cô Monica của ông Bill là một cử chỉ xúc phạm; trái lại, đó là lời khen bằng tay của ông. Danh dự một người- như Charlie Chaplin đã nói, có thể ở mông người đó; nhưng chỉ trong trường hợp người đó bị đá kia!
Mất nhiều giây màn hình mới hiện ra lời Người đàn bà.
-Nhưng cô ấy đã kiện?
-Kiện là quá đáng, ông ấy không hề tấn công cô ấy.
-Theo tôi thay vì kiện, cô ấy có thể trả đũa, miễn là đừng quá mức.
-Thí dụ?
-Cô ấy có thể vỗ vào ngực ông ấy.
-Nếu cô cho rằng vỗ mông là tấn công thì vỗ ngực cũng là tấn công chứ còn gì nữa! Đó là một hành động trả đũa tương xứng theo đúng quan điểm luật pháp.
-Ông đang đùa!
-Tôi cho rằng cô Monica đã bất công nếu không muốn nói là chơi xấu ông Bill. Nếu ông ấy là người bình thường, cô ấy đã không kiện.
Mất nhiều giây màn hình mới hiện ra lời Người đàn bà.
-Giờ tôi mới biết nhà văn và tổng thống giống nhau đấy!
-Nếu cô muốn nói giống nhau thì họ đều là đàn ông đấy!
-Đàn ông có thể tán tỉnh bất chấp đạo đức?
-Cô mỉa mai vì cô nhầm về đạo đức. Tán tỉnh là bản tính tự nhiên, nó không liên quan gì tới đến tình trạng có vợ hay không, nó bất chấp quan hệ xã hội. Nó có thể xảy ra giữa thầy với trò và ngược lại. Nó cũng xảy ra giữa cha với con gái, mẹ với con trai nữa. Dĩ nhiên nó cũng bất chấp địa vị, tuổi tác. Như tôi đã nói: tán tỉnh là biểu lộ lòng tôn trọng, yêu mến phụ nữ.
-Ông tán tỉnh bất cứ ai?
-Không! Không phải bất cứ ai.
-Ông vừa nói vậy mà.
-Cô không đọc kỹ rồi. Tôi có thể tán tỉnh bất cứ ai chứ tôi không bảo tôi tán tỉnh bất cứ ai.
-Ồ phải! ông chỉ tán tỉnh những người đặc biệt thôi.
-Người ta thường nói “Đừng khó tính với người khác, hãy khó tính với chính bản thân mình”. Tôi nghĩ lời đó đúng, và muốn thêm: “Cũng không nên quá khó tính với bản thân mình”. Nếu cô không sẵn lòng đến với người ta thì hãy giang tay chào đón người ta đến với mình; nếu không cô sẽ khó có bạn, khó có người yêu đấy!
-Ô hay! Tôi cần ông tư vấn bao giờ vậy?
-Tôi chỉ muốn giúp, thế thôi. Bạn rất cần (nhiều trường hợp trước là bạn sau là người yêu, là vợ, là chồng). Ai đó nói nếu trong tình yêu mà có thêm tình bạn thì tuyệt vời. Dù cô là giám đốc doanh nghiệp, tôi không nghĩ rằng cô không có thì giờ để giao du kết bạn, tìm kiếm người yêu.
-Ông chủ quan quá đấy!
-Nếu tôi chưa có bạn – tôi muốn nói bạn thực sự chứ không thuần túy là đồng nghiệp, tôi sẽ tự hỏi phải chăng mình quá lý tưởng, đặt ra tiêu chuẩn quá cao? Hay tôi quá thành kiến với người khác.
-Rất tiếc tôi không phải là ông.
-Dĩ nhiên! Tôi không có cặp đùi đẹp như cô.
-Ông thật trâng tráo.
-Cô còn hơn cô Monica! Tôi chỉ mới nói thôi mà cô đã lên án tôi rồi.
-Ông nghĩ tôi là người thế nào chứ?
-Tôi nghĩ cô đã hiểu nhầm tôi. Tôi rất tôn trọng, hơn nũa quý mến cô.
-Như ông Bill với cô Monica ?
-Khác chứ! Tôi đâu có vỗ mông…
Thật lâu. Đúng lúc Người đàn ông nghĩ rằng Người đàn bà tắt máy thì xuất hiện câu đối thoại.
-Ông có quan tâm những gì tôi nói với ông không?
-Đó là câu hỏi thừa.
-Vậy ông đã phớt lờ thái độ của tôi?
-Tôi mừng vì cô không giận tôi.
-Giận hay không giận cũng như nhau thôi.
-Sao lại như nhau được.
-Ông sẽ không bao giờ đạt được mục đích của mình. Xin lỗi, tôi không có thì giờ nói chuyện với ông nữa.Tôi phải ngưng để làm việc.
-Bây giờ là mười hai giờ năm phút khuya rồi.
-Hai giờ tôi đi ngủ. Tôi làm đúng theo thời khóa biểu của mình.
-Cuộc nói chuyện này mất nhiều thời gian của cô rồi.
-Không sao. Chúc ông ngủ ngon. Hẹn không gặp lại.
-Chào cô. Chúc cô ngủ ngon. Trái đất tròn.
-Nó không hẳn tròn.
-Dù sao nó vẫn tròn.
Mất nhiều giây màn hình mới hiện ra lời Người đàn bà.
-Ông cứ nhất quyết dành nói lời sau cùng mới được sao?
-Chắc cô biết chơi bóng chuyền?
-Ông cứ nói đi!
-Đối thoại giống như chơi bóng chuyền vậy.
-Cô đã giao bóng qua phía tôi thì tôi phải đánh trả lại chứ sao nữa… Cô có muốn nghe lời cuối cùng của tôi không?
-Ông nói đi.
-Nếu cô nghĩ rằng những gì tôi nói là thật thì cô đã lầm .
-Tôi cũng có lời cuối cùng cho ông.
-Cô nói đi!
-Tôi cũng muốn nói với ông như thế!
Shutdown, Người đàn bà, suy nghĩ: “Thật là… Rõ ràng ông ta điên điên. Có phải các nhà văn đều như thế?… Dù sao ông ta cũng có điểm hay và dễ thương: ông ta tán tỉnh mình nhưng cứ chối quanh”.
Shutdown, Người đàn ông nghĩ: “Chỉ cần ghi lại nguyên văn. Tên truyện sẽ là…”.