Quê ngoại của các con tôi

Tạp bút Khuất Đẩu

Tôi không đủ đức tính ngang tàng và bạo mồm bạo miệng như nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, để có thể tặng vợ bốn câu thơ trời ơi đất hỡi thế này:

Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt

Nhưng vì sao ta lại yêu em?

Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột

Ta quàng xiên nên đã sa chân.

Tôi cũng sa chân nơi quê ngoại của các con tôi, nhưng không phải vì mắt em nhìn như là bẫy chuột, mà vì nơi đây có những hàng cau rất giống với quê nhà và vì lỡ kẹt không chịu trình diện quân dịch nên không thể rút chân đi đâu được.

Ở quê tôi không hiểu cái nước uống nó thế nào mà khi nói ai cũng ngửa cổ lên như khướu hót, cứ “dẩy na? dẩy na?”. Còn ở đây thì cổ như mắc nghẹn giống nhái kêu, các từ chứa âm a đều biến thành e, rằng đừng có nói léo, hãy đưa teo tờ béo!

Tuy nhiên cuộc ngẫu nhĩ sa chân cũng có được cái may, miền đất này rất thái hòa nên được gọi là Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nhà thơ Quách Tấn còn gọi một cách rất thơm tho là xứ trầm hương.

Đúng là rừng núi ở xứ này từng có một thời lừng danh vì có rất nhiều trầm kỳ.

Có một loại cây tên cây chỉ mọc ở rừng sâu, khi bị gió bão làm cho cành cội tơi bời, liền tiết ra một chất nhựa quý có vị cay cay đăng đắng, chữa bệnh hay một cách thần kỳ, nhất là đau bụng gió, nên được gọi là kỳ nam. Ngoài kỳ, còn có trầm, tuy không chữa được bệnh, nhưng đốt rất thơm.

Cụ Nguyễn Du viết “Đốt lò hương ấy so tơ phím này”, là đốt trầm. Xưa, các cụ thường xông trầm khi đọc sách, thưởng trăng. Trung thu còn có thêm hương hoa cúc và hương mạch nha, lễ mễ công phu như trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.

Những người đi tìm trầm gọi là đi điệu. Tức là phải mang đồ đoàn trên lưng như các bà mẹ Ra-đê địu con, chứ không phải ăn chơi sành điệu. Họ là những người nghèo thường đi từng nhóm từ ba đến năm người, lặn lội trong rừng sâu núi cao cả tháng mới về.

Không phải người nào cũng trúng, tức là được ông bà thương cho gặp cây dó có kỳ. Thường là chỉ mót được chút ít của những người gặp may để sót lại. Có người đi cả đời vẫn chưa một lần gặp được. Rồi thương tật, rồi bệnh sốt rét từ núi rừng mang về, kiếm được bao nhiêu trầm đều phải đổ ra mua thuốc, nghèo lại hoàn nghèo. “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” là vì vậy.

Xưa nhiều người đi lạc, đồn rằng để sống sót trong rừng phải ăn thịt sống, nên hóa thành …cọp! Tiếng đồn “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” biết đâu là từ những câu chuyện huyền hoặc như thế.

Có thể nói, đi tìm trầm không khác gì đi tìm cái chết, gian khổ trăm bề, chẳng qua không đi ở nhà cũng chết vì nghèo và đói. Ngoài việc tin vào “ông bà”, tin vào ở hiền gặp lành, còn phải tin vào bùa ngãi, nên mới có thành ngữ ngậm ngải tìm trầm.

Nhưng đó là chuyện trước đây, giờ ít ai chịu khổ làm nghề đi điệu nữa. Một phần vì bao nhiêu cây dó, có kỳ hay không cũng bị chặt phá, đào bới tận gốc rễ, nên đi cả năm cũng chưa chắc “trúng”. Và phần lớn vì các tay đầu nậu, chẳng những ăn hớt trên đầu trên cổ những người đi điệu, còn ăn gian trắng  trợn bằng cách thêm đinh thêm chì vào cho nặng cân. Các tay buôn kỳ từ Hồng Kông, Ả rập vì thế đều no… no chạy dài.

Khánh Hòa chẳng những có rừng sâu mà còn có núi cao. Trên đỉnh Nam Trường Sơn thường lẫn trong mây mờ, có hai tảng đá khổng lồ, nhìn xa trông giống như hai mẹ con đang đứng nhìn ra biển nên được đặt tên là núi Vọng Phu. Nhạc sĩ Lê Thương trong một lần đi ngang qua Khánh Hòa, trông thấy , đã đem xúc cảm từ Chinh phụ ngâm mà sáng tác nên trường ca Hòn Vọng Phu bất hủ.

Trong số các con tôi có một đứa bảo với mẹ rằng, mỗi lần về quê nhìn thấy núi Vọng Phu con đều muốn khóc. Tiếc rằng cu cậu không có chút năng khiếu nào về âm nhạc và thơ thì bảo rằng làm cho lắm cũng chỉ nổi tiếng được vài câu mà thôi.

Nơi đây còn nổi tiếng với Tháp Bà linh hiển ở Nha Trang. Tháp nằm bên bờ sông Cái, ngó xuống cầu Xóm Bóng và nhìn ra Biển Đông sóng vỗ. Xưa, dân Chiêm rất giỏi nghề đi biển, sau khi vượt trùng khơi trở về, từ xa nhìn thấy ngọn tháp, biết là đã về đến quê nhà.

Cũng giống như ở Bình Định, tháp là của người Hời. Khi chúa Nguyễn vượt qua ranh giới tại núi Đá Bia do Lê Thánh Tôn áp đặt, để dần dần chiếm trọn đất nước Chiêm, thì Tháp Bà biến thành tháp của người Việt, thờ mẫu đọc theo giọng Việt là Thiên Y A Na.

Khi tôn tạo, để ra vẻ Hời, người ta xây thêm một cổng chào khum khum bằng gạch mộc, chẳng ra Hồi mà cũng chẳng phải Phật, trông rất nhếch nhác dị hợm.

Tượng của Po Anagar bằng trầm hương bị Pháp lấy mất đầu được thay bằng xi măng sơn phết lòe loẹt, mặc áo đội mũ như đồng bóng ngồi giữa khói hương mù mịt cho khách thập phương, phần lớn là vợ các quan to đương chức, xì xụp bái lạy xin giữ được ghế càng lâu càng tốt.

Bên ngoài, một đám gái nõn nường phấn son diêm dúa giả Chiêm nữ uốn éo múa may, trong tiếng  trống mẹ trống con lum tum lắc cắc và phèng la não bạt tùng xèng…

Bảo rằng đấy là văn hóa truyền thống ngàn xưa, thì truyền thống ba rọi này đâu phải của người Hời!

Nhiều người bảo, đất Khánh Hòa như một nước Việt Nam thu nhỏ. Rất giàu và đẹp. Có rừng nhiều gỗ quý, có biển nhiều cá tôm, có ruộng lúa mênh mang, mà người dân lại hiền hòa. Dưới con mắt các nhà quân sự, còn có cảng Cam Ranh vừa sâu, vừa kín gió, mà Nga Mỹ và cả Trung Nhật đều thòm thèm. Về kinh tế, vịnh Vân Phong là nơi rất béo bở để xây dựng khu chế xuất, cho thuê đất lấy vàng.

Nếu không có cuộc xuống đường gần như cả nước ngày mồng 10 tháng sáu năm ngoái, thì mấy trăm vị dân biểu đã bấm nút ô kê rồi và nhiều tay cò đất đã trở thành đại tỷ phú!

Bãi biển Nha Trang và Dốc Lết, cát trắng và mịn, đi bên nhau dưới bóng dừa thật nên thơ. Giờ thì từng đoàn xe to kềnh và dài ngoằng từ Trung Quốc chạy sang, đổ xuống bãi biển hàng ngàn kẻ giàu mà chưa sang, có 6.000 năm văn hiến nhưng thiếu văn hóa, quần cộc bụng mỡ nị nị ngộ ngộ ồn ào như sau một cuộc hành trình dài đã về đến trước sân nhà mình.

Khách Nga, Mỹ kêu trời, nhưng nhiều anh ba (tàu) lại nói chỗ nào có Quảng là của ngộ lớ. Đã có Quảng Đông, Quảng Tây, thì Quảng Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi không của ngộ thì là của ai.

Nhiều anh cò đất còn tán thêm, thì Vũng Tàu đó, chẳng phải đứt đuôi con nòng nọc là của Tàu sao?!

Hỡi ơi, đến nước này thì, con cháu tôi chắc sẽ thành dân Hời.

Và, đúng là dân tộc anh em vì cả hai cùng bị mất nước!

6/9/2019

Comments are closed.