Sài Gòn – Những ngày phong thành (33)

 

THÔNG TIN VỀ VỤ “RÚT ỐNG THỞ CỦA BA MẸ NHƯỜNG CHO SẢN PHỤ”

Ngày 8/7/2021, lúc 13g10, báo Tuổi trẻ đăng tin theo Sở Y tế TP HCM “Vụ bác sĩ rút ống thở của ba mẹ nhường cho sản phụ là hư cấu” (https://tuoitre.vn/so-y-te-vu-bac-si-rut-ong-tho-cua-ba-me-nhuong-cho-san-phu-la-hu-cau-20210808125722448.htm)

VACCINE VÀ AN TOÀN

FB Gs. Nguyễn Văn Tuấn

Không biết ở Việt Nam thì sao, nhưng ở Úc này số người không chịu tiêm hay còn ngần ngại tiêm vaccine khá cao (có thể 30% trong dân số?) Lí do chánh họ đưa ra là vì sự an toàn của vaccine chưa được rõ ràng. Nhân ngày Chủ Nhựt, tôi muốn chia sẻ cái nhìn cá nhân về vấn đề an toàn vaccine.

Vaccine covid có an toàn không?

Nếu bạn hỏi ‘Vaccine covid có an toàn không?’ thì câu trả lời chánh thống là ‘yes’: vaccine chống covid19 an toàn. Có nơi còn nói là ‘rất an toàn’. Khi tôi nói ‘chánh thống’ ý tôi là những phát biểu từ các cơ quan có thẩm quyền về y tế. Chẳng hạn như Bộ Y tế Úc viết rằng "tất cả vaccine đã qua thử nghiệm về an toàn trước khi chúng được phê chuẩn cho sử dụng ở Úc. Điều này bao gồm phân tích cẩn thận số liệu thử nghiệm lâm sàng, công thức hoá học, qui trình sản xuất và các yếu tố khác’ [1]. Nếu các bạn xem qua các phát biểu chánh thức của CDC, FDA, các đại học nổi tiếng, các hiệp hội y khoa quốc tế, v.v. đều có những khẳng định là vaccine chống Covid19 an toàn.

Thế nhưng trong thực tế thì công chúng vẫn có không ít người hoài nghi về độ an toàn của vaccine. Không nói đến những nhóm chống vaccine (vì họ có niềm tin riêng), chỉ nói đến những người ‘tử tế’, có học cao, hiểu về vaccine, hiểu về y học, mà họ cũng có vẻ ngần ngại. Họ ngần ngại cũng có lí do: tốc độ phát triển vaccine quá nhanh, chỉ trong vòng 12 tháng và đã đem đi thử nghiệm. Họ chỉ ra rằng thời gian thử nghiệm vaccine (giai đoạn III) quá ngắn (4 – 6 tháng) để đánh giá đầy đủ tính an toàn của vaccine. Không thể và không nên bỏ qua những quan tâm chánh đáng đó.

Tính từ 1996, FDA bên Mĩ đã phê chuẩn cho 57 vaccines, và thời gian theo dõi và thử nghiệm lâm sàng của các vaccine này trung bình 45 ngày. Chỉ có 1 vaccine bị rút khỏi thị trường vì vấn đề an toàn. Các vaccine khác, như chống Polio, thì hiệu quả rất tốt (trên 90%). Do đó, nhìn như thế thì thời gian thử nghiệm các vaccine Covid19 là ok.

Thực tế là bài học. Và, trong thực tế, tính đến nay đã có hơn 4.3 tỉ liều vaccine đã được tiêm chủng toàn cầu. Dù có vài báo cáo biến chứng và phản ứng nặng (kể cả tử vong) nhưng thật ra tần số rất thấp. Chẳng hạn như nguy cơ tử vong hay/và chứng đông máu liên quan đến vaccine AstraZeneca và Pfizer là 5-6 trên 1 triệu dân. Tôi nghĩ công bằng mà nói, tính đến nay sự an toàn của vaccine chống Covid19 là khá thuyết phục.

Lúc đầu, các chuyên gia thứ thiệt về vaccine có vẻ quan tâm đến vaccine mới (như mRNA) [2,3]. Chẳng hạn như Giáo sư Robert Booy nói rằng ông không cảm thấy ‘hồi hộp’ với vaccine mRNA [2]. Nhưng cho đến nay thì tôi nghĩ ông ấy chắc hết hồi hộp?

Nhưng không phải ai cũng nghĩ như trên. Tôi biết Giáo sư Luc Montagnier (nhà virus học nổi tiếng, Giải Nobel y học về HIV) là người không ‘mặn mà’ với vaccine Covid19. Ông nói rằng vaccine không ngăn chận virus, mà còn nuôi dưỡng virus (hiểu theo nghĩa làm cho chúng mạnh hơn và lây lan nhiều hơn) [4].

Tôi đọc khá kĩ những gì Gs Montagnier nói ở nhiều bài khác, nhưng tôi phải nói là thấy không thuyết phục mấy. Tại sao? Tại vì ông ấy không đưa ra một chứng cứ nào cả, tất cả chỉ là ý kiến cá nhân. Tôi là người giảng và tin vào y học thực chứng, những những gì Giáo sư Montagnier nói không có chứng cớ. Có thể ông ấy đúng về sau, nhưng hiện nay thì không có dữ liệu và chứng cớ nào yểm trợ cho luận điểm của ổng cả.

Có cần ‘Hộ chiếu Vaccine’?

Hiện nay, ở vài nơi, kể cả Úc, có vài người trong chánh trị và xã hội đề nghị rằng chánh phủ nên bắt buộc những ai không chịu đi tiêm chủng vaccine covid. Họ dùng những cách nói rất nặng nề cho những ai không chịu đi tiêm vaccine, và xem những người này như là… cùi hủi. Thật là không công bằng. Theo tôi hiểu thì luật pháp (và cả Hiến pháp?) Úc không bắt buộc tiêm vaccine.

Có người còn đề nghị phải áp dụng chánh sách ‘Hộ chiếu vaccine’, tức là ai đã tiêm chủng sẽ có một hộ chiếu giúp họ đi máy bay, đi ăn uống trong nhà hàng, đi dự hội nghị, v.v. Tôi thì không đồng ý với ý tưởng này, vì làm như thế thì hoá ra dẫn đến chủ nghĩa kì thị. Tôi nghĩ trong một xã hội dân chủ và tự do, việc tiêm chủng vaccine là một lựa chọn cá nhân, một sự tự nguyện. Và, chúng ta nên tôn trọng quyền tự do cá nhân của họ.

Trong thực tế, đã có kì thị rồi. Ví dụ như người tiêm vaccine Sinopharm hay Sinovac không được các nước EU công nhận là đã tiêm vaccine. Ngay cả người được tiêm vaccine AZ do Thái Lan và Ấn Độ sản xuất cũng không EU công nhận là đã tiêm vaccine.

Nhìn chung, khi đi tiêm vaccine mỗi chúng ta chẳng hưởng lợi ích gì nhiều (vì xác suất bị nhiễm rất thấp), nhưng mỗi chúng ta đóng góp vào cộng đồng để giảm nguy cơ lây nhiễm và đó là ý nghĩa thật của tiêm vaccine. (Cũng giống như khi lên xe hơi, chúng ta phải thắt dây an toàn; có thể cả đời chúng ta không bị tai nạn và việc thắt giây an toàn chẳng đem lại lợi ích gì cho 1 cá nhân, nhưng nó giảm số ca tử vong trong cộng đồng rất lớn).

Dĩ nhiên, ở đây chúng ta chỉ nói những vaccine được nghiên cứu và sản xuất bởi các tập đoàn có kinh nghiệm lâu năm về vaccine, đã qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đã qua triển khai trong cộng đồng, và dữ liệu minh bạch. Còn những vaccine mới thì chúng ta chưa biết, nên không thể nói được.

Tôi có bàn về vaccine và Nghịch lí Rose ở đây (nếu bạn nào thích đọc tiếng Anh):

https://tuanvnguyen.medium.com/vaccination-community…

____

[1] https://www.health.gov.au/…/are-covid-19-vaccines-safe

"All vaccines are thoroughly tested for safety before they are approved for use in Australia. This includes careful analysis of clinical trial data, ingredients, chemistry, manufacturing and other factors."

[2] https://www1.racgp.org.au/…/is-two-months-long-enough…

[3] https://www.nature.com/articles/d41586-020-00751-9

"Don’t rush to deploy COVID-19 vaccines and drugs without sufficient safety guarantees"

[4] https://thenewamerican.com/french-nobel-prize-winner…

TP.HCM LO HẾT VACCINE SAU NGÀY 9/8

Thu Hằng, ZingNews, ngày 8/8/2021

TP.HCM chỉ còn hơn 487.000 liều vaccine để tiêm, dự kiến hết vào ngày 9/8 nếu không được Bộ Y tế phân bổ kịp thời.

Sở Y tế TP.HCM cho hay ngày 7/8, thành phố đã tiêm được cho 262.471 người. Trong đó, 398 trường hợp phản ứng sau tiêm 30 phút, tất cả đã được xử lý an toàn. Đây là kỷ lục tiêm mới của thành phố, cho thấy tốc độ tiêm vaccine ngày càng nhanh.

Từ ngày 22/7 đến hết 7/8, TP.HCM đã tiêm được cho tổng cộng hơn 2,1 triệu người. Trong khi đó, số vaccine TP.HCM đã nhận từ Bộ Y tế từ ngày 22/7 đến nay là hơn 2,59 triệu liều.

Như vậy, TP.HCM chỉ còn hơn 487.000 liều vaccine. Với tốc độ tiêm hiện nay, Sở Y tế đánh giá nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vaccine thì đến hết ngày 9/8, TP.HCM sẽ đối diện với tình trạng thiếu vaccine để tiêm diện rộng.

image

 

Trước đó, ngày 3/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản khẩn gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về đề nghị phân bổ cho TP.HCM 5,5 triệu liều vaccine trong tháng 8.

TP.HCM hoàn thành đợt tiêm thứ 5 vào ngày 2/8 và bắt đầu đợt tiêm thứ 6 từ ngày 3/8, dự kiến kéo dài đến hết tháng. Nếu được cung cấp vaccine đầy đủ, TP cố gắng đạt mục tiêu tiêm cho 70% người trên 18 tuổi tại TP.HCM trong tháng này.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Ngoài việc tiêm mũi 1 cho người dân, TP còn phải tính toán tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1.

Về năng lực tổ chức tiêm, ông Đức cho biết TP.HCM có thể đạt tốc độ tối đa 300.000 liều/ngày theo công suất của 1.200 đội tiêm hiện nay. Nếu được cấp vaccine đúng tiến độ, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Từ 27/4 đến sáng 8/8, TP.HCM ghi nhận 119.802 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.

Hôm 1/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế phân bổ vaccine đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Các tỉnh, thành phố này có trách nhiệm điều chỉnh quy trình tiêm vaccine phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn trên địa bàn, thông báo nhu cầu vaccine cho Bộ Y tế theo kế hoạch.

 

BÊN TRONG BỆNH VIỆN TẦNG 3 ĐIỀU TRỊ COVID-19

VNExpress, 8/8/2021

TP HCM Tay cầm mỏ lết đi qua lại, bác sĩ Phan Trung Hiếu nảy ra ý tưởng chia bình oxy thành nhiều cổng cho 10 bệnh nhân thở cùng lúc, theo cách chia sẻ oxy trong hồ cá, để tiết kiệm nhân lực.

Vũ Thịnh – Tuấn Việt

 BỒN CHỨA 32 TẤN OXY HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN COVID-19 Ở QUẬN 7

Hải Dương, ZingNews, ngày 8/8/2021

Với 32 tấn oxy lỏng, Trung tâm Hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM) có thể điều trị liên tục cho 500 bệnh nhân trong nhiều tuần.

VĂN VIỆT: Oxy đang là vấn đề cấp bách hiện nay với thực trạng tại TPHCM – từ chuyện thiếu oxy ở các bệnh viện tuyến đầu, đến những F0 tại nhà qua đời vì không thể tiếp cận nguồn oxy. Do đó, Văn Việt xin giới thiệu hai thông tin cần thiết sau đây.

1. FANPAGE TRẠM OXY CỘNG ĐỒNG

clip_image002_thumb

Lời giới thiệu từ Trang:

“TRẠM OXY CỘNG ĐỒNG là hoạt động phi lợi nhuận của các cá nhân tình nguyện với sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong ngành y tế.

TRẠM OXY CỘNG ĐỒNG hỗ trợ nguồn oxy khẩn cấp hoàn toàn miễn phí cho các bệnh nhân F0 đang tại nhà trong thời gian chờ được xử lý hoặc chuyển tuyến thích hợp.

Việc sử dụng Oxy y tế cho các F0 cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị và các khuyến cáo an toàn.”

Được biết, ban đầu nhóm do Nhà Toán học TS. Nguyễn Lê Anh tổ chức, nay vận hành bởi nhóm bạn trẻ trực tiếp ở TPHCM – theo thông tin từ FB của TS.:

FB Nguyen Leanh

“Nước gần mới dập được lửa gần.

Dịch bệnh tại Tp. Hồ Chí Minh đang trên đà suy giảm và tới thời điểm 29/9/21 nhiều hoạt động tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên số bệnh nhân nặng ở nhà cần sự trợ giúp về Oxy tăng cao.

Trong cả nước Việt Nam này, chỉ có các bạn trẻ Sài Gòn mới có thể tạo ra được hình thức Tình Nguyện Viên. Họ là những con người nghĩa hiệp. Khi nhận thấy nhu cầu cần sự trợ giúp tôi đã kêu gọi Cộng Đồng chung tay đóng góp mua thiết bị và đã tổ chức cho nhóm "Trạm Oxy Cộng Đồng" hoạt động. Hiện nay hóm đã vận hành tốt. Trong những ngày qua đã hỗ trợ được tới hơn 100 trường hợp.

Để đảm bảo sự vận hành kịp thời tại chỗ tôi quyết định trao lại toàn quyền hoạt động của "Trạm Oxy Cộng Đồng" cho các bạn tại Tp Hồ Chí Minh.

Chỉ định

Tạ Thùy Trang – CMND: 079188000937 – 14 đường 27, Phường Tân Phong – Quận 7, TP.HCM ; ĐT : 0943967945 ; Nghề Nghiệp : Doanh Nghiệp Xã Hội Về Nông nghiệp – Môi Trường – Sống Bền Vững

TK: 555 5555 123 (VP Bank, Chi nhánh TPHCM) Ghi chú: TramOxy

Đứng ra chỉ huy và cải tổ sự vận hành của Trạm Oxy Cộng Đồng.

Mọi tài trợ xin được gửi về tài khoản của Trang.

TK: 555 5555 123 (VP Bank, Chi nhánh TPHCM) Ghi chú: TramOxy

Hoạt động của Trạm Oxy Cộng Đồng dựa trên tài sản mà tôi đã trang bị cho từ tiền đóng góp của Cộng Đồng, và tự kêu gọi vốn.

Tôi dùng tiền của Cộng Đồng để trả tiếp cho 1 hợp đồng tôi đã ký để có thiết bị cho Trạm Oxy Cộng Đồng. Khoản này là 260 triệu còn phải trả khi nhận 100 bình oxy 40L cùng van thở trong tổng số 360 triệu của hợp đồng.

Tôi có công tạo dựng được hệ thống và nó đang vận vận hành hiệu quả. Tính tôi không muốn nhận những lời cảm ơn khi tôi không thật sự vất vả. Xin giành danh dự cho những bạn trẻ đang ngày đêm lo lắng cho sức khỏe của những người dân.

Tôi không phải là người "Công Chúng". Nhiều người muốn tôi quay lại viết lịch sử.

Phần tài chính mà các bạn gửi cho tôi sẽ được minh bạch với Cộng Đồng.

Cảm ơn các bạn.

Đấy là cách duy nhất để công tác cứu trợ trở nên tốt hơn.”

2. CHƯƠNG TRÌNH ATM OXY MIỄN PHÍ NẠP BÌNH OXY VÀ CHO MƯỢN MÁY OXY CHO CÁC BỆNH NHÂN, BỆNH VIỆN. (*)

Khang Minh Phạm Lê – Group GO VOLUNTEER !

————————————————-

clip_image004_thumbNhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong việc đổi trả, tiếp cận nguồn cung cấp bình oxy nhằm duy trì việc điều trị, chữa bệnh tại nhà. Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và PHG Smart home thực hiện Dự án "ATM oxy".Hiện nay dự kiến sẽ triển khai thí điểm 06 đơn vị gồm Hội LHTN Việt Nam Quận 7, Quận 8, Quận 10 , Quận Bình Tân, Quận Tân Phú, Huyện Bình Chánh và trạm Trung tâm tại NVHTN.

clip_image006_thumbĐối tượng được hỗ trợ: Những người có nhu cầu sử dụng bình oxy để điều trị, chữa bệnh tại nhà (nhiễm Covid hoặc các bệnh hiểm nghèo khác cần phải có bình oxy để duy trì sự sống) hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp bình oxy (về kinh phí, về việc vận chuyển, về tiếp cận nguồn cung cấp), bao gồm cả người đã có hoặc chưa có bình.

clip_image008_thumb

clip_image010_thumb*Lưu ý: ưu tiên các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, đã có bình oxy và hiện đang sử dụng tại nhà. Tùy tình hình sẽ mở rộng đối tượng được hỗ trợ.

clip_image012_thumbNgười dân có nhu cầu hãy gọi đến số hotline 0796.55.55.64, tiến hành vận chuyển đổi bình trong khung giờ từ 06g00 đến 17g00 hàng ngày.

(Nếu mọi người có thắc mắc hãy inbox trực tiếp cho ad nhé!)

(*) Văn Việt: Bài đã đăng ở “Sài Gòn – Những ngày phong thành” ngày 3.8.2021

MỘT CHUYỆN ĐÁNG ĐỂ CẢ TIN

FB Đào Tuấn

Bức ảnh được Hoang Le, một người Hải Phòng chụp ở Sài Gòn, trên đường Lạc Long Quân, Q Tân Bình.

Người chiến sĩ công an, khi thấy một cụ già ve chai, đã băng qua đường, để đưa tặng phần cơm trưa của mình.

Lúc đó là 11h47 phút ngày 5.8, sau một cơn mưa rất to.

Người chiến sĩ chốt trực covid san sẻ phần cơm của mình, thay vì hất hàm “đi đâu” hay suy xét “có thật sự cần thiết không!”. Là vì anh thấy trong một cá nhân vi phạm CT 16 kia, còn có một đồng bào mình đang đói khổ. Sài Gòn đang lockdown ngày thứ n+, món tiền phạt vài triệu lơ lửng trên đầu, ko mấy người ra đường nếu không vì “thật sự cần thiết”, hoặc vì chẳng còn gì đút miệng.

Anh Chanh Tam, một cây bút tinh tế của Sài Gòn viết rất hay, rằng 2 năm đại dịch, “như một cuộc kiểm định toàn diện chất lượng xã hội….”. Và may mắn thay, xã hội “vẫn được hun đúc bằng lý tưởng sống bác ái vốn kết tinh từ đạo nghĩa thương người như thể thương thân cùa ông cha”.

Người chiến sĩ công an đã dành tặng cụ già phần cơm của mình như một việc phải làm tự lương tâm thấy cần, không để chứng minh điều gì, với ai cả.

Thậm chí anh hoàn toàn không hề biết có một ống kính chĩa vào mình.

Tôi, tin vào câu chuyện này, cũng như tối qua, cùng hàng ngàn người khác, trong đó có cả những đồng nghiệp- đã tin vào drama bác sĩ Khoa.

Ngay cả khi đó là sự thiếu suy xét, là cả tin thì liệu việc tin tưởng vào một điều tốt đẹp có phải là một cái tội không!?

clip_image014_thumb

BIỆT ĐỘI TAXI CHỞ F0 CẤP CỨU Ở TP.HCM: ĐÁNH CƯỢC TỪNG PHÚT, MONG CỨU KỊP BỆNH NHÂN

Vũ Phượng – Thanh Niên, 5/8/2021

Nhận cuộc gọi, biệt đội taxi cấp cứu F0 ở TP.HCM tức tốc mặc đồ bảo hộ, ôm bình oxy lên xe chạy đi. Nhiều bệnh nhân rơi vào hôn mê, mất ý thức đã kịp thời được đội tiếp oxy, chở đến bệnh viện cấp cứu. Đây là một trong những giải pháp mà TP.HCM áp dụng để hỗ trợ, giúp đỡ tối đa những người nhiễm Covid-19.

clip_image016_thumb

Tài xế Dũng và Minh Hoàng (Sinh viên trường y) trong một lần đưa cấp cứu bệnh nhân F0. Do sống và sinh hoạt cùng nhà nên bệnh nhân nặng được người nhà dìu ra xe để hạn chế tiếp xúc lây nhiễm cho người khác. ẢNH: ĐỘC LẬP

Dạ alo, mình là người nhà bệnh nhân F0 N.T.B (68 tuổi) rơi vào hôn mê, có tiền căn cao huyết áp, bệnh tim mạch phải không chị ơi. Chị thử bấu xem cô có phản xạ gì không ạ? Chị kê cao gối ở phần đầu và lưng cho bệnh nhân dễ thở. Xe em tới ngay – vừa nói, Nguyễn Minh Hoàng (24 tuổi, sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) và ông Nguyễn Đức Dũng (52 tuổi, tài xế taxi Mai Linh) tức tốc mặc đồ bảo hộ phi ra chiếc xe màu xanh.

Từ 28.7, ông Dũng và chàng trai sinh viên trường y cùng anh Vũ Đình Danh (34 tuổi, điều dưỡng BV 115) cùng chuyển đến một trường học ở Nhà Bè thực hiện 3 tại chỗ, bắt đầu những chuyến taxi cấp cứu F0 ở TP.HCM. 3 người xa lạ, cùng một nhiệt huyết, cùng một mục tiêu nhanh nhất cứu được bệnh nhân F0 qua cơn nguy kịch.

Biệt đội taxi chạy đua với Tử thần, cấp cứu F0 Covid-19 trước lằn ranh sinh tử

Lằn ranh sinh tử

Kítttt.

Chiếc xe taxi dừng lại trước hẻm 1716 đường Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè, TP.HCM), Minh Hoàng vội vàng xuống xe, ôm bình oxy nặng 15kg chạy một mạch gần 500 mét vào nhà bệnh nhân F0 theo địa chỉ nhận được. Bệnh nhân đã hôn mê 2 tiếng, lay gọi không phản xạ, bình oxy có sẵn trong nhà đã hết, chàng sinh viên y đa khoa lập tức thay dây oxy qua bình vừa mang vào. 15 phút sau, SpO2 của bệnh nhân từ 45% tăng lên 61%, bệnh nhân dần hồi tỉnh.

clip_image018_thumb

Xe vừa dừng lại, Minh Hoàng ôm bình oxy chạy thẳng vào trong hẻm để kịp thời cho bệnh nhân thở. ẢNH: ĐỘC LẬP

 

clip_image020_thumb

Hoàng báo lại trung tâm cấp cứu 115 nhờ sắp xếp gấp bệnh viện vì F0 đang trong tình trạng nặng. 60 phút sau, trung tâm báo đã sắp xếp được với BV Q.7, xe taxi mới bắt đầu vào trong hẻm để đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Trên xe, ông Dũng tập trung cao độ, đôi mắt nhíu lại, mồ hôi lấm tấm quanh mắt, chiếc kính bảo hộ cũng đã đọng hơi nước li ti phủ khắp bề mặt, tài xế hơn 20 năm kinh nghiệm ôm chặt vô lăng, liên tục bấm còi xin đường. Chưa đầy 10 phút, xe taxi đã đậu trước cửa phòng cấp cứu.

“Hiện tại bệnh viện đang thiếu oxy, hai nữa là không có chỗ nằm, nhập viện giờ là phải nằm dưới sàn, nằm đất. Nếu người nhà chấp nhận, đồng ý ký tờ giấy thì bác sĩ cho vô, còn oxy thì không thể đảm bảo được, bệnh viện quá tải rồi”, bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít thông báo qua ô cửa xe. Người nhà bà B. lập tức đáp “dạ, dạ” rồi xuống xe giải quyết thủ tục.

clip_image022_thumb

Tài xế Dũng mang đồ đạc của bệnh nhân ra khử khuẩn trước khi đưa lên xe

ẢNH: ĐỘC LẬP

clip_image024_thumb

Minh Hoàng tiếp tục xem các chỉ số hiển thị của bệnh nhân, nhắc bà B. thở đều, bình tĩnh, “cố lên nha cô” – Hoàng liên tục động viên. Bên dưới, thấy người nhà bà B. khựng lại khi đọc tờ cam kết, tài xế Dũng động viên: “Cứ ký đi chị, đợi bệnh nhân khác chuyển đi khu khác thì sẽ có bình oxy cho nhà mình”. Xong xuôi, bà B. được chuyển vào trong trên chiếc xe lăn, người nhà lấy hết đồ đạc trên taxi xuống, cảm ơn rối rít, hỏi bao nhiêu tiền để thanh toán. Tài xế Dũng đáp: “Chuyến xe miễn phí, chị tập trung lo cho cô nhé”. Nói rồi, cả hai cầm bình xịt khuẩn xịt khắp trong, ngoài xe, tay cầm… trước khi trở về lại điểm tập kết.

clip_image026_thumb

Sau 1 giờ được thở oxy, bệnh nhân dần hồi tỉnh, có lại ý thức. ẢNH: ĐỘC LẬP

Trên xe, Hoàng tranh thủ xịt khuẩn tiếp thêm một lần nữa, hạnh phúc tâm sự: “Em cảm thấy mừng lắm, tinh thần rất sảng khoái vì vừa cứu được một mạng người. Đây chắc là cảm giác mà các y bác sĩ cảm nhận được, làm động lực tiếp tục với nghề, dù có cực thế nào đi nữa”.

Ông Dũng cũng kể, từ 29.7 đến nay, chở gần 20 F0 đi cấp cứu, ông càng cảm nhận rõ được lằn ranh sinh tử mong manh thế nào. “Cứu bệnh nhân tỉnh lại, rồi đưa họ đến được bệnh viện tiếp nhận là điều vui nhất với anh em tôi. Không còn gì vui hơn bằng mình cứu được một mạng người”.

clip_image028_thumb

Trên xe đi cấp cứu, Hoàng liên tục hỏi các thông tin để cập nhật kịp thời trước khi chuyển bệnh đến bệnh viện. ẢNH: ĐỘC LẬP

Vậy nhưng, có một ca bệnh khiến cả đội 3 người nặng trĩu trong lòng. Nhận thông tin cần chuyển một ca F0 nặng đi viện, cả ba người vội vàng lên xe, nhưng đến nơi thì người nhà báo bệnh nhân vừa mất. “Quay đầu xe quay về mà trong lòng buồn không chịu được, ngủ không nổi”, ông Dũng tiếc nuối…

Run bần bật, nhưng vẫn quyết tâm

Ông Dũng cho hay, nhiều năm làm tài xế taxi Mai Linh, ông hiểu rõ từng ngóc ngách ở Sài Gòn. 2 tháng trước, vì dịch Covid-19, ông chỉ nằm không ở nhà do không có khách. Ngày vừa gỡ phong tỏa xóm, công ty thông báo tìm tài xế tình nguyện chở cấp cứu F0 ông liền đăng ký tham gia. Nói về lý do, ông ngắn gọn: “Vì tôi là người Sài Gòn, phải có trách nhiệm với cộng đồng, góp chút sức để cùng TP chống dịch”.

clip_image030_thumb

Ông Dũng hồi hộp chờ bệnh nhân được nhập viện. ẢNH: ĐỘC LẬP

Sẵn sàng tinh thần là vậy, nhưng khi cuộc điện thoại đầu tiên, tay chân ông run lẩy bẩy, tài xế taxi 20 năm ôm vô lăng, chở nhiều người đi cấp cứu nhưng có bao giờ chở F0. Vừa chạy vừa run, vậy mà đến nơi nhìn bệnh nhân F0 hơn 60 tuổi, mất ý thức, người nhà bệnh nhân liên tục khóc lóc, ông Dũng quên luôn sợ sệt, sắn tay phụ đồng đội.

Ông kể: “Cuốc đầu tiên chúng tôi phải mất 3,5 tiếng vì phải chờ Trung tâm cấp cứu 115 sắp xếp được với bệnh viện còn chỗ để nhận bệnh. Suốt thời gian đó, chúng tôi phải cho bệnh nhân thở bằng oxy chuyển bệnh được trang bị. Bệnh nhân vào được nhập viện, anh em tôi rưng rưng vì cứu được một người. Giờ thì dù taxi cấp cứu kéo dài 14 ngày hay 1 tháng anh em tôi vẫn đi, không sợ nữa đâu”.

clip_image032_thumb

Đây là 1 trong số 80 xe taxi cấp cứu được Mai Linh phối hợp cùng Sở Y tế đưa vào hoạt động. ẢNH: ĐỘC LẬP

Khác với tài xế taxi, điều dưỡng Vũ Đình Danh không quá lo sợ vì đã từng lấy mẫu test nhiều trường hợp dương tính tại Q.Bình Tân. Bằng kinh nghiệm của mình, đến nơi, anh có thể tiên lượng được tình trạng bệnh. Có những ca khi đội vừa đến đã rơi vào hôn mê, tay chân tím tái, nhưng được tiếp oxy kịp thời, bệnh nhân đã dần có ý thức trở lại.

Anh bộc bạch: “Mặc đồ bảo hộ rồi là không được uống nước nữa. Cổ họng khát khô, mồ hôi thì ra như tắm ướt sũng cả bộ đồ, nhưng cũng chưa thấm tháp gì với bác sĩ ở phòng hồi sức, họ phải mặc liên tục 8 tiếng như vậy, nhịn ăn, nhịn vệ sinh, nhịn nước. Chúng tôi dù được địa phương hỗ trợ cơm theo bữa, nhưng về đến điểm tập kết uống nước lưng bụng xong khỏi ăn cơm, khuya đói mỗi người làm gói mì cho ấm bụng, vậy cũng qua bữa”.

clip_image034_thumb

Ông Dũng là tài xế rất cẩn trọng, suốt quá trình vận chuyển F0, ông xịt khuẩn liên tục. ẢNH: ĐỘC LẬP

clip_image036_thumb

Sau một chuyến cấp cứu, mồ hôi ướt đẫm như vừa tắm xong. ẢNH: ĐỘC LẬP

Từ khi tham gia vào đội taxi cấp cứu vừa tròn một tuần, Minh Hoàng luôn tất bật với những cuộc điện thoại nhờ tư vấn của F0 ở khu vực Nhà Bè. Ai gọi, bất kể giờ nào Hoàng đều nghe máy, hướng dẫn cách hạ sốt, giảm đờm, cách dễ thở hơn cho F0 điều trị tại nhà.

Theo lời Hoàng, ban đầu 3 người được xếp vào 3 phòng học khác nhau để ngủ nghỉ, nhưng đêm đến, thấy trống trải, cả 3 dọn vào chung một phòng để tiện hỗ trợ nhau khi có điện thoại cấp cứu.

clip_image038_thumb

Bữa tối vội vàng của đội taxi cấp cứu. ẢNH: ĐỘC LẬP

Trong phòng 3 chiếc giường cát-tông được kê ở 3 góc, mấy gói mì, vài quả trứng, bịch xúc xích, cà phê hòa tan đặt gọn trên bục giảng. 150 lít dung dịch sát khuẩn được cả ba chuẩn bị sẵn để thoải mái sử dụng, bình oxy vừa lãnh về cũng đặt gọn một góc. Đồng hồ điểm 20 giờ, người ăn mì, người uống ly cà phê thay bữa tối. Tài xế Dũng cứ ngồi cười sảng khoái nói nay là ngày vui vì hoàn thành nhiệm vụ, đưa bệnh nhân nhập viện.

“Cứ 3 ngày anh em tôi lại test nhanh Covid-19. Mỗi lần test hồi hộp như dò số trúng độc đắc. Mỗi đứa một góc, không ai nhìn ai, không ai dám nói chuyện với ai hết, rất là lo. Đúng 15 phút là 1 2 3 ba anh em chạy tới nhìn kết quả, vỗ tay la làng”, tài xế cười chia sẻ.

clip_image040_thumb

Minh Hoàng tranh thủ tập luyện thể thao, rèn sức khỏe. ẢNH: ĐỘC LẬP

clip_image042_thumb

Ông Dũng thì ngồi xem lại tin tức, gọi về hỏi thăm gia đình. ẢNH: ĐỘC LẬP

Càng về khuya, khu vực tập kết càng vắng lặng, xung quanh tối đen như mực, chỉ còn tiếng gió rít qua các ô cửa sổ, mỗi người ôm một chiếc điện thoại gọi về gia đình, đây cũng là những phút nghỉ ngơi hiếm hoi của biệt đội taxi cấp cứu F0 tại TP.HCM.

TRẦM LẶNG TRÊN CHUYẾN XE ĐƯA TRO CỐT ĐỒNG BÀO MẤT VÌ COVID-19 VỀ NHÀ

Lê Phan, Tuổi trẻ ngày 8/8/2021

TTO – Chuyến xe chạy qua những cung đường quen của thành phố nhưng trong xe ai cũng trầm lặng. Trên băng ghế xe là 14 hộp tro cốt của những người mất vì COVID-19, chuyến xe đang đưa họ về với thân nhân…

Trầm lặng trên chuyến xe đưa tro cốt đồng bào mất vì COVID-19 về nhà - Ảnh 1.

Một chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh ngồi xuống sàn xe, tay vịn một hộp tro cốt người dân trên đường đưa về chiều 8-8 – Ảnh: LÊ PHAN

Chiều 8-8, chuyến xe từ Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh chạy hướng về Nhà tang lễ thành phố tại quận Bình Tân. Nơi đây được thành phố lập bàn thờ để tiếp nhận tro cốt của người dân không may mất vì COVID-19, sau hỏa táng, đưa về đây thắp nhang trước khi các quận huyện đến nhận.

Trong không gian trang nghiêm, một bàn thờ được lập nghi ngút khói hương, phía sau là nhiều chiếc bàn tròn có dán tên từng quận. Trên bàn, tro cốt của người dân mất vì COVID-19 được để trong hộp cactông tươm tất, gọn gàng. Trên mỗi hộp là thông tin người mất để các đơn vị tiếp nhận trao về đúng cho thân nhân.

Trầm lặng trên chuyến xe đưa tro cốt đồng bào mất vì COVID-19 về nhà - Ảnh 2.

Mảnh giấy báo nguyên nhân chết dán trên một hộp tro cốt – Ảnh: LÊ PHAN

Lặng lẽ… Thiếu tá Lê Trung Chánh – chủ nhiệm hậu cần kỹ thuật Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh – ký vào biên bản giao nhận. Từng hộp tro cốt của người dân được các chiến sĩ đưa lên xe.

Hôm nay, quận Bình Thạnh tiếp nhận thêm 14 hộp đựng tro cốt của những người dân không may mắn qua đời vì COVID-19 (7 hộp của quận Bình Thạnh và 7 hộp nhận giúp quận 10).

Trầm lặng trên chuyến xe đưa tro cốt đồng bào mất vì COVID-19 về nhà - Ảnh 3.

Thiếu tá Lê Trung Chánh – chủ nhiệm hậu cần kỹ thuật Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh (bên trái) – chia sẻ ông thấy hộp tro cốt đồng bào để trên bàn mà xót xa – Ảnh: LÊ PHAN

"Tự nhiên tới đây thấy buồn quá, thấy hộp tro cốt đồng bào mình để trên bàn mà xót xa. Mỗi chiếc bàn là người mất của từng quận huyện, bàn nào ít thì thấy nhẹ nhàng hơn, bàn nào nhiều hộp tự nhiên thấy nghẹn lại", thiếu tá Chánh chia sẻ.

Trên đường về, ba băng ghế sau dùng để hộp tro cốt của người dân, một chiếc sĩ ngồi rạp xuống sàn xe, hai tay vịn chắc các hộp tro cốt khi qua đoạn đường xóc. Sự chỉn chu, cẩn thận này họ đã được thành phố căn dặn trước khi thực hiện nhiệm vụ.

Trầm lặng trên chuyến xe đưa tro cốt đồng bào mất vì COVID-19 về nhà - Ảnh 4.

Chuyến xe chạy lặng lẽ qua những cung đường – Ảnh: LÊ PHAN

Xe ghé vào Ban chỉ huy quân sự quận 10 để bàn giao phần tro cốt nhận giúp. Tại đây cũng đã chuẩn bị sẵn một bàn thờ trang trọng để thắp hương cho người mất trong lúc đợi thân nhân đến đưa về.

Nhận tro cốt mẹ mình, anh Danh Tấn Phát – ngụ quận 10 – cho biết mẹ anh mắc COVID-19 nhưng có bệnh nền nên không may qua đời. Chiều 8-8 anh lên trụ sở Ban chỉ huy quân sự quận 10 từ sớm để làm thủ tục đưa mẹ anh về thờ tự. "Buồn lắm, thật sự lúc này không biết phải nói gì cả. Cảm ơn chính quyền đã hỗ trợ đưa mẹ mình về…", anh Phát nghẹn ngào.

Trầm lặng trên chuyến xe đưa tro cốt đồng bào mất vì COVID-19 về nhà - Ảnh 5.

Anh Danh Tấn Phát (áo đỏ), quận 10 tay ôm tro cốt mẹ và tay cầm vòng nhang các chiến sĩ đưa kèm trên đường đưa mẹ về nhà – Ảnh: LÊ PHAN

Chuyến xe hướng về quận Bình Thạnh trong chiều muộn, đường sá thành phố về chiều những ngày này vắng lặng, chỉ lác đác vài người hối hả về nhà trước 18h.

Đường vắng, xe vẫn chạy chầm chậm, người lái xe thi thoảng ghì thắng khi gặp phải đoạn đường có lằn giảm tốc để những hộp tro cốt trên xe không bị dằn xóc.

Xe về tới quận, sau các thủ tục sẽ bàn giao cho các phường chuyển đến thân nhân người mất thờ tự. Sau mỗi chuyến xe, ai cũng tâm tư lạ.

Trầm lặng trên chuyến xe đưa tro cốt đồng bào mất vì COVID-19 về nhà - Ảnh 6.

Mỗi chiếc bàn ghi tên mỗi quận và để tro cốt người mất – Ảnh: LÊ PHAN

Chuyển tro cốt người dân lên điểm thờ tại Ban chỉ huy quân sự quận 10 - Ảnh: LÊ PHAN

Chuyển tro cốt người dân lên điểm thờ tại Ban chỉ huy quân sự quận 10 – Ảnh: LÊ PHAN

Nói rõ hơn về công tác này, thiếu tướng Phan Văn Xựng – chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM – cho biết đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương thực hiện nhiệm vụ đưa tro cốt người mất từ nơi hỏa táng về với thân nhân.

Nếu nhà nào cả gia đình đi cách ly thì sẽ để ở nơi trang trọng nhất ở cơ quan quân sự. Đồng thời Bộ tư lệnh cũng nhắc nhở anh em lo việc nhang khói và coi người mất như người thân của mình để có sự chu đáo, cẩn thận.

Ở góc độ địa phương, thượng tá Lê Xuân Hưng – chính trị viên Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh – cho biết quận nhận xong sẽ giao cho phường đi trao cho các gia đình. Những gia đình nào không có người để nhận sẽ lưu ở Ban chỉ huy quân sự quận thờ tự đợi người thân đến nhận.

Nếu gia đình chưa nhận được mà có nguyện vọng gửi vào chùa thì quận cũng đã liên hệ gửi vào chùa Hòa Hưng, phường 26, quận Bình Thạnh để chùa tụng kinh theo nguyện vọng gia đình.

 

 

“CHUYẾN XE YÊU THƯƠNG” (*)

FB Nguyễn Tùng Lâm

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Tuổi trẻ thì vẫn cứ âm thầm trôi qua, nhưng tất cả những gì chúng ta đã làm sẽ luôn ở lại. Chúng ta thường nuối tiếc những gì chúng ta chưa làm và thường giá như nếu ngày đó chúng ta chọn làm.

Mình là một thằng thích trải nghiệm, thích học qua những việc mình làm và được trải nghiệm và chiêm nghiệm nó. Với những chiêm nghiệm trong suốt 7 năm qua dong duổi khắp nơi từ miền bắc tới, miền nam. Không phải ai cũng có thể sống hài lòng với tất cả mọi người được, có người yêu quý, có người ghét và có người cũng chả quan tâm gì. Điều đó là quy luật tất yếu ở xã hội này, tuy nhiên mình luôn có 1 quan điểm sống đó là "hãy cứ sống hết mình, chân thành và tử tế với tất cả mọi người" còn việc họ đối xử với mình thế nào thì do cách sống của mỗi người.

Ta cũng chỉ sống có một lần trên đời, nên làm được gì ý nghĩa giúp ích cho đời sẽ luôn làm bằng cả tâm huyết và tình thương.

Chắc tất cả mọi người cũng đều biết hiện tại Sài Gòn đã đổ bệnh rất nặng, gần như đã kiệt quệ sức lực để chóng trọi. Sài Gòn không phải là nơi sinh ra tôi nhưng Sài Gòn là nơi với khoảng thời gian 2 năm gắn ngủi gắn bó lại cho tôi nhiều kỉ niệm về sự trưởng thành nhiều nhất.

Vì thế khi SG lâm bệnh dù rất muốn về quê với gia đình vì mình hiểu rằng ngay lúc này đây việc sống nay chết mai là rất mong manh, tuy nhiên SG đang đổ bệnh nặng bà con cũng đang nguy nan, mình không thể thấy tình cảnh như vậy mà không làm gì được.

Vậy là cũng 1 tháng trôi qua anh em team "Chuyến xe yêu thương" đã rong ruổi khắp các ngõ, hẽm, phố xa Sài Gòn và có cả Bình Dương, Đồng Nai để vận chuyển những chuyến hàng cứu trợ tới bà con, bệnh viện dã chiến và người dân đang gặp khó khăn cũng đã hỗ trợ được hơn 500 tấn hàng đủ loại và số người để cứu trợ chắc lên đến cả triệu người.

Team "Chuyến xe yêu thương" hiện có 7 xe, mỗi xe đều chạy ít nhất 5-6 chuyến mỗi ngày bất kể địa điểm nào xa hay gần không quan trọng. Chỉ cần là đồ cứu trợ tới bà con là sẽ lên đường, bất kể nắng mưa và ngày hay đêm. Không cần huân huy chương, không cần sự công nhận bởi bất kì ai vì tất cả đều là sự cho đi không có bất kì suy nghĩ hay lợi ích gì chỉ có duy nhất điều mong mỏi là nụ cười hạnh phúc của mỗi người khi nhận đồ cứu trợ đó là niềm hạnh phúc và tấm huân chương từ tâm của anh em mình.

Anh em làm với tất cả sự tâm huyết và tâm hoan hỉ, mỗi món quà trao đi không chỉ là những nhu yếu phẩm mà đó là tất cả tình thương của anh em chúng con đại diện cho các mtq cả nước gửi tới bà con.

Mỗi ngày trôi qua, niềm hạnh phúc lớn nhất đó là thấy tình trạng SG khỏe lại mỗi ngày và chúng con chỉ mong ế show đi vận chuyển càng ít càng tốt bởi đó sẽ là kết quả của việc những người khó khăn đã giảm. Mong sao bà con khỏe mạnh, bình an cả thân và tâm trong mùa dịch. Hơn lúc nào hết giờ đây tiền bạc không còn quá quan trọng bằng sức khỏe.

Để theo dõi hành trình cứu trợ của mình hãy xem clip phía dưới. Mình sẽ cố gắng cập nhập đầy đủ thông tin hành trình chuyến mỗi ngày bằng video vlog hành trình cứu trợ.

—————————————

Để nhóm có thể hoạt động và cứu trợ cho nhiều người và đặc biệt bệnh viện dã chiến đang khó khăn thì rất mong sự sẻ chia của quý mtq:

Thông tin dành cho mọi người ủng hộ:

STK: 19033986853029 – Ngân hàng Techcombank- Chủ Tk: Nguyễn Tùng Lâm

Thông tin sao kê ủng hộ: gnh.vn/unghosg

Cảm ơn quý MTQ đồng lòng cùng miền nam thân yêu

(*) Nhan đề của Văn Việt.

CHỐT!

FB Ngô Nguyệt Hữu

Hôm nay, là một ngày rất nóng. Sài Gòn, mưa ngắt quãng mấy ngày trước, không đủ làm dịu cái nắng xiên khoai, gây mưa rất khó chịu này.

Không khó để hình dung sự bức bối, oi bức mà các anh cảnh sát, dân phòng… trực chốt phải chịu đựng.

Mình có 500 chai nước suối của Lamaqua, 50 thùng sữa của Vinamilk, 100 thùng mì gói của Masan và Hảo Hảo.

Sáng nay, mình đã bắt đầu đi biếu nước suối cho các chốt, nhà độ này lắm việc nên không khoẻ như trước. Cứ túc tắc làm vậy.

Mì, vẫn quan điểm của mình, sẽ nhờ các hội nhóm từ thiện biếu bà con đang cần giúp đỡ. (Nhóm anh Phú, 18 thùng và 5 thùng sữa).

Còn nước suối và 45 thùng sữa còn lại, mình sẽ tặng cho các điểm chốt chặn.

Quá cực cho các anh đang trực chốt giữa lúc nóng bức này.

Chiều nay, mình sẽ lại đi tặng tiếp.

Mấy năm nay, mình làm công tác xã hội đều bằng tiền túi hoặc gọi xin các anh chị đang làm việc tại các Tập đoàn, Tổng Công ty… Mình không nhận sự đóng góp của cá nhân.

Mình viết cái này để hy vọng nếu các anh chị đang tham gia cứu trợ đồng bào, có thể tặng thêm cho anh em trực chốt trái cây, nước đóng chai ướp lạnh…

Đứng ở chốt mấy phút đã muốn phát điên vì nóng!

DÒNG ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO ĐÁP LỜI “THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN ƠI!”

Sr. M. Tuyết Mai, Rndm – TGP Sài Gòn, 8/8/2021

clip_image044_thumb

TGPSG — Hãy làm tất cả những gì có thể làm được vì ‘Thương quá sài Gòn ơi!’

Vào một ngày đầu tháng 7, Văn phòng Tỉnh dòng Đức Bà Truyền Giáo (ĐBTG) nhận được thư của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh kêu gọi các giáo phận, các cấp Caritas, các giáo xứ, các dòng tu, các cộng đoàn và anh chị em giáo dân hãy khẩn cấp ra tay, hãy làm tất cả những gì có thể làm được vì ‘Thương quá sài Gòn ơi!’

Ngay sau đó, thông tin được chuyển đi đến các cộng đoàn ĐBTG đang hiện diện trong nước cũng như hải ngoại, với lời nhắn nhủ: “Chị em hãy lắng lòng để lắng nghe và mau mắn thực hiện lời giáo huấn này của Chúa Giêsu: ‘Các con đã nhận lãnh nhưng không thì hãy cho đi nhưng không’, Mẹ sáng lập Dòng đã làm như thế, và chúng ta cũng hãy làm như thế trong khả năng và hoàn cảnh của mỗi cộng đoàn”.

Đáp lời ‘Thương quá Sái Gòn ơi!’, chị em ĐBTG đã nhanh nhẹn nối vòng tay lớn, cộng tác với các giáo xứ, với anh chị em Trợ tá Truyền Giáo (TTTG) và các ân nhân để gởi trao về Sài Gòn thân thương tất cả những gì có được trong tầm tay.

Từ Giáo phận Nha Trang, chị em ĐBTG cộng đoàn Vinh Trang đã chia sẻ bằng lời cầu nguyện và với những gì mình có: những bó rau chị em trồng, những quả thanh long, những nải chuối, nồi cá kho, thịt gà kho… dù chỉ là một chút xíu, nhưng tất cả phát xuất từ tấm lòng yêu thương.

clip_image046_thumb

clip_image048_thumb

Từ Giáo Phận Đà Lạt, hai cộng đoàn ĐBTG Đà Lạt, Nam Ban cũng nhiệt thành nổi lửa yêu mến:

o Chị em ĐBTG cộng đoàn Đà Lạt mỗi ngày cộng tác với nhóm TTTG và nhóm Caritas của Giáo xứ Thánh Mẫu, dưới sự điều động của cha chánh xứ Phêrô Mai Vinh Sơn, lặn lội đến các vườn rau cắt và đóng thùng gởi về cho anh chị em ở các vùng dịch. Chị em cộng tác với Hội chữ Thập Đỏ và nhóm anh chị em Phật Tử tại ‘Quán cơm Không đồng’ chia sẻ các phần ăn vào mỗi thứ Bảy và Chúa nhật hằng tuần.

clip_image050_thumb

clip_image052_thumb

o Chị em ĐBTG cộng đoàn Nam Ban, rất ít nhân sự, nhưng vẫn hăng hái cộng tác với chương trình của Giáo xứ Nam Ban, hái rau, đóng gói, chuyển hàng… để gởi về Sài Gòn.

clip_image054_thumb

clip_image056_thumb

 

Từ Giáo Phận Phú Cường, với số nhân sự ít ỏi đếm trên đầu ngón tay, chị em ĐBTG cộng đoàn Củ Chi cũng nỗ lực trao “năm chiếc bánh và hai con cá” mình kiếm được vào đôi tay quyền năng của Chúa Giêsu:

clip_image058_thumb

Từ Giáo Phận Xuân Lộc, hai cộng đoàn ĐBTG Quang Lâm và Thạch An cũng “chất thêm củi vào bếp tình thương” của Chúa và Giáo hội:

o Chị em ĐBTG cộng đoàn Quang Lâm, chỉ có vài người thôi, cũng hết lòng cộng tác với giáo xứ miền Quang Lâm (Tân Phú- Đồng Nai) vào bếp làm chà bông (ruốc thịt heo), tìm vườn rau, xin và cắt rau, mua những nhu yếu phẩm cần thiết, liên lạc xe, thức đêm để đợi xe chuyển hàng đi Sài Gòn, với tâm nguyện: ‘Lá rách đùm lá tả tơi’…

clip_image060_thumb

clip_image062_thumb

o Chị em ĐBTG cộng đoàn Thạch An, vì ‘Đồng Nai thân yêu’, đã cộng tác với cha xứ giáo xứ Thạch An (đặc biệt, cả cha Chính xứ và Cha phó cùng vào bếp), cùng với Hội đồng Giáo xứ nấu các phần ăn cho các y bác sĩ đang phục vụ tại trung tâm phòng chống dịch huyện Vĩnh Cửu, và những người lao động nghèo trong khu vực cách ly, phong tỏa của huyện.

clip_image063_thumb

Từ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, chị em ĐBTG các cộng đoàn Tân Bình, Quận Bảy, Thị Nghè, Thủ Đức như những đợt sóng nối tiếp nhau vỗ vào bờ cát trắng… Mỗi cộng đoàn một cách khác nhau, chia sẻ các phần ăn và các nhu yếu phẩm đến anh chị em tại các khu vực cách ly, phong tỏa gần cộng đoàn của mình.

Riêng cộng đoàn Thủ Đức, có sân trường Mầm Non rộng rãi, đã trở thành nơi tập kết rau củ quả của nhóm các bạn thiện nguyện “ Siêu thị Không đồng” ( STKĐ) của TGPSG.

Vì đường xa nên các chuyến xe hàng với hàng tấn thực phẩm được tập kết vào ban đêm, các chị em phải trực để mở cổng cho xe hàng vào và phụ giúp các bạn nhóm STKĐ (nhóm chỉ có vài bạn). Có hôm mới 2 giờ sáng đã nghe điện thoại reo: “Sơ ơi, khoảng 1 tiếng rưỡi nữa xe về đến nha.” Sơ bị đánh thức trước một tiếng rưỡi, nhưng vẫn vui vẻ ngồi chờ mở cổng.

Lần khác, điện thoại lại réo rắt: “Sơ ơi, có mấy trăm ký cá cơm từ Vinh gởi vào, Sơ làm sạch và kho giùm con, cho vào túi nửa ký, sáng mai con lấy nha Sơ”. Vậy là “cá về tu viện” và lệnh “ra khơi bắt cá” được ban hành. Tất cả chị em lớn nhỏ, mỗi người một việc: Rửa cá, chuẩn bị hành tỏi, kho cá, cân ký, cho vào túi nylon, đóng thùng…

Và cứ như thế, gần một tháng trôi qua, dù không được ra đường, nhưng chị em vẫn không bị thất nghiệp, vẫn có việc làm đều đặn và có phần bận rộn hơn những ngày không có thực hiện lệnh giãn cách.

clip_image065_thumb

clip_image067_thumb

Cộng đoàn các Sơ cao niên nhà Hưu dưỡng và cộng đoàn Tập viện đã hy sinh nhiều hơn trong những ngày này để nhường phần ăn của mình cho vùng dịch. Việc ăn uống thanh đạm hơn để dư ra số tiền chợ khiêm tốn hằng ngày, góp vào túi tiền chung của Tỉnh dòng gởi về TGPSG theo chương trình mời gọi đóng góp quỹ Caritas của TGPSG.

Trong những ngày chưa thực hiện chỉ thị 16 cách nghiêm ngặt, các Sơ cộng đoàn Hưu dưỡng đã được “ trẻ hóa”, cùng các em cộng đoàn Đệ tử, chia sẻ các phần quà cho những người cần đến ngay tại cổng nhà dòng.

clip_image069_thumb

Lời nhắn nhủ của ĐTGM Giuse đã, đang và còn vang vọng trong tâm hồn của mỗi chị em ĐBTG: “tỉnh thức để nhận ra Thánh ý Thiên Chúa. Đại dịch tàn phá, nhưng chúng ta, cùng với đồng bào Việt Nam khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại, sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương.”

Lạy Chúa, chúng con đã được nhận lãnh cách nhưng không biết bao ân huệ từ Chúa. Giờ đây chúng con xin chia sẻ lại những quà tặng này cho anh chị em chúng con đang đau khổ giữa đại dịch. Xin giúp chúng con trong công trình xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương”. Xin Chúa cho đại dịch mau chấm dứt và nhân loại chúng con được sống trong an bình của Chúa.

Sr. M. Tuyết Mai, Rndm (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Dân thành thị học hỏi nông dân…

clip_image071_thumb

TRANH Thăng Fly Comics

A Thousand Words

clip_image073_thumb

Chia sẻ của em Võ Thùy Minh:

clip_image075_thumb

F0 Ở TP.HCM XIN ĐƯỢC QUÉT DỌN, GỘI ĐẦU CHO CẢ KHOA BỆNH clip_image006[1]_thumbclip_image006[2]_thumbclip_image006[3]_thumb

FB Nhật Ký Chống Dịch

Hà Ngọc Trường, 28 tuổi đã có hơn 50 ngày ở khoa nhiễm 1 – Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Trường kể, anh và cả gia đình mắc Covid, khi mới vào đây anh phải thở máy, suy hô hấp nặng và phổi bị trắng.

"Sau khi mình tạm ổn định sức khỏe, cai được oxy và có thể đi lại bình thường, mình đã nghĩ ngay tới việc phải làm gì đó như dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh, hỗ trợ chăm sóc các F0 triệu chứng nặng để giúp đỡ mọi người ở đây, một phần để các y bác sĩ bớt vất vả hơn…

Ban đầu mình chỉ đút cơm, cháo cho các cô chú mà thôi. Sau đó mình giúp thêm việc thay tã, lau người, đỡ họ đi vệ sinh, hướng dẫn thay bình oxy… Dần dần công việc thành quen, bất kể có việc gì cần thiết, mình đều làm", Trường kể.

Đặc biệt, nam thanh niên còn thường xuyên gội đầu giúp những bệnh nhân Covid-19. Mang theo 2 chiếc chậu, một chiếc khăn và nụ cười thân thiện, Trường xin được gội đầu cho những cô, bác lớn tuổi.

Được đồng ý, chàng trai thoăn thoắt tay xối nước, tay gãi đầu, chẳng mấy chốc đã gội xong mái tóc dài cho những F0. Mỗi ngày, chàng trai luân phiên gội đầu cho vài bệnh nhân như thế.

Giờ đây khi được làm "điều dưỡng" cho những bệnh nhân lớn tuổi, Trường càng cố gắng lan tỏa tinh thần lạc quan, hứng khởi của mình. Chính sự ứng xử tử tế và nụ cười của chàng trai đã giúp anh nhận lại rất nhiều cảm tình từ những F0 cùng khoa bệnh.

clip_image077_thumb

[Văn Việt đã đăng câu chuyện của Hà Ngọc Trường ở “Sài Gòn – Những ngày phong thành (31)”. Xin đọc ở đây: http://vanviet.info/van/si-gn-nhung-ngy-phong-thnh-31/ ]

Comments are closed.