*Bí thư TP.HCM: Đây là trận đánh quyết định nhưng chưa phải cuối cùng
*Bộ đội gác chốt tại các giao lộ ở TP.HCM
*‘Đi chợ hộ’, hỗ trợ túi an sinh ở phường của TP.HCM được thực hiện ra sao?
*Ra mắt tổng đài 1900 638 090 hỗ trợ người dân TP.HCM. Tổng đài vừa ra mắt có thể hỗ trợ cấp cứu cộng đồng, kết nối các đơn vị cung cấp "bệnh viện tại nhà", túi thuốc điều trị F0, ATM-Oxy, thực phẩm cứu trợ, mai táng miễn phí.
https://tuoitre.vn/ra-mat-tong-dai-1900-638-090-ho-tro-nguoi-dan-tp-hcm-20210823161014237.htm
*TP HCM tiếp tục bổ sung đối tượng được ra đường từ ngày 23-8
*Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quân đội, công an hoàn thành việc tập trung toàn bộ người lang thang trên đường tại TP.HCM trong ngày 23/8
Trong bài báo trên, có mấy thông tin đáng lưu ý:
– Công tác xét nghiệm cần triển khai nhanh chóng tại vùng đỏ để thành phố có thể vẽ lại bản đồ nguy cơ, đến 25/8 phải có kết quả.
– Các địa phương phải tính nhân khẩu dựa trên dữ liệu của công an vì chính xác hơn. Ví dụ, quận 4 theo dữ liệu công an có 207.703 nhân khẩu, chứ không phải hơn 176.000 người như báo cáo của quận. "Chỉ cần thiếu một nhóm người nào mà không may nhóm đó rơi vào người nhiễm bệnh là không kiểm soát được hết".
BỆNH SINH CỦA TỔN THƯƠNG PHỔI VÀ ỨNG DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ COVID-19 GIAI ĐOẠN TRƯỚC ICU (FULL EDITION)
Video trong chương trình "Tập huấn điều trị bệnh nhân COVID-19"
Phần 1 nói về:
– bản chất ARDS
– khác biệt của tổn thương phổi do COVID-19 với ARDS kinh điển: 2 thái cực của phenotype type L (phổi mềm) và H (phổi cứng) dẫn tới thái độ điều trị khác nhau
– giải thích triệu chứng giảm oxy máu thầm lặng
– các cận lâm sàng cần làm với COVID-19
Phần 2 bắt đầu từ phút thứ 43, bao gồm:
– Nguyên tắc điều trị COVID-19 theo pha
– Chống đông trong điều trị COVID-19: phân tích từ REMAP-CAP, ATTACC, ACTIV-4A
– Phân tích nguyên lý sử dụng Corticosteroid trong điều trị COVID: nghiên cứu RECOVERY, vai trò của nâng liều corticoid trong những trường hợp đặc biệt.
– Làm thế nào để phát hiện được thời điểm bệnh chuyển nặng để thay đổi thái độ điều trị khi trong tay không có các xét nghiệm cận lâm sàng
– Nguyên lý của thông khí nằm sấp
– Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác
– Một vài ca lâm sàng minh họa
– Mục cuối: Q&A: Kinh nghiệm điều trị F0 có triệu chứng tại nhà bằng telehealth (Zalo, Messenger…)
CÁCH TỰ LẤY MẪU XÉT NGHIỆM NHANH VI-RÚT SARS-COV-2 TẠI NHÀ
(NLĐO) – Người dân có thể tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên vi-rút SARS-COV-2, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút và không quá khó thực hiện.
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BỐN MƯƠI SÁU
Từ 0 giờ hôm nay 23.8, toàn thành phố đã triệt để áp dụng lệnh giới nghiêm toàn thành. Tôi dùng từ giới nghiêm vì nghĩ đó là từ chính xác nhất trong tình hình hiện tại, nếu nói theo thuật ngữ quân sự là Thiết quân luật. Theo luật hiện hành của chính phủ Việt Nam, khi tình hình an ninh, trật tự, xã hội mất ổn định nghiêm trọng, chính quyền sẽ ban bố lệnh giới nghiêm.
Luật Quốc phòng 2018 có hiệu lực từ 1.1.2019 định nghĩa: Giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm.
Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, theo luật này, khi thành phố yêu cầu dân không được đi lại, mọi người ai ở đâu ở yên đó, thực phẩm có người mua hộ tức là đã thi hành giới nghiêm rồi. Ngay những lần trước, gọi là giãn cách nhưng thật sự cũng là hình thức giới nghiêm hay lockdown. Theo giải thích thì giãn cách xã hội có nghĩa là người dân vẫn sinh hoạt bình thường, giữ khoảng cách ít nhất 2 mét với những người khác, tránh xa những nơi tụ tập đông người và những cuộc họp mặt. Tránh xa những người chịu nguy cơ cao hơn với dịch bệnh (ví dụ: người lớn tuổi và người có sức khỏe kém). Với định nghĩa như vậy thì mấy đợt trước đây thành phố đã giới nghiêm chứ không phải giãn cách.
Tính đến nay, để ngăn chận sự lây lan của dịch cúm Vũ Hán, thành phố đã ba lần ban bố lệnh gọi là giãn cách rồi phong toả.
Lần thứ nhất, bắt đầu từ 0h ngày 9.7. Đợt này theo chỉ thị 25 và 16 của Thủ tướng. Trong lần thứ nhất này, dân tình rất xôn xao và đưa đến tình trạng đổ xô mua hàng dù chính quyền bảo đảm hàng hoá cho dân. Thế nhưng việc đóng cửa cả 3 chợ đầu mối lớn của TP (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) để phòng, chống dịch phần nào làm người dân lo lắng việc cung ứng hàng hóa gặp vấn đề. Dân bắt đầu không tin vào những lời hứa của chính quyền. Và cũng trong lần này, hệ thống lưu thông hàng hoá từ các nơi đưa về bị đứt gãy vì những thủ tục hành chính và thói lạm quyền, quan liêu ở các chốt chặn.
Lần thứ hai, bắt đầu tiếp tục từ 0h ngày 15.7. Lúc này, mạng xã hội và các trang thông tin không chính thống lan truyền thông tin sai lệch về việc “đóng cửa toàn TP.HCM” từ 0h ngày 15.7. Hậu quả tức thì, lượng người đổ ra các chợ truyền thống, siêu thị lại tăng đột biến vào ngày 14.7. Lại một lần nữa dân tình lao đao vì khan hiếm thực phẩm, lương thực giả tạo. Rút kinh nghiệm lần 1, dân chen lấn nhau, giành giật nhau hàng hoá khiến tình trạng lây nhiễm càng bùng phát.
Lần thứ 3, trước thông tin TP.HCM sẽ siết chặt giãn cách trong 2 tuần kể từ 0h ngày 23.8. Đây được xem là các biện pháp mạnh nhằm kéo giảm số ca lây nhiễm trong cộng đồng đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh và khả năng lây lan nhanh của biến chủng Delta, người dân lại một lần nữa chen nhau đi chợ bắt đầu từ trưa ngày 20.8 và trong ngày 21.8. Lực lượng kiểm soát bất lực, trật tự tại các siêu thị, cửa hàng hỗn loạn đưa tới việc lây lan mạnh dịch bệnh.
Trước tình hình đó, chiều 21.8, chính quyền lại đánh lừa bằng cách khẳng định : “Không thực hiện phong tỏa thành phố trong hai tuần tới”. Sau đó là hàng loạt văn bản, chỉ thị liên tiếp ra đời, mỗi văn bản mỗi khác, luẩn quẩn, loanh quanh, mâu thuẫn với nhau. Dân tình nhốn nháo chẳng biết đâu mà lần. Lúc thì bảo có, khi thì bảo không. Rộ lên vùng xanh, vùng đỏ, vùng cam. Trên mạng lan truyền bảng phân chia khu vực theo màu, nhưng rồi bị cho là tin giả. Cho đến tối hôm qua, chính quyền vẫn xác nhận là chưa hề công bố một bản đồ xanh đỏ nào cho thành phố.
Rồi chuyện xuất hiện của lực lượng quân đội 1.000 người trên 5 chuyến bay từ Bắc vào chi viện. Rồi lực lượng của Quân khu 7 tăng cường. Trong ngày 22.8, trả lời với báo chí, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết Bộ Quốc phòng sẽ huy động khoảng 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 tham gia chống dịch tại thành phố trong 15 ngày tới.
Và sáng hôm nay, thành phố đã xuất hiện lực lượng quân đội có mặt khắp các ngã đường trong thành phố. Nó tạo một cảm giác của thời chiến tranh đầy căng thẳng. Có người bảo thành phố giờ không khác chi thời quân quản.
Mà thật sự, tình hình thành phố đang hồi căng thẳng. Các bệnh viện đầy người, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tình nguyện viên đã không còn sức để chiến đấu sau một thời gian quá dài. Đã có nhiều người bị phơi nhiễm, đã lên con số ngàn. Nhiều người không chịu nổi đã rút lui. Trong cuộc họp chiều qua giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thành phố đã có lời kêu gọi những người F0 đã lành bệnh nên xung phong trở thành tình nguyện viên chăm sóc cho bệnh nhân. Con số tử vong tăng cao ở các cơ sở y tế chữa trị dịch bệnh đa số là do thiếu sự chăm sóc kịp thời và thiếu trang thiết bị. Bệnh viện dã chiến vừa mở ra là lâm vào tình trạng quá tải. Một ngày bốn, năm ngàn người nhiễm dịch thì chỗ nào để chứa? Một ngày bốn, năm trăm người chết, cán bộ y tế bị áp lực, bị ức chế đến kiệt sức. Đã có hàng ngàn đội ngũ ở các nơi vào giúp sức nhưng như muối bỏ biển. F0 đầy dẫy khắp nơi không kiểm soát được. Giờ lại tổ chức xét nghiệm toàn thành lại khiến dân thêm lo. Lo vì sợ nhiễm từ việc xét nghiệm đấy. Tính đến tối 22.8, tại thành phố đã có tổng cộng 175.994 bệnh nhân nhiễm dịch được Bộ Y tế công bố. Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 34.605 bệnh nhân, trong đó có 2.131 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.442 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Số liệu thống kê được Ban chỉ đạo phòng chống dịch công bố trưa 22. 8 cho thấy, toàn thành phố đã có 6.349 người tử vong vì virus Vũ Hán. Một con số đáng âu lo dù con số đó vẫn chưa đầy đủ. Số bệnh nhân F0 và số người tử vong tại nhà cho đến giờ vẫn chưa thống kê được.
Có dư luận cho rằng, nếu bộ phận quân đội tăng cường là đội ngũ y bác sĩ thì rất hợp lý trong lúc này vì thành phố đang thiếu trầm trọng. Nếu quân đội giữ an ninh trật tự cũng là điều nên làm vì dù sao kỷ luật quân đội và mệnh lệnh được thực hiện một cách có kỷ cương hơn góp phần lập lại trật tự của thành phố là điều đang mong đợi. Tuy nhiên nếu sử dụng quân đội cho việc cung cấp và lưu thông hàng hoá thì không hiệu quả. Nếu thành phố tập trung được lực lượng shipper có sẵn, trả lương cho họ, cấp giấy cho họ hoạt động có tổ chức và có kiểm soát. Họ được chủng ngừa đầy đủ, xét nghiệm miễn phí thường xuyên, thì đội ngũ này hoạt động tốt hơn lực lượng quân đội nhiều. Bởi họ cơ động hơn, chuyên nghiệp hơn và thông thuộc địa hình ở thành phố này hơn lực lượng quân đội. Họ có thể đến từng ngõ ngách, từng căn nhà vì đó là công việc thường xuyên của họ lâu nay. Hôm qua dù chưa có bản đồ vùng xanh, vùng đỏ cụ thể được công bố nhưng quy định của thành phố người vùng xanh có thể nhờ quân đội đi chợ mỗi tuần một lần. Nhưng hôm nay lại ra văn bản mới quy định Không phân biệt “đỏ”, “vàng”, “xanh”, toàn bộ người dân TP.HCM sẽ được đi chợ hộ. Theo đó, từ 23.8, người dân dù thuộc phân vùng “đỏ”, “vàng” hay “xanh” cũng đều sẽ áp dụng phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ cộng đồng, các lực lượng tình nguyện hỗ trợ. Lắm văn bản quá, người dân không theo kịp nên cứ ngẩn ngơ không biết phải đối phó thế nào? Xoay xở ra làm sao? Thành phố giống như nhà không nóc mà gặp biến vậy, ai cũng có thể ra lệnh, ai cũng có quyền, chỉ thị, yêu cầu cứ xoay như chong chóng.
Theo tính toán, nhu cầu tiêu dùng bình thường là 10.964 tấn/ngày. Trong đó, gạo: 1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở…): 660 tấn; thịt gia súc: 755 tấn; thịt gia cầm: 660 tấn; thực phẩm chế biến: 236 tấn; trứng gia cầm: 108 tấn (2,1 triệu quả); rau củ quả: 4.246 tấn; đường: 236 tấn; sữa: 1.742 tấn (1,7 triệu lít); dầu ăn: 189 tấn; muối: 47 tấn; nước chấm: 104 tấn (79.865 lít).
Như vậy, mức nhu cầu tiêu dùng bình quân của thành phố trong 1 tuần (7 ngày) là 76.747 tấn; trong 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống của người dân ước khoảng 19 triệu lít/ngày, (566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch: khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng); nước sát khuẩn (loại 0,5 lít): 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng). Với những con số đó, e rằng lực lượng quân đội và các tổ ở các địa phương không kham nổi. Sợ rằng kế hoạch rồi sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có sự góp mặt của đội ngũ shipper của 5 công ty lớn đang có mặt ở thành phố này.
Trong quá trình kềm chế dịch bệnh, thành phố đã mắc nhiều sai lầm ngay từ những ngày đầu tiên dịch bùng phát. Bắt đầu từ Gò Vấp ở nhóm tín đồ Phục Hưng, con số chỉ mới mấy chục người. Lãnh đạo thành phố bắt đầu lúng túng, lập khu cách ly tập trung, tổ chức xét nghiệm đông hàng ngàn người ở sân Phú Thọ rồi chợ Bình Điền. Con virus biến thể Delta lan rộng, cứ dương tính là nhét vào bệnh viện kéo theo đó cả đám F1 vào khu cách ly. Con số nhiễm từ khu cách ly càng lúc càng cao, số tử vong càng nhiều ở các khu điều trị. Thiếu nhân lực, thiếu thiết bị, thiếu điều kiện sinh hoạt, người chết nhiều gây sốc cho mọi người. Lúc đấy mới lo vaccine, cũng đã trễ. Đến lúc quá tải lại cho cách ly tại nhà. Nhưng lại thiếu kiểm soát, thiếu hỗ trợ lúc bệnh nhân trở nặng và thế là con số tử vong tiếp tục leo thang và không khí càng bi thương hơn. Và bây giờ, theo nhà chức trách đây là trận cuối cùng nên quân đội nhập cuộc. Người dân tự hỏi nếu trận cuối cùng này mà thất bại thì rồi sẽ ra sao. Buông luôn hay sao? Có còn phương án nào không?
Đã đến lúc người dân chai lì trước những chỉ thị của các cấp chính quyền vì các văn bản cứ xà quần đến chóng cả mặt. Các biện pháp đưa ra thiếu hiệu quả làm dân mất dần lòng tin và nghi ngờ khả năng của những người ký các văn bản, chỉ thị. Khi người dân cần trong tình trạng thập tử nhất sinh thì chẳng biết kêu ai, gặp biến cố thì không nơi nhận vì quá tải. Đói xin hỗ trợ thì cứ hẹn mãi, kẻ có, người không. Chẳng biết kêu ai và tin vào ai nữa. Trầm cảm, ức chế sinh bệnh là chuyện tất yếu trong cơn khủng hoảng này. Còn nhớ khi thành phố Vũ Hán bị dịch, phong toả từ ngày 23.1.2020 và chấm dứt ngày 8.4.2020, tổng cộng là 76 ngày. Trong thời gian phong tỏa người ta đã nghe những tiếng thét, tiếng la từ những ngôi nhà, từ những chung cư trong đêm khuya. Những tiếng thét vì bế tắc, bị căng thẳng, bị giam hãm và lo âu. Thành phố Sài Gòn chính thức giãn cách toàn thành phố từ ngày 31.5.2021, đến giờ đã là 83 ngày trong bi thương, chết chóc, đau đớn và tù hãm. Đã nhiều gia đình tan tác, đã có những dãy dài xe chở quan tài chờ thiêu xác, đã có rất nhiều người trở thành kẻ không nhà, lắm đứa trẻ thành kẻ mồ côi. Tiếng thét của người thành phố không bật ra mà đi ngược vào trong với nỗi câm lặng âm thầm. Nỗi đau này lớn quá cũng không còn nước mắt. Và chính vì không bật lên được tiếng thét lúc nửa đêm nên nỗi đau càng đau hơn, nặng nề hơn, mỗi ngày như những vết dao đâm sâu vào lòng những người thành phố này.
Người dân muốn nhà nước cứ ban lệnh giới nghiêm, cứ cho là không thời hạn đi, cho đến lúc kềm chế được dịch. Tại sao cứ cho con số 15 ngày, rồi 15 ngày giật cục với mọi chỉ thị chỉ tạo thêm hoang mang và lo âu. Mỗi lần 15 ngày là mỗi lần có biến động trong sinh hoạt. Điều đó chứng tỏ những người có trách nhiệm không hoạch định được, không có một kế hoạch rõ ràng nào cả, cứ theo nước mà trôi. Lập ban tư vấn thì toàn những ông đầy bằng cấp mà chẳng có chuyên môn, dự đoán và đưa kế hoạch giống như các lão thầy bói, được gọi tên là Dự báo Fulbright, toàn ăn ốc nói mò chẳng được chi mà làm cho thêm rối. Trong thời kỳ giới nghiêm không thời hạn đó, nỗ lực tiêm chủng tối đa cho dân, mỗi người hai mũi. Trung ương phải phân bổ đầy đủ và hợp lý vaccine, tránh kiểu ngồi chờ và trông đợi, xin xỏ mãi. Tìm cách cứu đói và phân phối hàng hoá hợp lý và công bằng. Yêu cầu chính phủ mở kho gạo cứu dân, an toàn lương thực là lúc này đây. Các quỹ lao động, bảo hiểm, thiên tai, dịch hoạ có mấy chục ngàn tỷ sao không đem ra sử dụng trong những lúc biến cố thế này? Xuất ngân quỹ để bệnh viện có đủ thiết bị và máy móc chữa bệnh, dần dần làm chủ tình thế chứ không bị động như đã làm. Dựng nhiều trung tâm, mở lắm bệnh viện dã chiến mà rồi phải kêu gọi mạnh tường quân, các nhà hảo tâm trang thiết bị thì hậu quả đã thấy ngay rồi. Trong việc cho cách ly F0 tại nhà, đơn vị phường xã rất quan trọng. Cho nên phải lưu tâm đến đội ngũ này. Dân tin vào chánh quyền hay không cũng do đội ngũ này mà có. Rất tiếc, các bộ phận ở phường, xã nhiều nơi trình độ và trách nhiệm còn yếu kém, nhất là những vùng xa, nơi người dân cần hỗ trợ nhiều nhất lại là nơi hoạt động kém nhất, làm mất lòng dân nhất.
Một anh bạn vừa kêu cứu tôi mà rồi tôi cũng chẳng giúp được gì. Tình trạng của người bạn của anh là cả gia đình đều dương tính, bị đưa cả gia đình vào cách ly và điều trị tại bệnh viện. Người chồng không thấy triệu chứng rõ rệt nên cho về nhà mà chẳng cấp cho cái giấy tờ gì. Mấy hôm sau bệnh trở nặng và qua đời. Địa phương không chịu xác nhận anh ta chết vì virus Vũ Hán mà kết luận người bệnh chết vì bệnh nền tim mạch và yêu cầu gia đình tự mai táng. Giới nghiêm nên cũng chẳng biết gọi nhà đòn nào lo liệu cho nên xác vẫn để nằm đó từ hôm qua đến giờ. Gia đình bất lực cũng chẳng biết giải quyết thế nào cả. Anh ta bảo không lẽ khiêng cái xác ra để giữa đường cho bàn dân thiên hạ biết? Tôi cũng đành bó tay chẳng biết ý kiến hay giải pháp thế nào để giúp anh. Buồn thật.
23.8.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn mươi sáu
DODUYNGOC
VIẾT TỪ GIAO THỪA QUA MÙNG 1 TẾT… GIÃN CÁCH
Bài này tôi viết xong trưa hôm qua mà chiều phải vù vào điểm tập kết hàng của chương trình Vòng Tay Việt – Sai Gòn, xử lý nhanh nhất tất cả hàng, chuyển thật nhanh đến các khu phong tỏa và khu nhà trọ nghèo cùng các bệnh viện; định tối về sẽ post bài. Nhưng bây giờ đọc lại, thấy phải bỏ rất nhiều đoạn vì lạc hậu thông tin… Bài đã cắt thành thế này:
Thế là sẽ không có “Hạ cánh nơi anh” phiên bản Việt? Báo vietnamnet đăng rõ rồi: theo ông Phạm Đức Hải phó ban tuyên giáo: Quân đội không đi phát lương thực!
Nói đùa thôi, các bà các cô chắc cũng không tin lắm là “bộ đội mang lương thực đến tận nhà” nên “ngày Hội mua sắm” mới diễn ra tưng bừng như vậy, diễn ra cả từ 3 giờ khuya nay ở chợ Bà Chiểu. Mấy ngày trước cách đưa thông tin tạo một không khí căng thẳng, lo âu bao trùm xã hội: “Quân đội, công an đã sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của thủ tướng” (Tuổi trẻ), “Thủ tướng: TP HCM cách ly triệt để người với người, quân đội, công an sẵn sàng phối hợp” (Thanh niên)… Ngồi yên trong nhà hai tuần, chờ được đem phát nhu yếu phẩm tận nhà, ai làm xuể?
Đến đây, tôi xóa một đoạn dài vì trót viết về việc cho dân vùng xanh được đi chợ một lần/tuần. Giờ đã thay đổi: chính quyền và đoàn thể cơ sở sẽ lo.
Thành phố mấy ngày trước, Ủy ban nói quyết tâm mở rộng vùng xanh trong 2 tuần, nay chính phủ tỏ ý tập trung siêt chặt vùng đỏ (cứ nghe cấm shipper các quận huyện vùng đỏ là hiểu). Shipper được đi tiêm, mừng, văn bản 2718 ngày 15/8 mới cho giao hàng liên quận (trang 2, dòng 14) nay lại chỉ cho đi trong phạm vi quận và phải trừ 8 quận huyện bị cấm.
Cũng dễ hiểu khi giãn cách triệt để thì có rất nhiều xáo trộn lớn. Tự nhủ, kiên nhẫn chờ vài hôm xem ngô khoai ra sao. Dù vẫn điếng ruột khi nghe doanh nghiệp gào lên, sáng 23/8, xe hàng xuất khẩu của CT tôi ra Cảng bằng cách nào, tôi bị phạt ai bù cho tôi đây? Những số điện thoại khẩn cấp gọi không ai nghe, tôi làm sao đây? Và rất rất nhiều người mưu sinh trên vỉa hè, gầm cầu khi tất cả “Ai ở đâu ở yên đó” thì họ ở đâu?
Chống dịch, dập dịch vẫn là nỗ lực tập trung nhất. Tỷ lệ tử vong của Việt Nam giờ là 2,3% số ca nhiễm, Bộ Y Tế cho biết tỷ lệ này là ngang bằng thế giới rồi. Và thêm điều này ít người chú ý, từ 10 ngày trước đến nay, con số tuyệt đối ca nhiễm mới của Bình Dương mỗi ngày thỉnh thoảng nhảy lên, cao hơn Sài Gòn, dù tỉ lệ dân số Bình Dương kém hơn 1/4 dân số Sài Gòn. Chung quanh Sài Gòn là các vùng dịch đang bùng phát: BD, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An là những tỉnh thành có khu công nghiệp nhiều. Sài Gòn mấy hôm nay tỷ lệ bùng phát ca mới trong cộng đồng tăng vọt. Nhìn tình hình Sài Gòn bị bao vây như vậy thì TW “ra tay” là phải rồi vì một mình TPHCM không giải quyết được tình hình cả vùng và đã manh nha bài toán khó & mới rất đau đầu: Bình Dương.
Nhìn về chuyên môn y tế, sự huy động nhân lực vật lực để điều trị, giảm số tử vong vậy đã khá tập trung. Đáng mừng là chuyện tiêm vac xin cũng không bị lơ là. Mục tiêu đặt ra cho hai tuần tới là đạt hơn 70% dân số TP chích xong mũi 1 và 15% dân số chích xong mũi 2. Và hoàn tất việc tiêm 100% công nhân Khu CN-Khu chế xuất đề bắt tay đồng loạt sản xuất lại (liệu có kịp không khi mà thời gian đàm phán các hợp đồng xuất khẩu lớn cũng đang diễn ra).
Có những tin vui mới về vac xin. AstraZeneca đồng tình với đề nghị tăng tốc chuyển giao vac xin cho VN trong tháng 8 và sau đó, thuốc điều trị của AstraZeneca có triển vọng. Nanocovax tôi đã có bài.
Khi công thức mới của thành phố đã chuyển thành: 5K + vac xin + thuốc thì chúng ta hiểu rằng nhận thức về vai trò quyết định của vac xin đã chuyển mạnh. Mà rồi đọc tin thế giới, tôi cũng thấy như với nước giàu Israel, thì có vẻ vac xin vẫn chưa đủ, cần thuốc điều trị con virus khủng khiếp Cô Vy mới khả dĩ?
Sáng giờ, tất cả người quen đều ngồi cứng trong nhà vì được kiểm soát kỹ. Có người đã bị phạt (mỗi "suất" 2 triệu).
Hãy kiên nhẫn chờ. Hệ thống phân phối từ cung ứng đầu nguồn cho tới vào tay người tiêu dùng cuối cùng, đáp ứng cho 14 triệu người ở thành phố này không thể chỉ tính bằng những con số: lượng các loại hàng cần, số hộ sẽ nhận hàng mà được đâu. Huống chi dù có “Đi chợ hộ” thì làm sao giúp cho những người (ước tính 700.000 người) “không hộ”? Giờ chỉ biết hát điệp khúc “wait and see” rồi tính tiếp…
23.8
Sáng nay, một gái quyết chí đèo bòng đi cứu tế, ngang chốt, gặp anh lính trẻ măng, ôm súng hiên ngang. Đoạn xét giấy, khuôn mặt non tơ cộng với báng súng ngọng nghịu thế nào mà gái xanh mặt nghĩ, có khi nào cấn cò cái hông chời, rồi tự động viên, súng ôm cho oai chứ chẳng đạn dược gì đâu, canh chốt giúp dân chống dịch thôi mà, làm gì dữ!
Nhà tôi ở phường 4, Gò Vấp, hình như là phường xanh của quận nhưng, trong cảnh huống chung này, ngồi bên này ráng giữ mà ngó bên kia, phấp phỏng, xót xa. Đám nhà gái bảo, xanh thế thì mất cơ hội được huyn bin đi chợ zùm zồi. Đừng nói tới được đèo nhau đi trên chiếc xe đạp thần thánh ấy!
Một bộ phận chị em rất có tinh thần “tích cực chú bộ đội”! :)))
Cơn lụt lịch sử 1999, cô lập Huế, tôi theo trực thăng của quân đội bay ra Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng thả mì gói xuống các khu nhà dân còn ngập trong nước. Thuở mới vào nghề, lăm lăm cuốn sổ cây bút nhưng suốt chuyến đi ấy, tôi không ghi một dòng, chỉ kịp thu tất cả hình ảnh của những người lính vào tầm mắt. Họ chỉ làm, làm nhanh, gọn, hàng hóa tới với người dân vùng bị nạn sớm nhất có thể.
Từ Quảng Nam, tôi được ưu tiên ngồi ghế trước, theo xe tải lớn lội nước ra Đà Nẵng, ngó xuống, nước tứ bề, chẳng thấy đâu là đường, là bờ ruộng. Dù đã mặc áo phao nhưng vẫn run, chắc một phần vì lạnh. Bởi mưa vẫn xối xả. Xe lại bay mất kính chắn.
Tranh thủ về thăm nhà, lại đón đầu đoàn xe chở hàng cứu trợ sẽ đến Huế trong mấy ngày tới, mà đường đèo Hải Vân đã bị sụt lở nghiêm trọng, đứt 1 đoạn lưu thông, thế là tôi ngồi xe ôm vượt đèo, đến đoạn sạt lở, các anh giúp tôi lần cuối, nai nịt bảo hiểm rồi băng qua “cây cầu” dã chiến. Đường về nhà, tôi một mình đi giữa những đụn bùn non dựng đứng. Xác xơ.
Năm 2019, tôi lại ra Hà Tĩnh, Nghệ An cứu trợ. Bà con tập trung về các hội trường xã, huyện; hoặc trường học. Giữa đám đông, mấy vành tang trắng lủi thủi ôm lấy gói quà. Tôi đứng lẫn trong họ, nhìn ra những mái nhà công vụ, dãy phòng học kế bên hội trường, những chiếc áo lính đang cắm cúi lợp lại ngói. Nắng như đổ lửa.
Và đó là một hình ảnh yên lòng khi nghĩ về, nhớ lại. Vậy thôi.
…
Từ lính nhớ sang chuyện quan và cách hành xử của hai ông vua triều Nguyễn, ghi lại, đọc chơi:
– Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Bắc kỳ có nạn lụt, nhân dân thống khổ. Vua truyền: bắt đầu từ ngày nay, những món ngự thiện thì giảm đi một nửa. Nhất thiết ca nhạc đều bãi bỏ (không biết có bỏ thi sáng tác, làm thơ ngợi ca hay không?!). Các vật châu ngọc quý báu trong cung cũng đều giảm bớt đi (không trưng bày). Chim muông ở vườn thượng uyển, thả ra hết. Lại sắc cho nội dung: phàm người có danh vị thì chiếu theo phẩm trật mà ăn mặc, không được xa xỉ quá (chắc càng không bày dự thảo may đồng phục cho công chức ra đường chống dịch?!)…
“Trong những tai nạn lớn, nhà vua coi như lỗi tại mình, thường phải ăn chay, từ bỏ mọi vui thú để khấn tế trời đất cho mưa thuận gió hòa quốc thái dân an và cầu siêu cho vong vong linh quá cố, sau khi đổ cả kho tàng nhà nước ra cứu độ nạn nhân” – theo Tạp ghi Việt sử địa -Nguyễn Đình Đầu.
– Năm Tự Đức thứ 5 (1852), tại Ninh Bình có 7 người dân đói đánh đuổi lái buôn, cướp gạo chia nhau ăn. Quan tỉnh đem ra xử tội. Tự Đức dụ rằng: “quan tỉnh phủ huyện không biết dự phòng việc cứu đói từ trước, để đến nỗi dân bị đói, cùng túng, làm điều phi pháp, lại buộc vào tội, thế là hại dân. Vậy phải giảm tội cho 7 tội phạm ấy và quan địa phương đều phải xử phạt và sao lục dụ này cho các hạt khác, đều phải hết lòng về việc dân”.
Ngày mai, 24.8, 76 năm trước, là ngày ra Tuyên cáo của Hoàng đế Việt Nam thoái vị.
PHÉP THỬ CHO QUÂN ĐỘI VÀ CHẾ ĐỘ
Nếu Quân đội có thể làm ngay hai việc:
1. Dỡ bỏ các rào chắn, nhất là các rào chắn bằng kẽm gai ở các khu phố của Sài Gòn và tạo một không khí giữ gìn an ninh trật tự và giãn cách nhẹ nhàng hơn để giảm bớt tâm lý căng thẳng cho người dân.
2. Bổ sung phần thị trường không làm được để cung cấp lương thực thực phẩm cho những người có nhu cầu và phát huy tình quân dân trong công tác cứu trợ khẩn cấp (tuyệt đối không nên làm thay toàn bộ vai trò của thị trường).
Thì uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ rất cao.
Điều này, có lẽ nằm trong khả năng của QĐ cách đây 40 năm nhờ kinh nghiệm chinh chiến và uy tín của người lính lúc đó. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại là một dấu hỏi rất lớn.
Việc đưa QĐ làm nhiệm vụ chống dịch là một phép thử rất lớn. Nếu QĐ có thể đảm đương được nhiệm vụ, góp phần chống dịch và đảm bảo sự bình yên cho người dân sẽ có tác dụng rất lớn. Điều này phụ thuộc vào năng lực và khả năng của lực lượng này.
Điểm bất lợi là hơn 30 năm qua không có chinh chiến nên kỷ luật và sự tinh nhuệ của người lính có thể không được rèn dũa. Điểm lợi là khoa học công nghệ đã rất phát triển nên nhiệm vụ của QĐ có thể dễ dàng hơn.
Chúng ta cùng chờ xem!
Cuối cùng, với hiểu biết của mình tôi cho rằng, việc cung cấp nhu yếu phẩm cho 12 triệu dân của TPHCM và có lẽ còn nhiều triệu của các địa phương khác khi dịch bùng phát là rất phức tạp và thị trường làm việc này là tốt nhất. Thêm vào đó, vai trò của các tổ chức cộng đồng hay người dân tự giúp nhau là hết sức quan trọng.
Do vậy, để QĐ nói riêng, mục tiêu nói chung có thể thắng lợi thì việc Chính quyền cần làm là duy trì vai trò của thị trường ở mức cao nhất có thể, QĐ chỉ nên bao phủ những nơi mà thị trường không thể bao phủ mà thôi và cần phối hợp tốt với người dân để phát huy tình quân dân trong bối cảnh hiện nay.
Nếu Nhà nước muốn làm thay thị trường thì khả năng mọi thứ sẽ rối tung lên và uy tín của cả QĐ và Chính quyền sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Khi đó, cả xã hội phải lãnh chịu hậu quả và niềm tin vào chế độ rất có thể bị lung lay.
VIỆC CẢN TRỞ LƯU THÔNG GAS CUNG CẤP CHO DÂN Ở SG LÚC NÀY LÀ HÀNH ĐỘNG PHÁ HOẠI
Viện cớ thay đổi đơn vị cấp giấy phép giao thông, các chốt đã chặn xe cấp gas cho Dân.
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ Online trưa 23-8, ông T. – phó giám đốc một công ty kinh doanh gas tại TP.HCM – cho hay sáng nay hàng chục xe tải giao gas cho các đại lý của doanh nghiệp này đã bị các chốt chặn không cho lưu thông, yêu cầu quay đầu.
Theo ông T., công văn số 9296 của Sở Giao thông vận tải ban hành ngày 21-8 nêu rõ tài xế trên xe đã được Sở Giao thông vận tải cấp giấy nhận diện có mã QR "không thuộc trường hợp phải cấp giấy đi đường". Các xe chở gas đã đáp ứng tiêu chí này nhưng sáng nay vẫn không thể qua các chốt, khiến các đại lý gas thiếu hàng.
Doanh nghiệp đã trình văn bản, mã QR để qua chốt nhưng cán bộ chốt nói những văn bản cũ đã bãi bỏ, khi nào có giấy đi đường mới được chạy" – ông T. nói.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp vận tải gas khác cũng phản ảnh việc giao gas sỉ cho các đại lý đều bị ngưng trệ khi xe giao gas không thể lưu thông qua các chốt dù đã có mã QR.
Trong khi đó, các đại lý kinh doanh gas cũng khó giao gas cho người dân khi người chở gas bị yêu cầu giấy đi đường, có trường hợp bị phạt tiền triệu.
Ông H. – giám đốc điều hành một hệ thống phân phối gas lớn ở TP.HCM – cho biết hàng chục cửa hàng của hệ thống này ở các quận huyện đều gặp khó trong việc giao gas sáng nay. Hơn 200 bình gas khách hàng gọi từ sớm nhưng không thể giao, trong khi khách hàng gọi liên tục, đến bữa trưa không có nấu nướng khi hết gas."
Đề nghị bí thư Nguyễn Văn Nên cùng ban chỉ huy chống dịch cách chức ngay những kẻ gây ra ách tắc cực kì vô lý này.
Hành động không thông suốt trong việc thay đổi thủ tục giấy phép, gây cản trở lưu thông các mặt hàng thiết yếu như gas, ảnh hưởng cuộc sống của Dân trong đại dịch là hành động vô trách nhiệm mang tính phá hoại phải bị nghiêm trị!
ĂN CƠM CHÍN CHỨ KHÔNG THỂ NHAI GẠO SỐNG!
Báo Tuổi Trẻ cho biết : hôm nay 23/8, xe tải chở gas bị chặn, người giao gas bị xử phạt trong khi dân hỏi mua gas….Ông H. – giám đốc điều hành một hệ thống phân phối gas lớn ở TP.HCM – cho biết hàng chục cửa hàng của hệ thống này ở các quận huyện đều gặp khó trong việc giao gas sáng nay. Hơn 200 bình gas khách hàng gọi từ sớm nhưng không thể giao, trong khi khách hàng gọi liên tục, đến bữa trưa không có nấu nướng khi hết gas "
Tôi không hiểu khi không cho giao gas, phạt người chở gas thì người ta có biết rằng gas là mặt hàng không thể dự trữ, hết là không thể nấu ăn được? Khi ngăn giao gas, người ta có hiểu người dân ăn cơm chứ không thể nhai gạo, ăn cá, thịt đã chế biến chứ không thể ăn cá sống, thịt sống?
Dù trục trặc ở khâu nào, nhưng việc để xảy ra tình trạng như báo Tuổi Trẻ nêu ở thì thật đáng trách. Làm sao có thể " yên tâm " khi bộ máy có những bộ óc như vậy? Hết gas, chắc chắn nhiều gia đình hôm nay không thể nấu nướng!
Không lẽ việc quá đơn giản này mà tôi lại phải nhờ bạn tôi là bác sỹ Võ Xuân Sơn chuyển đề xuất với Bí thư Thành Ủy là không được chăn xe gas, không được ngăn giao gas như đã nhờ chuyển đến Bí thư kiến nghị xử lý tro cốt của người dân chết vì Covid?
VĂN TẢ CẢNH MÙNG MỘT TẾT CV
FB Kimthu Dam
Hôm nay em thức dậy trong bầu không khí êm đềm, tiếng chim kêu ríu rít to hơn mọi buổi sáng khác xuyên qua lớp cửa kính. Em ra balcon nhìn xuống sân, không nhìn thấy chú bộ đội nào như ba má em nói tối hôm qua. Ba nói "hôm nay các chú bộ đội chính thức giúp cho các gia đình ba bữa ăn. Các chú sẽ đem đồ ăn đến tận cửa nhà"
Sau khi tập vài động tác thể dục buổi sáng, cả nhà em chờ chú bộ đội đến mua đồ ăn sáng. Đến 10 giờ sáng, bác tổ trưởng nhắn tin chung cư nhà mình sẽ không có chú bộ đội mua đồ ăn hay đi chợ dùm. Lúc đó mẹ em hét kêu em lấy cơm nguội từ tủ lạnh ra để rang. Ba em lật đật dọn bàn và chuẩn bị pha cà phê vì sợ mẹ em nổi giận. Ăn sáng xong, mẹ kêu em lấy giấy nháp ra viết bài văn để nộp cho cô. Em phải đánh bài văn và gửi mail cho cô.
Đến 12 giờ trưa, nhà em vẫn chờ đợi chú bộ đội đem rau tới. Thế nhưng bác tổ trưởng lại nhắn tin là các gia đình ai muốn mua thức ăn thì nhắn tin cho cô chú ngoài cửa hàng ở đầu cổng chung cư những món cần mua và nói rõ là trả tiền hay trả bằng thẻ để chú ở cửa hàng đem đến sảnh giao hàng. Vì vậy mà mẹ em cằn nhằn ghê lắm nói là đã hết tiền rồi. Nói vậy thôi chứ mẹ em cũng mua thêm rau, bánh mì ăn sáng với sữa cho em bé. Lúc này mẹ em hay nóng giận cho nên cả nhà đều rất sợ!
Em mong chú bộ đội giữ lời hứa đem đồ ăn phát cho nhà em để ba mẹ khỏi tốn tiền. Ba em bây giờ không chạy xe ôm được và mẹ cũng không đi lau dọn nhà mướn cho người khác nên em chỉ ao ước vậy thôi.
MỪNG ĐƯỢC RỒI…
Hôm qua trên mạng XH người có lời mừng đầu tiên việc vaccine Nanocovax của VN được Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế thông qua là tiến sĩ Lê Kiên Thành.
Trước đó TS.Thành, con trai của TBT Lê Duẩn tuyên bố, tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax này.
Ngay sau thông báo của TS.Thành, tràn ngập mạng XH với các "tit" "Tin vui nhất trong ngày" về sự kiện trên.
Gã không vội đưa tin mừng này vì chờ tin nhắn chính thức của luật gia Nguyễn Thị Sơn, người có uy tín để công bố những gì liên quan đến vaccine Nanocovax, do công ty Nanogen nghiên cứu vaccine Nanocovax là công ty liên quan đến gia đình chị. Bản thân chị Sơn là doanh nhân nổi tiếng nên chị đủ kinh nghiệm để phát ngôn thận trọng.
Và ít phút qua, gã đã nhận được tin nhắn của chị Sơn.
"Mừng được rồi anh Văn ạ. Đúng theo quy trình cấp phép khẩn cấp và mong muốn của lãnh đạo và người dân.
1. CT Nước nói: Dân chết nhiều quá, phải sớm có vaccine VN để chủ động.
2. Thủ tướng nói: Dỡ bỏ mọi rào cản về thủ tục hành chính để cấp phép khẩn cấp nhưng phải tuyệt đối tôn trọng về chuyên môn của Bộ Y tế.
3. Đã có nghị quyết của Quốc Hội, Nghị quyết của chính phủ và thông tư hướng dẫn xin cấp phép khẩn cấp. Tức là đảm bảo hành lang pháp lý.
4. Bộ Y tế tôn trọng đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng của Hội đồng Đạo đức.
5. Hôm qua Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế đã thông qua kết quả của giai đoạn 3a và đã đề nghị cấp phép khẩn cấp. Hội đồng sẽ tiếp tục đánh gía giai đoạn 3b như các loại vaccine được cấp phép khẩn cấp.
Gã nhắn lại chị Sơn:
Chúc mừng chị và Hồ Nhân cùng chúc mừng Dân mình. Bà con mình được chích vaccine của mình sản xuất thích hợp thể trạng Dân mình, sẽ chủ động hơn trong việc đẩy lùi dịch.
BÁO CHÍ TỰ ĐÌNH BẢN VÌ COVID-19
Báo Thanh Niên số ra hôm nay, có Thư Tổng Biên tập thông báo đình bản từ ngày 23/8 cho đến 15/9, vì dịch bệnh quá căng thẳng. Một trong những tờ nhật báo lớn nhất Việt Nam cũng thúc thủ trước đại họa virus corona. Cũng may, báo Thanh Niên còn có trang điện tử để tương tác với bạn đọc.
Một diễn biến khác, tờ báo bán chạy trên thị trường là Tuổi Trẻ & Đời Sống cũng đành tự đình bản, sau số báo ra ngày thứ hai 23/8. Lý do, Covid-19 đã làm đứt gãy hệ thống phát hành.
Ngoài các tạp chí không mạnh về tài chính đã co cụm từ lâu, thì ngay trong mùa dịch cũng khiến ấn phẩm Đầu Tư Tài Chính của báo Sài Gòn Giải Phóng phải tự đình bản hai lần. Năm ngoái, khi giãn cách xã hội toàn quốc, Đầu Tư Tài Chính đình bản 2 số. Năm nay, khi TPHCM bước vào phong tỏa toàn đô thị, Đầu Tư Tài Chính lại đình bản 2 số.
Thời Covid-19, chỉ có phóng viên mảng y tế tha hồ đưa tin, còn các phóng viên khác phải ngậm ngùi "ai đâu ở yên đó".
Liệu virus corona có phải là phát súng ân huệ để kết liễu báo in tại nước ta chăng? Càng nghĩ càng thấy lo. Thôi, để "chờ đêm không cấm, chờ sáng thênh thang", thì mình chỉ biết trùm mềm ngủ cho qua chuỗi ngày gian khó "hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi".
‘TÔI LÀ F0’ – TRẢI NGHIỆM CỦA MỘT NGƯỜI BỆNH VỪA ‘CHẠM’ LẰN RANH SINH TỬ
TTO – Chị Đỗ Kim đã trải qua quá trình nhiễm bệnh kéo dài đầy mệt mỏi, có lúc phổi trắng xóa, khó thở tưởng chừng gục ngã, nhưng chị đã vượt qua được lưỡi hái tử thần.
Bệnh viện dã chiến số 8, khu người ở cách ly – Ảnh: ĐỖ KIM
Dưới đây là câu chuyện của chị.
Không mất mùi vẫn bị COVID-19
Trước ngày 9-7, khi TP.HCM có đợt giãn cách đầu tiên, tôi đã đi mua ít Panadol, vitamin C dự trữ và ra siêu thị mua thực phẩm. Sau đó, tôi không hề ra khỏi nhà.
Đến 16-7, tôi hơi bị sốt, nên tối uống một viên Panadol rồi đi ngủ. 17-7, tôi uống tiếp ba viên Panadol và hai viên vitamin C, thấy êm. Tối 18-7, tôi thấy đau rát họng dữ dội. Và đến sáng 19-7, tôi nhắn cho bạn làm bác sĩ tai mũi họng. Bạn nghĩ tôi bị viêm họng cấp nên đề nghị tôi uống bảy ngày thuốc: Augmentine 1g 14v, 1v×2. Medrol 8mg 3v, 1v sáng. Alpha choy 30v, 2v×3. Panadol 500mg 6v, 1v×2. Một người bạn đi mua thuốc giúp tôi.
Các bạn khác khuyên tôi nên ăn thức ăn dễ tiêu, như nấu cháo trắng với hành. Tôi xông được một lần, xông xong thấy khỏe hẳn ra, nhưng làm một mình lười, không xông nữa. Sáng nào tôi cũng nấu gừng, cho thêm chanh, mật ong vào uống.
Sau năm ngày uống kháng sinh, ăn cháo, tôi mệt lả người, không còn hơi sức. Lúc đó, con trai nấu canh thịt ức gà, canh thịt bò cho tôi húp. Ráng húp thôi, chứ tôi cảm thấy rất mệt. Tuy nhiên, tôi không bị mất mùi, mất vị, vì thế tôi nghĩ mình không bị nhiễm COVID.
Xong bảy ngày kháng sinh là 25-7, tôi cảm thấy người rất mệt. Họng đã hết đau hoàn toàn, nhưng tôi lại bị tiêu chảy, nên một bạn bác sĩ khác cho tôi thuốc trị tiêu chảy. Tôi vẫn sốt nhẹ, và bắt đầu ho nhiều, nên mệt, khó thở, hai bàn tay tím đen.
Sáng 28-7 (sau 12 ngày bệnh), tôi đã bớt ho, đi vệ sinh bình thường, sốt nhẹ và vẫn khó thở. Bạn bác sĩ khuyên tôi nên vào bệnh viện xét nghiệm.
Tuy nhiên, lúc đó việc vào bệnh viện đã khó khăn. Con trai tôi nói chuyện với anh bạn là bác sĩ trong Bệnh viện 30-4, cậu ấy cũng khuyên nên đưa tôi vào bệnh viện ngay. Nhưng tôi và con trai không tìm được bệnh viện để vào.
Sang ngày thứ 13 (29-7), cậu bạn bác sĩ cho con trai tôi mượn thiết bị đo SpO2 để đo cho tôi, chỉ số SpO2 của tôi là 88, tôi rất mệt và khó thở. Đột nhiên, cậu ấy điện thoại cho con trai tôi: "Lên bệnh viện gấp, vì có giường trống, lên ngay, không cần mang gì cả, đồ đạc chuyển sau".
12h trưa, con trai chở tôi đến Bệnh viện 30-4, bảo vệ không cho vào, phải có bảo hiểm tại bệnh viện mới được vào. Ngay lúc đó trời lại mưa to, tôi tựa người vào tường cổng bệnh viện, đứng không vững. Cậu bạn bác sĩ phải chạy ra tận cổng nói bảo vệ cho vào khám sàng lọc.
Khai báo y tế xong, vào khu khám sàng lọc, họ đo SpO2 còn 76. Tôi mệt lả người, trong đầu không có một suy nghĩ gì cả. Nhân viên y tế đề nghị test, nếu dương tính mới được vào cấp cứu, nếu âm tính, vào sẽ rất nguy hiểm, vì trong đó toàn là người bệnh.
Test nhanh dương tính, lập tức nhân viên y tế đưa tôi vào khu cấp cứu.
Bước vào cửa tử
Xe đẩy đưa tôi vào phòng hồi sức – cấp cứu, lên giường nằm, và cho thở oxy ngay. Các nhân viên y tế đo huyết áp, lấy máu xét nghiệm, chụp X-quang phổi ngay tại giường. Vài tiếng sau tôi được chuyển sang phòng hai giường, WC trong phòng, chỉ có một giường có máy tạo oxy. Tôi thở oxy tại giường có gắn máy tạo oxy.
Ban đầu tôi không biết nên khi cần đi tiểu, tôi tháo dây thở oxy ra để vào WC. Mỗi khi như thế tôi cảm thấy choáng váng, muốn té và rất mệt.
Sang ngày thứ 15 kể từ ngày mắc bệnh (31-7), cậu bác sĩ bạn con trai vào thăm, thấy tôi tháo dây oxy ra, cậu ấy la quá chừng: "Cô không được tháo dây oxy ra, cô phải nằm suốt trên giường, tiêu tiện tại chỗ".
Lúc này, tôi không rời ống oxy nữa và rõ ràng, khi thở suốt như thế, tôi đỡ mệt hẳn, sức khỏe tăng lên rõ rệt.
Trong bệnh viện, sáng nào cũng kiểm tra đo huyết áp, đo chỉ số SpO2, chích vào bụng, vào ven tay, truyền dịch, pha Oresol uống cả ngày. Tối, bác sĩ khám lại lần nữa.
Bệnh viện phát cơm ăn ba bữa/ngày. Tôi cố gắng ăn đầy đủ, không bỏ bữa nào. Khẩu phần khá nhiều, đầy đủ chất bổ dưỡng.
Sức khỏe tôi tiến triển rõ rệt, dù vẫn còn mệt, hay bị lo âu, hồi hộp, tim đập mạnh. Khi khỏe một chút, tôi bắt đầu xoa bóp bàn tay, các ngón tay, vì nghe nói trên bàn tay có rất nhiều huyệt đạo liên quan đến nội tạng trong cơ thể. Ngày đầu tiên, xoa bóp bàn tay, tôi rất ngạc nhiên khi thấy bàn tay cứng ngắc, đụng vào rất đau, nhưng tôi vẫn kiên trì. Tôi vỗ hai bàn tay, tập thở, tập nằm sấp.
Đầu óc tôi không thể tập trung. Tôi khó ngủ, chỉ ngủ giấc ngủ ngắn.
Đến ngày 3-8, tôi ở bệnh viện được năm ngày, có thông báo, tôi và cô bạn cùng phòng phải chuyển sang Bệnh viện dã chiến số 8.
Xe cứu thương chở chúng tôi sang Bệnh viện dã chiến số 8. Đến bệnh viện dã chiến, vào khoa cấp cứu – hồi sức số 3, tôi được đưa ngay lên băng ca để tiếp tục thở oxy. Đây là hầm để xe của chung cư nên trần thấp, quạt để khắp nơi, nhưng vẫn nóng hầm hập. Tại đây, họ phát tã cho mọi người để mặc, tiêu tiện tại chỗ. Phát nước, giấy vệ sinh, cơm ba bữa, và nhiều sữa hộp để uống thêm. Điều dưỡng đo huyết áp, đo chỉ số SpO2 sáng và chiều. Tôi được truyền dịch, chích thuốc 1 lần, sau đó chỉ phát thuốc ho và vitamin C.
Tại đây, tôi thường không ngủ được một giấc dài, mỗi giấc ngủ chỉ 2 – 3 tiếng là dậy. Phần vì ồn ào, do những ca cấp cứu nặng, phần vì tiếng di chuyển bình oxy, đập ầm ầm xuống nền nhà, va vào nhau, nghe đinh tai nhức óc.
Tối 5-8, bác sĩ tháo ống thở oxy của tôi, đề nghị tôi thử không thở oxy nữa, đồng thời chuyển tôi sang nằm ghế bố, nhường băng ca cho người bệnh nặng.
Nơi ở của bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến khá sạch sẽ – Ảnh: ĐỖ KIM
Ra khỏi cửa tử
Trưa 6-8 (bước qua ngày thứ 21), tôi được chuyển lên phòng, nơi những người cách ly. Khi tôi đến, khoa chỉ có ba dãy băng ca và ghế bố cho người bệnh. Khi tôi đi, đã tăng lên năm dãy băng ca, ghế bố la liệt.
Phòng của người cách ly là những căn hộ chung cư cao tầng. Tôi ở tầng 16. Căn hộ tôi ở có hai phòng nhỏ, một phòng khách, một phòng bếp, hai WC. Ba người đàn ông đặt giường ngoài phòng khách, mở rộng cửa ra bancông, nên rất thoáng mát.
Tôi vào một phòng nhỏ ở một mình, có cửa sổ nhỏ. Bốn người sử dụng chung 1 WC. Mỗi người một ghế bố. Lên đây, xem như đã được lên một bậc thiên đường, bởi không phải đeo ống thở, được đi lại, không phải dính liền với băng ca, và được vào nhà vệ sinh tắm rửa thoải mái.
Ngày đầu mới lên phòng tôi rất yếu, đi muốn té, có lẽ do suốt tám ngày nằm trên giường nên chân yếu. Và tôi gặp một điều lo lắng mới. Trong người tôi dường như virus đã hút cạn kiệt năng lượng dự trữ nên ăn cơm xong, 2 – 3 giờ sau tôi đã đói lả người, hoa cả mắt.
Dưới cấp cứu, tôi được phát sữa để uống thêm. Còn trên đây chỉ có ba bữa cơm, mà thường trễ và ít hơn, chất lượng không bằng. Những người đi cách ly từ nhà, hầu hết đều thủ sẵn một ít thực phẩm, chỉ có mình tôi đi vào cấp cứu nên không mang gì cả.
Khi bạn gửi đồ vào có dầu gội đầu, tôi mới được gội đầu sau 20 ngày chưa gội, vì lúc bị bệnh ở nhà, tôi chỉ nằm không gội đầu được. Xin ít xà bông của hai cậu thanh niên, tôi giặt hai bộ quần áo để thay đổi. Tôi cảm thấy được bước lên thêm một nấc thiên đường nữa…
Mỗi ngày tôi bắt đầu tập vài động tác thể dục, tập đi bộ. Ở nhà tôi tập mỗi ngày 1.800 cái vẫy tay trong 30 phút. Tập vài động tác thể dục. Ăn xong mỗi bữa, tôi đều đi bộ nhẹ nhàng 10 – 15 phút.
Mỗi ngày tôi cố gắng tập tăng lên một chút và cảm thấy sức khỏe cũng tăng theo. Tuy nhiên, tôi vẫn không ngủ được nhiều, sáng nào cũng 2h đã dậy, ráng nằm thêm, đến 4h là tỉnh luôn. Nằm ghế bố, không thẳng người, nên cổ lúc nào cũng đau.
Đến 11-8, tôi đến bệnh viện dã chiến được 8 ngày, tôi được test. Ngày hôm sau, 12-8, tôi được thông báo cho về nhà, sau gần 1 tháng tôi bị bệnh, mừng hết lớn!
Một vài điều tôi đã làm đúng
– Khi vào bệnh viện, tôi không bỏ một bữa ăn nào.
– Tập vỗ tay, xoa bóp bàn tay, ngón tay.
– Tập thở, nằm sấp, tập mọi thứ để mau hồi phục. Mấy ngày trước khi tôi nhập viện cấp cứu, tối tôi ngủ, hơi thở rất nặng nề, phát tiếng rất to như tiếng người kêu rên vì bị nghẹn không thở được (con trai tôi kể lại). Khi nằm cấp cứu, tôi đã nghe những tiếng thở như thế và không ngờ chính tôi cũng đã vậy. Phim phổi của tôi trắng xóa từ cuống phổi.
Sau khi tôi nhập viện một ngày, bệnh viện có kêu con trai tôi lên để ký giấy cam kết, bởi tình trạng tôi khá nặng, tỉ lệ sống là 50%, và bệnh viện không biết được tôi có hồi phục được hay không.
Khi tôi đến bệnh viện, máy tạo oxy HFNC mới được tài trợ đem đến, lắp ráp trước đó vài phút. Nghĩa là, tôi hồi phục được nhờ gặp nhiều may mắn, nhiều sự giúp đỡ và ý chí cố gắng của tôi.
Tuy nhiên, không phải ai nhiễm cũng đều bị nặng như tôi. Vì thế, quan trọng là mỗi người hãy cố gắng giữ bản thân được khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt bằng cách ăn, ngủ thật tốt. Như thế, dù nhiễm bệnh cũng dễ dàng lướt qua, đừng lo lắng, sợ COVID thái quá.
Những sai lầm nên tránh
* Sai lầm đầu tiên là khi bệnh ở nhà, tôi chỉ xông có một lần, rồi lười không xông nữa.
* Sai lầm thứ hai, tôi ăn cháo loãng, không đủ sức để tôi chống lại virus.
* Sai lầm thứ ba, tôi không nghĩ mình bị COVID vì không bị mất mùi, mất vị, tôi không hề biết đến chỉ số SpO2.
ĐỖ KIM
TÌM MUA BỈM CHO BỆNH NHÂN BV DÃ CHIẾN (*)
Sáng chủ nhật, khẩu trang đã về đủ, chờ gửi đi. Con số người nhiễm bệnh lớn quá, thương dân mình. Mọi vấn đề của từng cá nhân đều trở nên nhỏ bé trước tồn vong của dân tộc, trước tính mạng của đồng bào mình.
Tôi đang tìm mua bỉm người lớn caryn size lớn cho tiện sử dụng, nếu nguồn cung tại miền nam có được là tốt nhất. Rất mong mọi người hỗ trợ cho tôi xin contact của đơn vị nào có thể cấp lượng hàng này giá rẻ nhất, nhanh nhất.
Hiện nay tại các Bệnh viện dã chiến, nơi bệnh nhân nặng dồn về là Trung tâm hồi sức cấp cứu của các bệnh viện, hầu như ai cũng phải dùng bỉm. Bệnh nhân đều nặng phải úp ống thở nên dĩ nhiên mặc bỉm. Các y bác sĩ đối diện lây nhiễm trực tiếp nên mặc kín đồ bảo hộ, để tránh lây nhiễm nên suốt ca trực thì không được cởi ra, thế nên giải pháp cũng lại là mặc bỉm… Bệnh nhân thì chuyển viện nhiều, mất dấu người nhà để mà cung ứng vật tư chăm sóc, nên bệnh viện phải lo hết, cung cấp và phục vụ hết. Y Bác sĩ và nhân viên tiếp xúc trực tiếp thì bệnh viện lo không xuể vì chi phí và hoạt động được Nhà nước khoán thành package cho các bệnh viện tự lo nên dĩ nhiên không đủ và không kịp vì quá nhiều việc phải lo.
Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách. Nếu không giúp dân bây giờ thì khi nào?! Tôi biết ơn người dân và tổ quốc tôi, tôi đau nỗi đau đồng loại. Nên tôi muốn tiếp tục làm gì đó cho dân mình, đồng bào mình.
Bất kỳ ai muốn chung tay, tôi xin cảm ơn và đón nhận. Còn tự bản thân tôi, tôi muốn đặt mua 100tr tiền bỉm để tặng các bệnh viện dã chiến đang chiến đấu tại miền Nam thân yêu.
P/S: còn sống còn hy vọng, mọi người hãy lạc quan lên nhé, bởi dũng cảm bình tĩnh đối mặt với khó khăn là lựa chọn tốt nhất và duy nhất. Tôi ổn, bạn ổn, và chúng ta sẽ ổn. Vì hoa vẫn nở, hy vọng vẫn tràn đầy./.
(*) Nhan đề của Văn Việt.
GHI CHÚ NHỮNG NGÀY CẤM CỬA
1.
Con covid cắn mọi nẻo đường và đẻ ra những hàng rào kẽm gai
Con covid cắn em và anh làm ung nhọt mọi khoảng trống
Con covid cắn vào khoảng trống và lấp đầy bằng những người đeo băng đỏ
Con covid loăng quăng cắn vào đất tạo ra những vùng đỏ vùng xanh
Con covid cắn vào vùng xanh tạo ra những nhà tù
Con covid cắn vào vùng đỏ làm ra những thây ma
Con covid la cà lây nhiễm sự bất nhất
Con covid thân mật
Sao chúng ta lại hoang mang?
(Ngày cấm cửa thứ nhất 23/8/2021)
CA DAO DÂN GIAN MỚI THỜI DỊCH BỆNH
(Sưu tầm trên mạng)
Theo FB Hà Thanh Vân
1. Ai đưa con sáo sang sông
Gặp chốt kiểm dịch, mất công bay về
2. Cò về thăm quán cùng quê
Giãn cách xã hội chẳng về được đâu
3. Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Nghĩ về cô vít, ruột đau chín chiều
4. Thân em như thể cánh bèo
Ngược xuôi xuôi ngược theo chiều cách ly
5. Khắp nơi con cháu ba kỳ
Đứa thì F1, đứa thì F0
6. Con ơi nhớ lấy câu này:
Khai giảng chưa biết là ngày nào đâu
7. Cái ngủ mày ngủ cho sâu
Mẹ mày dương tính, còn lâu mới về
8. Dù ai buôn bán trăm nghề
Hàng không thiết yếu đừng bê ra đường
9. Chồng em áo rách em thương
Khẩu trang không có em tương vỡ mồm
10. Thân em như cánh chuồn chuồn
Sáng vui bay lượn, chiều buồn cách ly
11. Người đâu gặp gỡ làm chi
Người về dương tính, cách ly cả phường
12. Hỡi cô tát nước bên đàng
Làm ơn lấy cái khẩu trang đeo vào
13. Đèo cao thì mặc đèo cao
Em nhờ ông ngoại được vào tiêm ngay
14. Trông trời trông đất trông mây
Trông sao cho hết những ngày cô vi
NGÀY 23…
Làm mình nhớ đến câu trong bài hát:" Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến….".
SaiGon đã gần 3 tháng thực hiện chỉ thị giãn cách từ nhẹ cho đến siết chặt, nhưng số ca nhiễm vẫn tăng, bệnh viện công & tư, cộng thêm xây mới một số bệnh viện dã chiến, vẫn quá tải?!! Để hôm nay, bắt đầu 2 tuần siết chặt hơn với sự tham gia của lực lượng quân đội, lần đầu tiên sau 1975 SaiGon vắng lặng hơn một cách lạ thường. Mong rằng sau 2 tuần quyết định này SaiGon dần trở lại nhịp sống nhộn nhịp như trước đây.
Thương đội ngũ Y BÁC SỸ đã mấy tháng không về nhà, thương những người dân lao động kiếm ăn hằng ngày!!!
SaiGon – Aug 23, 2021
Minh Hoà Photography
Instagram: minhhoaphoto
TRANH Điều Nhỏ Xíu Xiu
Dấu ba chấm kia để dành cho mọi người đó
TRANH Tuổi Trẻ Cười
Sấp mặt trả vốn lãi vay ngân hàng trong mùa dịch
TRANH Tuổi Trẻ Cười
Vì sao thành phố có mưa đá?