Thriller Bờ Bên Kia (kỳ 14)

Lưu Thủy Hương

Chương 14: Phần tận

Cơn ớn lạnh kéo đến giữa đêm làm tôi tỉnh giấc, người vã mồ hôi. Tôi trở mình, mấy cái lò xo cũ kỹ bên dưới kêu lên kẽo kẹt. Hơi lạnh tràn qua lớp áo khoác. Hơi lạnh làm khớp cổ chân tôi đau thốn. Tiếng gió hồ dương thụ xao xác ngoài xa. Tiếng côn trùng rỉ rả trên đồng thục quỳ. Tiếng mưa rưng rưng những chùm hoa thủy thảo. Đây là đâu? Tôi lập cập ngồi dậy, bàng hoàng tự hỏi. Giấc ngủ đã kéo tôi trở về chốn cũ hay ý thức đang giục giã tôi đi.

Háng tôi đau thốn. Bàn tay tôi sờ lên háng, bỗng rồi giật mình. Ở đó trồi lên một cục dữ tợn. Nó vẫn còn nằm đó, giữa lớp giấy ẩm – một cái cọc nhọn.

Năm tôi lên sáu tuổi, trong một lần trèo qua hàng rào một khu vườn hoang để hái trộm táo, tôi bị rơi xuống cái cọc nhọn. Nó đâm vào háng, treo tôi lơ lửng bên hàng rào. Cơn đau khủng khiếp làm tôi không nói được, không cử động được, chỉ nằm vắt qua bụi cây và rú lên từng chập. Tôi nằm đó, máu ứa ra bên dưới, người lịm dần đi dưới ánh nắng ban trưa. Mãi đến chiều tối một người dẫn chó đi dạo mới phát hiện ra tôi. Mà cũng là nhờ con chó giật dây sủa oắng lên, nếu không thì người đàn ông đó cũng không nhìn thấy được. Nơi tôi nằm chìm trong lùm cây dẻ gai rất rậm rạp. Thật ra tiếng sủa của con chó từ xa đã khuấy động một vùng ý thức đã tê liệt của tôi, nhưng cổ họng tôi lúc đó khô quắt lại, chỉ có những tiếng khò khè thoát ra khỏi đôi môi nứt nẻ. Khi người ta phá được hàng rào, lôi tôi ra thì miệng tôi đã co cứng. Những mũi thuốc tiêm làm cái háng nóng như hòn lửa biến mất, đầu óc của tôi cũng biến mất, chỉ còn lại một ngón tay. Cái ngón tay trỏ bên phải tìm cách viết tên Moni lên mặt đất. Điều đó làm những người trong đội cấp cứu kinh ngạc.

“Mẹ em? Đó là tên mẹ em, đúng không?”

Họ gào lên bên tai tôi. Họ nhồi lên ngực tôi.

“Đừng bỏ cuộc. Chú bé, đừng bỏ cuộc.”

Tôi không thể trả lời họ, thân thể tôi đã chìm vào khối băng lạnh ngắt. Đầu óc tôi đã chết cóng. Chỉ có ngón tay tôi tiếp tục viết tên Moni lên mặt băng ca. Viết mãi tên Moni. Viết mãi. Viết mãi. Moni.

Moni.

Tiếng còi xe cấp cứu dồn dập xa dần. Ò e. Ò e… “Tim ngừng đập.” “Máy trợ tim.” “Tĩnh mạch dưới đòn…” Tiếng người thảng thốt xa dần. “Đưa điện cực vào…” Chiếc bóng của tôi biến mất vào bóng đêm. Mất hút. Cho đến một khi nào đó, từ trong màn sương tăm tối lãng đãng tiếng gọi của Moni. Và một bàn tay gân guốc nắm chặt lấy tay tôi, cố sức kéo tôi ra khỏi tảng băng đông cứng. “Mẹ đây. Mẹ đã đến rồi đây. Hãy trở về. Con có nghe không? Hãy trở về.” Tiếng gọi của Moni như cơn bão thổi bùng lên những ngọn đuốc trong sương mù. Con đường mờ mịt bóng đêm bỗng cháy sáng. Tôi đưa ngón tay của mình lên, nó hiện dần ra mông lung yếu ớt. Ngón tay tôi chạm vào vùng ánh sáng, và tôi viết lên làn da Moni chữ “mẹ ơi”.

Qua một khoảng thời gian rất lâu tôi vẫn không xác định được điều gì đã xảy ra. Ý thức đang giằng co với sự hồi phục trí nhớ. Ở một chốn tận cùng mơ hồ nào đó, hình ảnh kinh hoàng đang vật vã trồi lên. Khối lửa nóng bỏng trên háng. Người đàn bà tôi yêu thương với con dao nhọn cắm sâu vào ngực trái. Tôi không đủ can đảm mở mắt ra. Kỷ niệm ghê rợn mà ký ức của tôi giam giữ trong chỗ tối tăm sâu thẳm nhất là cái bóng ma quỷ quyệt. Bóng ma đó đã bò qua cánh cửa tâm thức, trong một đêm tôi quên khóa cánh cửa, và nó đã thực hiện hành vi giết người. Kẻ nào thì thầm điều đó bên tai tôi. Khi ngủ say, người ta bỏ ngỏ cánh cửa tâm thức, để cho những kỷ niệm bò ra. Henri Bergson? Không, đó là Moni. “Robert, con biết gì về Henri Bergson? Hãy đọc cuốn sách này.” Le Rêve. Giấc mơ giấc mơ giấc mơ… L’Energie spirituelle. Năng lượng tâm linh tâm linh tâm linh…

Giọng nói ma quỷ của Bergson: “Robert, quá khứ là phần hiện tại bị bỏ rơi.” Và nó vẫn tìm cách quay về. Tiếng thở dài vang lên bên khung cửa, não nề một đêm mưa. Tôi gạt bàn tay lên gò má đẫm nước, loạng choạng đứng dậy. Nỗi khao khát từ ban chiều giờ lại lần mò tìm đến. “Mẹ, đó là cách duy nhất để tự cứu lấy mình.” Tôi nắm lấy cán dao cà chua, nức nở thì thầm.

Tiếng thở đều đặn của người đàn bà vọng ra từ một căn phòng nào đó. Tôi theo tiếng thở lần mò đi trong bóng tối. Đi trong bóng tối là thói quen của tôi. Nó không dễ dàng mà cũng không mấy khó khăn, cứ như một người mù đi dưới ánh sáng. Cánh cửa phòng ngủ chỉ khép hờ. Bên ngoài trời đã thôi mưa, ánh trăng vàng mỏng manh xuyên qua lớp màn cửa, thả bóng trên chiếc giường đôi to kệch cỡm. Tôi đứng sững bên khung cửa. Đó là cái giường của một kẻ xa lạ nào đó. Tôi nhắm tịt mắt lại, cái giường rộng thênh thang như mặt hồ. Mẹ kiếp, đó là cái giường của bọn điếm. Dĩ nhiên bọn gái điếm phải cần tới mấy cái giường rộng, tôi nắm chặt cán dao cố nghĩ thật độc ác. Nhất định phải đồng hành với sự độc ác thì mới đủ khả năng hành động.

Anni nằm kê đầu trên gối cao, dường như cô ấy bị hen suyễn. Tiếng thở khò khè vang lên dị thường. Sống suốt mùa đông trong căn phòng không lò sưởi, mà không hen suyễn thì mới lạ đời. Tấm mền bông dày kéo lên tới cằm. Cái đầu ló ra như bắp cải có gắn quả cà chua. Cô ta đã bôi son khi đi ngủ. Chắc cô ta nghĩ là tôi sẽ mò sang và sợ tôi nhìn thấy khuôn mặt không son phấn. Nếu không có son phấn, Anni sẽ rất xấu xí. Bộ mặt cô ta quá tàn tạ với hàng lông mi lưa thưa nhạt thếch, với làn da bèo nhèo chảy xệ, đôi môi bợt nhợt. Và hơn hết, ánh mắt của cô ta vô hồn trống rỗng.

Moni không bao giờ trang điểm. Bất kỳ thứ son phấn nào cũng bị vẻ tự tin và lãnh đãm của Moni triệt tiêu. Khuôn mặt Moni nhiều lần hiện ra trong bóng đêm rõ ràng đến độ tôi có thể thử vẽ lên đó một đôi môi đỏ, một viền mắt đen. Nhưng những thứ vẽ vời đều biến mất ngay sau đó và chỉ còn một khuôn mặt mộc kiêu hãnh dưới ánh trăng thanh.

Tôi tiến lên một bước, cúi xuống nhìn sững khuôn mặt xa lạ của một con người, mồ hôi lại túa ra hai bên nách áo. Thân hình cô ta chìm dưới đống mền bông. Tôi không cần kéo mền cô ta xuống. Hàng ngàn giấc mơ đã qua không bao giờ sai sót. Bộ ngực to nhão của người đàn bà hiện ra bên dưới. Tôi luôn biết rõ chỗ mình phải đâm vào.

Bàn tay tôi rờ lên háng, ở đó có một vết thẹo rất sâu. Cán con dao thọc đúng lên vết thẹo. Hãy nghĩ đến người đàn bà đó, nó như cái cọc nhọn ngáng ngay hàng rào, và nó sẽ đâm vô háng những kẻ muốn trèo qua. Tôi cố trấn tĩnh mình, nhưng bàn tay vẫn tướp mồ hôi, động tác rút dao ra luộm thuộm không như kịch bản. Lớp giấy báo ẩm đã mủn ra, dính thành nùi trên lớp răng cưa. Tôi luống cuống gỡ bỏ chỗ giấy nát, luống cuống chùi lưỡi dao lên quần. Chẳng biết tôi mất bao nhiêu thời gian để làm cái công việc dư thừa ngoài kịch bản đó.

Khi tôi đưa con dao sáng loáng đưa lên, ánh trăng vằng vặc đã tràn vào phòng từ bao giờ. Bàn tay tôi cắt ngang ánh trăng, như trên phim trường, hoạt cảnh bắt đầu khởi động. Một chiếc bóng đen đột ngột hiện ra trên màn hình. Chiếc bóng đen to lớn cùng với con dao nhọn dài như cái cổ cò. Tôi hoảng hốt lùi lại. Chiếc bóng đen trên tường chồm lên hung hãn. Tôi hét lên. Ánh sáng phim trường phụt tắt. Chiếc bóng đen biến mất vào bóng đen. Bên ngoài khung cửa sổ, trời vẫn mây mù vần vũ. Le rêve. Giấc mơ. Giấc mơ… Giấc mơ thực sự đã quay trở lại sau nhiều năm bị chôn vùi. Bóng ma quỷ quyệt đó đã đi qua được cánh cửa tâm thức và tái diễn lại quá khứ. Trong vùng hiện tại suy tưởng của tôi không bao giờ có bóng con người đó, bao giờ tôi cũng chỉ hành động có một mình. Gã đàn ông đen thui trên tường kia là ai?

Con dao rơi xuống sàn nhà kêu lên một tiếng khô khốc. Tôi hoảng hốt gào lên.

“Im. Im ngay.” Tiếng người đàn bà la lên giận dữ.

“Mẹ. Mẹ đánh con đi.” Tôi sợ hãi lắp bắp.

“Im. Im ngay.”

Một bàn tay bịt lên miệng tôi, cố kéo tôi xuống giường. Tôi quay mình lại, tìm cách bỏ chạy. Người đàn bà trên giường chồm đứng dậy, ngực cô ta áp vào vai tôi, cả hai tay đưa ra trước bịt miệng tôi.

“Xin đừng. Xin anh đừng la to. Cảnh sát đến ngay.”

Tôi vẫn kêu rú lên, hơi thở muốn thoát khỏi buồng phổi không sao kiềm hãm được. Người đàn bà túm lấy vai tôi. Cái chân đau trượt đi trên nền gỗ, tôi ngã ập xuống giường. Cô ta chồm lên rất nhanh, nằm vắt lên người tôi. Bàn tay đầy đặn chặn ngang miệng làm tôi không thở được. Cả bộ ngực lớn đè lên lá phổi căng đầy, ép làn hơi trào lên ục ục. Nước mắt tôi chảy ra giàn giụa. Tôi rên rỉ khóc yếu ớt.

“Im. Không khóc nữa.”

“Anni.” Bỗng nhiên tôi nhớ được tên cô ta.

Anni thả lỏng tay ra, nhưng tấm thân to béo vẫn cỡi trên người tôi.

“Anni.” Tôi lại sụt sịt khóc. “Nhờ cô tìm cho tôi con dao rớt trên sàn nhà.”

“Anh cần con dao để làm gì?”

“Tôi muốn có con dao.”

“Không.”

“Mẹ. Con muốn có con dao.” Tôi gào lên tuyệt vọng.

“Không.”

Cô ta nói và thúc đầu gối lên háng tôi. Vết thương cũ đau buốt như bị cả cây cọc đâm vô. Sự giận dữ ngùn ngụt tràn tới. Con đàn bà này chính là cây cọc nhọn. Tôi vùng dậy hất một cái, cô ta văng ra. Hóa ra khi giận dữ người ta có thể thoát khỏi giấc mơ và trở lại mạnh mẽ. Tôi lao xuống sàn.

Con dao nằm đó, sáng long lanh. Tôi vồ lấy nó trước khi Anni lao cả thân hình đồ sộ lên người tôi.

Tôi với Anni vật nhau trên sàn như hai con chó nhỏ. Trò chơi làm tôi khoái chí. Bàn tay tôi giữ chặt con dao, nhiều lần đưa cao lên nhưng không sao đâm xuống được. Thật ra là tôi không tìm được đúng chỗ đâm. Trong giấc mơ tay chân con người cứ vụng về, tôi bực bội nghĩ vậy và lại cố vùng vẫy. Anni cắn một cái lên bả vai tôi, tuy không đau lắm nhưng cũng đủ làm tôi mất tự chủ. Cô ta bồi thêm một cú đấm vào má trái tôi rồi trườn cả thân hình to béo lên. Bộ ngực cô đè lên ngực tôi, bàn tay chặn cứng lên cổ tay cầm dao của tôi.

“Nằm im.”

“Tao sẽ giết chết mày.” Tôi buột miệng nói, bỗng khoái trá, bỗng thấy nhẹ nhõm trong lòng.

“Cảnh sát sẽ tìm ra anh.”

“Tao sẽ giết mày như một con chó.” Tôi hân hoan lặp lại lời nói. Hóa ra suy nghĩ chôn kín trong lòng từ bao lâu nay lại có thể dễ dàng tuôn ra như vậy.

“Cảnh sát sẽ tìm ra anh.” Anni thì thầm. “Tôi đã bỏ cái bao tay của anh vào thùng thư.”

“Hả?”

“Cảnh sát sẽ tìm ra hai cái bao tay của anh trong hai thùng thư.”

“Cái gì? Bao tay nào? Thùng thư nào?” Tôi ngẩn ngơ hỏi, chẳng hiểu Anni chơi trò gì.

“Ở quanh đây có hơn mười thùng thư. Tôi bỏ hai cái bao tay vào hai thùng thư khác nhau. Anh đừng hòng tìm ra chúng.”

Tôi nghĩ đến đoạn đường Anni dẫn tôi đi lòng vòng trước khi đến đây. Con đàn bà này thật lắm thủ đoạn. Cảm xúc ban chiều đột ngột quay trở lại làm con tim tôi tê cứng. Con tim đã ngừng đập từ mùa hè lên sáu và không ngừng thối rữa, từ đó bốc ra một thứ mùi ghê rợn, một thứ ham muốn kinh tởm. Như ma quỷ. Như Moni.

“Cô có biết vì sao Moni chết không?”

“Không.” Tiếng Anni vang lên ngạc nhiên.

“Moni không tự nhiên mà chết. Không ai đi ra hồ ban đêm để trượt chân ngã xuống nước. Moni lại bơi rất giỏi. Không ai cầm dao đi trong bóng đêm để lỡ tay đâm vào ngực. Moni là tiến sĩ y khoa. Dĩ nhiên bà ấy phải biết con dao là thứ nguy hiểm.” Lời nói cứ tuôn ra như nước ứ trong bụng, thật là dễ chịu. Tôi lại khoan khoái nói tiếp:

“Moni có một con tim bị hoại tử. Bà ấy không thể tiếp tục sống trong đau đớn. Khi con tim bắt đầu ngừng đập thì nó sẽ thối rữa.”

“Nhảm nhí.” Anni độc ác cắt ngang lời tôi. “Khi con tim ngừng đập, người ta chết ngay lập tức. Không ai có thể sống với con tim ngừng đập. Anh đừng hòng giở trò. Cảnh sát sẽ tìm ra hai cái bao tay và hàng đống dấu vết của anh trong căn phòng này.”

“Cục cứt. Cô có biết cái đau đớn của con tim hoại tử không? Khi con tim thối rữa gây đau đớn thì người ta chỉ ham muốn có một điều.”

“Khi con tim thối rữa thì người ta đã chết ngắt từ lâu. Loại người điên loạn như anh tôi gặp hàng đêm, đừng hòng bắt tôi nghe những điều nhảm nhí đó. Ba vụ giết người trong một tháng, làm cả khu vực này náo loạn lên. Dĩ nhiên là chúng tôi có cách tự đề phòng.”

“Anni.” Tôi đau khổ đổi giọng ngọt ngào. “Xin cô giúp tôi chuyện này.”

“Chuyện gì? Tối hôm qua tôi đã thu âm giọng nói của anh và gửi nó cho mấy đứa bạn.” Anni vẫn tiếp tục báng bổ. Hơi thở giận dữ phì phò phả lên mặt tôi nóng hổi. “Mỗi buổi sáng chúng tôi đều gõ cửa phòng nhau. Nếu tôi không lên tiếng, họ sẽ gọi cảnh sát. Nếu cảnh sát nhìn thấy tôi nằm chết ở đây…”

“Nếu con nhìn thấy mẹ nằm chết ở đây…” Moni nói câu này vào một ngày hè ở Na Uy. Mùa hè nào chúng tôi cũng sang Na Uy hay Thụy Diển vì Moni không thích không khí nóng bức ồn ào của miền Nam. Cha nuôi tôi không bao giờ đi cùng. Ông ấy có những ngày hè ấm áp riêng tư với cô nhân tình trẻ. Tôi theo Moni lên miền Bắc Âu, ngồi hàng giờ trên gềnh đá câu cá, học cách kiên nhẫn chờ đợi. Đó là công việc nhàm chán và tra tấn thần kinh khủng khiếp, nó ám ảnh dữ dội đến độ tôi cứ trông mùa hè đừng đến. Chẳng thà vùi đầu học cả năm còn hơn hai tuần ngồi bó gối trên gềnh đá. Buổi sáng tôi ăn bánh mì với cá muối chua. Buổi trưa có món rau sà lách trộn cá. Buổi tối có món cá nướng. Những miếng cá màu hồng hồng luôn pha trộn mùi mồ hôi độc địa của Moni, ngay cả khi bà ấy nướng cá thật chín thì cái mùi độc ác vẫn đắng nghét trong từng thớ thịt. Cái cách tra tấn mấy con cá của bà ấy cũng thật là gớm ghiếc. Moni thường để những con cá sống nằm rất lâu trên mặt đất, bàn tay bà ấy đặt lên bụng cá lắng nghe nhịp thở thoi thóp, sục sạo tìm kiếm nỗi tuyệt vọng. Những con cá phải nằm dưới bàn tay Moni cho đến khi chúng bắt đầu há miệng ra ngáp, mắt mờ đi, thì Moni thả chúng xuống nước. Thân thể kiệt quệ của con cá cứ trồi sụp trong dòng nước, thê thảm gì đâu. Mỗi lần nó ngáp, vết thương trong miệng lại nhả ra từng cụm máu đỏ.

Một lần tôi tìm thấy xác một con cá dạt trong bờ lau sậy. Nó nằm trương cái bụng trắng hếu, da dẻ tróc vẩy lở lói. Không hiểu sao tôi cứ nhất quyết tin rằng, đó là con cá đã từng ở trong bàn tay Moni. Tôi quỳ xuống bên bờ nước và nôn thốc nôn tháo món cá nướng ban chiều.

Mùa hè cuối cùng ở Na Uy, tôi kiên quyết chấm dứt trò câu cá. Tôi rời khỏi nhà từ sáng sớm, lang thang xuống khu nhà nghỉ bên dưới sườn núi, học cách làm quen và sống cùng với những con người xa lạ. Tôi ăn tất cả những gì người ta mời và cảm thấy rất ngon miệng. Buổi chiều tối, khi tôi trở về lại căn nhà nhỏ trên triền núi, Moni vẫn ngồi đó, lặng lẽ với chiếc cần câu trong tay. Dường như bà ấy có thể ngồi cả ngày, dõi mắt đăm đăm nhìn xuống nước. Moni không hỏi tôi đi đâu, chỉ nói, có món cá nướng trong nhà. Nhưng một lần, Moni lại hỏi:

“Nếu khi con trở về, nhìn thấy mẹ nằm chết ở đây, con sẽ làm gì?”

“Mẹ chết ở đâu?” Tôi thờ ơ hỏi.

“Ở đây, trên dòng suối này.”

“Con sẽ bỏ đi.”

“Bỏ đi?” Ánh mắt Moni lia rất nhanh từ mặt nước lên.

“Vâng. Và không bao giờ quay lại đây nữa.”

“Tại sao?”

“Vì hình ảnh đó thật ghê rợn.” Tôi nói nhanh và thấy khó chịu.

Moni không hỏi gì thêm. Từ sau lần đó, tôi quyết định không đi nghỉ hè với Moni nữa. Suốt mùa hè tôi trôi nổi theo thằng Ahmed đi bán hàng rong ở những khu hội chợ, lê lết trong những khu nhà người ngoại quốc, tưng bừng rượu bia và thuốc lá. Bầu trời Na Uy ảm đạm ở lại phía sau. Cho đến một buổi sáng mùa thu, người ta tìm thấy xác Moni vật vờ trên mặt hồ.

“Nếu khi con trở về, nhìn thấy mẹ nằm chết ở đây, con sẽ làm gì?”

“Thật là ghê rợn.”

“Cái gì?”

“Nhờ cô cầm lấy con dao.” Tôi nói.

Anni không trả lời mà đè mạnh thêm lên cổ tay tôi.

“Nhờ cô cầm lấy con dao.” Tôi bực tức nhắc lại.

“Anh mà giở trò là không thoát nổi đâu. Cả dãy nhà này đều là bạn bè của tôi.” Anni thận trọng thả cổ tay tôi ra, lần xuống nắm lấy cán dao. “Bây giờ anh mà lôi thôi, tôi đâm cho một phát chết liền.”

“Xin cô, xin cô hãy đâm vào đây.” Tôi nằm bên dưới cố ưỡn ngực lên.

“Cái gì?”

“Cô nhằm ngay bên trái đâm xuống.” Tôi nóng nảy thúc dục.

“Thằng điên này, mày lại giở trò gì nữa đây?”

“Cục cứt. Cô không chịu hiểu gì hết. Đồ ngu. Tôi cũng có một con tim hoại tử. Như Moni. Nó làm tôi đau đớn mãi. Nhờ cô đâm vào đây. Đâm thật sâu vào đây. Buổi chiều nay, khi gặp cô, tôi bỗng cảm nhận được cái cảm giác kỳ lạ đó. Suốt bao nhiêu năm nay tôi cứ sống trong đau đớn mà không tìm cách chết đi. Hóa ra là, tôi cần có một người nào đó giải thoát cho mình. Như Moni.”

Anni im lặng một lúc rồi chậm rãi nói:

“Đừng nhắc đến Moni nữa. Anh không là bản sao của bà ấy. Nghe đây. Nghe cho rõ đây. Tôi không phải là kẻ giết người.”

“Là vì cô chưa thử qua.”

“Không. Tôi nói về kẻ giết người bẩm sinh. Ngay khi sanh ra đời, họ đã mang sẵn tội ác trong tâm thức.”

“Tôi là thứ đó, đúng không?” Con tim tôi quặn thắt lại. Người đàn bà này đang nói về sự thật. Thứ sự thật mà tôi giấu kín, thứ sự thật mà hằng đêm tôi phải đối diện.

“Không. Anh cũng không phải là kẻ giết người.”

“Không phải là sao?” Nước mắt tôi trào ra, rồi không kìm được tôi khóc rưng rức.

“Anh không giết người. Loại như anh không thể giết người được.”

“Cô có chắc không? Cả trong giấc mơ tôi cũng là kẻ giết người.”

“Người ta mơ cái người ta bị ám ảnh. Giấc mơ chẳng liên quan gì đến hiện tại. Tôi vẫn luôn mơ thấy mình trở về căn hộ ngày xưa, có ban công nhìn ra trường tiểu học, nơi có… có những đứa bé gái vào học lớp một.” Tiếng Anni thở dài buồn bã.

“Cô tin chắc tôi không là kẻ giết người?” Tôi kiên quyết nhắc lại. Chuyện này quả thật rất hệ trọng. Vì nó mà tôi đến đây.

“Nếu tôi không tin như vậy, tôi đã chẳng dám dắt anh về nhà. Lần đầu gặp anh, ánh mắt anh đã nói lên điều đó.”

“Ánh mắt tôi ra sao?” Lời nói Anni khích thích sự tò mò đến cùng tận. Tôi ngưng khóc, dỏng hai tai lên nghe. Cả người tôi căng ra vì khoái cảm. Có đứa nhỏ nào không khoái nghe người ta miêu tả về mình. “Ánh mắt tôi ra sao, hả?”

“Ánh mắt anh tràn đầy sự cảm thông. Khi anh nhìn lên mái tóc tôi, tôi biết rằng tóc mình vẫn còn ướt nước mưa.”

“Ồ.” Tôi khoan khoái trở mình, suýt nữa thì vỗ tay. “Đúng vậy. Tôi thấy tóc cô ướt nước mưa. Nhưng nó có liên quan gì đến chuyện giết người?”

“Năm lên mười lăm tôi đã từng đối diện với kẻ giết người. Tôi biết cảm giác hung tợn đó ra sao. Tôi biết ánh mắt kẻ giết người tăm tối ra sao. Nó như là cái lỗ dẫn vào địa ngục, sâu thẳm bên dưới có lửa đỏ do bọn quỷ sứ đốt lên. Tôi bị giam giữ ba ngày trong thứ lửa đỏ của địa ngục, nhưng hắn không giết được tôi, và cũng không giết được phần đời còn lại của tôi. Vì lẽ đó mà tôi vẫn tiếp tục sống, sống hết cuộc đời của mình, cho dù cuộc đời đó chẳng ra gì.”

“Thật là kinh khủng.” Tôi thì thào. Cả hai cùng rơi vào im lặng. Lời nói của Anni đẩy tôi vào một khoảng không gian khác, ở đó sự sống và cái chết trộn lẫn vào nhau, kéo dài dằng dặc. Mãi một lúc sau tôi mới trở về được vấn đề của mình.

“Nhưng con tim… ờ, con tim bị tổn thương sẽ làm người ta đau đớn không chịu nổi.”

“Chỉ có quá khứ thương tật mới làm người ta đau đớn. Con tim cứ vẫn đập bình thường theo cuộc sống hiện tại.” Anni thở dài. “Ngoài bánh táo ra, tôi còn thích ăn cả bánh anh đào, trên lớp kem trắng là nước sốt anh đào đỏ tươi.”

Tôi thở hắt ra, bên dưới cũng xì hơi. Cả khối không khí khổng lồ ứ trong lồng ngực, ứ trong ruột già, thổi ra thành tiếng “phừ… ừ” bên trên và bên dưới. Không rõ vì được giải phóng khỏi đống khí thải, hay vì hơi ấm cơ thể Anni mà những thớ thịt trên người tôi giãn ra. Người tôi xẹp dần xuống. Cứ từ từ mà khoan khoái dễ chịu, lâng lâng nhẹ nhàng.

Anni nhấc mình qua một bên khi mắt tôi bắt đầu díu lại.

“Tôi muốn uống tí gì. Còn một chút rượu vang trong bếp.”

“Nhưng cô cũng phải biết sợ chứ?” Tôi mơ màng hỏi.

“Tôi đưa anh lên giường ngủ.”

Anni lôi tôi dậy. Tôi để cho cô ấy trì kéo, đẩy lên giường. Tấm mến bông ấm áp đắp xuống thân thể đã bắt đầu nhiễm lạnh, thật là dễ chịu. Sự căng thẳng và mệt mỏi từ nhiều ngày nay kéo tuột tôi vào giấc ngủ. Có tiếng Anni rên rỉ ngay bên tai. Cô ấy tìm cách rúc vào ngực tôi. Bàn tay lần xuống bên dưới bụng, chui sâu vào háng.

“Anh cứ nghĩ xem, cuộc sống còn có những khoái lạc không từ bỏ được.”

Tôi mơ màng thiếp đi. Hình như Anni có kể cho tôi nghe về chiếc bánh táo của một mùa Noel đẹp đẽ nào đó.

“Trên tường có chiếc bóng đen. Anni. Tôi đã nhìn thấy gã… Một gã đàn ông thô bạo với con dao nhọn trên tay.”

Trong giấc mơ lạnh lẽo dày đặc sương mù, bản năng đã khô cạn bỗng tìm về lại thân thể, căng cứng bên dưới. Bàn tay người đàn bà đẩy tôi trồi lên, trồi lên. Tôi xoay người sang, xục tay lên hai bầu vú to dày, chà xiết mấy ngón tay lên lớp da thịt đầy đặn mềm mại. Miệng tôi ngậm tìm hơi ấm, lưỡi tôi rà tìm khoái cảm. Tôi rên rỉ như một con thú, như một con chó nhỏ, như một thằng người, cho đến khi sự sống tuôn ra như nước nguồn.

Buổi sáng, tôi tỉnh dậy trên chiếc giường xa lạ, trong căn phòng xa lạ. Cảm giác thức giấc sau một đêm dan díu vời người lạ bao giờ cũng làm tôi sợ hãi và ghê tởm. Mà đó lại là một người đàn bà. Tôi lặng người đi một lúc, lắng nghe phần thân thể hiện hữu dưới lớp mền bông. Những chuyện hệ trọng xảy ra đêm qua không để lại trong lòng tôi một cảm xúc gì to lớn. Có những hành động đã xảy ra và không xảy ra. Nhưng những tiếng thì thầm bên tai đã chấm dứt.

Tôi chậm chạp ngồi dậy, uể oải vươn vai. Dù gì đây cũng không phải là chỗ ngủ của mình. Tôi cần phải biến đi, càng nhanh càng tốt. Hơi lạnh ban đêm vẫn tràn ngập trong căn phòng không lò sưởi. Tôi chạy ra phòng khách tìm cái áo khoác. Nó nằm trên sofa nhưng có người đã xếp thẳng thớm. Bóp tiền và giấy tờ của tôi còn nguyên vẹn trong túi áo. Trời đất, vẫn có loại gái điếm lương thiện ở Berlin. Trời đất, tại sao tôi lại mang đầy đủ giấy tờ theo. Kế hoạch giết người trở lại trong đầu như một đống rác bầy hầy, vô nghĩa ngu ngốc và hoàn toàn xa lạ. Suốt bao năm trời tôi vật vã sống với nó. Hai chiếc khăn len và cái kính nhựa nằm trơ trẽn trên ghế. Tôi bần thần ngồi bệt xuống sofa, cầm những thứ kỳ dị đó trên tay. Giấc ngủ đầy đủ hiếm hoi từ sau mười mấy năm nay làm các tế bào trong cơ thể tôi thức tỉnh. Tim tôi đập nhẹ nhàng, gõ lên lồng ngực tín hiệu cuộc sống. Bao tử tôi cồn cào kêu gọi một ngày mới đến. Bên ngoài trời đã sáng tỏ. Tôi nhìn đồng hồ, mười một giờ trưa. Ánh mặt trời heo hắt rọi qua khung cửa sổ.

Có tiếng động rổn rẻng trong nhà bếp. Mùi dầu chiên tràn qua cánh cửa không khép.

Anni đang đứng bên bếp lò, loay hoay với cái chảo có vài miếng dồi rán. Cô mỉm cười ngập ngừng khi thấy tôi bước vào.

“Anh ăn sáng nhé, tôi còn một ít dồi tươi.”

Tôi ngượng ngịu lắc đầu. Chẳng ai bịn rịn ăn sáng với gái làng chơi bao giờ. Nhưng tôi mắc nợ Anni một đêm không mộng mị.

“Đây là tên và số điện thoại của bạn tôi.” Tôi nói nhanh và thấy hụt hơi. “Thằng này là thợ chụp hình chuyên nghiệp, hắn cần những loại người mẫu như cô. Có thể sau loạt ảnh, hắn sẽ tìm cho cô một việc làm nào đó thích hợp.”

“Tôi? Làm người mẫu?”

Anni lắc đầu. Cái miệng không son đỏ đầy vết chân chim cười gượng gạo.

“Không phải là top model. Hắn chụp những con người bình thường, những dấu vết tự nhiên của cuộc sống, những thân cây đổ, những căn phòng bề bộn hỗn tạp.”

“Cảm ơn anh.” Cô gật đầu, thờ ơ cầm lấy tấm các. Tôi không chắc cô ta sẽ tìm tới Wolfgang. Những người đàn bà này rất khó tự mình hoàn lương, ngay cả khi cơ hội nằm sờ sờ ra đó.

“Lương rất khá. Đừng quên. Một buổi ở đó bằng mấy đêm đứng đường. Có tiền để làm những cái bánh táo vị chua thanh thanh nữa.”

Anni bật cười, ánh mắt cô ta sáng lên trong chốc lát.

“Còn đây là số điện thoại của bà Gustav. Cách đây hai ngày bà ấy có than phiền là không tìm ra người phụ bán căng tin.”

“Cám ơn anh.” Anni lại gật đầu miễn cưỡng.

“Tạm biệt, Anni.” Tôi buột miệng gọi tên cô ta lần cuối.

“Tạm biệt anh.”

Tôi mở cửa bước ra ngoài hành lang. Hình ảnh gã đàn ông trên tường bỗng trở lại trong suy nghĩ của tôi, không phải trong giấc mơ. Một hình ảnh thật trong quá khứ và hắn đã hành động. Đó là người đàn ông đã có mặt bên giường mẹ tôi trong đêm xảy ra án mạng. Tôi nghĩ đến lá thư của John Gellert và câu hỏi tưởng đã chìm vào dĩ vãng.

Nhất định gã đàn ông đó đã đến Berlin và đã gặp Moni.

Comments are closed.