Thức ăn (Trắng Trên Đen 5)

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

Tôi khảnh ăn. Nếu có thể được, ắt tôi chọn thứ thuốc trong truyện viễn tưởng, uống một viên no cả ngày. Tôi ăn ít, người ta dỗ tôi, bón cho tôi từng thìa, nhưng mọi cố gắng của họ đều vô ích.
Hồi còn bé tí tẹo, tôi gặp may. Hồi ấy tôi sống trong một nhà trẻ nhỏ ở nông thôn. Ở đấy chúng tôi được ăn uống tử tế, ngon lành, các bà bảo mẫu đều tốt bụng, họ chăm sóc chúng tôi, lo sao cho chúng tôi đều được no bụng.
Sau đó là những nhà trẻ khác, những bà bảo mẫu khác, thức ăn thức uống khác. Cháo trân châu, quả sâu đục, trứng ung. Loại thức ăn như thế chẳng thiếu gì. Nhưng tôi sẽ không viết về chuyện đó.
Không hiểu tại sao, nhưng tôi thấy những hồi ức đẹp nhất của tôi cứ gắn liền với thức ăn. Những khoảnh khắc đẹp nhất trong thời thơ ấu của tôi gắn liền với nó, nói cho đúng hơn, với những người đã chia sẻ nó cùng tôi, như thể nó là biểu hiện của tình thân ái. Ngẫm cũng lạ.

***

Tôi không nhớ chuyện xảy ra ở đâu. Tôi nhớ những người mặc áo choàng trắng. Chúng tôi thì đông, đứa nào đứa ấy còn nhỏ xíu.
Chúng tôi được phát một quả dứa. Hồi ấy tôi thấy quả dứa sao mà to thế, sao mà đẹp thế. Người lớn không bổ nó ra ngay, họ còn để cho chúng tôi ngắm nó cái đã. Chính người lớn cũng không nỡ phá hoại vẻ đẹp ấy đi, tôi có cảm giác như vậy. Ở Nga dứa là của hiếm .
Nhưng quả dứa nọ làm cho cả lũ chúng tôi thất vọng. Nói cho đúng hơn, không phải tất cả chúng tôi. Lũ trẻ nếm vị khé độc đáo của dứa, nhưng không chịu ăn những khoanh dứa làm rát lưỡi. Chỉ mình tôi ăn. Tôi còn nhớ những người lớn bảo nhau:
– Cho nó ăn nữa đi.
– Ấy chớ, nó phát bệnh thì chết?
– Bà đọc thẻ của nó chưa? Chửa biết chừng thằng bố nó ăn dứa này mà lớn lên đấy. Ở nước chúng nó dứa có dễ cũng sẵn như khoai bên ta.
Họ cho tôi ăn nữa, ăn nữa. Chắc họ thú vị thấy thằng bé kỳ cục có thể ăn được thứ quả lạ kia. Vứt ngần ấy của quý đi thì họ tiếc. Tôi ăn nhiều, tôi chẳng làm sao hết.

***

Tôi được đưa tới nhà trẻ đầu tiên của tôi. Ở đây không có những người mặc áo choàng trắng, những giường xếp thành hàng. Bù lại, có rất nhiều trẻ con và một cái tivi.
– Sao, thằng này hoàn toàn không ngồi được à? Nào, ta đặt nó lên đi-văng, lấy gối mà xếp bốn chung quanh nó vậy.
Người ta đặt tôi lên đi-văng, lấy gối xếp quanh tôi, lấy thìa bón cháo mạch cho tôi ăn. Bị bất ngờ, tôi ăn hết sạch đĩa cháo và ngủ thiếp đi. Cháo ngon ghê. Tôi thích nhà trẻ này.

***

Bệnh viện. Đêm. Mọi người ngủ. Cô y tá chạy vào phòng bệnh nhân, bật đèn đầu giường tôi. Cô y tá mặc áo đẹp, đi giầy cao gót, tóc cô uốn xoăn, xoã xuống vai. Cô cúi xuống sát mặt tôi. Cô có một đôi mắt rất to, hạnh phúc. Từ người cô bốc ra mùi nước hoa và một mùi gì đó nữa, mùi của nhà riêng, không phải mùi nhà thương.
– Nhắm mắt lại, há miệng ra cái nào!
Tôi nghe lời cô. Cô đút cho tôi một cái kẹo sô-cô-la to. Tôi đã biết cách ăn kẹo sô-cô-la như thế nào. Phải cầm lấy nó và cắn từng miếng nhỏ một. Hơn nữa, tôi còn muốn ngắm kỹ cái kẹo ấy.
– Cắn đi và ăn cho hết nhé! Hiểu chưa?
Tôi gật.
Cô y tá tắt đèn, chạy đi. Tôi cắn từng miếng kẹo. Miệng tôi đầy một thứ gì đó ngọt và the. Tôi nhai kẹo sô-cô-la, không hiểu tại sao tôi thấy chóng mặt. Tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi hạnh phúc.

***

Tôi bị chở tới một nhà trẻ tiếp theo. Tôi đang bò trong hành lang thì một bà bảo mẫu đi ngược chiều. Hành lang tối thui, bà ta không nhận ra tôi trong đó. Khi đến sát tôi rồi, bà ta hét toáng lên, nhảy tránh qua một bên. Rồi bà đến sát hơn để trông cho rõ. Da tôi nâu, đầu tôi trọc. Thoạt tiên, trong hành lang tranh tối tranh sáng tôi chỉ nhìn thấy một đôi mắt lơ lửng cách sàn khoảng mười lăm phân.
– Cái thằng, gày gì mà gày thế không biết. Rặt xương với da. Cứ như vừa mới ở Buchenwald ra ấy.
Đúng là tôi chẳng béo cho lắm. Ở chỗ cũ, người ta nuôi tôi không tốt, tôi thì lại lười ăn.
Bà bảo mẫu bỏ đi. Mấy phút sau bà quay lại, đặt xuống sàn trước mặt tôi một miếng bánh kẹp mỡ sấy. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mỡ sấy, vì thế tôi ăn hết miếng mỡ trước rồi ăn bánh sau. Bỗng nhiên tôi cảm thấy trong người ấm áp hẳn lên và tôi ngủ thiếp đi.

***

Lễ Phục Sinh. Các bà bảo mẫu, không trừ một ai, đều diện bảnh. Khắp nơi, chỗ nào cũng tràn ngập không khí hội hè. Việc các bà bảo mẫu tỏ ra đặc biệt tốt với chúng tôi làm cho các thầy giáo lo lắng. Tôi thì chẳng hiểu tại sao lại như thế. Ngày lễ trên tivi bao giờ cũng chiếu những cuộc duyệt binh, những cuộc diễu hành quần chúng. Chỉ Tết mới không có duyệt binh. Nhưng Tết đã có cây thông đầu năm và quà cáp.
Sau bữa sáng bà bảo mẫu cho chúng tôi mỗi đứa một quả trứng luộc có vẽ hoa văn xanh đỏ. Bên trong, trứng vẫn trắng như trứng thường. Tôi ăn hết quả trứng Phục Sinh. Nó ngon hơn nhiều so với trứng ở nhà trẻ. Ở nhà trẻ người ta luộc kỹ quá, đâm cứng, còn quả trứng này thì mềm và ngon quá chừng.
Lạ một cái là, dù tôi ở đâu mặc lòng, ở nhà trẻ, ở bệnh viện, hay ở nhà già , bao giờ cũng có một người tốt bụng cho tôi một quả trứng có hoa văn trong ngày lễ Phục Sinh. Cái đó thật là tuyệt.

***

Nước Nga có tục làm giỗ. Cứ đến bốn mươi ngày người chết là họ hàng bà con tụ hội nhau trong một bữa ăn chung. Ngoài người nhà ra, còn khách khứa. Người ngoài, bất luận là ai, đều có thể được mời, nhưng những người bất hạnh nhất là những người mà gia chủ phải chèo kéo cho bằng được. Khách càng bất hạnh bao nhiêu thì vong hồn người chết càng hởi lòng hởi dạ bấy nhiêu, công quả dâng lên Chúa càng lớn bấy nhiêu, người ta tin như vậy. Nhưng đào đâu ra những kẻ bất hạnh trong một đất nước hạnh phúc nhất thế giới cơ chứ? Thế là những vị hành khất ấy kéo nhau đến cổng nhà trẻ chúng tôi, mang theo nào túi, nào bị, nào giỏ. Họ mang đến cho chúng tôi đủ thứ: kẹo, bánh quy, bánh mì. Cả bánh rán, cả bánh cuốn – họ mang tới tất tật những gì họ có. Các thầy đuổi họ quầy quầy, nhưng thường là vô ích.
Các bà bảo mẫu thì khác. Cấm thì cấm, các bà vẫn lợi dụng cương vị công tác của mình để mang trót lọt “phần giỗ” cho chúng tôi qua cổng.
May mắn hơn người là những bà bảo mẫu phụ trách những đứa liệt hai chân. Các bà cho chúng tôi ăn ở một nơi riêng biệt, các thầy thì ở xa. Một bà không biết làm cách nào mà mang được qua cửa chính cả một xoong chè quả khô . Chúng tôi không phải chỉ là những đứa trẻ không đi được, chúng tôi còn là những đứa trẻ cực kỳ bất hạnh. Cho được chúng tôi ăn kẹo bánh là một việc làm sáng giá, hơn hẳn cho những đứa khác.
Về phía chúng tôi, chúng tôi biết rằng theo tục lệ thì khi nhận “phần cỗ giỗ” cấm nói “cảm ơn”, rằng khi các bà cho ăn thì không được mỉm cười.
Tôi nằm ngoài vườn. Vườn là cách chúng tôi gọi mấy cây táo mọc bên nhà trẻ. Để bò được ra vườn tôi phải bò lâu, tôi mệt và tôi nằm ngửa ra mà nghỉ. Đám học sinh đi được ở xa, có dễ chúng đang xem phim trong câu lạc bộ, mà cũng có thể chúng được dẫn đi đâu đó, tôi không nhớ. Tôi nằm ườn chờ xem có quả táo nào rụng xuống bên cạnh không. Nhưng cái may đến với tôi còn lớn hơn nhiều.
Một bà lão khẳng khiu và khô xác leo qua hàng rào. Cái hàng rào cao hai mét không ngăn nổi bà. Từ trên hàng rào bà thoắt nhảy xuống, nhìn quanh một lượt rồi đến chỗ tôi. Bà lão thành thạo quan sát chân tay tôi, hỏi bằng giọng ngờ vực: “Thật cháu mồ côi không đấy?” Tôi gật. Bà không chờ đợi một sự may mắn lớn đến như thế: thằng bé đã quắt cả chân lẫn tay, lại còn mồ côi nữa mới đẹp chứ. Bà đặt giỏ xuống đất, lật khăn phủ, lấy ra mấy cái bánh cuốn và ra lệnh: “Ăn đi, cháu!”. Tôi vội vàng ăn bánh cuốn, còn bà lão thì vừa giục tôi ăn vừa nhắc đi nhắc lại: “Cháu khấn bà Varvara đi, nhớ nhé, cháu, bà ấy tên là Varvara. ” Nhưng cái may kết thúc mau chóng. Một cô giáo xuất hiện ở góc vườn:
– Sao lại có người lạ ở đây thế này? Ai cho họ vào, hử? Bà lão, bà làm gì ở đây?
Rồi quay sang tôi:
– Em làm cái gì thế?
Tôi làm cái gì? Tôi đang nhai cái bánh cuốn thứ ba. Tôi nhai vội nhai vàng, bởi vì trong tay tôi còn nửa cái nữa, và tôi muốn ăn hết cho kịp.
Nhanh như sóc bà lão vớ cái làn, thoắt cái đã chuồn qua hàng rào. Tôi hối hả ăn nốt nửa cái bánh cuốn. Cô giáo mỉm cười bâng quơ rồi bỏ đi.
Đó là những cái bánh cuốn đầu đời của tôi.

***

Một lần nữa, tôi đang ở nhà trẻ này thì bị chở đến nhà trẻ khác. Ngày vui bắt đầu từ ga xe lửa. Tôi được ăn kem, được uống nước chanh. Cái kem to đùng, bọc sô-cô-la. Tàu vừa mới chuyển bánh là cô y tá và bà bảo mẫu đã bỏ “đi dạo”, như cách họ nói. “Nào, ta đi dạo quanh một lát”. Họ trở về, dắt theo hai người Georgie. Một ông luống tuổi, tóc bạc, ông kia trẻ hơn chút ít. Họ vui vẻ uống vodka. Họ cắt cho tôi một miếng xúc xích, cho tôi ăn trứng, uống nước chanh. Ông luống tuổi người Georgie cắt hết miếng xúc xích này đến miếng khác để làm bánh kẹp cho tôi và luôn miệng dỗ: “Ăn đi, ăn đi, cháu, trẻ con có ăn nhiều mới tốt”. Thức ăn thừa mứa, cứ việc ăn thả dàn. Trời tối dần, tha hồ nhìn ra ngoài cửa sổ, tha hồ ăn xúc xích. Tôi muốn được đi mãi, đi mãi, như thế này, nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi nghĩ: giá mà cho tất cả người lớn trên trái đất này thật nhiều vodka và xúc xích thì chắc chắn họ sẽ thành người tốt hết, và tất cả trẻ con sẽ được sung sướng.

***

Tôi ở trong nhà trẻ cuối cùng, nó cũng là nhà trẻ tốt nhất thế gian. Trước mặt tôi là bữa sáng: một ít khoai nghiền, một nửa quả cà chua, một cái bánh nhỏ phết bơ và một cốc trà. Tôi biết chắc hôm nay không phải ngày hội, không hiểu sao người ta lại cho ăn khoai tây nghiền? Tôi nếm một ngụm trà – nó ngọt mới lạ chứ. Cà chua sống là một món ăn tuyệt trần. Tôi ăn nhẵn mọi thứ và tôi hiểu rằng tôi may mắn vô cùng, tôi đã tới thiên đường.

***

Tôi và Katia sống trong một căn hộ dưới tầng hầm nửa chìm nửa nổi, bởi cha mẹ nàng không chịu thừa nhận hôn thú của hai đứa. Đó là căn hộ của bà giáo tôi – một trong những người đàn bà tốt bụng nhất thế gian. Bà giáo nhường nhà cho chúng tôi, còn bà thì dọn ra nhà vườn .
Trên đường tới trường đại học tổng hợp, Katia mua một hộp vằn thắn. Nàng nấu một lần hết nhẵn cả hộp. Tôi đã biết vằn thắn là gì. Ở nhà trẻ, mỗi đứa chúng tôi được bốn cái một bữa.
– Chúng mình ăn mấy cái đây, em? – tôi hỏi Katia.
– Sao, các anh đếm từng cái à?
Nàng dọn vằn thắn ra. Katia ăn cả đĩa, tôi thì không sao ăn được quá sáu cái. Tôi hiểu rằng trong cái thế giới phi quốc doanh lạ lùng này người ta ăn vằn thắn không cần đếm.
– Đừng đổ nước luộc vằn thắn đi nhá. – tôi thành thạo khuyên Katia – Có thể dùng để nấu canh đấy.
Mấy hôm sau về nhà bố mẹ, Katia lại được ăn món vằn thắn. Mẹ nàng chực mang xoong nước luộc vằn thắn đi đổ.
– Mẹ ơi, đừng đổ đi, dùng nó nấu canh được đấy. – Katia máy miệng nói.
Ngày hôm sau, khi Katia rời khỏi nhà đi học, mẹ nàng len lén đến chỗ ở của chúng tôi, đặt trước cửa một con gà tươi.
Thế là băng đã tan.

***

Katia đi làm, tôi ở nhà một mình với một phụ nữ tuyệt vời. Đó là bà của Katia. Bà ở cùng căn hộ với chúng tôi. Bà thường vào phòng tôi, ngồi đối diện với tôi:
– Thế nào, cháu ơi, bao giờ thì cháu ngoẻo đấy hở cháu?
– Chưa đâu, bà ơi. – tôi đáp – Đến lúc cần ngoẻo thì cháu ngoẻo thôi. Như bà đấy, bà cũng còn trẻ trung gì đâu. Hay bà định sống vĩnh viễn?
– Cháu thế kia thì sống mà làm gì? Tay không, chân không. Đóng một cái đinh cũng không nổi.
– Bà có bút chì tím đấy không?
– Có.
– Vậy thì bà cứ đi khắp nhà này đi, chỗ nào cần đóng đinh thì bà đánh dấu vào. Cháu không nói khoác đâu, rồi đinh sẽ được đóng đâu ra đó cho bà xem.
Cứ thế chúng tôi tiêu thời gian trong những câu chuyện tâm tình. Bà kể cho tôi nghe về thời trẻ của bà, về họ hàng nhà bà. Cứ theo lời bà thì họ hàng bà rặt một lũ đểu cáng và khốn nạn.
Một lát sau bà vào bếp, loảng xoảng xoong chảo. Bà đến chỗ tôi:
– Ruben ơi! Bà nấu canh dưa cải đấy. Cháu ăn không, hay sợ bà đầu độc?
– Bà cứ cho cháu ăn, cháu chẳng sợ bị đầu độc đâu, cháu ăn chán vạn thứ trên đời rồi, chẳng riêng gì món ấy.
Bà mang canh dưa cải vào. Canh ngon. Dưới đáy đĩa là một miếng thịt vịt to.

***

Hồi Alla có mang, chúng tôi sống cực lắm. Alla ăn bánh mì với mỡ nước. Tôi không ăn chất béo được, tôi ăn bánh mì với dầu hướng dương. (Ở nhà trẻ bánh mì rưới dầu hướng dương có rắc muối được coi là một món sang). Năm ấy, lần đầu tiên trong đời, tôi bị đau dạ dày. Chúng tôi còn có súp đậu nữa. Alla không ăn súp, tôi ăn một mình. Tôi nhẹ hơn nàng gấp trăm lần, tôi có thể ăn súp mà không có chửa. Khi cháu Maia ra đời, Alla quyết định nuôi cháu bằng sữa mẹ. Tất nhiên, nuôi tự nhiên như thế tốt lắm. Khốn cháu nó lại không chịu bú. Sữa của Alla có màu lơ lơ xanh. Phân của cháu Maia cũng có màu lục. Suốt thời gian nuôi con Alla ăn độc một món khoai tây. Alla khoẻ mạnh, nàng cần được ăn hơn tôi rất nhiều. Tôi ăn cả ngày mới bằng một bữa của nàng. Chúng tôi quyết định chuyển sang nuôi cháu bằng sữa bò. Như thế rẻ hơn là bảo đảm cho Alla chế độ ăn uống bình thường.

***

Một người quen đến chơi.
– Cậu sống ra sao?
– Cũng thường.
– Hàng ngày cậu ngày ăn gì?
– Súp đậu.
– Với khoai tây chứ?
– Tất nhiên.
– Chúng tớ thì đã hai tuần rồi toàn ăn súp đậu không có khoai tây.
Tôi mới ăn súp đậu ba ngày. Tôi còn cả một bao tải khoai tây.

***

Cháu Maia được một năm rưỡi. Nó không chịu ăn cháo mạch. Tôi bình thản cầm lấy đĩa cháo của cháu, ăn nốt. Thoạt đầu, Maia đòi ăn xúc xích, sau lại đòi bánh có gia vị. Ở nhà không có cả hai thứ, nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Đói thì ăn tuốt, không ăn thì nhịn (nguyên tắc của nhà trẻ). Maia đi đi lại lại trong nhà, suy nghĩ. Rồi nó lẳng lặng đến bên mẹ và nói: “Mẹ ơi, mẹ luộc khoai đi”. Chúng tôi ăn khoai với dầu hướng dương. Tôi nhớ ở nhà trẻ sau hiệu lệnh báo ngủ chúng tôi luộc khoai bằng cái ấm đun nước tự tạo. Việc mà sau mười lăm năm tôi mới đến được với nó (chỉ có các anh lớp trên mới có quyền luộc khoai) thì cháu Maia vừa ra đời đã có.

***

Alla dẫn cháu Maia đi vườn trẻ. Nàng cười. Gặp bà cấp dưỡng. Bà cấp dưỡng khoe bữa trưa ở vườn trẻ hôm nay có những một con gà. “To đùng, béo mượt, mỗi đứa được những một miếng đấy”. Vườn trẻ có hơn một trăm đứa. Mà gà thì có mỗi một con, nói cho đúng hơn, một con rưỡi. Tôi cũng cười.
Tôi vui vì con gái đã đi vườn trẻ. Ở đó nó sẽ có nhiều bạn, chúng nó sẽ cùng nhau học nặn bằng plastilin, chúng nó sẽ cùng nhau vẽ bằng sơn màu. Hơn nữa, ở vườn trẻ về, cho ăn gì Maia cũng ăn tuốt, không oẻ hoẹ nữa.

***

Trên đường từ vườn trẻ về, Maia đòi mẹ mua đường viên. Đường viên thường, có mùi va-ni.
– Sao con lại thích đường viên, hở? Bố mẹ đang có tiền đây, con có muốn mẹ mua kem cho con hay mua thứ gì khác không?
– Ứ ừ, đường viên cơ.
Alla mua đường viên. Maia ngồi vào bàn, suốt buổi tối nó gặm đường viên. Té ra là nửa ngày nó mới được vườn trẻ cho một viên, mà nó còn muốn ăn nữa. Ở nhà trẻ của chúng tôi mỗi đứa được những hai viên.

***

Hồi tôi ở nhà già , có một điều làm tôi rất ngạc nhiên. Chúng tôi được phát xương sau khi ăn xong, ngay tại phòng ăn. Đó là những mẩu xương bò thường còn lại sau khi nấu súp. Chỉ các cựu chiến binh mới được phần xương. Xương được nạo kỹ, nhưng khéo tay thì vẫn còn moi được ít thịt. Các cựu chiến binh xúm xít quanh ô cửa, nơi người ta phát xương. Họ cãi nhau, phô phang công trạng và quân hàm. Mới đây, tôi hỏi một anh bạn thời nội trú xem vụ xương bò ở đó giờ ra sao, vẫn được phát đấy chứ?
– Làm gì có. Đã lâu nhà bếp không nấu súp có xương nữa. Đào đâu ra?

Comments are closed.