Tường trình từ Vân Nam: Đến với con đập Mạn Loan (kỳ 2)

Ngô Thế Vinh

Ngo The Vinh bên đập MạnLoanTỪ MANWAN TỚI ĐẢNG UỶ CÔN MINH

 

Bề ngoài thì như bình thản, nhưng tôi không cảm thấy an tâm để lưu lại lâu hơn trong khu vực Manwan và có quyết định rời Manwan sáng sớm hôm sau. Wu thì lại quá nhiệt tình nghĩ rằng có thể tổ chức cho chúng tôi vào thăm bên trong nhà máy vì nghe nói vẫn có những tour có hướng dẫn như vậy.

Sau bữa sáng nơi một quán ăn ngay trước cửa cơ quan, mà chủ nhân là người Hồi giáo (biết được như vậy do hàng chữ Ả Rập trên tấm bảng hiệu). Tôi và Wu trở vào khu hành chánh Manwan, tới được nơi cần tới. Cô trưởng phòng khi biết khách thăm là người ngoại quốc thì cô yêu cầu đợi để hỏi ý kiến cấp trên. Mươi phút sau thì một bà mặc áo ngắn, dáng khắc khổ, mà tôi nghĩ là phòng tổ chức bước vào nói chuyện khá lâu với Wu. Bà cho biết những chuyến tham quan như vậy là cho khách nội địa. Vì đây là lần đầu tiên có khách ngoại quốc, bà ta yêu cầu chờ để lên xin ý kiến của Đảng ủy. Wu đã đẩy tôi vào một tình huống thật khó xử và quả thật là thiếu khôn ngoan để dấn thân vào một “guồng máy” bất trắc như vậy. Bà phòng tổ chức vừa bước ra, tôi lấy cớ bảo Wu là sẽ không đủ thì giờ cho thêm một chuyến viếng thăm, nhưng rồi cả hai chúng tôi được giữ lại và yêu cầu chờ. Thật là tiến thoái lưỡng nan, tôi vẫn cố giữ vẻ thản nhiên nhưng cảm giác thì cứ như “gái ngồi phải cọc” và đồng thời phải chuẩn bị cho tình huống phải trả lời vô số những câu hỏi.

Thời gian như chậm lại, nhưng rồi bà phòng tổ chức cũng trở lại, lần này thì rất lịch sự bà nói chuyện trực tiếp với tôi qua thông dịch của Wu. Rằng Đảng ủy Manwan không trả lời là không, nhưng nếu có lý do thăm viếng chính đáng tôi phải xin phép Đảng ủy Phân bộ Điện lực từ Côn Minh. Bị khước từ nhưng lại cảm thấy nhẹ nhõm, vì với “red tape” ấy, với hệ thống quan liêu giấy tờ ấy, tôi có thể rời Manwan mà không gặp phiền hà và cũng không hề có ảo tưởng là sẽ trở lại thăm Manwan bằng một giấy phép chính thức của Đảng ủy Côn Minh.

CÙNG BẦY CHIM CORMORANTS TRÊN HỒ NHĨ HẢI

Từ Manwan bằng đường bộ lên tới cổ thành Đại Lý cũng đã sẩm chiều. Đại Lý vẫn được so sánh như một tiểu Katmandu của Nepal, nơi có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử của hơn 1 triệu sắc dân Bạch / Bai với gốc rễ văn hóa lâu đời từ hơn 3 ngàn năm. Từ thế kỷ thứ 7, đã có một nước Nam Chiếu / Nanzhao rất hùng mạnh từng đánh bại quân Nhà Đường vào thế kỷ thứ 8. Sang thế kỷ thứ 10 trở thành vương quốc Đại Lý / Dali cho tới thế kỷ 14, thời Nguyên Mông / Mongol Yuan thì không chỉ Đại Lý mà toàn vùng Vân Nam mới trực thuộc vào nước Trung Hoa.

Vẫn còn đó những kiến trúc cổ xưa như Chùa Ba Ngôi được xây cất từ thế kỷ thứ 9, những ngôi nhà đá cổ với cả những con đường đá quanh co. Nhưng thực sự đã không còn nguyên vẹn một cổ thành Đại Lý, bức tường thành kiên cố bằng đá không còn nữa, các cổng thành gốc đã bị phá đi thì nay được mô phỏng xây dựng lại nhưng với bên trong lại có những gian hàng bán nữ trang và đồ lưu niệm cho du khách. Đi bộ từ Cửa Bắc tới Cửa Nam của Cổ Thành, qua những đường phố nhỏ với đường lát gạch, hai bên đường là những quán ăn, tiệm Café Internet và luôn luôn tấp nập với các đoàn du khách được hướng dẫn bởi những cô gái gốc Hán má phấn môi son không khác với những cô tiếp viên hàng không nhưng lại với y phục rực rỡ của sắc dân Bạch.

 Phía tây Đại Lý là trùng điệp núi non, phía đông là hồ Nhĩ hải / Erhai Lake. Nhĩ Hải là hồ nước ngọt lớn thứ hai của Vân Nam đổ vào con sông Mekong qua một phụ lưu là con sông Xi’er. Được coi như một “tiên cảnh” của sắc tộc Bạch, là một hồ rất sâu có tới hơn 40 loại cá khác nhau nổi tiếng nhất là loại “cá quậy / bow fish” giống như cá chép có đặc tính ngậm đuôi vào miệng rồi bung ra nhảy cao trên mặt nước. Vân Nam rất xa biển nên người dân Vân Nam thích đặt tên biển cho những hồ lớn của họ. Đại Lý mưa tầm tã từ nửa đêm kéo dài tới sáng hôm sau. Nhưng rồi mặt trời cũng ló dạng. Khí hậu đủ tốt cho một nửa ngày đánh cá bằng chim cốc / cormorants trên hồ Nhĩ hải.

Chiếc xe phải len lách giữa những thửa ruộng trên một con đường đất đá để tới được làng đánh cá nhỏ bên bờ tây của hồ Nhĩ hải, gặp bác ngư dân sắc tộc Bạch da sạm nắng tuổi cũng gần 60, bác sống với đàn chim cốc cũng phải tới hai chục con đã được thuần hóa.

Có khách tới, bầy chim được tự do ra khỏi những chiếc lồng, tung tăng duỗi chân duỗi cánh hân hoan. Thay vì đeo vào cổ chim những chiếc vòng, rất nhanh và thành thạo người đàn ông dùng mớ lạt, buộc cổ từng con chỉ vừa đủ chặt để ngăn chúng nuốt xuống những con cá lớn bắt được, rồi ra lệnh cho đàn chim tung mình xuống nước và bơi theo ghe ra hồ.

Gần bờ, nước hồ ô nhiễm đặc sánh lại với rong rêu, cũng không ngạc nhiên khi thấy rãnh nước thải từ thành phố chảy qua các ruộng lúa rồi đổ thẳng xuống hồ. Phải xa bờ, nước hồ mới trở lại trong xanh. Như những người bạn thiết, bầy chim cốc và ngư ông hoạt động nhịp nhàng. Cảnh tượng thật kỳ lạ chỉ bằng khẩu lệnh với những âm thanh sắc ngắn là cả một bầy chim từng đợt từng đợt vỗ cánh rồi cùng ngụp lặn sâu dưới mặt nước. Phải một lúc sau mới thấy từng con trồi lên, con chim nào với chiếc cổ phồng to phía trên nút lạt thắt là dấu hiệu bắt được cá lớn, ngư ông chỉ cần tới gỡ mỏ từng con và thu hoạch. Mẻ cá đầu tiên của một chú chim cốc là hai con cá chép chỉ nhỏ hơn nửa bàn tay.

Bầy chim tỏ ra rất thân thiện, nhảy lên ghe, đậu trên mái chèo hay trên tay khách. Cảnh trí thiên nhiên hữu tình, chủ khách và bầy chim thực sự giao hòa. Tỏ tình thân, người đàn ông gốc Bạch mời tôi điếu thuốc hút. Cũng đã 30 năm rồi, lần đầu tiên tôi đã lại vui vẻ đón nhận và cả thưởng thức điếu thuốc thơm Vân Nam trên mặt hồ Nhĩ hải.

Cách đây ngót 8 thế kỷ (1278), Marco Polo trên Con Đường Tơ Lụa Phương Nam / Southern Silk Route đặt chân tới đây và ghi nhận cá ở hồ Nhĩ hải là “nhất thế giới” sau đó Marco Polo đã vượt qua sông Mekong phía tây Vân Nam để ra khỏi Trung Hoa. Sáu thế kỷ sau Marco Polo (1868), đoàn thám hiểm Pháp với Doudart de Lagrée / Françis Garnier khởi hành từ Sài Gòn bằng cuộc hành trình gian truân ngược dòng sông Mekong kéo dài hai năm cuối cùng Françis Garnier cũng tới được hồ Nhĩ hải phía đông khu cổ thành Đại Lý. Nhưng Françis Garnier đã bị vị Sultan – vua Hồi từ chối tiếp kiến và buộc đoàn phải rời Đại Lý ngay sau đó.

Hơn 130 năm sau Françis Garnier, chúng tôi đang trở lại với sinh cảnh đẹp đẽ nhưng quá mong manh và có lẽ là những năm tháng cuối cùng của hồ Nhĩ hải với nước hồ ngày càng ô nhiễm, đổ thoát ra bằng một phụ lưu lớn là con sông Xi’er để rồi cuối cùng cũng đổ dồn vào dòng chính con sông Mekong.

Tương truyền rằng hàng năm cứ vào khoảng tháng Tư, đoàn cá Pla Beuk về tụ hội tại nơi vũng sâu Luang Prabang phía bắc Vạn Tượng để tuyển chọn xem con nào sẽ tiếp tục vượt thêm hơn 2,000 km bơi ngược dòng lên hồ Nhĩ hải để đẻ trứng, con nào sẽ hy sinh làm mồi cho cho ngư dân làng Chiang Khong trong ngày hội thi cá Pla Beuk. Pla Beuk / Pangasianodon gigas là loại cá bông lau khổng lồ chỉ có trên sông Mekong có con dài tới 3 mét nặng tới hơn 300 kg. Ngư dân Thái và Lào sống hai bên bờ con sông Mekong vẫn tin rằng cá Pla Beuk là loại linh ngư đem tới cho họ vận may trong mỗi mùa chài lưới. Từ 10 năm nay, khi hoàn tất con đập thủy điện Manwan (1993) trên dòng chính sông Mekong như một nút chặn, đã chẳng còn một con cá Pla Beuk nào lên tới được hồ Nhĩ hải để đẻ trứng.

Sau hai điếu thuốc, chủ và khách đều hân hoan. Lão ngư ông cao hứng bảo sẽ hát cho chúng tôi nghe một bài tình ca có tự lâu đời của sắc dân Bạch. Tuy không hiểu được lời ca nhưng những nốt nhạc thì rất du dương trầm bổng. Theo Wu thì bài hát kể lại mối tình thơ mộng và say đắm của đôi trai gái sắc tộc Bạch, cùng chèo thuyền trên hồ Nhĩ hải cảnh sắc hữu tình, dưới bầu trời xanh, bên dãy núi cao, trên biển nước mênh mông, mỗi nốt nhạc lời ca là tiếng lòng thổn thức của họ. Ở tuổi gần 60, da sạm nắng và gầy khắc khổ nhưng người đàn ông đã hát với tất cả vẻ đam mê như đang sống lại với mối tình đầu của tuổi thanh xuân ngày nào. Bầy chim cốc vẫn bơi sát theo thuyền, mấy con nhảy đỗ trên ghe thì nghển cổ như để lắng nghe chủ hát.

Tôi hỏi về mức thu hoạch cá với đàn chim cốc. Ông nói đã sống với nghề săn cá bằng chim cốc từ 40 năm và chỉ cách đây hơn 10 năm thôi, vẫn có được những mẻ cá lớn nhưng về sau này thì không, lượng cá không hiểu tại sao ít hẳn đi, nhưng đàn chim cốc thì vẫn nuôi sống gia đình ông chủ yếu bằng tiền của du khách.

Trước khi rời Đại Lý, chúng tôi cũng tìm đến thăm Mekong River Culture & Art Centre trên đường Wen Xian. Thực ra đó chỉ là một thứ motel với vườn cây và hồ cá. Bảo đó là trung tâm văn hóa của con sông Mekong thì thực là quá đáng bởi vì ngoài mấy chục phòng cho thuê, chỉ có thêm ở đó vài ba lớp hội họa, lớp thảo bút tự / calligraphy, lớp nhạc và lớp thể dục Tai Chi. Tác phẩm trưng bày là mấy bức tranh sơn dầu màu còn thô sượng, vài bức tượng nặn dở dang, khó có thể gọi đó là nghệ thuật. Những trang văn và thơ thì chưa xuất bản để được đọc, cảnh trí của trung tâm này chẳng có liên hệ gì tới con sông Mekong – ngoài một cái tên, để phải đi hơn nửa vòng trái đất tìm tới.

LƯỚI CÁ TRÊN SÔNG MEKONG

Hai ngày nữa cũng không có chỗ cho chuyến bay từ Đại Lý xuống Cảnh Hồng, chúng tôi quyết định trở lại Côn Minh bằng đường bộ, từ đây mỗi ngày có nhiều chuyến bay đi Cảnh Hồng, là thủ phủ của vùng tự trị Tây Song Bản Nạp / Xishuangbanna gồm nhiều sắc tộc đa số là Thái / Dai. Vốn được coi như một “tiểu quốc Thái Lan” trong một đất nước Trung Hoa.

Ngoài khả năng thông dịch Wu cũng không biết gì nhiều hơn chúng tôi về vùng tự trị phía nam. Không có Wu đi cùng, chúng tôi lại đứng trước một tình huống mới.

Tới Cảnh Hồng, từ phi trường Banna về Xishuangbanna Sightseeing Hotel, cho dù là khách sạn 3 sao cũng chỉ gặp toàn người nói tiếng Hoa. Phải chờ cho tới buổi chiều khi gặp được cô manager, có lẽ người Hồng Kông biết chút tiếng Anh, chúng tôi mới có thể liên lạc với một hãng du lịch.

Bên kia đầu dây là Oliver, nói tiếng Anh như một người Hoa sinh đẻ ở Mỹ. Chỉ nửa giờ sau, hắn đích thân tới làm việc với chúng tôi ngay tại phòng khách sạn và cùng hoạch định chương trình cho ba ngày tới: bằng thuyền máy chúng tôi sẽ ngược dòng sông Mekong lên tới địa điểm xây đập Cảnh Hồng, lên thăm một khu cư dân sắc tộc, ngày hôm sau bằng xe tới với các con đập thủy điện phụ lưu dọc theo con sông Cát Vàng, thăm giang cảng Tư Mao và có thêm cả một buổi mai lưới cá trên sông Mekong. Chủ yếu là tới với sinh cảnh của con sông Mekong và những con đập.

Một chương trình không giống với bất cứ một Tour Route nào mà Oliver vẫn phục vụ du khách. Dĩ nhiên có một cái giá phải trả cho một chọn lựa như vậy. Và người hướng dẫn là một thanh niên 22 tuổi sắc tộc Di / Yi với một funny name: Potato. Người Di không có tên họ nên hắn được bố mẹ chọn cho tên Củ Khoai mà hắn cũng rất thích. Là người thiểu số nhưng rất thông minh, lại chịu khó, hắn đang đi làm để dành tiền để có thể lên học đại học ở Côn Minh. Tối nào Potato cũng vào thư viện đọc sách báo, sau nửa đêm thì học thêm tiếng Anh qua các đài VOA hay BBC. Mỗi ngày với hắn là một ngày mới, học thêm một điều mới: ngày thứ hai đang trên sông nước, Potato quay sang hỏi tôi có biết một tên khác của con sông Mekong, rồi hắn thích thú tự trả lời: Danube of the East. Hắn mới học được chữ đó trong thư viện buổi tối hôm trước.

Sau Côn Minh, lại thêm một ngạc nhiên nữa khi tới với thị trấn Cảnh Hồng. Chỉ mới 5 năm gần đây thôi từ 1998, một Cảnh Hồng cũ đã bị san bằng để thay thế bằng một thành phố hoàn toàn mới, với khách sạn nhiều tầng, các cửa hàng bách hóa, có cả thư viện và nhà sách lớn, với những con đường trải nhựa rộng với hai hàng cây xanh và dĩ nhiên là đông đảo người gốc Hán từ các nơi đổ tới. Một năm sau đó 1999, cây cầu mới lộng lẫy Cảnh Hồng từ xa nhìn như một con công dang cánh múa do Công ty Xây dựng Cầu đường Thượng Hải hoàn tất như một điểm nối quan trọng của mạng lưới giao thông thuộc Lưu Vực Lớn Sông Mekong (Greater Mekong Subregion). Cây cầu cũ của Liên Xô xây từ 1977 như một sản phẩm kỹ thuật hạng hai, nay bất khiển dụng chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ.

Buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa lên, chiếc ghe máy đã chờ chúng tôi nơi khúc sông Mekong gần cây cầu Cảnh Hồng. Chỉ mới ba tuần lễ trước đây thôi, những cơn mưa lớn Vân Nam đã gây lụt lội và làm chết 12 người. Đây cũng là thời gian người bạn ở Nong Khai, một thị trấn đông bắc Thái ngay phía bên kia sông là Vạn Tượng, đã eMail cho biết: “là đang chạy lụt, mực nước sông Mekong lên cao vì cả tuần nay nước đổ ào ào xuống từ Vân Nam. Nước đã lên đến mé đường chạy dọc theo bờ sông. Xe cảnh sát chạy khắp phố báo động, nhiều cửa tiệm đã chất đầy bao cát ở cửa ra vào, hoặc chở các hàng hóa đi Udon Thani tránh lụt.”

Nay mực nước đã lại xuống thấp, những khối đá lớn nhỏ ven sông đã lại trồi lên. Sông sâu nhưng cũng phải thông thuộc nếu không có thể vỡ ghe vì va vào những tảng đá ngầm. Chiếc ghe máy chạy ngược dòng sông về hướng bắc, nơi sẽ xây con đập thủy điện Cảnh Hồng. Nước sông đỏ màu phù sa, vẫn chảy xiết với cả những vùng nước xoáy. Hai bên bờ sông là núi non. Trong tầm mắt nhìn thấy được, không còn đâu là những khu rừng mưa / rainforest nay được thay thế bằng những rừng cao su xanh ngút ngàn. Để thay thế cho những khu rừng mưa bị tàn phá, người ta trồng thay vào đó bằng những loại cây kỹ nghệ tương đối mọc nhanh như cây cao su, cây khuynh diệp (Eucalyptus)… tuy được mệnh danh là rừng-tái-sinh (reforestation) nhưng đó thực sự không phải là rừng mà chỉ là vùng đất nguyên là rừng nay trở thành vùng trồng thuần một loại cây kỹ nghệ / industrial monoculture tree plantation. Kế hoạch trồng cây kỹ nghệ này bắt đầu từ Thái Lan, rồi Vân Nam Trung Quốc sau đó lan nhanh sang Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Thực ra ai cũng hiểu rằng những khu rừng cây kỹ nghệ ấy không thể nào thay thế cho những khu rừng nguyên sinh, nếu không muốn nói tới những ảnh hưởng của một hệ sinh thái bất thường tác hại trên nước, trên đất, biến sinh cảnh trở nên cằn cỗi đối với cư dân sinh sống trong vùng…

Nhìn những búi cỏ rác khô và cả những túi rác ni lông đủ màu còn vướng trên những cành cây cao mới thấy được đỉnh lũ phải cao hơn mực nước hiện nay từ 3 tới 4 mét. Những túi ni lông chưa bị phân hủy, cũng để thấy rằng con sông Mekong đang là cống rãnh của các chất phế thải kỹ nghệ và cả rác rưởi của tiện dụng gia cư. Con sông vẫn chảy xiết giữa hai bên là núi cao lại thưa thớt dân cư; những hẻm núi cao dốc ấy là địa hình lý tưởng để mà xây thêm xây thêm những đập thủy điện. Dự án đập Cảnh Hồng / Jinhong đã có cùng thời với con đập Mạn Loan / Manwan, dự trù sẽ được khởi công vào năm 2005. Dù vào thời điểm nào, thì sớm muộn chuỗi đập Bậc Thềm Vân Nam trên dòng chính sông Mekong cũng sẽ được Trung Quốc từng bước hoàn tất do những lợi lộc vô hạn đem lại và sẽ không có thế lực nào có thể cản trở được họ. Điều ấy là chắc chắn.

Không phải bây giờ mà ngay giữa mùa nước cao ấy, Mika cô gái Nhật Bản đã trải qua 4 ngày 4 đêm trên một chiếc tàu hàng lớn với 5 người đàn ông lạ khác để đi ngược dòng sông Mekong từ Bắc Thái lên tới Cảnh Hồng. Nhỏ nhắn và xinh xắn như một cô nữ sinh trung học nhưng cô ấy lại là một giáo sư tiến sĩ của một đại học bên Anh thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á / Centre For South-East Asian Studies và dĩ nhiên phải gan cùng mình để chọn một cuộc hành trình nhiều hiểm nguy và gian truân như thế. Vì là tàu hàng cấm chở khách nhưng qua giới thiệu của một người quen, cô được phép lên tàu như một thân quyến của giang đoàn. Qua các trạm kiểm soát, cả năm người đàn ông ấy ai cũng sẵn sàng nhận cô làm vợ. Họ phải vất vả đi theo tàu xa gia đình hàng tháng trời, Mika đến với họ như một cơn gió mát nhưng cô lại cảm thấy an toàn vì người đàn ông nào cũng thấy có nghĩa cả bảo vệ cho cô. Chúng tôi lần đầu tiên gặp Mika trong một phiên chợ đầy màu sắc với những bộ y phục cổ truyền của sắc dân Akai thuộc nhóm tộc thiểu số Hani. Phiên chợ đối với họ không phải chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn là nơi phát triển các mối tương giao xã hội. Sắc dân Akai không chỉ sinh sống ở vùng tự trị Tây Song Bản Nạp / Xishuangbanna mà còn cả ở Bắc Thái và Lào. Đề tài khảo sát của Mika là Transnational Migration of Ethnic Minority Akai, đối với sắc dân này thì đường ranh giữa các quốc gia chỉ là một thứ biên giới ảo / virtual border. Cùng chia sẻ mối quan tâm về các sắc dân thiểu số, chúng tôi có nhiều điều để trao đổi và cũng nghĩ rằng vấn đề người Thượng ở Tây nguyên Việt Nam có thể là một đề tài nghiên cứu của Mika trong tương lai.

Hôm nay Mika đã cùng xuống thuyền với chúng tôi trong chuyến du khảo trên sông Mekong. Nước sông Mekong vẫn rào rào chảy xiết, cả rất xoáy và sủi bọt khi vòng qua những ghềnh đá. Bây giờ thì Mika mới bắt đầu biết sợ, cô không thể tưởng tượng được rằng mình đã trải qua hơn 4 ngày đêm lại ngược dòng trên con nước lớn cuộn sóng ấy.

Bây giờ mới tận mắt thấy xuôi dòng sông Mekong là những con tàu lớn chở hàng từ cảng Tư Mao / Simao xuống tới tận Bắc Thái và Lào, xuống xa tới Vạn Tượng. Vào tháng 4 năm 2001, Trung Quốc đã ký một thỏa ước về thủy vận trên sông Mekong nhưng chỉ với 3 quốc gia Miến Điện, Thái Lan và Lào với kế hoạch vét lòng sông, cả dùng cốt mìn chất nổ phá tung những khối đá trên các đoạn ghềnh thác, các đảo nhỏ trên sông để khai thông mở rộng đường sông cho tàu lớn trọng tải từ 500-700 tấn có thể di chuyển từ cảng Tư Mao Vân Nam xuống Chiang Khong Chiang Sean Thái Lan xuống thẳng tới Vạn Tượng thủ đô nước Lào. Trong khi Việt Nam và Cam Bốt là hai quốc gia cuối nguồn, trực tiếp chịu ảnh hưởng của kế hoạch ấy thì bị gạt ra ngoài. Hậu quả ra sao thì chưa ai lượng giá được nhưng chắc chắn nhịp độ thiên nhiên điều hòa của dòng chảy sẽ bị rối loạn có ảnh hưởng dây chuyền trên toàn hệ sinh thái sông Mekong. Mặt trời bắt đầu hồng lên trên đỉnh núi cao nhưng vẫn còn mờ sương. Ngược dòng chảy mạnh, chiếc ghe chạy chậm hẳn lại. Nhưng rồi cũng lần lượt ghé vào từng ghềnh đá nơi có đặt lưới từ qua đêm.

Cả thảy 12 chiếc lưới được đặt hai bên bờ ở những khúc sông khác nhau gần nơi sẽ xây con đập Cảnh Hồng. Mỗi chiếc lưới nay được chính tay chúng tôi kéo lên. Mỗi mẻ lưới đều có cá nhưng là những con cá nhỏ, nhỏ hơn cả những con cá lưới được trên khúc sông Vạn Tượng ở Lào hay nơi khúc sông Tonlé Sap ở Nam Vang. Cũng có mẻ lưới thật nặng không phải cá lớn mà do lưới mắc vào ghềnh đá. Tóm lại đây là một vụ thu hoạch nghèo nàn. Không nói tới những con cá hiếm quý như Pla Beuk, Dolphin nhưng ngay cả những con cá lớn quen thuộc của sông Mekong nay ở đâu? Tôi thì vẫn lạc quan tin rằng còn quá sớm để bảo rằng đó đã là hình ảnh của quá khứ.

ĐƯỜNG LÊN TƯ MAO

Tư Mao / Simao cách thị trấn Cảnh Hồng 165 km về hướng đông bắc, được coi như cửa ngõ để đi về phương nam xuống vùng tự trị Tây Song Bản Nạp. Con đường đèo tuy hẹp nhưng khá tốt. Potato thuê được một cô tài xế gốc Hán tóc ngắn tuổi mới ngoài 20, tay lái quá vững lại quen thuộc đường đi nên cô ấy vẫn không giảm tốc độ ở cả những khúc đường vòng. Chiếc xe vẫn chạy giữa một màu xanh của núi đồi, qua các thung lũng với sông và lạch.

Giữa con đường độc đạo ấy nơi lưng đèo gặp phải một trạm kiểm soát với những người lính Hồng quân còn rất trẻ. Họ kỷ luật lễ phép nhưng vẻ mặt thì quá lạnh lùng và cảnh giác. Cũng hình ảnh người lính Hồng quân ấy từ 28 năm nay đang ghì súng trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Truyền hình của nhà nước Trung Quốc luôn luôn có một kênh đài chỉ để phô trương sức mạnh quân sự của Hoa Lục.

Mọi người phải xuống xe để họ xét và giở xem từng trang cuốn sổ thông hành. Tuy mang thông hành Mỹ nhưng Potato lại giới thiệu chúng tôi là người Việt và Mika là người Nhật Bản. Họ yêu cầu được khám và lục soát xe từ trước ra sau; vì đây là con đường từ Thụy Lệ / Ruili một thị trấn biên thùy hoang dã giữa cực tây nam Trung Hoa và Miến Điện, được coi trục vận chuyển thuốc phiện từ khu Tam Giác Vàng vào Vân Nam. Những gì sẽ xảy ra nếu họ tìm ra được dù chỉ một chút ma túy trên chiếc xe của chúng tôi? Họ để chúng tôi đi sau khi không tìm thấy gì ngoài mấy thùng hàng khô nơi cốp xe sau của cô tài xế.

Cuối cùng chúng tôi cũng tới được thị trấn Tư Mao, địa danh rất nổi tiếng về các loại danh trà của Vân Nam, nằm trên hai con đường lịch sử: Con Đường Tơ Lụa Phương Nam / Southern Silk Road, như một hành lang doanh thương có từ thời Marco Polo sang tới tận La Mã và Con Đường Mã Trà / Tea-Horse Road nơi xưa kia xuất phát các đoàn xe ngựa thồ chở trà lên tận Tứ Xuyên và cả Tây Tạng. Nay thì người ta đang mở thêm một xa lộ có tên là Xa Lộ Vân Nam – Miến Điện dài 910 km từ Côn Minh tới Thụy Lệ, như một nhánh quan trọng trong mạng lưới giao thông. Giang cảng Tư Mao trên bờ sông Mekong nhưng lại cách thị trấn ngót 80 cây số, trời sẩm tối đường lại xấu nên chúng tôi quyết định trở lại Cảnh Hồng sau khi thăm mấy đường phố chính và cả thưởng thức mấy chung trà Pu’er nổi tiếng của Tư Mao. Về tới Cảnh Hồng, chúng tôi đã phải ở lại thêm một ngày nữa và phải ngủ gần qua đêm ngoài phi trường vì một trận bão lớn đang thổi vào Côn Minh.

HỒ ĐIỀN TRÌ / DIAN CÔN MINH VÀ CON SÔNG HỒNG

Những chuỗi hồ lớn nhỏ chạy dài xuống tới Hà Khẩu / Hekou biên giới phía bắc của Việt Nam đã tạo nên một địa hình rất đặc biệt của cao nguyên Vân Nam. Điền Trì / Dian là một biển hồ lớn nhất phía nam Côn Minh, đã từng được Marco Polo khi tới thăm thủ phủ Côn Minh vào thế kỷ thứ 13 mô tả như “một hồ lớn cả trăm dặm và lưới được rất nhiều cá”. Hồ có chiều dài hơn 40 km, diện tích 300 km2 (gần bằng nửa diện tích đảo quốc Singapore), phía tây là núi đồi, phía đông hồ, địa hình bằng phẳng, nguyên là khu chài lưới thịnh vượng nhưng do ô nhiễm từ các khu kỹ nghệ bờ đông nam nên đã không còn nhiều cá và thực sự không còn một nền ngư nghiệp.

Không sao xử lý được nước thải, không giải quyết được khối nước đã quá ô nhiễm trong Hồ Lớn Điền Trì – Wu thuật cho chúng tôi nghe về một kế hoạch táo bạo của chính quyền Vân Nam: dự trù chi phí 2 tỉ yuan để khai thông một đường dẫn cho thoát nước ra sông Hồng chảy qua Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông, sau đó thay thế bằng nước con sông Dương Tử dẫn vào hồ. Tuy chưa thể kiểm chứng được là có bao nhiêu phần trăm sự thật trong kế hoạch đầy sáng tạo nhưng độc ác của các “công trình sư Đại Hán” ấy. Làm sao mà kiểm chứng được khi các kế hoạch luôn luôn bị “bưng bít, giấu nhẹm” bởi nhà nước Trung Quốc, nhưng có thể chắc chắn một điều Wu người giáo viên trung học ấy không đủ giàu tưởng tượng để bịa đặt ra điều đó. Đổ tất cả ô nhiễm của hồ Điền Trì vào con sông Hồng như một đường cống rãnh, hậu quả sẽ ra sao trên bao nhiêu triệu cư dân Việt Nam nơi đồng bằng châu thổ đang sống bằng nguồn nước con sông Hồng và đây là điều sẽ được ai quan tâm tới? VN ta được biết gì về một kế hoạch “giải quyết môi sinh” theo lối ném bùn sang ao của chánh quyền Vân Nam?

Với tất cả “sự dè đặt” nhưng không thể không ghi lại sự kiện trên và hiển nhiên những bước tiếp theo là trách nhiệm của chánh quyền Hà Nội phải làm sáng tỏ vấn đề qua những “điều tra và kiểm chứng”, với sự góp sức của các nhà báo bên trong cũng như bên ngoài nước và của các nhà hoạt động môi sinh. Nếu như đó là sự thật – chỉ mong là không, thì hàng bao nhiêu triệu cư dân Việt đang sống trong vùng châu thổ sông Hồng sẽ nghĩ sao và phản ứng ra sao? Wu thực sự không ở tầm vóc để chúng tôi phải mở ra một cuộc tranh luận môi sinh và anh ta thì lúc nào cũng rất kiêu hãnh về những công trình đem lại thịnh vượng cho nước Trung Hoa.

 

09 / 2002

Trích Mekong dòng sông nghẽn mạch, Nxb Giấy vụn 2012

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.