Và chúng ta đã mù lòa trong ánh sáng

Phạm Phương

Phạm Phương

Phạm Phương

Không muốn bắt đầu câu chuyện bằng những lý lẽ, tôi đi tìm cảm giác trong lòng một người khác, một người mà tôi không thể nào hiểu nổi cho dù mọi giác quan đã trương phồng lên sau lớp thể xác cứng đơ. Tôi đơn độc nên chỉ biết bám dính vào những lỏng lẻo, hòng tìm cho mình chút ấm áp nhỏ nhoi trong vòng xoáy bạc nhược những đau thương vẫn lởn vởn quanh đây.

Tôi nắm được chúng, thậm chí đã làm tình với chúng.

-Đến ga Sài Gòn rồi…

Tiếng một đứa bé vang đến tai tôi trong không gian mờ mờ của toa tàu nhếch nhác. Đứa bé hình như có khuôn mặt háo hức đen đúa, đôi chân dài khòng, gầy guộc. Tiếng đứa bé không ê a hay phục tùng như những đứa trẻ khác mà cứng cỏi như một mệnh lệnh vẫn được đọc trên những chuyến bay sang trọng. Ghế gỗ cứng với những thanh gỗ đã bóng loáng nước sơn cũ in vào lưng tôi những vệt dài mà tôi cảm thấy chúng trũng xuống, mê mẩn đau, âm ỉ những hoài niệm.

Ga Sài Gòn.

Tôi giật mình thảng thốt nhìn ra không gian tối tăm bên ngoài, những khoảng đường màu nâu, những bóng người im lìm, chân trời trải rộng ra phía xa với những đường vân ánh sáng. Thành phố lạnh và buồn, sự huyền ảo vô nghĩa của một ngày nắng. Hay mọi người đang ồn ã, đang vui tươi, chỉ có tôi là lặng thinh. Hay là…

-Không sao chứ?! – Phương đặt tay vào vai tôi.

Ánh nhìn của hắn nhẹ bẫng như cánh hồng. Đôi mắt mòn đi vì con ngươi đã hóa màu nâu, có thể do một đêm không ngủ hoặc Sài Gòn đã bước vào mùa khô. Phương là một người đàn ông đẹp trai. Vẻ thánh thiện trên khuôn miệng hình chữ S làm cho khuôn mặt của Phương khác với vẻ tục tằn thường thấy trên những khuôn mặt đàn ông khác. Mũi cao thanh tú xóa đi những dấu ấn khắc nghiệt của tuổi ba mươi. Ánh mắt của Phương vốn nhẹ đã trở thành vô hồn. Vầng trán cao dường như thấp hơn dưới sức nặng của bầu trời Sài Gòn đang căng ra đè nén. Có lẽ Phương đang buồn mà cũng có thể đang vui. Tôi cố đoán định một cảm giác đâu đó rõ nét mà không được. Tôi sợ phải nhìn quá lâu vào hình dung dần nhòe đi ấy. Tôi không dám nhìn hắn nữa.

Bên ngoài cửa sổ bịt lưới mắt cáo là ánh sáng của ngày mới đang le lói sau những căn nhà dày đặc. Mùi mốc meo, mùi nước rửa bát, mùi người, tất cả quyện lại, quánh như mật đường. Ở sân ga, hành khách túa xuống, tất cả đều nhàu nhĩ, nước da dầu bóng loáng, mọng nước, cứ như chỉ chỉ cần chạm vào là sẽ tan ra. Không gian rộng lớn trải rộng trước mặt chúng tôi. Một không gian màu đen đen của buổi sáng, tiếng còi xe inh ỏi, những tải hàng hóa tuồn xuống đường phình phịch. Tất cả cuốn lấy chúng tôi vào nó như biển cuốn lấy nước ở một dòng sông.

Năm nay, tôi đã hai bốn tuổi. Cái tuổi căng tràn sức sống không đủ xóa đi hết ức chế, hoài nghi mà quá khứ tôi tự chuốc vào người. Vào một ngày trời rất lạnh, sau khi cầm trên tay tấm bằng đại học màu đỏ, tôi cố gắng lượn lờ khắp nơi để không bị rơi vào cảm giác hụt hẫng sau khi trút bỏ được ngôi trường mà trong suốt bốn năm trời tôi sống chết trụ lại. Tôi căm ghét nơi đó, với những khuôn mặt nghiêm cẩn, ẩn giấu nhiều bí mật. Bao giờ đến trường tôi cũng thủ sẵn một con dao nhọn dấu dưới đáy ba lô và chờ chực để giết người trong lúc khuôn mặt hờ hững. Không may mắn vì tôi đã không giết người nào cần phải giết.

Có lẽ vì tôi cũng sợ.

Sau cảm giác lên máu của kẻ vượt ngục thành công là cảm giác tụt dốc của một kẻ lạc loài không nơi bấu víu. Tôi không thích quê hương mình, cái nơi cũ kĩ và trì trệ luôn khiến tôi khó thở mỗi khi trở về, nhưng không thể không trở về mỗi lúc không còn nơi để đi. Nơi ấy cũng có những người cha người mẹ luôn yêu thương tôi và sẵn sàng bỏ rơi tôi lúc tôi cần với một vài lý do quá chính đáng. Bởi ngục tù cũng có những điều thú vị của nó nên tôi bắt đầu cuồng dại. Và, tôi lên tàu bỏ đi vào giữa mùa đông với chỉ mấy bộ quần áo cùng vài trăm nghìn bạc. Lúc đó, nơi đâu cũng vang lên chất giọng nhầy nhụa cùng tiếng đàn phừng phừng vô lý: “làm sao về được mùa đông?!”… Làm sao mà về được với những điều đã mất? Quá khứ là thứ không thể cầm nắm, không thể níu giữ ngay cả bằng tinh thần. Phải học cách chấp nhận để vươn lên. Nhưng, tôi không biết chấp nhận bằng cách nào. Thật sự không biết…

Bây giờ đã được hai năm sau khoảng thời gian đó.

Chuyến đi Sài Gòn lần này được chuẩn bị trong vòng vài ngày. Vào một chiều tối mệt rã rời sau khi rời công ty trở về, tôi viết đơn thôi việc, lưỡng lự với suất ăn nguội ngắt mua ở vỉa hè và nhận được điện thoại của Phương. Tôi không lấy làm ngạc nhiên. Hắn là người chợt xuất hiện, chợt biến mất trong cuộc đời tôi nhưng để lại nhiều sự tin tưởng, những mối hẹn và duyên số. Phương là một nhà văn, đầy khát vọng, khổ sở và những cuộc truy đuổi ảo ảnh. Tôi rất thích hắn nhưng chúng tôi không yêu nhau.

Sau lời đề nghị ngắn gọn nhưng dứt khoát, tôi cất lá đơn vào tủ và nói đồng ý.

Tôi lặng lẽ lên tàu lúc trời Hà Nội đã đen đặc vì cơn mưa sắp tới, ai nấy đều chạy tán loạn như vịt. Một vài quán nước vội vã để lại những vỏ chai xiêu vẹo trên nền trải nhựa đường. Những dấu vết vỡ nát của cơn mưa để lại, chỉ có hai kẻ trơ trọi chờ đợi. Tôi chờ đợi quá khứ, còn Phương chờ đợi điều gì? Trước giờ, hắn và tôi vốn dĩ chỉ là hai người xa lạ, nếu gọi là tình bạn thì chắc những tình bạn trên đời này đều trở nên nhòe nhoẹt. Cái cách hắn xuất hiện trước mặt tôi trên tầng hai một quán cà phê đầy mùi ẩm mốc của những tai quái mưu sinh trong đám đông ồn ào phía dưới và những tiếng leng keng cốc chén làm tôi cảm giác một hình bóng mềm mại đang đến gần. Hắn xuất hiện trong ráng chiều đỏ rực xuyên qua kẽ những chiếc lá nho hình ô van, đâu đó vướng đầy dư vị của những nụ hôn mùi Shilulan.

Thật nồng nàn!

Tôi nhếch mép cười trong  lúc Phương chở tôi trên chiếc Mobylette đi thuê đã quá cũ, kêu khe khẽ như một con bò già trong cơn hấp hối. Một chuyến đi xuyên qua những con đường trưa nắng chảy dài mồ hôi. Tôi nhớ khi xưa trong nắng khét thèm khát những khoảng không gian ngập tràn mát lạnh của quán cà phê bên cạnh hồ Con Rùa, tiếng nói mảnh dẻ của người phục vụ bàn có cái mũi cao như Tây và ánh mắt trong vắt đang cười. Nhưng thật sự không phải người Sài Gòn nào cũng thế, người Sài Gòn rõ nét chỉ còn trong kí ức của tôi.

-Chúng ta đi đâu thế? – Tôi hỏi.

Tôi hỏi nhưng không chờ câu trả lời. Đi đâu cũng được, bởi vì đây là Sài Gòn rồi. Sài Gòn đang lướt nhanh qua tôi trên những hàng cây, bóng nắng ngả màu úa. Người Sài Gòn chắc vẫn luôn ngồi đó, bên bàn nhỏ, một góc khuất đầy mùi nắng trong quán rượu trên đường Bình Giã chờ tôi.

Đường Bình Giã thắt cổ chai. Đi trên đó sẽ cảm giác đang lia qua sân bay, mùi bánh mì thịt thơm nức hai vỉa hè, cứ như thể chỉ cần ăn xong một chiếc bánh mì, cảm thấy mùi phóng đãng của Sài Gòn để dứt áo bước lên máy bay, trở về luôn. Hà Nội vốn dĩ là nhà, là người cho tôi cảm giác gia đình, còn Sài Gòn là tình nhân say đắm. Người Sài Gòn không biết làm gì cho tôi, không biết làm gì để vạch bức màn u tối luôn bó lấy trái tim tôi, Người Sài Gòn chỉ biết cùng tôi phiêu du vào những miền khác mà bất kì một kẻ nào đang cố trườn ra khỏi cuộc sống cũng có những mộng mị ươn hèn như vậy.

Người Sài Gòn còn trẻ. Hình dáng to lớn, nước da rám nắng của người miền biển, đôi mắt to tròn phảng phất nét Chăm pa. Vẻ cổ điển trần tục trong đôi tay dài mỏng mảnh. Nét thiên đường vướng trên từng sợi tóc rậm, đượm mùi nắng. Đêm đó, trong một quán rượu trên đường Bình Giã, sao Người Sài Gòn buồn thế? Chẳng phải người ta vẫn nói người Sài Gòn rất phóng khoáng và giàu sức sống hay sao? Trong quán, Người Sài Gòn hờ hững nghe tôi nói sẽ trở về Hà Nội và uống, hoa quỳnh đã nở trong lòng, không ai hiểu nổi những mê mải còn lại đến phút cuối. Tôi lao vào hôn say đắm đôi môi nồng nàn, sau những đơn côi chỉ còn lại một vệt dài mờ mịt trước mắt tôi những đường chia ly. Đêm đó, đúng ngày này, tháng Sáu, hai năm về trước, tôi dâng hiến sự trong trắng của mình cho Người Sài Gòn. Tôi không sợ hãi, dũng cảm tiến đến. Những đê mê của ân ái không làm tôi đau đớn, đó chỉ còn là một cảm giác dấn thân kì diệu. Gối chăn sắc lẻm, cứa vào tim tôi những vệt dài.

Vậy là xong, tôi đã trở về, trở lại tôi, mệt mỏi mỗi khi quá buồn và điên lên vì tiền bạc. Tôi không còn run sợ trước tất cả mọi chuyện, đã học được cách im lặng để tồn tại. Thậm chí đã quên mất quá khứ để sinh tồn như một bản năng.

Từ đó, Người Sài Gòn và tôi không còn liên lạc gì.

Lưng Phương đã ướt nhẹp mồ hôi, hắn không nói gì từ lúc bắt đầu ngồi lên xe máy. Hắn không có mùi đàn ông bởi vì hắn không phải là người tình! Tiếng động cơ khét lẹt đánh thức tôi ra khỏi giấc mơ của mình. Tôi đưa tay luồn vào bụng Phương để tìm một chút trấn an. Phương đưa tay trái giữ lấy tay tôi.

-Tay em ướt quá!

Chiếc xe máy rồ ga phi lên, tôi nhìn thấy những khuôn mặt người quanh đó, không phải những khuôn mặt cười. Những hàng me hai bên đường đu đưa theo gió, những vệt nắng vẽ lên kí ức của tôi những đường cong vênh. Dường như mọi thứ đều đã biến mất, chỉ còn cảm giác của mình tôi.

Căn nhà nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở quận 12, gần bến xe An Sương, nép sau con kênh nước đen ngòm và những cây dừa còi cọc. Quanh đây có một vài cái cầu vượt vững chắc, cô đơn. Lớp khói bụi bám dày đặc vào hàng cây hồng bì giữa đường như một lớp kem sô cô la trên tấm bánh bẩn thỉu, thiu thối. Những đôi mắt bốc mùi tham vọng. Tất cả cuộn lại trên cảm giác của tôi, nơi mà Phương đang cố gắng hướng đến một nơi nào đó trong ngôi nhà này. Trước nhà có dàn hoa giấy nâu vữa như xác chết nhưng thực ra vẫn sống, chỉ là đã quá già. Trong nhà có những thứ nội thất cổ, tuổi không quá trăm năm nhưng đã lên nước sơn bóng loáng và cũ kĩ. Tiếng chuông gió lanh lảnh, gõ nhịp vào đơn độc.

Người đàn ông ngồi giữa nhà, trên một chiếc xe lăn, chăn phủ lên đầu gối, đang cầm một cuốn sách chữ Braille. Ông ấy bị mù. Mặt Phương đã tái dại đi, mắt long lanh, thất thần nhưng hắn không khóc. Ông ta sờ tay lên cuốn sách, khuôn mặt chăm chú như đang ngẫm nghĩ nhưng những nếp nhăn đã chùng xuống, chạm vào vô ưu.

-Em đã đến rồi à? – Ông ta hỏi bằng giọng Sài Gòn.

Tôi định trả lời, nhưng tôi biết câu hỏi đó không dành cho mình. Nó dành cho Phương… Không trả lời, hắn tiến đến, lấy trong ba lô ra những cuốn sách nặng nề đặt lên giá.

-Thật sự thể xác anh đã rất mệt mỏi, em thấy đấy, đáng lẽ ra họ nên đưa anh vào viện bảo tàng để trưng bày cũng với những thứ mà anh sẽ giao cho em sau đây.

Giọng ông ta vui vẻ lạ thường, khác với biểu hiện trước đó. Dường như không nhận ra sự có mặt của tôi, ông tiếp tục nói:

-Anh biết chẳng biết bắt đầu từ đâu. Chẳng lẽ lại bắt đầu từ ngày chúng ta gặp nhau ở bệnh viện? Và rằng anh là một con lừa già ngu ngốc còn em là một cậu trai chán đời? Hai kẻ tự sát để gặp nhau trong một tình cảnh nực cười. Toàn những điều nhảm nhí như chính cái giả dối trong nghề của chúng ta thường phải bôi ra để tìm sự hài lòng của độc giả…

Phương không đáp lại một câu nào, hắn lặng thinh ngồi xuống. Đôi vai căng cứng như sợ một ý nghĩ nào đó sẽ rớt ra từ não hắn, chạm vào bầu không khí dễ tổn thương này.

Người đàn ông không nói gì, kéo xe quay mặt vào trong sờ soạng, mở ngăn tủ lấy ra những trang bản thảo nguệch ngoạc đầy những dòng chữ không thể đọc được.

-Em hãy hoàn thiện nó sau khi anh chết, hãy tìm thấy ánh sáng trong lòng em? Đừng là anh, nó từ đầu đến cuối luôn là của em.

Tôi nhìn thấy nắng chiếu xuyên qua tóc của ông ấy, nhưng mạch máu đang trào ra khỏi huyết quản. Người Sài Gòn trước mặt tôi rất dũng cảm và đầy bi thương. Tôi cũng vậy… Tôi cũng vậy.

-Văn chương của chúng ta cũng có những ước muốn khó hiểu, mọi giới hạn đều vô nghĩa. Văn chương buồn rầu và đơn độc nhưng đó là nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì không tai ác như thứ mà cảm giác vốn có. Đừng sợ hãi!

-…

-Cuộc đời anh thật sự đã rất vui và ý nghĩa. Bây giờ thì anh sắp phải đi rồi.

Phương không nói gì thêm nữa. Hắn dọn dẹp căn nhà, lấy khăn lau người cho người đàn ông và đọc sách cho ông ấy nghe, giọng đau khổ. Người đàn ông vẫn không biết sự có mặt của tôi. Có lẽ ông ấy không còn ngửi thấy mùi nào khác ngoài mùi của sự giải thoát nữa nữa.

Quá khứ và hiện tại là hai điều tách biệt. Quá khứ vốn là thứ không thể tìm về. Cũng như cái cách tôi ra đi không thể khiến tôi sống lại những thời khắc xa xưa. Chỉ còn lại trong tất cả khát vọng và mơ ước. Quá khứ chỉ thuộc về chúng ta khi chúng ta dùng nó để diễn dịch hiện tại và hành động cho tương lai. Tôi biết thế nhưng tôi nằm ngoài nó.

Dường như vậy!

Sài Gòn đã về đêm, tôi quẩn quanh trong những con đường. Giờ này, Phương đang chìm trong thế giới của riêng hắn, những cảm nhận khác, những nỗi đau khác, những lạc lõng khác . Còn tôi, tôi đang đi đâu?

Tôi đang đi đâu?…

Tôi cũng không biết…

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.