Vòng tròn ma thuật (kỳ 12)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

6.

Rắc rối xảy ra vào ngày thứ năm hay thứ sáu: Rubashov bị ngất trong khi đang lấy lời khai. Họ vừa bắt đầu thảo luận điều khoản quyết định của bản cáo trạng, đấy là động cơ hành động của Rubashov. Trong bản cáo trạng, động cơ được xác định đơn giản là “tư tưởng phản cách mạng” và chỉ nói khơi khơi, như thể đấy là một sự kiện hiển nhiên, rằng anh là gián điệp của quốc gia đối địch. Rubashov kiên quyết phản đối qui kết như thế. Buổi thẩm vấn bắt đầu ngay từ lúc rạng đông và đến khoảng giữa buổi sáng thì Rubshov bỗng nhiên gục xuống rồi ngã lăn ra đất, bất tỉnh nhân sự.

Mấy phút sau Rubashov mới tỉnh, anh nhìn thấy một tay bác sĩ đầu bé tí, tóc lưa thưa đang cầm một chai nước tưới vào mặt, còn tay kia thì chà sát hai bên thái dương. Mùi bạc hà cộng với mùi bánh mì đen và tóp mỡ làm anh nôn thốc nôn tháo. Tay bác sĩ chửi ầm lên, giọng hắn the thé, nghe rất chói tai; sau đó hắn bảo rằng cần phải đưa Rubashov ra ngoài trời một lúc. Gletkin đứng nhìn, mặt vẫn lạnh như tiền. Hắn bấm chuông gọi người tạp vụ, ra lệnh giặt tấm thảm rồi mới bảo đưa Rubashov về buồng giam. Một lúc sau anh được người giám thị già dẫn ra sân.

Bầu không khí trong lành làm Rubashov cảm thấy ngây ngất. Anh nhận thấy mình có hai lá phổi đang hít lấy hít để khí trời. Trời quang nhưng ánh nắng rất yếu; mười một giờ đúng, ngày xưa, tức là trước khi bắt đầu chuỗi ngày đêm bất tận vừa qua, đây chính là lúc anh thường được cho ra ngoài đi dạo. Anh đúng là một thằng ngốc, lúc đó anh đâu có biết giá trị của nó. Tại sao lại không thể sống, không thể thở, không thể hưởng cái thú đi dạo trên tuyết và để cho ánh mặt trời mơn man trên gò má? Tại sao lại không tìm cách kết thúc những cơn ác mộng, kết thúc cảnh bị hành hạ dưới ánh đèn pha và sống như bao người khác?

Lần này đi bên cạnh vẫn là anh nông dân với đôi giày rách nọ. Anh ta liếc nhìn Rubashov đang ngật ngưỡng bước rồi hắng giọng hai ba lần, mắt vẫn không rời mấy người lính gác, và nói:

“Thưa ông, lâu lắm không trông thấy ông. Trông ông yếu lắm, khéo ông chẳng sống được lâu nữa đâu. Người ta bảo sắp có chiến tranh rồi.”

Rubashov không trả lời. Anh chỉ muốn cúi xuống, vốc một nắm tuyết rồi đưa luôn vào miệng mà thôi. Đám tù nhân chậm chạp bước. Đằng trước, cách hai mươi bước là một cặp, cao gần bằng nhau, trùm áo mưa xám, đang lê bước, hơi thở gặp lạnh biến thành đám khói màu xám ngay trước mũi từng người.

“Sắp đến mùa gieo xạ rồi”, anh nông dân lại lên tiếng. “Ngay sau khi tuyết tan chúng tôi thường xua cừu vào núi. Phải mất ba ngày mới tới nơi. Trước đây cả làng cùng lùa cừu đi trong một ngày. Ngay lúc mặt trời mọc là tất cả mọi con đường trong làng đã đầy cừu rồi, cả làng cùng đi luôn. Thưa ông, có lẽ chưa bao giờ ông nhìn thấy nhiều cừu, nhiều chó, nhiều bụi, nhiều tiếng chó sủa, nhiều tiếng cừu be be đến như thế đâu. Lạy Chúa tôi! Vui ơi là vui cơ…”

Rubashov ngước mắt nhìn trời, nắng vẫn còn yếu nhưng hơi ấm của mùa xuân dường như đã phảng phất đâu đây. Phía trên hàng rào tháp canh một đôi chim đang tung cánh, múa lượn, hình như chúng đang vờn nhau.

Anh nông dân lại tiếp tục:

“Những ngày, khi tuyết bắt đầu tan như thế này, thật vui biết bao. Nhưng thưa ông, chúng ta chẳng còn được mấy nỗi nữa đâu. Họ sẽ giết hết vì chúng ta là phản động, vì sẽ không còn những ngày hạnh phúc như xưa nữa…”

“Anh có cảm thấy thật sự hạnh phúc không?”, Rubashov hỏi, nhưng không nghe được rõ câu trả lời, chỉ thấy yết hầu anh ta nâng lên hạ xuống vài lần. Rubashov liếc nhìn anh ta và sau đó lại hỏi:

“Anh có nhớ đoạn trong Kinh thánh nói về việc dân chúng đòi quay lại Ai Cập không?”

Anh nông dân gật đầu, nhưng rõ ràng là anh ta không hiểu Rubashov nói gì. Thời gian đi dạo vừa chấm dứt, đám tù nhân bị xua ngay vào nhà.

Không khí trong lành cũng chẳng giúp được mấy, Rubashov đã lại cảm thấy mí mắt nặng trĩu, đầu váng vất và buồn nôn như cũ. Anh vội cúi xuống bốc một nắm tuyết xoa lên trán và hai bên mí mắt.

Anh tưởng sẽ được đưa về buồng giam, nhưng hoá ra lại bị dẫn ngay đến phòng làm việc của Gletkin. Hắn vẫn ngồi sau cái bàn viết, đúng như lúc Rubashov được đưa ra ngoài. Không biết đã lâu chưa nhỉ? Có cảm giác như hắn không nhúc nhích tí nào trong suốt thời gian anh đi dạo. Rèm cửa sổ đã được kéo lên, đèn vẫn còn sáng, căn phòng giống như một cái ao tù, thời gian dường như đang dẫm chân tại chỗ. Khi ngồi xuống cái ghế đối diện với Gletkin, Rubashov bỗng nhìn thấy một vết bẩn trên cái thảm. Đúng rồi, anh đã bị nôn. Hoá ra chuyện đó mới xảy ra cách đây một tiếng đồng hồ.

“Chắc là anh đã ổn rồi”, Gletkin nói. “Lúc đó chúng ta đang nói đến vấn đề cuối cùng, tức là động cơ hoạt động phản cách mạng của anh.”

Hắn tò mò liếc nhìn tay phải của Rubashov lúc đó vẫn còn giữ một nắm tuyết đang tan. Rubashov không rời ánh mắt của Gletkin, anh khẽ mỉm cười và giơ bàn tay lên. Cả hai cùng ngắm nhìn chỗ tuyết đang tan dần dưới ánh đèn pha.

“Động cơ là vấn đề cuối cùng”, Gletkin nói. “Nếu anh công nhận thì coi như chúng ta kết thúc công việc.”

Lâu lắm rồi hắn mới vặn ánh đèn sáng chói như hôm nay. Rubashov nhắm tịt mắt lại.

“… Lúc đó anh có thể nghỉ ngơi”, Gletkin nói tiếp.

Rubashov đưa tay lên thái dương, nhưng hơi lạnh đã không còn. “Nghỉ ngơi”, mấy từ đó như còn văng vẳng bên tai Rubashov. Nghỉ và ngủ. Hãy để cho chúng tôi quay về Ai Cập…

“Anh biết rõ động cơ của tôi”, Rubashov nói. “Anh biêt rằng tôi hành động không phải vì “có tư tưởng phản cách mạng”, tôi cũng không phải là gián điệp của nước ngoài. Tất cả những việc tôi làm đều xuất phát từ lương tâm và nhận thức của chính tôi.”

Gletkin lôi ngăn kéo bàn, lấy ra một tập hồ sơ và bắt đầu đọc:

“…Chúng ta không quan tâm đến niềm tin của chủ thể. Người sai sẽ phải trả giá, còn người đúng thì sẽ được miễn thứ. Luật của chúng ta là như thế…”, hắn ngẩng lên nhìn Rubashov và nói thêm: “Anh viết trong nhật ký ngay sau khi bị bắt như thế.”

Rubashov cảm thấy cái ánh sáng lập loè quen thuộc đang nhấp nháy đằng sau hai mí mắt nhắm nghiền. Những điều anh viết trong nhật ký, qua miệng lưỡi Gletkin, bỗng trở thành thô lỗ và trần trụi chẳng khác gì lời cầu kinh ghi trên đĩa hát.

Gletkin lấy ra một trang nữa rồi vừa lạnh lùng nhìn Rubashov vừa đọc thêm một câu:

“Người trung thực là người phục vụ hết mình mà không tự phụ và chấp nhận mọi hậu quả.”

Rubashov cũng nhìn chằm chằm vào mặt Gletkin.

“Tôi không hiểu”, anh nói, “Đảng sẽ được lợi lộc gì nếu các đảng viên tự bôi tro trát trấu vào mặt mình. Tôi đã ký tất cả những điều anh yêu cầu. Tôi đã nhận tội vì có những hành động sai lầm. Thế vẫn chưa đủ hay sao?”

Anh đeo kính lên, nhưng không mở mắt ra được, rồi nói thêm với giọng mệt mỏi, khàn khàn:

“Dù sao thì tên tuổi Rubashov cũng là một phần của lịch sử Đảng ta. Bôi tro trát trấu vào mặt y cũng có nghĩa là bôi tro trát trấu vào lịch sử của Cách mạng.”

“Tôi chỉ có thể trả lời anh bằng chính những điều anh đã viết”, Gletkin nói”. “Anh viết như sau”:

“Quần chúng dễ dàng tiếp thu được những ý tưởng đơn giản và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cái đúng phải được đánh bóng cho sáng như gương, cái sai phải được bôi cho đen như than. Để quần chúng hiểu thì các hiện tượng chính trị cũng phải được tô cho thành loè loẹt như mấy con tò he.”

Rubashov ngồi im không đáp. Một lúc sau anh mới nói:

“Tôi hiểu mục đích của anh: Tôi phải đóng vai ngạ quỉ, phải tru lên, phải nghiến răng, thè lưỡi, một cách hoàn toàn tự nguyện. Danton và các đồng chí của ông đã không phải làm như thế.”

Gletkin gấp tập hồ sơ. Hắn khẽ vươn người ra phía trước và sửa lại áo sơ mi.

“Khai như thế trước toà là trách nhiệm cuối cùng của anh trước Đảng.”

Rubashov không trả lời. Mắt vẫn nhắm, anh tưởng tượng như đang thiu thiu ngủ dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng giọng Gletkin thì không cách nào tránh được.

“So với những gì đang diễn ra ở đây thì Danton và Quốc ước chỉ là một trò hề, không hơn, không kém. Tôi đã đọc vài cuốn sách viết về mấy ông Danton này, họ vẫn đội tóc giả và chỉ quan tâm đến chuyện bảo vệ cái danh dự hão của mình mà thôi. Đối với họ, ngay cả trước khi chết, danh dự cá nhân còn quan trọng hơn sự nghiệp chung.”

Rubashov vẫn không trả lời. Giọng Gletkin như xoáy vào óc não, dội vào màng tai từ khắp cả các hướng, đập liên tục vào hộp sọ nhức buốt.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Cách mạng không chỉ giành mà còn giữ được chính quyền. Đất nước chúng ta đã trở thành tiền đồn của thời đại mới. Tiền đồn này bao gồm một phần sáu diện tích thế giới và một phần mười dân số trái đất.”

Lúc này giọng Gletkin vang lên không phải từ phía trước mà là từ phía sau Rubashov. Hắn đã đứng lên và đi đi lại lại dọc theo căn phòng. Đây là lần đầu tiên hắn làm như thế. Đôi ủng kêu cọt kẹt theo mỗi bước chân, bộ đồng phục là phẳng thỉnh thoảng lại kêu sột soạt, Rubashov nhận rõ mùi mồ hôi quyện lẫn mùi da thuộc.

“Khi Cách mạng mới thành công chúng ta tin rằng nhân dân các nước khác cũng sẽ theo gương chúng ta. Nhưng làn sóng phản cách mạng đã trỗi dậy và suýt nữa nhấn chìm ngay chính chúng ta. Đảng chia thành hai phe. Phe thứ nhất là những kẻ phiêu lưu. Để xuất khẩu cách mạng, họ sẵn sàng hi sinh tất cả thành quả mà chúng ta đã giành được. Anh thuộc nhóm này. Đảng đã nhận ra tính chất nguy hiểm của nó và đã ra tay tiêu diệt.”

Rubashov muốn ngẩng đầu lên để nói vài câu. Tiếng bước chân của Gletkin dội vào óc như tiếng trống ngũ liên. Anh đã mệt lắm rồi, đành ngả người ra đằng sau và nhắm chặt mắt lại.

“May mà Lãnh tụ của Đảng ta”, Gletkin tiếp tục, “nhìn xa trông rộng hơn rất nhiều. Người hiểu rằng chúng ta phải vượt qua giai đoạn thoái trào hiện nay và bảo vệ cho bằng được tiền đồn của Cách mạng. Người hiểu rằng giai đoạn này có thể kéo dài; mười, hai mươi mà cũng có thể năm mươi năm nữa tình hình mới lại chín muồi cho một làn sóng cách mạng mới. Trước khi điều đó xảy ra chúng ta là những kẻ đơn thương độc mã. Trước khi điều đó xảy ra chúng ta chỉ có một nhiệm vụ: tìm mọi cách để sống còn.”

Rubashov lờ mờ nhớ lại một câu tương tự: “Người cách mạng có trách nhiệm bảo toàn mạng sống của mình”. Ai đã nói câu đó? Chính ta đã nói? Hay Ivanov? Ta đã hi sinh Arlova nhân danh nguyên tắc này. Và nay nó đã đưa ta đến đâu?

“…Tìm mọi cách để sống còn”, giọng Gletkin như xoáy vào óc não. “Chúng ta phải bảo vệ thành quả của Cách mạng bằng mọi giá, chúng ta sẵn sàng hi sinh tất cả. Lãnh tụ Đảng đã đưa ra khẩu hiệu thiên tài đó và kiên trì áp dụng nó trong thực tiễn. Đường lối của Quốc Tế phải phù hợp với chính sách của nước ta. Bất cứ kẻ nào không hiểu điều đó cũng sẽ bị thủ tiêu. Tất cả những cán bộ tốt nhất của chúng ta ở châu Âu cũng sẽ bị thủ tiêu. Vì quyền lợi của Cách mạng, chúng ta sẽ kiên quyết đập tan ngay cả các tổ chức của chúng ta ở nước ngoài. Chúng ta sẵn sàng hợp tác với các chính phủ phản động trong việc đàn áp các phong trào cách mạng nếu nó diễn ra không đúng lúc. Để bảo vệ tiền đồn của Cách mạng, chúng ta sẵn sàng phản bội lại bạn bè và thoả hiệp với chính kẻ thù của mình. Đấy là nhiệm vụ mà lịch sử đã giao phó cho chúng ta. Những kẻ thiển cận, những nhà đạo đức học không thể nào hiểu được chuyện này. Nhưng lãnh tụ của Cách mạng, với tầm nhìn chiến lược tài ba, đã chỉ rõ: ai gan lì hơn thì người đó sẽ chiến thắng.”

Gletkin dừng bước. Hắn đứng ngay phía sau ghế của Rubashov. Vết sẹo trên cái đầu cạo trọc lấp lánh mồ hôi. Có vẻ như hắn cảm thấy ngượng vì không giữ được vẻ điềm đạm như mọi khi; miệng thở hổn hển, hắn lấy khăn mùi xoa lau trán rồi trở về chỗ vẫn ngồi phía sau cái bàn viết. Hắn vặn nhỏ đèn lại và tiếp tục câu chuyện với giọng lạnh lùng như cũ:

“Đường lối của Đảng được xác định một cách rõ ràng. Chiến thuật của Đảng được xác định bởi nguyên tắc: Mục đích biện minh cho phương tiện, mọi phương tiện, không có ngoại lệ nào. Trên tinh thần đó, Công tố viên sẽ kết án tử hình anh.”

“Công dân Rubashov, phái của anh đã bị đập tan và bị tiêu diệt rồi. Các anh định chia rẽ Đảng, mặc dù biết rằng chia rẽ thì nhất định sẽ dẫn đến nội chiến. Anh biết rằng nông dân đang bất bình, họ chưa hiểu được ý nghĩa của những hi sinh, mất mát mà họ đang phải chịu đựng. Cuộc chiến tranh sẽ diễn ra trong nay mai, mọi dao động đều sẽ dẫn đến những tai họa khôn lường. Vì vậy Đảng phải giữ vững sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đảng viên phải như được đúc từ một khuôn với kỷ luật sắt và lòng trung thành tuyệt đối. Công dân Rubashov, anh và những kẻ đồng hội đồng thuyền đã cố tình phá hoại sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Nếu thực sự hối cải thì anh phải giúp chúng tôi hàn gắn lại vết nứt đó. Đấy là nhiệm vụ cuối cùng Đảng giao cho anh.”

“Nhiệm vụ của anh rất đơn giản. Thực ra anh đã tự xác định rồi: đánh bóng cái Đúng và bôi đen cái Sai. Đường lối của phe đối lập là sai. Nhiệm vụ của anh là tố cáo phe đối lập, là làm cho quần chúng hiểu rằng đối lập là tổ chức tội phạm, các lãnh tụ đối lập là những tên tội phạm hình sự. Nói đơn giản như thế thì quần chúng sẽ hiểu được ngay. Còn nếu anh nói về những động cơ phức tạp thì chỉ làm cho họ rối trí thêm mà thôi. Ngoài ra anh phải nói làm sao để quần chúng không tỏ thái độ đồng cảm hay thương hại gì hết. Thương hại hay đồng cảm với đối lập là mối nguy lớn đối với đất nước.”

“Đồng chí Rubashov, tôi hi vọng rằng đồng chí đã hiểu trách nhiệm của mình trước Đảng.”

Đây là lần đầu tiên Gletkin gọi Rubashov là “đồng chí”. Rubashov lập tức ngẩng đầu lên. Anh cảm thấy hồi hộp, như có một luồng hơi ấm chạy khắp thân thể, không thể nào chế ngự được. Khi đeo kính lên anh cảm thấy gò má giật nhẹ.

“Vâng, tôi hiểu”,Rubashov khẽ nói.

“Xin nhớ”, Gletkin tiếp tục, “đối với anh, Đảng không hứa hẹn bất cứ điều gì. Một số nghi phạm đồng ý hợp tác sau khi áp dụng các biện pháp nghiệp vụ. Số khác thì được hứa sẽ tha hay sẽ tha những người thân của họ đang bị chúng tôi giữ làm con tin. Nhưng với đồng chí Rubashov, tôi xin nói rằng Đảng không mặc cả, cũng không hứa hẹn bất cứ điều gì.”

“Tôi hiểu”, Rubashov nhắc lại.

Gletkin mở tập hồ sơ.

“Tôi rất ấn tượng với một đoạn nhật ký của anh”, hắn nói. “Anh viết như sau: ‘Tôi tư duy và hành động theo lương tâm của mình. Nếu đúng thì tôi sẽ chẳng có gì phải ân hận, còn nếu sai thì tôi sẽ phải trả giá’.”

Glekin ngẩng lên và nhìn thẳng vào mắt Rubashov:

“Đồng chí Rubashov ạ, đồng chí đã sai và sẽ phải trả giá. Đảng chỉ có thể hứa với đồng chí một điều: Sau thắng lợi, một ngày nào đó, khi các hồ sơ mật như thế này trở thành vô hại thì Đảng sẽ cho công bố. Khi đó thế giới sẽ biết gốc gác của vở hài kịch, như anh gọi, mà chúng ta buộc phải diễn cho phù hợp với giai đoạn lịch sử hiện nay…”

Gletkin ngừng lời và đưa tay sửa lại áo sơ mi rồi lúng túng nói thêm, trong khi vết sẹo trên đằu hắn đỏ lựng lên:

“Lúc đó, anh và bạn bè anh thuộc thế hệ cũ sẽ được quần chúng tỏ lòng thương hại và thông cảm. Hôm nay thì chuyện đó không thể xảy ra được.”

Vừa nói như thế Gletkin vừa đẩy tờ biên bản về phía Rubashov, rồi đặt cái bút máy xuống bên cạnh. Rubashov đứng lên, miệng cười méo xệch và nói:

“Tôi luôn tự hỏi không biết khi bọn Neanderthal xúc động thì trông sẽ như thế nào? Bây giờ thì rõ rồi.”

“Tôi không hiểu ý anh”, Gletkin nói và cũng đứng dậy theo.

Rubashov ký biên bản, công nhận rằng đã phạm tội vì có tư tưởng phản cách mạng và làm tay sai cho nước ngoài. Khi ngẩng đầu lên anh bỗng nhìn thấy bức ảnh của Anh Cả treo trên tường và chợt nhớ lại nụ cười thông thái và đầy vẻ giễu cợt khi hai người bắt tay nhau trong lần gặp gỡ cuối cùng, nụ cười giả dối trên những bức ảnh treo khắp mọi hang cùng ngõ hẻm đang nhìn xuống thế gian.

“Không hiểu cũng không sao”, Rubashov đáp. “Có những việc mà chỉ thế hệ cũ, những người như Ivanov, Rubashov hay Kieffer hiểu được mà thôi. Nhưng thời ấy đã qua rồi.”

“Trước khi ra toà thì sẽ không ai được động đến anh nữa”, sau một lúc yên lặng, Gletkin lên tiếng với giọng lạnh lùng và khô khan như cũ. Nụ cười của Rubashov làm anh ta lúng túng. “Anh có mong muốn gì nữa không?”

“Ngủ”, Rubashov đáp. Anh đứng ngay giữa khung cửa mở rộng. Bên cạnh người bảo vệ khổng lồ, anh như già đi, nhỏ bé hơn với chòm râu thưa, cặp kính cũ, vai so lại, trông thật tội nghiệp.

“Tôi sẽ hạ lệnh không ai được làm ồn khi anh ngủ”, Gletkin nói.

Cánh cửa đã đóng lại. Gletkin quay về sau chiếc bàn viết. Hắn ngồi yên như thế một lúc. Sau đó hắn mới rung chuông gọi người thư ký.

Cô thư ký lặng lẽ ngồi vào cái góc vẫn dành cho mình. “Đồng chí Gletkin, xin chúc mừng thắng lợi”, cô ta nói.

Gletkin vặn nhỏ ngọn đèn.

“Cái này”, vừa nói hắn vừa nhìn bóng đèn, “cộng với nhiều đêm mất ngủ và kiệt sức – tất cả chỉ có thế thôi. Vấn đề là thể chất của con người”.

Comments are closed.