Thì thôi, nói về mình vậy

Nhà phê bình kiêm nhà Nga học Đào Tuấn Ảnh, nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Dostoevski, đã đề nghị có cuộc trao đổi đầy ngẫu hứng với tôi về sáng tác văn học và về một vài tác phẩm cụ thể của tôi, trong đó có tiểu thuyết “Đất mồ côi”. Tôi cảnh báo trước với bà là sẽ chẳng có tờ báo chính thống nào dám in, bởi ĐẤT MỒ CÔI là từ khóa bị kiểm soát. Tôi đưa ra vài bằng chứng, nhưng bà có vẻ không tin. “Sẽ có báo đăng, làm gì có chuyện lại sợ một cuốn sách”. Vài tháng sau, bà nhắn tôi: “Bài trao đổi giữa em và chị sẽ đăng ở…” Tôi chỉ khẽ mỉm cười. Cuối cùng mới đây bà nhắn: “Thôi, em đưa lên trang của em đi. Thế này thì đến tết Công-gô… Ngồi đấy mà mơ!”

Được phép của bà chị, tôi đăng lên cho vui.

Tạ Duy Anh

__________________

   

image

image

 

Đào Tuấn Ảnh (ĐTA):

Thế giới tác phẩm nghệ thuật rộng lớn và mỗi người, với sự hiểu biết tương đối, cũng chỉ có thể nắm được vài khía cạnh của tác phẩm mà anh ta cho là quan trọng. Sự tương hợp (và không tương hợp) ý tưởng giữa tác giả và người đọc (ở đây là nhà phê bình) chỉ có thể nhận biết sâu sắc thông qua đối thoại. Thông qua đối thoại trường nghĩa tác phẩm được mở rộng và những gì, vì một lí do nào đấy, đang còn ẩn sâu trong tầng tầng những con chữ, có dịp cất tiếng nói. Với tinh thần này chúng ta bắt đầu cuộc trò chuyện về sáng tác của TDA.

Như đã biết, nhà văn/thơ, hơn ai hết hiểu sáng tác là công việc khổ sai. Vậy mà họ, như thiêu thân, vẫn cứ lao vào. Phải có một động lực ghê gớm, một cái gì đó khiến họ không viết không được. Vậy điều gì khiến anh cầm bút? (Một câu hỏi cũ như thế giới, nhưng vẫn cần thiết).

TDA:

Tôi đã từng nói về điều này và nay chỉ xin nhắc lại: Tôi rất ghét những người luôn miệng kêu nghề viết là nghề khổ. Về mặt bản năng sống, không ai chọn sống khổ, trừ khi anh ta điên. Những người kêu nghề viết khổ, hoặc là anh ta làm ra vẻ nghề của mình quan trọng hơn các nghề khác, (để đòi hỏi sự ưu đãi về chế độ), hoặc họ chỉ là người coi nghề viết như một trò chơi. Có ai cầm súng gí vào đầu bắt anh ta viết đâu? Viết là một lựa chọn hoàn toàn mang tính cá nhân và nói thẳng là ít nhiều mang tính vụ lợi.

Tôi, qua trải nghiệm, thấy rằng, viết văn nói riêng, sáng tác nghệ thuật nói chung là công việc tạo ra niềm sung sướng ngoài sự tưởng tượng của những người bên ngoài. Viết được một cái truyện hay, một chương tiểu thuyết vừa ý, cũng có cảm giác đạt đến “cực khoái”, tất nhiên là về mặt tinh thần. Sự thực là khi viết, sức khỏe của tôi tăng lên rất nhiều và nó sẽ chỉ suy sụp sau khi tác phẩm kết thúc. Khi đó, tôi cảm thấy trỗng rỗng đến mức rất gần với trạng thái muốn tự tử.

ĐTA:

Theo tôi, chắc người ta ví sáng tác như một thứ lao động khổ sai tự nguyện thì cũng chỉ muốn nhấn mạnh cái ý của anh khi nhắc đến từ “tự tử” mà thôi. Tuy nhiên, những gì anh nói ở phía trên, rất ngẫu nhiên và thú vị, lại đúng với tinh thần của tác phẩm “Vị tu sĩ vận đồ đen” – một kiệt tác của A. Chekhov. Trong tác phẩm này Chekhov mô tả một nhà nghiên cứu luôn ở trong trạng thái hưng phấn sáng tạo cao độ. Nó diễn ra triền miên tới nỗi vì nó mà gia đình tan nát, và cuối cùng thân xác anh ta cũng không chịu nổi. Anh ta không tự tử, anh ta chết vì kiệt sức. Thời trẻ đọc truyện này tôi không mấy hiểu.

Vâng, ta tiếp tục. Anh từng nói rằng tất cả các tác phẩm của anh có thể coi là một cuốn tiểu thuyết duy nhất. Nên hiểu điều này như thế nào?

TDA:

Thực ra không phải tôi nghĩ ra câu đó. Câu đó thuộc bản quyền của Gabriel Garcia Marquez. Tuy nhiên, tôi ngẫm thì thấy cũng trùng suy nghĩ với ông ấy.

Mỗi nhà văn hầu như chỉ được “Thượng đế” giao cho một nhiệm vụ. (Trừ những nhà văn thực hiện nhiệm vụ cách mạng luôn đa tài tôi không dám bàn tới). Nhiệm vụ đó là anh ta cần phải nói một điều gì đó với mọi người, về ý nghĩa của cuộc nhân sinh (hoặc sự vô nghĩa của những thứ phản nhân sinh…). Điều gì thì chỉ mình anh ta biết. Và anh ta, một khi đã chấp nhận, sẽ phải bằng mọi cách hoàn thành cái nhiệm vụ đó. Vì thế, dù anh ta có viết bao nhiêu cuốn sách, thì cũng chỉ để nói duy nhất một điều mà anh ta được “ủy thác!” Tôi thấy điều này ở Kafka, Dostoevski, Marquez., Nhất Linh, Nam Cao, Tản Đà…Tôi cũng thấy điều này ở nhiều nhà văn cùng thời với tôi.

ĐTA:

Có thể coi cái ác là vấn đề xuyên suốt trong các tác phẩm của anh. Theo anh, cội nguồn “cái ác Việt” nằm ở đâu? Nằm ở “tội tổ tông? Ở “lời nguyền”? Ở sự vô đạo, tăm tối? Ở cái gọi là “chủ nghĩa nông dân Việt Nam”? Ở chiến tranh liên miên, nhất là chiến tranh chiếm đất, giành quyền – nồi da nấu thịt, những thứ làm đất nước luôn nghèo, không có tầng lớp văn hóa tinh hoa thực thụ?…

TDA:

Cảm ơn chị, bởi chính chị vừa đưa ra câu trả lời khá hoàn hảo. Nếu tôi trả lời thì cũng chỉ nghĩ gần được thế. Những gì chị liệt kê đều là nguyên nhân, là cội nguồn để cái ác kí sinh, an trú, sản sinh tiếp và có cơ hội (chẳng hạn như chiến tranh, cách mạng, những thay đổi thời cuộc…) là tác oai tác quái và nó đã đang và vẫn diễn ra trong suốt cả lịch sử người Việt.

ĐTA:

Mỗi nhân vật trong các tác tác phẩm (đặc biệt trong tiểu thuyết Lão Khổ và Đất mồ côi) “chuyên chở cái ác ấy” theo cách của mình? Cái ác của chánh tổng họ Tạ và cái ác của lão Khổ “bần cố nông” họ Tạ giống và khác nhau thế nào?

TDA:

Đã là cái ác thì chúng chỉ khác nhau về mức độ tàn bạo, còn bản chất thì cùng có một gốc. Tuy nhiên, cái ác của những người sống trong những môi trường khác nhau, thì sẽ biểu lộ ra một cách khác nhau. Chánh tổng là tầng lớp cai trị một thời, cái ác của ông ấy là không coi những người nghèo là những người có nhân phẩm (quyền ăn, quyền nói, quyền được hạnh phúc, đau khổ…), còn cái ác của lão Khổ sinh ra từ sự ngộ nhận cứ tiêu diệt cái ác bằng bạo lực là mọi thứ hoàn hảo. Lão Khổ không biết rằng, đó là quá trình sản sinh và thực hành một kiểu ác khác, nhiều khi còn tàn khốc hơn.

ĐTA:

Vâng, lão Khổ và những người đồng chí hướng với ông ta đã nhầm lẫn tệ hại giữa mục đích và phương tiện. Mục đích tối cao là hạnh phúc của con người, thì ông ta lại biến họ thành phương tiện có thể sử dụng bằng những cách thức kinh khủng nhất, miễn để đạt được cái mục đích hão huyền, mơ hồ, mờ mịt mà cho tới lúc chết lão cũng không xác định được thật ra nó là cái gì. Điều này thể hiện rất tốt trong tác phẩm.

Dostoevski viết về cái ác quả không ai bằng. Nhưng để giữ thế cân bằng với nó, điều làm cho thế giới tồn tại được, ông đã viết về cái Thiện, cái Đẹp, Tính nữ vĩnh hằng cũng bằng một sức mạnh nghệ thuật lớn lao. Liệu anh có đồng ý khi tôi nói rằng, vế thứ 2 của anh khá yếu so với vế 1?

TDA:

Là tác giả, tôi giữ nguyên tắc là không cãi nhau với độc giả. Họ luôn đúng với chính họ.

Nhưng chị không chỉ là độc giả, mà còn là học giả, vì thế tôi không khách khí. Sự cân bằng các yếu tố trong nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thông qua ngôn từ, không thể bằng định lượng (kiểu như số trang viết về cái ác, số nhân vật ác luôn tương đương với số trang và số nhân vật thiện…); cũng không hẳn bằng định tính trong một vài trường hợp (kiểu như cấp độ tàn ác của hành động…). Sự cân bằng chủ yếu phải từ cảm giác của người đọc. Vì thế, nhiều khi chỉ cần một nhân vật, cũng đủ chứa trong đó toàn bộ những gì trái ngược mà tác giả tạo ra. Thậm chí không cần cả nhân vật có hình khối vật lý, mà chỉ cần những tư tưởng toát ra từ chữ. Với một vài, hoặc khá nhiều cuốn sách, bạn đọc sẽ phải cùng sáng tác, nếu họ không muốn chơi vơi bên ngoài thế giới của tác giả.

Tôi xin đưa ra vài ví dụ cụ thể.

Trong tiểu thuyết Lão Khổ, chỉ cần một hành động của lão Khổ với nhân vật Tâm, cũng đủ để cân bằng toàn bộ những tàn ác do mù quáng mà lão tạo ra. Bạn đọc biết rằng, từ sau hành động ấy, lão sẽ thay đổi, sẽ bớt mù lòa hơn, bởi được khải thị bằng tình yêu và sự trong sáng tuyệt vời của đôi trẻ. Nhưng từ đâu mà lão có hành động ấy, thì là cả một vũ trụ không lời, hướng lão về phía ánh sáng.

Trong Thiên thần sám hối, chỉ cần thằng bé quyết định ra đời sau khi bị bao vây bởi muôn vàn điều kinh sợ, bị cám dỗ bởi quỷ sứ về sự vô nghĩa của sự sống, là cái thiện (cái thiện mang tinh thần sáng thế) vụt chói sáng, đủ xóa bỏ mọi bóng tối trước đó. Hóa ra bóng tối tạo ra là để làm nền cho cái thiện tỏa sáng.

Trong Đi tìm nhân vật, thì hành động cuối cùng của cô gái điếm là mang tinh thần cứu chuộc, trước hết cho chính cô ta và cho cái thế gian mà cô ta bị nhuộm đen.

Trong Đất mồ côi, hành động quyết định mang theo người anh em trong mình, như một cuộc đời, một sinh thể hoàn hảo chứ không phải như một cái bào thai đá, dù biết có thể phải bỏ mạng, là hành động mang tinh thần coi mỗi linh hồn là một thế giới, một vũ trụ. Hành động đó vừa chấp nhận mọi khổ đau mà lịch sử giáng xuống, vừa xóa trắng, ân xá mọi tội lỗi cho quá khứ. Tôi muốn bạn đọc thấy đó là tinh thần “Đồng bào” không phải với tư cách một huyền thoại, mà là một hành động sống có ý thức.

ĐTA:

Tôi rất thích sự “không khách khí” của anh.

Anh có thể nói gì thêm về nhân vật Hai Duy, Tâm và nhân vật pháp sư trong tiểu thuyết Lão Khổ? Bởi những nhân vật này khá mờ nhạt và hầu như không có đời sống. Họ hầu như chỉ như những nhân vật chức năng, đóng vai trò chuyển tải tư tưởng của tác giả. Họ không có "giọng" riêng, phần lớn mượn giọng tác giả. Họ dừng ở Lão Khổ, mà không xuất hiện ở tác phẩm tiếp theo – Đất mồ côi, dưới bất cứ dạng nào.

TDA:

Chị có lẽ cũng đang đọc tín hiệu thẩm mỹ từ ngôn ngữ, còn tôi muốn bạn đọc thẩm thấu sâu hơn bằng chính kinh nghiệm sinh tồn của mình, khi nhập vào thế giới nhân vật do tôi tạo ra. Đòi hỏi này có vô lý hay không, tôi không tự biết nhưng không hối tiếc. Trong “Chàng ngốc” của Dostoevski, tất cả vụt bừng sáng, tư tưởng của cuốn sách hoàn kết bởi hành động hầu như chỉ xảy ra trong phút chốc, của nhân vật Nastasya Filipovna. Mọi người ngỡ ngàng khi cô quyết định như vậy. Nhưng đó mới là nghệ thuật. Sau này tôi bắt gặp một tình huống tương tự trong Đời mưa gió của Nhất Linh. Đó là khi nhân vật Tuyết từ chối ở lại với người tình tên là Chương. Chỉ cần một cú lóe sáng, đủ cân bằng cả một vực thẳm tối tăm.

ĐTA:

Vâng, nhưng theo tôi, hành động của Natasya Pilipovna hay của cô Tuyết, tuy có bất ngờ và khiến tác phẩm lóe sáng trong phút chốc, song nó đã có sự chuẩn bị từ bên trong mà tác giả làm khéo đến nỗi độc giả không thể nhận ra. Cũng có thể tôi thuộc dạng bạn đọc “cổ điển”, song tôi lại hiểu sự bất ngờ và lóe sáng trong Lão Khổ, khi tác giả cố công gây tò mò cho toàn thể dân làng (cũng như bạn đọc) về sự trở về của nhân vật Hai Duy. Họ cố công tìm hiểu, nghĩ, nếu Hai Duy mà là “ông cốp” thì hẳn lại có chết chóc, tù đầy xẩy ra. Cuối cùng hóa ra anh ta chỉ là một chàng binh nhất và trở về làng chỉ là để làm hòa với cha mình và đi chơi với người yêu. Chưng hửng cả lượt. Trong sự lóe sáng này con người thôi không phải làm phương tiện, mà trở về với địa vị mục đích của mình. Không biết tôi hiểu có đúng không?

TDA:

Hai Duy và người yêu của cậu ta nằm ngoài thế giới do lão Khổ tạo ra và trị vì. Không ai kiểm soát được họ. Nhìn qua lăng kính của lão Khổ, cũng là người đại diện của cái “vương quốc” tối tăm bởi thù hận cùng những quan niệm chết cứng về đạo đức, thì đôi trai gái này giống như những kẻ từ trời lạc xuống trần gian, để trêu ngươi là chính. Họ như những kẻ ngớ ngẩn, lạc loài, dại dột, nhạt nhẽo, vô tích sự, thậm chí có phần lêu lổng…Xét từ suy nghĩ, ngôn ngữ, hành động thì có vẻ hai bên chả có mối liên hệ nào, dù là cốt nhục của nhau. Mỗi bên hướng về một phía. Bên này nhìn thấy ở bên kia toàn những điều không thể hiểu nổi, thậm chí rất vớ vẩn. Một cuộc ly khai triệt để giữa tự do và và những giáo điều trói buộc con người, giữa quá khứ an phận và tương lai tuy đầy bất trắc nhưng là nơi mà họ nghe thấy tiếng gọi của khát vọng. Nỗi cay đắng của lão Khổ là lão hoàn toàn bị đẩy ra rìa cái thế giới của con trai lão. Đấy là bản án mà lão không thể kham nổi. Đáng lẽ thì lão phải phát điên, hoặc làm những điều mang tính hủy diệt, mới hợp với logic tính cách lão và sự phát triển của câu chuyện. Nhưng lịch sử đã chuẩn bị để lão hạ màn từ khi lão còn ở đỉnh cao của quyền lực và danh vọng. Màn thú nhận thất bại thê thảm của lão Khổ là điều mà chính tác giả cũng bất ngờ. Hóa ra sự bất ngờ của người viết về nhân vật là có thật mặc dù chính tôi, cho đến giờ này, khi nghe vậy vẫn cứ thấy nó có gì đó “vô lý”.

Ồ, nhưng mà hóa ra hình như tôi chỉ đang trình diễn lại ý kiến của chị?

ĐTA:

Các kĩ thuật kể chuyện ở “Đất mồ côi” rõ ràng nhuyễn hơn ở Lão Khổ và tương thích với những gì được mô tả trong đó: sự hỗn mang như thủa hồng hoang, nơi con người đã bị hóa thú. Liệu anh có đồng ý với nhận xét này của tôi?

TDA:

Đó là điều duy nhất tôi không biết trả lời chị thế nào.

ĐTA:

Không dám hỏi nhiều về các “dự án” sáng tác sắp tới, song đề tài cái ác vẫn sẽ hiện diện và được phanh phui, mổ xẻ tiếp trong chúng?

TDA:

Chúng ta cùng trở lại câu chuyện lúc đầu, để tôi nói thế này: Tôi chưa muốn khổ, chưa chấp nhận tuổi già, vì thế chưa muốn bỏ bút. Tuy nhiên, tôi sẽ viết theo lối tự giải trí cho mình trước, hoàn toàn tự do (không lệ thuộc vào kĩ thuật, thể loại, cách hành văn…) rồi chia sẻ với bạn đọc. Tôi từng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lối cười tẩy rửa, mang tinh thần tống khứ… của Rabelais…

ĐTA:

Dù không muốn, song tôi vẫn phải đạo câu của ông Hoàng Ngọc Hiến: Xin chúc anh không thuận buồm xuôi gió. Xin cám ơn anh về cuộc chuyện trò thẳng thắn và thú vị này.

Comments are closed.