Đan Thọ và tình khúc “Chiều Tím”

Hoàng Lan

Tình ca của Đan Thọ không có âm hưởng cao sang kiêu kỳ như Dương Thiệu Tước, không quý phái khoan thai như Cung Tiến, nhưng với bản Chiều Tím, Đan Thọ và Đinh Hùng đã tạo nên một khung trời âm nhạc có một không hai, một tuyệt phẩm tình ca với âm điệu trang trọng mượt mà, lãng mạn nhưng không lả lơi đắm đuối như thơ Nguyên Sa, buồn man mác nhưng không u sầu bi lụy như nhạc Đặng Thế Phong…

***

Hôm nay, 21/6 là ngày sinh nhật thứ 99 của một nghệ sĩ tài danh mà sự đóng góp của ông vào gia tài tình ca của tân nhạc Việt Nam đã chiếm một chỗ đứng trang trọng không thể nhầm lẫn với ai. Đó là nhạc sĩ Đan Thọ. Tên thật của ông là Đan Đình Thọ, sinh năm 1924 tại Nam Định và ở lứa tuổi 20 đã sớm trở thành một khuôn mặt không thể thiếu trong làng tân nhạc ở Nam Định, nơi Đặng Thế Phong và Hoàng Trọng một thời lẫy lừng cùng với các nhạc sĩ tài hoa thế hệ một. Nam Định cũng là một trong ba trung tâm chính – bên cạnh Hà Nội và Hải Phòng – của làng tân nhạc Việt Nam từ thuở phôi thai vào cuối thập niên 1930.

Đan Thọ xuất thân là nhạc sĩ trình diễn, sử dụng điêu luyện vĩ cầm, Saxophone và nhiều nhạc cụ khác như Hạ uy cầm, Tây ban cầm. Với vốn liếng nhạc lý về hòa âm và sáng tác học được từ năm lên 18, kết hợp với năng khiếu đặc biệt của một thần đồng âm nhạc, Đan Thọ là điểm thu hút của các buổi trình diễn công cộng qua nghệ thuật hòa âm điêu luyện và phong cách trình diễn tuyệt diệu. Người ta thường ca tụng rằng tiếng đàn vĩ cầm của Đan Thọ ngọt ngào nhất thuở ấy, và tiếng kèn Saxophone của ông réo rắt truyền cảm nhất. Nếu không có một biến cố gì đặc biệt, thì Đan Thọ vẫn tiếp tục là một nhạc sĩ tài hoa trong làng nghệ thuật biểu diễn, chứ không bước vào nghiệp sáng tác tình ca. Cho đến tuổi xấp xỉ 30, Đan Thọ vẫn chưa hề sáng tác một bản nhạc nào.

Nhưng cuộc đời nghệ sĩ đưa đẩy Đan Thọ cùng đoàn quân nhạc quân khu 3 vào Nha Trang năm 1952. Khi hiệp định Genève được ký kết năm 1954, Đan Thọ quyết định cùng gia đình ở lại miền Nam và vào lập nghiệp ở Sài Gòn, trung tâm nghệ thuật của miền Nam lúc ấy. Biến cố này đã thay đổi con người, nếp sống và sự nghiệp âm nhạc của Đan Thọ. Nỗi nhớ nhà nơi chôn nhau cắt rốn, tình quê hương canh cánh bên lòng và tâm trạng của người tha hương, bàng hoàng nửa thực nửa mơ đã khơi dậy những cảm xúc dạt dào trong tâm hồn người nghệ sĩ tài hoa. Từ đó nguồn cảm hứng sáng tác để biểu lộ cảm xúc của tâm hồn ngày càng dâng cao, thôi thúc Đan Thọ dùng âm nhạc để diễn đạt nỗi lòng hoài hương của người bỏ xứ xa quê mà không biết có ngày được trở lại.

Nhạc của Đan Thọ trong giai đoạn này chủ yếu nói lên tình hoài hương, nhớ vườn rau hàng chè, nhớ cánh đồng quê, nhớ buổi chiều vàng ngắm cánh cò bay, nhớ căn nhà thân yêu từ ngày còn bé. Nếu thỉnh thoảng có bóng dáng một người con gái, thì đó không phải là bài tình ca dành cho nỗi nhớ nhung đôi lứa, mà chỉ làm khung đệm cho trọn vẹn bức tranh quê nhà.  Hai bài tình ca đầu tiên, Đan Thọ sáng tác với bạn đồng nghiệp Nhật Bằng, nói lên tâm tư của hai người nghệ sĩ giàu tình cảm, cùng chung cảnh ngộ rời quê hương “không từ mà biệt”, cùng một giấc mơ dường như sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Lòng buồn ơi xa vắng
Bóng tre xanh mờ
Tình quê hương xa xôi

Ta đi mãi về chốn nào?

(Bóng Quê Xưa)

Sang bài thứ hai thì dòng nhạc càng tha thiết hơn, day dứt những hình bóng không bao giờ quên, nhớ lại một khung trời tuổi thơ đành bỏ lại sau lưng:

Hà Nội ơi! Tìm đâu bóng Hồ Gươm,
Hà Nội ơi! Như cánh chim ngàn phương

Ðây kiếp giang hồ
Gửi tình quê hương trong tiếng ca
Hà Nội ơi ! Thôi cách xa từ nay

(Vọng Cố Đô)

Lúc ban đầu, Đan Thọ chỉ sáng tác những tình khúc nhẹ nhàng, ca khúc nhớ về đất Bắc với âm điệu lãng mạn tha thiết, cả nhạc và lời đều toát lên vẻ nhu mì đôn hậu như chính con người của ông. Dần dần, khi tiếp cận với nguồn thơ tình lãng mạn được sáng tác ở miền Nam, Đan Thọ bổ sung vào tình hoài hương không bao giờ nguôi bằng hình bóng của đôi tình nhân nam nữ, yêu đương, hẹn hò, chia ly trong khung cảnh đồng quê êm đềm của đất Bắc. Sự kết hợp hài hòa giữa tình quê hương và tình yêu đôi lứa đã làm cho âm nhạc của Đan Thọ mang một sắc thái mới và đưa tên tuổi Đan Thọ lên một tầng cao hơn, thấm sâu hơn vào tâm hồn giới thưởng ngoạn. Chúng ta hãy nghe Đan Thọ gởi gắm tâm sự trong bài Tình Quê Hương, bài nhạc phổ thơ Phan Lạc Tuyên:

Anh về qua xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa,
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ.

Quê nghèo mai sẽ lên mầm sống,
Đàn trẻ thơ reo giữa lúa vàng.

Vì Đan Thọ chủ yếu là nghệ sĩ trình diễn, cho nên sự nghiệp sáng tác của Đan Thọ không đồ sộ như các nhạc sĩ đương thời. Ông chỉ sáng tác không quá 10 bài, nhưng mỗi nhạc phẩm của Đan Thọ đều tạo ra nét quyến rũ bằng âm thanh và giai điệu. Nhờ thế, giá trị những tình khúc của Đan Thọ đã tạo nên một thế đứng vững vàng trong số những nghệ sĩ có công với nền tân nhạc Việt Nam. Chỉ riêng ba tình khúc nói trên, tên tuổi của Đan Thọ đã trở thành bất tử trong giới thưởng ngoạn ở miền Nam lúc đó và âm hưởng còn vang vọng đến hôm nay ở thế kỷ 21.

Nhưng các tình khúc đó chỉ là khúc dạo đầu cho một bản giao hưởng dạt dào và quyến rũ hơn. Sau bài Tình Quê Hương, Đan Thọ có nhiều cảm hứng hơn với nhạc tình, không chỉ là tình quê hương mà là tình yêu trai gái trong không gian có thực. Và chính lĩnh vực mới khám phá này đã đưa Đan Thọ vào không gian và thời gian bất tử, nơi hoa không bao giờ tàn, nơi mùa xuân không bao giờ dứt. Có những nghệ sĩ mà khi nhắc đến, chúng ta thích nói về một tác phẩm, và cũng chính tác phẩm đó đã làm cho tên tuổi của nghệ sĩ trở thành bất tử, lưu danh đến muôn đời sau, giá trị nghệ thuật xứng đáng được viết trên những trang đặc biệt của lịch sử tân nhạc Việt Nam. Đó là tình khúc Chiều Tím

Nhiều người ngộ nhận rằng, Chiều Tím là tình khúc mà Đan Thọ phổ nhạc từ một bài thơ của Đinh Hùng. Nhưng không phải, đó là thơ Đinh Hùng phổ vào nhạc Đan Thọ. Chúng ta hãy nghe chính lời Đan Thọ trong một buổi phỏng vấn sau khi định cư ở Hoa Kỳ [xin lỗi quý vị nếu câu chữ không chính xác, vì giọng người già khó ghi lại]: “Vào khoảng năm 1960, sau khi hoàn tất bài nhạc chưa có lời, tôi ra La Pagode thì gặp anh Đinh Hùng và Thanh Nam, tôi nói rằng, tôi mới viết bài nhạc này nhưng chưa có tên, nên anh Đinh Hùng nói, ‘vậy đưa đây, moi biết đàn mandolin nên moi sẽ đặt lời’. [TG: moi trong tiếng Pháp có nghĩa là tôi, hoặc tao, hoặc tớ trong ngôn ngữ Việt]. Hôm đó là một buổi chiều phủ đầy màu sắc của hoàng hôn rất đẹp, nên Thanh Nam đề nghị đặt tên bản nhạc là Chiều Tím”.

clip_image001

 

Như vậy, tình khúc Chiều Tím không phải là ca khúc phổ từ một bài thơ có sẵn, cho nên nhạc sĩ tránh được sự gò bó thường tình, nhiều lúc phải ép tâm hồn mình lên từng câu từng chữ có sẵn, điều làm cho dòng nhạc không tránh khỏi đi vào cấu trúc gượng ép, khó lòng hòa quyện vào ý thơ. Trong lúc đó thì Đinh Hùng, một thi sĩ tài hoa bậc nhất của Hà Thành di cư vào Sài Gòn, đã để cho ngôn từ tha hồ nhảy múa trên từng nốt nhạc. Với cấu trúc thơ tự do lồng trong âm và điệu của thơ tình cổ điển, Đinh Hùng đã nâng tầm dòng nhạc lên một cung bậc mới mà chính bản thân tác giả Đan Thọ cũng khó lòng diễn đạt hay hơn. Giai điệu mơn man trữ tình của dòng nhạc mang ít nhiều âm hưởng nhạc tiền chiến, quyện vào ngôn từ chải chuốt của thi sĩ tài hoa bậc nhất thời đó đã làm cho tác phẩm trở thành một sự kết hợp hoàn hảo nhất giữa thơ và nhạc, dễ dàng thấm đậm vào tâm hồn người nghe và chiếm ngự trái tim mọi người ngay từ lúc được thưởng thức lần đầu. Chúng ta hãy nghe thơ, nhạc, nắng chiều, hoa, lá và tiếng vĩ cầm lạc giọng, tất cả hòa quyện với nhau để diễn đạt tâm tư thương nhớ tình nhân bằng ba câu thơ ngắn ngủi sau đây để thấy tài sử dụng ngôn từ của Đinh Hùng:

Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vĩ cầm
Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi

Thanh niên thiếu nữ sống ở miền Nam trong thập niên 1960/1970, hầu như ai cũng ít nhất một lần nghe bản Chiều Tím. Với những gia đình khá giả có thể sắm được Cassette, thì Chiều Tím rất nhanh chóng trở thành kinh nhật tụng của thanh thiếu niên mới lớn. Và có cuộc vui đàn hát nào trong những nhóm nhỏ sinh viên học sinh làm văn nghệ bỏ túi cuối tuần bên ánh lửa bập bùng mà thiếu mất bài Chiều Tím? Cũng có lúc, qua nhạc điệu khoan thai, ca từ lãng mạn, đi kèm với ánh mắt đưa tình của người hát là cơ hội tỏ tình kín đáo của những đôi nam nữ mới bắt đầu chớm nở tình yêu.

Các bạn đồng trang lứa ở miền Bắc thì quen nghe nhạc cách mạng, không có cái diễm phúc được hưởng những phút giây êm đềm đắm mình trong tình ca lãng mạn. Ở miền Bắc lúc đó, những tình khúc tuyệt diệu như Chiều Tím của Đan Thọ ở miền Nam, hoặc Mơ Hoa của Hoàng Giác, Suối Mơ của Văn Cao, Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn ở miền Bắc được nhà nước xếp vào loại nhạc tình ủy mị, âm nhạc của giai cấp tiểu tư sản, phản cách mạng và bị cấm phổ biến. Ngay cả sau 1975, tình ca lãng mạn, cũng như “nhạc vàng” bolero vẫn còn bị cấm thêm gần 15 năm, cho đến cuối thập niên 1980 khi âm nhạc được cởi trói phần nào, thì tình ca mới bắt đầu nở rộ trở lại. Cũng không có gì ngạc nhiên khi tình ca lãng mạn và “nhạc vàng”, sau hơn 30 năm bưng bít, đã nhanh chóng chinh phục trái tim của thanh niên thiếu nữ từ Bắc vào Nam, từ giới thưởng ngoạn cũng như ca sĩ chuyên nghiệp hàng đầu. Kể từ đó, tình ca của nền tân nhạc Việt Nam tìm lại được chỗ đứng trang trọng trong lòng thính giả. Nhưng tiếc thay, nó đến quá muộn màng, mất hơn một thế hệ, thời gian đủ dài để làm mai một nhiều tài năng. Thật khốn khổ cho người Việt Nam, nhiều nghệ sĩ tài hoa nhất vốn dĩ đã hiến trọn đời mình cho nghệ thuật cũng không có chỗ dung thân, lúc sống không được sáng tác, lúc chết vẫn còn bi tráng tự nhủ như Nguyễn Du “thiên hạ hà nhân khốc Tố Như”. Số phận của nghệ sĩ hạng nhất như Văn Cao chỉ là một thí dụ.

Hơn 70 năm trôi qua, tình khúc Chiều Tím vẫn còn đọng lại trong ký ức thính giả những nốt nhạc trầm buồn mơn man như thể âm thanh vẫn ngân nga đâu đó không hề dứt. Gần một thế kỷ rồi, thế mà khi nhắc đến Đan Thọ là người ta liên tưởng ngay đến tình khúc Chiều Tím và sau khi âm nhạc được cởi trói kể từ cuối thập niên 1980, tác phẩm đó nhanh chóng nổi tiếng, ngay cả những ca sĩ hàng đầu thuộc nhiều thế hệ cũng ưa thích, dù trước đó họ chỉ thích “nhạc cách mạng”. Đó là điều an ủi cho một nghệ sĩ đã hiến trọn đời mình cho nghệ thuật. Những tình khúc của Đan Thọ không có âm hưởng cao sang kiêu kỳ như Dương Thiệu Tước, không quý phái khoan thai như Cung Tiến, nhưng với bản Chiều Tím, Đan Thọ và Đinh Hùng đã tạo nên một khung trời âm nhạc có một không hai, một tuyệt phẩm tình ca với âm điệu trang trọng mượt mà, lãng mạn nhưng không lả lơi đắm đuối như thơ Nguyên Sa, buồn man mác nhưng không u sầu bi lụy như nhạc Đặng Thế Phong. Nói như Nguyễn Đình Toàn có lẽ đúng hơn: “Nhạc của Đan Thọ vui hay buồn đều rất chừng mực, lãng mạn nhưng không ủy mị, đắm đuối và nhất là luôn toát ra vẻ lịch sự, sang trọng”. Điều đó thể hiện khá rõ trong Chiều Tím. Dù trong hoàn cảnh xa xăm diệu vợi, đôi tình nhân dường như vẫn có thể giao hòa với nhau để cùng thả hồn về một giấc mơ kỳ thú khi “mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng, và em với chàng kề vai áo vấn vương”.

REPORT THIS AD

Trăng sao vốn là đề tài muôn thuở làm đẹp thi ca, và mùa thu vốn là đề tài để biểu lộ nỗi sầu muộn nhớ nhung. Trong tình ca, nhiều tác giả thường gởi gắm tâm sự của nam nhân nhớ nhung thiếu nữ, nhiều bài khác là nỗi lòng của thiếu phụ thương nhớ tình quân. Nhưng với bản Chiều Tím, khi lồng vào âm điệu mượt mà huyền ảo, thi sĩ Đinh Hùng hòa quyện một cách tài tình tâm tư ở nơi này là thanh niên, nơi kia là thiếu nữ, và cũng không hề mượn bóng dáng mùa thu để nói về nhớ thương. Có lúc là tâm tư của người em gái ở quê nhà, nhớ nhung người tình và chỉ biết nhờ “đàn ơi nhắn giùm người đi phương nao” để gởi gắm niềm thương nỗi nhớ đến người yêu ở một phương trời xa xăm nào đó. Đoạn khác là hồn thơ của người thanh niên tuy đã khoác chinh y ra sa trường, “hồn say chiến bào” nhưng khi gảy lên cung nhạc trong buổi hoàng hôn cô đơn một mình, thì chỉ cảm thấy “sầu trên phím đàn” để thương ai khi nhìn những áng mây tím lãng đãng trên bầu trời, nửa thực nửa mơ, và chỉ biết thả hồn để “tìm trong chiêm bao, tóc bay dài gió viễn khơi”.

Để tưởng nhớ Đan Thọ, xin giới thiệu bản Chiều Tím, được trình bày bởi một giọng ca trầm ấm, dù thuộc thế hệ 8X rất trẻ, nhưng phong thái trình diễn chứng tỏ một sự tương giao truyền cảm hết sức đầm ấm với một tác giả đã đến tuổi xấp xỉ 100, người đã sáng tác bài này cách đây hơn 70 năm. Theo nhịp điệu nhớ nhung của tác giả, như lúc “đàn nhớ thanh âm”, nữ ca sĩ biểu lộ sự rung động của lòng mình trên nốt nhạc kéo dài một tí, lãng đãng liêu trai tưởng chừng như lời ca muốn lạc ra ngoài dòng nhạc, nhưng ở nốt kế tiếp thì rút ngắn một chút để kịp trở về hòa vào dòng nhạc đệm. Phong cách trình diễn này không hề có trong sách giáo khoa ngành thanh nhạc, nhưng lại mang phẩm chất ngoại hạng để diễn đạt cung đàn và ý thơ của Đan Thọ – Đinh Hùng. Xin giới thiệu ca sĩ Thùy Dương, chim họa mi của miền sông Hương núi Ngự. 

Ca từ bản Chiều Tím

Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian,
Mây bay quan san, có hay?
Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài
Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi
Lúc chia tay còn nhớ chăng?
Ai nhớ mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu nhìn mây tím nhớ nhau
Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn giùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao
*****
Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vĩ cầm
Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tình trong phiến đàn mùi hương chưa phai
Ý giao hoan người nhớ chăng?
Mây gió bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng
Và em với chàng kề vai áo vấn vương
Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào? Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi

image

 

Nguồn: https://diendankhaiphong.org/dan-tho-va-tinh-khuc-chieu-tim/

Comments are closed.