Khi bạn năm mươi tám tuổi…

Lê Vĩnh Tài

Bạn nhìn lên những đám mây, thấy tóc mình như cơn nắng. Tóc bạn bay bay màu vàng. Bạn ngồi hàng giờ cùng phây-bút khi nghe tin một nhóm người nào đó tít bên Nga, đang kéo về thủ đô để hỏi gã tổng thống những câu hỏi gì đó mà bạn đang tìm hiểu.

Bạn chẳng thấy mệt chút nào khi ngồi tìm hiểu cả ngày cả đêm như vậy. Mái tóc bạn vào buổi tối có thể không còn màu vàng, nó màu nâu. Như máu đã khô lại.

Bạn gõ một cái còm trên phây-bút, người ta trả lời bạn rằng họ cũng không biết, "ông đi qua đó mà hỏi." Bạn thấy họ nói đúng, bạn nên tự mình đi tìm người để hỏi, nếu mình còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Bạn đọc những cái còm còn lại của mọi người. Có người nói "lãnh đạo ngu thì chiến tranh thôi," họ làm như nước của họ chưa từng có chiến tranh. Có người nói "nước nhỏ không nghe lời nước lớn thì vậy thôi," làm như nước của họ không phải là nước nhỏ. Bạn thấy lạ là mình đã ngồi cả ngày đọc còm của những người yêu hòa bình nhưng lại reo hò khi thấy bom thả vào những ngôi làng của đất nước "muốn theo bọn phương Tây thì phải chịu vậy thôi."

Giờ bạn đã biết một đất nước không chỉ có hai phe để chửi nhau mà còn có thể có hai quân đội. Một quân đội "tư nhân", hình thành từ các ông tù hình sự. Bạn nghĩ nếu như quân đội "tư nhân" này mà chiếm được chính quyền thì mọi người sẽ không còn ai ở tù nữa. Vì chính quyền ấy từ tổng thống đến bộ trưởng vốn xuất thân từ nhà tù. Bạn thấy vui. Ý này hay quá, có thể làm thành 1 bài thơ.

Bạn lấy hết sức chạy đuổi theo các cái còm cho đến khi điện thoại hết pin mới thôi, rồi tự cười ha hả. Và bạn hối hận vì mình mải chạy theo các còm mà quên không viết gì trên trang của mình. Bạn thấy nhiều người không dám viết gì ở nhà của mình, nhưng qua nhà người khác thì còm hăng như đúng rồi. Có khi còn hăm dọa người khác. Trong khi trang của họ toàn hoa và những lần họ muốn khóc vì một ánh bình minh, hay lần được đăng thơ lên mấy tờ báo mà bạn mua hoài không được, sau bạn mới biết nó không có phát hành.

Bạn thấy sau cái còm là gương mặt một người, bạn chạy đến: "xin chào, anh hai,” người đó không nghe thấy gì, vẫn hăng hái còm. Và quay về nhà mình post hoa và làm thơ tiếp.

Nhưng anh ta chỉ giả vờ không thấy bạn, vì sau đó anh ta nhìn bạn cười hề hề, hỏi bạn "có muốn ăn lương khô không?" Bạn nói "không." Khi bạn nói "đừng nhìn tôi nữa" thì anh ta lại quay đầu nhìn bạn chằm chằm.

Bây giờ bạn và anh ta thành bạn bè, anh ta hỏi bạn sắp đi đâu và bạn chỉ lên những đám mây. Những đám mây những ngọn núi đều là các nickname trong friendlist của bạn.

Khi bạn ngồi xóa bớt danh sách bạn bè để kết bạn với những người mới, anh ta hỏi bạn: "sao rồi?" Bạn nói "đợi thử sao thôi.”

Bạn làm gì anh ta cũng biết, nên để anh ta không biết bạn nghĩ gì, mọi suy nghĩ của bạn chỉ còn nằm trong hộp sọ. Nhiều khi bạn nghĩ trong hộp sọ bạn có một hội trường, chứa tất cả bạn bè và suy nghĩ của bạn.

Nhưng rồi bạn vẫn còn sợ, vì bạn thấy anh ta đang nhìn vào lỗ mũi của bạn. Hộp sọ của bạn bị lộ ra qua nền sọ. Anh ta hỏi "trong hộp sọ có cái gì?" Bạn nói "não đấy," anh ta nói "có cần không?" Bạn nói "cũng tùy lúc," anh ta nói "vậy thì vứt đi." Bạn không thể vứt, nên bạn treo bộ não trên mặt, dịch não tủy và máu chảy tuôn tràn như những giọt nước mắt.

Nước mắt không chỉ cho nhũng người chết đang cầm súng kéo nhau đi ở một đất nước xa xôi nào đó, nước mắt cho cả quê hương bạn, khi bạn nghe những đoàn người rách nát và chỉ có hai bàn tay trắng, tiến về thủ đô, hình như họ bị cướp mất não.

Họ vẫn còn một hộp sọ rỗng, tối đen như một vết thương vừa được khâu bịt chặt để cầm máu.

Bạn năm mươi tám tuổi rồi. Bạn biết nhiều người bạn của bạn chỉ sống tới bốn chín hay năm ba tuổi. "Bạn thật may mắn", anh ta nói sau khi nhìn kỹ hai lỗ mũi, rồi quay ra nhìn tiếp vào hai lỗ tai của bạn. Sau một hồi chăm chú, anh ta lắc đầu than phiền "cũng vẫn còn não"…

L.V.T

Comments are closed.