Phan Tấn Hải
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết.
Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ. Và cũng có ít nhất hai họa sĩ Palestine cùng chia sẻ rủi ro “bình đẳng” này bằng cái chết: Theo Bộ Y tế ở Gaza, ít nhất hai họa sĩ nằm trong số hơn 28.700 người Palestine đã chết, kể từ khi Israel bắt đầu các cuộc tấn công trả đũa sau vụ tấn công khủng bố ngày 7 tháng 10/2023 của Hamas, khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng. Bây giờ là qua hơn 100 ngày của cuộc chiến này, Hamas còn giữ khoảng 132 con tin, sau các đợt trao con tin.
Nữ họa sĩ Heba Zagout: nét vẽ dân gian Palestine
Hai họa sĩ Palestine chết vì bom Israel là Heba Zagout và Muhammed Sami Qariqa – đều là những người đã dùng nét vẽ để nói lên ước mơ hòa bình. Hai tuần trước khi bị giết bởi một cuộc không kích của Israel ở Gaza vào ngày 13/10/2023, nữ họa sĩ Heba Zagout đã đăng một video trên YouTube về tác phẩm của mình. Trong video, bà mẹ hai con 39 tuổi, người có công việc liên quan đến văn hóa và văn hóa dân gian Palestine, nói: “Tôi coi nghệ thuật là một thông điệp mà tôi gửi đến thế giới bên ngoài thông qua việc thể hiện chính nghĩa của người Palestine và bản sắc của người Palestine. ”
Nữ họa sĩ Zagout cũng nói rằng trong tranh vẽ của mình, “Tôi cố gắng thể hiện những cảm xúc, và căng thẳng tiêu cực xảy ra ở Gaza.” Tuy nhiên, những mô tả đầy màu sắc của cô về phong cảnh Palestine và kiến trúc mang tính biểu tượng ở Gaza và Jerusalem, thường có các nhân vật phụ nữ mặc trang phục truyền thống – hoặc váy thêu – cũng tràn đầy hy vọng. Những mô tả của cô về các ngôi làng ở Gazan và nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem đã giúp cô có được lượng người theo dõi rộng rãi trên mạng xã hội, nơi nghệ thuật của người Palestine vượt qua các hạn chế di chuyển do Israel áp đặt đối với họ.
Mitri Raheb, linh mục hệ phái Tin Lành Luther, là người Palestine gốc Bethlehem, người sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Dar Kalima ở Gaza, nơi nữ họa sĩ Zagout là khách thường xuyên đến tham dự các buổi khai mạc và tham gia các cuộc thi, cho biết: “Họa phẩm của cô ấy nổi tiếng ở cả West Bank và Gaza”. Trường nghệ thuật bắt đầu như một chương trình vệ tinh cho Cao đẳng Dar al Kalima, một cơ sở giáo dục mà linh mục Raheb thành lập ở Bethlehem vào năm 1995 trong một tòa nhà có từ thời đại Ottoman đã được khôi phục và chuyển đổi từ một hầm mộ nhà thờ cũ.
Một trong những tình nguyện viên của trung tâm dạy nghệ thuật cho trẻ em đó, họa sĩ vẽ tranh tường Muhammed Sami Qariqa, đã chết khi một hỏa tiễn bắn trúng Bệnh viện Baptist Al-Ahli ở Thành phố Gaza, giết chết hàng trăm người Palestine đang trú ẩn ở đó. Linh mục Raheb nói: “Họa sĩ Qariqa đang cố gắng xoa dịu bọn trẻ bằng cách hát cho chúng nghe những bài hát và vẽ tranh.” Nguyên nhân vụ nổ tại Bệnh viện Al-Ahli Baptist khiến hàng trăm người chết vẫn đang tranh cãi, trong đó các quan chức Mỹ và Israel cho rằng vụ nổ là do một nhóm khủng bố liên kết với Hamas, trong khi chính quyền Palestine cho rằng đây là một cuộc không kích của Israel. Nhưng hỏa tiễn dù là sản xuất ở đâu, cũng bình đẳng như nhau trong chức năng sát thương.
May mắn cho những người Palestine sống ở ngoài Gaza, nơi 1.9 triệu dân đã buộc phải di tản trong khu vực Gaza và hơn phân nửa các tòa nhà đã bị sập vì bom Israel (sập một cách bình đẳng). Như tại thủ đô văn hóa Tel Aviv của Israel, một cộng đồng nghệ thuật sôi động để lại dấu ấn đầy màu sắc với những bức tranh tường và các tác phẩm nghệ thuật khác được vẽ khắp các con phố chật hẹp của khu phố Jaffa cổ kính của thành phố và trên các bức tường của các cơ sở kinh doanh ở khu trung tâm tài chính.
Trong cùng không gian này là một cộng đồng người Palestine từ lâu đã coi nghệ thuật như một hình thức phản kháng, sử dụng nó để mang lại ánh sáng cho cuộc đấu tranh của người Palestine ở Tel Aviv, West Bank nơi do Israel chiếm đóng và Gaza. Kể từ ngày 7 tháng 10, phần lớn các họa phẩm của họa sĩ Palestine nơi này đã trở nên đau lòng, buồn bã, tức giận và sợ hãi khi họ đối mặt với những cảm xúc nặng nề, không thể tưởng tượng được đang chảy vào tác phẩm của họ.
Các nghệ sĩ đang vẽ theo vô số cảm xúc: qua những bức tranh về sự khủng khiếp của chiến tranh, qua những bài hát đau khổ và trong điệu nhảy. Các tác phẩm đã được chia sẻ ở những quảng trường của Tel Aviv, nơi những người biểu tình thường xuyên tụ tập để yêu cầu thả những người Israel bị bắt giữ bởi Hamas và trên mạng xã hội, nơi cộng đồng người Palestine hải ngoại nói rằng họ có thể đăng tác phẩm của mình một cách an toàn hơn, trong khi sống trong vòng kiểm soát của chính phủ Israel.
Nữ họa sĩ Rana Samara: vẽ vì trẻ em Palestine
Nữ họa sĩ Rana Samara là một trong những người Palestine cư trú ngoài Gaza. Rana Samara cư trú ở Ramallah, thuộc West Bank, nơi quân Israel chiếm đóng, giải thích về tranh của chị: “Trong những lúc căng thẳng, mọi người thường chọn màu đen, mọi người chọn màu tối. Tôi thấy rằng bây giờ, sự căng thẳng của tôi đã bộc lộ với những màu sắc rất, rất tươi sáng.”
Họa phẩm của Samara có nhiều thời kỳ sáng tác khác nhau. Tác phẩm của Samara thường sử dụng màu sơn sáng để khám phá các chủ đề như tình dục, vai trò giới tính và các vấn đề khác gắn liền với cuộc sống của người Palestine. Khi chiến tranh nổ ra ở Gaza, chị quyết định sử dụng những hình ảnh thấy trên TV và mạng xã hội để đưa nó vào tác phẩm của mình. Samara là thành viên của một nhóm nghệ sĩ Palestine đã tham gia Phòng trưng bày Zawyeh ở Ramallah để tạo ra tác phẩm giúp quyên tiền viện trợ nhân đạo ở Gaza.
Samara nói: “Điều khiến tôi lo nghĩ tới và xúc động khi xem về cuộc chiến này là vấn đề trẻ em. Vì vậy, tôi nhìn và tập trung vào những gì mỗi đứa trẻ đang mang theo khi các em phải di tản ra khỏi nhà ở Gaza.”
Đối với một tác phẩm, Samara quyết định tạo ra một loại áp phích về những cảnh khác nhau về những đứa trẻ chạy trốn khỏi nhà bằng cách sử dụng màu đỏ tươi và hồng. Ví dụ, sử dụng hình ảnh con heo đất của trẻ em, chị đã kết hợp chiến tranh. Samara nói: “Ý tưởng của tôi là một con heo đất và bên trong một chiếc xe tăng. Thoạt nhìn, đó là một bức tranh hấp dẫn, đầy màu sắc, tươi sáng, nhưng khi bạn lại gần thì đó là hình ảnh ảm đạm. Đó là chiếc xe tăng.”
Triển lãm vì hòa bình: 24 họa sĩ Israel, Palestine
Đã có một thời xa xưa lắm rồi, khi nhiều họa sĩ Israel và Palestine cùng triển lãm chung để nói lên ước mơ hòa bình. Đó là cuộc triển lãm lưu diễn kéo dài trong vài tháng trong năm 1988, nhan đề “It’s Possible” (Có thể có được). Nghĩa là, có thể có được hòa bình. Ngay nơi nhan đề là nói lên ước mơ hòa hợp hòa giải: 24 họa sĩ người Israel và Palestine cùng vẽ cho hòa bình. Có thể xảy ra hòa bình hay không? Trên nét vẽ và màu sắc, cho thấy đó là một ước mơ mà bây giờ vẫn chưa hiện thực, sau 36 năm.
Bi hài là, tranh phải lưu vong: đó là cuộc triển lãm của các họa sĩ Palestine và Israel lưu diễn ở Hoa Kỳ. Hai mươi bốn họa sĩ – 12 người Palestine và 12 người Israel – năm 1988 đã cùng nhau trưng bày các tác phẩm của họ trong nỗ lực đầu tiên như vậy bên ngoài Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Những người phụ trách triển lãm là họa sĩ Kamal Boullata, người Palestine, và Yona Fischer, viên chức cấp cao của Bảo tàng Israel Museum. Nhà điêu khắc Shulamith Koenig, người Israel cư trú tại New York, đóng vai trò là người quản lý triển lãm. Chuyện xưa như là cổ tích, và dĩ nhiên, truyện cổ tích nào thì cũng bình yên và thơ mộng.
Dĩ nhiên là phải có một danh xưng để thuyết phục hòa bình. Triển lãm vì hòa bình này thực hiện bởi một ủy ban có tên là “Ad-Hoc Committee of Artists and Writers for Israeli-Palestinian Peace” (Ủy ban Đặc nhiệm Các Họa sĩ và Nhà văn vì Hòa bình giữa Israel-Palestine). Chữ “ad-hoc” có nghĩa là “vì mục đích đặc biệt này” bây giờ thấy rõ là hỏng. Ủy ban này trụ sở tại Jerusalem, nơi điều phối triển lãm, nằm trong số hơn 1.000 nghệ sĩ, nhà văn và học giả Israel và Palestine đã ký một hiệp ước hòa bình mang tính biểu tượng vào ngày 13 tháng 6, 1988. Tài liệu nêu rõ nền tảng chính trị của cuộc triển lãm vì hòa bình, kêu gọi năm điều:
(1) thành lập, dưới sự giám sát quốc tế, một nhà nước Palestine độc lập ở West Bank và Dải Gaza;
(2) sự công nhận lẫn nhau của các quốc gia Palestine và Israel về quyền bảo đảm biên giới;
(3) một hiệp ước hòa bình và hiệp định không xâm lược được hai nước ký kết với sự bảo đảm quốc tế;
(4) một Jerusalem phi quân sự đóng vai trò là thủ đô của cả hai quốc gia; và
(5) một giải pháp công bằng cho vấn đề người tị nạn.
Than ôi, khi chính trị gia tranh chấp Đất Thánh mà các nghệ sĩ xen vào đòi hỏi quá nhiều. Thế nên, bây giờ, năm 2024, chẳng thấy điều gì thực hiện. Đó mới gọi là cổ tích. Cái gọi là hiệp ước hòa bình kia đúng với chính danh là biểu tượng “a symbolic peace treaty” bởi vì do 1.000 nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, học giả ký tên. Thử nghĩ trên đời này, có hiệp ước hòa bình thực sự nào cho nhà thơ và họa sĩ ký tên đâu? Nhưng hầu hết tên của họ đã trở thành lịch sử, từng người một đều có những đóng góp lớn cho văn học, nghệ thuật.
Ngoài 24 nghệ sĩ trong cuộc triển lãm, những người ký hiệp ước còn có một số người Palestine nổi tiếng – nhà văn Emil Habibi và Salim Jubran, nhà thơ Samih al-Qasim và Nazih Khair, diễn viên Salim Daw và Makram Khoury, và giáo sư giáo dục Đại học Haifa. Mariam Mar’ – và người Israel – nhà làm phim Amos Gitai, nhà viết kịch Dani Horvitz, nhà văn Amos Kenan, thành viên Knesset Matti Peled, nhà điêu khắc Igael Tumarkin và nhà thơ Natan Zach. Các nhà thơ Allen Ginsberg, Octavio Paz và nghệ sĩ Leon Golub nằm trong số rất nhiều người thuộc cộng đồng văn học và nghệ thuật quốc tế đã tuyên bố ủng hộ.
Tác phẩm phần lớn cũng mang tính biểu tượng, nêu lên bản sắc của hai dân tộc Palestine và Israel. Nghệ thuật trong triển lãm biến đổi đa dạng về phong cách, bố cục và kỹ thuật. Các tác phẩm của Suleiman Mansour, được tạo ra bằng đất và sơn, có chất lượng ba chiều thô ráp gợi lên hình ảnh những ngôi làng và phong cảnh của Palestine. David Reeb sử dụng chất liệu acrylic trong bản tóm tắt của mình mô tả các chủ đề của người Palestine và Israel. Bốn bức vẽ lớn, rõ nét về một chiếc mũ Ả Rập (“Kafiya I-IV”) của Tsivi Geva là những sáng tạo bằng sơn mài và phun sơn. Những tấm lụa thư pháp Ả Rập giống như mê cung của Boullata nói lên sự đối xứng hoàn hảo và mời gọi sự phản chiếu.
Dư luận dĩ nhiên là vang dội, ít nhất là trong những người mơ mộng. Nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ Dore Ashton, trong Ủy ban Ad-Hoc Committee tại New York, viết lên những dòng chữ cũng rất cổ tích thơ mộng: “Chuyến lưu diễn ở Hoa Kỳ mang tính chất của một bản tuyên ngôn… sự đến với nhau của những nghệ sĩ này thể hiện một cử chỉ mang tính biểu tượng chính trị và cụ thể, kéo theo sự đấu tranh nội tâm đáng kể và rủi ro cá nhân của riêng các họa sĩ.”
Bá tước Wilhelm Wachtmeister, đại sứ Thụy Điển tại Hoa Kỳ, người đã vận động hòa bình cho vùng Trung Đông, đã giới thiệu buổi khai mạc ở thủ đô Washington, DC, thu hút hơn 500 người, với lời lẽ tương tự: “Để xây dựng hòa bình, những người chống nhau phải đến với nhau… Quan trọng là bạn gặp nhau, chúng ta gặp nhau.” (“In order to make peace, opponents must go to each other… The importance is that you meet, that we meet.”) Than ôi, nhà thơ và họa sĩ gặp nhau cũng vô ích, cho dù đông cỡ nào, nói chi là chỉ có 1.000 nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, học giả. Cuộc triển lãm đó khởi hành ở New York rồi tới thủ đô Washington, DC, Chicago, San Francisco, Pittsburgh, Seattle, Philadelphia, Atlanta và Boston.
Tham dự cuộc triển lãm lưu diễn đó có hai người khổng lồ của nghệ thuật tạo hình Palestine: Nabil Anani, và Kamal Boullata. Họ là những tài năng nổi bật, có tầm vóc quốc tế.
Họa sĩ Nabil Anani: bản sắc Palestine
Nabil Anani, sinh năm 1943, là một họa sĩ người Palestine nổi tiếng được biết đến với những bức tranh mạnh mẽ và giàu sức gợi phản ánh trải nghiệm của người Palestine. Tác phẩm của ông thường khám phá các chủ đề về sự dịch chuyển, bản sắc và sự phản kháng. Trong bối cảnh xung đột Palestine-Israel, tranh của Anani truyền tải cảm giác khao khát hòa bình và công lý sâu sắc. Việc ông sử dụng màu sắc rực rỡ và hình ảnh mang tính biểu tượng nhằm nâng cao khả năng phục hồi của người dân Palestine và nỗ lực chung sống hòa bình của họ.
Sau khi tốt nghiệp năm 1969, từ khoa Mỹ thuật tại Đại học Alexandria, Anani trở lại Palestine để bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một họa sĩ và giảng viên tại trường cao đẳng đào tạo Liên Hợp Quốc ở Ramallah. Triển lãm đầu tiên của ông ở Jerusalem là vào năm 1972 và kể từ đó đã được triển lãm rộng rãi ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi và Nhật Bản. Ông được bổ nhiệm vào năm 1998 với tư cách là người đứng đầu Liên đoàn Nghệ sĩ Palestine và là người đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập Học viện Nghệ thuật Quốc tế đầu tiên ở Palestine. Bởi vì tranh của Anani là sự thể hiện bản sắc dân tộc Paalestine, nên thương xuyên gặp trở ngại với sự kiểm duyệt quân sự của chính quyền Israel, đặc biệt là việc sử dụng kết hợp bốn màu của lá cờ Palestine bị cấm và có lúc Anani cùng với các thành viên khác của liên minh đã bị bắt và thẩm vấn. Họa sĩ Nabil cũng đã được Yasser Arafat trao Giải thưởng Quốc gia Palestine đầu tiên về Nghệ thuật Thị giác (Palestinian National Prize for Visual Art) vào năm 1997.
Họa sĩ Kamal Boullata: trừu tượng tôn giáo
Trong khi đó, họa sĩ Kamal Boullata (1942-2019) nổi tiếng như một họa sĩ và nhà sử học nghệ thuật người Palestine. Các tác phẩm của ông chủ yếu được thực hiện bằng acrylic. Tác phẩm của ông có phong cách trừu tượng, tập trung vào những ý tưởng về sự chia rẽ trong bản sắc Palestine, sự tách biệt khỏi quê hương. Ông thể hiện những ý tưởng này thông qua các hình thức hình học cũng như thông qua sự kết hợp giữa các từ và thư pháp Ả Rập. Tuy phần lớn là tranh trừu tượng, nhưng nhan đề phần nhiều mang ý nghĩa về tôn giáo.
Kamal Boullata sinh ra ở Jerusalem vào năm 1942. Boullata lớn lên ở Khu phố Thiên chúa giáo của Thành phố Cổ, nơi nằm dưới sự cai trị của Jordan sau khi Israel chiếm đóng Tây Jerusalem vào năm 1948. Boullata nhớ lại việc ngồi hàng giờ liền khi còn là một cậu bé trước Mái vòm Đá (Dome of the Rock, trên đỉnh đền thờ Temple Mount ở cổ thành Jerusalem), mải mê phác họa vô số mẫu hình học và các bản khắc thư pháp khó hiểu. Những khuôn mẫu mà anh nhìn thấy khi còn nhỏ vẫn vang vọng không ngừng trong suốt quá trình làm việc khi trưởng thành của anh. Trong một cuộc phỏng vấn, anh nhớ lại “Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng Jerusalem không ở phía sau tôi, nó luôn ở phía trước tôi.”
Boullata học tại Học viện Mỹ thuật ở Rome và tại Trường Nghệ thuật và Thiết kế Corcoran, Washington, D.C. Năm 1993 và 1994, Kamal được trao Học bổng Cao cấp Fulbright (Fulbright Senior Scholarships) để tiến hành nghiên cứu về nghệ thuật Hồi giáo ở Maroc. Kamal, người có tác phẩm đã được triển lãm khắp Châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Đông, sống và làm việc tại Menton ở miền Nam nước Pháp và hiện tại ở Berlin, Đức. Kamal Boullata từng làm việc tại The Wissenschaftskolleg zu Berlin (Viện Nghiên cứu Cao cấp, Berlin). Kamal Boullata qua đời ngày 6 tháng 8/2019.
Họa sĩ Israel vì hòa bình: John Kiss
John Kiss là một họa sĩ người Israel, thuộc thế hệ rất trẻ. Anh có tên khai sinh là Jonathan Kis-Lev, chào đời ngày 12 tháng 9/1985, nghĩa là chưa tới 40 tuổi. John Kiss là một nghệ sĩ đường phố và là một nhà hoạt động vì hòa bình người Israel. Với nhiều tác phẩm sơn xịt graffiti trên tường, các tác phẩm sắp đặt chính trị, các dự án dựa vào cộng đồng và tác phẩm nghệ thuật công cộng của anh đã mang lại cho anh danh hiệu “Israeli Banksy” (nghĩa là: Banksy Do Thái). Nhiều tác phẩm của Kiss đã được giới thiệu trong nhiều cuốn sách khác nhau và nhiều tạp chí, bao gồm cả bìa tạp chí.
Họa phẩm của Kiss tập trung vào nghệ thuật chữa lành những cộng đồng đang trải qua xung đột hoặc khủng hoảng. Kiss đã tham gia nhiều tổ chức hòa bình khác nhau từ khi còn ở tuổi thiếu niên, bao gồm cả tổ chức “Bereaved Families for Peace and Peace Now” (Gia đình tang quyến vì Hòa bình và Hòa bình Bây giờ).
Trong bức tranh tường The Peace Kids, vẽ trên bức tường ngăn cách Palestine-Israel ở Bethlehem, Kiss đã tạo nên một bức tranh với “thông điệp hy vọng” và “tinh thần hòa giải và tình anh em” giữa người Israel và người Palestine. Tác phẩm nghệ thuật này đã gây ra “tranh cãi lớn” và được đưa vào nhiều bài tiểu luận và bài báo khác nhau, cũng như trên trang bìa của Tạp chí Khoa học Hòa bình. The Peace Kids là bức tranh tường mô tả Srulik, một biểu tượng của Israel, ôm lấy Handala, một biểu tượng của Palestine. Tranh này vẽ 2 nơi, được tạo ra bởi nghệ sĩ người Israel John Kiss ở hai địa điểm: Bethlehem, Palestine (cùng với nghệ sĩ người Palestine Moodi Abdallah) và Tel Aviv, Israel.
Tác phẩm của John Kiss được trưng bày trong các cuộc triển lãm nghệ thuật cá nhân trên khắp thế giới, và được đưa vào bộ sưu tập thường trực của Ngân hàng Quốc gia Israel. Kiss cũng nhận được sự công nhận cho tác phẩm nghệ thuật của mình ở quê hương Tel Aviv, với thị trưởng Tel Aviv Ron Huldai ủng hộ nghệ thuật của Kiss, và tác phẩm graffiti của Kiss nhan đề “27 Club” trở thành một biểu tượng của thành phố. Tạp chí Time Out đã xếp tác phẩm của Kiss vào danh sách “Những gì đẹp nhất ở Tel Aviv” (The most beautiful in Tel Aviv).
Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, Kiss tham gia cùng các nhà hoạt động người Palestine Haneen Jounis và Janan Adawi, để tìm kiếm giải pháp cho hòa bình Trung Đông thông qua giải quyết xung đột và tâm lý hòa bình.
Kiss đã phát triển ý tưởng của mình để giúp trẻ em từ cả hai phía tiếp xúc với nhau bằng cách cho chúng gặp gỡ giữa con người với phía bên kia của cuộc xung đột và trao cho cả người Ả Rập và người Do Thái quyền bình đẳng và an ninh.
Theo Kiss, bản thân đạo Hồi không khuyến khích bạo lực, và “Những người cuồng tín theo chủ nghĩa Hồi giáo chỉ là một thiểu số nhỏ.” Trong các cuộc phỏng vấn, Kiss rằng anh và những người bạn Ả Rập thường bất đồng quan điểm về các vấn đề chính trị, tuy nhiên, theo quan điểm Kiss, văn hóa trò chuyện hòa bình đơn thuần vẫn đáng được tôn vinh. Họa sĩ John Kiss dĩ nhiên là một người nhiều mơ mộng. Nhưng tại sao lại không thể mơ mộng về một hòa bình cho hai dân tộc Palestine và Israel, ngay tại nơi đất thánh của ba tôn giáo lớn của nhân loại?
Nữ họa sĩ Heba Zagout và bức tranh mang bản sắc Palestine. Zagout chết vì bom Israel tháng 10/2023.
Nữ họa sĩ Rana Samara, người Palestine, đang sống trong West Bank, nơi quân Israel đang chiếm đóng.
Nabil Anani và tranh. Anani bị chính quyền Israel cấm vẽ bố cục 4 màu sắc gợi nhớ lá cờ Palestine.
Họa sĩ Kamal Boullatta tuy vẽ tranh phần lớn là trừu tượng, nhưng đặt tựa tranh mang tính tôn giáo, siêu hình.
Kamal Boullata hiếm khi vẽ tranh tượng hình, hầu hết là trừu tượng.
Trẻ em Israel và Palestine bá vai nhau. Tranh tường nhan đề “The Peace Kids” (Các trẻ em hòa bình) có hai phiên bản, bên trái là ở Bethlehem, và bên phải là ở Tel Aviv.
Họa sĩ John Kiss đang vẽ tranh tường ở khu phố Florentin, Tel Aviv.