Vài đóng góp của tự điển Béhaine trong văn hoá ngôn ngữ Việt Nam

Nguyễn Cung Thông[1]

Bài viết này bàn về tự điển chép tay của LM Pigneau de Béhaine (viết tắt là TVL). Người viết ghi lại kinh nghiệm đọc tài liệu này cũng như vài kết quả thú vị về tiếng Việt. TVL có thể đọc trên mạng thoải mái (không cần dùng kính lúp[2]!) như từ trang này chẳng hạn https://archive.org/details/DictionariumAnamiticoLatinumPigneaux/Dictionarium%20Anamitico-Latinum%20-%201772%2C%20P.J.%20Pigneaux/page/n335/mode/2up?view=theater, v.v. Ngoài giá trị về tự điển tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ khá ổn định vào cuối TK 18 và đầu TK 19, ít người biết TVL là một nguồn tra cứu về ca dao và thành ngữ phong phú. Ngay trong mục đàm, TVL đã ghi cách dùng "tục ngữ hằng đàm[3] 俗語恆談", phản ánh phần nào một đường hướng biên soạn tài liệu này, như các thí dụ ghi nhận trong bài này. Ngoài ra từ ngày có hệ thống nối mạng toàn cầu Internet, vấn đề tham khảo tài liệu không phải cực nhọc như trước đây nữa: td. các tài liệu tham khảo chính của bài viết này có thể tìm đọc trên mạng (td. xem mục 3 bên dưới). Một trường hợp khác là liên hệ rất lâu đời giữa hai ngôn ngữ và văn hoá Việt và Hán – một gợi ý qua bài viết này – từng được cụ Phan Khôi bộc bạch cách đây hơn nửa thế kỉ "Người Việt Nam chúng ta về sau phải sang Trung Quốc ở lâu mà nghiên cứu, may ra tìm được cái dấu vết tương quan của dân tộc ta với dân tộc Trung Quốc từ đời thượng cổ. Tôi tuy chưa được nghiên cứu chứ cũng có thấy trong đó một vài tia sáng, rồi đây tôi sẽ viết ra để nêu lên vấn đề" – trích từ trang 34 Việt Ngữ Nghiên Cứu (sđd). Các chữ viết tắt khác là VBL (tự điển Việt Bồ La), NCT (Nguyễn Cung Thông), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716). Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

1. Vài trường hợp ca dao tục ngữ

1.1 Giả mù pha mưa: từ nhỏ người viết (NCT) thường nghe tục ngữ giả mù sa mưa hay quá mù ra mưa, nhưng khi tra TVL thì lại là giả mù pha mưa 假葩. Câu này hàm ý giả vờ không biết làm gì, khác với các dị bản là giả mù sa mưa, quá mù sa mưa, quá mù ra mưa (Việt Nam Tự Điển, sđd), v.v. Ít người biết thành ngữ giả mù pha mưa của TK 18, với pha viết chữ Nôm là ba 葩 (từ HV còn có nghĩa là hoa). Pha có một dạng chữ Nôm khác là ba/pha 坡 như trong Truyện Kiều (câu 140)

坡味襖染䏧

Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời, v.v.

Pha có các dị bản là sa, ra. Không thấy LM Theurel ghi cách dùng này (Đàng Ngoài)! Học giả Huỳnh Tịnh Của (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 1895 sđd) giải thích chi tiết như sau:

image

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị – trang 359

1.2 Chí công mài sắt chầy ngày nên kim: bây giờ thì thường nghe là "có công mài sắt có ngày nên kim". Chí công mài sắt chầy ngày nên kim viết chữ Nôm (TVL) là 志功埋鉄迡年針. Tự điển Taberd ghi lại hoàn toàn chữ quốc ngữ, chữ Nôm hơi khác ở chữ chầy[4] dùng trì HV 遲 (15 nét) so với dạng chầy trong TVL 迡 (5 nét, cả hai dạng đều hiện diện trong TVL). Chữ Nôm trong cuốn Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục (khoảng năm 1914) khác với chữ Nôm trong TVL (khoảng 1772/1773) như mài chữ Nôm là (bộ thạch hợp với chữ mai, dạng này hiện diện trong Truyện Kiều/Lý Hạng Ca Dao), so với dạng chữ Nôm trong TVL là mai HV 埋 (bộ thổ). Nên chữ Nôm là (chữ niên hợp với chữ thành biểu ý). Tự điển Theurel (1877), phản ánh ngôn ngữ Đàng Ngoài, tuy dựa vào công trình của LM Taberd (1838), đã dùng dị bản "có công mài sắt có ngày nên kim" và đây là dạng phổ thông cho đến ngày nay. Trong bản Nôm và chữ quốc ngữ (Đàng Ngoài, khoảng 1914 – Quan Văn Đường tàng bản) "Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục" cũng ghi "có công mài sắt có ngày nên kim": chữ kim ghi bằng châm 針 (viết tắt bộ kim) – xem hình chụp bên dưới. Nên chữ Nôm thời TVL dùng chữ niên HV 年 cũng như trong các tài liệu Nôm cổ như Cư Trần Lạc Đạo Phú, Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh… Chữ Nôm hậu kì thường thêm chữ thành HV 成 biểu ý vào thanh phù niên để cho rõ nghĩa hơn.

image

Béhaine (1772/1773, sđd)

image

Taberd (1838, sđd)

image

Theurel (1877, sđd)

Đàng Trong, cụ Huỳnh Tịnh Của vẫn giữ nguyên bản gốc[5]:

image

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895, sđd)

image

Trích từ Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục, trang này https://dulieu.itrithuc.vn/media/dataset/2020_08/nlvnpf-0071.pdf

1.3 Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

Mục trồng của TVL ghi "ăn trái nhớ kẻ trồng cây" so với bây giờ tiếng Việt đa phần dùng "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" – chữ Nôm viết là 咹 (果吏}[6] 汝几櫳核 – LM Béhaine ghi trồng chữ Nôm là 槞. Không thấy ghi câu này trong tự điển Theurel[7] – có lẽ không thông dụng ở Đàng Ngoài vào thời này so với Đàng Trong. Câu tục ngữ này cho thấy trái đã thông dụng hơn so với quả, cũng phù hợp với ghi nhận trong VBL với 9 mục ghi trái (< blái) so với 3 lần dùng quả (trái quả, hoa quả, hàng quả) so với TVL có 22 mục trái và 3 mục quả. Sau này trái lại thông dụng ở Đàng Trong so với quả ở Đàng Ngoài[8] (phương ngữ). Điều này cho thấy Đàng Trong (thành hình từ các đợt di dân từ Đàng Ngoài và cộng cư với dân bản địa) có khả năng bảo lưu một số dấu vết của tiếng Việt cổ. Trái là một trường hợp đáng chú ý: tiếng Mường Bi) là tlái, hay plaj (thổ ngữ Mường) – môt dạng proto-Vietic là *k-la:i?, proto-MonKhme là *klaj(ʔ) – VBL ghi trái là blái. An Nam Dịch Ngữ còn ghi quả viên là vườn trái (*blái) 菓園文拜. Các dạng chữ Nôm[9] cổ cũng cho thấy tổ hợp phụ âm bl- như trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh (5a):

敬礼菩蕯 割麻助[]吒

Kính lạy Bồ Tát, cắt trái tay mà trợ [cứu] vua cha

Chữ Nôm trái viết bằng chữ ba 巴 hợp với chữ lai 來 bên trái – hoàn toàn phù hợp với dạng blái của chữ quốc ngữ trong VBL.

Hay trong Cư Trần Lạc Đạo Phú (23a):

咹蒌咹 業庄嫌所䔲荄

Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chăng (chẳng) hiềm (hèm) thửa đắng cay

Chữ Nôm trái viết bằng chữ ba 巴 hợp với chữ lại 賴 ở dưới, hoàn toàn phù hợp với dạng blái của VBL. Một điểm đáng nhắc ở đây là đọc các tài liệu chép tay của cụ Philiphê Bỉnh (1759-1833) thì trái luôn viết là blái, như vậy cùng thời với TVL thì Đàng Ngoài vẫn còn dạng blái thời VBL, so với Đàng Trong đã dung dạng trái (cho đến ngày nay).

Thành ra câu tục ngữ ăn trái nhớ kẻ trồng cây không những cho ta một bài học đạo đức của xã hội truyền thống, mà còn để lại dấu ấn của tiếng Việt cổ đại (trái) so với ảnh hưởng của phương Bắc (quả HV 果 đồng nghĩa) không nhỏ trong ngôn ngữ đại chúng.

1.4 Con công chẳng giống lông thì giống cánh

Con công trong câu tục ngữ này đã ‘nhân cách hoá’ và ‘tổng quát hoá’ thành con nhà tông để cho ra dạng phổ thông hiện nay là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Từ sự quan sát chi tiết và cụ thể của loài công, tiền nhân ta đã để lại kí ức tập thể trên qua câu tục ngữ này: loài công (đực) có một bộ cánh rất sặc sỡ và óng ánh, các thế hệ sau của loài chim này cũng mang theo đặc tính này[10] (gen di truyền từ đời này sang đời kia).

image

Chim công đang bay – trích từ trang https://a-z-animals.com/blog/can-peacocks-fly/

Dân tộc khác cũng có những quan sát tế nhị như trên, như người Đức còn có ngạn ngữ "này các con công, hãy nhìn lại hai chân của chính mình (tạm dịch/NCT – Pfauen, schaut auf eure Füße)" (hàm ý thực tế thì không hoàn toàn đẹp đẽ và hoành tráng như cánh/lông mình khoa trương). Vài điểm đáng chú ý là từ phủ định chẳng[11] trong TVL đã hay bằng không trong tiếng Việt hiện đại, ngoài ra con công gọi là chim công[12] vào thời Việt Bồ La (1651). Con công chẳng giống lông thì giống cánh viết bằng chữ Nôm vào thời TVL và Taberd là 昆公庄種 (竜羽) 時種: chữ công là kí âm trực tiếp bằng chữ công[13] HV 公 (nghĩa HV là chung, đực/trống, tước công…) cũng như dạng chữ Nôm trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa. Chữ Nôm hậu kì thường thêm vào thanh phù công bộ điểu 鳥 để cho rõ nghĩa hơn (như trong Lý Hạng Ca Dao, Giai Cú…). Con công có lý hơn trong tục ngữ này vì lông và cánh khó mà liên hệ đến loài người được (“con nhà tông”) tuy tông có cùng vần với công và lông.

image

image

Taberd

image

Theurel

1.5 Xa cừ

Xa cừ là vỏ của loài ốc biển (gọi là ốc xa cừ, ốc mặt trăng, ốc mắt ngọc) dùng làm trang trí cũng như một hải sản có giá trị kinh tế cao. TVL ghi rõ là xa cừ 車渠 (LM Taberd ghi lại y như TVL). Xa là đọc đúng theo âm HV: chữ xa 硨 (thanh mẫu xương 昌 vận bộ ma 麻 khai khẩu tam đẳng, bình thanh) có các cách đọc theo phiên thiết

尺遮切 xích già thiết (NT, QV, TTTH) – Bác Nhã 博雅 ghi xa cừ xuất phát từ Thiên Trúc (Ấn Độ). Các tài liệu đều ghi chữ xa (bộ thạch) chỉ dùng trong cụm danh từ xa cừ 硨磲. KH ghi thêm xa cừ còn viết là 車渠.

昌遮切 xương già thiết (TV, LT, VH, CV)

音車 âm xa (LKTG, CV)

CV ghi cùng vần/bình thanh xa 車 硨

Giọng BK bây giờ là chē (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông ce1 và các giọng Mân Nam 客家话:[客英字典] cha1 [台湾四县腔] ca1 [梅县腔] cha1 [海陆丰腔] cha1 潮州话:cia1, tiếng Nhật sha và tiếng Hàn cha.

Tuy nhiên, LM Theurel (Đàng Ngoài, 1877) lại ghi là xà cừ và cũng là cách dùng thông dụng trong tiếng Việt ngày nay – tuy phần giải thích bằng tiếng La Tinh thì chép lại y như tự điển Taberd – xem các hình chụp bên dưới:

image

Béhaine (1772/1773, sđd)

image

Taberd (1838, sđd)

Trong quyển Nhật Dụng Thường Đàm, tác giả Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) viết “xa cừ là ốc xa cừ” (xem hình chụp bên dưới) – cũng như tác giả Nguyễn Văn San trong Đại Nam Quốc Ngữ viết "xa cừ ốc xa cừ" với chữ xa viết là xa HV 車, tuy nhiên ngay sau đó lại viết xa bộ ngọc (như Nhật Dụng Thường Đàm, xem hình chụp bên dưới). Các dữ kiện bằng chữ Nôm này cũng cho thấy xa cừ là cách đọc vào cuối TK 18 và đầu TK 19. Khuynh hướng đọc xa cừ thành xà cừ có thể là kết quả của quá trình điều hoà thanh điệu, hay là đồng hoá thanh điệu (tone assimilation/A) trong ngôn ngữ. Một trường hợp nữa ghi trong mục lư của TVL là lư đừ > lừ đừ (tiếng Việt bây giờ, cùng âm điệu). So sánh các kết quả điều hoà thanh điệu như sau

Khiếu[14] nại > kêu nài > kèo nài (cùng âm điệu)

Hắc yên[15] > hắc *in > hắc ín (~ nhựa đường, ín cùng âm điệu với hắc)

Kí Hoà > Kì Hoà (địa danh miền Nam)

câu đáng > câu đang (câu đương)

Huyền Tráng/Tảng > Huyền Trang (pháp sư TQ)

Chúng cư > chung cư (trong cách dùng quần chúng, dân chúng, chúng sinh…)

điền kính[16] > điền kinh (nhưng vẫn dùng đường kính)

Cá *đuôi > cá đuối (cá có đặc điểm là đuôi dài…)

Nước *miệng > nước miếng, v.v.

image

Nhật Dụng Thường Đàm (sđd) chữ Nôm: xa cừ là ốc xa cừ

image

Theurel (1877, sđd)

image

Vallot (Đàng Ngoài, 1898)

image

Génibrel (Đàng Trong, 1898)

Một điểm đáng chú ý là trong Tam Thiên Tự[17] (khoảng cuối TK 18) thì ghi xa cừ với chữ Nôm xa viết bằng bộ ngọc hợp với chữ xa 車, còn Ngũ Thiên Tự [18] (khoảng đầu TK 20) ghi xà cừ 蛇渠 cho thấy âm xa đã trở thành xà ngay trong cách dùng chữ Nôm. Điều này phù hợp với các dữ kiện chữ quốc ngữ bên trên.

1.6 Cúng/cung dưỡng

image

Béhaine (1772/1773, sđd)

Cúng[19] dưỡng đã hiện diện trong TVL (mục dưỡng – xem hình chụp bên trên) và giữ nguyên dạng này trong tự điển của các LM Taberd và Theurel. Cúng dưỡng liên hệ đến cung dưỡng HV 供養, hàm ý phụng dưỡng nuôi nấng đã hiện diện trong các tài liệu Hán cổ như Chiến Quốc Sách, Lễ Kí (Nguyệt Lệnh), sau này mới dùng đặc biệt cho Phật Giáo[20] (td. trong Kinh Hoa Nghiêm) để chỉ hoạt động cúng bái Phật/Pháp/Tăng như hoa quả, ẩm thực, v.v. Bây giờ thì dạng cúng dường phổ thông trong tiếng Việt so với các dạng khác là cúng dàng[21] (Việt Nam Tự Điển, sđd). Dạng cúng dường đã xuất hiện trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895, sđd) của học giả Huỳnh Tịnh Của.

Các biến âm như dàng, dường từ âm HV dưỡng – so với các cách đọc chữ dưỡng HV 養 (thanh mẫu dĩ 以 vận mẫu dương 陽 thượng/khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

餘兩切 dư lưỡng thiết (TVGT, QV)

余掌切 dư chưởng thiết (NT, TTTH)

餘掌反 dư chưởng phản (NTLQ 玉篇零卷)

以兩切 dĩ lưỡng thiết (TV, LT, VH, CV) – TV ghi thượng thanh

餘亮切 dư lượng thiết (QV, CV)

弋亮切, 音恙 dặc lượng thiết, âm dạng (TV, LT) – TV ghi khứ thanh

TNAV ghi vận bộ/thượng thanh và khứ thanh 江陽 (giang, dương)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 養 懩 瀁 癢 (dưỡng)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 漾 瀁 羕 恙 養 煬 颺 㨾 (dạng dượng)

Giọng BK bây giờ là yǎng (theo pinyin) so với các giọng Mân Nam 客家话:[沙头角腔] jong1 [梅县腔] jong1 [客英字典] jong3 [陆丰腔] jong1 [海陆丰腔] rong1 rong3 [东莞腔] jong1 [台湾四县腔] jong1 jong3 [宝安腔] jong1 [客语拼音字汇] yong, tiếng Nhật yō và tiếng Hàn yang.

Điều quan trọng từ các dữ kiện ngữ âm trên là dưỡng HV không có khi nào là bình thanh (td. dường, dàng).

Tóm lại, TVL là một nguồn dữ liệu quan trọng cho ta biết ca dao tục ngữ qua dạng chữ quốc ngữ đầu tiên trong tiếng Việt. Ít người biết câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim" vào giữa TK 18 lại là "Chí công mài sắt chầy ngày nên kim" (khác biệt[22] khoảng 37.5%), "giả mù sa/ra mưa" từng là "giả mù pha mưa" (khác biệt 25%), "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" từng là "Con công chẳng giống lông thì giống cánh" (khác biệt 44.4%), "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" từng là "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" (khác biệt 17%) và "xà cừ" từng có dạng nguyên thuỷ là "xa cừ", "cúng dường" từng có gốc HV là "cung/cúng dưỡng" (khác biệt thanh điệu). Nhờ vào TVL mà ta có các dữ kiện để tra cứu nguồn gốc cách dùng và âm vận một cách chính xác hơn. Ngoài ra, một số thành ngữ như gạo châu củi quế 珠檜桂 tuy không hiện diện trong TVL nhưng cách dùng gạo châu và củi quế đã có mặt – phản ánh phần nào giai đoạn ban đầu trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại. Đây chỉ là vài trường hợp điển hình cho ta biết được phần nào quá trình biên soạn TVL, phản ánh qua câu "tục ngữ hằng đàm" (mục đàm, TVL) được ghi lại trong chính tài liệu này. TVL là một kết quả giao thoa giữa hai khái niệm tự điển và từ điển. Không những thế, so sánh tiếng Việt trong TVL và các tài liệu sau đó viết bởi LM Béhaine như "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" và tự điển Taberd cho ta thấy sự thay đổi trong cách dùng liên tục (td. ngày Du Minh > ngày Chúa nhật > chủ nhật). LM Taberd cũng thêm các câu tục ngữ vào nguyên bản TVL khi cập nhật như thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi, v.v. Cũng dựa vào TVL, so sánh tiếng Việt trong tự điển Taberd Đàng Trong và Theurel Đàng Ngoài cũng cho thấy khác biệt trong phương ngữ các miền. Ngay cả vào thời LM Béhaine và Taberd, Đàng Trong có câu quen dái dạ, lạ dái áo[23] (TVL mục dái) thì Đàng Ngoài – qua ngòi bút của cụ Philiuphê Bỉnh trong Sách Sổ Sang Chép Các Việc (sđd, trang 159) – có một dạng là quen thì dái dạ, lạ thì dái áo. Hi vọng bài viết nhỏ này gợi ý cho người đọc tìm hiểu và khám phá thêm nhiều kết quả thú vị trong TVL, cũng như cho thấy các đóng góp của tài liệu này – không những từ lăng kính cấu trúc chữ quốc ngữ (khá ổn định từ thời TVL đến nay) – mà từ những góc cạnh khác hơn như văn hoá ngôn ngữ VN vào TK 18/19 – cụ thể là qua các câu ca dao tục ngữ và thành ngữ tiếng Việt trong TVL. Tuy soạn giả là người CG và do đó có nhiều thuật ngữ CG cổ như sinh thì (qua đời, thuật ngữ CG cổ), Đức Thánh Pha Pha (bây giờ gọi là Đức Giáo Hoàng), Lâm Bô… Nhưng cũng hiện diện nhiều cách dùng PG như A Di Đà Phật, cúng dưỡng, Tây Phương Phật trong TVL… Thành ra, TVL đã cung cấp nhiều dữ kiên quý báo cho lịch sử tiếng Việt cách đây khoảng vài ba thế kỉ.

2. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM, 1999). Có thể tham khảo bản chép tay trên mạng như https://archive.org/details/DictionariumAnamiticoLatinumPigneaux/Dictionarium%20Anamitico-Latinum%20-%201772%2C%20P.J.%20Pigneaux/page/n1/mode/2up?view=theater

"Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 (khoảng 1774) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://pdfcoffee.com/qdownload/1774-thanh-giao-yeu-ly-quoc-ngu-ba-da-loc–pdf-free.html, v.v.

2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc”, NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”, “Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo”… Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị”, Tome I, II, Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://vi.wikisource.org/wiki/M%E1%BB%A5c_l%E1%BB%A5c:%C4%90%E1%BA%A1i_Nam_qu%E1%BA%A5c_%C3%A2m_t%E1%BB%B1_v%E1%BB%8B_1.pdf, v.v.

4) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français”, Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://archive.org/details/DictionnaireAnnamiteFranais1/page/n451/mode/2up?view=theater

5) Phạm Đình Hổ (1827) Nhật dụng thường đàm (日用常談) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như http://nomfoundation.org/nom-tools/Nhat-dung-thuong-dam-Dictionary/Table-of-contents/18-Treasure, v.v.

6) Hội Khai Trí Tiến Đức – ban văn học (1931/1954) “Việt Nam Tự Điển”, NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://vietnamtudien.org/vntd-kttd/m-n.html, v.v.

7) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2, NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như http://nomfoundation.org/nom-tools/Tu-Dien-Chu-Nom-Dan_Giai/Tu-Dien-Chu-Nom-Dan_Giai?uiLang=en

8) Phan Khôi (1954) “Việt ngữ nghiên cứu”, NXB Đà Nẵng in lại.

9) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) “Lexicon Cochin-sinense Latinum” đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích về cấu trúc và nghĩa – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://archive.org/details/c495.11d937.2lexicon/page/n21/mode/2up?view=theater, v.v.

10) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày”, Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961, Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://commons.wikimedia.org/w/index.php?title=File:Ph%C3%A9p_gi%E1%BA%A3ng_t%C3%A1m_ng%C3%A0y.pdf&page=2, v.v.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false, v.v.

“Tường Trình về Đàng Trong 1645”, bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646”, dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên, Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

11) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (1838) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như http://nomfoundation.org/nom-tools/Taberd-Dictionary?uiLang=en

12) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT), Ninh Phú (Đàng Ngoài) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://books.google.com.au/books?id=sTeOZUWvMqEC&printsec=frontcover&redir_esc=y#v=onepage&q&f=false, v.v.

13) Nguyễn Cung Thông (2021) loạt bài viết như 1. "Hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 1) – Tản mạn về tiếng Việt", 2. "Hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 2) – Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang?" 3. "Hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 3) – tẩm liệm hay tấn/tẫn/tẩn liệm?" 4. "Hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 4) – phong phanh hay phong thanh?" – có thể tham khảo trên trang http://conggiao.info/tan-man-ve-tieng-viet-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-4-d-48694 hay https://thuvienhoasen.org/a25886/huyen-trang-huyen-tang-hay-huyen-trang-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-2-; "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách dùng con và cái (phần 14)" – xem bài viết trên mạng như https://www.daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/trong-nuoc/28119-tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-cach-dung-con-va-cai-phan-14.html, v.v.

14) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré”. NXB F.H. Schneider (Hà Nội) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://archive.org/details/DictionnaireFranco-tonkinois/page/n277/mode/2up?view=theater

(1905) “Grammaire Annamite à l’Usage des Français de l’Annam et du Tonkin”. Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

Phụ Trương

1. TVL còn cho ta nhiều dữ kiện về cấu trúc và cách đọc chữ Nôm vào TK 18/19: một trường hợp điển hình cho thấy giặng là một dạng đọc chữ Nôm của trang HV 庄 – khả năng ngạc hoá của thanh phù công 工, giải thích được phần nào liên hệ giữa không HV chăng (< *giăng). Xem chi tiết trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng đừng, chẳng khi nào đừng, chẳng có khi đừng” (phần 35)" – có thể tham khảo toàn bài trên trang này https://nghiencuulichsu.com/2022/04/04/tieng-viet-tu-tk-17-cach-dung-dung-chang-khi-nao-dung-chang-co-khi-dung-phan-35/

image

Phần Mục Lục (Index) TVL

image

TVL (Béhaine (1772/1773, sđd)

image

TVL (Béhaine (1772/1773, sđd)

2. Trong tài liệu chép tay Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo, LM Philiphê Bỉnh – cùng thời với TVL – từng dùng "tân như quế mễ như châu hàm như ngọc thuỷ như du" phản ánh phần nào cách dùng ở Đàng Ngoài, gần với nguyên bản Hán Việt hơn.

Trích trang 55 từ "Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo" – Philiphê Bỉnh.


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập (Melbourne, Australia) – địa chỉ nguyencungthong@gmaịlcom

[2] Nhất là khi tra các dạng chữ Nôm, chữ quốc ngữ cổ chụp lại không được rõ ràng, v.v. Thành ra nếu đọc được trên màn ảnh (computer screen) có sẵn thì tiện lợi biết bao, đặc biệt là khi phải phóng ra lớn để nhìn các nét viết từ các tài liệu cổ, nét chữ mờ hay phẩm chất kém với thời gian…

[3] Tục ngữ là những câu nói còn lưu truyền trong dân gian (tiếng La Tinh là proverbium ~ lời ví, ngạn ngữ, lời khôn/Taberd), hằng đàm là thường được nói – câu này có ý lặp đi lặp lại (thừa).

[4] chầy có thể liên hệ đến trì HV 遲 cũng như tương quan chỉ – giấy, thị – thấy, thì – giây, thi – thây, phi – bay, quy – quay, si -say, vi – vây (bao vây), khỉ/khởi – gây/gầy (dựng) trì – chầy, v.v. VBL còn ghi cách dùng bao chầy là bao lâu (quandiù La Tinh). Nghĩa của chầy còn vết tích trong thành ngữ chẳng chóng (kíp) thì chầy…

[5] Câu tục ngữ này có thể liên hệ đến thành ngữ HV thiết xử thành châm 鐵杵成針 (tạm dịch/NCT mài sắt thành kim), tương truyền rằng đại thi hào đời Đường Lý Bạch (701-762) bản tính ham chơi, nhân một ngày đi dạo (thật ra là trốn học) ra suối gặp một bà lão đang mài thanh sắt. Ông mới hỏi làm sao và khi nào thì mài thanh sắt trở thành cây kim cho được! Bà lão mới từ tốn trả lời nếu từ từ kiên nhẫn mài thì thanh sắt có ngày sẽ trở thành cây kim. Về nhà suy nghĩ sâu xa hơn, Lý Bạch mới tỉnh ngộ và sau đó học hành chăm chỉ so với trước (ông xuất thân là con nhà khá giả ham làm thơ và ngao du đây đó). Sau nhiều đời tuyền tụng, câu chuyện trên trở thành tục ngữ nổi tiếng thiết xử thành châm. Có tài liệu ghi câu này là thiết xử thành châm 鐵杵成針 và có xuất xứ từ thời nhà Minh, tác giả Trịnh Chi Trân 鄭之珍 (1518-1595) trong tác phẩm Mục Liên Cứu Mẫu… Tham khảo thêm chi tiết trên các trang này chẳng hạn https://baike.baidu.hk/item/%E9%90%B5%E6%9D%B5%E7%A3%A8%E9%87%9D/1923839 hay https://dict.idioms.moe.edu.tw/idiomView.jsp?ID=1008&webMd=2&la=0, v.v.

[6] Trái chữ Nôm có nhiều dạng, LM Béhaine và Taberd dùng chữ quả 果 hợp với chữ lại 吏 hài thanh, đây là những dạng chữ Nôm hậu kì như trong Dương Từ Hà Mậu, Nhị Độ Mai, Chinh Phụ Ngâm, v.v.

[7] Tuy không ghi thành ngữ này, phần Appendix (Phụ Lục) mục trái của tự điển Theurel (1877) có ghi “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” cho thấy phần nào Đàng Ngoài không dùng tục ngữ này nhiều cũng như khi dùng thì lại dùng trái chứ không phải quả như đa phần trong tiếng Việt hiện nay.

[8] Mục trái của tự điển Theurel Đàng Ngoài chỉ có 4 mục trái (trái cầu, trái cù, trái phá, trái găng).

[9] Trích từ "Tự Điển Chữ Nôm Dẫn Giải" (Nguyễn Quang Hồng, 2015, sđd).

[10] Cũng chính đặc điểm này của con công đã làm nhà bác học Charles Darwin mất ăn mất ngủ: tại sao lông/cánh con công ngăn cản hoạt động như chạy hay bay của loài này, nhưng chúng vẫn còn sống cho đến ngày nay? Darwin đề nghị một cách lý giải dựa vào sự chọn lọc tình dục (sexual selection – con mái thích con trống khoe lông/cánh khi xoè ra) thêm vào sự chọn lọc tự nhiên của loài mạnh nhất trong việc đấu tranh sinh tồn.

[11] Xem thêm chi tiết về thể phủ định tiếng Việt trong bài viết (cùng tác giả/NCT) "Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng đừng, chẳng khi nào đừng, chẳng có khi đừng (phần 35)" trên trang này chẳng hạn http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tieng-viet-tu-tk-17-cch-dng-dung-chang-khi-no-dung-chang-c-khi-dung-phan-35/, v.v.

[12] Để ý thêm cách dùng cái chim công như "Khổng tước thật là hiệu cái chim công" trang 173 "Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa" Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải – NXB Văn Học (2016, Hà Nội); "Khổng tước chim công" (Đại Nam Quốc Ngữ, sđd). Điều này cho thấy tục ngữ "con công chẳng giống lông thì giống cánh" qua cách dùng con công có khả năng xuất hiện sau thời Chỉ Nam Ngọc Âm và Việt Bồ La.

[13] Để ý chí công viết chữ Nôm là 志功 chứ không phải là 至公 (chí công ~ rất công bình, cũng như chí thân, chí lý, chí khổ, chí ác…). Đây là một khuyết điểm của chữ quốc ngữ dựa vào các mẫu tự La Tinh/Bồ mang tính chất độc đoán cao (arbitrariness/A).

[14] Khiếu HV 叫 đọc là 吉弔切 cát điếu thiết (ĐV, CV) hay cổ điếu thiết 古弔切 (TV, VH) luôn là thượng thanh.

[15] Yên HV 煙 đọc là ô tiền thiết 烏前切 (ĐV), nhân liên thiêt 因蓮切 (TV, VH) luôn là bình thanh.

[16] 徑 có thể đọc là kính (古定切 cổ định thiết/TV) hay kinh (堅靈切 kiên linh thiết/TV).

[17] "Tam Thiên Tự" Đoàn Trung Còn biên soạn, NXB Văn Hoá Thông Tin (2003, Thành Phố HCM).

[18] "Ngũ Thiên Tự" Vũ Văn Kính, Khổng Đức biên soạn, NXB Văn Hoá Thông Tin (2001, Thành Phố HCM).

[19]Chữ 供 đọc là cung (居容切 cư dung thiết/TV/VH) nhưng cũng đọc là cúng (居用切 cư dụng thiết/TV/VH).

[20] Tham khảo chi tiết nghĩa của cung dưỡng theo Phật Giáo từ Từ Điển Phật Quang chẳng hạn http://anphat.org/dictionary/detail/tu-dien-phat-quang/2/C/12831/cung-duong/25

[21] Thượng toạ Thích Chân Tính còn cho biết các dạng khác của cúng dường như cúng vườn, cúng giường – xem chi tiết trong bài viết https://www.chuahoangphap.com.vn/thu-vien-kinh-sach/chi-tiet-cung-duong-186/ .

[22] Đương nhiên có những cách dùng bây giờ hoàn toàn giống như thời TVL như "tay làm hàm nhai" (mục nhai trong TVL), "gần mực thì đen gần đèn thì sáng" (mục đen trong TVL), "ngựa quen đường cũ" (mục quen)… Hay có những cách dùng không còn thấy ai nhắc tới nữa như "lửa xe nước gáo" (mục lửa) "thần tỉnh mô khán"..

[23] Dái là sợ, e – VBL đã từng ghi nét nghĩa này (timeo La Tinh) cùng với nét nghĩa hòn dái. Nét nghĩa thứ nhất đã không còn dùng nữa trong tiếng Việt hiện đại (chỉ còn bảo lưu qua tục ngữ quen dái dạ, lạ dái áo) so với nét nghĩa thứ nhì.

Comments are closed.