Những bài thơ của Lưu Mêlan dưới đây được trích trong tập Thánh đường dễ sụp đổ do nhà xuất bản Giấy Vụn vừa phát hành toàn cầu qua hệ thống Amazon. Văn Việt xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trăng
tôi sẽ đếm đến 10 và em
sẽ thấy một cơn quằn quại
dưới cái nụ cười đau đớn của tôi
một cuộc co ro của làn da kiệt sức
giữa thời gian và thế gian này
hay giữa nhịp đập và cái mong muốn tồn tại của chúng ta
giữa giọt nước mắt loé xuống
và bàn tay giơ ra
để hứng điều gì trong đó?
tôi sẽ kể em nghe về ngày tôi sinh ra
đen và đau đớn
cái ánh trăng đó
cái ánh trăng chưa từng tồn tại
đã đi theo suốt cuộc đời tôi
cùng mảnh đất dung chứa nó
nhiều đêm
tôi thấy em đi hoang mang trần trụi
em không nói điều gì
chỉ những hình nhân dựng lên
và chúng ăn em
những màu trắng và đen ấy
có thể tạo nên một tác phẩm tạo hình
về sự cô đơn và thất thế
của một cái bóng
thật vậy, có thể em không biết
nhưng mỗi khi như vậy
tôi hoảng hốt cho đến khi bò đến được
và chết cùng em
thấy những tràng cười và tiếng rên thê thiết
ngoài kia, trăng không thể tới bao giờ
Ngôi nhà thân thương của nhà văn
họ trở về nhà
họ trở về nhà
họ chạm bàn tay vào nhà
họ ôm nó
họ khóc
họ ngập ngừng
rồi họ bỏ chạy khi có tiếng kêu ai đó
mang tên của họ.
07/2010
Chờ đợi
tôi tiêu hủy; tôi lớn
khi con thú đến
tôi sẽ thoát ra ngoài.
24/07/2010
Trí tưởng tượng
tình yêu
hoa hướng dương
nghĩa địa
hoa mười giờ
gió trên núi
và núi dưới biển.
sắp xếp như thế nào để ra một con người đang đi
tuỳ anh
nhưng dù sao cũng phải nhắc anh
anh đang trong một xa lộ.
10/08/2010
Ở nơi này
hoa hồng biến mất
tôi không tin nó biến mất
ở thế giới này
nhưng nó đã biến mất
chỉ còn lại những nụ cười
những hàm răng
những răng nanh
họng há to ra, nó há rộng ra
tôi không dám nhìn nó
10/08/2010
Vu Lan
đừng cản tôi
tôi đang đẩy một cái xe bóng tối
vội vã
ôi! những người tôi yêu
những con người của lòng thương cao cả
máu đang tràn đến
trong cơn thảm sát này.
Những suy nghĩ
đầu nhức như búa bổ
trong cơn điên tôi nghĩ mình thành một con ruồi
một con ruồi nhức đầu với tiếng kêu vo ve của nó
*
không ai dạy tôi về cách sử dụng cảm xúc mình
để tự ảo tưởng và quyến rũ suy nghĩ
nhưng tôi đã thành thạo nó đến mức
tôi đã hấp dẫn ánh sáng đốt cháy mình
để tận hưởng cái bóng tối tuyệt vời sau nó.
*
khi lang thang trên những con đường nhỏ
tôi cố bước lại theo những bước chân mình
đã biến mất khỏi cuộc đời này
như một người đã ra đi.
04/9/2010
Hoàng hôn
là một khái niệm
về máu
về con mắt
một lỗ hổng
hoàng hôn là một khái niệm
về sự xuôi tay
cưỡng bức
khu vực đàn bà
cần bước qua
hoàng hôn
lao triệu năm trước
khi sơ khai vang lên những tiếng nói đầu tiên
của vũ trụ.
có lẽ thế
nó luôn nói với tôi
“Nào! ngủ ngon nhé quỷ dữ
đêm đang đến.”
Trò đùa
hắn liệng một cái đầu sư tử lên bàn
hắn liệng một đống lòng tim gan dây nhợ của nó
với đủ loại máu me
lên bàn
hắn quăng bộ da bị rạch nát của nó
dưới đôi mắt bị móc ra
còn đọng hình ảnh hắn trong
cái hốc sâu đen đúa
hắn nói, này nhé!
cuối cùng thì mày cũng
thành một bài thơ
đúng không?
15.09.2010
Những con thỏ
gửi đến Etgar Keret,[1] và dân tộc tôi.
những con thỏ
ngậm dao
những con thỏ mang móng vuốt
những con thỏ
mắt sói
gầm gừ
nhe nanh
thời đại này tiến hoá
những con thỏ
không còn có thể nhảy ra từ cái mũ
chúng nhảy ra từ đấu trường của những con sư tử.
và từ lâu đã không còn biết kêu
chỉ đôi khi
tôi nhận ra tiếng khóc.
15/09/2010
_________________________
[1]“Hat Trick” của Etgar Keret, bản dịch Anh ngữ của Miriam Shlesinger từ nguyên tác tiếng Hebrew. Bản dịch Anh ngữ này đầu tiên được giới thiệu trên tờ Prospect Magazine, Issue 131, February 2007; và sau đó, đã được đem vào tập truyện ngắn của Etgar Keret, Missing Kissinger (London: Chatto & Windus, 2007).
Tự do là
đái vào tự do và dân chủ
đái vào xích xiềng câm lặng
đái vào những linh hồn chọn cho mình tự do
trong tù
thích nghi bằng chịu đựng
tôi sẽ đái vào tôi
để tôi tỉnh mộng
biết mùi tự do như thế nào
mọi thứ sẽ đập cho đến khi bạn vỡ óc ra
vì tự do này vì khuôn khổ này
vì tình yêu và đức tin này
vì sự im lặng
là quả bom giết từ từ
những mạch máu vỡ
linh hồn
ngạt
nơi này, đường vào tự do là một cái nhà xí
tiện nghi, để đảm bảo lịch sự
nó có kèm nhà xác
Thơ,…
thơ
không phải là lời tế lễ cho linh hồn
nó là dải băng bịt mắt
anh sắp bị bắn
*
Linh hồn tôi đã trốn thoát
Đâu đó
Sẽ giết người
*
Buổi sáng tôi quỳ xuống cái chết
Và thấy thơ quỳ xuống tôi.
Thơ & nhà thơ
họ đang nói về tôi?
họ đang giết tôi?
phải không? họ đang tự vẫn?
đừng lạy chúa!
họ sẽ không làm gì đâu
họ chỉ cô đơn, và chết.
23/09/2010
LƯU MÊLAN, HƠI THƠ ĐẾN TỪ MIỀN LẠ
Inrasara
… Chỉ còn thân xác rã rời mi
Quần la trong đêm tối
Mảnh hồn mi nhòa khan cát bụi
Gió phi trường Thành Sơn xa lạ mi
Núi Chà Bang xa lạ mi
Và cả biển
Réo gọi ngươi
Khác
Tin nhắn Lưu Mêlan: 20:52 18-6-09.
Chot e nghi 30 nam sau bien Ninh Chu doi khac, e khong con do nua, voi no. Cung co the ngay mai thoi. E nghe minh nhe bong. Nhu con ma hong chan. E so hai. Nhung ko biet so cai gi…
Reply:
Do la cam thuc ma Hien sinh goi la xao xuyen angoisse, hay so hai can nguyen.
Mi sinh ra
Thời thế khác
Dòng họ khác, con sông khác
Mùa lũ, mùa khô, thời gian đã
Khác
Bụm xương rồng ngạo ngang thời khóc
Bãi đất hoang nứt đỡ thân ngươi
Sụp
Tàn
(“Sinh 1”)
Rồi…
một sáng thức giấc tôi thấy tất cả chợt xa lạ. Tôi như đang bềnh bồng trôi trong không gian lạ huơ lạ hoắc. Tôi nằm lì trên giường, cố gắng điều hòa hơi thở định thần. Lạ quá! Căn phòng chợt xa lạ, như là không phải phòng của mình hai mươi năm qua. Tiếng đám trẻ chơi la hét ngoài kia bỗng chốc trở thành lạ lẫm. Tôi rướn người nhìn ra ngoài, mặt trời xa lạ. Gió và nắng cũng lạ. Mẹ vừa bước vào, sao giọng mẹ nghe là lạ. Mẹ đi ra. Tôi thử lên tiếng gọi mẹ, âm thanh nghẹn lại nơi cuống họng. Bóng ông anh vừa đi qua, dáng anh sao hôm nay khác lạ. Tôi vói tay ngoắc, dường không nhìn thấy, anh bỏ đi.
Tôi nghe thân xác oải, rã rời.
Tôi vùng dậy khỏi giường, lấy xe phóng xuống biển. Hơn cả bạn tâm giao, biển Ninh Chữ luôn thân thiết với tôi, hôm nay biển cũng hóa xa lạ. Nó cứ vỗ lạnh lùng, lạnh lùng đến vô hồn. Ngàn đợt sóng cuốn chìm bao nhiêu là hình ảnh thân mật hôm qua. Cuốn trôi cả tôi. Thân xác và tâm hồn tôi dật dờ trôi. Mất hút.
Thư Lưu Mêlan 22-6-09
Em nghe mình đang chết. Em thấy sống và chết như nhau, không khác. Nó cứ ám em. Nó bước vào phòng, ngồi đó, rồi bỏ đi. Nhưng không bao giờ bỏ đi vĩnh viễn. Nó quay lại. Điều lạ là dường em vẫy gọi nó, ở tận sâu thẳm mình. Em nhớ Nó, nhớ vô cùng. Chiều nay quá nhiều cô đơn, nhiều bùng vỡ, nhiều trống rỗng, muốn chạy ra ngoài, nhưng có gì chặn lại. Nó lại có đó nữa rồi…
Reply: Có thể gọi đó là khắc khoải siêu hình. Khi một tâm hồn thoát khỏi vỏ bọc yên ấm, khi ý thức bùng vỡ, ta đột ngột thấy mình như bị quăng ném ra ngoài không gian rỗng hoác. Ta nghe lạnh. Và cô độc, không nơi gối đầu. Ta thấy ta chỉ là sinh thể li ti giữa mênh mông vũ trụ, có thể bị tiêu tan lúc nào không biết. Ít người chạm mặt với cảm trạng này. Một số người bắt gặp, nhưng vội bỏ quên nó trong cuộc sinh nhai bận rộn, hay cố tình khuất lấp nó bằng ý hướng thực tiễn. Riêng kẻ xu hướng trầm tư thì sống với hay chết bởi nó.
Tôi như kẻ đi trong chân không mất trọng lực. Có cái gì cào xé trong tôi, khiến toàn thể con người tôi rúng động. Thân xác tôi đau đớn, tâm hồn tôi vỡ vụn. Mỗi tối, tôi chui vào quán cà phê đầy bàn ghế sặc mùi khói thuốc, tôi vẫn thấy cô đơn. Réo đám bạn bè mong tìm hơi ấm quen thân, tôi cứ thấy họ xa lạ. Khoảng trống cứ to lên. Trống và rỗng. Vô cùng rỗng. Họ nói chuyện về các kiểu dáng thời trang đang làm mốt, chuyện sở thích của mấy ông sếp, chuyện lương bổng, vụ nhỏ bạn đồng môn cũ có thằng người yêu bô trai, về mấy ngôi sao ca nhạc vừa nổi đang tạo xì-căng-đan… Tôi muốn la lên, thét lên: tôi cô độc đây, cô đơn và cô độc… Không ai hiểu tôi, không một ai…
dòng hốc mắt lãng du đất triệu năm
trồi máu ứ tìm cào hãi thét
đớn đau
khô dãi đờm
nó nói:
“Tôi
cô
đơn”
cô đơn một loài rắn già bấu mình lê từ hồng thủa
chẳng viên miễn nổi hai chữ cuộc
đời cứ lết mặt song đồi
song mặt đất, rễ song tay
hai chân đóng
trong khối đầu
đặc
rỗng
(“Song đối hai tôi!”)
Tôi mở cổng đi như lao ra ngoài, chạy trốn vào đám đông, nhập vào dòng người xe xuôi ngược, những con phố với vô số bảng hiệu đủ cỡ, đèn đường đủ màu.
xe quành ngã
HÀNG XANH
ròn phương, xuôi ngược
thốt tiếng người ré lên, đường eo, con khóc
mụ chủ hàng bún ốc đánh ực cốc thuốc rầy bên cạnh người chồng say
âm thanh tóc tách
tóc
tách…
(“Song đối hai tôi!”)
Việt Nam không truyền thống triết lí; ít hơn là suy tư siêu hình. Suy tư này được thể hiện qua thi ca thì càng hiếm hoi hơn nữa. Ngoài các sáng tác theo truyền thống Phật giáo: thơ Thiền đời Lý hay phần nào thơ miền Nam trước 1975, còn thì liên kì trận đấu tranh sinh tồn, với thiên nhiên, với con người và nhất là với giặc ngoại xâm luôn chiếm thế áp đảo. Ở đó, thơ ca trở thành công cụ hữu hiệu cho rất nhiều thứ: dạy đạo lí làm người, tuyên truyền cho chế độ hiện hữu, thơ nói chí, thơ giải tỏa tâm tình, thơ thưởng cảnh, vân vân… Còn thơ chẳng là gì thì hiếm.
Tôi viết những câu thơ chẳng là gì
Chỉ nhớ ánh sáng lóe lên
Rồi phụt viết
Gì cũng muốn viết
Gì
Cũng
Không…
(“Vt3”)
Thư Lưu Mêlan 15-7-09
Hãy ném bỏ tất cả bài thơ em gởi đi. Đừng đăng ở đâu cả. Nó không đáng, không đáng tí nào cả. Em viết ào, không kĩ thuật. Một tâm hồn còn chao đảo thì thơ thoát ra từ nó hoàn toàn không giá trị. Em chẳng thấy nó hay ho gì cả. Thấy chán mình hết sức…
Reply: Thơ Lưu Mêlan có hay hay chẳng, không là chuyện bàn ở đây. Cả kĩ thuật nữa, mấy năm qua có quá nhiều kĩ thuật mới được nhà thơ Việt vận dụng. Điều anh chú ý hơn cả chính là cảm thức của Mêlan, nền đất ở đó nguồn suối thơ kia trào ra. Nó mang hơi thở lạ. Không là kết cục, cái anh quan tâm chính là hành trình, bước chập chững lẫn sa sẩy của nó. Cũng là hành trình suy tưởng của người tạo ra nó.
Vậy chứ, thơ Lưu Mêlan không phải không có lối nói lạ. Ngôn từ được tạo tác mới lạ. Ý tưởng nhảy cóc được nhà thơ chộp bắt bất ngờ. Chúng được kết nối liên hoàn trong dòng suy tưởng bề bộn, nhưng vẫn nhất thống ở hơi thơ hơi thở của người thơ. Nhịp thơ nhiều biến chuyển đột ngột. Hơi thơ gấp gáp, đi như không kịp lấy hơi, không kịp thở:
Mất rồi sông ơi!
Ta không còn ngây thơ nữa
Ta không chỉ biết cười, đùa nghịch nhớ mi
Ta không còn nhỏ để mi nâng lên cánh sóng
Con đường nhỏ, mi nhỏ, tỉnh nhỏ
Ta ra khơi
Ta nghe mi chết trong lòng
Ta nghe mi trăn trối
Ta nghe mi tắt thở những con thuyền
Đàn cá nhỏ hết rỉa chân mùa tắm
Ta đi
Ta
Đi
(“Sông Ding”)
Một hơi thơ thổi đến từ miền lạ, vô hình.
Sài Gòn, 12-8-2009
____________________
LƯU MÊLAN
Họ và tên: Nguyễn Thị Nguyệt, bút danh: Lưu Mêlan
1989: sinh tại Phan Rang – Ninh Thuận. Hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh.