Bản thảo (kỳ 12)

Nguyễn Đức Tùng

 

THÁNG MƯỜI

1. Thế giới lại phân cực lần nữa: một bên là Nga, Trung Quốc và các nước độc tài xâm lược, một bên là thế giới yêu chuộng hoà bình, tự do.

Tôi ủng hộ sự chia hai ấy. Càng phân cực càng mau kết thúc.

Chia làm hai phe tức là phải đánh nhau cho đến cùng: nhiều người không muốn nhìn nhận sự thật ấy. Nhưng lịch sử không tùy thuộc vào việc bạn muốn hay không muốn.

Nếu sự kết thúc thắng bại ấy không đến lần này, bị chúng ta khất nợ, các thế hệ sau sẽ trả.

Những ngày chuẩn bị thế chiến thứ hai, khi Hitler vừa lên cầm quyền ở Đức, xua đuổi và bách hại người Do Thái, giống hệt hôm nay. Cái không khí ấy: hoang mang và tìm cách đu dây, sợ hãi và bỏ chạy.

Trước bờ vực thế chiến.

Paul Celan lưu lạc xa nhà viết những dòng thơ đau đớn này năm 1938 ở Ukraine:

Tuyết đang rơi, Mẹ ạ, tuyết đầy trời Ukraine

Vương miện Chúa đính lên hàng ngàn hạt lệ

Nước mắt con đây, nước mắt con tuyệt vọng đi tìm mẹ

It’s falling, Mother, snow in Ukraine

The Saviour’s crown a thousand grains of grief

Here all my tears reach out to you in vain

3. Mùa Thu

Tháng Mười mùa Lễ tạ ơn, thời gian tỉa bớt cành nhánh của những cây lớn, để chúng chịu được mùa đông giá lạnh, những cây phù dung trắng ra nhanh, trổ hoa muộn tháng tám, những cây ăn trái như lê táo mận, trái chín rụng tháng bảy, tỉa bớt cành nhưng không chạm vào những cành có trái. Bạn ngắm khu vườn một cách tổng quát, phối hợp các màu của chúng đậm và nhạt. Cây ăn trái trồng ở khu vực sau vườn gần hàng rào, phía trước giữa vườn, trồng nhiều cây ra hoa. Bạn chạm tay vào chúng, những thân cây rung lên từng đợt, bừng bừng sức sống cuối cùng. Có những cây ra suốt năm, có những cây chết đi trong mùa đông và sống lại. Bạn lắng nghe chim hót. Năm nay có một loài chim lạ bạn chưa bao giờ nghe thấy. Dùng ống kính từ xa bạn biết đó là loài chim tựa như họa mi shylark nhưng là một giống lạ, ngực nở, màu lông hoàng yến. Bạn lắng nghe tiếng chim gõ mõ cuối vườn. Trên một ngọn thông cao vút bên rừng, bạn nghe tiếng gõ nhịp đôi, đanh, mạnh, nhìn thật kỹ chúng bay ra từng đôi một, lớn như quạ nhưng thanh tú hơn, tựa chim sáo. Mùa đông sẽ tới, nhưng trên núi tuyết chưa rơi. Mùa ski chưa tới. Sắm sửa đồ nghề trong nhà để xe. Bạn nhớ lại cảnh trượt tuyết, những ngọn đồi vòng vèo, buổi chiều tuyết bay mù mịt, thở ra toàn khói. Một loài chim nhỏ bằng ngón tay cái, đập cánh vù vù như chong chóng nhởn nhơ giữa các loài hoa nở muộn, cúc và hồng, huệ trắng và dạ lan tím, loài chim mà bạn yêu thích vô cùng, hummingbird. Tim chúng đập bốn trăm lần một phút, cánh đập ba trăm lần một phút, vì vậy chúng có thể đậu một mình trong không gian như trực thăng. Nhìn thấy kỳ tích lạ lùng ấy của thiên nhiên, bạn không thể không dừng lại. Đôi khi gió mạnh thổi bay một tổ chim xuống đất, đó là một tổ chim chưa làm xong, bạn cẩn thận đặt nó trở lại lên nhành cây, buộc chỉ khéo léo. Đôi khi các chim trống mái bay mất, không trở về nữa, đôi khi chúng trở về làm tổ trên cái tổ mà bạn vừa đặt lại, thản nhiên, âu yếm, cả tin.

Cả tin như bạn hồi lên bốn tuổi, có lần ba của bạn đi xa. Có người bảo rằng ông ấy sẽ không trở lại nữa. Bạn không tin. Bạn sợ hãi, tức giận. Bạn theo mẹ ra chợ. Trong khi mẹ bạn trả lời những câu hỏi của người cảnh sát gác cổng chợ, khảo hạch về trình độ tiếng Việt trong phong trào bình dân học vụ, chống nạn mù chữ thời Đệ nhất cộng hòa, bạn bỗng cầm lấy tay một người đàn ông đi ngang qua. Ông ta đội chiếc mũ phớt màu xanh lơ, có vành rộng.

– Ông có phải là cha không?

– Cái gì?

– Ông có phải cha của tôi không?

– Cháu ni, mi hỏi cái gì?

– Ông có phải?

Người đàn ông ấy cúi xuống. Khuôn mặt rạm nắng tươi cười, hơi ngượng ngùng, không phải là khuôn mặt của cha tôi, nhưng cái mũ phớt màu xanh lơ rộng vành thì đúng là của ông ấy.

4. Văn bản và liên văn bản

Khi đọc một tác phẩm, người đọc đi tìm ý nghĩa của nó. Đó là điều thường xảy ra, vì vậy bạn có thể nói, đọc là đi tìm ý nghĩa ẩn giấu đằng sau các chữ. Như thế văn bản một tác phẩm chứa đựng một ý nghĩa, và người đọc đọc chúng, đi tìm lấy ý nghĩa ấy. Mặc dù điều này có vẻ hiển nhiên, và không phải là hoàn toàn sai, nó mang lại những sự hiểu lầm khác nhau.

Các nhà phê bình tin rằng một tác phẩm được tạo ra bởi các hệ thống, các truyền thống, các mật mã. Chúng không có một ý nghĩa độc lập và cố định. Vì văn bản không có một ý nghĩa cố định, ý nghĩa của chúng tùy thuộc nhiều vào các yếu tố khác, các yếu tố về ngữ cảnh, lịch sử, sự tiếp nhận của người đọc. Sự thay đổi của người đọc tạo ra những ý nghĩa khác nhau của cùng một văn bản. Đọc như thế là đọc giữa các văn bản, một văn bản thường xuyên dịch chuyển trong thời gian và không gian. Ý nghĩa của văn bản như vậy không nằm trong cấu trúc nội tại của văn bản và bất biến, mà nằm đâu đó giữa văn bản và các yếu tố bên ngoài nó, trong một mối quan hệ ràng buộc.

Đọc một văn bản như thế là đọc một liên văn bản.

5. Tháng Mười là mùa gặt. Thi sĩ công huân Ted Kooser:

Đừng chọn vợ trong tiệc khiêu vũ.

Nhưng trên cánh đồng trong mùa gặt hái.

6. Hình ảnh trong lý thuyết thơ

Tôi bắt đầu chuỗi bài này bằng hình ảnh. Chúng ta sử dụng hình ảnh trong đời sống hàng ngày, trong giao tiếp xã hội.

Đau xé ruột

Ngồi trên đống tiền

Xanh vỏ đỏ lòng

Tất cả là những cách nói ấy là dùng hình ảnh. Nếu nhà thơ cũng nói như thế, thì những gì anh ta viết ra không có gì khác so với những người khác. Công việc của nhà thơ là đi tìm cách nói mới bằng những hình ảnh mới, với trí tưởng tượng mới.

Những con cừu tim trẻ mướt như lông

Nên da thịt lên làn sa lụa mỏng

Mỗi con cừu bốc lên men hy vọng

Bạn có thấy lạ không? Thế mà nó được viết vào năm 1939 bởi một chàng thi sĩ chưa đầy hai mươi tuổi, Bích Khê.

Ngay cả bây giờ, các nhà thơ trẻ cũng ít viết được như thế. Tuy vậy hình ảnh con cừu làm tôi suy nghĩ, người Việt không quen thuộc với cừu, loài vật xứ lạnh. Không ai cấm bạn nghĩ tới cừu, nhưng tôi hơi ngỡ ngàng. Trong thơ, gần bao nhiêu, hay xa bao nhiêu, thì đủ?

Nhà thơ không thể nói: tôi hy vọng.

Anh phải nói: mỗi con cừu bốc lên men hy vọng.

Bạn không thể nói: tôi sợ hãi.

Bạn phải nói như Hàn Mặc Tử:

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Như vậy nhà thơ dùng hình ảnh này ở đây để nói về một điều gì khác ở kia.

Sự so sánh ấy cần phải gần gũi để thuyết phục và đủ xa để gây cảm giác thương nhớ, ấn tượng. Hình ảnh xuất hiện trong tâm trí nhà thơ như thế nào? Đó là một quá trình bí mật.

Tôi chủ quan nghĩ rằng sự sáng tạo một câu thơ, một hình ảnh trong thơ, tình trạng xuất thần ấy không khác gì sự sáng tạo của vũ trụ và của vật chất ban sơ.

Vào lúc mà những cảm xúc ở nhà thơ bắt gặp các suy tưởng, các hoạt động có tính ý thức, có một nhu cầu biểu hiện tự thân của sự vật. Khi đau khổ, bạn muốn khóc. Khi sung sướng bạn muốn ca hát. Khi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thiên nhiên, bạn muốn chia sẻ. Nhu cầu biểu hiện ấy vừa là một nhu cầu tự nhiên gần với sinh lý như ăn, uống, ngủ, làm tình, vừa là một nhu cầu có tính xã hội.

Một xã hội càng phát triển, sự giao tiếp giữa người và người càng được nâng cao và phong phú hóa. Quá trình biểu hiện ấy cần một phương pháp đặc biệt đó là sự liên kết các hình ảnh. Xanh da trời, đỏ như máu, cái bắt tay lạnh ngắt là những so sánh làm tăng cường hình ảnh và làm sâu hơn các suy nghĩ của chúng ta. Sự liên kết như thế không phải bao giờ cũng dễ hiểu. Trong trường hợp nó có tính liên kết vô thức:

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hai câu thơ của Đoàn Phú Tứ là những liên tưởng vô thức. Nó không có nghĩa gì cả, hoặc ngược lại nó mang quá nhiều ý nghĩa, tùy theo cách đọc của bạn. Nhưng đọc hai câu thơ ấy, tôi biết chắn chắn đời sống tinh thần của giới trí thức Việt dưới chế độ Pháp thuộc những năm 1930 có đặc tính: đẹp thanh khiết.

Đẹp hơn bây giờ, hàng trăm lần.

Bạn không nên tin vào một lý giải nào khác.

Sự trống rỗng trong thơ có thể chứa được nhiều thứ. Việc sử dụng hình ảnh trong thơ nhiều hay ít là tùy tác giả, tùy trường hợp, chúng có thể xảy ra tự nhiên như nhà thơ vốn sống trong các hình ảnh ấy, cảm xúc qua chính các hình ảnh ấy. Nhưng không phải bao giờ cũng thế, hình ảnh có thể không tự nhiên mà vẫn thuyết phục. Chúng được chọn lựa một cách có tổ chức, sự bày biện ấy không thể tự nhiên được, phải có bàn tay chủ nhân, nhưng phải thích hợp cho mục đích mình làm.

I need you

Like a novel needs a plot

Anh cần em

Như tiểu thuyết cần cốt truyện

I need you

Like a greed needs a lot

Anh cần em

Như kẻ tham lam cần nhiều thứ

Nếu bạn là tác giả bạn sẽ tiếp tục ra sao?

Tôi hay nhớ bài thơ mà không nhớ tên tác giả. Sẽ xin tìm ra sau vậy.

Nhưng bạn sẽ kết thúc như thế nào? Nếu không khôn ngoan, sự kết thúc của bạn sẽ là sự lặp lại các câu lười biếng.

I need you

Like a cappuchino needs a foam

Anh cần em

Như cappuchino cần bọt sủi tăm

I need you

Like a candle needs a moth

Anh cần em

Như ngọn nến cần thiêu thân

Rồi thế nào nữa?

Nếu bạn cứ tiếp tục nữa, thì đó là bạn làm bài Ngói Mới của Xuân Diệu. Nó thế này:

Khắp nơi, trên những đường tôi đi,

Tôi đã nghe xao xuyến, rầm rì:

Ngói mới,

Trên những đường tôi dạo, tôi qua

Tôi đã nghe nhiều, những khúc ca:

Ngói mới.

Dù đi nhanh, dù đứng lại nhìn,

Trong lòng tôi sắc hãy còn in:

Ngói mới.

Trong buổi chiều hồng, trong mai xanh,

Mắt tôi giở những trang tốt lành:

Ngói mới.

Bạn có thể đoán ông sẽ kết thúc như thế nào.

Khoan cười. Nhiều nhà thơ tài năng khác hiện nay cũng có những bài hệt như thế, chứ chẳng riêng gì Xuân Diệu.

Tôi thì chịu, không biết kết thúc thế nào.

Nhà phê bình không thể nghĩ hộ cho thi sĩ.

Đây là câu kết:

If it’s going to burn its wings off

Nếu nó đốt cháy đôi cánh của nó hoàn toàn

Hình ảnh cuối cùng vừa phải thống nhất với hình ảnh đi trước đó, vừa trở nên khác lạ về cấu trúc, ý tưởng bên trong.

Sự kết thúc như thế rất ít gặp trong thơ hôm nay.

Phản ứng của một nhà thơ phải gây ra được một phản ứng tương tự ở người đọc.

Nhân đây tôi nói về sự dung tục và dùng chữ tục. Một nhà thơ hay nhà văn có thể dùng chữ tục nếu điều ấy thích hợp với văn cảnh.

Được khởi xướng hoặc cổ vũ bởi một vài nhà phê bình, nhiều nhà thơ hiện nay tin rằng đó là quyền của họ.

Không đúng.

Việc dùng chữ tục chỉ có thể thích hợp nếu nó được sự đồng tình trong bối cảnh đó. Nếu chữ ấy không được sử dụng bởi người đọc thì chỉ là sự gượng ép, không thuyết phục.

Chữ Howl của A Ginsberg thuyết phục vì nó ra đời đúng lúc.

Việc sử dụng quá nhiều hình ảnh trong thơ làm cho mọi thứ trở nên mờ mịt. Như vậy, các hình ảnh cần sắp xếp trong một cấu trúc thích hợp với các quãng xa và gần cần thiết, sao cho sự tương tác của chúng ở mức tối ưu, hình ảnh không phải là các vật trang trí, chính chúng tạo nên các ý tưởng, liên tưởng tự nhiên.

Có hai quan niệm về hình ảnh trong thơ, hay đúng hơn là hai cách nghĩ về hình ảnh. Một, hình ảnh như các bức chân dung của đời sống, là tấm gương phản ánh đời sống. Cách nghĩ thứ hai về hình ảnh trong thơ, chúng là thứ sáng tạo được chia sẻ bởi người đọc. Trong sự so sánh các hình ảnh, sự so sánh đơn giản, phép ẩn dụ, các biểu tượng, rõ ràng hình ảnh vượt ra ngoài chức năng phản ánh sự vật, chúng trở thành các thông điệp hoặc ý nghĩa.

Thơ trữ tình thường gắn bó mật thiết với cảm xúc của người đọc và người viết, có thể sử dụng những hình ảnh thoạt nhìn không hợp lý:

Little poppies, little hell fames

Do you do no harm

Những loài hoa anh túc nhỏ, lửa địa ngục của ta

Chúng mi không gây ra tội ác nào chăng

Biến câu thơ thành một bài hát đồng dao, một ngôn ngữ trẻ thơ, quyến rũ và lầm lạc, tiêu biểu cho giọng thơ Sylvia Plath.

Trước hết không được làm gì có hại. Chữ no harm mạnh hơn chữ vô tội, nó ẩn chứa ý nghĩa khác, trong bài thơ Hoa anh túc tháng bẩy.

Người Tây phương rất quen thuộc với chữ nầy, bạn nên biết:

Do no harm.

Trước phòng cấp cứu nhi khoa nơi tôi làm việc nhiều năm, có tấm bảng đề như vậy, dành cho bác sĩ và y tá.

First, do no harm.

Trước hết, không làm gì có hại.

Hình ảnh trong thơ có thể chia làm nhiều loại, phản ánh như tấm gương, chân dung, hình ảnh như một sự so sánh. Hình ảnh như phép ẩn dụ. Hình ảnh như biểu tượng.

Đặc biệt: hình ảnh như một tứ thơ, gọi là hình ảnh trung tâm.

N.Đ.T

Comments are closed.