Vườn Thượng Uyển của Lê Anh Hoài: cả một thời nhảm nhí đã lên ngôi*

Thái Hạo

Một ngày, thành phố bỗng tràn ngập nghệ sĩ, nó trở thành một đô thị nghệ thuật.

Ở đó có đủ cả, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, điêu khắc gia, nghệ sĩ sắp đặt…, và “nghệ sĩ gì đó”. Nữ nghệ sĩ với “bước chân uyển chuyển trở nên có học”, họa sĩ ngồi vẽ trước người mẫu khỏa thân bỗng nhiên “xuất tinh ngay tại chỗ”… Ở thành phố nghệ thuật, nào là bạo dâm, cuồng dâm, khổ dâm…, với những phát ngôn đầy tính nghệ sĩ: “súng và chim của anh là vô giá nhưng em có thể dùng miễn phí”!

Theo lời một vị giáo sư tâm lý học, “Thành phố này đang xuất hiện một hội chứng tâm thần rất mới. Đó là điên – giả nghệ sĩ. Bên cạnh đó còn có giả điên – nghệ sĩ”. “Trước đây họ không cần học rồi, giờ lại có cái mác nghệ sĩ, cần gì học”. Đang có cả một cuộc “bùng phát bệnh tâm thần” trong toàn thành phố.

271184323_312845810722445_2129758589947998567_n

 

Và rồi, Trên đường xuống địa ngục, họa sĩ gặp thị trưởng thiên tài của thành phố, ông hỏi: “Ngài đi đâu vậy? Thiên đường còn xa không”? “Ta cũng không biết, nhưng chắc chắn còn xa lắm”.

“Vườn thượng uyển” là câu chuyện về giới nghệ sĩ, đúng hơn là nghệ sĩ Việt Nam trong mắt Lê Anh Hoài. Thật khó để gọi tên, nhưng hình như nó giống với những đàn ông, đàn bà suốt hàng tháng trời không tắm (nghệ sĩ thì cần gì phải tắm), thay vào đó, họ dùng nước hoa!

“Vườn thượng uyển” không phải chỉ là một vở hài kịch, có lẽ nên dùng từ “hề kịch” cho nó. Đó cũng không phải đơn thuần hình ảnh của cái ác, cái xấu, cái hài hước; nó là cái-nhảm-trịnh-trọng. Những câu “cương quốc thơ” hay “lạm phát nghệ sĩ” đã tìm được một cái đinh to để treo lên giữa quảng trường thời đại – thời đại chúng ta đang sống.

Thời đại của nhà giáo mà không có học trò, của tiến sĩ mà không có công trình, của nghệ sĩ mà không có tác phẩm… Và cứ thế “tiến lên”. Rất đỏm dáng.

Bỗng nhớ tới Vũ Trọng Phụng với đám tang cụ cố Hồng: “Thật là đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”.

 

*Chế câu thơ của Bùi Minh Quốc: Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi

Ngày 3/1/2022

 

Comments are closed.