Đinh Phương
Đề cập đến Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) thường người ta nghĩ về một cái gì đó cao siêu, tầm cỡ lắm. Chẳng gì nó cũng là nơi tập trung những “văn hào”, những “trí thức” của đất nước. Họ được gọi là những đầu tàu văn hóa, định hướng, cầm cân nảy mực (ít nhất là cho một giai đoạn) và góp phần tạo nên nền văn hóa chung của đất nước, dù tốt dù xấu.
Chuyện xảy ra cách đây vài tháng khi hơn 20 hội viên HNVVN tuyên bố từ bỏ hội (1). Về việc này ông chủ tịch Hữu Thỉnh đã lên tiếng trên website của hội, đại ý vào hội phải xin và ra khỏi hội cũng vậy. Tới thời điểm phát biểu, ông Thỉnh cho hay chưa thấy có một ai làm đơn xin ra. Có nghĩa là không có cớ để giải quyết?!
Ngay sau đó nhà văn Nguyên Ngọc – một trong sồ 20 nhà văn tự ly khai – phản ứng: “Xin nói rõ: Chúng tôi tuyên bố từ bỏ một hội đã suy thoái không phương cứu chữa, không xin phép ai đâu!” (2).
Bây giờ lại nghe ông phó Thiều nhai lại y chang (3) ý kiến của ông Thỉnh nên cũng một lần xin được góp ý cho sự việc ra đầu ra đuôi, có mở có kết.
Ở trong một hội đoàn được tổ chức bài bản, việc ra vào hội theo lẽ thường phải có đơn từ hẳn hoi là hợp lý. Nhưng những trường hợp ở ngoài cái lẽ bình thường này thì sao? Vì một lẽ nào đó mà hội viên chán ngấy cái hội của mình, bỏ sinh hoạt, không còn coi tôn chỉ và mục đích của hội là đúng đắn nữa, không thực thi điều của lệ hội, tức là không có nhu cầu tham gia hội nữa, lẳng lặng từ bỏ cái hội mà mình đã ở trong đó, và cũng chẳng đơn từ xin ra làm gì cho nó nhiêu khê. Chuyện thấy ngoài cái lẽ bình thường, nhưng lại cũng rất bình thường trong cuộc sống! Trường hợp ly khai cuả 20 nhà văn/thơ như đã nêu ở trên là một điển hình, họ từ bỏ và không phép tắc gì cả. Xin ví dụ thêm: Bạn có (đã xin tham gia) một thẻ sim điện thoại và vì một lý do nào đó bạn không xài đến. Trong một thời hạn nào đó nhà viễn thông không thấy hoạt động, họ sẽ cắt ngay theo quy định được khống chế sẵn, đâu chờ bạn xin ra, có mà chờ đến tết mọi à?!
Ông chủ tịch Thỉnh và ông phó Thiều tư duy và hành động kiểu gì thế? Có quá đáng hay không khi cứ nằng nặc đòi đơn xin ra hội của nhóm những nhà văn này thì mới giải quyết việc “cho ra”, đồng nghiã là cũng chấp nhận những “con cừu” trong đàn của mình muốn làm gì thì làm, muốn tách khỏi lề thì tách?
Tất nhiên trong các hội đoàn có qui củ, chưa nói đến việc vi phạm tôn chỉ mục đích hay bỏ sinh hoạt hội, các hội viên chỉ cần quá một định kỳ nào đó mà không đóng hội phí thì đương nhiên bị coi rằng họ không còn hứng thú gì đến việc sinh hoạt hội nữa, họ sẽ bị xoá tên khỏi danh sách sau khi đã được nhắc nhở mà không thấy tiến triển. Đây là một hình thức khai trừ để khỏi mất công dây dưa lằng nhằng. Người viết tin là 20 nhà văn/thơ nêu trên từ lâu cũng đã bỏ không đóng tiền hội phí theo định kỳ hàng năm.
Phải làm gì với những hội viên vi phạm điều lệ, tôn chỉ và mục đích?
Việc 20 nhà văn/thơ tuyên bố từ bỏ hội chỉ là một hành động sau bao nhiêu hành động khác, coi như một lần để nói cho rõ thôi chứ thực chất trong quá khứ họ đã có những hoạt động – ít nhất là riêng lẻ – và (nhất là) tư tưởng của họ biểu hiện sự không đồng nhất, vi phạm điều lệ, đi ngược lại tôn chỉ mục đích của HNVVN đã từ lâu. Từ những việc như bỏ không tham gia những sinh hoạt do hội đề xướng… đến những tác phẩm mang nội dung không “bám theo lề” và không được HNVVN cấp phép in ấn…, là những bằng chứng.
Lại mới đây trên website của HNVVN có đăng bài của ông Đỗ Ngọc Yên (4) trong đó có đoạn:
“Số người này [ám chỉ 20 Nhà văn/thơ tự ly khai như đã nêu ở trên] đều am hiểu tường tận điều lệ, những hoạt động và tổ chức của Hội ngay từ khi xin gia nhập cho đến quá trình tham gia sinh hoạt Hội với đầy đủ tư cách hội viên. Thế nhưng, qua 9 Đại hội ở các khu vực vừa qua, phần lớn những người này đều không đủ số phiếu tín nhiệm để đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc HNVVN lần thứ IX. Việc lại tự ý xóa tên hoặc tuyên bố ra khỏi Hội của một số người một cách hết sức cảm tính, tùy tiện, xem HNVVN là nơi ai thích thì vào, không thích thì ra, giống như một cái chợ làng là việc làm không nên chút nào…”
“… Hành động của những người nói trên chỉ có thể gây nên sự mất đoàn kết, làm ảnh hưởng đến thanh danh của Hội, rất đáng phê phán một cách nghiêm túc và nếu cần, nên có những hình thức kỷ luật thích đáng để giữ nghiêm kỷ cương của Hội.”
Ông Thỉnh, ông Thiều còn chần chờ gì nữa mà không dùng giải pháp tối hậu là khai trừ những nhà văn/thơ nêu trên ra khỏi hội, tỏ thái độ và lập trường dứt khoát để “giữ nghiêm kỷ cương” (chữ của ông Yên)? Có lẽ cái kẹt nó nằm ở chỗ khác?!
Điều mà ông Yên ví HNVVN được coi giống như một cái chợ làng là điều có thật! Nhưng việc mà ông bảo rằng 20 nhà văn/thơ này không đủ số phiếu tín nhiệm để đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc là đánh lừa sự thật. Các ông đã “vận động hành lang” (cụm từ này còn quá nhẹ) để các hội viên khác không chọn 20 vị này làm đại biểu tham dự đại hội thì các con cừu ngoan làm sao dám cãi lại?! Hay ông không biết chuyện này? J !
Cũng nên theo lời đề nghị của ông Yên “kỷ luật thích đáng” những hội viên không chấp hành nội quy và luật của hội bằng hình thức “khai trừ” khỏi hội những tên tuổi này, vừa đúng với tầm cỡ, vừa hợp với kỷ cương của hội, vừa giải quyết băn khoăn của ông phó Thiều: “Trong cuộc chơi bình thường người ta không thể tham gia hai hội có cương lĩnh mục đích khác nhau. Những hội viên tham gia đều hiểu rõ luật chơi. Điều này thật đơn giản và rõ ràng, sòng phẳng với bất cứ tổ chức nào”, lại vừa giải quyết dứt điểm về việc mà ông Nguyên Ngọc khẳng định: “Xin nói rõ: Chúng tôi tuyên bố từ bỏ một hội đã suy thoái không phương cứu chữa, không xin phép ai đâu!”.
Đ. P.
(1) http://vanviet.info/van-de-hom-nay/tuyen-bo-tu-bo-hoi-nha-van-viet-nam/
(2) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/default.aspx?a=207777&z=1
(4) http://vanvn.net/news/16/5902-nha-van-can-phai-biet-ton-trong-lan-nhau.html