Trò chuyện với Ngu Yên

Kỳ 5 – Tựa đề ở bên Trong (*)

clip_image002Trần Vũ: Trong Tác phẩm lớn, Tác phẩm nhỏ, Võ Phiến viết:

Nam Hoa kinh là một tác phẩm lớn; chắc chắn nó lớn hơn một cuốn sách hoặc dạy làm mắm, hoặc bàn về cách trồng tỏi, hoặc hướng dẫn phương pháp nuôi gà v.v…

[…] Lại bảo cuốn Người xa lạ của Albert Camus, cuốn Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, cuốn Cái chết của Ivan Ilitch của Tolstoi… lớn hơn loại truyện gián điệp 007, truyện võ hiệp của chàng Trương Vô Kỵ, v.v..

[…] Các bà vợ trong gia đình có cảm tưởng những lo lắng về nồi cơm khê con cá ươn của mình không lớn bằng những lo toan của chồng, bao trùm cuộc sống của xóm giềng làng mạc. Một cuốn sách bé với một cuốn sách lớn, sự khác biệt cũng đại khái như vậy.

[…] Không hề có một kịch tác gia nào thực sự lớn lao nếu ở phía sau kịch tuồng của ông ta người ta không đoán thấy có một thế giới quan. […]Shakespeare và Goethe có một quan điểm siêu hình. Có lẽ họ không trình bày ra một cách minh bạch. Tuy vậy chúng ta đoán thấy và nó làm chúng ta xúc động.

Ngoài trường hợp sách lớn vì mối bận tâm của tác giả, lại còn có trường hợp sách lớn vì kích thước của chính nó.

Balzac dù không hay băn khoăn về triết lý, toàn thể bộ truyện của ông vẫn vĩ đại: nó dựng lên cả một xã hội mênh mông, đông đảo, đủ các hạng người, với tất cả cái phức tạp trong sinh hoạt của tập thể cũng như cái rắc rối trong tâm lý từng cá nhân. Đọc qua một pho truyện mà gặp trong đó từ thằng ăn cắp cho đến ông bộ trưởng, từ ông lão bạc đầu cho đến những đứa bé chí chóe, gặp những mưu mô xảo quyệt, những tham vọng điên cuồng của giới doanh thương, của bọn viên chức, chính khách, cho đến các niềm rung động thầm kín của một nỗi lòng thiếu nữ, từ cảnh dông gió hãi hùng cho đến cảnh trăng thanh gió mát an hòa, v.v.. đọc một pho truyện mà tưởng như sống giữa một thế giới, sống trọn một cuộc đời; như thế làm sao không thấy nó lớn cho được.

Bởi vậy André Maurois mới nói: “ở phía sau kịch tuồng”, “người ta không đoán thấy”, “chúng ta đoán thấy”, v.v.. André Maurois nói về Balzac: “Tạo lập được một thế giới, đó là một trong các phương diện của sự lớn lao”.

[…] Nói về chuyện kiến trúc, lại cũng André Maurois có lần nghĩ rằng một vòng tròn vẽ trên tờ giấy chẳng thành ra một công trình mỹ thuật gì cả, nhưng cái vòm tròn bao la trong một tòa lâu đài lại đẹp. Chỉ vì một đàng thì nhỏ, một đàng thì to và do đó thực hiện khó khăn. Thắng được cái khó khăn ấy, sẽ gây được xúc động. “Cái đồ sộ, chế ngự được, thành ra cái cao cả” (L’énorme, dompté, devient le sublime). Vậy thì to cũng có khi là lớn.” [Võ Phiến, 1968]

Võ Phiến và André Maurois có trả lời được câu hỏi của anh: “Thế nào là một tác phẩm lớn?”

clip_image004Ngu Yên: Đây là câu trả lời hết sức phức tạp, viết một cuốn sách dày chưa hẵn đã chứng minh được. Nhất là tôi không thấy rõ và không hưởng ứng mấy về ý tưởng của nhà văn Võ Phiến và André Maurois về định danh một tác phẩm lớn. Tôi đã từng suy tư về việc này từ lâu khi so sánh hai tác phẩm: Chiến tranh và Hòa Bình của Leo Tolstoy và Nhật Ký Dưới Hầm Đá của Fyodor Dostoyevsky, vì hai ông sống cùng thời và chung một dòng văn chương Nga. Tại sao văn học thế giới công nhận hai tác phẩm này lớn? Thường thì không có sự so sánh, nhưng nếu phải so sánh, tác phẩm nào lớn hơn? Hai câu hỏi này đeo đuổi tôi cho đến nay.

Nội dung của tác phẩm lớn viết về những gì cao cả hơn tác phẩm dạy làm mắm, hướng dẫn phương pháp nuôi gà..v..v.. Như vậy chưa đủ là tác phẩm lớn, chỉ lớn hơn sách thường. Nam Hoa kinh của Trang Tử lớn vì nó thay đổi trí tuệ và tâm tình của nhân loại, thay đổi đời sống của con người. Trước Công Nguyên mà Nam Hoa kinh đã xác định dòng văn chương hư cấu, tưởng tượng, trong khi văn chương đương thời chỉ hiện thực và chưa đạt tinh tế. Nam Hoa kinh cho thấy một loại luận lý siêu hình qua tượng trưng, trong lúc đa số lý luận thời đó chỉ dựa vào thực tại và cụ thể. Đó là vì sao, Nam Hoa kinh bất tử.

Người Xa Lạ của Albert Camus (1942), những hành động thể hiện qua nhân vật Meursault: Không chảy nước mắt trong đám tang của mẹ. Không muốn nhìn mặt mẹ lần cuối cùng nhưng lại ăn chơi trác táng trước sau tang lễ. Anh ta giết chết một người Á rập và bị đi tù. Bị xử chết. Trước khi chết anh bày tỏ con người hiện đại, không xác nhận sự có mặt của Thượng Đế. Không chấp nhận sự phán xét của người và của Trời. Anh chết vì tự trách nhiệm hành động của mình. Nói lên quan điểm của Hiện Sinh. Xác định ngả rẽ đối với thần quyền, tôn giáo. Bày tỏ sự suy tư rốt ráo về một người phải sống đời của mình thay vì sống cho người khác hoặc cho thần thánh. Không phải chỉ “thế giới quan” làm cho tác phẩm lớn hơn sách Kiếm Hiệp nổi tiếng của Kim Dung hoặc sách điệp viên lừng lẫy 007, mà phải là một thế giới quan lớn và quan trọng đối với con người. Người Xa Lạ là một đóng góp giá trị cho dòng văn chương Hiện Sinh.

Đi Tìm Thời Gian Đã Mất (1871-1922) của Marcel Proust cũng vậy. Khi ra đời không được đón nhận, không nhà xuất bản nào chịu in, kể cả André Gide cũng từ chối. Tác giả phải tự in những phần đầu của bộ trường thiên. Sự khác biệt giữa tác phẩm này và các quan niệm đương thời khiến nó mang số phận bị bỏ rơi. Rồi chính tinh thần Hiện Đại (Modern) của tác phẩm đã mang nó ra ánh sáng và được sự công nhận rộng rãi. Sự khắc khoải của thế giới quan đã tiền phong cho sự buồn thảm của đầu thế kỷ 20, dẫn vào chiến tranh lần thứ hai của thế giới. Đi Tìm Thời Gian Đã Mất là một ngả rẽ từ văn chương Pháp thế kỷ 19. Đóng góp những nhãn quan khác lạ về xã hội, về Đồng tính luyến ái, nhất là về nội tâm lạc lõng của con người sau thảm họa chiến tranh của Đệ nhất thế chiến.

Cái vòm tròn trên nóc cao, đẹp hơn và công trình hơn cái vòm tròn vẽ trên sơ đồ, theo ý của André Maurois vì là công trình. Hôm nay, nhiều công trình xây cất lộng lẫy hơn, cao hơn, tân kỳ hơn, có khi đồ sộ hơn tháp Eiffel nhưng vẫn không lớn hơn tháp này trong lãnh vực kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa. Nhiều tác phẩm về Hiện sinh sau Người Xa Lạ có thể hay hơn, dày hơn, sâu hơn, nhưng không lớn hơn vì tính nguyên bản (original). Sự sáng tạo đóng góp phần lớn cho tác phẩm có giá trị cao.

Vài luận dẫn trên đưa đến việc xác định sự khác biệt giữa tác phẩm giá trị và tác phẩm lớn. Tác phẩm giá trị chưa hẳn là tác phẩm lớn. Nhưng một tác phẩm lớn phải có giá trị cao.

Trần Vũ: Vậy thế nào là một tác phẩm lớn?

Ngu Yên: Tôi xin tóm lược:

Tác phẩm lớn thường gọi là tác phẩm bất tử. Tác phẩm giá trị có thời gian sống lâu. Tuy nhiên, chúng ta nên hướng đến mức độ toàn cầu, vì một tác phẩm bất tử của một dân tộc có thể sẽ chết hoặc đã chết khi ra ánh sáng thế giới. Tác phẩm được khen hay, thông thường rơi vào tác phẩm trung bình hoặc tác phẩm giá trị. Từ vựng “Hay” và “Dở” thường không nói rõ được gì ngoài trừ lòng yêu thích và mức độ thưởng ngoạn riêng tư của một người hoặc của một nhóm người. Trước khi là tác phẩm lớn, phải là tác phẩm có giá trị. Giá trị được đánh giá trên từng lãnh vực và trong mỗi lãnh vực có mức độ cao thấp.

Tác phẩm giá trị, theo tôi, phải hội đủ một trong hai điều kiện chính yếu trong nhiều điều kiện đòi hỏi:

– Phảỉ đóng góp những gì tốt đẹp cho con người trong lãnh vực mà nội dung cưu mang. Diện này thuộc về vị nhân sinh. Càng cấu trúc nhiều nguyên bản (original) càng có giá trị cao.

– Phải đóng góp thẩm mỹ trong phong thái diễn tả, sáng tạo trong cách diễn đạt. Nếu là tác phẩm văn thơ, phải thể hiện văn chương ngoài hình thức cũng như trong tinh thần của tác phẩm. Càng mang đến nhiều thay đổi, cao hơn, rộng hơn, sâu hơn, càng có giá trị cao.

Đạt được cả hai đòi hỏi tài năng bẩm sinh và học thuật sáng suốt.

Một tác phẩm giá trị cao sẽ trở thành tác phẩm lớn khi:

– Tác phẩm có khả năng cách mạng hay khả năng thuyết phục làm thay đổi tư tưởng hoặc tâm tư hoặc lối sống của con người. Hoặc tạo ra dòng văn chương khác dòng chính đang chảy.

– Tác phẩm có khả năng gợi ra, thúc đẩy con người đi tìm những gì chưa hiểu biết về nhân sinh; hoặc có khả năng trình bày những giải đáp cho những câu hỏi làm người chưa có câu trả lời thỏa đáng.

– Tác phẩm có khả năng làm nhân chứng cho thời đại, cùng một lúc là người dẫn đường cho những thời đại sau.

Theo tôi, rất nhiều tác phẩm được xem là lớn, chỉ là những tác phẩm có giá trị cao. Không có mấy tác phẩm như Nam Hoa kinh, vừa lớn ở diện tư tưởng lại lớn trong diện văn chương.

Trần Vũ: Đang thịnh hành những trang văn xuôi ngắn, mà thi sĩ gọi là Thơ Xuôi. Có nhiều thi sĩ viết nguyên một trang văn rồi ghi là thơ. Phía văn xuôi nhìn hiện tượng này với tất cả nghi hoặc: Có thật sự là thơ? Hay là truyện thật ngắn vừa nhập rồi là kết? Hoặc chỉ là một áng văn ngắn? Anh nghĩ gì?

Ngu Yên: Trong The Prose Poem: An International Journey, của Peter Johnson, ông viết, như chuyện khôi hài đen, đứng chàng hảng trên đường chia mong manh giữa hài kịch và bi kịch, thơ Văn Xuôi đặt một chân trên văn, chân kia đặt trên thơ, cả hai gót chân đứng trên vỏ chuối. Một ví von hết sức đúng đắn. Nếu không thận trọng, nếu hụt tài hoa, có thể sẽ té, văn và thơ đều không thành tựu. Chọn cách đi nguy hiểm này, văn không ra văn, thơ không ra thơ, đòi hỏi cá tính nếu không liều lĩnh phải là thám hiểm.

Thơ Xuôi không quan tâm đến xuống hàng, gãy hàng, vắt hàng nhưng sử dụng tất cả những đặc tính còn lại của thơ. Áp dụng những kỹ thuật của thơ như: Khoảng trống, dấu phẩy, dầu chấm, các dấu văn phạm; nén ý, cô đọng chữ; lập lại; và nhịp, vần; nhưng quan trọng nhất là hình ảnh và tứ thơ.

Tứ thơ khác với tứ văn. Tứ thơ thông thường hội tụ trong một vài hình ảnh hoặc một nhóm hình ảnh có tính cách chọn lọc phẩm chất, đòi hỏi nhiều sáng tạo và nét nhìn thẩm mỹ hoặc khác lạ. Tứ thơ của một đoạn hoặc của toàn bài diễn tả cho ý thơ của đoạn đó hoặc của toàn bài, cũng mang sắc thái và đặc tính chắt lọc theo phẩm chất và sáng tạo; trong khi tứ văn thường dài hơn, rộng hơn và cưu mang nhiều chi tiết hơn. Ngoài ra tứ thơ thường xuất hiện qua biểu tượng, tượng trưng, ẩn dụ, liên ảnh… Độc đáo hay không là do văn phong. Thơ rất chú trọng văn phong. Văn phong xác nhận cá tính và tên tuổi của nhà thơ và cũng là điểm phân biệt với văn xuôi. Thơ Xuôi càng ngày càng ngã về văn xuôi. Nên có thể nói, Thơ Xuôi là viết văn xuôi với nghệ thuật làm thơ.

Trần Vũ: Trong nội chiến Nga, Léon Trotski khi làm Tổng Quân ủy Trung ương đầu tiên của Hồng Quân Sô-Viết, đã ban một huấn từ sắt máu: “Chính trị viên giúp chiến sĩ hiểu: tiến lên là chết khả dĩ, thối lui là một cái chết chắc chắn.” Huấn lệnh hàm nghĩa các chính ủy phải bắn chết các anh hùng Sô-Viết tháo chạy… Nếu mệnh lệnh trên, đem cắt làm nhiều khúc rồi xuống hàng:

Chính trị viên giúp chiến sĩ

hiểu

tiến lên là chết

khả dĩ

thối lui

là một cái chết chắc chắn.

Trotski sẽ thành thi sĩ?

Ngu Yên: Anh đang sử dụng kỹ thuật xuống hàng trên một đoạn văn xuôi để giám định sự tương đồng và dị biệt giữa thơ và văn, vô tình, cho thấy, rất nhiều thơ xuất hiện trên mạng lưới và báo chí Việt, có dạng như vậy. Làm sao để phân biệt?

Cho phép tôi bắt đầu từ kết luận: Bất cứ một đoạn văn xuôi nào viết bằng nghệ thuật làm thơ, đều thành thơ. Ngược lại, bất cứ bài thơ nào viết không đủ nghệ thuật làm thơ, đều là văn xuôi.

Tuy nhiên tôi chưa thấy người nào viết văn xuôi mà thiên hạ về sau dựa trên văn bản, khám phá thành nhà thơ hoặc ngược lại. Một nhà thơ dù không ý thức rõ ràng các địa hạt của thi ca vẫn phải bắt đầu từ ý muốn trở thành nhà thơ và sau đó, làm thơ để chứng minh và bảo vệ danh gọi nhà thơ. Đây chỉ là cái vỏ bên ngoài, muốn trở thành nhà thơ thật sự, không dễ như vậy vì một nhà thơ cần phải có thơ đúng nghĩa và thơ có giá trị.

Tại sao câu thơ xuống hàng? Điểm này, phái thơ Tân Hình Thức của người Việt hải ngoại vẫn chưa thuyết phục được đa số độc giả và người sáng tác. Thơ xuống hàng theo căn bản đầu tiên là chấm, hết ý; sau đó vì cước vận (thỉnh thoảng vì yêu vận); rồi đến nhịp điệu. Tôi nghĩ rằng, nhịp đọc của chữ trong câu viết là quan trọng. Sự xuống hàng làm nhịp đọc cân phương hoặc chỏi hoặc ăn nhịp. Cũng nên quan tâm đến hơi đọc trung bình. Khi làm thơ và đọc thơ, thường sử dụng đôi mắt nhưng chính hơi thở khi đọc bài thơ lớn tiếng sẽ giúp cho câu thơ phải có chỗ ngưng theo dấu phết hoặc chấm. Có những bài thơ đọc bằng mắt không thấy rõ trúc trắc hoặc trục trặc cho đến khi đọc lớn tiếng để có thể nghe bằng tai.

Văn phong tạo ra từ khí thơ: xuống hàng để 1- Làm câu thơ lỡ, có tốc độ nhanh chậm hoặc độ nhấn mạnh yếu. 2- Làm câu thơ chính bị hụt hẫng khiến người đọc tìm thấy điều gì cần phải ngưng lại, cần phải suy nghĩ. 3- Làm cho bài thơ không thể đọc liên tục với dụng ý trình bày nội dung. 4- Tạo khoảng trống để người đọc tìm thơ ngoài ngôn ngữ.

Đến đây, đã có thể tạm kết luận, một đoạn văn xuống hàng có thể là thơ nếu hội đủ lý do và điều kiện. Con việc tác giả có trở thành thi sĩ hay không thì phải xem toàn bộ tác phẩm và ý muốn cá nhân.

Trần Vũ: Mai Thảo, Nguyên Sa hay nhắc đến Jacques Prévert nhưng sinh sống tại Pháp, tôi thấy chính Stéphane Mallarmé mới được xem như một tài thơ lớn có ảnh hưởng rộng lên các văn gia, thi sĩ về sau. Tiếng thơ Mallarmé là một tiếng thơ u uẩn và bí hiểm. Chất bí hiểm thường được các thi sĩ lùng kiếm. Vì sao tôi không thấy chất này trong thơ anh? Vì sao anh không đi tìm bí hiểm?

Ngu Yên: Tôi có đọc thơ của Stéphane Mallarmé nhưng không nhiều vì sinh ngữ Pháp. Khi ở trường dòng, nói tiếng tây hàng ngày, đọc sách tây, bây giờ ít dùng, chữ nghĩa trả cho thầy. Đọc được nhưng không nắm bắt nhạy và sâu như xưa. Mới đây, viết một câu tiếng tây vào bài thơ, trật bét, phải nhờ anh bạn chủ bút của Diễn Đàn Forum bên Pháp chữa cho. Nói như vậy để anh thấy, Mallarmé không nằm trong sở trường của tôi.

Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông mà tôi yêu thích, L’ Après-midi d’un faune, viết trong năm 1865-67. Tôi ngưỡng mộ khi ông dùng nhân vật Faune, “Thần đồng có sừng có đuôi”, nhân vật thần thoại La mã, để nói lên dâm tính và dục vọng qua những đối thoại với nữ thần và độc thoại với nội tâm. Dường như bài này về sau được viết thành nhạc kịch. Mallarmé thường tạo ra thế giới bí ẩn với nhiều dằn vặt sâu kín trong tâm tư. Cùng một lúc đặt ra những vấn nạn của thời đại của ông và cho người đọc thấy được, những bí mật trong nội tâm sẽ khiến chúng ta trở thành Faune, dù không có sừng và đuôi. Văn phong của ông cũng tạo ra không khí huyền hoặc. Ở điểm này, thơ Hàn mặc Tử rất gần gũi, nhất là trong giai đoạn bị bệnh hành hạ, ông đã dẫn thơ vào cõi huyền bí và uất hận. Và tôi yêu thơ Hàn Mặc Tử hơn hết các vị khác trong thời Thơ Mới kéo dài.

Tôi không thích bí hiểm. Nếu biết được có gì bí mật, tôi muốn tìm đến để mang nó ra ánh sáng. Tôi đã nói với anh, tôi gần như một nhà thám hiểm trong vùng chữ nghĩa hơn là sáng tác gia. Tôi suy tư về sự bí hiểm, tìm hiểu làm cách nào thi sĩ tạo ra không khí thần kỳ, rồi huyễn hoặc, cái không khí xô đẩy tâm hồn bước sang vào giai đoạn Trăm Năm Hiu Quạnh của Gabriel Garcia Márquez. Nhưng tôi không sáng tác được dù rất ngưỡng mộ. Cá tính tôi không cho phép. Đó cũng là điều đáng tiếc.

Hết phần 5

Bản cắt ngắn in trong tuần san Trẻ Dallas tháng 6 và 7-2015

Bản nguyên trên Văn Việt

Trần Vũ thực hiện qua điện thư tháng 5 và 6-2015

(*) Tựa đề ở bên Trong, Thi tập của Ngu Yên

Comments are closed.