100 năm họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-2023)

Nguyễn Thị Hiền

Bức tranh này có tên là "Không gian". Con người ngồi đó, chiếm một khoảng không gian lớn. Nhưng sao tôi vẫn thấy sự "cô đơn vĩ đại" của tâm hồn bác toát ra. Người đàn ông ngồi đó, lừ lừ, vừa tò mò thắc mắc, vừa muốn khám phá, chiếm đoạt, chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng chính mình. Cái nhìn hơi nghiêng, bàn tay hơi động cho ta cảm giác vừa mạnh mẽ lại vừa e dè, vừa phấn khích, tò mò, thắc mắc, lại vừa như âu yếm, ngồi nhìn lặng lẽ. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra cho người đàn ông này, cho chính bác – họa sĩ Nguyễn Sáng – để bác tìm tòi, khám phá.

Tôi đã ngồi lặng lẽ bên cạnh bác xem bác vẽ bức tranh này. Bác vẽ từ tốn. Có lúc cây bút lông bác cầm sát ngọn gần bức toan, nét viền đi từng tý một. Tôi thắc mắc sao bác vẽ chậm và cẩn thận, lại cầm bút sát gần tận ngọn để đi nét thế? Nhiều người tôi thấy họ cầm bút tận xa, phóng bút rất mạnh mẽ, rất "nghệ sỹ lớn" cơ mà. Nhưng khi nhìn bức tranh đã hoàn tất của bác, tôi thấy một nội lực mạnh mẽ tỏa ra từ những mảng màu những đường nét dứt khoát, khỏe khoắn nhưng mềm mại, thoáng đạt. Tôi chợt hiểu: Sức mạnh của người nghệ sỹ không phải là sự vung bút tút tát, chấm phá bên ngoài. Sức mạnh của người nghệ sỹ là tự sâu thẳm bên trong, trong tâm hồn và trong đầu, trong sự suy nghĩ của họ kìa. Hiểu được điều đó với tôi khi ấy như một cánh cửa mở ra cho tâm hồn một cô bé đã bước sang tuổi 15 và cũng đang bước đầu dấn thân vào con đường nghệ thuật như bác.

Bác đã không lời nhưng đã dạy cho tôi một bài học quý giá. Để tôi hiểu rằng mọi cái gì bên ngoài hời hợt đều là diễn, là cố tình thể hiện. Nó chỉ là lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài, dễ đánh lừa người khác. Nhưng bóc lớp vỏ đó ra, có lẽ là một sự rỗng tuếch. Tôi cũng hiểu rằng hóa ra người thực tài, họ chẳng bao giờ diễn. Họ lặng lẽ âm thầm, nung nấu, quyết liệt trong cô đơn riêng mình để làm việc và tìm cho mình một lối đi riêng. Chẳng tham danh, tham tiền. Chẳng đánh bóng làm màu mè cho tên tuổi của họ

Một hôm tôi cùng bố tôi – nhà văn Kim Lân – đến nhà bác. Bác đang vẽ bức tự họa. Bác mặc áo màu xanh sẫm, cổ cuốn khăn xanh, miệng ngậm tẩu thuốc. Tôi ngắm hai bức chân dung tự họa của bác. Một bức phấn màu trên giấy, nền màu cam, khuôn mặt có những vạch chéo đen chen qua, có đôi mắt to quá khổ, nhìn ngơ ngác, ngây thơ và đau đớn như xuyên vào tâm hồn người đối diện, cô đơn dữ dội đến khủng khiếp. Thấy tôi cứ chăm chú nhìn bức chân dung này của bác, bác nói: "Đó là bác vẽ lúc bác đang điên đấy".

Bức tranh bác vẽ năm 1957. Đó là những năm tháng gian khó nhất của văn học nghệ thuật thời kỳ chống Nhân văn Giai phẩm.

image

Bức chân dung tự họa vẽ năm 1962 trông điềm tĩnh, bình thản hơn. Vẫn nền màu cam nhưng phẳng lặng, áo khăn xanh chàm, mắt liếc nhìn sang cái tẩu thuốc trễ nải trên môi, khuôn mặt đơn giản mà khối hình vững chắc, cũng một màu xanh lam. Trông bác bình thản, lạnh lùng, ngạo nghễ. Bác đã thoát ra khỏi cơn điên của tâm hồn, thoát ra khỏi sự giận dữ và dường như hiểu rõ con đường của mình, sự nghiệp của mình và các chông gai trên con đường của mình nữa. Lạnh lùng, ngạo nghễ và hiểu rõ mình hơn. Bác chỉ vào cái giường một của bác nói với bố tôi: "Anh Lân ạ, tôi quyết định sống độc thân suốt đời. Cô đơn. Chỉ còn có tôi và nghệ thuật nữa thôi, anh ạ".

image

Thế rồi mấy tháng sau, tôi đang ngồi với bố ở phòng ngoài thì bác đến đứng ngay ở cửa nói: "Anh Lân, anh cho tôi mấy cái tem phiếu C của anh để tôi mua thuốc lá. Hoa hút thuốc lá, anh ạ”.

Hồi đó mua gì cũng tem phiếu. Phiếu N mua đồ ở Tôn Đản. Phiếu C của bố tôi mua ở Nhà Thờ. Thế là bác đã có bạn gái. Nhưng chỉ ít lâu sau lại thấy bác cô đơn và tôn thờ chủ nghĩa độc thân của mình. Tôi nói tôn thờ là không đúng. Vì ít ai chia sẻ nổi sự mạnh mẽ, dữ dội và niềm đam mê của bác. Họ chỉ đến được với bác một thời gian như một lực hút để rồi ngay sau đó lại văng ra khỏi quỹ đạo của bác. Họ không hiểu và không chịu nổi một núi lửa đam mê trong bác.

Mãi sau này bác gặp chị Nguyễn Thị Thủy. Hai người về ở với nhau được ít lâu thì chị Thủy ốm nặng – bệnh ung thư máu. Bác đã quyết định cưới và đăng ký kết hôn với người con gái đó. Và chị Thủy đã thành vợ bác. Gần một năm sau thì chị mất.

Bác Sáng lại sống một mình cô đơn. Bác thường hay ngồi cùng một vài người bạn. Có lúc ngồi một mình im lặng nhâm nhi ly rượu ở phố Nguyễn Khuyến, Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) hay lặng lẽ một mình ở một góc phố nào với ly rượu trên tay, cặp mắt lồi nhìn đăm chiêu, buồn xa vắng. Điếu thuốc lá trên tay, đầu đội mũ cát, bác ngồi gù gù như một con gấu. Dáng y như người đàn ông "Ngồi trước biển" trông thật cô đơn, thật buồn và đôi lúc trông thật dữ dội.

Những năm cuối đời bác sống ở Sài Gòn. Lúc này tôi cũng đã vào Sài Gòn sống. Bác đã yếu đi nhiều. Tôi muốn bác tiếp tục vẽ. nên mỗi tuần mang đến đưa biếu bác một chỉ vàng để bác uống rượu cùng bạn bè. Tôi không thể đưa nhiều một lúc vì biết tính bác tuy rất nghèo nhưng rộng rãi thoải mái, khi có chút tiền là bác lại cùng bạn bè vui vẻ tiêu hết ngay. Tôi mong bác có chút điều kiện để vẽ thêm được nhiều nữa. Tôi đã có mối giao lưu thầm kín lặng lẽ như vậy với bác được một thời gian thì đùng một cái gia đình tôi xảy ra chuyện bất hạnh lớn tôi không có điều kiện lo cho bác được nữa.

Comments are closed.