Vài lời giới thiệu: Bác Nguyễn Lương Ngọc là anh cả trong gia đình gồm 13 anh chị em của mẹ tôi. Hoạt động văn chương từ những năm 1930, bác từng là cây bút chủ lực của tờ Thanh Nghị và là một trong những người sáng lập nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Sau kháng chiến chống Pháp, bác làm chủ nhiệm khoa Văn ĐH Sư phạm Hà Nội rồi hiệu trưởng của trường này. Chức vụ cuối cùng trước khi nghỉ hưu của bác là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục. Vào những năm cuối đời, bác cặm cụi ngồi viết cuốn "Nhớ Bạn", một tập hợp những chân dung các văn nghệ sĩ tiền chiến nổi tiếng, từng có mối quan hệ thân thiết với bác, đây là những tư liệu quý và mới mẻ, lần đầu tiên được công bố. (DT)
Nhà Văn Nguyễn Lương Ngọc và vợ
***
Nguyễn Tuân là bạn cùng tuổi, nhưng không cùng trường với tôi. Anh học ở nơi khác, phần lớn là ở Thanh Hóa. Còn tôi học ở Hà Nội. Tôi được biết anh khi anh làm thường trú cho báo chí ở Thanh Hóa. Có lần, đọc tin, tôi bắt gặp một hình ảnh mà tôi để ý ngay. Viết về các bục cảnh sát thường đứng để chỉ huy giao thông, anh gọi nó là cái “nấm chó đái”. Đúng quá. Bệ nó thấp tè, mui nó vừa đủ để chụp lên đầu chú cầm dùi cui làm phận sự. Nó lại được sơn xanh đỏ, thật giống cái nấm để chó ghếch chân lên mà bĩnh.
Sau đó, tôi lại được đọc những bài anh cho đăng tải trên tạp chí Tao đàn. Đọc các bài này tôi cứ ngỡ là của một nhà nho bất đắc chí thời phong kiến vừa qua. Anh gom những bài này thành tập lấy tên là Vang bóng một thời. Nhà xuất bản có ý định in riêng một số bản lên giấy dó, bìa da, gáy chữ vàng. Tôi vội ghi tên đặt mua: giá 25 đồng một quyển. Theo giá cả thời ấy thì đây là một quyển sách đắt gấp 2, 3 lần giá các quyểnsách khác. Nhưng so sánh mà làm gì, nội dung nó thật đáng giá, thật là một tiếng vang của làng văn lúc bấy giờ. Sau này, khi đã quen biết nhau, anh Nguyễn Tuân vừa cười mỉm vừa nói: “Phạm Quỳnh cũng có đặt mua”, không phải là Phạm Quỳnh Thượng thơ bộ Lại, mà là Phạm Quỳnh nguyên chủ bút tạp chí Nam phong.
Anh Nguyễn Tuân là người ít nói về mình. Nhưng họ hàng của tôi một dạo đã nói nhỏ với nhau về việc nhà báo Nguyễn Tuân đã có lần đi men dần vào Nam, rồi sang PhnômPênh, vụt lẹ sang Thái Lan. Đến Băngkok thì anh bị mật thám Pháp phát hiện, bắt giữ và đưa về nước. Bệnh xê dịch của anh, nếu quả là bệnh, có lẽ bắt đầu từ đấy, với chí hướng muốn đi xa hơn nữa, chí hướng mà anh đã phát triển lên trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không toại chí, anh đã đi đây đi đó. Anh đã sang Hồng Kông tham gia đoàn kịch – điện ảnh do anh Đàm Quang Thiện dẫn đầu. Anh không an tâm ngồi yên một chỗ. Anh đã đi nhiều nơi. Và khi vào đoàn kịch kháng chiến Liên khu IV, anh cùng với đoàn đi lưu động khắp các xã thuộc Nghệ An và Thanh Hóa. Tôi còn nhớ: Khi đoàn xuất phát, nhiều người trong đó có tôi, đã bịn rịn, nhớ vợ, nhớ con. Duy chỉ có anh Nguyễn Tuân là vẫn bình thản, vui vẻ nữa là khác. Anh đã quen xa nhà, quen xê dịch. Với anh ra đi là như cất cánh, bay nhảy. Là đi tìm đề tài cho những bài tùy bút rất trữ tình, nhưng cũng rất hiện thực. Có lần chúng tôi ở Nghệ An gặp một trận gió Lào kinh khủng. Nước ở ao làng bốc hơi sạch. Ống bương, ống tre thi nhau nổ. Gió tây phả vào mặt hơi của hỏa lò thiên nhiên.
Cánh thanh niên xoay trần ra, nằm bẹp xuống cánh phản cũng đã được “nung nấu” rồi. Chỉ một mình anh Nguyễn Tuân ngồi loay hoay ghi chép. Sau này anh đã có một bài tùy bút tả các trận gió Lào vừa khuếch đại lại vừa rất chi là thực. Như sau này lên miền Tây Bắc, đắm mình trong cảnh non cao rừng rậm, anh đã viết cả mấy trang về hoa ban đương nở. Màu trắng hoa ban, hoa ban nhìn từ trên đỉnh núi, hoa ban nhìn ở thung lũng, hoa ban nhìn suốt một dải suối, hoa ban ở trên đèo, hoa ban vườn nhà. Hoa ban trắng núi, trắng rừng (Màu trắng hoa ban). Rồi như khi người Mỹ đem máy bay từ Uđôn, xa hơn nữa từ Guam đến thả những quả bom trông xa như những quả bí đao đen trũi xuống đồng ruộng, nhà cửa ao hồ, phố phường miền Bắc Việt Nam, anh đã ứng chiến bằng những trang tả thực sắc sảo. Hoặc phẫn nộ, hoặc mỉa mai, hoặc cả hai sắc thái tình cảm này… Vỗ vào mặt những kẻ còn non trẻ (hai trăm năm: chứ mấy) đã ỷ thế sắt thép, kỹ thuật tàn sát không phân biệt, không e dè những người đã sống hơn bốn nghìn năm trên bờ biển thái bình này. Nhìn gì, thấy gì, cảm xúc gì, xúc động gì, anh vội ghi cảm hứng của mình trên trang giấy, ngòi bút có khi không theo kịp dòng suy nghĩ, suy tư bề bộn, chồng chất, lắt léo.
Anh em coi anh Nguyễn Tuân là nhà tùy bút mới của thời đại ngày nay, có hơi khác nhà tùy bút thời Lê Trịnh, tường thuật điềm đạm, ít biểu lộ tình cảm trực tiếp.
Anh Nguyễn Tuân quảng giao. Tùy hoàn cảnh, anh khéo thích nghi với cả các nhà văn già và nhà văn trẻ, với thế hệ đi trước và thế hệ đến sau. :
Anh có nhiều lợi khí. Trước hết, anh có vẻ trang nghiêm, già hơn tuổi. Biếm họa của anh do anh Sỹ Ngọc vẽ cho thấy một cái mũi to, choán cả mặt, ngự trên hàng ria mép con kiến, hai bên nhấp nhánh hai mắt nhỏ, nhưng tinh ranh, có khả năng nói nhiều, chính vì thế mà anh ngồi đánh cờ với cụ Hồ Tùng Mậu, ngồi thù tạc với cụ Nguyễn Khắc Hiếu, không ai dám bảo là không tương xứng. Một lợi khí khác: câu chuyện anh dí dỏm, từ dùng rất đắt, từ chuyên môn của đủ mọi nghề. Tôi còn nhớ mãi cái chuyện tiếu lâm mà anh kể chung quanh một bàn rượu ở khách sạn. Nó khiến chúng tôi cười phá lên, trong khi mấy sĩ quan Nhật kiếm dài ngồi ở bàn bên trố mắt ra nhìn ngạc nhiên, có lẽ họ cho là chúng tôi bàn chuyện về họ. Song mặc, cứ kể, cứ cười, cần quái gì sự đời. Anh cũng có một lợi khí mà một vài người trong chúng tôi không có được, hoặc có nhưng quá kém cỏi. Đó là tửu lượng, tửu lượng có khả năng đánh đổ cả một chai be.
Tết đến, mấy anh đến nhà tôi chơi, chẳng phải để chúc tết chúc tiếc gì cả, mà chỉ để ngồi chơi và nhấm nháp. Chúng tôi bưng vội một mâm cơm sang phòng riêng, để phòng bị khách tới thăm quấy rầy. Thường là anh Đoàn Phú Tứ, anh Nguyễn Tuân, anh Đỗ Đức Thu, anh Nguyễn Xuân Sanh và tôi. Các anh Tứ, Tuân, Đỗ Đức Thu là tửu đồ thực thụ, có nhãn chất lượng. Tôi là loại rởm, vài hớp đã thấy nóng mặt, anh Xuân Sanh thì chẳng ai gán cho cái hiệu bợm nhậu cả. Ngồi vào mâm, anh cũng để cho anh em rót cho một cốc đầy, để cho có danh nghĩa. Còn suốt buổi anh chỉ vừa nói chuyện vừa nghiêng đầu cười bằng hai con mắt tít lại. Anh xứng đáng là một thiên sứ có hai cánh nhỏ ở vai. Anh không uống rượu cũng không hút thuốc lá. Anh thuộc nhà văn thế hệ trẻ, trẻ hơn chúng tôi chừng mười tuổi. Phải chăng thế hệ mới đã thoát khỏi cái bê tha của thế hệ cũ? Trụ cột của bữa đầu năm là anh Tứ, anh Tuân và anh Thu. Cô nhắc, Mácten thời ấy thiếu gì. Đầu xuân nhàn rỗi. Đánh ngã anh này thì lôi anh kia, câu chuyện văn chương tha hồ mà tán dóc. Cũng có khi chúng tôi kéo nhau ra Thủy Tạ, xung quanh một cái bàn ở ngoài hiên, bên hồ không có sóng. Anh Tuân gọi punch. Anh là người sành nhất, anh có quyền điều khiển theo thỏa thuận ngầm của mọi người. Tôi là anh tò te, hớp vào vài ngụm rượu nóng, là đã thấy mặt bừng bừng, tim đập lộn bậy. Thế mới biết rượu mạnh và nóng thì thật “quá ba không qua núi” (tam bôi bất quá cương). Anh Tuân gọi tiếp cốc thứ hai, thứ ba. Anh chàng Võ Tòng người mập này có sợ gì hổ ở Cảnh Dương!
Cũng có khi anh Nguyễn Tuân đi riêng đến phố Hàng Đào, ngồi gật gù với cụ thi sĩ Tản Đà. Tôi không dám bén mảng đến. Tôi chỉ sợ nhà thi sĩ tửu đồ cho là tuồng con nít. Tôi còn nhớ anh Tuân kể là: Vũ Trọng Phụng, có lẽ vì lòng ngưỡng mộ, đã từng ngồi ghé vào chiếu rượu, hầu chuyện các bậc đàn anh. Hầu chuyện thôi, chứ Vũ Trọng Phụng đâu dám hầu rượu. Anh thủ một gói kẹo lạc trong túi, đợi tiệc tàn mới dám thò ra, đặt lên mâm, gọi là để các cụ xơi nước (trước ta hay gọi là đét-xe). Nào ngờ, trông thấy kẹo lạc, cụ Nguyễn Khắc Hiếu liền xì một tiếng: “Hừ, thứ này thì để lên đây làm gì!”. Nhà văn (lớn) Vũ Trọng Phụng, tần ngần, tiu nghỉu, tủi tủi nữa. Các cụ có thể tất cho tấm lòng thành của anh đâu!
Cuối cùng, một lợi khí của anh Tuân mà tôi cho là rất quan trọng, đó là cách anh đối xử với bạn bè, trung hậu, tỉnh vi, tế nhị, bề ngoài không đằm thắm, nhưng ngẫm nghĩ cho kỹ lại rất tha thiết, nồng hậu.
Lâu lắm không lại nhà nhau, một hôm anh Sỹ Ngọc rủ tôi đến thăm anh ở chuồng chim bồ câu (gác ba) gần bệnh viện Việt Nam – Cuba. Anh lại đi vắng. Liền hôm sau anh gửi cho tôi tờ tạp chí trong đó có nói đến chuyện chúng tôi cùng nhau đóng kịch trên các nẻo đường nông thôn. Anh có gạch nhắn những chỗ chúng tôi cùng nhau hoạt động, với lời nhắn: rất nhớ nhau, rất nhớ cái thuở lang thang vô tận.
Hôm tổ chức buổi mừng thọ anh Đặng Thai Mai, anh đưa riêng cho anh Mai một hộp nhỏ, với lời dặn: ăn ngay kẻo hỏng. Thì ra anh biết anh Mai thích ăn lòng ngon, anh đã kén được một ít, đưa để anh Mai thưởng thức nhân ngày đáng nhớ này.
Con cháu tôi có biếu Đình Quang (em trai ông Nguyễn Lương Ngọc – DT) một chai rượu Sakê, loại đựng được đến 2 lít rượu. Nghĩ đến anh Nguyễn Tuân, Đình Quang lại đem tặng anh. Anh để chai Sakê ở chỗ trang trọng, bạn bè đến ngắm nghía. Có cậu nháy mắt tỏ ý muốn mở nút, thưởng thức. Nhưng làm như không chú ý, anh đợi nhiều người hơn nữa đến trầm trô. Cái chai đẹp, nhãn rất mỹ thuật, nó lại vào loại quá cỡ, xưa nay ta chưa từng thấy. Chắc ý anh muốn để nhìn cho đã, trước khi thưởng thức, mà thưởng thức với một lễ nghi nào đó. Chắc anh thầm nghĩ: cái đẹp không chỉ ở rượu, mà cái đẹp còn ở cái chứa rượu. Kiểu như ngồi trước “Mao đài” anh chưa vội mở nút. Phải chăng vì những chuyện như trên mà có người thì khen anh, có người lại chê anh.
Anh Nguyễn Đăng Mạnh đi đón anh về trường Đại học sư phạm để nói chuyện với sinh viên. Dọc đường chuyện trò với anh Tuân, anh Mạnh nhận xét là nhà văn Nguyễn Tuân rất tinh tế, rất giàu từ, luôn trau dồi hiểu biết của mình và luôn luôn muốn chia sẻ vốn kiến thức của mình với người khác. Một nhà văn đã quá cố thì lại nói: “Bộ tịch thôi. Tất cả chỉ có Vang bóng một thời là được. Mà Vang bóng một thời lại do ông bố kể cho nghe”. Vậy là đánh giá thấp sự nghiệp của anh Tuân, đồng thời chê luôn tác phong của anh.
Người đời thường cho là anh kênh kiệu, lập dị, chơi trội, độc đáo. Nhìn bê ngoài, nhìn hời hợt thì có thể là thế. Nhưng xét cho thấu tình đạt lý thì chung quy anh không muốn đi con đường mòn, anh không muốn sa vào cái dung tục, anh muốn vươn lên tìm cái thật, cái đẹp, muốn rũ bỏ cái xấu, cái tầm thường, kể cả cái vô vị. Phải chăng ý định này, động cơ này là đáng chê trách? Theo tôi, nó không đáng chê trách một khi nó là chân thật, không giả tạo. Chính giả tạo mới dẫn tới cái thói kênh kiệu, lập dị, rởm đời, chơi trội v.v.. Tôi đã thấy anh Nguyễn Tuân ngồi hàng buổi để tập viết chữ đẹp, như các ông nghè bút thiếp ngày xưa thường tập, và như cụ Bùi Kỷ, sau khi đã đỗ phó bảng, bỏ ra hàng năm trời để tập viết chữ Hán, cả “lệ” và “thảo”.
Tôi đã thấy anh bỏ ra bao nhiêu công phu để tập bộ điệu, tập phát âm, tập di chuyển theo yêu cầu của vai diễn, mặc dầu theo tôi, anh là người có khả năng bẩm sinh để đóng kịch.
Tôi mới bắt đầu đi nghe hát ả đào. Anh đã khai tâm cho tôi về nghệ thuật đánh trống chầu. Anh không dạy tôi đâu. Anh tránh làm việc ấy. Lựa dịp, anh bàn về cách bịt tang trống, cách đập dùi vào bao nhiêu phần tang trống, cách ngồi nghe, cách không nên dùng trống mà đệm phách luôn… Gián tiếp anh chỉ cho tôi cái đẹp của việc đánh trống chầu, kéo theo cái đẹp sự thưởng thức bài ca, giọng hát, điệu đàn… Bọn dung tục, bọn xuống “xóm” để uống rượu quay thìa, để đú đởn, đâu biết đến cái đẹp của việc vừa sáng tác bài ca, vừa nghe ngâm hát chính bài ca ấy. Ôi! thời trước, bọn ô trọc đã biến cái thú tao nhã của cha ông thành những tối dâm ô, tục tĩu. Nếu người ta làm khác đi thì chúng la ó là kênh kiệu, là lập dị, là chơi trội, là rởm đời…
Tôi đã từng nghe – nghe đến nhàm tai – nhiều người chê bai – bài “phở tụng” của anh Nguyễn Tuân: anh nói đến cách nấu, cách thái, cách ăn một bát phở… Họ cho là: thiếu gì chuyện mà phải nói đến việc ăn một bát phở. Họ quên rằng trong Vang bóng một thời mà họ khen hay, có biết bao là tụng: tụng cách uống chè, uống chè sen, tụng cách tập viết chữ đẹp, tụng cách làm đèn kéo quân, thậm chí tụng cả cách “chém treo ngành”.
Trên đời này, còn biết bao cái tiềm ẩn, phải có người tụng lên thì nhiều người mới mở được mắt ra, mới biết “kho của trời” là vô tận. Cần có nhiều Nguyễn Tuân hơn nữa. Cần có những người kênh kiệu như Nguyễn Tuân hơn nữa. Tưởng nhớ tới anh, tôi đốt lên vài nén nhang ở bàn viết. Nghèo, không có đỉnh, không có trầm, nên không thể hành động như ngày trước anh vẫn làm, một khi suy nghĩ hoặc xử sự có tính chất trang nghiêm, lễ nghi một chút. Chả biết người đời có cho anh là kênh kiệu không?
(Trích trong hồi ký Nhớ bạn, Nxb Văn học, 1992)
Gia đình bên ngoại nhà tôi (DT): Cụ ông và cụ bà Đốc Tờ Dỵ và các con (mẹ tôi – bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên, hàng thứ hai ngoài cùng bên trái). Bác Nguyễn Lương Ngọc đứng giữa ở hàng trên cùng