Chuyện đời tôi (kỳ 9)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Ô Tà Sóc

Ô Tà Sóc là một thung lũng nằm giữa; ngước nhìn lên về hướng Tây có  một khoảng đất khá bằng phẳng, có suối nước quanh năm là Ô Sình hay còn gọi là vườn Cai Tổng Đồng; từ đó nhìn lên nữa, có đỉnh cao nhất gọi là Vồ Cờ (cao 554 mét so mặt biển); phía Đông đối diện là ngọn đồi nối dài liền qua Núi Cấm mà chúng tôi gọi là Đồi Cây Sanh (hay xanh?). Thầy cai là người yêu nước, có con là anh Hai Sạt đi tập kết, chị Ba Si là Xã đội trưởng Lê Trì (liệt sĩ), lúc đương thời còn trẻ ông lên đây lập vườn, có rất nhiều cây ăn trái, kể cả sầu riêng, dâu, măng cụt… nên có tên như vậy.

Ô Tà Sóc hiểu nôm na theo nghĩa Khơ-me: Ô là khe (suối nước), Tà là ông (hoặc già), Sóc là tên riêng của người (Khe suối ông Sóc).

clip_image002

Trong một lần chúng tôi về thăm lại “Điện Trời Gầm” (chỗ đang đứng}. Tôi và anh Hai Dân đang “nhớ” về hồi ấy.

Ở đây có nhiều lò ảng (hang động), có nhiều đá lớn; lòng hang rộng và sâu nhất có tên đầy huyền bí là “Điện Trời Gầm”, Văn phòng Tỉnh ủy đặt ở đây (ảnh trên). “Lò ảng” là tiếng địa phương, chưa được giải thích. Sự hình thành là do quá trình nước mưa từ hai sườn núi chảy xuống lâu năm, đá lộ dần và chồng lên nhau. Đầu phía Đông – Nam là xã Lương Phi đối diện thị trấn Tri Tôn, lòng thung lũng cũng là lòng suối, toàn là hang động nối liền nhau chạy dài chừng khoảng 2 km lên hướng Tây – Bắc là Ô Vàng (giáp xã Lê Trì). Dưới lòng hang động sâu hàng chục mét là dòng suối nước ngầm, soi đèn pin tôi thấy nước trong như nước lọc, lấp lánh những hạt màu vàng mà dân hay gọi là “mạt vàng” hay “vàng chưa đến tuổi”. Tầng lộ thiên phía trên bề mặt giáp bờ đất liền là dòng suối lớn khi chảy lộ thiên khi chảy ngầm quanh năm đổ ra hai đầu thung lũng. Rừng nguyên sinh ở đây gấp mấy lần bên Ô Cây Nồi (núi Dài Lớn), nhiều cây to và nhiều chim thú như: khỉ, lọ nồi, rắn lớn như hổ mây (còn có tên hổ chúa), hươu, nai và chim lớn như hồng  hoàng và cao cát… mà trong tỉnh ta chưa thấy ở đâu có nhiều như vậy. Câu chyện “rắn hổ mây bằng cái khạp” hoặc “con rắn bò mòn miệng hang đá”… nghe rất ly kỳ, song chưa ai kiểm chứng được, nhưng chuyện con trăn (con nưa?) nuốt tươi con khỉ có cả sợi dây xích của Tổ 4 mà anh Út Khuynh chém chảy máu tưởng nó chạy luôn, dè đâu sáng ra mất khỉ, mất cả sợi dây xích là có thật. Một lần khác ở Ô Vàng năm 1964, một con trăn hoặc rắn không rõ lắm có đường kín 20cm làm sập mái che bằng ni – lon chỗ tôi và anh Sáu Bê ngủ. May là khi đó trời sáng, anh đang cuốn mùng còn tôi đang tập thể dục nên nhìn nó chui rúc nhanh vào hang sâu mà chết điếng trong mình. Cậu Chín Kiên, có lần, gặp nhiều con rắn hổ hèo hội tại chỗ sạp cậu ngủ ở tại Văn phòng Tỉnh ủy gần gốc cây tung, vì thiếu đạm mà cậu “dũng cảm”, nắm đuôi đập vào đá chết hai, ba con to cỡ cườm tay, chúng không dám chạy ra mà bắt cặp làm tình với nhau trong hang sâu, phát ra tiếng “khu… khù…” thật ghê rợn. May là có người trong cơ quan biết loại này không có nọc độc nên làm thịt nấu cháo bồi dưỡng cả cơ quan.

Chim hồng hoàng có cái đầu rất đẹp. Chim cao cát nhỏ hơn, bằng 30% trọng lượng nhưng hình thù rất giống chim Hồng hoàng. Cả hai loại chim này đều ăn thịt và trái cây. Dân có người gọi là chim của “Bà – Cậu”, rất sợ động chạm. Tôi thường thấy chim hồng hoàngg bắt và tha rắn, khỉ, chim cu… đem về tổ trên ngọn cây. Đó là cây tung ở giữa Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn. Hồi mới về Ban Tuyên huấn, mỗi lần vác gạo hoặc giấy in vào ra kho hoặc đi lại sang Văn phòng Tỉnh ủy, chúng tôi phải chun qua một cái lỗ tròn cỡ 70 cm đường kính, đó là cái thẹo ở giữa rễ cây tung dựng đứng hình bánh lái ghe cao chừng gần hai mét. Nói thế để biết, cây tung cỡ như vậy tôi chưa từng thấy bao giờ. Còn chiều cao thân cây ước chừng ba mươi mét có hơn, là vì nó mọc ở dưới thung lũng, hai bên là hai sườn đồi với cự ly mỗi bên không quá 500 -  700 mét, khiến nó vượt cao lên để tìm ánh sáng. Từ gốc lên hơn phân nửa cây, cái cháng ba đầu tiên có dây chìu leo quanh thân um tùm nên cũng dễ cho người bám vào. Lần đầu, năm 1963, anh Ba Cao bảo vệ ông Tư An (Bí thư Tỉnh ủy) bắt cả con chim cha to bằng vịt Xiêm trống lẫn cả bầy ba con chim con của nó. Lúc này, chim trống mới thay lông, chim con mới ra lông mà ta gọi “chim ra ràng”, cả cha lẫn con đều chưa bay được, nấu cháo ăn cả cơ quan. Lần thứ hai, vào mùa chim đẻ (năm 1964), thấy chim mẹ tha mồi về ổ, anh Ba Thạo nhà tôi rắn mắt leo lên xem cho biết. Ba Thạo là người gan lì và có tính quân tử, lên xem chơi cho biết thôi, vì theo anh tuy là tổ chim rừng nhưng người phát hiện đầu tiên là anh Ba Cao, là chủ “sở hữu”. Mấy ngày sau đó, anh Sành (Trung đội trưởng Đội bảo vệ địa bàn Tỉnh ủy) leo lên bắt tổ chim và anh trật chân khi ở độ cao khoảng 15 mét rơi xuống đá, nát hết bộ ngực. Từ đó, Đảng ủy liên cơ cấm. Và cũng từ đó về sau, bom đạn mỗi lúc một ác liệt. Nghe anh em nói lại, những năm 1970, máy bay F-111 phóng một quả tên lửa bật nhào cây tung. Từ đó loài chim này không thấy ở Bảy Núi nữa. Hồi ấy, máy bay B-52 và F-111A oanh tạc ở đâu đều có lịnh của Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ, nên ta giải mật mã mà biết trước hoặc sau. Bây giờ, 50 năm sau, tại đó mọc lên một cây tung khác, nhỏ hơn nhiều, song ôm cũng không giáp, tôi cho là cây con của cây tung ngày trước.

clip_image004

Chim hồng hoàng trống – Ảnh lấy qua mạng.

Khỉ là loài khôn một cách quỷ quyệt, nhưng vẫn bị chim hồng hoàng giả ngủ yên, khỉ hay tò mò rờ xem, bất thần bị chim quặp dính bay lên, để lại một bầy hỗn chiến suốt mấy ngày liền. Có lần, từ Ô Tà Sóc, chúng tôi về Ô Cây Nồi, lấy lúa giấu trong hang đi xay giã, đến hội trường Văn phòng chỗ sinh hoạt hàng tuần như đã nói, gặp một bầy khỉ ngồi vòng quanh bộ sạp tre mà chúng tôi hay ngồi họp, mỗi “em” cầm một cuốn Điều lệ Hội Nông dân Giải phóng của Ban Tuyên huấn in chưa kịp phát hành còn giấu cất (mà chúng lục thấy) rồi bắt chước ta “hội nghị” và cũng lép nhép miệng nói gì không biết! Gặp chúng tôi thình lình, chúng quăng tài liệu trắng hết, rồi bỏ chạy. Một lần, tại Ô Tà Sóc,  tôi và anh Sáu Bê đang ngồi trốn pháo từ Tri Tôn bắn vào; anh Sáu kêu tôi, nói nho nhỏ: “Bảy Nhị này, tan pháo bắt con khỉ sau lưng mình đây nghe”. Con khỉ tội nghiệp sợ pháo run lập cập, vậy mà vừa dứt loạt pháo đầu, nhìn lại nó đã chuồn mất. Thiên nhiên xưa phong phú là vậy, chiến tranh tàn phá ác liệt nhưng không hủy diệt hết rừng và muông thú, chỉ có con người mới phá sạch và diệt sạch như ta thấy, mà cho đến bây giờ không biết chừng nào khôi phục nguyên trạng?

clip_image006

Từ trái qua: Các anh Hai Dân, Năm Tân, Sáu Bê, Bảy Nhị, Tư Đen, Năm Điền, Ba Dũng

Lịch sử bộ phận Vô tuyến điện của Tỉnh ủy An Giang ở Ô Tà Sóc mà tôi còn lưu giữ được là tấm ảnh kỷ niệm (duy nhất) đủ mặt anh em trong Tổ 4 lúc ấy gồm bảy người, như ảnh trên và đã in trong kỷ yếu Bưu Điện An Giang. Ảnh do anh Lâm Thành Mỹ, cán bộ nhiếp ảnh của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy chụp tại Tổ.

Đài Minh Ngữ

Cuối tháng 6.1963, địch lại càn quét núi Dài, chúng tôi dời về Núi Cấm. Đêm tối như bưng, cách nhau trong gang tấc mà không thấy. Chúng tôi dùng ánh sáng lân tinh từ cây mục, quẹt lên ba-lô người trước để không bị lạc nhau. Chúng tôi bỏ lại Truông Mây mà có lần “tạm trú”, qua khỏi Chót Ông Còn, Bến Bà Chi, lên Núi Cấm từ sườn phía Tây. Giữa hai núi là một khoảng đất hẹp chạy dài từ Châu Lăng qua An Cư – Lê Trì, nay là Hương lộ 18, lác đác có ruộng bậc thang của người Khơ-me còn trơ gốc rạ cũ.

Núi Cấm còn có nhiều nghĩa khác nhau để thành danh, nhưng nghĩa là “cấm thẳng đứng” có thể là bất hư truyền. Bước lên sườn núi chưa bao xa, bắt đầu dốc dựng đứng, nhìn lên thấy nó sừng sững như bức tường thành vĩ đại trước mặt như có thể sờ đụng. Nếu ở núi Dài có nhiều ve và mò cắn hút máu để lại dấu cắn lâu lành và ngứa kéo dài rất khó chịu, thậm chí có người bị sốt cao, thì ở núi Cấm còn có thêm con vắt cắn mà ta không hay, chừng nghe ngứa ngứa thì là… nó đã no máu người và chỗ vết cắn máu ra ri rỉ rất lâu. Tội nghiệp chị em phụ nữ, vì “áo quần quá kín”, nên khi bị vắt cắn, thấy máu mới phát hiện, nó cũng no rồi. Bọn con trai chúng tôi nói chơi vô duyên: “Con gái ở đây bị ve, mò, vắt… hết rồi!”, nhưng cũng kịp thấy nói như vậy là xúc phạm chị em nên tuy không ai phê bình rồi cũng tự dẹp.

Cơ quan chúng tôi ở gần Chùa Phật Lớn. Chùa bằng cây lá, nhưng có tượng Phật Thích Ca ngồi Thiền, to nhất so với cốt tượng các chùa ở đây nên mới có tên Phật Lớn, chớ cũng cỡ bằng người thật mà so bây giờ thì các tượng khác lớn hơn nhiều; nhưng có điều bom pháo địch bắn phá nát chùa mà tượng Phật không bị vết đạn nào, thì mới lạ. Nay tượng vẫn còn tại chùa. Từ chùa nhìn lên hướng Tây, có Vồ Bồ Hong, cao 705 hay 710 mét gì đó (?) so mặt biển, cao nhất đồng bằng Cửu Long. Đứng tại đỉnh vồ nhìn thẳng đứng xuống, thấy rõ chân núi mới biết dốc ở đây không có độ lài là bao nhiêu. Từng có mấy cặp tình nhân, vì ngang trái, lên đây gieo mình xuống vực này mất xác. Tôi từng lên đây gài bẫy gà rừng hoặc hái rau, xắn măng tre. Có lần tôi gặp con trút (tê tê) mà không bắt được, vì thấy động nó cuộn tròn mình lại như trái banh và lăn lông lốc xuống chân núi không tài nào chạy theo kịp. Nói thế để hình dung độ dốc của núi lớn cỡ nào.

Tuy chạy giặc nhưng cơ quan lúc nào cũng tràn ngập sinh khí, tình hình êm thì sinh hoạt văn nghệ thứ Bảy, hàng tuần vẫn duy trì. Tại đây, chúng tôi được xem một đêm diễn kịch cây nhà lá vườn nói về phong trào Phật tử đấu tranh chống “độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm”. Anh Ba Cao mấy ngày cần mẫn làm chiếc xe bằng cây mây thắt gióng, có bánh xe bằng cây mây uốn tròn, rất ấn tượng. Anh Năm Tân (Phan Quang Hàm, tổ 4) đóng vai Thích Quảng Đức mặc cà sa ngồi trên xe do anh Ba Cao cũng trong vai một nhà sư đẩy xe ra và đốt lửa thiêu. Quá hay! Từ đó, anh được anh em kêu chết danh “Năm Thầy Chùa”, còn các anh lớn gọi “Thầy chùa Tân”. Tại đây, ngày 04.7.1963, đám tuyên hôn của chị Võ Thị Vân và anh Võ Đại Nhân được cử hành rất vui vẻ. Cuộc sống là sinh sôi, chiến tranh mặc nó!

Ngày 17.7.1963, tôi và anh Sáu Bê được phân công tách Đài Minh Ngữ về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Trước đó một ngày, Sáu Hội và mấy anh em về học lớp tại chức khóa 3 – sau khóa tôi và Ba Dũng hơn một năm, từ đó còn mở tiếp mấy lớp như vậy liên tục, tự cung cấp báo vụ cho tỉnh – nhắc vậy để thấy công lao của anh Tư Đen rất lớn. Hôm ấy, tôi và anh Hai Dân (Hai Tạo) câu cá “dầy dục”, hay còn gọi cá “tràu cửng” (?), như cá lóc nhưng chỉ lớn bằng ngón tay cái, hoặc cá đực lớn lắm chỉ bằng ngón chân cái – vây kỳ ửng màu đỏ, ở theo suối, hố bom cặp sườn núi lên vồ Bồ Hong. Sau nhiều tuần ăn măng tre mạnh tông kho muối chấm lá tàu bay (kim thất) xót ruột, được ăn một bữa cơm có cá tươi chiên ngon miệng thay cho tiệc liên hoan như thường thấy lúc yên ổn. Việc ai đi Đài Minh Ngữ để về Ban Tuyên huấn, tôi biết các anh bàn nhau cũng nhiều và cũng khó, vì đi Đài độc lập phải là người giỏi, mà là Đài tách ra đầu tiên nữa. Song cũng tế nhị và tâm lý: Ai cũng cho rằng Đài Minh Ngữ không quan trọng và rất nguy hiểm, vì nó là của hệ Thông tấn xã, phát chữ rõ, trước mắt không có không sao, mà có thì địch dễ biết ở đâu, sẽ bị đánh phá. Cuối cùng, anh Sáu Bê (Chi ủy viên) chắc phải gương mẫu chấp hành, chớ kỳ thực, chuyên môn anh chưa cứng, c̣òn tôi là tập sự có thể trội hơn anh Ba Dũng một chút, kể như người có nghề kha khá để thấy phân công như vậy hợp lý và cũng làm anh Sáu yên tâm.

Ban Tuyên huấn ở chòm dầu cổ thụ, sườn núi phía trên suối Cây Dầu, đối diện Chùa Phật Lớn lưng chừng dốc lên vồ Bồ Hong. Vậy là thông tin từ An Giang ra cả nước đã được hòa mạng: “nghe” và “nói”, chớ không như trước chỉ có nghe mà không nói được. Bắt được liên lạc với Khu, hai anh em tôi mừng vô kể. Đài Khu 8 có tên GFM, đài An Giang có tên GFB. Về cơ quan mới, lạ người, lạ cảnh, hai anh em tôi chuyên môn còn yếu nên rất đoàn kết, cố gắng để hoàn thành công tác và hòa hợp được với mọi người, mà người ở đây có vẻ “trí thức” và “đường lối” lắm, nên anh Sáu luôn nhắc tôi phải thận trọng. Thấy anh em tôi giữ bí mật của Đài theo nguyên tắc, nhiều người tò mò, có người tỏ ra xa lạ. Riêng Ba Thạo, Hai Ngoan và mấy cô ở Văn phòng tỏ ra thiện cảm. Anh Mười Trị quan tâm theo dõi và hơi “dằn mặt” các cô gái, làm cho tôi hơi khó chịu. Với người có tuổi và trong hàng lãnh đạo Ban, có chú Ba Sao là tôi có thiện cảm trước và cho đến phút cuối cùng của chú ngót gần 50 năm sau, khi chú nhắm mắt xuôi tay, tôi mới rời bàn tay lạnh lẽo của chú. Ấn tượng tình cảm lần đầu với chú là hôm đi vác gạo, chú vẫn vác như anh em, nhưng chỉ vừa sức. Chúng tôi vác từ dưới chân núi phía Vồ Đầu lên cơ quan ở Ô Cây Dầu gần chùa Phật Lớn, nhưng vẫn phải theo đường mòn vượt dốc như lần từ núi Dài mới qua. Có lẽ, chỗ này ít dốc nhất hay sao nên ai cũng phải đi. Khi lên nửa lưng chừng sườn Núi Cấm, trời tối và khuya, ai cũng mệt. Chú Ba bảo anh em tìm chỗ đất hơi bằng, nằm ngả lưng, hừng sáng hãy đi; tìm hoài không có, đành “ngủ đứng”, nghiêng người dựa lưng vào vách núi. Khổ nỗi, khi muốn ngủ thì chân tay và toàn thân mềm nhũn ra, không làm sao mà kềm cho khỏi đổ. Tôi có sáng kiến: Tìm chỗ có cục đá to để bệ tì đôi chân, để chú Ba vào giữa, tôi và Ba Thạo hai đứa hai bên kềm nhau trong thế “liên hoàn”, ngả lưng vào vách núi ngủ, cũng ba xồn ba xực, rồi trời sáng leo dốc về nhà. Chú tên thật là Huỳnh Văn Khoe (tên thứ hai là Huỳnh Tòng Bá), còn cái tên Ba Sao như ông giải thích với tôi là vì ông hay quên nên đặt để biết cái nhược điểm bản thân mà khắc phục. “Ba Sao” có nghĩa Là sao (là cái gì)? Tại sao? và Phải làm sao? Ông nói chơi chơi mà với tôi thì tự rút ra bài học, như là quá trình tư duy để hiểu vấn đề đúng như bản chất của nó mà không bị hiện tượng lừa gạt: Là sao (như thế nào?), là câu hỏi để tìm hiểu toàn bộ hiện tượng, tức phải hiểu biết đầy đủ quá trình, sự việc, sự vật, con người. Tại sao? Là hỏi để tìm nguyên nhân. Và, phải làm sao? Là hỏi để tìm cách xử lý, là lô-gích tư duy và cũng là thái độ trách nhiệm. Tôi hay lý sự, vậy thôi, chớ không biết với ông còn có ý nghĩa gì nữa, chớ việc ông đặt tên để đừng quên không có kết quả, vì cả cơ quan, ông là người nổi tiếng quên. Hồi ở Ô Tà Sóc, có lần trước mặt tôi, ông thay quần dài nhờ cô Thảo vá giùm; khi kéo xuống, ông chợt chới với: “Trời đất! Không có quần lòng!”. Lần thứ hai, sau khi tắm chiều, ông mặc quần áo vào mà quên rút cái khăn đang vận ra mà mặc quần chồng bên ngoài cái khăn, vậy mà ông đi tìm: “Cái khăn rằn màu xanh của tao, đứa nào chơi giấu, tao sẽ kỷ luật!”. Ông quạu cho bản thân hay quên, nên nói vậy thôi, chúng tôi hiểu. Và ông như sực nhớ và vạch lưng quần ra, rồi cười ngất; “Đu… quạ, nó đây nè!”. Chúng tôi nhìn theo tay ông đang lôi cái khăn ra mà cười ôm bụng, nhất là mấy cô gái đang có đủ mặt chờ ăn cơm chiều.

Tôi rất thích những người có nhiều câu hỏi, như chú Ba nói, hỏi để khỏi bị lầm, hỏi để học… khác với tánh “Tào Tháo đa nghi”. Trả lời được cho người hỏi cũng là dịp mình được học. Sợ nhất là người không biết hỏi và người hay cả tin. Những người như vậy thường thất bại!

“Bước ngoặt”

Cuối năm 1963, Ban Tuyên huấn cùng các cơ quan Tỉnh ủy dời từ Núi Cấm về Ô Tà Sóc. Đây là lần thứ ba, còn hai lần trước, khi ở Văn phòng Tỉnh ủy, tôi cũng có mặt tại Ô Tà Sóc. Lúc mới đến, Đài Minh Ngữ đặt tại hang giữa đường, từ Văn phòng Ban xuống nhà bếp gần suối. Tại đây, chúng tôi có những ngày sống vui và đẹp, vì tình bạn mới giữa tôi với Ba Thạo, Hai Ngoan, Út Bình, anh Hai Cừu, anh Bảy Mý… cùng Ban Tuyên huấn, gặp lại bạn và thắt chặt thâm tình cùng Sơn và làm quen với Sạ (bảo vệ cô Hai Bé, là bạn mới ở Mặt trận tỉnh). Các bạn gái như Út Thảo, Thắm, Thúy mới đầu dè dặt rồi cũng thân tình và biết giữ gìn khoảng cách như các chú lãnh đạo nhắc nhở hàng ngày.

Đầu tháng 8.1963, sau khi bị qui khu, thấy không an tâm vì em Gương đã 16 tuổi, anh Tư thu xếp chỗ công tác, ba má đồng ý và má đưa em Sương tận nhà anh Năm Hà ở Thới Sơn. Anh Năm Hà công tác chung quân báo huyện với anh Tư Đào. Từ đó, anh Tư bố trí người đưa qua núi Phú Cường rồi vào công tác ở Xưởng sản xuất vũ khí (Công trường) liên huyện Tịnh Biên – Tri Tôn (lúc này ở chỗ Điện Cây Xoài nhìn lên, do anh Hai Lê lãnh đạo.

Điện Cây Xoài, nơi có ông bà Năm là thân sinh của ông Bảy Hồ là cán bộ đang hoạt động ở quê nhà xã Long Sơn huyện Tân Châu. Ở chung còn có chị Tám Đẹp con gái út. Ông bà lên lập nghiệp, tu hành ở đây cũng khá lâu. Chị Đẹp có chồng là anh Dũng, cả hai đang cùng công tác ở Công trường liên huyện. Điện Cây Xoài như một xóm nhỏ hiện lên giữa rừng núi, vườn tược lâu năm và những ô rẫy bậc thang theo lòng suối cạn bên đường có nước quanh năm, trồng cải xà-lách-son rất tốt, nhà và hang đá liền nhau như am cốc tu sĩ ta thường thấy, nên qua lại cũng thấy ấm lòng, không như xóm nhà ông Bảy Quẻm giáp giữa lò ảng và vườn cây ăn trái dưới đất bằng bên Ô Tà Sóc có vẻ hoang vu, huyền bí hơn. Tôi thường qua lại đây và lấy chỗ này “làm dấu mốc” đo đường, vì nó ở khoảng giữa đường từ Giếng Cá Phi qua “Điện Tay-lo”, gần Văn phòng Tỉnh đội. Sở dĩ gọi tên Tay-lo là vì có cục đá to nằm bên vệ đường gần Tỉnh đội mà ta đã viết khẩu hiệu lên đó: “Đả đảo kế hoạch Sta-lay – Tay-lo” (Staley – Taylor), kế hoạch bình định miền Nam trong 18 tháng, nên anh em kêu thành danh luôn. Lúc này, nghe đồn cô Sáu, trước ở Văn phòng Núi Sập chung với tôi như đã kể, mới vào “tái ngũ” đang ở làm thơ ký Văn phòng Tỉnh đội với tên mới là Hồng Liêm. Hồi ấy, tin liên quan đến phụ nữ trong cơ quan, đơn vị là đối tượng săn đón và lan tỏa rất nhanh trong cánh đàn ông con trai mà chúng tôi nói với nhau là dáng vóc hao mòn vì bị đàn ông ngó nhìn nhiều quá, hoặc nhìn nhau lâu rồi cô nào cũng thành “thiên nga” hết, và tin tức về những cô “nổi trội” cũng có phần bị “bội thực”, thậm chí là đầu mối của những câu chuyện của đàn ông, như để bù đắp cho họ trong hoàn cảnh thiếu và thèm kinh niên “chất đàn bà”? Đàn ông như vậy cũng ứng với cảnh “ba bà bảy bếp”, như thường thấy vậy thôi.

Hình như, tôi tỏ ra ngoan lắm sao đó, mà về cơ quan mới có hơn hai tháng, được cử làm Bí thư Chi đoàn và được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy ngày 11.10.1963, trước hơn số anh em đồng lứa có thâm niên mấy năm hơn tôi ở cơ quan này. Lễ kết nạp tại hang làm việc của Đài Minh Ngữ ở giữa đường, từ bếp ăn lên Văn phòng làm việc của Ban, do anh Hai Cừu, Chi ủy viên chủ trì, anh Sáu Bê và Ba Lê là người giới thiệu.

Việc vào Đảng của tôi, lúc đầu, tôi dùng dằng còn chưa muốn vào vì vấn đề bất hòa giữa Liên Xô, Trung Quốc và các Đảng Cộng sản thế giới, cũng như tôi hay quan tâm tới sự thiếu trung thực, sanh hoạt thiếu gương mẫu, mà đặc biệt là bịnh giả dối mà tôi dần phát hiện ở một số ông lãnh đạo. Có lần, tôi nói riêng với Hai Ngoan, Ba Thạo là hai người thân nhất: “Mấy cha cán bộ ở đây quan liêu quá. Đứa nào nhận mua đồ ăn hay làm cái gì có tính cá nhân giùm họ là mất lập trường”. Hai Ngoan thường được phân công phụ tiếp với chú Năm Mai Chóng đi tiếp liệu, mua hàng hóa, thực phẩm cho cơ quan từ Ô Cạn – Ba Chúc về. Chuyện vậy mà lộ ra, ông Tám Hoa kêu tôi hỏi và phê bình có tính phủ đầu, nên tôi cứ làm thinh. Từ những mục sở thị, tôi cho rằng cán bộ Đảng viên là lãnh đạo không hoàn toàn tốt như trong “gương chiến đấu” hay như mọi người bình thường khác, thậm chí có cái như tính trung thực, tính xung phong gương mẫu, tinh thần lao động chiến đấu rất thua người bình thường. Từ suy nghĩ đó, khi được anh Hai Cừu nói: Ý chi bộ sẽ kết nạp tôi vào Đảng Lao động Việt Nam và bảo tôi làm đơn nhưng tôi làm thinh, sau đó, tôi nói riêng với Hai Ngoan là: “Tao không vô Đảng đâu”. Vậy mà Ngoan không nói gì với tôi, lại đi nói với cậu Chín Kiên. Cậu viết cho tôi mấy hàng trên khổ giấy tập và rộng chưa quá 5cm: “Cậu có việc cần gặp cháu liền”. Đang cùng anh em cơ quan đi xay lúa giã gạo ở Ô Cạn, được thư, tôi về liền trong ngày. Đêm ấy, tôi đến chỗ Văn phòng Ủy Ban Mặt trận Giải phóng tỉnh của cậu ở giữa Ban Tuyên huấn và Văn phòng Tỉnh ủy. Đầu tiên, cậu rất tế nhị, hỏi xa hỏi gần để biết lý do, chừng nghe tôi nói xong, cậu từ tốn giải thích: “Tại mầy thần thánh hóa Cộng sản và cán bộ Đảng viên, rồi đụng thực tế trái ngang mới thất vọng. Đó là chuyện thường. Đảng có lý tưởng cao siêu, còn Đảng viên là con người cụ thể, cũng ăn, cũng ở, cũng ỉ… như người phàm; vào Đảng là vì lý tưởng, muốn thực hiện lý tưởng phải đấu tranh, trong đó có đấu tranh trong Đảng cũng rất phức tạp và ác liệt; vả lại, nếu không là Đảng viên thì không ai giao việc gì nhiều và quan trọng cho đâu; muốn phục vụ dân, phải làm được nhiều việc và cả việc lớn. Vậy, chỉ có thể, phải vào Đảng mà thôi”! Nói đến đây, tôi sực nhớ, hồi “Một mình suy nghĩ một mình đi” lên núi Dài Lớn tìm bộ đội để tòng quân, tôi mới biết: Họ chỉ thu người do địa phương giới thiệu, tối thiểu là Thanh Lao; Đảng viên thì bắn trung liên và súng liên thanh tự động, còn đoàn viên chiến sĩ thì súng trường, mã tấu. Và tôi cũng nhớ câu bác Chủ Cự nói với ba tôi về đạo Phật giáo Hòa Hảo của bác mà ba tôi hay nhắc: “Nhân hư đạo bất hư”. Tôi đồng ý với cậu và về làm đơn ngay. Cậu còn nói thêm: “Cháu còn chưa thông triết học biện chứng, cậu sẽ lần lượt tranh thủ giảng giải cho cháu như là bồi dưỡng ngắn hạn”. Đêm ấy, hai cậu cháu tôi thức đến gần sáng, hết chuyện “lý tưởng” với tôi đến chuyện gia đình, kể cả quan điểm hôn nhân tương lai. Cậu nói: “Còn chiến tranh 25-27 tuổi, trong hòa bình thì đến 30 tuổi lấy vợ là phù hợp”. Về tiêu chuẩn cậu nói: “Lựa vợ phải tương đồng về sức khỏe, ngoại hình, trình độ học vấn, tiết hạnh và gia thế. Tương đồng có nghĩa là không được tham lam chỉ biết đòi hỏi mà bản thân mình lại không ra gì, hoặc có đòi hỏi thì bản thân phải phấn đấu vươn lên cho tương đồng. Ngoài ra vấn đề phong cách, ăn, mặc,… cũng đừng xem thường. Vì ngay cái chuyện chọn món ăn, người thích người không thì bữa cơm thành tẻ nhạt!”. Lần đầu tôi nghe một cán bộ Đảng nói về chuyện cưới vợ mà không nói trước hết về “lập trường, quan điểm” làm tôi rất thích thú và nhận xét cậu tôi nói vậy là thật lòng. Từ đó, khi rảnh rỗi, tôi hay sang nghe cậu nói chuyện. Tôi không thấy cậu đi học ở đâu nhưng sao thông tuệ đến mức tôi rất ngưỡng mộ và cũng rất thần tượng! Cậu hay nói nhiều về nhân sinh quan khí tiết của người Liệt sĩ Cộng sản Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc…, cùng với “kho sách” của Ban Tuyên huấn hồi ấy, tôi lục được và đọc mê mệt tác phẩm: “Thép đã tôi thế đấy”, “Tình bạn vĩ đại và cảm động”, “Con đường sấm sét”, “Chiếc khuy đồng”, “Ruồi Trâu”, “Sống mòn”, Chị Dậu”… cùng với thời gian và thực tiễn cộng hưởng, tác động đến nhận thức, tư tưởng và lập trường… của tôi một thời với mức độ khác nhau.

Những câu “kinh nhật tụng” của các nhà kinh điển, của Stalin, của Mao, Lưu… một thời, đối với tôi, đều có ý nghĩa tinh hoa, cho dù sự thật bên trong có như thế nào, nhưng với tôi lúc bây giờ đều có giá trị tu dưỡng cá nhân, tuy cũng nhiễm tả khuynh, cực đoan, xem “tư tưởng là thống soái”… Bây giờ đọc lại, tôi thấy có những cái mà tôi rất mắc cỡ; nhưng cũng phải thôi, tuổi trẻ khát khao cái mới, muốn “xây dựng Thiên đường trên mặt đất” như lý tưởng Cộng sản, thì phải tìm và nghe lời “thánh nhân”, thậm chí có khi “tam sao thất bổn” từ sổ tay ghi chép hoặc lời nói lại của cán bộ “Mùa thu”, rồi diễn đạt theo ý muốn dốt nát của mình… Vì vậy mà phong trào Cách mạng ở những nước công nghiệp lạc hậu hoặc thuần nông thường xảy ra tệ sùng bái lãnh tụ đến mức thêu dệt; kịch tính và bi kịch như “Cải tạo tư tưởng”, “Cải cách ruộng đất và tố khổ”, “Đấu tố”, “Cách mạng Văn hóa”, “Cách mạng đại nhảy vọt”… là bằng chứng!

Tôi tiếp cận ít nhiều lý thuyết chuyên chính cực đoan và bị đầu độc từ rất nhỏ, nhất là khi nghe đài Bắc Kinh những năm Cách mạng Văn hóa nhưng cũng lại được lãnh đạo Ban Tuyên huấn phân công nghe Đài và nhận tin (Morse) của các đài Anh, Pháp, Mỹ… mà ta gọi là “Các thế lực thù địch” qua chuyển ngữ của Thông tấn xã Việt Nam, nên tôi không bị nghiêng về một phía, ít bị nhiễm “Tả – Hữu khuynh”, mà còn tự hào về khả năng “phản vệ”, biết tự cân bằng tinh thần, tư tưởng, lý trí. Song về tình cảm, hình như tôi có phần hơi giống “Ruồi Trâu”!

Tôi như con cá mắc lưới mà tôi quan sát: Khi đến gần lưới thì chờn vờn, lui ra, bơi vào… và cuối cùng lùi thật xa, lấy hết tốc lực đâm đầu vào lưới, rồi vùng vẫy, nhưng càng vùng vẫy càng bị lưới quấn chặt vào thân mình, hết thoát! Tôi chần chừ không muốn vào, chừng vào Đảng rồi tự nhiên hưng phấn, làm thơ ghi nhận sự kiện – cảm xúc và cảm thấy mình “trưởng thành” hơn, tự nhiên phải gương mẫu, phải giữ “uy tín lãnh đạo”. “Bước ngoặt” đời tôi chuyển một cách êm đềm như vậy đó. Nếu như bây giờ mà nhìn, có lẽ, lúc ấy tôi đã “sửa tướng” làm “người lãnh đạo”, vì Đảng viên là lãnh đạo mà. Nhưng dù sao, cho đến giờ, sau hơn nửa thế kỷ, tôi cũng tự hào là “sống có lý tưởng”!

Sau khi vào Đảng Lao động không lâu, một hôm cũng tại Ô Tà Sóc, qua Thông tấn xã Giải phóng (LPA), tôi nhận bản Tuyên bố thành lập và Điều lệ của Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam ở miền Nam do ông Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, còn ông Võ Chí Công là Đại diện Đảng trong Mặt Trận, tôi cũng bù luôn. Nhưng điều quan trọng, tự nhiên tôi thấy mình vào Đảng Lao động có ý nghĩa quang vinh, khác hơn Đảng Nhân dân Cách mạng, vì cảm nghĩ rằng càng lùi về “gốc” thì càng vững chắc hơn hay sao đấy? Đại hội IV đổi tên Cộng sản, rồi Mặt trận Dân tộc Giải phóng không còn… Tôi thấy buồn buồn, nhưng vẫn tự hào cái tên Lao động của mình và về ngày 20 tháng 12 của Mặt trận Giải phóng miền Nam vì đó là “bước ngoặt” đời tôi. Lý tính Cách mạng và tình cảm Cách mạng, đôi khi, không song hành là vậy. May là… sau Mùa Xuân 1975, nó mới xảy ra!!!

Ngày 11.11.1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, từ Trung ương cục có chủ trương gọi là “chớp thời cơ”, cán bộ Ban được cử xuống phong trào hết, chỉ còn người làm chuyên môn như văn thư, in ấn, điện đài. Tin tức cũng cho hay, nhân Diệm bị đảo chánh, bị ta bao vây uy hiếp, nên đồn Mũi Tàu và đồn Mương Trâu (Ba Som) đều bỏ chạy. Dân ta phá ấp chiến lược Mũi Tàu và ba má tôi lại về đất cũ. Tôi rất mừng và yên tâm công tác.

Do sợ địch phát hiện, Tỉnh ủy lịnh cho Đài Minh Ngữ dời xa ra ngoài. Ngày 22.11.1963, hai anh em tôi dời ra Ô Vàng ở lưng chừng dốc phía trên Văn phòng Ban An Ninh Tỉnh ủy. Các anh lãnh đạo ở đây đều rất dễ hòa nhập như anh Huỳnh Mạng, Chánh văn phòng, anh là con bác xã Suôl, bạn thân của ba tôi hồi 9 năm, cán bộ có anh Hai Toàn, Thanh Ba…; chú Tư Phúc, Hai Trường An, Năm Chấn là cán bộ lãnh đạo, những người cao tuổi nhất, có lẽ, cũng khoảng trên 40. Ở đây, chúng tôi nhờ cô Tạo, con chú Mười Tồn nấu cơm và nhờ hai em Tẳng và Thành, liên lạc viên của văn phòng An ninh  đem cơm lên tận hang cho chúng tôi. Két là cán bộ văn phòng, tôi mới quen mà cũng đã thân tình. Tôi thấy như mình đang ở đậu nhà bà con vậy.

Hôm bị sốt rét, tôi nhờ Két xuống Ba Chúc mua thuốc Quân Y Sanh, tự trị. Tuy chận được cơn sốt nhưng ăn không được, nhìn cơm hoặc cháo không tài nào nuốt vô. Tôi xin phép anh Sáu Bê cho tôi về Ban xin thuốc bồi dưỡng, nhưng đâu có thuốc gì. Tôi lại chỗ cậu Chín Kiên, cậu lấy đậu nành tự tay sấy khô làm thực phẩm bổ sung khi  bữa cơm nào ăn thiếu đạm. Ông nói, nó có chất “thịt bò”, bổ lắm. Ông còn chỉ cho tôi chỗ rắn hổ hèo bò lên đệm ông ngủ và đã đập chết mấy con rắn đó như thế nào, mà tôi đã kể. Chiều đó, tôi xuống Đài II của anh Năm Điền và Mun ở phía dưới Ban Dân y. Đang ngồi trên cục đá ven đường trò chuyện với Mun, nhìn bâng quơ, bỗng thấy ông Bảy Cụt, tiếp liệu Văn phòng quảy một gánh chừng năm, bảy con gà giò về Văn phòng Tỉnh ủy. Thấy gà, tự nhiên tôi thèm thịt gà nấu cháo xé phay. Tôi không có đồng nào dính túi, chỉ có cái đồng hồ mà chị Sáu cho. Tôi kéo gánh chú Bảy lại và thủ thỉ: “Tôi bệnh mấy ngày nay không ăn được, thèm gà quá. Chú đổi cho tôi con gà với cái đồng hồ này”. Ông nhìn tôi trân trân. Tôi nói lại: “Thật tình mà, chú Bảy”. Rồi ông đưa cho tôi một con gà trống giò chừng hơn một ký và tôi lột cái đồng hồ trao cho ông. Tôi thoáng buồn và thấy mình có lỗi với chị, nhưng tôi rất sợ chết vì sốt rét nên ráng bồi dưỡng cho có sức vượt qua. Tôi đem về chỗ cậu Chín Kiên. Nghe tôi nói đầu đuôi, ông lật đật bắc nước sôi làm gà và nấu cháo, thêm củ hành tiều và tiêu thật nhiều, cho tôi tẩm bổ. Ông xé thịt đùi, ức gắp cho tôi ăn và ngồi nhìn, làm tôi chạnh nhớ má những khi tôi bịnh ở nhà một tay má chăm sóc. Tôi ăn ngon quá, căng bụng, và khi đứng dậy bị choáng váng, người lảo đảo, cậu phải đỡ tôi. Tôi trấn an cậu: “Không sao, do mấy ngày nay bụng xẹp lép, nay ăn no đột xuất nên choáng nhẹ thôi”. Tôi ăn rồi cậu mới ăn. Đêm ấy, tôi ngủ lại với cậu, sáng ra thấy khỏe rõ ràng và trở lại Ô Vàng.

Tôi và anh Sáu Bê ăn Tết Giáp Thìn, 1964, tại Ô Vàng. Đúng là một cái Tết buồn, và tôi làm thơ để ăn Tết vậy. Sau Tết hơn một tuần, tình hình địch có động quân, chúng bắn pháo lớn vào hướng Ô Cạn và phía trên lưng chừng núi theo các lò ảng. Cấp trên nhận định, địch có thể càn quét trên núi. Đài Minh Ngữ tập trung về Văn phòng Ban để cùng di chuyển. Chúng tôi tập trung và khởi hành, khoảng hơn 17 giờ chiều, vì ngại địch chận ở hướng Châu Lăng – Lương Phi, nên đi về hướng Lê Trì – Ba Chúc, cặp theo chân núi, qua Ô Cạn về đồng tràm. Khi ra đến Ô Vàng, chú Ba Sao phát hiện bỏ quên khẩu súng Klíp-xây bắn đạn chài của nước ngoài sản xuất mới lãnh nên rất quí. Đúng là “Ông hay quên”! Ban dừng chân hội ý. Cuối cùng các chú quyết định phải có người trở lại giữ khẩu súng và ở chờ, cơ quan cử người trở lại. Đám thanh niên tụi tôi ai cũng xung phong, cuối cùng Ngoan được chọn ở lại. Chia tay Ngoan, tôi rất xúc động. Tôi lần trong túi được hai đồng và lấy cái khăn mùi xoa gói lại, nhét vào túi Ngoan. Tiền thì để làm gì biết rồi, nhưng cái khăn làm gì tôi cũng không biết, nhưng trong sâu xa tôi muốn nếu… có bề gì thì chúng tôi cũng có cái gì để nhớ hoặc nhận biết nhau! Sau này nghe Ngoan kể lại, cũng ly kỳ lắm, nhất là khi trở lại phát hiện không có hột quẹt lửa, Ngoan đã thông minh tìm trong tro bếp còn chút tàn lửa và từ đó thổi lên đốt đèn nhiều cây, liên tục giữ lửa cho đến khi chúng tôi về. Có người viết bài, đăng Văn nghệ An Giang qua tự truyện Ngoan viết, sau Giải phóng.

Đoàn di tản đi về hướng đồng tràm, qua kinh Mới. Giữa đồng, nhìn núi Dài bỏ lại sau lưng, rừng cháy lan một vùng rộng gần hết sườn núi phía Ô Cạn nhìn lên Giếng Cá Phi, nơi mà mùa khô năm 1962 tại Ô Cây Nồi – Giếng Cá Phi chúng tôi chữa cháy rất vất vả. Hôm nay rừng cháy, do pháo có  phốt-pho lân-tinh, gặp mùa khô nên cháy rất dữ. Có những cây đã ngã chết khô bị cháy từ gốc tới ngọn, hiện nguyên hình nằm dài bên sườn núi như cây “đèn cầy khổng lồ”. Lửa sáng một vùng trời, núi Dài ẩn hiện chập chờn phía sau vầng ánh sáng ấy, nhìn thấy có phần ghê rợn chiến tranh. Nghe người lớn thì thầm với nhau: Ông Năm Trần, Tỉnh đội phó phụ trách hậu cần đã hy sinh và chú Mười Thượt bị thương cụt giò hôm qua ngày 25.2.1964. Cảnh này pha thêm tin ấy không khéo dễ hoang mang, nhưng chúng tôi tạm yên tâm vì mình đã bỏ lại phía sau tất cả, chỉ trừ hình ảnh Ngoan âm thầm lầm lũi một mình trong hang lạnh! Chúng tôi vào cánh rừng Tràm Cửa nối qua Giồng Bà Thực và Giồng Cát. Tại đây, các bộ phận tản ra cất trại ở dọc theo bìa rừng làm việc và chờ đợi. Không có giặc càn, hơn hai tuần sau, thấy yên, có lịnh trở lại Ô Tà Sóc. Gặp lại Ngoan, chúng tôi mừng khôn xiết!

Khoảng tháng 4.1964, nhân mợ Út vào thăm, cậu Út nhờ bác Năm Tồn, nhà gần nhà bác Tư Văn mà ba và tôi quen hồi làm lọp, nhân bác xuống Tám Ngàn, cậu nhắn ba trước và hẹn tôi cùng em Sương xuống gặp nhau đón thăm. Mợ Út đã vào trước, anh em tôi đến sau, và đợi qua một ngày rồi không thấy ba lên. Từ sau khi ta phá ấp chiến lược, ba má trở về; không có tin chính thức, tôi rất nhớ và lo. Sáng hôm sau, cậu Út mua ở đâu hai con vịt Tàu hết đẻ bị thải loại, ốm và nhẹ, bảo tôi bắc nước làm thịt, ăn cơm rồi trưa về. Hai anh em tôi đang ngồi vặt lông vịt mà rất buồn, vì chắc ba không lên. Bỗng, cậu Út nói “Ai in là… anh Ba!”. Nhìn ra đường thấy ba quảy một đùm chuột đi từ phía Bến Cây Dầu ngược lên Bến Bò. Cậu Út kêu, ba quay lại, và cha con gặp nhau mừng vô kể. Ba nói lên từ chiều qua, nhưng vì do bác Năm Tồn báo tin trễ và khi đi đến Mương Trâu thì gặp mưa và trời tối quá nên ở lại ngủ nhờ trại của dân. Không mùng, un muỗi, thức tới sáng luôn. Sáng ra, thấy người ta thăm rập có chuột, ba mua hết một xâu. Vậy là suốt buổi sáng và trưa hôm ấy, cha con tôi sum họp vui vẻ. Ba cho hay đã về ở yên chỗ cũ, khôi phục lại cơ sở làm ăn như xưa. Chị Ba đã vào công tác tại xưởng may quân trang tỉnh, ở nhà nay chỉ còn có ba má, em Định và hai cháu Bân, Khoe. Trước đó, Trường Sơn, con chị Ba cũng đã vào Quân y tỉnh chỗ anh Tám Bỉnh, Năm Đình, Năm Huỳnh học cứu thương và công tác. Anh em tôi được tin nhà, vui mừng không kể xiết. Xế chiều, ba về, anh em tôi cũng về lại cơ quan ở Ô Vàng.

Đầu mùa mưa năm 1964, theo lịnh trên và theo hướng dẫn của Ban An ninh tỉnh, chúng tôi dời về ở gần Trại tạm giam của tỉnh ở đồng tràm Trấp Sẻ. Trại do chú Năm Râu và chú Mười Tồn lãnh đạo. Phước là Đội trưởng bảo vệ  và quản lý phạm nhân, là con chú Năm, tôi mới quen và liên hệ hỗ trợ công tác bảo vệ cơ quan. Từ Trấp Sẻ về Ô Tà Sóc đi và về gần hết một ngày nên Ban Tuyên huấn phân công tạm thời anh Tư Xê và Ngoan làm “bảo liên” – bảo vệ kiêm giao liên.

Tại Trấp Sẻ, cũng trong tháng 7.1964, tôi bị sốt rét mà nhật ký còn ghi: “Đã bảy ngày đau nằm rũ rượi/ Không cơm không cháo nước cầm hơi/…”. Trong lúc bệnh, địch cho máy bay quần đảo do thám và cho trực thăng bắn thăm dò, dọn bãi hết bốn ngày đầu, tôi đang cơn sốt mà vẫn phải lặn nước, mới nguy. Cái may, chúng bắn vu vơ nên cũng không gây thiệt hại. Ngày cuối cùng, chúng đổ quân bằng dù. Sáng sớm, khi nghe tiếng máy bay Dakota rền một phía trời, tôi bước ra hiên trại, nhìn về hướng núi Cô Tô, một đàn máy bay to bụng như “bầy cá he”, bay rất thấp qua đầu tôi về hướng Hà Tiên. Cách phía trong chỗ tôi ở chừng 5-6 km, rồi chúng quay đầu trở lại; bỗng thấy những chấm tròn từ trong bụng máy bay rơi xuống và nhanh chóng bung thành dù. Đó là hướng Trường Đảng tỉnh (có tên Trần Phú) ở gần Rọc Xây. Phước dẫn gần chục phạm nhân tản ra ngoài tránh máy bay và đề phòng bộ binh càn tới. Để bảo đảm an ninh, phạm nhân đều bị còng một tay vào một sợi xích, ba người vào một, tôi bám theo Phước vừa để nương tựa vừa cũng quan sát giúp Phước quản lý phạm nhân. Họ tội gì, ở đâu, tôi không biết, nhưng nhìn họ bị còng trói mà cũng lặn hụp trong đồng nước như mình, một hoàn cảnh mà hai số phận, gieo cho tôi một ấn tượng về thân phận con người. Tôi lại nhờ Ngoan lên Ô Cạn mua Quân Y Sanh và cắt được cữ. Sau này, mấy lần sốt rét tái phát, tôi vẫn dùng thuốc này để cắt cử. Thuốc rất đắng và cũng rất hay, có lẻ là bột cây canh ki na trong thuốc Quinine đặc trị sốt rét mà tôi tra cứu, tự học trong sách “Tân Y Dược” của cậu Mười hồi ở nhà.

Trở lại trận càn, bọn lính dù đổ quân và rút đi ngay trong ngày. Chiều lại, gặp chú Sáu Tố, chú Hai Thanh Niên lãnh đạo lớp học trên đường đi ngang qua chỗ tôi, thông báo mới biết tin tức chính xác. Các ông cho biết: có một toán lính phát hiện nhà bếp, kho gạo của Trường nhưng không bung ra theo dấu tìm người, không nổ súng, thật cũng lạ? Rồi chúng hấp tấp kéo ra ngoài trảng trống, lên trực thăng rút lui, bỏ lại một đống dù đã gấp gọn.

Anh Hồ Hoàng Lĩnh đi học Morse ở R mới về, được bên anh Tư Đen – Văn phòng Tỉnh ủy tăng cường về cho Đài Minh Ngữ. Ban lại rút Ngoan đi học và đưa về một bảo liên mới. Bảo liên mới hóa ra là cậu Hưng (Tâm) nhà cùng xóm. Ngày 18.8.1964, Ngoan đi học sắp chữ chì ở tỉnh Long An thì ngày 20.10.1964, chúng tôi cũng được lịnh dời về ở gần Ban tại Xóm Thúng xã Lương Phi, nơi mà tôi từng “đi tắt” tìm bộ đội để đầu quân hơn ba năm trước. Chống xuồng về hướng núi, lòng tôi nao nao rồi “xuất khẩu thành thơ” con cóc, hẹn về khai hoang, xây dựng mà hơn 30 năm sau lại rất có ý nghĩa “thủy chung” cũng lạ!

clip_image008

Đã in trong tập “Gió Núi”, trang 104.

Trích: Bút tích bài thơ”Từ giã đồng tràm”-  Ngày 20-10-1964.

Về ở nơi đất bằng, xóm nhà cũ của dân đã tản cư là một bước lớn mạnh của Cách mạng địa phương. Tại đây, Tiểu đoàn 512 sau khi biên chế lại và tăng cường vũ khí như đại liên, trọng liên, súng cối, ĐKZ… một tiểu đoàn đầy đủ hồi tháng 3.1964, đã tổ chức lễ ra mắt gần chỗ tôi ở, có Bí thư Tỉnh ủy đến dự. Tiếng hoan hô, hạ quyết tâm dậy trời, mặc dù trước đó mươi phút, một chiếc do thám “Ba đuôi” bay lượn qua rất thấp; tuy lo, nhưng ai cũng phấn khởi trước sự lớn mạnh của bộ đội tỉnh nhà. Từ đó, Tiểu đoàn 512 còn có phiên hiệu 364 mà khi viết sử “Truyền thống tiểu đoàn” ngót 50 năm sau đó, cuộc tranh cãi lấy phiên hiệu nào mới ngã ngũ. Tấm ảnh dưới đây do anh Bảy Mý chụp tôi, anh Năm Tân và anh Chín Lĩnh là vào thời điểm đó  được in trong kỷ yếu Bưu điện An Giang sau này.

clip_image010

Ngôi nhà (hoang) dân đi tản cư – Nơi đặt Đài Minh Ngữ -  10/1964. Ảnh: Lâm Thành Mỹ.

clip_image012

10/1964.

Tháng 1.1965, Đài Minh Ngữ lại dời về đồng tràm Nê Thum, điểm cũ của Xưởng sản xuất vũ khí thô sơ của huyện Tịnh Biên (B4), gần đội bảo vệ của Xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh do Tư Thạnh (bạn học cùng quê) làm Tổ trưởng. Vì là chỗ ở cũ của  Công trường B4 nên nhà trại còn khá nguyên vẹn, nhất là cái nền đất mà các anh đắp cao khỏi mặt nước làm chỗ đặt ống bễ rèn vũ khí rất tiện lợi. Chúng tôi di chuyển bằng xuồng từ Lương Phi xuống, thấy cơ ngơi gần như còn nguyên vẹn nên chỉ cải tạo sơ sơ là ở, rất ngon lành. Gần chỗ chúng tôi là Đìa Ổi rất nổi danh, nay là chỗ ông Hai Chùa cùng con trai tên Quang đang đóng chốt bảo vệ trên ngọn tràm, cạnh gò đìa có mấy cây ô môi  từ xa dễ nhận biết.

N.M.N.

Comments are closed.