Chuyện chị Thanh Kiều Moeller

Nguyễn Trọng Chức

Gia đình chị Thanh Kiều Moeller sống trong căn hộ penthouse của một khu chung cư ở ngoại vi TP. Singapore. Trong ngôi nhà sang trọng và chất đầy sách này có một thứ đã gắn bó với bà chủ nhà từ nhiều năm qua: các tác phẩm hội họa, nhất là tranh của các tác giả Việt Nam.

Cách trung tâm TP. Singapore khoảng 20 phút xe, khu chung cư The Hillside được xây dựng trên sườn dốc thoai thoải của khu rừng nguyên sinh Bukit Batok nên chim chóc ríu rít suốt ngày còn đám sóc nhỏ thì dạn dĩ di chuyển khắp nơi. Căn hộ trên tầng 10 là địa chỉ liên lạc của gallery K Moeller chuyên về mỹ thuật Việt Nam tại Singapore mà chị Thanh Kiều làm giám đốc.

Chị Thanh Kiều đã có hơn hai thập niên sống ở đảo quốc Sư tử, trước đó là chín năm sống ở Đan Mạch, quê hương của chồng chị – ông Jorgen Oerstroem Moeller, người đã gắn bó với chị từ năm 1989, kết quả của một mối tình như trong tiểu thuyết!

Tình yêu với ông Thứ trưởng Ngoại giao

Ngày ấy, Thanh Kiều là hướng dẫn viên của Công ty du lịch Saigontourist. Bà mẹ trẻ sau một lần dang dở thường phải gửi hai con nhỏ (1) vì bận túi bụi với những chuyến đi xa. Với vốn tiếng Anh thời học đại học, cô được phân công hướng dẫn các đoàn khách nước ngoài bắt đầu kéo đến Việt Nam kể từ sau đổi mới, mở cửa. Có lần, vào năm 1986, cô được công ty giao nhiệm vụ hết sức quan trọng: đưa một vị khách đặc biệt thăm thú đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày ấy, ông Joergen Oerstroem Moeller là vị Thứ trưởng Ngoại giao trẻ nhất của Đan Mạch, do mải mê công việc nên tuổi quá bốn mươi mà vẫn sống độc thân. Lần đến Việt Nam trước đó, ông được các đồng sự ở sứ quán tại Hà Nội mách bảo nên đi thăm miền Nam. Cô hướng dẫn khả ái, mái tóc dài quá vai, hiểu biết rõ vùng đất Nam bộ, nói năng dịu dàng, lịch thiệp đã khiến vị thứ trưởng “phải lòng” lúc nào không hay. Những ngày du lịch rồi qua mau, nhà ngoại giao phải từ biệt cô hướng dẫn mà một phần hồn của ông như đã để lại đất nước này. Tất nhiên Thanh Kiều hoàn toàn không hay biết mình đã “hớp hồn” vị khách phương xa. Công việc tiếp tục cuốn cô đi… Sau một chuyến đi hơn nửa tháng, dẫn một đoàn khách Mỹ thăm đất nước Khmer, trở về Sài Gòn cô được cấp trên giao ngay công tác mới. Mệt mỏi, lại nghĩ phải tiếp tục xa con, cô phản ứng, không nhận. Thế nhưng quyết định của cấp trên là không thay đổi, bằng ngược lại cô sẽ bị đình chỉ công tác! Hóa ra, như lời bà trưởng phòng, lần này vị khách nước ngoài của công ty – lại là ông Thứ trưởng Ngoại giao Đan Mạch năm ngoái – yêu cầu đích danh cô làm hướng dẫn viên cho ông ta.

Thanh Kiều buộc phải nhận công tác nhưng trong lòng hết sức bực bội ông khách… ác ôn. Hôm ra đón ông Moeller ở sân bay, cô còn khó chịu hơn nữa vì cái bắt tay chẳng chút lịch sự nào của ông, thậm chí chỉ vừa chạm vào đã rụt ngay về như thể chạm vào lửa. Mãi về sau, khi hai người đã yêu nhau, cô mới được ông cho biết nguyên nhân của cái bắt tay lạnh lẽo ấy: do ông run lên vì cảm xúc khi gặp lại người mình thầm yêu trộm nhớ, đến mức gần như… tê liệt khi đứng trước mặt cô, cất tay lên không nổi nói chi bắt bớ! Và rồi trong chuyến đi ấy, vào một đêm trăng sáng trên bãi biển Non Nước (Đà Nẵng), khi chỉ có hai người và ánh nguyệt vằng vặc, ông thu hết can đảm tỏ tình với cô dù đã biết rất rõ hoàn cảnh sống một mình nuôi hai con nhỏ của cô. Có là gỗ đá thì cô hướng dẫn viên mới không xúc động trước một tình yêu như thế, lại từ một nhân vật như thế. Đó là vào tháng 3-1987.

Đến tháng 3-1989, họ mới quyết định đi đến hôn nhân khi ông Moeller trở lại Việt Nam. Lúc bấy giờ, việc kết hôn với người nước ngoài không hề đơn giản, cho dù là với một quan chức cấp cao. Nhưng Chính phủ và Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã lo liệu mọi thủ tục cần thiết với phía Việt Nam để vị thứ trưởng lấy được vợ. “Đôi trẻ” đã làm lễ cưới ở chùa Xá Lợi sau khi đăng ký kết hôn ngay tại trụ sở Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Ngày đám cưới, do không chuẩn bị gì trước nên chú rể không có áo vét, chẳng có cả giày bởi đi du lịch nên chỉ mang xăng-đan, muốn mua giày đúng cỡ chân thì tìm khắp Sài Gòn không có!

Và tình yêu với hội họa

Trong ngôi nhà ở Singapore có hai bức tranh, một lụa một sơn dầu vẽ khá chắc tay, mà tác giả không phải là họa sĩ đã thành danh, cũng chẳng phải các nghệ sĩ trẻ nhiều hứa hẹn vốn được chị Thanh Kiều rất chú tâm giới thiệu họ tại các triển lãm, hội chợ nghệ thuật… ở nước ngoài thông qua gallery K Moeller. Gạn hỏi mãi, bà chủ mới tiết lộ đó là hai “tác phẩm đầu tay” của chính mình. Câu chuyện lại trở về một thời thiếu nữ xa xưa…

Ngày ấy, thời còn đi học Thanh Kiều đã say mê hội họa, từng nuôi ước mơ trở thành họa sĩ. Hơn nữa, chị còn có những “rung động đầu đời” dù chỉ thoáng qua với một họa sĩ trẻ. Chính tình yêu hội họa là cơn cớ để khi gia đình chị rời Đan Mạch đến Singapore cư trú, Thanh Kiều đã lần nữa chạm tay vào tranh, nhưng lần này chị không vẽ mà làm chiếc cầu nối đưa tranh các họa sĩ Việt Nam đi xa: “Tôi muốn đưa tranh Việt Nam đến nhiều nước để người dân ở đó xem và cảm nhận được những gì người Việt chúng ta đã cảm nhận, qua đó họ cùng chia sẻ với chúng ta sức mạnh và niềm vui sống, cùng với chúng ta khám phá Việt Nam”. Sau khi rời chức vụ thứ trưởng, lẽ ra ông Joergen Oerstroem Moeller được quyền chọn một cường quốc như Mỹ để làm đại sứ nhưng điểm đến của ông lại là Singapore. Lý do: người vợ yêu của ông sau nhiều lần ghé thăm Singapore đã rất thích cuộc sống yên bình mà lại gần gũi với Việt Nam, vả chăng từ đây về đến quê nhà của chị không bao xa. Ông Moeller đã trải qua hai nhiệm kỳ đại sứ tại Singapore trước khi về hưu sớm để làm công tác nghiên cứu, giảng dạy đại học tại đây (2).

“Thật may mắn cho tôi khi có một ông chồng đã hết lòng hỗ trợ cho vợ trong công việc”, chị Thanh Kiều nói, “anh Joergen cũng biết hết những vất vả và khó khăn của tôi khi đưa tranh Việt Nam sang Singapore, Malaysia… kể cả lần tôi mất trắng mấy chục nghìn đô khi tổ chức lần đầu tiên một cuộc triển lãm ở Sing vì nhiều lý do, có cả sự thiếu kinh nghiệm”. Đều đặn như con thoi, chị đi đi về về đất nước, tìm kiếm các họa sĩ và tác phẩm của họ mà theo chị đánh giá có khả năng lọt vào mắt xanh giới sưu tập và kinh doanh tranh ở khu vực Đông Nam Á. Chị đã tổ chức đến lần thứ sáu triển lãm có tên Một thoáng Việt Nam (A touch of Vietnam) ở Singapore. Trong triển lãm lần 1 (2007), bà Ho Chinh, phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhận lời mời của chị đến cắt băng khai mạc. Lần 2 (2010), một doanh nhân Singapore là “triệu phú bánh bao” (3) Ng Ngeng Hee sau khi sửa chữa ngôi nhà của mình làm bảo tàng tư nhân Black Earth, đã đồng ý tổ chức triển lãm tranh các họa sĩ Việt Nam, lại lo chỗ ăn ở cho họ trong thời gian sang dự triển lãm. Kết quả thành công ngoài mong đợi khi gần hết số tranh đã được bán. Nhờ quan hệ bạn bè thân thiết với ông Ng Ngeng Hee nên chị Thanh Kiều mới thuyết phục được một doanh nhân chưa hề có kinh nghiệm hoạt động mỹ thuật “liều lĩnh” bước vào lĩnh vực này.

Bên cạnh những gương mặt hội họa Việt đã được giới sưu tập Singapore ít nhiều biết đến, chị Thanh Kiều luôn đi tìm những cái tên mới mẻ, những người trẻ mới vào nghề vì đó là cách làm “không ăn vào quá khứ mà hướng đến tương lai” theo lời chị. Mới đây, vào tháng 11-2013, khi sang Singapore hai họa sĩ Hà Nội chuyên vẽ tranh sơn mài là Đoàn Văn Nguyên và Nguyễn Quốc Huy đã được chị “mối lái” với ông chủ Black Earth để ông có thể tổ chức cho họ một triển lãm tranh sơn mài truyền thống Việt Nam trong năm 2014.

Nỗ lực tạo dựng một thương hiệu cho tranh Việt nhưng người phụ nữ say mê nghệ thuật ấy không tránh khỏi những ngậm ngùi. “Dự một số cuộc đấu giá tranh Đông Nam Á và châu Á ở Singapore, Indonesia, Malaysia, tôi buồn quá. Có lúc tranh Việt Nam chỉ được đưa ra cho có, thậm chí làm đệm cho tranh các nước khác; đã vậy giá tranh Việt Nam lại rất thấp so với mặt bằng chung. Khoan nói tới tranh các họa sĩ đương đại Trung Quốc mà giá nay đã lên con số vài triệu USD, tranh Indonesia đương đại cũng cao giá lắm… Ngay tranh các họa sĩ Singapore trước đây chưa từng được định giá cao thì nay đã khác: có bức đã bán được vài trăm ngàn cho tới cả triệu USD. Mình thì cứ lẹt đẹt ở vài ngàn nhiều năm nay. Có lần tôi kinh ngạc khi thấy một cuộc đấu giá ở Larasati, tranh của vài họa sĩ Việt Nam đã rơi xuống mức chỉ còn vài trăm USD!”. Suy cho cùng, những điều chị chứng kiến vẫn là câu chuyện đã được các nhà nghiên cứu mỹ thuật có uy tín nói đến từ lâu: khi trong nước chưa có một thị trường tác phẩm mỹ thuật, chưa có giới sưu tầm, và nhất là chưa có bàn tay bảo trợ, nâng đỡ của nhà nước thì còn lâu lắm giá tranh Việt Nam mới “ngóc” lên được. Trong khi đó, chủ nhân gallery K Moeller cho rằng về chất lượng nghệ thuật, tranh Việt Nam xứng đáng có một vị trí cao hơn nhiều.

***

Khi về hưu, ông Joergen Oerstroem Moeller được tờ Politiken, nhật báo lớn ở Đan Mạch phỏng vấn, trả lời câu hỏi: “Trong sự nghiệp của mình, nếu phải nêu một thành quả lớn nhất thì ông chọn điều gì?”, nhà ngoại giao đáp không chút do dự: “Đó là cô vợ của tôi”. Câu trả lời chắc chắn không mang tính ngoại giao.

————————

(1) Con trai lớn nay là đạo diễn – nhạc sĩ Huy Moeller, người đang thực hiện bộ phim Vũ khúc Đông Dương.

(2) Ông Joergen Moeller hiện là nhà nghiên cứu các vấn đề kinh tế xã hội tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, thành viên của Học viện Ngoại giao Singapore và giáo sư Đại học Quản trị Kinh doanh Singapore và Đại học Kinh tế Copenhagen.

(3) Cơ sở sản xuất bánh bao của ông Ng Ngeng Hee vào cỡ lớn nhất Singapore, mỗi ngày xuất xưởng mấy vạn chiếc bánh bao.

1 (4)

Thanh Kiều và ông Joergen Moeller tại Taj Mahal (Ấn Độ)

Hạnh phúc – bức tranh sơn dầu được chị Thanh Kiều vẽ năm 1971 lúc 17 tuổi

3

Với nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sư Trần Văn Khê (tháng 10-2007)

Tại gallery Black Earth, tháng 11-2013, từ trái sang: Thanh Kiều Moeller, ông Ng Ngeng Hee và hai họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, Đoàn Văn Nguyên (ảnh: NTC)

Comments are closed.