Nguyễn Đình Bổn sinh năm 1962 tại Quảng Nam, sống tại Hậu Giang – Cần Thơ từ 1975- 1994. Từ 1994 sống tại Sài Gòn.
Tác phẩm:
–Đuổi Quỷ (tập truyện, NXB Đồng Nai)
–Tân Liêu Trai (tập truyện, NXB Đồng Nai)
–Giữa Trần Gian và Địa Ngục (tập truyện, NXB Lao Động; NXB Sống – Hoa Kỳ tái bản)
–Phượng Trắng (truyện dài, NXB Kim Đồng)
–Kiều (NXB Sống – Hoa Kỳ)
–Mút mùa lệ thủy (truyện dài – sẽ phát hành 1.2015 – NXB Trẻ)
(Chân dung: Ký họa của họa sĩ Trần Tuy)
CON SẺ HÓT TIẾNG HỌA MI
Truyện ngắn
Nguyễn Đình Bổn
Tranh: Đám ma chim (Trần Trung Tín)
Anh giỏng tai, hết sức chú ý lắng nghe. Rõ ràng là tiếng họa mi. Lần này thì không thể nhầm lẫn nữa. Thật nhẹ nhàng anh rời khỏi giường, len lén đi về phía cửa sau, tai vẫn hết sức lắng nghe tiếng “đi gió” đặc thù chỉ riêng loài chim hót nổi tiếng này có được. Nép sau cánh cửa trên gác, anh nhìn về phía phát ra âm thanh ấy. Và đúng như anh nghi ngờ: trên một cây ăng ten truyền hình còn sót lại của nhà bên cạnh, “nó” đang đứng phồng cổ hót. Kỳ lạ thay, “nó” không phải là một con họa mi, nó chỉ là một con chim sẻ!
***
Anh đã có một thời mê chim hót như mê gái. Lúc đầu thích nghe tiếng chích chòe nên mua vài con “than” về nuôi. Sau đó muốn nghe giọng “suối reo, thác đổ” của rừng miền Đông anh lại mua thêm vài con “lửa” với những cái đuôi dài thậm thượt. Rồi khướu, rồi vành khuyên, sơn ca, yến hót… và cuối cùng dừng lại ở giống chim mà cả anh và những tay chơi kỳ cựu đều chung nhận xét: vua của các loài chim hót – họa mi!
Nói chung chơi chim, cũng như “chơi” những thứ khác, nó cũng có đầy đủ hỷ nộ ái ố của thú đam mê. Sáng sớm vọt xe đi mua cào cào, hửng nắng lên thì mang chim ra tắm, hốt cứt chim, tối trùm áo cho chim ngủ… thôi thì trăm thứ nhiêu khê khổ ải… chỉ để nghe được giọng hót mê ly của các… chàng (các loài chim mái phần lớn không hót, họa mi thì càng không).
Mà quả thật tiếng hót họa mi vô cùng đặc biệt. Với những giống chim khác nuôi lâu ngày, ví dụ như chích chòe, bạn có thể biết trước được giai điệu, tiết tấu, âm vực… mà con chim đang và sẽ hót, với họa mi thì không. Họa mi có thể bất ngờ vút lên một chuỗi âm thanh lảnh lót, sau đó hạ xuống một nốt trầm như vực thẳm, rồi tiếng “đi gió” trong những trưa vắng như thầm thì, nỉ non, ru ngủ… Nếu có nhiều lồng chim để cách nhau một khoảng cách vừa phải, và không nhìn thấy nhau, các con chim sẽ đua nhau trổ tài, và lúc ấy dù có thể hai, ba hoặc nhiều con cùng hót nhưng đó không phải là những âm thanh trùng lặp, hổn loạn mà nó giống như một dàn nhạc đang hòa tấu một cách có chủ đích. Buổi sáng họa mi thường cất tiếng rất sớm, khi những tia sáng đầu ngày chưa hình thành. Còn với riêng anh, tiếng chim chiều mới là tiếng hót hay thăm thẳm. Những buổi chiều khi nắng đã dần phai, lúc đó ngồi một mình anh có thể hoàn toàn chìm đắm vào âm thanh của đàn chim trong lồng. Tiếng hót lúc đó da diết một cách tổn thương. Ôi, tiếng chim trong lồng! Những âm thanh hoang dã hay chỉ là ẩn ức, đè nén trong ngục tù vàng son thừa mứa. Vậy sao anh không thả cho chúng bay xa?
Thực ra không thể thả một con chim đã nuôi lâu đến có thể cất tiếng hót trong lồng bởi khi ấy chim đã hoàn toàn phụ thuộc vào chủ. Một con chim cảnh sổ lồng cũng đồng nghĩa với việc sẽ mất mạng vì đói khát hay làm mồi cho đám mèo hoang rình rập trên những nóc nhà thành phố. Nhưng rồi có một ngày anh đã ứa nước mắt thả gần hết đàn chim, trong đó có những con họa mi yêu nhất của mình. Anh nhớ hôm đó là một ngày chuyển mùa.
Những cơn mưa cuối tháng tư bắt đầu xua tan cái ngột ngạt của những ngày nắng nóng phương nam. Anh chạy xe đi đâu đó qua những con đường ngập sắc đỏ của “cờ chiến thắng” trong một tâm trạng trống rỗng tuyệt vọng. Rồi anh dự tính ghé nhà một người bạn ở gần ga Sài Gòn, người bạn đó cũng là một bậc thầy về chim hót để mong giải tỏa bớt cái tâm trạng u uất của mình. Thế nhưng ngay lúc đó anh nghe cái điện thoại trong túi mình đổ chuông. Cẩn thận tấp xe vào lề, lấy điện thoại ra và nhìn thấy tên người gọi là vợ mình. Bật điện thoại anh nghe tiếng cô hốt hoảng: “Anh về mau, nguy rồi. Người ta đang tới bắt hết chim rồi anh ơi!”. Anh mau chóng hiểu ra mọi sự và quay đầu xe, phóng vùn vụt về nhà. Cả tuần nay báo chí nói về dịch cúm gia cầm và việc chính quyền thành phố sẽ tiêu hủy tất cả những vật nuôi có cánh trong khu vực nội đô. Nhưng anh và các bạn mình không nghĩ họ sẽ tiêu hủy cả chim cảnh vì không tin với điều kiện nuôi nhốt từng lồng riêng biệt và chăm sóc kỹ càng, chim cảnh có thể lây H5N1.
Khi anh về đến nhà, anh đã thấy lố nhố trước sân có rất nhiều người đàn ông trong đó có cả công an khu vực. Anh quăng xe, lao vào trong sân và bàng hoàng nhìn thấy họ đã lấy rất nhiều lồng chim của mình xuống, đặt trên mặt sân và đang bắt một số chim ra. Bày ra trước mắt anh là một cảnh tượng kinh hoàng. Một cái bao loại 50 kg đựng vôi bột mở sẵn, trong đó đã có một số con chim của anh bị bẻ cổ, bẻ cánh nằm giãy dụa. Gần như bất chấp sự đông đúc của những người xung quanh, anh lao tới những lồng chim vẫn còn xao xác tiếng chim hốt hoảng và giật tung cửa lồng, bẻ gãy các nang tre cho các cánh chim vút bay vào vùng tự do trước sự thảng thốt của đám người nhân danh thi hành công vụ….
Sau sự cố kinh hoàng ấy, anh buồn kinh khủng. Trong cái không khí hốt hoảng đầy huyễn tưởng của cả nước về một đại dịch kinh hoàng có khả năng xóa sổ hàng triệu người, anh cũng không chắc là hành động của mình hôm đó đúng hay sai nhưng bạn bè chơi chim của anh rất nhiều người đã phản ứng tương tự như vậy. Một tháng rồi vài tháng trôi qua, đại dịch đã không xảy ra. Người ta đã bắt đầu ăn thịt gia cầm trở lại. Những ai kịp đem giấu các lồng chim cảnh vào một nơi bí mật nào đó giờ không thấy chính quyền đả động gì nữa lại rụt rè mang ra để nghe chim hót. Chỉ có bầy chim của anh là hoàn toàn tuyệt tích. Những con chim đã chết thì không nói, những con được tháo củi sổ lồng cũng tuyệt mù không biết số phận ra sao bởi anh biết Sài Gòn không phải là vùng đất mà họa mi có thể sinh sống tự nhiên và sợ rằng những con chim kia đã làm mồi cho mèo hoang hoặc chết đói…
Thế nhưng một buổi sáng, đang ngồi một mình uống cà phê quán cóc đầu hẻm thì anh thấy vụt qua mắt mình một đôi cánh chao sát xuống vệ đường. Rồi một con chim lao xuống, đuổi theo con gián đang bò trên nắp cống. Anh gần như đứng bật dậy nhìn theo. Đó là một con họa mi nhưng cực kỳ xấu xí vì ốm đói. Khi con chim nhảy lò cò đuổi theo con gián, anh nhìn thấy rõ nó run rẩy trong cơn tuyệt vọng vì miếng mồi đang dần tuột khỏi tầm mắt. Con gián đã chui tọt vào ống cống!
Anh quan sát con chim. Nó đã hoàn toàn trụi lông, giờ đây đầu nó nhô ra một cái sọ tròn như viên bi ngà ngà trắng. Lông bụng cũng rụng gần hết kéo dài đến đùi làm đôi chân khẳng khiu của nó càng ốm yếu. Có vẻ như nó đang kiệt sức. Thế nhưng khi anh tiến lại gần, nó cảnh giác vỗ đôi cánh xác xơ, bay lên bụi sơ ri rậm rạp của nhà bên cạnh. Anh trả tiền cà phê, vào nhà lấy xe chạy nhanh qua nhà người bạn và mượn một cái lồng bẫy sau đó ghé Ngã Sáu mua một bịch cào cào. Anh biết con chim đang kiệt sức vì đói và nó sẽ không bay đi xa. Đúng như dự đoán, khi nhìn thấy những con cào cào mơn mởn treo trên cành sơ ri, con họa mi ốm đói lao vào và sập bẫy.
Những ngày sau đó, bằng tất cả kinh nghiệm nuôi chim của mình, anh cố gắng cứu mạng sống của nó. Cào cào non, sâu qui, gạo trứng… liên tục được bồi dưỡng và con chim cũng dần hồi sức. Khi mùa mưa dần qua, nó đã có thể mở miệng hót lên vài giai điệu. Anh nghe tiếng hót rất quen, như thể nó là một trong những con chim anh từng thả ra, nhưng cũng không chắc chắn là hoàn toàn đúng. Thế nhưng dù có bồi dưỡng toàn những món mồi béo bở cho chim, ngay cả chịu tốn tiền mua liu điu cho nó ăn hằng ngày, lông đầu và bụng của nó vẫn không thể mọc ra, thành ra có thể xem nó là một con họa mi cực kỳ xấu xí. Bù lại con chim càng ngày càng siêng hót và chừng ba tháng sau ngày nó được cứu sống và tiếp tục cuộc đời trong những nan lồng, nó bỗng dưng trở thành một con chim đặc biệt, khi mà bất kể lúc nào, trừ khi nó ngủ, hễ anh mở áo lồng ra là nó cất giọng. Mà cái giọng sau khi phục sinh này mới thật là độc đáo. Chỉ trừ khi nó nhấm nháp vài miếng mồi hay chút nước, còn tất cả thời gian hầu như nó dành để hót. Lên bổng, xuống trầm, du dương, réo rắt. Đôi lúc như tiếng thét gào, có khi chỉ là những âm thanh thầm thỉ… Cứ vậy, tiếng hót cứ tuôn ra từ cái mỏ nhỏ kia tưởng chừng như suối chảy, giờ này qua giờ khác, liên tu bất tận làm kinh ngạc tất cả những người sành sỏi về thú chơi chim.
Sợ con chim kiệt sức, anh chỉ có cách trùm kín áo lồng, đem treo vào nơi ít ánh sáng để nó ngỡ trời đã tối mà nằm im nhưng chỉ được vài bữa, ngay cả trong bóng tối nó vẫn cứ hót. Thật ra đôi khi đó không phải là tiếng hót, mà là những tiếng kêu gào lanh lảnh, như thể muốn thoát ra, tháo cũi sổ lồng thêm một lần nữa hay là tiếng gọi đàn từ trong sâu thẳm của bóng đêm? Khi đó vợ anh cũng vừa sinh đứa con đầu lòng, nhà thì chật mà tiếng chim lại cứ lảnh lót làm đứa bé cứ giật mình thảng thốt. Anh đang làm việc tại một chi nhánh của một tờ tạp chí, ông sếp, là một nhà thơ cũng dễ tính và chỗ thân tình, nên khi anh ngỏ lời muốn mang con chim tới treo tại chỗ làm, sếp gật đầu, còn nói: “Có tiếng chim còn vui chứ sao”.
Đến nơi ở mới, con chim ít hót vài ngày làm anh cũng mừng nhưng rồi một tuần sau mỗi khi mở áo lồng là nó lại líu lo suốt buổi. Tòa soạn cũng khá rộng, nhân sự lại ít vì chỉ là một tạp chí chuyên ngành nên cũng không có vấn đề gì, thậm chí tiếng chim còn làm vui hơn, như ông sếp nói, cho những tâm hồn đôi khi khô cằn vì sách.
Một hôm có một nhà thơ từ hải ngoại về ghé thăm sếp anh để bàn chuyện xin giấy phép in cho ông ta một tập thơ phát hành trong nước. Anh có đọc nhà thơ này và đây là một trong những thi tài mà anh ngưỡng mộ. Ông đã rất nổi tiếng từ trước năm 1975 và sau khi sống lưu vong tại hải ngoại vẫn tiếp tục bền bĩ viết và cách tân thơ mình nên được rất nhiều bạn đọc mến mộ. Dĩ nhiên anh rất vui khi được trực tiếp gặp gỡ và tiếp chuyện với một nhà thơ đã biết tiếng từ lâu. Ông sếp, anh và nhà thơ nói chuyện rất thân tình.
Đó là một người đàn ông khá điềm đạm, ăn nói nhỏ nhẹ. Đang lúc đó thì con họa mi cất tiếng. Nó bắt đầu bằng một tràng lảnh lót, sau đó chuyển giọng kim rồi trầm giọng thổ. Chỉ một mình nó nhưng như thể có vài ba con cùng hót. Lồng chim treo ở hành lang khá gần nên làm khách chú ý. Nhà thơ dừng nói, im lặng lắng tai nghe. Con chim vẫn cứ mê mải hót, chắc nó không hề biết mình vừa cắt ngang một cuộc đàm luận thanh cao về tương lai của nền thi ca dân tộc. Nhà thơ bỗng hỏi: “Tấn (tên sếp anh) nuôi con chim gì mà hót hay vậy?”. Sếp nhìn qua anh: “Dạ, chim của Bình nuôi, không phải của em”. Nhà thơ nhìn anh: “Hót hay quá, chim gì vậy Bình?”. “Dạ, là họa mi đó anh”. Anh trả lời nhà thơ, lòng hơi hụt hẫng chút xíu vì anh nhớ từng đọc một bài thơ của chính ông nói về tiếng chim họa mi. Hóa ra ông cũng chỉ là tưởng tượng chứ chưa nghe tiếng họa mi bao giờ. Chim vẫn hót, nhà thơ vẫn say sưa nghe, anh và sếp ngồi yên, không biết nói gì. Rồi nhà thơ bỗng đề nghị: “Hay là Bình mua giúp anh vài con như vậy, anh lén đem về Mỹ nuôi nghe nó hót chơi”. Anh suýt phì cười vì sự ngây thơ của nhà thơ. Đem một con chim hoang dã từ khu vực có cúm gia cầm về Mỹ. Có mà ở tù mục xương.
Sau chuyến thăm của nhà thơ một thời gian, một sáng thứ hai anh đến tòa soạn làm việc như thường lệ. Hôm đó anh được giao biên tập một cuốn sách nên mê mải làm đến gần trưa mới giật mình nhớ là không hề nghe tiếng chim quen thuộc. Khi anh vội vã ra hành lang, nhắc cái lồng xuống thì thấy con họa mi đã nằm cứng đơ trên tấm lót đáy lồng. Chắc nó chết từ đêm qua. Hai bên mép ứa máu đầy kiến bu…
***
Đã gần mười năm trôi qua. Giờ anh đã thôi làm việc tại chỗ cũ và cũng dời nhà ra một quận ngoại thành. Hai đứa con ra đời, lớn lên, học hành… đã làm anh không còn thời gian cho thú chơi chim xa xỉ. Thỉnh thoảng đi ngang qua những tiệm bán chim cảnh, anh dùng dằng chạy xe thật chậm, tai vểnh lên còn lòng bồi hồi khi nghe những âm thanh quen thuộc. Nhưng cũng như tình yêu, có sâu đậm mấy lâu dần rồi cũng quên, anh không còn có ý muốn khi rảnh rỗi lại mua chim về nuôi nữa, cho đến những buổi trưa vừa qua, khi lại nghe tiếng “đi gió” của loài chim một thời anh đắm say… Anh tưởng đó là một con họa mi sổng chuồng của ai nhưng cuối cùng phát hiện ra nó chỉ là một con chim nhại. Lại cũng như tình yêu văn chương, cái hay của thiên hạ không phải cái hay của mình khi lặp lại. Anh vung tay, liệng viên gạch vỡ. Con chim bay vụt đi. Anh chẳng còn tâm trạng tò mò cũng như hứng thú nghe nó hót nữa. Dù tiếng “đi gió” đó giống đến nỗi làm lòng anh cồn lên bao kỷ niệm nhưng đó chẳng qua chỉ là tiếng nhại giọng của một con chim sẻ…
(Rút từ tập KIỀU– NXB Sống- Hoa Kỳ, 2014)